Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/01/2017

Đầu năm, trở lại với ấn đền Trần : mở hồ sơ lưu trữ bên Pháp

Bài của Đinh Khắc Thuân và Cao Việt Anh - hai học giả của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đều có thời gian học tập và làm việc tại Pháp.

Đây là bản cho báo chí, còn bản cho hội thảo thì đã đi ở đây (hội thảo tháng 8 năm 2016), và bản cho tạp chí chuyên ngành thì chờ đọc ở đây (tạp chí Nghiên cứu & Phát triển số 6 năm 2016).

---





Cập nhật: 13:15, Thứ 6, 20/01/2017


Trong dịp tiếp cận hồ sơ lưu trữ nằm ở Lưu trữ hải ngoại Pháp, chúng tôi xin hé mở đôi điều về những ấn triện và lệ phát ấn đền Trần Nam Định.

Hồ sơ lưu trữ về ấn tín đền Trần Nam Định

Liên quan tới ấn triện trong di tích Trần miếu, cho đến nay chỉ tìm thấy một hồ sơ lưu trữ thuộc Văn khố hải ngoại (còn gọi là Văn khố Bộ Thuộc địa) tọa lạc tại Aix-en-Provence (Pháp quốc). Ngoài ra, việc tìm kiếm tư liệu lưu trữ tại Việt Nam có liên quan tới di tích đền Trần và hoạt động văn hóa ấn đền Trần, tính đến tháng 8/2016 không cho thấy kết quả khả quan nào.

09-58-23_imge001
Bản in trên giấy vàng 4 ấn đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành tại Hà Nội năm 1898 (Nguồn: Fonds RST, Văn khố hải ngoại Pháp quốc, ANOM)

Tại đây, trong văn khố Đông Dương, phông cũ của Tòa Thống sứ Bắc Kỳ có một hồ sơ lưu trữ diện mạo văn tự trên ấn đền Trần ở Nam Định. Theo hồ sơ này, thì vào năm 1898, chí ít có 4 đơn vị ấn của đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành bản in rập trong dân, đó là: Ấn 1 : Bản tự chi từ phụng sự Trần triều hiển thánh sắc tứ tín ngưỡng chi bảo. Ấn 2 : Trần triều đức phát đương thời tín ấn). Ấn 3 : Ngũ hổ hiệu ký. Ấn 4 : Phật Pháp tăng bảo. (xem ảnh)

Trong hồ sơ này, cùng với bản in màu đỏ trên nền giấy vàng của 4 dấu ấn đền Trần (Nam Định), bản Hán văn do người đương thời (năm 1898) minh họa lại các văn tự triện thư trong ấn, là báo cáo bằng Pháp văn của Police indigène [Cảnh sát bản xứ], thuộc Tòa Công sứ Hà Nội, trực thuộc Thống sứ Bắc kỳ:

Hà Nội ngày 27 tháng Tư năm 1898

Hôm qua, có hai người bản địa đến từ Nam Định, có lẽ là các thầy cúng, dừng chân ở Hà Nội, tại phố Sinh Từ, đã phát cho một số dân An Nam ở phố này một mảnh giấy vàng in mấy dấu ấn mà sau đây là một bản kèm theo. Họ nói rằng mảnh giấy này là của một ngôi đền ở Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định, nó được phát ra để dán trong nhà ở nhằm phòng ngừa bệnh tật quanh năm cũng như trong những năm sau này. Hai người bản địa này sau đó đi về phía làng Tân Ấp.

Ngày 28 cùng tháng diễn ra một cuộc thi chim trong chùa Phương Bai (phố Hàng Gạch) - Có lẽ chỉ chùa (hoặc đình) thuộc thôn Hương Bài, một di tích văn hóa tọa lạc trên phố Ngõ Gạch (Hà Nội hiện nay) - ghi chú của tác giả.

Hà Nội ngày 28 tháng Tư năm 1898.

Còn bản dịch ấn triện của 4 ấn khác nhau cho nội dung như sau:

Vị thánh này là một nhân vật vĩ đại của triều đại các vua Trần, tên gọi Trần Quốc Tuấn, chú của vua Trần Nhân Tông (vị vua thứ ba của triều Trần, trị vì từ năm 1279 tới 1293). Ông nổi tiếng với công tích đánh bại một trong những viên đại tướng quân Nguyên Mông.

Ông được tôn thờ chủ yếu ở Chí Linh (Hải Dương, vùng Đông Triều), ở Mỹ Lộc (Nam Định)…, nói chung trong [hầu hết] các tỉnh Bắc Kỳ.

Ông được thờ phụng bởi các bậc cha mẹ mong muốn dạy dỗ con cái thật tốt.

Sinh thời, ông đã được tặng danh vị Hưng Đạo Đại vương [với ý nghĩa] là vị Đại vương [dẫn dắt] đạo hưng phát.

Đền Trần và tín ngưỡng Đức Thánh Trần: tiếng nói từ tư liệu

Hồ sơ lưu trữ cho thấy, ít nhất vào thời điểm năm 1898, riêng một di tích văn hóa thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có sự lưu hành của 4 mặt ấn liên quan tới đức tin tôn kính công tích của triều đại nhà Trần (thế kỷ XIII). Theo ghi nhận hành chính đương thời, ý nghĩa tâm linh hàng đầu của các mặt ấn ấy dành cho việc phòng ngừa bệnh tật.

Một điều khác biệt so với đương đại: trong khi nhiều năm gần đây, dân chúng đương đại tấp nập đổ về Nam Định tham dự và cầu được sở hữu một bản in của ấn đền Trần, thì hơn một thể kỷ trước, người nhà đền của Trần miếu từ Nam Định lặn lội lên Hà Nội để phát tận tay người dân những bản in dấu ấn ấy. Tư liệu hiện tại chưa thể phản ảnh toàn diện mong muốn của người đương đại trên hành trình xin ấn đền Trần. Song với quan điểm sức khỏe là hàng đầu, rất nên công nhận tính thiết thực của người dân Việt hồi cuối thế kỷ XIX trong tín ngưỡng ấn đền Trần.

Hơn nữa, năm 1898 không chỉ là một năm riêng lẻ, ấy là một thời điểm trong thực tế triền miên thiên tai dịch họa ở Bắc kỳ. Người dân cuối thế kỷ XIX cầu khẩn sự che chở khỏi dịch bệnh cũng không khác tâm lý của quần chúng đầu thế kỷ XXI cầu công danh thành đạt để đảm bảo cuộc sống giảm thiểu rủi ro.

Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực, không thể cứng nhắc phủ nhận. Tuy nhiên, đây là xu hướng và nhu cầu tín ngưỡng dân gian, do đó không nên nhà nước hóa nó qua sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao ở đây. Bởi lẽ, sự hiện diện của lãnh đạo công quyền ở cấp cao trong những hoạt động tín ngưỡng nhạy cảm như vậy sẽ được hiểu như là một sự định hướng cho quần chúng. Biết đâu chính sự hiện diện đó lại là một trong những nguyên nhân gây nên sự cuồng tín của đám đông.

Thực tế, ấn tín đền Trần Nam Định theo hồ sơ lưu trữ, vốn cũng không khác gì ấn tín đền Kiếp Bạc xưa nay. Trong khi hoạt động văn hóa liên quan ấn đền Trần - Kiếp Bạc vẫn tuần tự diễn ra vào tháng Tám âm lịch hằng năm, thì lễ phát ấn đền Trần Nam Định lại quá tải như vậy.

Rõ ràng là, đền Trần Nam Định trong chiều dài lịch sử văn hóa vùng Bắc Bộ Việt Nam, nhìn từ chứng cứ tư liệu, chưa từng bùng phát hiện tượng phát hành bản in ấn triện trên phạm vi quá rộng, với ý nghĩa tâm linh bồng bột lệch lạc như trong những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Thêm nữa, các ấn triện đền Trần trong chiều dài lịch sử không chỉ có một. Di tích đền Trần qua nhiều thế kỷ đã tăng về số lượng, đa dạng về địa bàn, có khả năng ấn triện được thờ trong các đền Trần là không hoàn toàn giống nhau. Các thế hệ vua Trần dù có hành hương về chốn tổ dâng lễ, bản chất chỉ là truy ân tiền nhân riêng một họ tộc hơn là sự điển chế hóa ở cấp quốc gia một lễ hội địa phương. Tôn trọng sự khác nhau trong từng di tích dù có chung đối tượng tôn thờ là một cách lưu trữ tính đặc sắc, đa dạng của văn hóa.

Mặt khác, không gian văn hóa của mỗi di tích cần được thấu hiểu và bảo lưu càng nhiều càng tốt ý nghĩa ban đầu của nó, với ngụ ý là đất tổ, cây gốc, để phái sinh những biến thể khỏe mạnh, tốt lành.

-

"Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực, không thể cứng nhắc phủ nhận. Tuy nhiên, đây là xu hướng và nhu cầu tín ngưỡng dân gian, do đó không nên nhà nước hóa nó qua sự xuất hiện của lãnh đạo ở đây.

Bởi lẽ, sự hiện diện của lãnh đạo công quyền ở cấp cao trong những hoạt động tín ngưỡng nhạy cảm như vậy sẽ được hiểu như là một sự định hướng cho quần chúng. Biết đâu chính sự hiện diện đó lại là một trong những nguyên nhân gây nên sự cuồng tín của đám đông". (PGS.TS Đinh Khắc Thuân).
-

PGS.TS ĐINH KHẮC THUÂN - TS. VIỆT ANH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
http://nongnghiep.vn/mo-ho-so-luu-tru-ve-an-den-tran-nam-dinh-post183062.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.