Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/04/2017

Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay : về cách làm tạp chí trong nước, so sánh với bên ngoài

Ý kiến của Hoàng Văn Chung (thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện HLKHXHVN).

Đã lên mạng từ năm 2013, lúc tác giả còn là nghiên cứu sinh.



---



Thứ hai, 7/1/2013 | 10:08 GMT+7
|


Cách thức và quy trình làm việc ở các tạp chí lâu nay của Việt Nam là một trong những nguyên nhân hạn chế việc xuất hiện các nghiên cứu trong nước trên các tạp chí học thuật quốc tế.

Các thảo luận trước nêu các vấn đề lớn như môi trường làm việc chưa phù hợp, kinh phí cho nghiên cứu hạn hẹp và ít khả năng tiếp cận các nghiên cứu ngoài nước, khiến các nhà nghiên cứu trong nước có ít bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Tuy thế, theo anh Hoàng Văn Chung, nghiên cứu sinh ngành Nhân học, Trường Đại học La Trobe, Melbourne, Australia, một nguyên nhân đáng chú ý nữa hạn chế việc xuất hiện của các nhà nghiên cứu trong nước trên các tạp chí khoa học thế giới là do cách thức và quy trình làm việc tại các tạp chí phổ biến lâu nay trong nước.
Những thông tin dưới đây dựa vào kinh nghiệm của anh từng làm việc cho một tạp chí khoa học trong nước nhiều năm và bản thân vừa có bài đăng tạp chí khoa học quốc tế.
Chuyện ở ta
Đối với các tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cho đến giờ quy trình phổ biến để một bài báo - đồng nghĩa với một công trình nghiên cứu khoa học - được đăng, vẫn là như sau: Trước tiên tác giả gửi bài đến tạp chí, chủ yếu dưới dạng file hoặc bản in từ máy tính thông qua bưu điện hoặc trực tiếp tác giả tới tòa soạn. Sau đó Ban biên tập sẽ xử lý các phần việc như đọc tổng duyệt để quyết định đăng được hay không, giao cho biên tập viên xử lý nội dung, hiệu đính thông tin và tài liệu trích dẫn, cuối cùng đọc duyệt lần cuối trước khi giao cán bộ kỹ thuật chỉnh sửa hình thức và tiến hành in.
Mặc dù các tạp chí đều có Hội đồng biên tập hoặc Hội đồng tư vấn khoa học, nhưng họ thường một năm chỉ gặp mặt một lần vào dịp họp cộng tác viên. Về phía tác giả, ngoài việc gửi bài đến tạp chí thì hầu như không tham gia và cũng không quan tâm hay can thiệp gì vào các khâu còn lại. Sau khi bài đăng, tác giả được trả nhuận bút và một cuốn tạp chí biếu. Cả thời gian gửi và đăng nhanh có thể là một tháng, lâu là một năm. Như thế, tính từ khi gửi bài đi, trách nhiệm của người viết gần như chấm dứt, phần việc còn lại là của ban biên tập.
Hơn nữa, đôi khi tạp chí còn đặt tác giả viết bài chuyên biệt về nội dung cụ thể liên quan đến số báo đó. Trong trường hợp đó, việc quan trọng cần tác giả viết bài để có đủ bài đăng. Cách làm phổ biến này có lẽ chỉ còn độc nhất ở Việt Nam, về cơ bản giống với cách làm của các tạp chí giải trí (magazine) chứ không giống cách làm của các tạp chí học thuật quốc tế uy tín (journal) áp dụng.
Nhiều tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn vài năm qua nâng từ 3 tháng/1 số lên 1 tháng/1 số. Về mặt số lượng bài báo được đăng tải rất ấn tượng, đáng để các tạp chí học thuật quốc tế "ghen tị". Nhưng chất lượng còn nhiều điều phải bàn.
Kinh nghiệm của tôi là biên tập viên tạp chí cho thấy rất nhiều trường hợp khi gửi bài tác giả không quan tâm đến việc có tuân theo văn phong, kiểu phông chữ, cách trích dẫn theo quy định đặc thù của tạp chí mình hướng đến hay không. Bên cạnh đó, quá nhiều bài báo trích dẫn rất ít các nguồn tài liệu, nếu trích dẫn cũng chưa phải là các nguồn tài liệu uy tín và chất lượng nhất.
Tư duy của các bài báo như thế vẫn chủ yếu bám vào mô hình quen thuộc của thực trạng và giải pháp, hoặc là minh họa cho tính đúng đắn của chủ trương, chính sách mà ít mang tính phê phán, phản biện (ở đây tôi muốn nói đến phê phán với nghĩa là động lực cho phát triển). Khá nhiều bài yếu về logic khoa học, kém về khả năng khái quát thực tế, đặc biệt ít có tham khảo tới các nguồn tài liệu nước ngoài, ít bài viết nổi bật lên với cách tiếp cận mới, cách lí luận mới, và những khái quát sâu sắc. Nhưng chúng vẫn được chỉnh sửa và đăng vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả dẫn đến kết quả không tốt như một học giả nước ngoài từng nhận xét là đọc công trình của tác giả Việt Nam rất khó trích dẫn.
Chuyện ở xứ người
Đối với tạp chí học thuật quốc tế, việc gửi đăng một công trình khoa học có quy trình thường thấy như sau: Trước tiên tác giả tìm hiểu kỹ thứ hạng và uy tín học thuật của tạp chí, văn phong và các yêu cầu cụ thể về trích dẫn hay số lượng chữ. Sau khi công trình gửi tới thông qua hệ thống website của tạp chí, ban biên tập sẽ đọc duyệt nhanh để trả lời là công trình được đăng tải hay không. Một công trình gây sự chú ý phải là các ý tưởng hay phát hiện mới kèm theo nền tảng lý thuyết vững chắc.
Nếu có khả năng đăng tải, công trình sẽ được gửi tới ít nhất là 3 peer reviewers (là những người đọc phản biện vốn có kiến thức vừa sâu vừa rộng, gần với chủ đề của công trình). Nếu 2 trong 3 người phản biện đồng ý bài đăng, ban biên tập sẽ liên hệ với tác giả đề nghị chỉnh sửa, bổ sung hay làm rõ những điều người đọc phản biện chuyên sâu trong báo cáo gửi ban biên tập. Nếu tác giả đồng ý phần lớn các đề nghị đó, bài viết sẽ được đọc và biên tập bởi biên tập viên của tạp chí rất kỹ lưỡng. Phản hồi của biên tập viên cũng sẽ được gửi cho tác giả. Trong trường hợp tác giả chỉnh sửa quá nhiều sau lần góp ý đầu tiên, ban biên tập sẽ gửi đi phản biện thêm một vòng nữa.
Cho tới nay, mô hình phổ biến nhất là các tạp chí sử dụng người đọc phản biện là các tình nguyện viên, tức là không trả một đồng lương nào cho họ. Do đó, thời gian 6 tháng hoặc 1 năm, tạp chí mới nhận phản hồi từ họ. Điều này khiến một công trình khoa học từ lúc gửi tạp chí đến lúc đăng mất khoảng 2 hoặc 3 năm là chuyện không hề hiếm, bài vừa gửi mà đăng ngay là chuyện khó.
Trong quá trình bài báo chỉnh sửa theo ý của ban biên tập và các người đọc phản biện, tác giả phải làm việc rất nhiều. Việc giao tiếp giữa tác giả và ban biên tập cũng diễn ra khá thường xuyên. Bản thân tác giả sẽ được lợi vì công trình nhận được góp ý và giám sát bởi nhiều bộ não khác nhau và từ các góc độ chuyên môn khác nhau. Từ góc độ này, tác giả là người cần tạp chí hơn là tạp chí cần tác giả. Khi tạp chí đăng bài không hề có nhuận bút cho tác giả. Uy tín của tạp chí học thuật thường dựa vào thứ hạng nó có được và việc đo thứ hạng đó dựa nhiều vào tần suất các công trình đăng tải được trích dẫn trên phạm vi quốc tế.
Tôi cho rằng cơ chế và quy trình làm việc khác nhau cũng hạn chế việc các tác giả công trình khoa học trong nước có bài đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế. Để tạo điều kiện cho tác giả trong nước góp thêm nhiều tiếng nói ở môi trường học thuật quốc tế, theo tôi cần nhanh chóng thay đổi thói quen và cách thức làm việc lâu nay của các tạp chí khoa học trong nước, cũng như nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn làm tạp chí học thuật phổ biến ở mức độ quốc tế. Nguyên tắc làm khoa học ở đâu cũng thế, chỉ khi nào đứng cùng một nền tảng kiến thức và ngôn ngữ, cùng một cách thức làm việc, thì mới có thể cùng tham gia vào thảo luận.
Hoàng Văn Chung
Mời các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm đăng trên tạp chí quốc tế trong diễn đàn "Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", bằng cách dùng box "Ý kiến của bạn" hoặc gửi thư tới Khoahoc@vnexpress.net

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cach-lam-tap-chi-trong-nuoc-han-che-cong-bo-quoc-te-2410074.html


---

CẬP NHẬT THÔNG TIN MỚI

.

1.

Thứ Hai, 08/05/2017 - 07:29

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Nghiên cứu khoa học của Việt Nam có thể vượt qua giới hạn quốc gia

Dân trí Nếu Việt Nam ta có nghiên cứu tốt, có phương thức xuất bản chuẩn mực, thì thông tin khoa học và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu vẫn có thể vượt qua giới hạn quốc gia.

Tại Việt Nam, sau một năm thử nghiệm, hệ thống dữ liệu trích dẫn khoa học Việt Nam (V-CitationGate) đã có thể cung cấp một số chỉ số ban đầu, hỗ trợ việc tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của các lĩnh vực.
Để rõ hơn vấn đề này, PV đã có trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia HN người hướng dẫn triển khai ý tưởng.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Liên hệ mật thiết với công bố quốc tế, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
PV: Được biết GS là một trong những người tiên phong cổ súy cho văn hóa công bố quốc tế ở nước ta. Tại thời điểm hiện nay, cộng đồng khoa học đang hướng đến công bố quốc tế, sao GS lại quan tâm đến công bố trong nước?
GS Nguyễn Hữu Đức: Tôi rất vui vì trong những năm qua vấn đề công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế đã được cộng đồng quan tâm và văn hóa công bố quốc tế đã được chú ý tại nhiều cơ sở nghiên cứu và trường đại học trong cả nước. Nhưng chúng ta vẫn đang còn một khoảng trống cơ bản, gần gũi và thiết thực hơn. Đó là vấn đề công bố khoa học trong nước.
Vấn đề này hoàn toàn có thể chủ động được, nhưng thực tế như thế nào? Hiện nay chúng ta chỉ có thể thống kê số lượng bài báo nhờ tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở gửi lên, còn chất lượng thì được đánh giá chủ quan theo phương pháp chuyên gia. Việc thống kê và phân tích đang rất bất cập.
Chúng tôi muốn khảo sát và từng bước hỗ trợ, hợp tác xây dựng hệ thống tạp chí để Việt Nam có một cơ sở dữ liệu khoa học phong phú và tin cậy, từng bước hội nhập bình đẳng với thế giới, đặc biệt về các tư liệu nghiên cứu Việt Nam học đương đại. Công bố trong nước không tách rời mà có liên hệ mật thiết với công bố quốc tế, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Website của hệ thống V-CiatationGate
Website của hệ thống V-CiatationGate
PV: Vậy thông tin vui từ các phân tích đầu tiên của hệ thống thể hiện như thế nào, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Hệ thống V-CitationGate hiện nay mới kết nối được 52 tạp chí trong nước với khoảng 25 nghìn thư mục (xem https://vcgate.vnu.edu.vn). Đây là các tạp chí có trang web tương đối chuẩn mực, metadata của các bài báo có thể được nhận diện ít nhất bởi Google Scholar và hệ thống của chúng tôi.
Cũng như cách tiếp cận của ISI và Scopus, hệ thống này không chỉ đề cập đến số lượng bài báo, tác giả, địa chỉ cơ quan, mà đặc biệt quan tâm số lượng trích dẫn của các bài báo này. Kết quả bước đầu cho thấy, thống kê các bài báo công bố trên 52 tạp chí của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2016 đã có tổng cộng 7.126 lần trích dẫn từ trong và ngoài nước, trong đó 3378 lần được trích dẫn (chiếm 48%) từ các tạp chí thuộc hệ thống ISI và Scopus.
Một số bài báo xuất bản trên các tạp chí này có số trích dẫn rất cao. Ví dụ như bài báo “Silver nanoparticles: synthesis, properties, toxicology, applications and perspectives” của nhóm tác giả Trần Quang Huy đăng trên tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology có 257 trích dẫn.
Rõ ràng, nếu Việt Nam ta có nghiên cứu tốt, có phương thức xuất bản chuẩn mực, thì thông tin khoa học và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu vẫn có thể vượt qua giới hạn quốc gia.
Đã có 4 tạp chí của Việt Nam gia nhập được hệ ISI hoặc/và Scopus.
PV: Trong khi chờ một số lượng thư mục lớn hơn nữa để có đánh giá tổng quát hơn về tình hình công bố trong nước, GS có thể thông tin cụ thể hơn về chất lượng của các tạp chí khoa học của Việt Nam?
GS Nguyễn Hữu Đức: Chất lượng của một tạp chí cần được đánh giá đầy đủ bởi các tiêu chí theo thông lệ quốc tế, từ tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và xuất bản, đến mức độ đa dạng về địa lý của ban biên tập, phản biện, tác giả… Nhưng tiêu chí cơ bản, trực tiếp hơn cả vẫn là mức độ được đón nhận và sự tin cậy của cộng đồng khoa học.
Theo đó, số lần trích dẫn (cited times) và chỉ số ảnh hưởng (impact factor) đang được sử dụng phổ biến. Chỉ số ảnh hưởng của một tạp chí thường được tính theo số liệu trích dẫn trong 3 năm gần nhất.
Đối với các tạp chí của Việt Nam, do có những hạn chế riêng, chúng tôi đang tính theo số trích dẫn trung bình trong vòng 10 năm. Theo đó, Việt Nam đang có 19 tạp chí đã có tổng chỉ số trích dẫn trên 50 lần trở lên.
Xếp hạng tạp chí theo chỉ số trích dẫn trung bình (được nêu ở bảng dưới đây). Các tạp chí này thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng có thể đưa ra các nhận xét chung như sau:
- Bên cạnh 6 tạp chí có yếu tố hợp tác với các nhà xuất bản nước ngoài trong khâu xuất bản (trực tuyến), 13 tạp chí còn lại lọt top hoàn toàn bằng yếu tố nội lực.
- Đã có 4 tạp chí của Việt Nam gia nhập được hệ ISI hoặc/và Scopus.
- Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn lâm KH&CN VN hợp tác với IOP, mặc dù mới thành lập từ năm 2010 nhưng có tổng số trích dẫn cao vượt trội.
- Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 4 đại diện góp mặt.
Trong danh sách này có nhiều tạp chí có bề dày thời gian dài, nhưng cũng có một số tạp chí mới vốn chưa được đánh giá cao theo cách đánh giá truyền thống. Điều đáng lưu ý là, số tạp chí vốn đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá đến mức 01 điểm lần này còn thiếu vắng rất nhiều trong danh sách. Chúng tôi sẽ phối hợp với các tạp chí để tiếp tục cập nhật.
Bảng Chỉ số trích dẫn của một số tạp chí Việt Nam xuất bản trực tuyến giai đoạn 2006-2017:
TT
Tên tạp chí
Số bài
Trích dẫn
Trung bình
Ghi chú
1
499
3364
6.74
IoP: 2010
Scopus: 2010-2017
ISI: 2013-2016
2
67
304
4.54
Springer: 2014
3
79
159
2.01
4
309
410
1.33
Springer: 2013
Scopus: 2013-2017
ISI: 2016-2017
5
424
566
1.33
Springer: 2013
Scopus: 2013-2017
ISI: 2016-2017
6
317
304
0.96
7
86
63
0.73
Elsevier: 2016
ScienceDirect: 2016-2017
8
104
65
0.63
9
128
69
0.54
Springer: 2014
ISI: 2015-2017
10
349
185
0.53
11
321
165
0.51
12
339
161
0.47
13
320
140
0.44
14
416
129
0.31
15
338
101
0.30
16
555
122
0.22
17
313
58
0.19
18
909
152
0.17
19
1012
112
0.11
1. Viện Hàn lâm KH&CN VN; 2. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; 3. Hội Vô Tuyến Điện tử Việt Nam;
4. Đại học Quốc gia Hà Nội; 5. Trường ĐH Kinh tế quốc dân; 6. Đại học Quốc gia Tp HCM.
PV: GS có thể nêu thêm một số chức năng của hệ thống V-CitationGate?
GS Nguyễn Hữu Đức: Đây là cơ sở dữ liệu thư mục (Bibliographic database), đồng thời sẽ là cơ sở phân tích, đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Scientometrics). V-CitationGate là nguồn thông tin minh bạch về năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, sẽ được các Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục tham khảo và sử dụng khi tiến hành đánh giá kiểm định các trường đại học.
Phần mềm của hệ thống cho phép thực hiện các tìm kiếm, phân tích, thống kê và trích xuất thông tin khoa học ở các cấp độ khác nhau, từ tác giả đến đơn vị; chủ đề đến lĩnh vực, nhóm lĩnh vực; thời gian xuất bản đến mức độ hợp tác nghiên cứu… phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển.
V-CitationGate đang có kế hoạch thu thập, số hóa, kết nối và tích hợp từ các nguồn lưu trữ ở Việt Nam và nước ngoài để phát triển thành “thánh địa” phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu Việt Nam. Đây cũng là một tiếp cận để số hóa trí thức Việt.
PV: Xin GS nói rõ hơn về kế hoạch phát triển tiếp của hệ thống V-CitationGate?
GS Nguyễn Hữu Đức: Hiện nay, các tạp chí khoa học chỉ xuất bản bản in có số lượng đọc giả và chỉ số trích dẫn rất thấp, hiệu quả rất hạn chế. Việt Nam có gần 400 tạp chí, nhưng mới chỉ có 52 tạp chí có trang web tương đối chuẩn mực.
Một số đang tham gia xuất bản trực tuyến chung trên hệ thống Tạp chí khoa học Việt Nam Trực tuyến (VJOL). Tuy nhiên, có thể thấy tính chuyên nghiệp và chuẩn mực số hóa đều đang còn rất thấp. Công tác lưu trữ, thống kê, tìm kiếm còn rất bất cập.
Với kinh nghiệm từ hợp tác với NXB Elsevier và Scopus, V-CitationGate có thể tư vấn hoặc/và cung cấp công nghệ để các tạp chí trong nước xây dựng các trang web và vận hành theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Đặc biệt, còn có thể hướng dẫn, giúp đỡ tạp chí của các đơn vị theo yêu cầu, đảm bảo khả năng index vào nguồn Google Scholar và phát triển chỉ số trích dẫn. Từ có, có thể được kết nối vào V-CitationGate hoặc/và các hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia và quốc tế khác.
V-CitationGate còn có thể hỗ trợ các tạp chí trong nước thiết lập định danh số DOI (Digital Object Identifier) cho các ấn phẩm khoa học gốc đăng trên tạp chí thông qua hệ thống Crossref do ĐHQGHN đăng ký và đại diện.
DOI tạo điều kiện cho việc gửi, truy xuất dữ liệu và nhận dạng số để kích hoạt, thúc đẩy liên kết bền vững và khả năng tìm kiếm các ấn phẩm khoa học gốc trên Internet. Các tạp chí có thể được cấp số DOI trực tiếp qua V-CitationGate.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Ngọc Diệp (thực hiện)
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gsts-nguyen-huu-duc-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-viet-nam-co-the-vuot-qua-gioi-han-quoc-gia-20170508073015643.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.