Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

09/03/2017

Chữ nghĩa cụ Trạng Trình, ứng nghiệm vào đầu thế kỉ 21 (bài Phạm Văn Ánh)

Nhân câu chuyện về "ngôi mộ cụ Trạng" gần đây.

Lấy nguyên về từ Fb của PVA.



---



Nhân các thành viên đang xôi nổi chuyện Trạng Trình, tôi xin dán lại mấy dòng viết đã lâu, hồi đi thăm đền thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thấy có vẻ như chữ nghĩa ở đền Cụ có tinh thần "tiên tri" thực.

Xin cung hầu chư vị như sau:
CHỮ NGHĨA Ở KHU DI TÍCH TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM – DANH NHÂN HỐI HẬN KHÔN NGUÔI, CÒN NHƯ QUẢ PHÚC ĐẾN HỒI CÁO CHUNG

Gần đây, chuyện cho / bán chữ nhiều sai sót tại di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) cùng việc “nhà thư pháp” ở đất cảng là ông Lê Thiên Lí, người có nhiều năm viết / bán chữ ở khu di tích nói trên bị côn đồ đe dọa khủng bố được đăng tải trên báo chí đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Gắn với khu di tích quan trọng nói này còn một vấn đề khác rất đáng cảnh báo. Đó là hiện tượng chữ nghĩa trên hoành phi, câu đối tại di tích có nhiều sai sót nghiêm trọng. Hiện tượng này diễn ra từ lâu. Đến tháng 5 năm 2012, một số lỗi đã được khắc phục, chẳng hạn ở câu đối trong đền thờ, chữ “Xuân phong 春風” nghĩa là gió xuân bị viết thiếu một nét thành “Xuân sắt 春虱”, nghĩa là “Con rận mùa xuân” đã được sửa lại, nhưng còn nhiều trường hợp sai sót nghiêm trọng khác chưa được phát hiện, sửa chữa.
Cổng vào di tích, trên đề “Trung Am từ” (Đền Trung Am), mặt trong có đôi câu đối:
海桑桑海惟有阮族狀元祠無缺
古今今古當境名性馨香善不忘

Phiên âm: 
Hải tang tang hải, duy hữu Nguyễn tộc Trạng nguyên từ vô khuyết;
Cổ kim kim cổ, đương cảnh danh tính hinh hương thiện bất vong.
Dịch nghĩa: 
Bể dâu dâu bể, chỉ có đền thờ Trạng nguyên họ Nguyễn là không hề mẻ sứt;
Cổ kim kim cổ, họ tên ở chốn này thơm hương, tốt không quên. 
Người có một chút chữ nghĩa cũng nhận ra ngay hàng chục lỗi sơ đẳng. Về chữ viết, chữ “Tính 姓” (trong “Danh tính名姓”) nghĩa là họ tên, viết sai đồng âm thành chữ “tính 性” là tính tình. Chữ “tang 桑” nghĩa là câu dâu, cả hai chữ đều viết thừa hẳn một bộ “mộc 木”.Về từ loại cũng không đối nhau. Chẳng hạn “Duy hữu” không đối với “Đương cảnh”, “Trạng nguyên từ” không đối với “Hinh hương thiện”. Ở các vị trí quan trọng, 2, 4, 6, 8, 10 trong câu, thanh điệu hoặc đều bằng, hoặc đều trắc, cũng không đối nhau, như: Tang-kim, hải-cổ, hữu-cảnh, tộc-tính, nguyên-hương… Đây đúng là loại câu đối chắp vá quàng xiên, hiển nhiên chỉ có người bình dân ít học mới sáng tác ra một câu đối nghĩa lí tù mù, “sai túa rua rua” như thế.

Một câu đối khác ở phía ngoài khu vực thời Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng sai sót tương tự. Đó là câu: “Trình quốc đại danh nam dữ bắc/ Am hương thắng địa thục nhi từ 程國大名南與北 /庵鄉勝地熟而祠”; nghĩa là: Đại danh của Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm vang dội cả phương nam lẫn phương bắc, đất danh thắng ở làng Trung Am vừa là trường học, vừa là đền thờ. Thế nhưng đáng tiếc rằng chữ “thục 塾” là trường học bị viết nhầm thành “thục 熟” nghĩa là nấu chín, khiến vế thứ hai thành ra vô nghĩa và khôi hài.

Vào thăm Bạch Vân am, treo chính giữa là hoành phi viết ba chữ lớn (Đại tự): “Hối bất quyện”. Chữ viết vừa cục mịch vừa lem nhem. “Hối bất quyện” nghĩa là dạy không biết mỏi mệt. Ba chữ này vốn lấy ý từ thiên “Thuật nhi” sách Luận ngữ – Một trong những kinh điển trọng yếu của Nho gia, thuộc bộ Tứ thư (Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung). Trong Luận ngữ, Khổng Tử từng tự nhận mình: “Học không biết chán, dạy người không biết mệt” (Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện). Nguyễn Bỉnh Khiêm đương thời là bậc danh sư, dùng ba chữ “Hối bất quyện” quả là xác đáng. Nhìn kĩ mới tá hỏa, thì ra thay vì viết chữ “hối 誨” là dạy, người ta đã viết nhầm thành chữ “hối 悔” nghĩa là hối hận, khiến ba chữ “Hối bất quyện 誨不倦” với nghĩa là “Dạy không biết mệt” thành ra là “Hối bất quyện悔不倦” với nghĩa là “Hối hận không biết mệt”. Thử hỏi hoành phi này được chế tác, được treo tại di tích là để ca ngợi danh nhân, hay trù ẻo, xỉ nhục danh nhân đây? 

Qua chùa Song Mai bênh cạnh, vốn cũng thuộc quần thể di tích này, hoành phi câu đối chữ viết nhiều chỗ lem nhem, cũng có hiện tượng sai sót tương tự. Câu đối mé ngoài tam quan viết: “Nam khải Bạch Vân, song phong chung tú khí/ Bắc lưu Hàn thủy, nhất đái lẫm linh thanh南啟白雲雙峰終秀氣 / 北流寒水壹帶凜靈聲”, nghĩa là: Phía Nam dựng am Bạch Vân, hai ngọn hun đúc nên khí anh tú/ Phía bắc sông Hàn chảy, một dòng lẫm liệt uy linh. Nhìn kĩ, lại tá hỏa vì chữ “chung 鍾” nghĩa là hun đúc bị viết nhầm thành chữ “chung 終” nghĩa là cuối cùng, chấm dứt. Theo đó, ba chữ “Chung tú khí 鐘秀氣” nghĩa là hun đúc nên khí anh tú, khí tinh anh, thành ra “Chung tú khí 終秀氣” nghĩa là “Khí anh tú đã chấm dứt”.

Không chỉ có như vậy, câu đối ở cột, phía bên trong chùa viết: “Tốn bút song phong chung phúc quả/ Hàn giang nhất đái dưỡng tâm hoa”. “Hàn giang nhất đái 寒江一帶” nghĩa là “Một dải sông Hàn”, đối với “Tốn bút song phong”, vậy “Song phong” phải là “Hai ngọn”, tương tự hai chữ “Song phong 雙峰” ở câu đối đã nhắc ở trên. “Chung” đối với “dưỡng 養” (nuôi dưỡng), vậy “chung” phải là động từ. Theo đó, câu đối ngày có nghĩa là: Hai ngọn Tốn bút hun đúc nên quả phúc/ Một dải sông Hàn nuôi dưỡng tâm hoa. Lại một phen tá hỏa, nhìn kĩ, vế ra viết nhầm chữ “phong 峰” danh từ, thành “phong 封” nghĩa động từ, là phong chức tước, niêm phong; chữ “chung 鍾” là hun đúc thành “chung 終” là cuối cùng. Theo đó, vế đối này nghĩa là: “Tốn bút, cả hai đều bị niêm phong, quả phúc đến đây là hết”.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp sai sót chữ nghĩa tiêu biểu tại di tích này, chưa phải là tất cả. 

Ở nhiều di tích quốc gia khác trong cả nước như Đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), hay Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội)… cũng từng có hiện tượng tương tự. Chẳng hạn hoành phi “Thái Sơn bắc đẩu 太山北斗” ở Đền Đô viết sai chữ “thái 泰” thành “thái 太” do đồng âm. Hoành phi đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, bốn chữ “Thánh cung vạn tuế 聖躬萬歲” viết sai thành “Thánh cùng vạn tuế 聖窮萬歲” nghĩa là: “Muôn năm thánh vẫn khốn cùng”. Theo đó, hiện tượng sai sót nghiêm trọng về chữ Hán trên hoành phi câu đối, chỉ xét các di tích quốc gia đã là hiện tượng rất phổ biến.

Di tích đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo là di tích trọng điểm của thành phố Hải Phòng. Nơi đây hàng năm diễn ta nhiều hoạt động văn hóa quan trọng của thành phố, là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước (nhất là du khách Trung Quốc và Đài Loan) đến tham quan, chiêm bái. Những du khách Trung Quốc, Đài Loan, hay Nhật Bản, Hàn Quốc đều biết chữ Hán, một khi họ nhận ra các sai sót như trên thì ngay cả quốc thể cũng khó mà còn toàn vẹn. Với câu đối, hoành phi như ở các di tích trên, có thể tóm lược lại là: Trạng Trình hối hận khôn nguôi, hỏi xem quả phúc bao đời còn không? Muôn năm thánh cũng khốn cùng, bọn ta lên thứ còn mong nỗi gì?

Viết đến đây, người viết nhớ đến câu chuyện do một vị giáo sư khả kính từng kể rằng có dịp ông dẫn một vị khách nước ngoài đi tham quan một số di tích ở Miền Bắc, khi về, người khách đã hỏi: “Được biết nước ông có truyền thống văn hiến và khoa cử, trong lịch sử có nhiều bậc danh khoa uyên thâm Hán học, vậy mà sao chữ viết ở các di tích hiện nay phần nhiều lại do hạng bình dân thất học viết ra như thế”? Thật buồn và đáng thẹn thay! Thiết nghĩ ban quản lí các di tích, ban quản lí di tích các tỉnh thành nên có kế hoạch tìm người có đủ khả năng, trình độ để rà soát lại hệ thống hoành phi câu đối tại các di tích để sớm sửa chữa, khắc phục những lỗi sai sót, nhất là những lỗi sai nghiêm trọng mà ngớ nhẩn như trên.
-------------------------
Ảnh chụp tại di tích.






Nhân bàn về cụ Trạng Trình, xin cung soạn bài này, lược khảo về tác phẩm hiện còn của cụ để cung tiến chư vị quân tử, để đặng biết tình hình tác phẩm của cụ hiện còn ra sao, nọ là những sấm vĩ có đáng tin cậy không. Có chỗ nào chưa ổn, xin được phủ chính cho! Xin cảm tạ!
Như sau:

LƯỢC KHẢO VĂN BẢN TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) là tác gia lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Do vậy, tác gia văn học nổi tiếng này đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, một số câu hỏi tưởng chừng đơn giản như: Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện được ghi chép trong các sách nào? Tình hình văn bản ra sao? Mức độ khả tín của các văn bản ấy thế nào? Có bao nhiêu bài đáng tin là của Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v… thì chưa được giải đáp. 
Trong lời tựa Bạch Vân Am thi tập (Bạch Vân Am thi tập tự), Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết:
“Xét lẽ, tâm là nói cái chỗ đạt tới của chí vậy, còn thơ thì dùng để nói chí.
Có người để chí ở đạo đức, có người để chí ở công danh, có người để chí ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ thừa hưởng sự giáo dục trong gia đình, lớn lên thì làm quan, về già để chí ở sự nhàn dật, lấy non nước làm vui, rất vụng về thơ, song ham thơ đã thành cố tật, vẫn chưa chữa khỏi được. Mỗi khi nhân lúc rảnh rang, gửi hứng ngâm vịnh, hoặc ca tụng vẻ đẹp của non nước, hoặc phát huy thêm cái đẹp của hoa trúc, hoặc tức cảnh mà ngụ ý, thảy đều là ghi lại cái chí của mình. Đại thể làm được ngàn bài thơ, biên tập thành sách, tự đặt tên là Bạch Vân tập. 
Kẻ học trò già này để lại điều đáng chê trách, cố nhiên không thể chối được, mong các bậc quân tử ngày sau thứ cho”. 
Theo đó, hậu thế biết rằng thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đề tài khá phong phú song cái có thể coi yếu tố “nhất dĩ quán chi” thảy đều để nói chí. Điều này không chỉ được tác giả khẳng định trong lời tựa Bạch Vân Am thi tập mà trong bài thơ Ngụ hứng (viết theo lối ngũ ngôn dài đến 266 câu được chép trong Toàn Việt thi lục, kí hiệu A.132/3) đoạn cuối tác giả cũng viết: 
“Thừa nhàn thác ngâm vịnh,
Nhất nhất tự ngôn chí”.
(Nhân nhàn bèn ngâm vịnh,
Hết thảy đều nói chí).
Về số lượng tác phẩm, chỉ tính riêng Bạch Vân tập, hay Bạch Vân Am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có đến hàng ngàn bài thơ. Tuy nhiên, như nhiều tác gia văn học trung đại khác, hiện không còn bản thảo của tác giả. Các văn bản hiện còn ghi chép về các sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài Toàn Việt thi lục, các sách khác chủ yếu là các bản khắc in hoặc chép lại vào thời Nguyễn, nội dung không hoàn toàn thống nhất, cũng không có bản nào chép tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà số lượng thơ ca tương đối tiệm cận với con số một nghìn bài như tác giả từng viết. Ngay bản Toàn Việt thi lục hiện còn chép các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là bản kí hiệu A.132/3, phần ghi chép tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sách này có nhiều khả năng không nằm trong nội dung bản Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn hoàn thành năm 1768. Trên đại thể, văn bản tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn có thể phân làm hai loại lớn: Loại thứ nhất gồm các sách chép các tác phẩm viết bằng chữ Hán, trong đó tuyệt đại đa số là thơ; loại thứ hai gồm các sách chép các bài thơ Nôm.
I. Văn bản văn thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Các văn bản ghi chép thơ văn chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện được lưu trữ chủ yếu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Hà Nội. 
Tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 10 bản:
Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, bản in) và 09 bản chép tay khác với các kí hiệu: VHv.1453/1 – 2, VHv.144, VHv.850, VHv.1794, VHv.2081, VHv.188, A.2591, VHv.2615 - Bạch Vân tiên sinh thi tập, A.296/1 -2 - Bạch Vân Am thi văn tập). 
Bên cạnh đó thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được chép trong nhiều tài liệu khác song tập trung nhất là trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (quyển thứ 17, bản Toàn Việt thi lục kí hiệu A. 132/3) và Phùng Xá xã Phùng công Ngôn chí thi (VHv.264). 
Tại Thư viện Quốc gia Hà Nội có 04 bản: 
Bạch Vân Am thi tập (R.2017, bản in), và 03 bản chép tay khác, gồm: Bạch Vân Am thi tập (R.1917), Bạch Vân Am thi tập (R.1718), Bạch Vân Am tiên sinh (R.101).
a/ Các sách tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm:
1/ Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (白雲庵程國公詩集 - A.2256): 
Bản này tương đồng với bản Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), kí hiệu R.2017 lưu Thư viện Quốc gia Hà Nội. Đây là bản in thời Nguyễn, chữ khắc in theo lối Khải thư, rõ ràng, sắc nét.
Sách mở đầu bằng bài Bạch Vân Am thi tập tự (白雲庵詩集序 - Bài tựa Bạch Vân Am thi tập) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là bài Bạch Vân Am sự tích (白雲庵事跡), ghi về sự tích, hành trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng không ghi tác giả. Sau bài này là nội dung chính của tập sách, phân làm 2 phần: phần thứ nhất là “Bạch Vân Am thi tập quyển thập nhất” (白雲庵詩集卷十一 - Bạch Vân Am thi tập quyển thứ 11), bắt đầu bằng bài Trung Tân quán bi kí (中津館碑記); phần thứ 2 là “Bạch Vân Am thi tập quyển thập nhị” (白雲庵詩集卷十二 - Bạch Vân Am thi tập quyển thứ 12), bắt đầu bằng bài Quân đạo thi (君道詩). Như vậy, tên chính thức của tập thơ này là Bạch Vân Am thi tập. Dễ nhận thấy đây là phần in ấn thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong một bộ sách lớn, gồm nhiều quyển thuộc về các tác giả khác nhau. Theo chữ ghi trên sách và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của học giả, nhà thư mục học Trần Văn Giáp thì đây là bộ Danh thi hợp tuyển (名詩合選), gồm 12 quyển, khắc in tác phẩm của nhiều tác giả khác nhau, trong đó ngoài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có thơ của Phạm Quý Thích, Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du, v.v… Phần tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm hai quyển 11 và 12.
Sau thứ tự tên quyển đều ghi: “Trung quân chính thống hậu đồn kiêm lí ngũ đồn Tham quân sự, Khâm sai chưởng cơ, hành Hải Dương trấn Trấn thủ, Ân Quang hầu biên tập; Đốc học Trung Chính bá, Trợ giáo Thời Bình nam khảo đính 中軍參正統後屯兼理五屯參軍事欽差掌奇行海陽鎮鎮守恩光侯編輯; 督學中正伯, 助教時平男攷訂”. “Trung quân chính thống hậu đồn kiêm lí ngũ đồn Tham quân sự, Khâm sai chưởng cơ, hành Hải Dương trấn Trấn thủ, Ân Quang hầu” tức Trần Công Hiến (?-1816); “Đốc học Trung Chính bá” tức Nguyễn Tập; “Trợ giáo Thời Bình nam” tức Trần Huy Phác. Theo đó, đây là sách được những người có vị thế xã hội và học vấn biên tập và hiệu đính. Sách không ghi niên đại song chức Hành Trấn thủ Hải Dương của Trần Công Hiến hay chức Đốc học Hải Dương của Nguyễn Tập… đều được phong vào thời Gia Long (1808-1819). Như vậy có thể chắc chắn sách này được in ấn đầu triều Nguyễn. 
Sách mở đầu bằng các bài: Bạch Vân Am thi tập tự, Bạch Vân Am sự tích, Trung Tân quán bi ký, Quá Kim Hải môn ký, Thạch giả sơn (2 bài), Hoa cương tỉnh, Giang lâu thu nhật hiểu vọng, Ngụ hứng, Tân quán ngụ hứng (60 bài), Quan kỳ cổ ý (4 bài), Lâm quán quan ngư kiến cự ngư thực tiểu ngư cảm tác, Tăng thử, v.v… Toàn sách gồm 370 đề mục, trong đó có 4 đề mục tương ứng với 4 bài văn (trong số 4 bài văn này có 1 bài không phải của Nguyễn Bỉnh Khiêm), 364 đề mục là thơ, tương ứng với 524 bài thơ, trong đó có 11 bài là thơ nguyên vận / thơ họa của tác giả khác (chủ yếu là bạn bè và học trò), số thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 513 bài. Như vậy, sách này có 3 bài văn và 513 bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sách này có thể phân làm 5 phần cơ bản, gồm: 1/ Thơ điền viên (làm khi tác giả ở quê, vịnh phong cảnh, Trung Tân quán, Hưu đình, Thúy đình…), 2/ Thơ vịnh vật (các bài vịnh cỏ cây, hoa lá, vật dụng…), 3/ Thơ về tiết khí (vịnh các mùa, các tiết trong năm như xuân, hạ, thu, đông…), 4/ Thơ về chuyến đi Tây chinh (thơ làm trong chuyến hỗ giá nhà vua lên các tỉnh biên giới), 5/ Thơ giao đãi (thơ tặng đáp, lưu đề với đồng liêu, bạn bè, học trò). Thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi trong các tài liệu khác có thể nhiều hoặc ít nhưng nhìn chung không nằm ngoài năm mảng đề tài nói trên.
2/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - VHv.1453/1, bản chụp kí hiệu VHc.1675):
Bản này do “Quảng Lãm đường thừa tả 廣覽堂承寫”, chữ viết theo lối Hành-Thảo, mở đầu bằng bài thơ thất ngôn bát cú, nhưng không ghi tác giả bài thơ:
理學淵源得正傳 
心禪洞燭事幾先 
榮留唐榜題名日 
位重商衡輔政權
蔭及椿萱慶也厚 
波流苗裔福長延 
雲庵月館千秋在 
聲價依依自昔年

Phiên âm:
Lí học uyên nguyên đắc chính truyền,
Tâm thiền đỗng chúc sự cơ tiên. 
Vinh lưu Đường bảng đề danh nhật,
Vị trọng Thương hành phụ chính quyền.
Ấm cập xuân huyên khánh dã hậu,
Ba lưu miêu duệ phúc trường diên.
Vân Am nguyệt quán thiên thu tại,
Thanh giá y y tự tích niên.

Dịch thơ:
Lí học uyên nguyên được chính truyền,
Lòng thiền biết trước mọi cơ duyên.
Danh lưu Đường bảng ngời tên tuổi,
Vị Trọng Y Chu giúp chính quyền.
Hậu phúc song thân cùng thụ hưởng,
Gia ơn con cháu mãi lưu truyền.
Vân Am vầng nguyệt ngàn năm rọi,
Thanh giá ngời ngời chẳng biến thiên.

Sách mở đầu phần tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm là bài Bạch Vân Am thi tập tự, kế đó là Bạch Vân Am sự tích, sau đó ghi: “Bạch Vân Am thi tập quyển thập nhất” (Tức Bạch Vân Am thi tập, quyển thứ 11); lại ghi: “Trung quân chính thống, hậu đồn kiêm lí ngũ đồn Tham quân sự, Khâm sai chưởng cơ, Hành Hải Dương trấn trấn thử, Ân Quang hầu biên tập; Đốc học, Trung Chính bá; Trợ giáo Thời Bình nam khảo đính”, rồi đến các bài như: Trung Tân quán bi kí, Thạch khánh kí, … Có thể thấy đây là bản chép lại từ bản in thời Nguyễn, tức bản Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập kí hiệu A.2256, hay bản Bạch Vân Am thi tập kí hiệu R.2017 do nhóm Trần Công Hiến thực hiện, nhưng số lượng tác phẩm ít hơn.
3/ Bản kí hiệu VHv. 144:
Bản này không thấy ghi tên sách. Đây là một bản chép tay, chữ viết lối Khải – Hành, có ghi được “sao tả” vào “Mùa xuân tháng Giêng năm Mậu thìn, năm thứ 21 niên hiệu Tự Đức [1868]”. Sách không ghi rõ là sao tả từ nguồn nào, mở đầu bằng lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là các bài: Ngụ hứng (11 bài), Tự thuật (4 bài), Cảm hứng (4 bài), Thuật hoài, Tự thuật (Dữ Cao Xá hữu cộng ngọa, thời hữu danh kĩ bão cầm nhi ca: Cùng nằm với người bạn ở Cao Xá, bấy giờ có ca kĩ nổi tiếng âm đàn mà hát – 2 bài), Ngẫu thành (8 bài), Lí cư giản chư đồng chí, v.v… Phần cuối phụ lục một số bài thơ xướng họa của các thi nhân thời Nguyễn, cuối cùng phụ lục bài Bạch Vân Am sự tích và Trung Tân quán bi kí. Bản này gồm 82 tờ, nói chung số lượng thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm khá phong phú so với các bản chép tay khác. 
4/ Bạch Vân Am tiên sinh, Trạng nguyên, Trình Quốc công thi tập (白雲庵先生狀元程國公詩集 - VHv. 850):
Bản này chữ viết theo lối Khải thư, rõ ràng, không có niên đại, mở đầu ghi “Bạch Vân Am tiên sinh, Trạng nguyên, Trình Quốc công thi tập tính tự”. (白雲庵先生狀元程國公詩集并序 - Bạch Vân Am tiên sinh, Trạng nguyên, Trình Quốc công thi tập cùng lời tựa). Nội dung mở đầu bằng lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là các bài: Ngụ hứng (16 bài), Tự thuật (4 bài), Cảm hứng (4 bài), Thuật hoài (Cao Xá hữu nhân: Người bạn ở Cao Xá), Tự thuật, Ngẫu thành (8 bài), Cư lí giản chư đồng chí, Dữ nhân đồng ngọa, Trung Tân quán ngụ hứng, Loạn hậu ức Cao Xá hữu nhân (2 bài), v.v… Toàn sách gồm 108 đề mục với khoảng 283 bài thơ, trong đó về cơ bản đều có trong Bạch Vân Am thi tập do nhóm Trần Công Hiến thực hiện. Các bài nói về cuộc hỗ giá tòng chinh lên biên giới, các bài mang tính giao đãi, vịnh vật gần như hoàn toàn vắng bóng trong tập này.
5/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - VHv.1794): 
Bản này trang đầu ghi tên sách là Bạch Vân Am thi tập, là một bản chép tay, chữ Khải, không ghi niên đại, tựa bạt, gồm 120 tờ, mở đầu bằng bài Bạch Vân Am cư sĩ phả kí (白雲庵居士譜記) của Vũ Khâm Lân viết năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Hưng [1744]. Kế đó là các bài Trung Tân quán bi kí, Bạch Vân Am thi tập tiền tự (lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Sau ba bài trên, sách ghi: “Bạch Vân Am thi tập – thất ngôn thi vận” (白雲庵詩集七言詩韻 - Bạch Vân Am thi tập – vần thơ thất ngôn). Phần ghi về thơ khởi đầu bằng 36 bài Ngụ hứng, rồi tới 86 bài Trung Tân ngụ hứng. Nhìn chung sách này ghi chép các tác phẩm một cách sáng rõ, số lượng tác phẩm tương đối phong phú với 270 đề mục, khoảng 535 bài. Nội dung các bài không chênh lệch nhiều so với bản Bạch Vân Am thi tập do nhóm Trần Công Hiến biên tập và hiệu đính.
6/ Bản kí hiệu VHv. 2081: 
Bản này không thấy ghi tên sách, chữ viết theo lối Khải thư, không ghi niên đại, mở đầu ghi lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là các bài: Ngụ hứng (12 bài), Tự thuật (4 bài), Cảm hứng (4 bài), Thuật hoài, Lí cư giản chư đồng chí, v.v…Từ tờ 52, sau khi chép một số bài thơ vịnh vật của Nguyễn Bỉnh Khiêm chuyển sang chép một số bài văn, câu đối, v.v… của một số tác gia thời Nguyễn. 
7/ Bạch Vân tiên sinh thi tập (白雲庵先生詩集 - VHv.188): 
Bản này bìa trong ghi tên sách là “Bạch Vân tiên sinh thi tập hạ 白雲庵先生詩集下”, chữ viết theo lối Hành - Thảo, không ghi niên đại, tựa bạt, mở đầu bằng 4 bài Xuân hàn, kế đó là các bài như: Dữ tế xuân tiêu cộng ngọa, Tân xuân hí tác, Thu tứ (2 bài), Thu phong (4 bài), Vãn thu ngẫu thành (5 bài), Thu dạ thụ hạ nạp lương, Sơ đông ngẫu thành, v.v… Tuy nhiên cuối sách có chép lẫn tác phẩm của người khác, trong đó có tác phẩm là của tác giả Trung Quốc, chẳng hạn các bài: Trần triều Trạng nguyên tự hạ – sinh tử (陳朝狀元自賀 - Trạng nguyên triều nhà Trần tự chúc mừng vì sinh được con trai), Minh triều Lí tiên sinh bách vịnh thi (明朝李先生百詠詩 - Một trăm bài thơ vịnh của Lí tiên sinh người triều Minh). 
8/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - A.2591):
Bản này không chi niên đại, tựa bạt, chữ viết theo lối Khải – Hành, trang đầu tàn khuyết, mở đầu ghi là “Bạch Vân Am thi tập, Trình Quốc công soạn 白雲庵詩集, 程國公撰”, khởi đầu chép 6 bài thơ nhưng không có tiêu đề. Tiếp đó là các bài như: Cảm hứng, Khiển hứng, Hí tác, Ngẫu thành, Lão cuồng, Trung Tân quán ngụ hứng, Loạn hậu ức Cao Xá hữu nhân, v.v… Tuy nhiên đến tờ 20 lại chép bài Hạ nhân tân hôn thi (賀人新婚詩), phía dưới ghi là của “Giải nguyên Cao Huy Diệu soạn 解元高輝耀撰” (Cao Huy Diệu là Giải nguyên trong kì thi Hương tại trường thi Kinh Bắc năm Gia Long thứ 6 [1807], người Phú Thị, Gia Lâm, làm quan đến chức Đốc học), kế đó, đến hết tờ 34 chép tác phẩm của một số tác gia thời Nguyễn. Sau tờ 34 đến hết chép Cấn Sơn tiên sinh thi tập (艮山先生詩集). Như vậy, có thể thấy sách này phần đầu chép một số thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuy nhiên số lượng không phong phú. Trong sách có chép kèm tác phẩm của nhiều tác giả khác, có thể đều là các tác gia thời Nguyễn.
9/ Bạch Vân tiên sinh [thi tập] (白雲先生[詩集] - VHv.2615): 
Bản này phần đầu ghi tên sách là “Bạch Vân tiên sinh白雲先生”, lại ghi niên đại “Ngày 14 tháng Mười năm Đinh mùi [1907] niên hiệu Duy Tân nguyên niên”. Trong sách, chữ viết không hoàn toàn thống nhất: các bài phần đầu viết lối Hành thư, phần sau viết lối Khải thư. Sách mở đầu bằng các bài: Liên, Bạch cúc, Đông cúc, Thiên tuế, Lan, Liễu, Hòe, Tùng, Trúc, Mai, v.v… chủ yếu là các bài thơ vịnh vật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm khoảng 60 đề mục. Sau tờ 27 chép Tài tử thi tập (才子詩集, không rõ của tác giả nào). 
10/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - A.296/1 -2): 
Bản này sách chụp kí hiệu VHc.1952 và VHc. 1954: là bản chép tay theo lối chữ Khải, chữ viết rõ ràng, có chữ kiêng húy thời Tự Đức, cho thấy hiển nhiên đây là bản chép vào thời Nguyễn, sớm nhất là sau năm 1848, tức là năm Tự Đức lên ngôi. 
Bản A.296/1 gồm các phần: 1/ Bạch Vân Am thi tập tiền tự (白雲庵詩集前序), khởi đầu bằng lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là các bài: Ngụ hứng thi (26 bài), Dữ hữu nhân cộng ngọa, thời hữu danh kĩ bão cầm nhi ca, Cảm hứng (6 bài), Ngẫu thành (8 bài), Trung tân quán ngụ hứng (84 bài)… gồm 306 đề mục; 2/ Bạch Vân Am hậu tập (白雲庵詩集後集), gồm 118 đề mục; 3/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), tiếp thu của nhóm Trần Công Hiến, gồm 8 đề mục. 
Bản A.296/2 gồm: 1/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), có 126 đề mục, trong đó có khoảng 70 bài là văn xuôi, chủ yếu là văn tế, cúng, có bài ghi là do tác giả khác sáng tác, chẳng hạn bài Chung thất cáo văn (終七告文) ghi rõ bằng văn Nôm là “do bác Chiêu Hổ soạn” (由博昭虎撰 ); 2/ Bạch Vân Am thi tập quyển thập nhất chi hạ (白雲庵詩集), chép theo bản của nhóm Trần Công Hiến, từ bài Quân đạo thi đến Minh song, gồm 261 bài. 
So với các bản khác, đây là bản có số lượng tác phẩm phong phú. Tuy nhiên, trong sách có chép lẫn tác phẩm của tác giả khác, cách chép cũng tạp nhạp, ôm đồm, nhiều bài trùng lặp, thậm chí trùng lặp nhiều lần. 
11/ Toàn Việt thi lục (全越詩錄 - A.132/3):
Toàn Việt thi lục là tổng tập thơ ca Việt Nam do Lê Quý Đôn (1726-1784) sưu tầm, biên soạn, hoàn thành năm 1767. Phần ghi chép về tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có ở bản Toàn Việt thi lục A.132, quyển thứ 17. Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, theo mục lục chỉ gồm 15 quyển, chép đến thời Lê sơ. Trong khi đó, bản kí hiệu A.132 gồm 26 quyển, ghi đến các tác phẩm của một số tác giả thời Lê trung hưng, các phần ghi chép tương đối thống nhất nhau; về danh nghĩa, vẫn ghi là do Lê Quý Đôn biên chép. Có thể khẳng định từ quyển 16 đến 26 không phải do Lê Quý Đôn sưu tập, biên chép; có nhiều khả năng do hậu nhâu biên chép thêm theo lối tục biên, bổ biên. 
Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong quyển 17 sách Toàn Việt thi lục kí hiệu A.132 gồm:
Cổ thi cận thể - 10 bài: Mạch môn đông, Tùng, Ngụ hứng, Cảm thời , Cảm hứng, Thị võng nhi, Tăng thử, Quan ngư, Hữu cảm, Thạch giả sơn.
Cận thể thi: Ngụ hứng (8 bài), Tự thuật (2 bài), Cảm hứng (2 bài), Tự thuật, dữ Cao Xá nhân cộng ngọa, thời hữu danh kĩ bão cầm nhi ca, Ngẫu thành (4 bài), Loạn hậu ức Cao Xá hữu nhân, Lão cuồng (4 bài), Trung Tân quán ngụ hứng (41 bài), Tự thán, Ngụ ý (6 bài), Độc Phật kinh hữu cảm, Độc Chu dịch hữu cảm, Ngụ ý, Tự thuật (5 bài), Bạch Vân Am ngụ hứng (2 bài), Khiển hứng (2 bài), v.v…
Tất cả gồm 155 đề mục với 256 bài. 
12/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - VHb.264):
Đây là một bản in, chữ viết theo lối Khải – Hành, gồm 2 phần: phần đầu là “Phùng Xá xã Phùng công Ngôn chí thi tập 馮舍社馮公言志詩集”, tức là tập Ngôn chí thi tập của Phùng Khắc Khoan; phần sau là Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phần thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sách này, khởi đầu bằng bài Bạch Vân Am thi tập tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm, kế đó là các bài như: Ngụ hứng (12 bài), Tự thuật (4 bài), Cảm hứng (4 bài), Thuật hoài thứ Cao Xá hữu nhần tiền vận, Ngẫu thành (8 bài), v.v… 
Toàn sách có 1 lời tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng 59 đề mục thơ với tổng số 190 bài thơ. 
b/ Các sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội:
Ngoài bản Bạch Vân Am thi tập, kí hiệu R.2017, trùng với bản in Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập kí hiệu A.2256, lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tại đây còn 03 bản khác chép thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
1/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - R.1917):
Bản này chép bằng lối chữ Hành – Thảo, chữ viết lưu loát, thống nhất từ đầu đến cuối, mở đầu bằng bài Trạng nguyên Trình Quốc công lí lịch kí (狀元程國公履歷記) dài 9 trang văn bản, kế sau là bài Bạch Vân Am thi tập tiền tự (白雲庵詩集前序), nội dung tương đồng với bài Bạch Vân Am thi tập tự ở bản Bạch Vân Am thi tập kí hiệu R.2017. Phần nội dung ghi Bạch Vân Am thi tập, khởi đầu bằng 12 bài Ngụ hứng (Ngụ hứng thi phàm thập nhị thủ).
Cuối cùng ghi “Bạch Vân Am thi tập tất” (白雲庵詩集畢 - Bạch Vân Am thi tập kết thúc). Tổng số tác phẩm trong sách này gồm 2 bài văn, trong đó có 1 bài là bài tựa thi tập do Nguyễn Bỉnh Khiêm viết, 109 đề mục thơ với tổng số 227 bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm và 4 bài thơ của tác giả khác. Như vậy sách này chép 1 bài tựa và 227 bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. 
2/ Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集 - R.1718):
Bản này chữ viết lối Khải – Hành, không ghi niên đại, phần đầu và cuối tàn khuyết. Bài mở đầu là Quá Kim Hải môn kí. Tuy nhiên căn cứ vào nội dung phần trước nhan đề bài này, so sánh với một số bản khác, nhất là bản Bạch Vân Am thi tập kí hiệu R.2017 thì đó là Thạch khánh kí (石磬記). 
Tổng cộng sách chép 1 bài văn và 42 đề mục thơ với tổng số 136 bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong đó có 1 bài tàn khuyết và 1 bài chỉ có đề mục, không có nội dung.
3/ Bạch Vân Am tiên sinh (白雲庵先生 - R.101):
Bản này mở đầu ghi “Tự Đức nhị niên xuân thiên chính nguyệt sơ nhất nhật, sáng tạo văn thi嗣德二年春天正月初一日創造詩文” (Sáng tạo thơ văn, ngày mồng 1 tháng Giêng mùa xuân năm thứ 2 niên hiệu Tự Đức [1849]). Phần nội dung chính viết theo lối Khải - Hành, mở đầu ghi: “Bạch Vân Am tiên sinh白雲庵先生”, rồi tới bài Xuân mộ thi, Thu nhuận thi… Các bài thơ trong thi tập trình bày mỗi cột hai câu thơ, hết một câu lại để cách một đoạn, rồi viết câu tiếp theo ở phía dưới. 
Tổng số tác phẩm trong sách này gồm 173 bài thơ, 158 đôi câu đối về 21 chủ đề, 3 bài văn, 2 bài trâm, 2 bài phú.
Xét kĩ, sách này chép một lượng lớn các bài thơ tương đồng với tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi chép trong các thư tịch khác song cũng không khó để nhận thấy nội dung sách ghi chép bác tạp, có chép lẫn nhiều tác phẩm của các tác giả khác. Chẳng hạn các bài: Đề Hoài Âm hầu thi (題淮陰侯詩 - Thơ đề ở đền thờ Hoài Âm hầu – Hàn Tín), Bắc quốc đề phù bình thi (北國題浮萍詩 - Thơ của người phương Bắc đề bèo trôi), Đề Đổng Tử từ thi (題董子祠詩 - Thơ đề ở đền thờ Đổng Tử – Đổng Trọng Thư), Chu Tử gia huấn (朱子家訓 - Gia huấn của Chu Tử)… Các bài này hoặc là của tác giả người Trung Quốc, hoặc chí ít của tác giả Việt Nam từng sang Trung Quốc (chẳng hạn qua con đường đi sứ phương Phắc), và như vậy, chúng đều không phải tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Như vậy, bản này tuy chép số lượng tác phẩm khá phong phú song chép xen nhiều tác phẩm của các tác giả khác, vì vậy rất khó xử lí, phân định rõ về tác quyền của các bài, chỉ có thể dùng với tính chất là tư liệu tham khảo, hoặc dùng để khảo dị.
*
* *
Đương thời Nguyễn Bỉnh Khiêm trước tác phong phú song trải qua nhiều biến cố lịch sử, tác phẩm của ông bị mất mát khá nhiều. Năm Nhâm tuất [1742], Vũ Khâm Lân tới quê Nguyễn Bỉnh Khiêm, được một người địa phương là Trần Bá Quang cho xem một bản sao Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), nhưng ông không chi biết rõ tập thơ gồm bao nhiêu bài (Vũ Khâm Lân 武欽鄰: Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí 白雲庵居士阮公文達譜記).
Sơ bộ khảo sát 16 tài liệu, trong đó có 12 tài liệu chép thơ văn chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và 04 sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, có thể thấy tác phẩm hiện còn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được ghi chép trong nhiều tài liệu khác nhau, số lượng không thống nhất, vị trí các bài cũng như số lượng các bài cùng một đề mục cũng không tương đồng, trong đó có nhiều bản thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm bị ghi chép lẫn cùng thơ văn của các tác giả khác, hoặc Trung Quốc, hoặc Việt Nam, rất khó biện biệt rõ về mặt tác quyền. Các bản Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, R.2017), [Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập] kí hiệu VHv. 144, Bạch Vân Am thi tập (VHv.1794), và Bạch Vân Am thi tập (A.296/1 -2) là các bản in / chép được số lượng tác phẩm khá phong phú. Tuy nhiên, trong số này, có bản chép lẫn tác phẩm của các tác giả khác. Xét về văn bản, chỉ có bản Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, R.2017) là bản có số lượng tác phẩm lớn, đã được khắc in, không thấy có hiện tượng chép lẫn tác phẩm của tác giả khác, gồm 3 bài văn và 513 bài thơ, song vẫn cách con số một nghìn bài như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho biết khá xa. Trong khi ấy nếu cố gắng xử lý các văn bản ghi chép thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, loại ra các bài không phải / không đáng tin là của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “gộp” chung các bản lại thì số lượng tác phẩm có thể khả quan hơn ít nhiều song chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiện tượng dung nạp vào đó các tác phẩm của nhiều tác giả khác. Nếu so các bản với nhau, chọn lấy các bài tần suất xuất hiện cao nhất, tức là tìm một “tập giao” của các bản, cách làm đó có thể giúp ta có được một số tác phẩm có độ tin cậy nhất định (chắc chắn vẫn chọn lẫn tác phẩm của tác giả khác), nhưng số lượng tác phẩm không thật lớn. Có thể nói trong tình văn bản thơ văn chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm phức tạp như vậy, việc giám định văn bản một cách triệt để, từ đó khu biệt/ xác quyết về mặt tác quyền là việc làm vô cùng phức tạp và nhiều rủi do. 
Trong các văn bản chép thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn, chỉ có bản Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, R.2017) số lượng tác phẩm không những phong phú vào bậc nhất trong các tư liệu chép thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn mà còn là cuốn sách in ấn công phu, tuy cách thời đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm khá xa nhưng so với đa số các sách ghi chép tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đây là sách có niên đại khá sớm, hơn nữa đương thời quê hương Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Hải Dương, trong khi ấy những người làm sách bấy giờ đều làm quan chức cao cấp tại địa bàn này, hẳn ngoài việc tiếp thu các tài liệu trước đó ghi chép về thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả người biên tập và hiệu đính tập sách có nhiều điều kiện tiếp xúc với các tư liệu hiện còn tại quê hương Trạng Trình; do vậy, những tác phẩm được sưu tập, tập hợp về tính định bản và độ tin cậy đều cao hơn các bản chép lại đời sau. Trong điều kiện văn bản như hiện nay, đối với bộ phận văn thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, để có số lượng tác phẩm phong phú và có độ xác tín cao, phương án có thể coi là khả thi là sử dụng bản Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập của nhóm Trần Công Hiến làm bản chính. Sự lựa chọn này được đảm bảo bởi uy tín của nhóm tác giả, cũng như niên đại hoàn thành sách và tính định bản của nó.
Ngoài ra, phần chép tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Toàn Việt thi lục (A.132) tuy không phải là phần do Lê Quý Đôn thực hiện song số lượng cũng khả quan, gồm 256 bài, không thấy có hiện tượng ghi chép lẫn lộn thơ của các tác giả khác, do vậy có thể tham khảo để bổ sung cho Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, R.2017). So sánh các bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Toàn Việt thi lục (A.132) và Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập (A.2256, R.2017) có 53 bài trong Toàn Việt thi lục không thấy in trong Bạch Vân Am Trình Quốc công thi tập. Bên cạnh đó, hai sách khác Bạch Vân Am tiên sinh, Trạng nguyên, Trình Quốc công thi tập (VHv. 850), Bạch Vân Am thi tập (VHv.1794) cũng có thể dùng để tham khảo thêm. Đối với các sách ghi chép tác phẩm một cách trùng lặp, hỗn độn, đã phát hiện thấy chép lẫn tác phẩm của các tác giả giai đoạn khác (của cả Việt Nam và Trung Quốc) thì cần đặc biệt thận trọng trong khi tham khảo, khai thác.
II. Văn bản thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện chép rải rác trong nhiều văn bản song tập trung nhất là các bản Trình Quốc công Bạch Vân thi tập kí hiệu AB.309, Bạch Vân thi tập kí hiệu AB.157, và bản Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập kí hiệu AB.635. Các bản này đều được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
1/ Trình Quốc công Bạch Vân thi tập (程國公白雲詩集 - AB.309):
Là một bản chép tay, chữ chép khá rõ ràng, có dấu của Viễn đông bác cổ Pháp. Trang mở đầu ghi: “Mạc hiệu Đại Chính lục niên, Ất mùi khoa Tiến sĩ cập đệ nhất giáp nhất danh, Trình Quốc công soạn Bạch Vân thi tập, cộng nhất bách thủ 莫號大正六年, 乙未科進士及第一甲一名, 程國公撰白雲詩集, 共一百首”, nghĩa là: Bạch Vân thi tập do Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi năm Ất mùi niên hiệu Đại Chính năm thứ 6 [1535] triều nhà Mạc là Trình Quốc công soạn, tổng cộng gồm 100 bài. Nội dung sách gồm 100 bài thơ Nôm, tất cả đều được đánh số thứ tự từ đầu cho đến hết, các bài đều không có nhan đề.
2/ Bạch Vân thi tập (AB.157): 
Bản này chép chữ Khải, chữ viết rõ ràng, có dấu của Viễn đông bác cổ Pháp. Trang mở đầu ghi: “Bạch Vân thi tập (nội dụng quốc âm, hữu trường đoản cách), cộng nhất bách thủ. Mạc hiệu Đại Chính lục niên, Ất mùi khoa Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp nhất danh, Trình Quốc công soạn白雲詩集 (內用國音, 有長短格), 共一百首, 莫號大正六年, 乙未科進士及第第一甲一名, 程國公撰”, nghĩa là: Bạch Vân thi tập (trong dùng quốc âm – chữ Nôm, thể cách có câu dài câu ngắn), gồm cả thảy 100 bài. Sách do Trình Quốc công, Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi năm Ất mùi năm thứ 6 niên hiệu Đại Chính triều Mạc [1535] soạn. Nội dung chép 100 bài thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, các bài đều không có tiêu đề, đánh số thứ tự từ đầu đến hết.
3/ Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (程國公阮秉謙詩集 - AB.635):
Bản này cũng có dấu của Viễn đông bác cổ Pháp, chữ viết theo lối Khải – Hành, thảng hoặc mới có chữ viết Thảo. Sách này bị tàn khuyết, nhất là phần đầu. Trang đầu ghi “Ất mùi khoa Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ nhất danh, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập乙未科進士及第第一甲第一名, 程國公阮秉謙詩集” nghĩa là: Tập thơ của Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, thi đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi năm Ất mùi. Kế đó là ghi: “Ông lúc còn nhỏ, quan Tri huyện huyện nhà đi chơi trông thấy liền ra vế đối: ‘Sáu bẩy đứa, chẳng đứa nào khôn như mày’, Trình Trạng nguyên đối lại rằng: ‘Hai ngàn thạch, không quan nào tham bằng ông’ (lại đổi chữ “Tham 貪” thành chữ “Liêm 廉”). Đến khi lớn lên, nổi tiếng về danh vọng, khi làm quan, lúc về trí sĩ, có làm Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), là loại thơ nhàn hứng, gồm 100 bài, dùng thơ quốc âm trường đoản”. 
Nội dung sách gồm nhiều phần: Phần đầu chép 100 bài thơ Nôm, sau đó viết “Trình Trạng nguyên hựu thi nhất thủ” (程狀元又詩一首 - Lại một bài thơ của Trình Trạng nguyên), nhưng kì thực chép 2 bài thơ. Sau đó lại viết: “Trình công ngâm thi” (程公吟詩 - Trình công ngâm thơ), rồi chép thêm 51 bài. Các bài từ đây trở về trước, tổng cộng 153 bài, đều không có đầu đề, trong số đó có 2 bài gần như trùng nhau, chỉ khác về vị trí các câu. Kế đó chép thêm 21 bài thơ, đều có nhan đề, như: Cương thường tổng quát, Giới đệ tử sự sư, Tử sự phụ mẫu, Khuyến huynh đệ vật tranh cạnh… Sau các bài này có thêm một số bài văn như: Thê khuyến phu tựu học, Trách sĩ nhân bất học, Sĩ nhân họa vần, Kì Đồng chi thi…
Có thể thấy sách này ghi chép “tiền hậu bất nhất”, trước nói Nguyễn Bỉnh Khiêm “có làm Bạch Vân Am thi tập (白雲庵詩集), là loại thơ nhàn hứng, gồm 100 bài, dùng thơ quốc âm trường đoản”, phần sau, qua hai lần thêm thắt, đẩy tổng số thơ Nôm danh nghĩa là tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm lên thành 153 bài. 
So sánh 100 bài đầu sách Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập kí hiệu AB.635 với hai bản Trình Quốc công Bạch Vân thi tập kí hiệu AB.309 và Bạch Vân thi tập kí hiệu AB.157, về cơ bản đều giống nhau, thậm chí giống cả trật tự các bài (trừ một vài trường hợp không đáng kể), trong khi đó, về bộ phận thơ quốc ngữ (thơ Nôm) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vũ Khâm Lân (thế kỉ XVIII) trong bài Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí cho biết Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân thi tập (白雲詩集), tất cả hơn nghìn bài, chỉ còn sót lại độ hơn một trăm bài. Con số hơn nghìn bài như Vũ Khâm Lân đề cập đến nay không thể kiểm chứng được, có thể Vũ Khâm Lân tiếp thu từ lời tựa Bạch Vân Am thi tập (Bạch Vân Am thi tập tự) do Nguyễn Bỉnh Khiêm viết. Trong bài phả kí, Vũ Khâm Lân phân biệt hai tập thơ: Tập thứ nhất là Bạch Vân thi tập, là thơ quốc âm, tức thơ Nôm, bấy giờ còn lại hơn trăm bài; thứ hai là bản sao Bạch Vân Am thi tập, không nói rõ số lượng bài, có thể là tập thơ chữ Hán. 
Theo đó, 100 bài đầu bản AB.635 cũng như 100 bài ở các bản AB.309, AB.157 tương đối đáng tin là của Nguyễn Bỉnh Khiêm. 
Xét riêng trong bản AB.635, 53 bài ở phần sau trước khi có sự giám chứng tỉ mỉ, tạm thời có thể chấp nhận là thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Riêng phần các bài có nhan đề ở phần cuối có chép lẫn thơ của tác giả khác như Kì Đồng, hoặc chép từ Sô nghiêu đối thoại (芻蕘對話) của Lạc An cư sĩ (樂安居士).
*
* *
Như vậy, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn có 153 bài (trong đó có 2 bài gần như trùng nhau). Trong số các bài thơ Nôm hiện còn được cho là của Nguyễn Bỉnh Khiêm có khoảng 30 bài cũng đồng thời xuất hiện trong các sách chép thơ Nôm của Nguyễn Trãi, chỉ sai khác đôi chút. Tới nay, các học giả đã có nhiều phương án để xác định tác giả của các bài thơ này, hoặc từ góc độ ngữ âm lịch sử, cấu tạo chữ Nôm, phong cách thơ, v.v… Tuy nhiên, do hai tác giả cách nhau không quá xa, phong cách thơ khá gần gũi, trong khi ấy các văn bản hiện còn đều là các bản có niên đại muộn; vì thế các nỗ lực minh biện về tác quyền 30 bài này đều chưa đủ sức thuyết phục. Do vậy, trong tình hình văn bản phức tạp và khó minh định, chúng tôi vẫn coi thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn gồm 153 bài, trong số đó 100 bài có độ tin cậy cao, 53 bài tạm thời chấp nhận. Ba văn bản chép thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khảo sát ở trên, cả ba đều là các văn bản được chép lại khá muộn; về cấu tạo chữ Nôm có thể nhận thấy bản Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635) bảo lưu được một số chữ cổ hơn, kế đó đến bản Trình Quốc công Bạch Vân thi tập (AB.309) và sau cùng là bản Bạch Vân thi tập (AB.157). Tuy nhiên, xét mức độ bảo lưu các chữ Nôm cổ thì cả ba bản đều không có bản nào thực sự vượt trội. 
Về chữ viết, sáng rõ nhất là bản AB.157, kế đó là bản AB.309, cuối cùng là bản AB.635. Riêng bản Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập kí hiệu AB.635 chép số lượng tác phẩm phong phú nhất, song sách này rách nát, nhất là phần đầu, nên trong khi phiên âm, hoặc dùng bản này làm nền, cần tham khảo hai bản còn lại để bổ sung, khảo dị; hoặc chọn bản AB.309 làm nền, tham khảo các bản còn lại. Riêng 53 bài cuối chỉ có thể theo bản Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập kí hiệu AB.635 bởi đây là bản duy nhất có chép 53 bài này. 
Ngoài các sách trên, hiện ta còn 01 văn bia mang tên Tam giáo tượng bi minh (三教像碑銘) do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn nhân dịp tu tạo tượng Tam giáo ở chùa Cao Dương ở huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình (nay là Cao Dương, Thái Thụy, Thái Bình) vào tháng Hai năm đầu niên hiệu Diên Thành [1578]. Bia khá mờ song về cơ bản vẫn nhận dạng được. Không rõ bia hiện có còn hay đã mất, thác bản tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 4662. 
Nếu kết hợp giữa ghi chép về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân Am thi tập, bản in đầu thời Nguyễn của nhóm Trần Công Hiến và Toàn Việt thi lục ta được tổng số 566 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phần thơ Nôm, kết hợp cả ba bản như đã khảo sát ở trên, được 153 bài. Ngoài ra Nguyễn Bỉnh Khiêm còn ít nhất 4 bài văn (2 bài bi kí, 1 bài khánh khí, 1 bài tựa Bạch Vân Am thi tập). Tính riêng phần thơ, bao gồm cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm được 719 bài, cách con số 1 nghìn bài như Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập cũng không phải là quá lớn. Trong Bạch Vân Am thi tập tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết thơ do ông sáng tác lấy tên là Bạch Vân tập (白雲集). Tuy nhiên, từ ghi chép trong Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí của Vũ Khâm Lân viết năm 1744 đến ghi chép trong cách sách hiện còn chép tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, dường như tập thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm được định danh là Bạch Vân Am thi tập, còn phần thơ chữ Nôm là Bạch Vân thi tập.
*
* *
Trong bài văn tế Nguyễn Bỉnh Khiêm (Môn sinh tế Tuyết Giang phu tử văn) do học trò là Đinh Thì Trung soạn có câu: “Lí minh Thái ất nhất kinh, nhiên lê chiếu Dương Hùng chi tạng phủ” (Thông tỏ nghĩa lí của bộ kinh Thái ất, rạng soi ruột gan của Dương Hùng). Dương Hùng là học giả thời Hán, tác giả sách Thái huyền kinh, một bộ sách mô phỏng 64 quẻ của Kinh Dịch. Kinh “Thái ất” mà Đinh Thì Trung nói đến có lẽ chỉ bộ Thái huyền kinh, ngụ ý nói Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông dịch lí, có tài tử vi độ số. Đến bài Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả kí (Bài phả kí về Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt) của Vũ Khâm Lân cũng nhắc đến khả năng tiên tri, tiên giác của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn có độ tin cậy cao về văn bản lại không ghi những tác phẩm cho thấy khả năng này ở ông. Ngoài những lời tương truyền về khả năng độn đoán, tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong các văn bản hiện còn có một số sách chép những lời sấm kí, sấm truyền ghi là của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiêu biểu là bản Trạng nguyên Trình Quốc công sấm kí (AB.345). Bản này viết theo thể thơ lục bát, gồm 208 câu, so với ngôn ngữ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỉ XVI) thì ngôn từ sách này khá “hiện đại”. Nội dung sách đề cập đến cả các sự kiện xảy ra sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mất một cách rõ ràng, kiểu: 
“Trịnh gia phò tá trung hưng,
Đông tây nam bắc phục thần làm tôi”.
(Câu: 39-40).
Hay:
“Trịnh kia cậy mạnh đua tài,
Nguyễn thị vàng mười chẳng kém chi cân”.
(Câu: 55-56).
Điều đó cho thấy tác giả của nó hẳn là người thời sau, không thể là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không chỉ vậy, người chế tác bản sấm kí này vốn cũng không phải người có trình độ tương đối cao, do đó không biết thái độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nhà Mạc ra sao, liền theo ý chủ quan nhục mạ nhà Mạc, cho nhà Mạc là “tiếm vị”, “vô đạo chẳng hiền”, mà những lời này, nếu là của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì chính thị những lời của kẻ loạn thần tặc tử, vô quân vô phụ.
“Trị bình hơn một trăm niên,
Mạc gia tiếm vị tranh quyền nhà Ngu.
……………………….
Mạc đà vô đạo chẳng hiền,
Trời làm một phút bay lên trên rừng”.
(Câu: 31-38).
Những tài liệu loại này cố nhiên không phải trước thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng nó lại cho thấy ảnh hưởng quan trọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với hậu thế, do đó cũng cần được lưu ý ở mức độ nhất định. 
---------------------------
Hoành phi tại đền thờ Trạng Trình:
いいね!他のリアクションを見る
コメントする
https://www.facebook.com/groups/1087253598032345/permalink/1332810380143331/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.