Cùng chủ đề này, có thể đọc một số entry đã đi, ví dụ ở đây.
Bài ở dưới của Vũ Quần Phương lấy về từ báo Văn Nghệ. Một dạng điểm sách, theo cách viết quen của các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện nay.
Nguồn ảnh Vũ Nho (ở đây) |
Viết trong Hà Nội thời 1947-1954
Có một không gian văn chương rất ít được nói tới trong các công trình văn học sử, đó là các tác phẩm các tác giả xuất hiện trong lòng Hà Nội thời Pháp tạm chiếm từ đêm bộ đội ta rút qua gầm cầu Long Biên lên chiến khu đến 10-10-1954, ngày tiếp quản thủ đô. Bảy năm viết trong lòng địch mà ba năm đầu còn rất vắng vẻ, văn chương Hà Nội tạm chiếm thật sự xuất hiện và phát triển chỉ có bốn năm. Tác giả là lớp người trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên lớn lên trong Hà Nội, những người Hà Nội tại chỗ này chiếm đa số, và thêm một số không nhiều nhà văn từ kháng chiến trở về. Hoàn cảnh sống có khác nhau, sự từng trải cũng khác nhau nhưng viết là hoài bão sống của họ. Không có một đoàn thể văn chương nghệ thuật nào đứng ra tập hợp lực lượng, chỉ có tình bạn, học đường và ý thức công dân thủ đô cùng lòng yêu nước thương nòi liên kết tình cảm và ý chí họ lại tạo nên sức sống của nền văn chương thủ đô trong lòng địch. Trong buổi hội thảo đầu tiên về không gian văn học này, chúng tôi xin được thể hiện một thế nhìn chung, bao quát theo từng thể loại thơ, văn, kịch, nghiên cứu phê bình. Hy vọng sau đây sẽ có dịp đi vào từng tác giả tiêu biểu, từng tác phẩm cụ thể của chặng sáng tác này.
Từ 1954, đến nay 2016 - đã 62 năm, những nhà văn của thời ấy hầu hết đã đã quá cố. Một may mắn lớn cho những ai muốn lưu tâm đến văn chương Hà Nội 47-54 là hiện diện của tập tuyển Viết trong Hà Nội, do các nhà văn Giang Quân, Vân Long, Lê Văn Ba sưu tầm tuyển chọn, Hội Văn Nghệ Hà Nội hỗ trợ xuất bản năm 2014. Ban tuyển đã trích, chọn được văn phẩm của 54 tác giả, có tác giả tới bốn năm bài, thơ truyện, phóng sự, kịch thơ trong hơn sáu trăm trang sách… Có tác giả thuộc lứa tiền chiến như Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Vũ Khắc Khoan, Ngọc Giao, Phạm Cao Củng, Ngân Giang, Mộng Sơn… Còn lại và nhiều nhất là những tác giả trẻ mới bắt đầu văn chương ngay trong thời kỳ ấy như Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Hồ My, Nguyễn Minh Lang, Thy Ngọc, Băng Sơn, Lê Tám, Trần Chính Vũ, Vân Long, Lê Văn Ba… Theo thống kê cuối sách, ban tuyển chọn đã lập được bảng danh sách 76 nhà văn,nhạc sỹ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia… có tác phẩm trong lòng Hà Nội thời ấy. Tuy bản danh sách còn sót một số tên tuổi như Hồ Dzếnh, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Tường Phượng… nhưng cũng cho thấy, nhất là trong các năm 1952, 1953 và nửa đầu 1954, một đội ngũ và phần đóng góp của họ, ngay trong lòng Hà Nội tạm chiếm, vào văn mạch dân tộc.
Một đặc trưng của văn chương Hà Nội 47-54 là tình cảm của người dân yêu nước hướng về kháng chiến nhưng phải sống trong lòng địch, có người là cơ sở của kháng chiến hoặc trong các tổ chức hoạt động địch hậu, có người từng bị địch bắt bớ tù đầy. Viết trong lòng địch, giữa rất nhiều kìm kẹp theo dõi của đối phương, mà biểu hiện được lòng yêu nước, hướng về kháng chiến, tin vào thắng lợi của cách mạng rất cần một chiến lược tấn công biến hóa, một chịu đựng náu mình, một bút pháp uyển chuyển và nhiều thủ pháp văn chương.
Thơ
Các nhà thơ đã thành danh từ thời Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng không có đóng góp gì xuất sắc. Các ông quay về thế giới lãng mạn cũ của mình mà thời cuộc khi ấy không còn để tâm đến nữa. Bà Ngân Giang có những vần khi bi tráng khi tài hoa trong cảm xúc quen thuộc, đề tài quen thuộc lưu luyến một thuở thanh bình xa xưa hoặc sự tích lịch sử kiêu hùng mang vẻ đẹp tượng trưng, sông hồ lữ quán.
Giọng cảm xúc chủ đạo của thơ Hà Nội tạm chiếm là tình cảnh đất nước quê hương chìm trong khói lửa tan tác thê lương, là chí làm trai trong thời tao loạn, khát vọng nhiều mà như hổ sa cơ, là tiếng than, nỗi nhớ con đường lý tưởng cao đẹp, gian lao mà mình lại không dấn bước. Tác giả của cảm xúc ấy là các cây bút thanh niên: Hoàng Phụng Tỵ, Hoài Việt, Hồ Mi, Huy Linh, Hương Huyền, Kiều Liên Sơn, Lương Danh Hiền, Băng Sơn, Nguyễn Hà, Vân Long, Hạnh Hoàng Thu, Giang Quân, Dương Tuyết Lan, Minh Tâm, Thùy Linh, Thanh Hào... Tác giả muốn bộc lộ chí mình nhưng phải kìm nén lại, vùi cảm xúc vào biểu tượng, thường là biểu tượng lịch sử của những Bạch Đằng, Lam Sơn, Đống Đa... Cảm xúc mạnh, lời lẽ hăng hái, nồng say, tuy hơi sáo và tất nhiên ước lệ. Xin trích một số đoạn dể các bạn dễ hình dung
Chiều nay gió lặng giữa hơi thu
Có một người trai vẫn tương tư
Ra đi rửa sạch cừu sâu hận
Vẽ bóng rừng lau một dáng cờ
Băng Sơn
Lòng tôi ươm một mùa thu sông núi
Heo may về trong nắng mới hồng tươi
(…)thu đã đến giữa một trời gươm súng
Trăng chiến địa những đêm chờ gió lộng
Đoàn quân đi giành lại một mùa thu
LƯƠNG DANH HIỀN – LÊ TÁM
Trong nhiều bài thơ luôn ẩn giấu một niềm chờ đợi tha thiết: Ông bố bà mẹ cao niên chờ con chiến thắng trở về, cô gái nhớ một khách chinh phu và tấm lòng công dân nhớ những ngày huy hoàng độc lập tự do. Khuynh hướng chính trị của thơ khá rõ nhưng phải viết sao kẻ địch không dễ gì kiếm cớ. Cái đích chính trị phải ẩn đi. Ẩn đi thì bảo vệ được tác giả nhưng không lợi cho tác phẩm: Dễ thiếu chiều sâu chân thực của cảm xúc và sức lay động của tư tưởng.
Ở đây cũng cần nhắc tới một số tên tuổi cũng mới xuất hiện như các tác giả vừa nhắc trên nhưng họ đã nhập vào những người di cư vào Nam, sau này có người trở thành chủ lực của văn chương Sài Gòn, nhưng bạn đọc Hà Nội lại ít biết nơi xuất phát của họ như Mai Thảo, Thanh Tam Tuyền, Nguyên Sa… và trong tập tuyểnViết trong Hà Nội của năm 2014 cũng chưa thấy họ. Chúng tôi hiểu ban tuyển có gặp khó khăn về tài liệu và tác phẩm về họ. Nhưng vẫn đáng tiếc và cần tìm cách bổ sung sớm. Tôi nói tìm cách vì việc này tưởng dễ trong thời thông tin liên lạc thuận tiện này mà lại vẫn khó. Dấu vết con sông Tuyến còn hằn in trong lòng người, cả bên này lẫn bên kia. Buồn thế.
Từ năm 1952, thơ trong lòng Hà Nội phát triển sang khuynh hướng hiện thực phê phán khá rõ, trong cả trữ tình lẫn trào phúng Trữ tình, bài thơ như câu chuyện kể những lam lũ, bất công, những thảm cảnh của kiếp người. Cảnh sống vô gia cư, lấy gậm cầu làm nơi trú ngụ. Hồ Mi cẩn thận và rõ ràng với đề từ Viết tặng người lầm than… khuynh hướng này nâng cao phẩm chất nhân đạo của thơ. Biết thương người, biết chia sẻ gian lao với bà con nghèo khó là một cống hiến của thơ trong tạo dựng tình cảm người thành phố, nhất là một thành phố do ngoại bang thống trị. Phía trào phúng, những nhà thơ Muỗi Sài gòn Vũ Đức Toa, Tú Sụn Phùng Quốc Thụy, Tú Nguyễn Nguyễn Đình Lan, rồi Vũ Văn Huề rồi Tú Lỡm góp phần vạch trần cái thối nát ngu dân của chính quyền tay sai, và lối sống nhố nhăng của bọn giàu sang, vong quốc. Chỉ cần đọc tên bài cũng đã thấy thái độ tác giả và sự hả hê của người dân: Thuế không khí, Khóc ông Quận bị thải hồi, Hỏi thăm ông thị trưởng mới tậu nhà, Tiễn ông Thủ hiến về vườn.
VĂN XUÔI
Truyện ngắn phóng sự là các thể loại được vận dụng nhiều, tiểu thuyết phải đợi đến năm 1952. Đọc lại để hình dung Hà Nội thời ấy. Khá rõ là cảnh sống, cách kiếm ăn và nỗi nhọc nhằn của lớp người dưới đáy. Tình cảnh cháu gái bán kem nuôi bà trong truyện Lê Văn Ba, nỗi khổ nhục người đàn bà bị giặc giết chồng và làm nhục trong truyện của Mộng Sơn. Phóng sự vỉa hè Tràng Tiền sắc sảo và thương người của Huy Linh, cho thấy một Hà Nội lầm than ở ngay một con phố phù hoa nhất của Hà Nội. Tâm trạng người Hà Nội tản cư (Trần Chính Vũ). Cảnh éo le thươngtâm một phụ nữ bán thân nuôi em (Mai Anh)… Không thể kể hết các đề tài hay chủ đề của thể loại gọn nhẹ này, có thể nói thể loại truyện ngắn đã tung tóe tới mọi ngõ ngách Hà Nội để trò truyện, để tâm sự với mọi loại bạn đọc về thờì cuộc, về nhân tình thế thái, chuyện nhà chuyện nước, chuyện kiếm sống. Đề tài tỏa rộng nhưng khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng tình cảm lại khá chụm. Đó là lòng yêu nước, là chủ nghĩa nhân đạo, thương xót bà con nghèo, bị áp bức, bị đày đọa. Đó là bài ca ca ngợi lòng bao dung, nhân hậu của tình nghĩa Việt Nam biểu hiện qua cách ứng xử của những con người thường ngày phải lặn ngụp dưới đáy xã hội. Đó cũng là bản cáo trạng tố cáo tội ác cùng mọi mưu mô của kẻ thống trị, kẻ bóc lột. Nương tựa vào sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực, đời thế thì văn phải viết thế, các nhà văn đã tìm ra cách tấn công địch ngay trong lòng địch có hiệu quả. Hiệu quả trước mắt là an ủi và khích lệ nhân dân chiến đấu, tự bảo vệ mình và hiệu quả lâu dài là đến hôm nay, hơn sáu mươi năm đã trôi qua, các trang truyện vẫn có sức làm giàu cho nhận thức, cho tình cảm chúng ta khi hình dung lại sắc thái cuộc chiến, và cách sống của người dân trong lòng Hà Nội bị địch chiếm. Tiểu thuyết xuất hiện sau truyện ngắn cũng đã có thành tựu đáng ghi nhận. Nhà văn thành danh từ trước cách mạng Ngọc Giao có tới bốn cuốn là Quán Gió, Cầu sương, Đất , Xã Bèo, vẫn câu văn nhịp nhàng cân đối như thuở nào. Lớp trẻ hơn: cuốn Nhìn xuống của Sao Mai có chiều sâu và ý nghĩa xã hội. Nguyễn Minh Lang từ năm 21 tuổi (1951) đến năm 23 tuổi đã xuất bản liên tiếp năm tập tiểu thuyết, ngoài ra còn hai tập truyện ngắn. Anh là cây bút tiểu thuyết nhiều hứa hẹn. Hoàng Công Khanh trong thời gian ấy trình làng tập Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu và Trại Tân bồi có sức thu hút độc giả. Cả ba đều trở thành hội viên Hội Nhà văn VN ngay khi Hội thành lập năm 1957. Rất tiếc, duy trì sức viết liên tuc, đều và khỏe từ ngày ấy cho đến khi tạ thế chỉ có Sao Mai (1924-2008) và Hoàng Công Khanh (1922-2010) còn Nguyễn Minh Lang bỏ viết sang nghề dạy học. Thy Thy Tống Ngọc, sau này là Thy Ngọc, viết tiểu thuyết Cu Tý, miêu tả thế giới tuổi thơ không phân biệt giàu nghèo thương yêu nhau thật sự. Văn Thy Ngọc ấm áp. Ông có cái nhìn trong sáng cảm động, ca ngợi vẻ đẹp nhân hậu của tình gia đình, tình thày trò, tình bạn bè thời thơ ấu. Sau này ông dành cả đời văn cho đề tài tuổi nhỏ. Tiểu thuyết giải trí rất có đất phát triển, bạn đọc đô thị ham các tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng với nhân vật thám tử Kỳ Khôi, Kỳ Phát có cách phá án tài ba bằng suy luận thông minh, gợi nhớ thám tử Sherlock Homlmes của nhà văn Anh Conan Doyle. Tiểu thuyết kiếm hiệp rất ít giá trị văn chương nhưng được giới học sinh mê đọc như các cuốn Giao Trì hiệp nữ, Bồng lai hiệp khách của Lý Ngọc Hưng được in bán hàng ngày theo từng số chừng một tay sách.
KỊCH THƠ
Không phải kịch nói mà kịch thơ khá phát triển trong Hà Nội tạm chiếm với các tác giả kịch bản Giang Quân, Thao Thao, Hoàng Công Khanh. Kịch thơ, cố nhiên vừa là thơ vừa là kịch, tính ước lệ được nâng lên một bậc, tính lý tưởng do vậy dễ bộc lộ phát huy. Kịch thơ trong Hà Nội tạm chiếm thường khai thác đề tài lich sử. Mâu thuẫn kịch xuất phát từ cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đề tài tạo một thế thuận cho các tác giả mượn tích xưa kêu gọi, cổ võ lòng yêu nước, ca ngợi những nhân vật hy sinh cho độc lập dân tộc. Đề tài ấy rất hợp với thơ. Phong vị bi tráng, lãng mạn, cảm khái là đặc trưng thẩm mỹ của các vở kịch này. Bến nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh, Con tôi về giữa mùa xuân của Giang Quân, Quán biên thùy của Thao Thao… là những kịch mục công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn trong các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên. Kịch thơ đã thành vũ khí tư tưởng, thành diễn đàn biểu lộ công khai tình cảm kháng chiến chống ngoại xâm của thanh niên Hà Nội được nhân dân thủ đô nồng nhiệt hưởng ứng.
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU
Thể loại này còn lép trong giai đoạn văn chương này. Có lí do của hoàn cành xã hội chính trị. Viết đã như một sự lừa địch để kêu goi bà con chống giặc nhưng phê bình hay nghiên cứu thì lại phải làm lộ ra. Cho nên mới chỉ có các bài báo giới thiệu khéo léo để bà con tìm đọc mà tự hiểu. Nhiều nhà nghiên cứu phải tìm vào cổ văn như Truyện Kiều, như Cung oán ngâm khúc… nhưng cũng mới dừng ở mức chú thích, khảo dị hoặc giới thiệu đại cương. Đó là công trình của các nhà giáo Nguyễn Tường Phượng, Hoài Việt, Nguyễn Uyển Diễm…
Nhân đây tôi cũng xin được ghi nhận phần đóng góp lặng thầm nhưng rất ý nghĩa của chủ nhân các nhà xuất bản Kuy Sơn, Vỡ đất, Văn Hồng Thịnh… cả những nhà xuất bản ngắn hạn như Trúc Khê thư xã lập ra chỉ để in mấy tác phẩm của Trúc Khê và của vài ba tác giả đang ở chiến khu kháng chiến. Những nhà xuất bản đó đã chấp nhận khó khăn kinh tê và sự phiền nhiễu o ép của chính quyền đối phương để hỗ trợ, cộng tác với các nhà văn, nhà nghiên cứu tạo nên gương mặt văn chương này.
Tôi cũng mong Bảo tàng văn học VN sẽ có không gian lưu giữ giới thiệu phần tinh hoa của giai đoạn văn chương ngặt nghèo và quả cảm này của Hà Nội.
Nguồn Văn nghệ số 42/2016
http://baovannghe.com.vn/viet-trong-ha-noi-thoi-1947-1954-15645.html?vip=bvn
---
BỔ SUNG
.
1. Bài của Cao Việt Dũng
Jan 11, 2017
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Vừa mới xong đây, ngoài nhiều điều khác, ta đã thấy rất rõ rằng giai đoạn Hà Nội 1945-1946 là một "vùng trắng" - về nó xưa nay gần như ta không biết gì. Một đoạn khác còn là "vùng trắng" khủng khiếp hơn: Hà Nội từ đầu năm 1947 cho đến năm 1954.
Tất nhiên, tính chất "trắng" là không đồng nhất. Sự "trắng" này có thể được biểu hiện theo nhiều cách, ở nhiều mức độ. Nhưng phải nói rất rõ rằng, về đoạn 47-54 mà ta đang quan tâm, từ trước đến nay đã có không ít thứ được nói hoặc kể lại. Chỉ có điều, cũng như ở nhiều chỗ khác, cả ở đây, cũng có một câu chuyện khác.
Sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946, ta có thể dễ dàng hình dung thành phố Hà Nội một mặt trở nên hoang vắng với rất nhiều người đi khỏi, một mặt trở nên hết sức hỗn loạn, khi mà ta không thể nói đến một chính quyền dân sự đúng nghĩa. Những chuyện gì đã xảy ra ở đây?
Bảo Đại là một nhân vật kỳ lạ, có số phận dường như chỉ dành để "trám" vào những đoạn ngày tháng chờ đợi, mọi quyền lực mà Bảo Đại từng nắm đều là quyền lực nửa vời, phải chịu chi phối, và là chi phối từ rất nhiều phía, phía nào cũng có thực lực mạnh hơn Bảo Đại. "Đế quốc Việt Nam" hồi 1945 và "Quốc gia Việt Nam" hồi 1949 đều có vai trò trung tâm là Bảo Đại, nhưng sự tồn tại của các chính thể này mang đủ hết các yếu tố của chập chờn, lảo đảo. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn lặp lại các tổ tiên mình ở một bản hiệp ước ký với người Pháp cũng ngày 5 tháng Sáu, nhưng là năm 1948 (đây là cuộc gặp Vịnh Hạ Long với Cao ủy Bollaert), so với bản hiệp ước ký cùng ngày cùng tháng năm 1862 (Hòa ước Nhâm Tuất, dưới triều Tự Đức, dẫn đến việc nhà Nguyễn chính thức mất ba tỉnh miền Đông, rồi sau đó là các hoạt động tuyệt vọng của những người như Phan Thanh Giản). "Giải pháp Bảo Đại" đi qua rất nhiều dùng dằng phức tạp, cuối cùng rồi cũng được hiện thực hóa - ta ở vào thời điểm 1949, và người ta đã bắt đầu gọi Bảo Đại là "cựu hoàng", sau một hiệp định nữa ký với người Pháp, ngày 8 tháng Ba năm 1949. Các nhân vật con thoi kiểu Sainteny hoạt động tất bật: sau Bollaert còn có thêm Cao ủy Pignon, trước khi một số chuyện quan trọng được thỏa thuận và dàn xếp xong xuôi.
Các nhân vật đã xuất hiện sau đó thường xuất hiện trở lại. Phan Huy Đán, người thế chỗ Khái Hưng Trần Khánh Giư làm chủ bút tờ Bình minh (tháng Năm 1945) ở quãng 1948 có thời điểm làm bí thư cho Bảo Đại, làm công việc giống như đại diện của Bảo Đại (còn ở Pháp, chưa về Việt Nam) đi thương thuyết với các phe phái ở Việt Nam. Trần Trung Dung của Đại Việt Quốc dân đảng thì đi gặp các nhóm Bình Xuyên hay Hòa Hảo. Các nhân vật đôi khi đột nhiên biến mất, không thấy dấu vết nữa, nhưng đó chủ yếu là vì ta chưa tìm kỹ mà thôi. Có những người biến mất hoàn toàn, như Khái Hưng từ sau 19 tháng Chạp năm 1946, nhưng dư âm vẫn còn lại. Tôi từng bỏ không biết bao nhiêu thời gian để tìm dấu vết của Ngô Thúc Địch: năm 1949 hiển nhiên Ngô Thúc Địch còn sống, lại viết điếu văn cho Nhượng Tống (xem ở kia), nhưng sau đó bỗng mất hút. Tôi từng hỏi rất nhiều người, không ai biết cả, cho đến ngày tình cờ đọc trong một cuốn sách rất bí hiểm, trong đó Ngô Thúc Địch được nhắc đến cặn kẽ ở thời điểm qua đời, năm 1952 tại Hà Nội, vì câu chuyện liên quan đến "đảng kỳ" (một lúc nào đó, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện này).
Việt Nam từ đầu 1947 đến khi "Giải pháp Bảo Đại" được hiện thực hóa là một Việt Nam vô cùng phức tạp. Nam Kỳ có tự trị hay không nổi lên thành vấn đề rất lớn. Người Pháp luôn luôn nắm lấy Nam Kỳ đầu tiên (Trung Bắc bao giờ cũng tiêu thổ kháng chiến rất nhanh chóng và lợi hại); cho đến tận đầu năm 1949, một "Hội đồng Lãnh thổ" vẫn còn được tổ chức (số đại biểu người Việt Nam lớn gấp đôi số đại biểu người Pháp) để bỏ phiếu xem Nam Kỳ tự trị hay Nam Kỳ sẽ thuộc Việt Nam. Kết quả là người ta quyết định Nam Kỳ thuộc Việt Nam, và Bảo Đại, trên danh nghĩa, cầm quyền trên cả đất nước, về cơ bản giống như Gia Long. Nhưng nhân vật quan trọng của Nam Kỳ giai đoạn này là Nguyễn Văn Xuân (Nguyễn Văn Xuân mới là người đặt bút ký bản hiệp định 5/6/1948 với Bollaert, như đã nói ở trên).
Tạm bỏ qua Nam Kỳ. Trung Bắc thì như thế nào?
Trước hết, là đổ nát. Đến tận năm 1949, báo ở Hà Nội còn làm kiểm kê, cho biết cụ thể Hà Nội và Hải Phòng có bao nhiêu ngôi nhà bị tàn phá do cuộc đụng độ bắt đầu từ 19 tháng Chạp 1946. Hải Phòng thiệt hại vài trăm nhà, còn Hà Nội có chừng 13.000 nhà đổ, bị phá theo đủ mọi mức độ. Ta đã biết rõ cách chiến đấu trong thành phố của đoạn lịch sử ấy, nên không lạ với con số khủng khiếp kia. Thời điểm 49 đó, trên 13.000 nhà hỏng, người ta mới làm lại được chưa đầy 1.000 nhà. Vai trò dựng lại nhà tập trung một phần lớn vào hội Hợp Thiện. Khi chính quyền không thực sự tồn tại, các hội nhóm trở nên rất quan trọng (trong lòng Hà Nội, hội Trí Tri cũng sẽ quay trở lại hoạt động).
Sang đến năm 1947, trước tình hình tan hoang, miền Trung và miền Bắc đã xuất hiện một cơ quan tên là "Hội đồng An dân", trong đó ở miền Trung nổi bật nhân vật Trần Văn Lý (ở Huế giai đoạn này, có vẻ tờ báoSóng mới rất quan trọng). Miền Bắc cũng có "Hội đồng An dân", và có thêm một "Hợp tác xã": mỗi người dân góp vào đây 5 đồng để hợp tác xã buôn bán lương thực, một hình thức "công ty cổ phần". Về sau, Hợp tác xã ở Hải Phòng có vẻ buôn bán thành công, hằng tháng chia lãi cho cổ đông, trong khi Hợp tác xã ở Hà Nội bị phàn nàn rất ghê, suốt mấy năm không chịu hạch toán lỗ lãi, và đến khi chịu sức ép không nổi thông báo tình hình hoạt động thì hóa ra lỗ nặng, chẳng ai được đồng nào.
Hiển nhiên, nhân vật quan trọng của giai đoạn này tại Hà Nội là Nghiêm Xuân Thiện. Nghiêm Xuân Thiện là ai? là một người rất không xa lạ với Nghiêm Xuân Yêm mà ngày nay ta vẫn biết rõ. Nghiêm Xuân Thiện có vẻ là đồng chí thân thiết của Trần Trung Dung, và Nghiêm Xuân Thiện sẽ là Tổng trấn Bắc phần (chức vụ này khi Bảo Đại đã lên thường được gọi là "Thủ hiến" - và Bảo Đại sẽ nhanh chóng cử một người Nam ra thay chỗ Nghiêm Xuân Thiện, đó là Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí).
Về những đoạn "trắng" và "rất trắng" như thế này, cách duy nhất để tìm hiểu, thêm một lần nữa, là: các tờ báo. Nghiêm Xuân Thiện, trước khi trở thành Tổng trấn (dường như trong sự thỏa thuận với "Thủ tướng" Nguyễn Văn Xuân) là một chủ báo.
80 Quán Thánh là địa điểm trung tâm khi ta nói đến đoạn làm báo cuối đời của Khái Hưng: đó là trụ sở ("báo quán") của cả Việt Nam lẫn Chính nghĩa. Đây cần được coi là "thánh địa" của lịch sử báo chí Việt Nam, theo đủ mọi nghĩa mà từ này bao hàm. Ở đó, tầng dưới cùng chính là nhà in. Nghiêm Xuân Thiện sẽ tiếp quản luôn nơi này, đặt làm báo quán cho hai tờ nối tiếp nhau, những tờ báo rất hiếm hoi của một đoạn Hà Nội điêu tàn: trước tiên là tờ Trật tự, rồi đổi tên thành tờ Thời sự (khi đã vào Sài Gòn, Nghiêm Xuân Thiện tiếp tục làm báo, và mở ra tờ Thời cuộc).
Như vậy, về cơ bản, ta đã có thể hình dung, tại Hà Nội từ đầu 1947 cho tới quãng 1949, ngoài Hội đồng An dân có Tổng trấn Phủ (Nghiêm Xuân Thiện), ngoài ra còn có Dinh Thị trưởng. Thị trưởng Hà Nội giai đoạn này là Phan Xuân Đài. Phan Xuân Đài là thị trưởng sau Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng, Bùi Văn Quý và trước Thẩm Hoàng Tín, Đỗ Quang Giai. Rất có thể, Hội đồng An dân cũng chính là Tòa Thị chính, hoặc một "thế thân" của nó.
Cũng như ở đoạn 1945-1946, chuyện Việt Cách và Việt Quốc chống Việt Minh về cơ bản nên coi chỉ là huyền thoại (Việt Cách không chống Việt Minh nhiều cho lắm), ở đoạn 1947-1954, chuyện người Hà Nội sống ở thành phố Hà Nội ủng hộ Pháp cũng chỉ là một huyền thoại nốt. Các tờ báo giai đoạn này đều coi việc đòi Pháp trả độc lập (một cách thực sự) cho Việt Nam là công việc quan trọng nhất của mình.
Nếu đọc sâu vào báo chí ở nhiều giai đoạn, ta có thể đi tới một hình dung về "thời thực dân" ở Việt Nam. Dường như các tờ báo đã tạo ra một không gian hoàn toàn khác. Đọc chúng, ta gần như không thấy có sự hiện diện của người nước ngoài. Các tờ báo làm cho tinh thần Việt Nam được bảo tồn. Nếu đọc thêm các báo tiếng Pháp, ta bắt đầu thấy như thể hai thế giới hoàn toàn cách biệt đang tồn tại, gần nhau nhưng chẳng hề liên quan mấy. Báo tiếng Pháp của người Pháp tại Đông Dương viết (và phát hành ngay tại Đông Dương) lại càng xa vời, cứ như thể là đang không ở đây. Các tờ báo nói lên không chỉ tin tức, chúng còn hé lộ những sâu kín của phong khí, của những gì vô hình, của cả sự cự tuyệt sâu xa.
Ở trên đã nhắc đến mấy tờ rất quan trọng liên quan đến Nghiêm Xuân Thiện, Trật tự và Thời sự. Nhưng đâu là tờ báo quan trọng nhất của Hà Nội trong giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang quan tâm?
Sau rất nhiều năm, tôi mới xác định được mà không sợ nhầm lẫn: tờ báo quan trọng nhất của đoạn này là tuần báo Cải tạo. Tờ báo bắt đầu ra từ năm 1948, của Phạm Văn Thụ.
Vai trò chủ bút hết sức quan trọng của Cải tạo: Đào Trinh Nhất. Có lẽ Đào Trinh Nhất làm chủ bút ngay từ số 1. Một cách chính xác, Đào Trinh Nhất ngừng làm chủ bút sau số 70, trong năm 1949. Ngay sau đó, Đào Trinh Nhất sẽ vào Nam và nhanh chóng qua đời (xem thêm ở kia và ở kia). Sự nghiệp báo chí của Đào Trinh Nhất không hề thua sự nghiệp báo chí của Phan Khôi (xem ở kia). Cho đến nay, sự nghiệp ấy của Đào Trinh Nhất cũng là một vùng trắng hoàn toàn.
Cũng trên Cải tạo, Đào Trinh Nhất đăng, nhiều kỳ, với số lượng rất đáng kể, bản dịch Liêu trai chí dị.
http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/01/ha-noi-tu-1947-den-1954-1.html
(nguồn ảnh: courtesy of TTP)
-----------
Câu chuyện thế hệ ở Việt Nam
(còn nữa)
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng
Jan 15, 2017
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ
Trước khi tiếp tục câu chuyện của chúng ta, bắt đầu ở kia (nhưng thật ra phải tính mốc khởi đầu đích thực là ở kia), cần quay ngang, nhìn vào một cuốn sách, trong đó có một chương bàn đúng đến giai đoạn Hà Nội 1947-1954: đó là tác phẩm danh tiếng của Philippe Papin, Lịch sử Hà Nội, mà giờ đây chắc hẳn rất nhiều người đã đọc.
Chương này đặc biệt tồi tệ. Tuy mang tên là "47-54" nhưng về cơ bản, nội dung của nó chỉ đi từ 1951 đến 1954. Và sử gia Papin đã viết cả chương này mà chỉ dựa vào đúng một cuốn sách.
Đó là cuốn sách của Nguyễn Bắc, một dạng hồi ký. Nó đây:
(nguồn ảnh: courtesy of TTP)
Đây là một hồi ký đặc biệt quan trọng, nhưng sự quan trọng của nó nằm ở điểm sau đây: nó gần như là chứng từ duy nhất mà giờ đây chúng ta còn đọc được một cách tương đối dễ dàng về giai đoạn lịch sử này, tức là nó quan trọng vì nó gần như là duy nhất ở trong tầm tay đại chúng. Nhưng xét về bản chất, cuốn sách cực kỳ sơ sài (chưa đầy 100 trang; ấn bản trong ảnh có lời tựa của Tô Hoài, mà Tô Hoài lại là người không hề ở Hà Nội giai đoạn ấy), vả lại nó chỉ chép một số chuyện kể từ lúc Nguyễn Bắc được đưa vào thành phố Hà Nội để hoạt động bí mật, tức là từ 1951 đến 1954. Về cơ bản, cuốn sách chỉ bao gồm đúng một đoạn dưới thời Thị trưởng Đỗ Quang Giai, tức là thị trưởng cuối cùng tính tới 1954 (Đỗ Quang Giai sẽ vào Nam và bị ám sát gần như ngay lập tức).
Chỉ dựa vào đây, Philippe Papin thực chất không hề nói được bất kỳ điều gì về giai đoạn từ đầu 1947 đến 1951. Và điều đó cũng cho thấy, Papin đã không hề nghiên cứu gì cả. Sử gia của chúng ta, khá chua chát, nhận xét rằng thật đáng tiếc vì giờ đây ta không còn biết người dân thường sống trong thành phố thời ấy suy nghĩ như thế nào nữa. Ô hay, tất nhiên là ông không thể biết, vì ông có tìm hiểu đâu.
Philippe Papin đã dựa vào duy nhất một cuốn sách (không chỉ sơ sài, mà thật ra còn có rất nhiều điểm đáng ngờ - riêng về nhân vật Nguyễn Bắc, ta sẽ sớm quay trở lại một cách cặn kẽ) để viết sử cho cả một giai đoạn. Philippe Papin không đọc lấy một tờ báo nào phát hành vào giai đoạn này (và than phiền là không hiểu người dân thường thời ấy nghĩ gì). Ta có thể thấy sản phẩm nổi tiếng của Viễn Đông Bác Cổ là như thế nào.
Viễn Đông Bác Cổ cũng vờ vịt nghiên cứu không khác gì rất nhiều nhân vật trong giới nghiên cứu người Việt Nam. Dường như hai bên thân ái mà lây nhiễm cho nhau những gì là tồi tệ nhất. Rộng hơn về EFEO, xem ở kia.
EFEO là một trung tâm nghiên cứu lớn, lịch sử rất lâu đời. Và sự sa sút chất lượng của các nhà nghiên cứu gắn liền với nơi này cũng cho thấy, ở tầm mức rộng hơn, chất lượng của cái gọi là "ngành Việt Nam học" trên phạm vi toàn thế giới. Sau nhiều năm quan sát, tôi nghĩ đã có thể nói, bốn trung tâm lớn hơn cả trong mảng này (Pháp, Mỹ, Úc, Nhật), tất tật đều thảm hại. Từng có người nói cho tôi, ngành Việt Nam học thật ra chỉ là dạy tiếng Việt (ở mức độ sao cho học viên sau đó đi ăn phở ngoài phố Hà Nội không bị người ta đánh cho) chứ nghiên cứu cái gì đâu, lúc ấy tôi còn chưa tin, nhưng giờ thì gần như tin rồi. Các nhà nghiên cứu người nước ngoài còn có đóng góp phi thường trong việc đẩy Vũ Trọng Phụng trở thành khuôn mặt lớn nhất của lịch sử văn chương Việt Nam - sự méo mó này, theo tôi, sẽ cần nhiều năm mới điều chỉnh được.
Nhà nghiên cứu nước ngoài thực sự có tầm vóc cuối cùng là ai? Dường như tôi đã nhìn thấy: đó là Philippe Langlet. Ta sẽ sớm quay lại với Langlet.
Notre illustre historien Papin a récemment commis encore un nouvel ouvrage (sans bibliographie ni index) traitant toujours son domaine favori: la ville d'Hanoi, d'où émane quelque chose qu'on peut (ou doit) appeler un amour. Ou plus précisément, un amour aveugle.
Khảo luận mới đây của Philippe Papin, vẫn về Hà Nội:
Các nhà nghiên cứu người Pháp rất thích Baudelaire, và các nhà nghiên cứu người Pháp cũng đặc biệt thích Phan Huy Lê:
Tôi còn nhớ, trong một cuốn chuyên khảo về thuốc phiện ở vùng Viễn Đông, một thành viên khác của EFEO cũng trích dẫn rất đẫm Baudelaire. Chỉ có điều, tác giả ấy dường như hoàn toàn không biết một chút nào về Cai của Vũ Bằng hay Chiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân. Tại sao người ta lại vội vã nói đến "hậu thuộc địa" nhỉ? Biết đâu chủ nghĩa thực dân vẫn còn nguyên chưa hề mất đi đâu ấy chứ... au niveau mental, du moins.
Cuốn sách mới này của Philippe Papin được ấn hành cách đây vài năm, cùng nhà xuất bản in tác phẩm tuyệt vời của Lê Thành Khôi (xem ở kia): đọc cuốn sách này mới thấy, sử gia Papin hiểu rất kém về một nhân vật Việt Nam: lý trưởng.
Câu chuyện thế hệ ở Việt Nam
Albert Thibaudet có một ý tưởng rất đặc trưng: thế hệ. Trịnh Văn Thảo cũng là người thích nhìn nhận theo "trục" thế hệ, trong các tác phẩm nghiên cứu về trí thức Việt Nam.
Nhìn kỹ hơn, Thibaudet muốn nói đến các thế hệ là tập hợp những người ở độ tuổi 18, 20 vào một thời điểm nhất định, chứ không hẳn là thế hệ theo năm sinh. Đây là một nhìn nhận rất sâu sắc, vì ta hoàn toàn có thể thấy: lương tri con người sẽ in dấu ấn sâu đậm những gì chứng kiến ở lứa tuổi 18, 20, điều đó quyết định rất nhiều cho hoạt động của lý trí, và dẫn dắt con người theo các ngả đường đặc thù. Nói một cách đơn giản, tuổi đôi mươi của chúng ta in đậm những dấu ấn gì thì cuộc đời về sau của chúng ta sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ các dấu ấn đó.
Chúng ta có thế hệ thanh niên Việt Nam mười tám đôi mươi vào đoạn 1925-1926. Đây là thời điểm của Phạm Hồng Thái. Sự kiện Phạm Hồng Thái đã ảnh hưởng rất lớn đến những người sinh ra trong khoảng bảy, tám năm đầu tiên của thế kỷ 20. Đó không chỉ là các nhân vật chính của Yên Bái 1930 (Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp) mà đó cũng chính là các nhân vật như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ. Có thể nói rằng, ý thức chung đã có một bước ngoặt rất lớn vào đoạn 1925-1930, mà những ai trải qua một cách thực tế đều bị in dấu ấn không phai.
Thế hệ thanh niên tròn hai mươi tuổi vào năm 1954-1956 là thế hệ của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu.
Ở đây, ta sẽ đặt ra một câu hỏi rồi cố gắng trả lời: thế hệ tròn hai mươi tuổi vào quãng 1945-1946, họ là ai? Tất nhiên, Trần Dần chính là người thuộc thế hệ này, nhưng ta sẽ quan tâm hơn đến những người thế hệ này về sau gần như không được biết đến.
[có một điều hết sức quan trọng: có một nhân vật đến "giữa quãng đường đời" vào đoạn 1945-1946: Nguyễn Tuân; lựa chọn của Nguyễn Tuân vào thời điểm này sẽ liên quan đến rất nhiều chuyện khác, điều này mới chỉ duy nhất có một người nhìn thấy và nói một cách tường minh, đó là Phan Ngọc, xem thêm ở kia; đoạn 1945-1946 này, đâu là tác phẩm quan trọng của Nguyễn Tuân? ai cũng sẽ nói ngay, đó là Chùa Đàn, nhưng không, tôi không nghĩ vậy, quan trọng nhất ở đây phải là tập truyện ngắn Nguyễn: đó chính là lúc Nguyễn Tuân thể hiện mình đã lựa chọn, và Nguyễn Tuân lựa chọn thế nào? tôi nghĩ là đã có thể nói một cách tường minh: Nguyễn Tuân đã chọn làm một người Việt Nam; xưa nay, về "ngôi nhà", người ta hay nhắc đến cái truyện ngắn "Mua nhà" của Nam Cao, nhưng thật ra, chưa bao giờ có gì về ngôi nhà, ngôi nhà Việt Nam, hay ghê gớm như truyện "Nhà Nguyễn" trong tập Nguyễn, in năm 1945]
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng
http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/01/ha-noi-tu-1947-den-1954-2-the-he.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.