Từ đền Hoàng Mười, sẽ mở rộng thêm ra các đền phủ khác.
Sưu tập từ các nơi.
---
.
.
2.
Trong bối cảnh đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao sau thời kỳ đổi mới (1986) và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo của Đảng và Nhà nước là những nhân tố quan trọng cho sự khôi phục các lễ hội đền, phủ. Tuy nhiên sẽ là một thiếu sót khi không nói đến vai trò của những thủ nhang, người được chính quyền và nhân dân giao cho nhiệm vụ trực tiếp làm công tác quản lý di tích.
Ngày nay hội Phủ Dầy được tổ chức rất long trọng, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.
Ở Phủ Dày, điều đặc biệt so với nhiều địa phương khác là vị thủ nhang – người coi đền, phủ trong suốt mấy chục năm qua đã và đang là một trong những nhân tố cơ bản trong việc tu bổ di tích và khôi phục lễ hội. Việc nhân dân và chính quyền nơi đây giao di tích cho cá nhân bà Trần Thị Duyên trực tiếp quản lý, khoán gọn về tài chính đã nâng cao vai trò và quyền lợi của thủ nhang, khiến họ trở thành một đầu mối tổ chức cấp cơ sở, một tác nhân quản lý quan trọng cho sự huy động tối đa nguồn lực của nhân dân đối với lễ hội, phát huy tối đa trách nhiệm cá nhân trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân hướng về Phủ Dầy – huyền tích là nơi giáng sinh của Mẫu Liễu (một trong tứ bất tử của Việt Nam).
Niềm tin về đức thánh Mẫu, đời sống kinh tế được cải thiện là những yếu tố quan trọng cho sự khôi phục của lễ hội, đặc biệt cơ chế phân chia trách nhiệm quyền lợi cho thủ nhang đã góp phần phát huy vai trò cá nhân cho sự phục hồi của lễ hội. Quản lý di tích là một công việc “làm dâu trăm họ”, trong các mối quan hệ vận hành với chính quyền, với cộng đồng làng xã, với bản hội thập phương, nếu không có một năng lực quản lý thì khó có thể đi đến thành công.
Với năng lực quản lý như: tầm nhìn về tiềm năng phát triển lễ hội, sự năng động, nhạy bén, sáng tạo trong quản lý, khả năng giao tiếp tốt với khách thập phương, bà Trần Thị Duyên đã xây dựng được uy tín và năng lực quảng bá cho di tích. Khả năng tổ chức nguồn nhân lực của bà đã có những đóng góp nhất định cho sự khởi sắc của lễ hội Phủ Dày như ngày nay.
Theo bà Trần Thị Duyên, mong ước được làm việc thiện, để phúc đức cho đời sau, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng đã tiếp sức cho bà để hoàn thành công việc được giao. Vào những năm đầu tiên khi di tích chỉ là đống hoang tàn đổ nát, việc huy động, thuyết phục chính quyền, nhân dân ủng hộ còn rất nhiều khó khăn, chính niềm say mê theo đuổi công việc khôi phục lễ hội Phủ Dầy đã giúp bà và gia đình đứng ra gánh vác trách nhiệm này.
Ảnh: Bà Trần Thị Duyên (Ngồi ghế) – Thủ nhang Phủ Dầyー 場所: Phủ Dầy-Vụ Bản-Nam Định
https://www.facebook.com/lehoiphuday/photos/a.947299702067012.1073741828.283202178476771/949308148532834/?type=3&theater
1.
TTO - Trong suốt 11 năm trước, ban quản lý đền Hoàng Mười chỉ nộp vào kho bạc nhà nước khoảng 1,5 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2014 đến nay lượng tiền công đức tăng rất cao, bình quân 11 tỉ đồng/năm.
Cổng đền chính tại đền Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, hyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: VŨ TOÀN |
Sau sự cố Chở tiền công đức đi đâu xảy ra tại đền Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, hyện Hưng Nguyên, Nghệ An, các cơ quan chức năng của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh lại ban quản lý đền, bảo vệ nguồn thu từ tiền công đức hàng năm.
Theo đó, huyện Hưng Nguyên trực tiếp quản lý thay vì xã Hưng Thịnh như trước đây. Ban quản lý mới có phó trưởng Phòng văn hóa huyện, một phó chủ tịch xã và ông Nguyễn Đình Tường (người chống tiêu cực trong vụ Chở tiền công đức đi đâu) làm phó ban.
Ông Tường cho biết hiện đền có 14 hòm công đức đặt tại 13 cung và nơi ban quản lý làm việc. Ngày bình thường cứ cuối ngày là đếm tiền công đức và nộp kho bạc nhà nước ngay.
Riêng những ngày chuẩn bị giỗ ông Hoàng Mười (10-10 âm lịch) có rất đông du khách thập phương về thăm viếng, hầu đồng nên không thể đếm tiền trong ngày.
Các hòm công đức đầy tiền thì ban quản lý cho tiền vào vị trí bảo vệ nghiêm ngặt rồi niêm phong hôm sau đếm.
Cũng theo ông Tường, nếu trong suốt 11 năm trước (từ 2002-2013) ban quản lý chỉ nộp vào kho bạc nhà nước được tổng cộng 1,5 tỉ đồng thì từ năm 2014 đến nay số tiền công đức tăng rất cao, bình quân nộp được 11 tỉ đồng/năm.
Sau khi đền có nguồn tiền, UBND tỉnh tiến hành quy hoạch tôn tạo đền, mở rộng khu dịch vụ (bến bãi đậu xe, ki ốt, xây dựng đường xá phục vụ du khách.
Hiện ban quản lý đã xây mới khu thượng điện (cung ông Hoàng Mười), trị giá trên 10 tỉ đồng, xây mới cổng đền phía ngoài cổng đền chính để đón du khách thập phương.
Vũ Toàn
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161106/tien-cong-duc-o-den-hoang-muoi-11-ti-dong-moi-nam/1214662.html
TTO - Ngày 24-1, ông Trương Văn Tám - phó chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kiêm trưởng ban quản lí đền Hoàng Mười - thừa nhận có vụ một cán bộ của xã trộm tiền công đức ở đền Hoàng Mười.
Hòm công đức bằng két sắt tại đèn Hoàng Mười - Ảnh: V.Đồng |
Vụ trộm xảy ra tháng 12-2013 khi ban quản lý đền Hoàng Mười tổ chức đếm tiền công đức cuối năm. Do tiền công đức ở đây khá lớn nên UBND xã Hưng Thịnh cử thêm một số cán bộ tài chính, thủ quỹ phối hợp với Ban quản lý để đếm tiền.
Trong lúc mọi người đang đếm tiền, ông Nguyễn Đình Tường, phó ban quản lý phát hiện ông Dương Ngọc Hải (cán bộ ban tài chính xã) giấu một gói tiền trong người đem đến vùi dưới chăn trên một chiếc giường trong phòng đếm tiền.
Ngay sau khi ông Tường phản ánh, ban quản lý lập biên bản và tiến hành kiểm tra. Tổng số tiền trong gói tiền bị trộm là 20 triệu đồng. Ban quản lý tổ chức kiểm điểm, ông Hải thú nhận "đã bàn với một số anh em cất số tiền này để tết uống rượu". Sau đó ông Hải bị UBND xã kiểm điểm tiếp và đình chỉ việc đếm tiền thường niên ở đền Hoàng Mười.
Hồi tháng 6-2013, sau vụ ban quản lý cũ thuê xe chở bảy bì tiền công đức đi thuê doanh nghiệp Trung Long ở TP.Vinh đếm bị phát hiện (Chở tiền công đức đi đâu, Tuổi Trẻ ngày 12-6-2013), UBND xã Hưng Thịnh giải tán ban lý cũ, thành lập ban quản lý mới. Hai hòm công đức cũng được thay bằng két sắt.
Tổng số tiền công đức của bà con thập phương cung tiến tại đền Hoàng Mười từ đầu năm đến nay hơn 7 tỉ đồng. "Riêng từ khi ban quản lý mới làm việc từ tháng 7 đến tháng 12-2013 là 3,3 tỉ đồng" - ông Tám cho biết.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140124/phat-hien-mot-can-bo-trom-tien-cong-duc-o-den-hoang-muoi/591808.html
TT - Ngày 17-11, UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ra quyết định kỷ luật ba cán bộ xã Hưng Thịnh: khiển trách ông Lê Văn Hùng (chủ tịch xã) và Nguyễn Văn Trinh (trưởng ban văn hóa xã hội xã), cảnh cáo Lê Thanh Bình (trưởng ban tài chính xã).
Lý do: các cán bộ này đã buông lỏng quản lý tiền công đức tại ban quản lý đền Hoàng Mười và tiền công đức ở UBND xã Hưng Thịnh (“Chưa yên chuyện ở đền Hoàng Mười”, Tuổi Trẻ ngày 1-11).
Chưa yên chuyện ở đền Hoàng Mười
TT - Ngày 31-10, UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét sai phạm của chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, kế toán, tài chính và trưởng ban văn hóa xã hội trong thu chi quỹ công đức tại đền Hoàng Mười.
Đền Hoàng Mười vẫn tấp nập du khách viếng thăm - Ảnh: Vũ Toàn |
"Bản chất lớn nhất gây nên sự lộn xộn trong quản lý tiền công đức là do chính quyền địa phương quá buông lỏng quản lý. Các cấp lãnh đạo ở đây chưa thật sự coi trọng lòng thành kính của người dân hướng về các tín ngưỡng của văn hóa Việt. Vì vậy khi tiếp xúc với tiền công đức, không ít người đã không kiềm chế nổi lòng tham"
Ông Cao Đăng Vĩnh(giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An)
|
Theo ông Phạm Quốc Việt - phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, những sai phạm sẽ được xem xét là chi tiền công đức của nhà đền cho các tổ chức xã hội khác không thuộc quy định của UBND tỉnh. Việc chi tiền 5% cho ban quản lý trong ba năm (2010-2012) bị ban quản lý phản ứng, cho rằng đó là “chi khống” cũng được xem xét.
Sau vụ thuê xe chở tiền đi đếm vỡ ra hồi tháng 6 (Tuổi Trẻ ngày 12 và 13-6), UBND xã đã tổ chức kiểm điểm những người làm sai. Ông Lê Văn Hùng (chủ tịch xã) và ba cán bộ gồm Lê Thanh Bình (tài chính), Ngô Thị Hằng (kế toán), Nguyễn Văn Trinh (ban văn hóa xã hội) đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách và đề nghị huyện xét mức kỷ luật này.
Theo báo cáo của UBND xã Hưng Thịnh công bố trước các phiên họp HĐND xã từ năm 2010 đến 2012, khoản thu tiền công đức của đền Hoàng Mười trong ba năm là 3 tỉ 50 triệu đồng. Trong lúc đó, thượng tá Lê Văn Thái - trưởng Công an Hưng Nguyên - cho biết: “Sau vụ việc ở đền Hoàng Mười, chúng tôi vào cuộc ngay. Những tiêu cực tại đây rất phức tạp bởi từ khi đền Hoàng Mười được công nhận di tích lịch sử văn hóa (2002) thì rất nhiều du khách thập phương đến thăm viếng, cung tiến lễ vật và công đức. Đặc biệt từ năm 2010 lượng tiền công đức ở đây rất lớn, không dưới 9 tỉ đồng/năm”. “Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến nay, tiền công đức tại đền đã lên tới 4,7 tỉ đồng” - một cán bộ ban quản lý mới của đền cho biết.
Theo thượng tá Thái, vụ án không chỉ dừng lại tại những sai phạm ở UBND xã Hưng Thịnh từ năm 2010 đến nay. Việc xã giao khoán quỹ công đức hằng năm cho ban quản lý cũ thu tùy theo lượng tiền cung tiến là một kẽ hở lớn làm nảy sinh sai phạm. Diễn biến ban quản lý cũ thuê xe chở bảy bao tiền đi đếm hồi tháng 6 là một dẫn chứng. Nhiều năm trước họ cũng từng làm như vậy. Vậy tiền công đức bị xà xẻo sẽ đi đâu? Câu hỏi mở ra hướng truy tìm số tiền sai phạm này. “Báo chí có công đầu, chúng tôi không ngại va chạm để lật tẩy những sai phạm kể cả thời kỳ từ trước khi dư luận báo chí quan tâm. Phải khởi tố vụ án này mới thanh thản được” - ông Thái nói.
Gửi tiền công đức vào tài khoản cá nhân
Đoàn thanh tra của Sở VH-TT&DL Nghệ An cũng vừa kết thúc đợt thanh tra 11 đền, chùa có đông du khách. Theo đó, xã Hưng Đạo (cũng thuộc huyện Hưng Nguyên) quản lý đền Làng Rào nhưng lại giao cho một số người thu chi tiền công đức không có sổ sách ghi chép. Tại đền thờ Quang Trung (TP Vinh), từ năm 2011 đến tháng 6-2013 thu 2,3 tỉ đồng tiền công đức nhưng ban quản lý trích 80% để chi tiêu hoạt động tại đền, trái với quyết định của tỉnh. Việc quản lý tiền công đức sai quy định pháp luật cũng xảy ra tại đền Hồng Sơn (TP Vinh). Ban quản lý gửi hơn 3 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của trưởng phòng văn hóa TP Vinh kiêm trưởng ban quản lý. Sau thanh tra, sở yêu cầu ban quản lý rút số tiền này khỏi tài khoản cá nhân, lập một tài khoản tập thể.
|
Nghệ An: chất vấn xung quanh việc quản lý tiền công đức
TT - Sáng 17-7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Nghệ An đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 14 chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Trước đó, ngày 15-7 trong phiên khai mạc kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy - giữ chức phó chủ tịch HĐND tỉnh thay thế bà Đinh Thị Lệ Thanh, người đã được bầu làm phó chủ tịch UBND tỉnh.
Theo ông Trần Hồng Châu - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, các ông, bà: Nguyễn Xuân Đường - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh - được HĐND tỉnh bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 5-2013, Đinh Thị Lệ Thanh - nguyên phó chủ tịch HĐND tỉnh - được HĐND tỉnh bầu giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 5-2013, Nguyễn Xuân Sơn - tân phó chủ tịch HĐND tỉnh - không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy ông Trần Hồng Châu, chủ tịch HĐND tỉnh, là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất (74/84 phiếu), đạt 88,1%. Ông Moong Văn Hợi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - có phiếu tín nhiệm cao ít nhất (30/84 phiếu), đạt 35,7%. Riêng ông Võ Viết Thanh - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy - không có phiếu tín nhiệm thấp và phiếu tín nhiệm cao đứng thứ hai sau ông Châu (66/84 phiếu), đạt 78,5%.
Kỳ họp cũng đã thực hiện ba phiên chất vấn giám đốc của các sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa - thể thao và du lịch. Các đại biểu tập trung chất vấn thực trạng xe quá khổ, quá tải ngày càng gia tăng; đất rừng do các nông lâm trường quản lý quá nhiều nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, trong lúc người dân miền núi thiếu đất sản xuất. Đặc biệt phiên chất vấn giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch được các đại biểu nêu nhiều câu hỏi xoay quanh việc quản lý tiền công đức tại các đền, chùa.
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Cao Đăng Vĩnh giải trình: “Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh sai phạm tại đền Hoàng Mười, sở đã làm việc với UBND huyện Hưng Nguyên. UBND huyện Hưng Nguyên thừa nhận lỏng lẻo trong việc quản lý tiền công đức trong nhiều năm. Sở nhận trách nhiệm đã buông lỏng quản lý, thanh tra kiểm tra quy trình quản lý tiền công đức nên để xảy ra sai phạm đáng tiếc”.
Các đại biểu tiếp tục chất vấn việc xử lý sai phạm tại khu di tích lịch sử đền Hoàng Mười, ông Vĩnh khẳng định: “Chúng tôi đang kết hợp với huyện xử lý nghiêm túc người sai phạm để lấy lại niềm tin, tình cảm của du khách thập phương đối với ngôi đền thiêng. Tháng 8 tới, chúng tôi thành lập thêm đoàn công tác để thanh tra nhiều chiều những sai phạm tại đây nhằm giúp huyện có một ban quản lý tốt, không để những chuyện xấu ảnh hưởng đến tâm linh tại đền Hoàng Mười”.
Tiền công đức làm phúc lợi xã hội
TT - Trong khi việc sử dụng tiền công đức ở nhiều nơi đang bị biến tướng thì tại An Giang, phần lớn tiền công đức ở miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc đều dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.
Nhiều trường học ở phường Núi Sam và xã Vĩnh Tế được xây dựng nhờ tiền công đức ở miếu Bà Chúa Xứ - Ảnh: Đức Vịnh |
Bao du khách đến với lễ hội Vía Bà Châu Đốc đều cảm nhận bộ mặt khu vực núi Sam đã thay đổi nhiều, qua từng năm càng thêm khang trang.
Theo báo cáo của ban quản trị lăng miếu núi Sam, lễ hội Vía Bà hằng năm có hàng triệu khách hành hương đến lễ bái, gần đây tổng số tiền công đức bá tánh cúng dường khoảng 70 tỉ đồng/năm. Phần lớn nguồn thu này đều dành cho trùng tu, tôn tạo thêm các di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương. Cụ thể như làm đường vòng quanh núi, đường Châu Thị Tế, đường ở khóm Vĩnh Xuyên và Vĩnh Tây 2, nâng cấp đường Thủ Khoa Nghĩa ở phường Châu Phú B và một số tuyến trục lộ khác. Đồng thời đầu tư hệ thống cấp điện nước trên núi Sam, ở khóm Vĩnh Tây, ở xã Vĩnh Châu, đáng nói là xây dựng trạm y tế và hàng loạt ngôi trường trên địa bàn phường và xã Vĩnh Tế ở kế bên. Ngoài ra ban quản trị còn hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách và các đơn vị tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; đóng góp cho quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ; cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn...
“Tiền công đức năm nào sử dụng hết năm đó. Chỉ tính sáu năm nay chúng tôi đã chi 300 tỉ đồng đầu tư các công trình phúc lợi, hơn 30 tỉ đồng cho công tác xã hội từ thiện” - ông Phan Văn Trắng, trưởng ban quản trị lăng miếu, nói. Dự kiến sắp tới địa phương sẽ xây dựng thêm tuyến đường mới quanh núi, sắp xếp lại dân cư với kinh phí gần 340 tỉ đồng từ ngân sách địa phương và từ quỹ công đức của miếu Bà.
Ông Trắng cho biết hiện miếu Bà đặt sáu hòm công đức để du khách đóng góp, định kỳ ban quản trị cho mở hòm trước sự chứng kiến giám sát của hội đồng gồm hội quý tế, phòng tài chính thị xã. Tiền được kiểm tra chặt chẽ, có lập biên bản, niêm phong. “Tất cả các khoản tiền và vàng đều gửi vào ngân hàng, lãi cũng nhập vào đó, khi cần sử dụng thì chuyển khoản” - ông Trắng nói. Ngoài ra gạo muối, vật cúng tế, nhang đèn sử dụng không hết thì cấp phát cho nhiều đình chùa. Mỗi đợt tết, ban quản trị hỗ trợ dân nghèo hàng chục tấn gạo cùng nhiều loại thực phẩm khác.
Ông Mai Minh Hùng, phó chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc, cho biết UBND thị xã có quy chế sử dụng tiền công đức ở miếu Bà, hằng năm đều lên kế hoạch phân bổ, sử dụng cụ thể. “Ngoài chi cho công tác an ninh trật tự, hoạt động lễ hội, tôn tạo các di tích... thì 70% được sử dụng cho đầu tư các dự án phúc lợi xã hội ở địa phương” - ông Hùng khẳng định.
Ông Thái Công Nô, phó ban quản trị lăng miếu núi Sam, kể hiện nay ban quản trị gồm 1 trưởng ban, 3 phó ban và 143 nhân viên, trong đó có bộ phận hành chính quản trị, bộ phận kế toán, bộ phận kiểm tiền với 20 thành viên. Các nhân viên đều có hợp đồng lao động với mức lương căn cứ theo khung nhà nước như một đơn vị hành chính sự nghiệp. “Thấy mình tổ chức quản lý tốt, du khách càng tin tưởng cúng Bà nhiều hơn, quỹ công đức từ đó tăng đột biến. Trước đây mỗi năm chỉ 30 tỉ đồng, mấy năm nay trung bình 70 tỉ đồng, năm nay dự kiến 80 tỉ đồng” - ông Nô cho hay.
Mô hình cần nhân rộng
Ông Nguyễn Văn Lên, giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang, cho biết nhiều lần đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL về kiểm tra đều đánh giá việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở lăng miếu núi Sam minh bạch, hiệu quả, đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo ông Lên, đây là mô hình xã hội hóa làm tốt công tác trùng tu tôn tạo di tích, đầu tư công trình phúc lợi, công tác xã hội cần được học tập, nhân rộng.
|
Khó minh bạch hóa tiền công đức
TT - Không chỉ cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ sự bối rối trước việc minh bạch hóa tiền công đức.
Không có giấy tờ ghi chép cụ thể, không thể đối soát lúc cần kiểm tra, việc thu chi các khoản tiền công đức luôn trong tình trạng mà các nhà nghiên cứu gọi là “tù mù” hay “ma trận”. Vậy sẽ có bao nhiêu phần trăm hi vọng cho việc phá tan thế tù mù này? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia.
* GS Ngô Đức Thịnh (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia):
Tìm hiểu số lượng tiền công đức rất gian nan!
"Ngay Thái Bình có một ngôi đền được giao cho cơ quan nhà nước quản lý, mỗi năm thu về 2 tỉ đồng. Sau đó đền được giao cho người dân quản lý tiền công đức thì thu được 5 tỉ đồng. Vậy 3 tỉ đồng chênh lệch đó chạy đi đâu? Tình trạng này khá phổ biến, ở đâu cũng thấy"
GS NGÔ ĐỨC THỊNH
|
Tiền công đức không phải ngân sách nhà nước, đó là khoản thu hút hỗ trợ cộng đồng để tôn tạo, trùng tu, bảo vệ di tích. Việc đòi hỏi minh bạch rõ ràng là rất khó.
Hiện nay có quá nhiều kiểu công đức. Anh đến đền chùa, ghi vào sổ công đức một khoản tiền nhưng lại đưa cho ông thủ đền nhiều hơn. Số tiền chênh lệch đó chẳng ai ghi lại cả. Việc không minh bạch cũng khiến nhiều nơi giữa nhà chùa, nhà đền, ban quản lý và cộng đồng nghi kỵ lẫn nhau. Một vài nơi việc kiểm đếm đều có camera theo dõi, kiểm đếm xong thì nộp vào quỹ của xã, khi có việc mới lấy ra dùng. Số minh bạch này lại không nhiều, chủ yếu việc quản lý tiền công đức vẫn diễn ra tù mù, chẳng biết đâu vào đâu cả. Có những nơi mỗi năm thu hàng chục tỉ đồng nhưng chẳng có sổ sách ghi chép gì cả. Mà đó là di tích quốc gia chứ không phải của tư nhân hay cấp tỉnh, huyện.
Việc tìm hiểu số liệu tiền công đức, chi việc gì, khoản gì thật sự rất gian nan. Các nhà nghiên cứu không thể nào nắm được. Ví dụ như đền Bà Chúa Kho, từ giám đốc sở VH-TT&DL đến chủ tịch huyện, chủ tịch xã không ai nắm được thu chi bao nhiêu. Nhưng 20 năm nay không ai kiện ai, chứng tỏ việc thu chi và phân phối khá công bằng. Ở làng có đền, nhà ngói mọc lên nhanh hơn, người dân giàu hơn các làng khác do được hưởng lợi từ nguồn thu đó. Từ cụ già đến em nhỏ đều được phân chia nhưng hỏi họ được bao nhiêu thì không bao giờ nói ra.
Hơn nữa, cái quan niệm làm việc đền chùa là do thành tâm giờ cũng chỉ tương đối. Còn đồng tiền, quyền lợi lại có sức mạnh ghê gớm thay đổi nhiều thứ. Ở nhiều đền chùa, lượng tiền công đức lớn nhưng di tích vẫn không được tu bổ. Cho nên chỉ có thể cố gắng để các khoản thu chi được ghi vào sổ sách càng cụ thể càng tốt, lấy việc đầu tư trở lại cho di tích là một trong những tiêu chuẩn quan trọng chứ đòi hỏi minh bạch là điều không thể.
* Ông Nguyễn Danh Ngà (nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ VH-TT&DL):
Có chuyện tham ô, tham nhũng tiền công đức
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng tham ô, tham nhũng trong quản lý tiền công đức là có thật. Cũng vì thế mà nhiều người cố xin vào ban quản lý di tích chỉ vì muốn hưởng lợi từ nguồn thu đó. Bây giờ chúng ta phải đặt ra vấn đề quản lý thế nào để những người đóng góp yên tâm là tiền được sử dụng đúng mục đích, quay về tu bổ, tôn tạo di tích đó. Bên cạnh đó cũng không thể chấp nhận chuyện khoán để làm ăn kinh doanh vì di tích là nơi thờ tự, địa điểm tín ngưỡng tôn giáo, tiền công đức là do thành tâm của con người.
Trong thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang lấy ý kiến, chúng tôi cũng đề nghị phải rõ ràng trong việc kê khai các khoản thu chi tiền công đức. Khi có dấu hiệu sai phạm thì các cấp có thẩm quyền có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trước mắt chỉ có thể làm được việc đó thôi. Bởi về lý, Nhà nước chưa quản lý việc sử dụng, quản lý tiền công đức.
Nếu tới đây thông tư của Bộ VH-TT&DL ra đời, hướng dẫn việc minh bạch hóa tiền công đức thì những người tham gia các ban quản lý sẽ biết giám sát lẫn nhau để đảm bảo tiền được chi tiêu công khai, rõ ràng. Dĩ nhiên, không thể hi vọng việc công khai cho tất cả mọi người đều biết.
Sẽ có thông tư hướng dẫn việc sử dụng, quản lý tiền công đức
Để giải quyết câu chuyện đau đầu về quản lý tiền công đức, Bộ VH-TT&DL cũng đang dự thảo lấy ý kiến đóng góp cho thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (dự thảo đăng trên website của Bộ VH-TT&DL hồi tháng 1-2013). Trong đó, thông tư này dành hẳn một chương để hướng dẫn việc sử dụng và quản lý tiền công đức.
Về chủ thể quản lý tiền công đức, thông tư quy định “Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng có ban quản lý di tích do UBND các cấp thành lập thì ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý tiền công đức”. Riêng đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng nhưng chưa có ban quản lý thì người phụ trách cơ sở đó quản lý tiền và hiện vật thu được.
Tuy vậy, thông tư này đang vấp phải sự e ngại từ nhiều phía. Hiện vẫn tồn tại những tranh cãi rất lớn về việc ai là người sở hữu tiền công đức, ai được sử dụng số tiền đó. Ngoài ra, dự tính ban đầu đây là thông tư liên tịch giữa ba bộ: VH-TT&DL, Nội vụ, Tài chính. Tuy vậy, Bộ Tài chính đã rút không tham gia.
|
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Những hệ lụy bi hài của "hòm công đức"
TT - Tiền của những người tín tâm thông qua các loại “hòm công đức”, “nén nhang, giọt dầu” chảy về di tích dưới các hình thức khác nhau. Và chuyện bi hài quanh hòm công đức có lẽ chung quy tổng kết lại chỉ cần cái tứ trong câu Kiều: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Người hành hương chen chúc cúng tiền lẻ tại chùa Đồng, di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử - Ảnh: CHÂU ANH |
Đình, chùa, miếu mạo từ thượng cổ vốn bình yên, là nơi người ta tịnh tâm hướng về thế giới tâm linh huyền bí, khả kính. Ngày xưa đúc chuông chùa làng, ai có tâm mà giàu có lắm thì thả mấy xu tiền lẻ bằng đồng hoặc tí ti vàng dát cực mỏng vào, gọi là của ít lòng nhiều. Mỗi tiếng chuông ngân lên, bà con lại thấy rưng rưng xúc động. Còn bây giờ, người quản lý di tích in sẵn phiếu công đức xanh đỏ tím vàng trang trí diêm dúa rất hoành tráng, phát cho người “thả tiền”. Ai gửi cái gì cho phật, thánh... thì được ghi công, đem về treo ở nhà, tên họ của vợ chồng gia đình người công đức được khắc ở chân tượng, khắc ở cột cờ hay cột kèo của di tích, khắc ở ghế đá sân chùa, sân đền. Thậm chí có đại gia còn treo ảnh gia đình mình bên trên ảnh Phật, choán hết không gian cổ tự.
Bỗng dưng có tiền
Tiền nhiều nên mới có chuyện người của ban quản lý di tích dùng ôtô chở tiền lẻ đi đếm, mới có chuyện nội bộ ban quản lý tố cáo nhau đấu thầu quản lý di tích, rồi lại chuyện kẻ cướp bịt mặt khống chế sư nữ cướp đi hòm công đức bao nhiêu là tiền của. Có nhà chùa loan báo mất trộm vài tỉ đồng, dân chúng căm đạo tặc nhiều bao nhiêu thì cũng choáng với cái sự giàu tú hụ của két sắt đền chùa bấy nhiêu!
Hậu quả của các hòm công đức ngất ngưởng tiền có thể thấy rõ. Nạn rải tiền lẻ trong di tích khiến cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính kêu trời, kho bạc địa phương cũng ngán ngại. Vì tiền nên có những “gia đình tu hành” (con sâu bỏ rầu nồi canh thôi) rủ nhau kinh doanh đủ thứ quanh các di tích lớn: trụ trì chùa, nấu nướng cỗ bàn, mở tiệc, trông giữ xe, thậm chí có nhà sư đi xe Mercedes trị giá dăm tỉ đồng, trực tiếp lái xe sang tận Lào mua gỗ về “làm mới ngôi chùa cổ”. Rồi ôtô của “đệ tử” đem “quân” đi mở tiệc, đặt cỗ, kinh doanh các dịch vụ khắp các di tích mà nhà sư này trụ trì. Vì đồng tiền và cách hành xử của người bỗng dưng có tiền nào đó nên mới gây ra bi kịch đó.
Tiền công đức trong hòm đã dăm bảy tỉ đồng một năm, tiền “cúng dường” của những người tín tâm còn lớn hơn nữa. Chính quyền nhiều địa phương bức xúc: di tích quê mình, nghìn năm lịch sử cha ông để lại, tiền công đức để chăm sóc di tích, tôn kính các vị thần linh, thánh, phật, thành hoàng. Vậy mà xã, thôn không được “dây dưa” gì đến hòm công đức. Nhà sư giữ tất, sử dụng tất.
Tiền công đức vì sao lại có tội với di tích?
Một vấn đề đau lòng nữa là tiền công đức đã tham gia phá di tích ở rất nhiều vụ việc. Chúng tôi đã đi nhiều ngôi chùa, đền nổi tiếng ở Thuận Thành, Bắc Ninh, người quản lý hòm công đức nói thẳng: “Các bác ủng hộ tiền công đức đi, cố tí nhé, để sắp tới chúng tôi lại sơn toàn bộ hệ thống tượng cho... mới. Để thánh phù hộ chúng ta. Đền này là đền Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp mà”. Và sự thật là chùa, đền ở nơi này, các cụ cứ thích thì mua sơn Nhật về sơn lại cho bóng bẩy, cho đỏ xanh tím vàng thật đẹp.
Vụ việc tàn phá di tích nóng nhất năm 2012 vừa rồi có lẽ là vụ đập tan nhà tổ và gác trống của chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), sự kiện buồn khiến nhiều cán bộ của Hà Nội và huyện, xã phải chịu án kỷ luật, cảnh cáo, kiểm điểm, cắt thi đua. Nhưng liệu có ai đặt vấn đề nguyên nhân do đâu? Do buông lỏng quản lý. Buông lỏng quản lý cái gì mà gây hậu quả lớn thế? Xin thưa, trăm thứ tội do hòm công đức, tiền công đức đã được sử dụng sai. Tiền nhiều, nhà chùa sang tận Lào áp tải gỗ quý, gỗ lớn về dựng chùa. Dự án của Hà Nội trùng tu tôn tạo chùa Trăm Gian đã hòm hòm, nhưng chưa có kinh phí rót về lẽ ra phải chờ đợi, chờ đợi thì chùa cũng vẫn vững chãi lắm. Thế nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc lý do “không tiện nói ra nào đó”, lại sẵn tiền trong tay cần “giải ngân” người ta làm ào một cái, tai họa ập đến, vẻ đẹp của di tích như bát nước đầy đã đổ đi, như một tình yêu đã mất. Tiền và sự thiếu hiểu biết, cả hai mới đủ để làm tai họa lớn!
Nhiều người đã chia sẻ với ý kiến của một đại biểu tỉnh Ninh Bình phát biểu trong hội thảo “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” (tổ chức ở Hà Nội) ngày 12-4 vừa qua: “Nếu 10 năm trước có người tu hành đi xe Dream thì bây giờ đi xe Hummer, xe xịn nhiều chấm. Người dân nhìn vào sẽ thế nào?”. Thông tin về việc sư có công ty, sư lái xe Hummer như đại biểu Ninh Bình nói là rất nhiều. Chùa làng ở Đường Lâm là di tích quốc gia, tiền tỉ du khách mang vào là để cho cõi Phật, cho di tích. Toàn bộ việc trùng tu tôn tạo di tích (nếu có) là do bộ duyệt, cơ quan hữu trách thực thi, thử hỏi tiền công đức có phục vụ gì cho di tích và du khách không? Ngày xưa ở làng, chùa làng có ruộng chùa, các vị sư, các sãi cấy hái, lấy hoa lợi đó để sống và thanh bạch tu hành. Nay thì mọi chuyện đã khác. Đến mức chính quyền cơ sở phải nhiều lần đề nghị dùng tiền công đức đó vào việc công ích, hoặc làm sao cho minh bạch và đỡ vô lý!
|
(còn tiếp)
TT - Vụ việc di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười chở tiền công đức đi thuê công ty đếm một lần nữa làm dấy lên những lo ngại xung quanh câu chuyện minh bạch hóa tiền công đức ở các di tích, danh lam thắng cảnh. Số tiền công đức vào đền chùa bao nhiêu, sử dụng như thế nào?
Kỳ 1: Tiền lẻ thành... tiền tỉ
“Tiền công đức thật sự là khó hiểu, không biết đâu là con số thực, đâu là ảo” - một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ.
Tiền công đức tại các đền chùa, khu di tích lên đến hàng chục tỉ đồng và đền chùa càng lớn thì càng khó biết. Trong ảnh: tiền công đức của khách thập phương tại chùa Hương được gom đổ vào hòm - Ảnh: CHÂU ANH |
Tiền lẻ rải khắp gốc cây, nhét đầy các tượng thờ trong đền Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, Nam Định - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tiền lẻ rải khắp gốc cây, nhét đầy các tượng thờ trong đền Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, Nam Định - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Cũng theo ghi nhận của nhà nghiên cứu này, “mỗi đền chùa một kiểu quản lý, đền chùa càng lớn càng khó tiếp cận. Ngay đến cả những mô hình quản lý tiền công đức được coi là tốt nhất hiện nay cũng đầy lỗ hổng”. Thứ hiện hữu và may ra có thể đếm được là số lượng hòm công đức đặt khá dày đặc tại các đền, chùa, miếu phủ thuộc di tích nhà nước.
Giật mình nhưng là chuyện có thật ở các đền chùa hiện nay. Tiền giọt dầu đặt trên các đĩa ở bệ thờ, nhét vào các địa điểm được coi là linh thiêng trong chùa dù chỉ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, ít khi vượt quá 5.000 đồng nhưng khi “tập kết” lại không hề là con số nhỏ.
Không thể đếm xuể
Khu vực được người đi lễ chuộng ném tiền nhiều nhất là hậu cung - nơi vốn ít người được vào. Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) mấy năm trước để tránh việc người dân ném tiền bừa bãi trên sàn hậu cung đã đặt hàng dãy rổ nhựa để... hứng tiền.
Ở chùa Hương (Hà Nội) dịp lễ đầu năm, người nhà chùa cứ cách giờ lại phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ...
Hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ)... đều lâm vào tình cảnh bị tắc nghẽn vì tiền lẻ. Đến nỗi nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Hùng đã phải làm một tấm lưới chặn tránh việc tiền lẻ rơi xuống giếng nước.
Kể từ khi đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì quan khách cũng có thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Cứ đến giờ kiệu ấn đi qua, hàng trăm khách mời có thẻ - chủ yếu là quan chức và người nhà - chen lấn để ném tiền.
Thậm chí lực lượng an ninh bảo vệ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách tập hợp tiền lại rồi vò thành nắm lớn ném vào kiệu ấn. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai tượng Phật. Bất cứ chỗ nào có thể nhét tiền đều được tận dụng tối đa. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.
Biến cơ sở tín ngưỡng thành doanh nghiệp
Không thể kiểm soát nổi sự rối rắm tiền công đức, nhiều nơi đã nảy ra “sáng kiến” khoán hẳn cho tư nhân. Ban quản lý HB (Lào Cai) sau ba tháng thành lập đã phải giải tán, đành khoán lại cho một cá nhân trông coi với mức khoán hơn 5 tỉ đồng. Số tiền này được đưa vào ngân sách để bảo tồn di tích. Hay đền S (Thanh Hóa) cũng chọn cách khoán 13 tỉ đồng cho một cá nhân. Cách làm này tuy thu về cho ngân sách một số tiền không nhỏ dành để trùng tu di tích nhưng lại biến cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo thành một doanh nghiệp có lợi nhuận, thuê khoán. Thế nhưng, sau khi đã nộp đủ tiền cho ngân sách, số tiền công đức còn lại đi đâu, dùng vào việc gì và bao nhiêu thì không ai được biết.
|
Với lượng hàng triệu khách mỗi dịp, ai cũng lăm lăm xấp tiền lẻ để rải khắp đền chùa, con số thu về đáng để giật mình.
Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho biết chỉ tính ở dịp lễ đầu năm, một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa Hương đã thu được 6 tỉ đồng tiền lẻ.
Với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng ở đó đếm suốt một ngày mới xong.
Chuyện nhà chùa, nhà đền phải nhờ đến ngân hàng hay các công ty kiểm đếm tiền lẻ như vụ việc ở đền Hoàng Mười vừa qua không còn là chuyện lạ.
Bởi với những ngân hàng, công ty có nghiệp vụ, có máy đếm tiền hỗ trợ cũng phải làm liên tục 1-3 ngày mới xong, nếu đếm thủ công tại chỗ chẳng biết mất bao nhiêu ngày.
Công đức thật, số liệu ảo
Ngoài tiền lẻ (tức tiền giọt dầu), còn có tiền công đức trong các hòm, tiền thu về từ bàn ghi công đức và những khoản không nhỏ mà cả người công đức và người nhận đều không muốn nói ra. Riêng tiền giọt dầu dù nhiều dù ít thông thường được dùng cho các hoạt động nội bộ trong đền chùa.
Đền Trần (Nam Định) có hẳn hai cơ chế quản lý tiền, tiền công đức - theo như công bố của UBND TP Nam Định là hơn 14 tỉ đồng - được nộp vào kho bạc nhà nước.
Riêng tiền giọt dầu do nhà đền tự kiểm đếm, sử dụng và báo lại chính quyền địa phương. Còn chùa Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có quy định tiền giọt dầu do sư thầy trụ trì sử dụng. Có chùa lại phân ra ba hòm công đức, sư thầy trụ trì sử dụng một hòm, ban quản lý sử dụng một hòm, hòm còn lại dùng vào việc tu sửa chùa.
Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh có hẳn một quy trình khép kín về việc sử dụng tiền công đức. Tuy nhiên, từ “những người trong cuộc”, còn lại không ai biết được số tiền thu về bao nhiêu, giữ trong ngân hàng bao nhiêu và chi vào những mục đích gì.
Nhiều chuyên gia khi khảo sát việc sử dụng công đức ở đền này đều lắc đầu cho biết: “Đền Bà Chúa Kho dường như đã trở thành cơ sở riêng của một cộng đồng nhỏ, tiền vào tiền ra thế nào chẳng ai biết”. Chỉ biết sân đền Bà Chúa Kho chi chít các bia ghi công đức.
Chỉ một chiếc ghế đá thôi nhưng ghi đủ tên tuổi chức danh, thậm chí cả danh hiệu trong một cuộc thi hoa hậu quý bà của người cung tiến. Đền Bà Chúa Kho cũng dành hẳn một khu vực để treo các tấm bia đá, ghi tên những người công đức với số tiền từ 200.000-300.000 đồng trở lên.
Không chỉ riêng đền Bà Chúa Kho, việc quản lý, sử dụng tiền công đức trong các đền chùa đều lâm vào tình trạng “bế quan tỏa cảng”. Để tìm hiểu lượng tiền công đức trong một tổ đình nổi tiếng của Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã phải tra từ các dịch vụ tại đình, tổng hợp lại rồi nhân với mệnh giá tiền.
Dĩ nhiên, con số không thể chính xác bởi mỗi người một kiểu công đức, có những người công đức hàng tỉ đồng nhưng chẳng sổ sách nào nhắc đến cả. Bởi vậy, cũng có chuyện số liệu trong sổ sách nhà chùa với số liệu báo cho cơ quan nhà nước khác nhau một trời một vực.
Chỉ một ngôi chùa nhỏ trong tổng thể khuôn viên khu danh thắng cách Hà Nội hơn 60km thu được số tiền hơn 21 tỉ đồng theo danh sách của nhà chùa.
Đó là chưa kể chùa chính và các khu vực vệ tinh khác. Tuy nhiên, số liệu nhà chùa báo cho ban quản lý di tích lại chỉ có 20 tỉ đồng cho toàn bộ khu danh thắng. Dĩ nhiên, số tiền này cũng được giữ lại với lý do phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo chùa.
(còn tiếp)
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20130619/dong-tien-cong-duc-di-dau/554666.html
TT - Ngày 12-6, lãnh đạo xã Hưng Thịnh và trưởng phòng văn hóa, giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tổ chức kiểm điểm toàn bộ ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười vì đã để xảy ra sai phạm khi chở bảy bao tiền đi thuê công ty bên ngoài đếm.
Kiểm điểm vụ "chở tiền công đức đi đâu?"
* Trưởng ban quản lý đền xin được cảnh cáo
Mỗi năm có hàng vạn du khách thập phương viếng thăm đền Hoàng Mười - Ảnh: Vũ Toàn |
Cuộc kiểm điểm diễn ra căng thẳng suốt một ngày. Ông Nguyễn Kim Khánh - phó ban quản lý - đọc bản kiểm điểm, cho rằng việc thuê Công tyT TNHH rung Long đếm tiền thường niên là do quá tin người nên không làm biên bản giao nhận. Ðây là việc làm sai trái của ban quản lý đền. Ông Khánh xin nhận kỷ luật khiển trách toàn bộ ban quản lý. Ý kiến của các thành viên đều thừa nhận việc làm sai này là của tập thể, trừ ông Nguyễn Ðình Tường - người phát hiện vụ việc.
Ông Nguyễn Bá Ðệ - kế toán của đền - khẳng định việc ông Thái (trưởng ban quản lý) tự ý mở thùng công đức rồi thông báo miệng với các thành viên ban quản lý, không có sổ sách theo dõi lượng tiền sau mỗi lần mở là không minh bạch. Ông Ðệ nêu dẫn chứng hồi tháng 4, ông Thái tự mở thùng công đức đếm được 850 triệu đồng, đem 310 triệu nộp UBND xã, 540 triệu đồng còn lại giao cho ông Mạo (một trong chín thành viên ban quản lý) cất là sai. Ông Tường nêu một sai phạm khác của ông Thái: Sau vụ chở tiền đi thuê đếm, ông Thái đã cất thùng công đức nhỏ, có một chìa khóa do ông Thái quản lý. Trước khi vụ việc xảy ra, ông Thái thường mở thùng công đức nhỏ này lấy tiền mệnh giá lớn bỏ sang thùng lớn. Tiền mệnh giá loại 5.000 đồng ông Thái cho mọi người chia nhau. Còn khi mở thùng lớn chỉ có ông Thái và ông Ðệ biết.
Tại cuộc kiểm điểm này, ông Thái thừa nhận "rất sai" và buông lỏng quản lý. Ông Thái "xin nhận mức kỷ luật cảnh cáo". Riêng ông Dương Văn Bí - bí thư Ðảng ủy xã Hưng Thịnh - phê bình ông Trương Văn Thìn (một trong chín thành viên ban quản lý) đã xúc phạm danh dự chính quyền địa phương và cá nhân ông Tường sau khi ông Tường phanh phui vụ việc khi nói: "Sợ đếch gì, xã là của choa, huyện là của choa".
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với ông Phạm Quốc Việt - phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên - về trách nhiệm của huyện trong vụ việc diễn ra từ năm 2005 đến nay này, ông Việt nói: "Tôi không biết ông Thái làm chuyện này đã tám năm nay. Nếu ông Thái làm như thế thì là một vấn đề khác nữa". Ông Việt nói thêm: "Chờ cuộc kiểm điểm này xong chúng tôi sẽ xử lý chứ không thể để đền hoạt động như thế được".
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20130613/kiem-diem-vu-cho-tien-cong-duc-di-dau/553577.html
TT - Câu hỏi đó được nhiều người đặt ra khi trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười (thuộc địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thường xuyên chở tiền công đức đi thuê người ngoài đếm.
Người dân đi lễ đến gửi tiền công đức tại đền Hoàng Mười - Ảnh: V.TOÀN |
Ông Nguyễn Đình Tường (56 tuổi) về làm ở đền từ ngày 15-3, hiện là một trong chín thành viên của ban quản lý di tích đền Hoàng Mười, kể lại: "Lúc 15g ngày 27-5 ôtô con 37S-6185 đỗ trước cổng đền. Khi hai cửa xe phía sau mở và cốp xe bật lên thì ba bảo vệ thay nhau vác bảy bao tải trong kho của đền chất vào xe.
Trong chốc lát, khi chiếc xe quay đầu đi về phía TP Vinh, tôi hỏi ông Trương Văn Thái - trưởng ban quản lý: “Xe chở hàng gì mà vội vàng thế chú?”, ông Thái nói: “Xe chở tiền đi thuê người ta đếm”.
Tôi thấy lo nên hỏi tiếp: “Chú có làm biên bản ghi nhận số tiền trước khi chuyển đi không, có cử người trong ban quản lý đi theo giám sát không?”, ông Thái nói: “Không”.
Ngay sau đó tôi khuyên ông Thái nên “điều” xe chở tiền quay lại rồi gọi điện báo lãnh đạo xã Hưng Thịnh, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An. Thấy tôi gọi điện báo, ông Thái cũng gọi gấp cho xe chở tiền. Khoảng 15 phút sau chiếc xe quay lại chỗ cũ. Ba bảo vệ lại vác bảy bao tiền vào trong kho”.
Thuê công ty bên ngoài đếm tiền
“Đức thánh minh” của dân xứ Nghệ
Đền Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 thời Hậu Lê, là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Nghệ - Tĩnh. Vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Có nhiều truyền thuyết về ông Hoàng Mười. Ở vùng Nghệ - Tĩnh ông được coi là vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến suốt mười năm kháng chiến chống quân Minh. Vì thế, ông được dân xứ Nghệ gọi là “Đức thánh minh”. Năm 2002, ngôi đền này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa mang tên “đền Hoàng Mười”.
|
Ông Phạm Quốc Việt - phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên - thừa nhận thông tin nêu trên và cho biết: “Nhận tin báo, chiều cùng ngày đoàn công tác của huyện đã có mặt tại đền Hoàng Mười, lập biên bản và niêm phong bảy bao tiền. Ngày 28-5 đoàn tiến hành đếm tiền nhưng phải đếm ba ngày mới xong".
Ông Việt cũng cho biết cụ thể: "Ngày thứ nhất đoàn công tác mới đếm xong bao to nhất, được gần 50 triệu đồng. Tổng cộng bảy bao đếm được 300.560.000 đồng. Đây là bảy bao tiền lẻ, mệnh giá từ 500 đồng đến 2.000 đồng. Hiện số tiền này đã chuyển vào kho bạc của huyện".
Theo tư liệu Tuổi Trẻ có được, trong biên bản do đoàn công tác xác lập chiều 27-5, ông Thái thừa nhận năm 2005 khi về làm trưởng ban quản lý di tích thì năm nào cũng chở tiền đi thuê người đếm hộ. Khoảng 2-3 tháng chở tiền đi một lần, mỗi lần chở 7-10 bao tiền.
Ông Lê Văn Hùng - chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh - thừa nhận vụ việc nêu trên nhưng nói: "Đó là tiền rót dầu, tiền lẻ từ năm 2000 đến nay. Còn tiền trong thùng công đức đều có hai khóa. Một chìa khóa do cán bộ tài chính của xã giữ. Một chìa do ông Thái giữ. Khi nào ông Thái thông báo đến mở thùng công đức thì chúng tôi cử cán bộ tài chính đi. Trước khi mở có hội đồng chứng kiến".
Trong khi đó, phản ảnh của ông Tường lại khác hẳn: "Cán bộ tài chính xã không giữ chìa khóa. Hai chìa khóa do ông Thái và ông Nguyễn Bá Đệ, kế toán của đền, giữ. Khi thùng công đức đầy tiền thì ông Thái và ông Đệ mở mà không cần có một hội đồng nào, thậm chí có lúc một mình ông Thái tự ý mở. Bảy bao tiền được chở đi thuê đếm được gom từ ba loại. Loại 1, sau khi mở thùng công đức, ông Thái lấy tiền mệnh số lớn cất đi, còn tiền lẻ bỏ vào bao tải. Loại 2, là tiền hành sai. Loại 3 là tiền rót dầu trong những thùng nhỏ đặt tại các cung".
Bảo vệ đền Hoàng Mười chuyển tiền lên xe đi thuê người ngoài đếm - Ảnh: V.TOÀN |
Cách quản lý không minh bạch
Sau khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hùng cử một công an viên đưa đến nhà ông Thái. Tại đây, ông Thái trình bày: "Đền Hoàng Mười được trùng tu, tôn tạo năm 1995.
Từ năm 2011, thực hiện quy định của UBND tỉnh, tiền công đức thu được chia làm ba mức: 5% chi cho kinh phí hoạt động của bộ máy ban quản lý gồm chín thành viên; 30% chi phí điện, nước, đèn dầu và tổ chức các lễ hội trong năm; 65% dành để trùng tu, tôn tạo. Toàn bộ tiền công đức hằng năm thu được đều nộp cho UBND xã để xã nộp vào kho bạc.
Theo đó, năm 2011 đền nộp hơn 900 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2013 đã nộp 1,3 tỉ đồng".
Cũng như ông Hùng, ông Thái cho rằng bảy bao tiền nêu trên không phải tiền công đức mà là tiền hành sai (tiền của người đi lễ để trên bàn thờ hoặc trên các con thú quý trong đền). “Số tiền này dùng để chi tiền công cho người lau tro, quét bụi, thay nước... và trả công cho anh em trong ban quản lý vì 5% trong tổng tiền công đức không đủ” - ông Thái nói.
Riêng về chiếc xe chở tiền được ông Thái cho biết là xe của Công ty TNHH Trung Long ở TP Vinh. Sở dĩ ông Thái thuê công ty này đếm tiền là do “công ty này cần nhiều tiền lẻ để phụ tiền cho khách hàng”. Hỏi vì sao ban quản lý có chín người mà không giao họ kiểm tiền lại phải đi thuê người ngoài, ông Thái giải thích: "Lúc đầu tôi thuê người kiểm tại chỗ nhưng không ổn vì không giám sát được. Sau đó anh em tự kiểm nhưng do một số người tuổi cao nên ngồi lâu là đau lưng, không trụ được. Có những bao tiền để lâu, mưa gió làm ẩm mốc, khi đổ ra đếm là bị dị ứng nên biết Công ty Trung Long cần tiền lẻ thì thuê họ luôn".
Ông Thái cho biết sau vụ việc ngày 27-5, ban quản lý đã nộp hơn 1 tỉ đồng tiền dư cho xã để xã nộp vào kho bạc. Con số này lại khác với thông tin ông Việt cung cấp: “Tổng số tiền dư do ông Thái vừa nộp là trên 4 tỉ đồng”.
Trao đổi vụ việc phản cảm này với chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Trần Xuân Trung, ông Trung nói: "Khi vụ việc vỡ lở, chúng tôi phanh lại ngay. Theo nguyên tắc, tiền của đền là không được đưa một xu ra khỏi đền. Cách quản lý như ông Thái là không minh bạch. Mấy hôm nay huyện ủy, UBND huyện đang họp để tìm cách bổ cứu kịp thời công tác quản lý. Sai đâu thì phải xử đến đó".
Vũ Toàn
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20130612/cho-tien-cong-duc-di-dau/553380.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.