Dưới là một bài về thủ tướng Chu Ân Lai của Lưu.
Dịch giả sử dụng bản trên mạng, không phải bản cứng (in thành sách).
Từ đây trở xuống là nguyên văn, lấy về từ VHNA.
---
Dưới đây là câu chuyện do một cán bộ từng làm việc bên cạnh Chu Ân Lai kể lại.
1.
Một ngày tháng Hai năm 1976, có điện thoại gọi tôi: Thành ủy Thiên Tân sưu tập được một số di vật của Thủ tướng Chu Ân Lai thời trẻ, đã gửi tới Tây Bắc Môn của Trung Nam Hải, đề nghị tôi đến ký nhận. Thủ tướng qua đời đã được một tháng, nhân dân cả nước còn đang chìm trong biển tình cảm thương tiếc. Trung ương đề nghị các địa phương tìm kiếm sưu tập những di vật và tư liệu về Thủ tướng Chu Ân Lai.
Tôi đến Tây Bắc Môn. Di vật Thiên Tân gửi đến là một số ấn phẩm tiến bộ do Chu Ân Lai biên soạn trong thời gian ông học ở Nam Khai, có cả một số ảnh, trong đó một bức ảnh rất bắt mắt. Tôi từng thấy bức ảnh này tại nhà bạn tôi là Chương Văn Tấn [1]. Ảnh chụp cảnh diễn kịch. Một cô gái đang biểu diễn trên sân khấu. Tóc ngắn ngang tai. Rất xinh đẹp. Lần đầu nhìn thấy bức ảnh này tôi có chút run run. Bạn tôi nói: “Chắc cậu chẳng thể nghĩ đây là ảnh ai.” Tôi hỏi: “Ai thế?”. Anh bảo: “Thủ tướng Chu của chúng ta đấy”
Anh cho tôi biết: cha anh là bạn học của Chu Ân Lai, hai người hay cùng nhau diễn kịch. Chu Ân Lai thường đóng vai nữ, giống hệt như thật, mọi người đều khen hay tuyệt. Chu Ân Lai có khuôn mặt đẹp. Đôi mắt sáng… Thoa thêm lớp phấn mỏng, đôi mắt ấy khác gì hoa sen khoe sắc thắm. Ông bố Chương Văn Tấn có lần cầm bức ảnh đó bảo tôi: “Thủ tướng Chu đóng vai nữ còn giàu nữ tính hơn khối cô. Kỹ năng diễn xuất của ông ấy cao lắm. Nếu ông chọn nghề diễn kịch thì nhất định sẽ nổi tiếng thế giới.”
2.
Tôi không có duyên được thấy Thủ tướng Chu chính thức biểu diễn trên sân khấu, nhưng may mắn được xem ông biểu diễn ngoài sân khấu. Nói bằng từ ngữ hiện nay thì đó là “tiểu phẩm”. Thật đặc sắc.
Năm 1936 xảy ra “Biến cố Tây An” [2], tôi đi cùng Chu Ân Lai đến Tây An giải quyết. Sự kiện này được giải quyết trọn vẹn, thành lập được Mặt trận Thống nhất chống Nhật. Trước khi trở lại Diên An, Chu Ân Lai rất vui. Diệp Kiếm Anh mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai tại văn phòng Bát Lộ Quân. Sau ba tuần rượu, đến tiết mục xem biểu diễn kịch hát của lớp kịch vừa tốt nghiệp. Diệp Kiếm Anh hỏi Chu Ân Lai: “Anh hát một bài nhé?”
Chu Ân Lai trả lời: “Không hát đâu, nói một đoạn vậy. Hồi học ở Nam Khai, tôi từng diễn một vở kịch độc thoại [nguyên văn đơn khẩu kịch] có tên là ‘Lần đầu tiên’. Tôi đóng vai nữ.” Diệp Kiếm Anh vỗ tay.
Chu Ân Lai chuẩn bị một chút rồi cất giọng kể: “Tôi là một cô gái xinh đẹp yếu ớt. Anh ấy là người đàn ông cao lớn. Anh lại gần tôi, nhẹ nhàng bảo tôi lên giường. Tôi làm như anh bảo. Khi nằm trên giường, tôi run người lên vì sợ. Anh nhìn tôi khẽ hỏi: ‘Lần đầu tiên phải không?’ Tôi gật đầu, sợ hãi giương to mắt.”
Chu Ân Lai vừa nói vừa làm động tác biểu diễn. Mỗi câu nói đều kèm theo động tác và vẻ mặt thể hiện tình cảm. Để đi giải quyết sự kiện Tây An, ông đã cạo nhẵn bộ râu quai nón rậm và đẹp của mình, nhờ thế khuôn mặt thanh tú của ông hiện lên vẻ đẹp nữ tính. Tối nay uống nhiều, má ông ửng hồng.
Chu Ân Lai say sưa kể: “Người đàn ông ấy mỉm cười bảo tôi ‘Người nào cũng đều phải có lần đầu tiên. Ai cũng như nhau thôi. Đừng sợ.’ Anh chạm vào người tôi. Tôi run bắn lên như bị ong đốt. Anh bảo: ‘Đừng căng thẳng thế, loáng một cái là xong thôi mà.’ Bên ngoài cửa sổ, lá cây phong nhè nhẹ rơi. Đó là một buổi chiều mùa đông ấm áp......”
Tôi dường như lặng người đi. Chu Ân Lai biểu diễn quá xuất sắc. Ông nhập vai diễn một cô gái đến mức rung động lòng người như thế cơ. Tôi hào hứng chăm chú theo dõi khuôn mặt ông, thực sự bị ông lôi cuốn đến mê say. Đó là một khuôn mặt mà đàn ông và đàn bà đều có thể bị mê đắm. Bà Hàn Tố Âm [3] từng nói, lần đầu tiên gặp Chu Ân Lai, bà có cảm giác như bị chạm điện. Bà xúc động viết: “Nếu Chu Ân Lai bảo tôi chết, tôi sẽ chết ngay.”
Chu Ân Lai tiếp tục biểu diễn: “Đúng như người đàn ông ấy nói, chúng tôi làm xong chuyện ấy trong vài phút. Tôi đứng dậy đi ra. Anh ta bảo: ‘Lần sau lại đến nhé!’ Tôi ngoái đầu lại cười rất tươi rồi đi khỏi nơi đó – trạm hiến máu của lần hiến máu đầu tiên trong đời mình.”
...... Cả gian phòng lặng đi. Mọi người bị diễn xuất của Chu Ân Lai cuốn hút. Rõ ràng bản thân ông cũng đắm mình trong cảm giác say sưa. Mắt lim dim. Sống mũi cao ánh lên mấy giọt mồ hôi lấm tấm.
Sau khi đưa Chu Ân Lai về phòng nghỉ, Diệp Kiếm Anh nói với mấy người đứng bên: “Một nhà văn từng nói: ‘Bản thân mỗi người nên là một tác phẩm nghệ thuật, nếu không thì phải luôn luôn mang theo mình một tác phẩm nghệ thuật.’ Chu Ân Lai có cả hai yếu tố ấy!”
Tôi cứ nghĩ mãi, tự hỏi mình xem Thủ tướng Chu Ân Lai mang theo ông tác phẩm nghệ thuật gì vậy?
3.
Sau “Đại hội 7000 người” năm 1962 [4] Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đến Bắc Đới Hà nghỉ ngơi.
Một họa sĩ nổi tiếng người Nhật tặng Thủ tướng Chu bức tranh “Ngựa ăn cỏ”. Đích thân tôi đem tranh đến chỗ ở của Thủ tướng, treo tại phòng chính. Chúng tôi cùng xem tranh.
Thủ tướng nhận xét: “Chắc chắn đây là một chú ngựa mù.”
Tôi nói: “Hai mắt con ngựa đều mở cả đấy ạ.”
Thủ tướng cười: “Chính vì mở mắt cho nên nó mới là ngựa mù. Khi ăn cỏ, ngựa không mù thì bao giờ cũng nhắm mắt, vì nó sợ ngọn cỏ đâm vào mắt mình.”
Trong lòng tôi rộn lên lời ca ngợi Thủ tướng Chu Ân Lai. Thông minh đến thế, phải chăng ông trời cũng ghen ghét?
Giang Thanh nghe tin đến thưởng ngoạn bức tranh và bảo: “Tôi cho rằng vẽ giỏi nhất là đôi mắt. Long lanh ngời ngời. Chẳng những vẽ rồng phải điểm mắt [ý nói cần nhấn mạnh điểm chủ yếu] mà vẽ ngựa cũng cần điểm mắt. Thủ tướng thấy thế nào ạ?”
Thủ tướng Chu nói: “Tôi cũng cho rằng vẽ đẹp nhất là con mắt.”
Giang Thanh hẹn Thủ tướng đi bơi. Tôi ra bãi tắm trên bờ biển. Giang Thanh bỗng sa sầm nét mặt. Phu nhân Lưu Thiếu Kỳ là bà Vương Quang Mỹ đang đi xuống biển, dáng thướt tha. Tôi biết, nếu đã có mặt Vương Quang Mỹ thì Giang Thanh thà chết cũng không xuống biển. Thứ nhất, vì Vương Quang Mỹ có vóc người dong dỏng cao, nước da trắng trẻo; thứ hai, vì Vương Quang Mỹ có dáng bơi trang nhã, còn Giang Thanh chỉ biết mỗi một kiểu bơi chó.
Giang Thanh ở lại trên bờ đọc sách. Vì trình độ văn hóa thấp, không đọc nổi nhiều chữ Hán nhưng bà ta lại cứ cố gượng trơ mặt hỏi Thủ tướng: “Chữ này âm Bắc Kinh đọc thế nào ạ?”
Người đàn bà ấy thật tầm thường, không có triển vọng. Gần đây bà ta ngày càng quan tâm tới chính trị. Bà viết thư gửi Lưu Thiếu Kỳ, yêu cầu bố trí công tác cho mình. Lưu Thiếu Kỳ trả lời: “Chị hãy chăm sóc chu đáo Mao Trạch Đông, đấy là công tác tốt nhất.” Sau khi biết chuyện ấy, Chủ tịch Mao nói: “Giang Thanh mau mồm mau miệng, đanh đá cay nghiệt, chúa là hay gây chuyện rắc rối. Tôi mà chết được một tuần là có người ra tay hạ thủ bà ta ngay.” Nói thế, nhưng rõ ràng là Mao Trạch Đông ủng hộ Giang Thanh.
Hồi ấy bầu không khí chính trị bắt đầu có thay đổi, Giang Thanh từ hậu trường tiến ra sân khấu. Nhưng tôi đoán chắc bà ta cuối cùng sẽ chẳng làm nên sự nghiệp gì đâu. Những năm 30, bà ta hồi đó ở Thượng Hải có viết mấy bài báo phê phán Quốc Dân Đảng. Bây giờ bà khoái chí tìm lại những bài báo ấy đưa cho chúng tôi xem. Nói thật là tôi chẳng buồn đọc. Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Đồng chí Giang Thanh khi còn rất trẻ đã có ý chí kiên cường như Lỗ Tấn. Những bài Giang Thanh viết đều giàu tính chiến đấu, đáng để chúng ta học tập.”
Chiều hôm ấy Giang Thanh chủ trì triệu tập cuộc tọa đàm một số người làm công tác văn nghệ quân đội, có mời Thủ tướng Chu Ân Lai phát biểu. Hồi đó tình hình quốc tế rất bất lợi cho Trung Quốc. Kẻ địch hoạt động tích cực. Khắp nơi mây đen phủ kín bầu trời. Thủ tướng nói về tình hình quốc tế với giọng nói hấp dẫn, nhưng dần dà tỏ ý phẫn nộ. Ông nói: “Giả thiết quân đội Liên Xô áp thẳng vào phía Bắc sông Hoàng Hà, người Mỹ đánh tới bờ Nam sông Trường Giang, Tưởng Giới Thạch phản công tiến vào Phúc Kiến và Giang Nam, quân Nhật chiếm Thanh Đảo, đe dọa Thượng Hải. Ấn Độ cũng tham gia, chiếm Tây Tạng. Lúc ấy chúng ta nên làm thế nào? Các đồng chí thử nói xem, nên làm thế nào đây?”
Tôi cũng bị xúc động bởi giọng nói lên bổng xuống trầm của ông. Nhiều năm qua theo Thủ tướng công tác, thấy ông bao giờ cũng nói năng bình tĩnh nhỏ nhẹ, rất ít khi thấy ông kích động như thế này. Tôi liếc nhìn Giang Thanh, thấy bà ấy cũng giương to mắt nhìn Thủ tướng Chu. Rõ ràng bà ta cũng cảm thấy kỳ lạ. Thủ tướng Chu Ân Lai đưa mắt nhìn toàn thể cử tọa một lượt rồi thoáng dừng ánh mắt lên mặt Giang Thanh, bỗng dưng đổi giọng nói:
“Thế nào đây?...... Chúng ta nhất định phải đào hầm ngầm.” Lúc đó tôi có cảm giác như quả bóng xì hơi.
Tối hôm ấy vệ sĩ của Giang Thanh là Vương Dũng đến gặp Thủ tướng. Hồi mới giải phóng, Vương Dũng từng đi theo Chu Ân Lai, về sau theo Giang Thanh, bị bà ta mắng mỏ đủ điều. Phòng khách nhà bà có chiếc ghế, chẳng hiểu vì sao bà ta nhất định bắt kê lệch chiếc ghế đó. Vương Dũng thường tiện tay kê lại cho thẳng, thì Giang Thanh lại kê lệch. Bà ta nổi cáu: “Hôm nào tôi cũng phải chiến đấu với chiếc ghế này.”
Hôm nay, vì Vương Dũng kê ghế cho thẳng, Giang Thanh bèn “sửa” cậu ta một trận. Bà ta bắt Vương Dũng đứng trong phòng khách “Nghiêm. Nghỉ. Nghiêm. Nghỉ”, hành hạ cậu ta đến một tiếng đồng hồ mới thôi. Vương Dũng thưa Thủ tướng: “Đồng chí Giang Thanh thần kinh không bình thường, tôi không thể làm việc ở chỗ bà ấy được nữa đâu ạ.”
Thủ tướng Chu Ân Lai nghiêm giọng nói: “Bà Dương Khai Tuệ, phu nhân thứ nhất của Chủ tịch đã hy sinh vì cách mạng. Phu nhân thứ hai là bà Hạ Tử Trân mắc bệnh thần kinh, bây giờ cậu lại bảo đồng chí Giang Thanh thần kinh cũng không bình thường. Điều đó làm tôi vô cùng đau lòng. Đảng giao cho cậu trách nhiệm chăm sóc tốt đồng chí Giang Thanh, vì thế cậu không có quyền nói như vậy. Điều đó là quá bất công đối với Chủ tịch. Cả gia đình ông già có tám người đã hy sinh vì cách mạng. Chúng ta cần có tình cảm thực sự với Chủ tịch. Bây giờ Chủ tịch chỉ còn mỗi một mình bà Giang Thanh thôi.”
Khi nói mấy câu ấy, mắt Thủ tướng đỏ ngầu.
4.
Thủ tướng Chu Ân Lai quá dễ rơi lệ. Tôi cảm thấy điều này có liên quan tới việc ông từng là diễn viên. Nước mắt đã trở thành vũ khí của ông. Ông sử dụng nó một cách thành thạo. Năm 1946, khi Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản đàm phán hòa bình ở Trùng Khánh, Đồng minh Dân chủ đưa ra một phương án, Đảng Cộng sản cho rằng không thể chấp nhận song lại không tiện từ chối.
Hôm ấy Chu Ân Lai tiếp đại biểu Đồng minh Dân chủ tại văn phòng phái đoàn Đảng CSTQ ở phố Tằng Gia Nham. Ông nói: “Nếu theo phương án của quý vị thì tôi biết báo cáo Trung ương Đảng thế nào đây ạ.” Nói đoạn nước mắt trào ra như mưa trên mặt ông. Vị đại biểu Đồng minh Dân chủ biết là khó bèn rút lui, xin bỏ phương án ấy.
Thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, “Tướng Một Tay” Dư Thu Lý bị Hồng Vệ Binh lôi ra đấu tố. Chu Ân Lai đi cứu. Ông kể cho bọn Hồng Vệ Binh nghe chuyện vì sao Dư Thu Lý cụt mất một tay: Hồi Kháng chiến chống Nhật, Dư Thu Lý cùng Trung đoàn trưởng chỉ huy bộ đội chiến đấu, một quả trọng pháo bắn tới phạt đứt mỗi người một cánh tay. Về sau hai người được phát chung một chiếc găng tay. Khi ăn cơm, hai người đặt bát cơm dưới đất rồi nằm bò ra mà ăn. Thủ tướng vừa kể vừa ứa nước mắt. Bọn Hồng Vệ Binh cũng khóc váng lên.
Một cán bộ thư ký viết: “Thủ tướng Chu luôn luôn giương cao lá cờ Mao Trạch Đông, theo sát sự bố trí chiến lược của Mao Trạch Đông.” Chu Ân Lai nói: “Đồng chí quá ư không hiểu lịch sử Đảng. Tôi mắc quá nhiều sai lầm đối với Chủ tịch.” Nói đoạn ông lại rơi nước mắt.
Trước hội nghị Tôn Nghĩa, Chu Ân Lai lãnh đạo Mao Trạch Đông. Sau hội nghị ấy, Mao Trạch Đông lãnh đạo Chu Ân Lai.
Trong hội nghị Tôn Nghĩa, Chu Ân Lai vừa mới đấu tranh chống lại [chủ trương đó] một chút thì đã đầu hàng. Đây là nhược điểm trong tính cách của ông. Chu Ân Lai đã ý thức được rằng ông không còn có thể đóng vai trò nhân vật số Một của cách mạng Trung Quốc được nữa. Khi người khác không được như ông thì ông đặc biệt mạnh. Khi người khác mạnh hơn ông, cho dù chỉ hơn một chút thôi, thì ông cũng rút lui. Cuối cùng ông tìm được vị trí của mình. Khi đã xác định vị trí rồi thì ông thực thi vai trò của mình với một tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tôi phát hiện thấy ngay cả trong những dịp hiếm hoi đi thăm các danh lam thắng cảnh, Chu Ân Lai cũng chỉ đến viếng miếu Lưu Hầu, đền thờ Võ Hầu [5], không bao giờ đến các lăng tẩm hoàng đế.
Trong buổi chiêu đãi quốc khánh năm 1972, Lưu Văn Huy [6] nâng cốc nói với Chu Ân Lai: “Thưa Thủ tướng, trong lịch sử Trung Quốc, người làm Tể tướng lâu nhất là Quách Tử Nghi, ông ta tại vị 24 năm. Mong Thủ tướng bảo trọng để có thể vượt Quách Tử Nghi!” Khi ấy Chu Ân Lai làm Thủ tướng đã được 23 năm; sau đó còn làm 3 năm nữa, quả thật đã vượt Quách Tử Nghi.
Trung Quốc từ xưa có một quy luật: Trí óc càng phát triển thì lương tâm càng suy đồi. Những gì nhà chính trị muốn có thì mãi mãi vượt quá khả năng gánh chịu của nhân dân. Nếu nhân dân có thể gánh vác được thì những thứ nhà chính trị muốn có sẽ vượt quá sức tưởng tượng của nhân dân.
Chu Ân Lai đã làm được một kỳ tích: Trở thành vị “Tể tướng” nhậm chức lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Có ai biết được nỗi cay đắng trong 26 năm ấy? Có ai biết được những chuyện đen tối trong 26 năm ấy?
Có người nói Chu Ân Lai thời trẻ từng nói một câu thế này: “Sông Trường Giang lớp sóng sau xô đẩy lớp sóng trước, lớp sóng trước chết trên bờ sông.” Tôi cho rằng đây là sự phác họa chân thực cõi lòng của Chu Ân Lai. Thủ tướng còn nói: “Tôi theo Chủ tịch chừng ấy năm trời, còn chưa phải là dựa vào một chữ ‘Nhẫn’ đấy ư.”
Mùa thu năm 1966, Mao Trạch Đông lần thứ 7 tiếp kiến Hồng Vệ Binh. Thủ đô Bắc Kinh người đông như kiến, quảng trường Thiên An Môn không thể nào chứa nổi một lượng Hồng Vệ Binh đông như vậy, phải chuyển sang sân bay Tây Giao. Để thuyết minh tuyến đường hành quân của Hồng Vệ Binh, Thủ tướng Chu Ân Lai mang theo tấm bản đồ Bắc Kinh khổ lớn đến Nhà số 202 trong khu Trung Nam Hải. Ông trải bản đồ xuống sàn nhà rồi quỳ xuống chỉ cho Mao Trạch Đông xem tuyến đường. Chủ tịch Mao đứng bên cạnh, vừa hút thuốc vừa nghe Thủ tướng giải thích.
Tôi nhìn thấy cảnh ấy. Về sau Lý Chí Thỏa [7] nói: Đường đường là Thủ tướng một quốc gia sao lại có thể quỳ trước người khác như tên đầy tớ thế nhỉ?
Lâm Bưu biết chuyện ấy, bảo Uông Đông Hưng: “Chu Ân Lai hệt như lão đầy tớ già, chỉ biết vâng vâng dạ dạ.”
Trái lại, tôi nhận thấy Thủ tướng Chu cố ý làm thế. Tôi tin rằng Mao Trạch Đông cũng nhìn ra điều đó. Với bộ óc sáng suốt như thế của Mao, điều gì có thể giấu được ông? Chỉ có điều ông không vạch ra sự thật mà thôi. Bạn xem, lúc ấy vẻ mặt ông có chút châm biếm, vừa như hưởng thụ tất cả lại vừa như tỏ ra ta đây đã biết tỏng mọi mưu gian. Ông hoàn toàn không để mắt tới Chu Ân Lai. Từ sau khi Lâm Bưu chết, Mao Trạch Đông mới thực sự cảnh giác với Chu Ân Lai. Có điều tất cả đã muộn rồi. Chuyện này sẽ nói sau.
Thủ tướng Chu Ân Lai chìm đắm trong vai diễn của mình, không thể tự thoát ra. Càng về già ông càng tinh túy, thuần khiết.
Năm 1974, Mao Trạch Đông đã yếu lắm. Hôm ấy ông có cục đờm tắc trong cuống họng, khạc mãi không ra, bị sốc, ngất đi bất tỉnh. Uông Đông Hưng vừa tổ chức cấp cứu, vừa cấp báo lên Thủ tướng. Lúc đó Thủ tướng Chu Ân Lai đang họp tại Đại lễ đường Nhân dân. Thoạt nghe tin ấy, mặt ông tái nhợt đi. Tôi ngồi cạnh Thủ tướng. Ông định chống tay đứng lên nhưng hình như vì quá yếu sức nên đành ngồi xuống. Tôi bỗng dưng cảm thấy có gì khang khác. Có tiếng nước chảy róc rách. Nhìn kỹ ông, tôi sợ xanh mặt lại. Thì ra ống quần ông đang rỏ nước. Ông đái ra quần rồi. Tôi lập tức dìu ông vào nhà vệ sinh. Nước tiểu rơi thành vệt trên thảm đỏ. Nhiều người đều nhìn thấy cảnh này. Về sau Vương Hồng Văn nói Chu Ân Lai bị mất điều khiển đại tiểu tiện, ỉa đái ra quần, thối inh cả lên. Tôi xin làm chứng bảo đảm không hề có chuyện ấy.
5.
Tôi định thử tìm hiểu thế giới nội tâm của Chu Ân Lai. Tôi đã thất bại. Trái tim Chu Ân Lai bị nhiều lớp vỏ bọc kín, không một kẽ hở. Chẳng ai biết ông thực sự nghĩ gì. Những người ở Trung Nam Hải đều nói Mao Trạch Đông sống tự nhiên thoải mái còn Chu Ân Lai sống khổ quá. Tôi cho rằng Mao Trạch Đông sống tự nhiên thoải mái là giả, còn Chu Ân Lai sống rất khổ là thật. Cả hai đều khổ. Chí có điều họ khổ khác nhau. Không sợ khổ, thì khổ nửa đời người; sợ khổ, thì khổ cả đời. Mao Trạch Đông là kẻ thứ nhất. Chu Ân Lai là kẻ thứ hai. Bành Đức Hoài từng phê bình Chu Ân Lai: “Toàn làm chuyện ngu ngốc. Là người ngu.”
Người ngu không làm nổi việc ngu. Việc ngu đều do người thông minh làm. Chu Ân Lai quá thông minh. Vì thông minh mà ông đau khổ, lại vì đau khổ mà ông thông minh. Về sau tôi cũng không phân biệt nổi những lần diễn kịch điêu luyện của Chu Ân Lai, lần nào là thỉnh thoảng gặp dịp thì góp vui, lần nào là tình cảm chân thành dốc lòng lao vào. Chỉ một điều tôi có thể khẳng định: sai khiến, đốc thúc linh hồn là chuyện tàn nhẫn; nội tâm gắng gượng giãy giụa là chuyện hết sức thê thảm. Sự giãy giụa ấy lên đến đỉnh cao khi cuộc đời ông sắp kết thúc.
Năm 1973, Lâm Bưu chết đã được hai năm. Thủ tướng Chu Ân Lai tuy bị xếp tên sau Vương Hồng Văn [8] nhưng trên thực tế ông vẫn ngồi vững chắc trên chiếc ghế quyền lực số Hai.
Giang Vị Thanh Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô sau chuyến đi thăm Thiệu Sơn quê cũ của Mao Trạch Đông, khi về đến Nam Kinh có đề xuất nên sửa lại nhà cũ của Chu Ân Lai ở Hoài An để làm nơi nhân dân đến chiêm ngưỡng. Tỉnh ủy Giang Tô chính thức viết báo cáo trình Thủ tướng việc này.
Tôi biết Chu Ân Lai có tình cảm cực kỳ sâu sắc với bà mẹ mình. Tổ tiên nhà ông rất hiển hách. Chu Ân Lai ra đời đúng vào lúc ông nội được thăng quan, vì thế được đặt tên là “Ân Lai” để tỏ ý “Ân huệ từ trên trời ban xuống”. Bà mẹ Chu Ân Lai thích làm điều thiện. Câu cuối cùng bà dặn con khi Chu Ân Lai đi xa nhà: “Con ơi, sau này nếu có gặp người xin ăn, con cố gắng đừng cho người ta ăn cơm nguội nhé.” Trước ngày qua đời, bà ốm nặng, mù cả hai mắt. Khi tìm thấy một bức ảnh Chu Ân Lai, bà thảm thiết kêu lên: “Mau thắp đèn cho tôi nào!” Nhưng bà có nhìn thấy gì đâu. Sau đó ít lâu, bà từ giã cõi đời. Mỗi lần nhờ đến chuyện ấy Chu Ân Lai lại rưng rưng nước mắt. Hồi kháng chiến chống Nhật, ông bố Chu Ân Lai hãy còn sống. Tân Tứ Quân hành quân đi qua Hoài An, ông cụ kê một chiếc bàn ở trước cổng, trên bàn bày một tấm gương và một bát nước trong để tượng trưng “Đảng Cộng sản, Tân Tứ Quân trong như nước, sáng như gương”.
Mộ tổ nhà họ Chu đặt cách thành Hoài An 10 dặm. Phú quý, long trọng. Rừng tùng rậm rạp xanh mướt. Khu mộ này mai táng 6 cỗ quan tài, trong đó có cha mẹ Chu Ân Lai.
Tôi đưa bức điện báo của Tỉnh ủy Giang Tô đến Văn phòng Thủ tướng. Đọc xong bức điện, Thủ tướng Chu Ân Lai đanh mặt lại, đập bàn một cái rất mạnh và nói: “Giang Vị Thanh đầu óc lú lẫn rồi!” Ông cầm bức điện lên đọc lại lần nữa, tay hơi run run. Sau đó ông dặn: “Lập tức trả lời: Không cho phép làm bậy! Chuyện nhà ở cũ chỉ có thể nhấn mạnh đề cao một người là Chủ tịch Mao mà thôi, không cho phép lặp lại sự việc tương tự!”
Đêm ấy Chu Ân Lai không ngủ. Hôm sau ông cử Đặng Đĩnh Siêu về Hoài An, ra lệnh cho Quân khu Nam Kinh bố trí công binh và máy đào đất bới tung cả 6 ngôi mộ, lại đào một hố rất sâu gần đấy, rồi xếp 6 cỗ áo quan xuống hố này, chia ba lớp chồng lên nhau, mỗi lớp hai áo quan của một cặp vợ chồng, cuối cùng lấp đất san bằng, không để nhô lên, trên cùng trồng trọt mùa màng. Các ngôi mộ cũ đều bị máy ủi san phẳng. Mấy chục cây tùng cổ thụ gốc to mấy người ôm không xuể đều bị chặt quang. Chẳng mấy chốc khu mộ tổ nhà họ Chu biến mất sạch sành sanh khỏi thế gian này. Thủ tướng Chu vẫn chưa yên tâm, ông còn bắt Giang Vị Thanh gửi ảnh lên để ông kiểm tra.
Giang Thanh nghe kể chuyện ấy khi bà đang thị sát Tiểu Cận Trang ở Thiên Tân. Bà bảo một phụ nữ họ Chu đang tiếp chuyện mình: “Cô nên đổi tên là Chu Khắc Chu đi, dùng chữ ‘Chu’ này của cô để ‘khắc’ [khắc phục, kiềm chế] chữ ‘Chu’ kia của ông ta [tức của Chu Ân Lai]!”
Lúc xem các tấm ảnh Giang Vị Thanh gửi lên, Chu Ân Lai tỏ ra cực kỳ bĩnh tĩnh. Điều đó khiến tôi phát sợ. Người như thế sao mà có con cháu nối dõi? Trời Bắc Kinh hôm ấy mưa như trút.
6.
Cuối năm 1975, Thủ tướng Chu Ân Lai ốm sắp chết. Một hôm Đặng Đĩnh Siêu đến bệnh viện thăm ông. Hai người cùng ăn cơm tối. Tôi không dám bỏ đi bèn ngồi bên ngoài dãy bình phong. Bên trong rất yên tĩnh. Thi thoảng có tiếng bát đĩa lách cách, ngoài ra không có tiếng động nào. Vợ chồng Chu Ân Lai-Đặng Đĩnh Siêu khi ăn cơm không bao giờ trò chuyện với nhau, bầu không khí buồn tẻ một cách kỳ lạ. Hai vợ chồng họ ngồi buồn bã ủ rũ bên nhau như vậy đã mấy chục năm.
Đến giờ lên đèn, tôi nghe thấy Chu Ân Lai nói: “Trong lòng anh chứa chất rất nhiều chuyện chưa nói ra.” Đặng Đĩnh Siêu nói: “Trong bụng em cũng có rất nhiều chuyện chưa nói đây.” Im lặng. Chu Ân Lai lên tiếng: “Câu chuyện anh ngã gãy tay ở Diên An năm xưa, bây giờ có thể kể cho em nghe.”
Năm 1939, một hôm Chu Ân Lai đến nói chuyện ở trường Đại học Kháng Nhật. Giang Thanh khăng khăng đòi cưỡi ngựa cùng đi với ông. Trên đường, bà ta vung roi làm con ngựa Chu Ân Lai cưỡi sợ hãi lồng lên, hất ông ngã xuống, bị gãy mất một cánh tay. Tôi không ngờ được rằng Chu Ân Lai lại giấu suốt hơn ba chục năm trời không cho vợ biết sự thật câu chuyện ấy, tới khi sắp vĩnh biệt nhau mới thổ lộ. Con tim tôi run lên lẩy bẩy. Chu Ân Lai thật sự là một cái giếng sâu không thể đo được. Đặng Đĩnh Siêu im lặng.
Mười ngày trước hôm chết, bệnh tình Chu Ân Lai bỗng xấu đi nhanh chóng. Ông gầy trơ xương. Phong thái trước đây đã biến mất. Cơn đau dữ dội hành hạ ông. Nhưng nét mặt ông vẫn bình tĩnh như cũ. Ông kiên cường hơn cả liệt sĩ. Đêm hôm ấy ông trằn trọc thao thức. Bác sĩ đến bên giường, ông nói: “Bác sĩ ơi, tôi không thể nào chịu nổi cơn đau nữa, muốn hét vài tiếng có được không?” Bác sĩ khóc nói: “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng đau thì cứ hét. Hét to vào ạ. Muốn thế nào thì cứ làm thế ấy. Thủ tướng chớ ...... gò ép mình nữa ạ.”
Chu Ân Lai cắn chặt môi, gương mặt ông kiên nghị mạnh mẽ, không hề kêu một tiếng nào.
Lúc Chu Ân Lai hấp hối, Diệp Kiếm Anh có đến thăm. Ông gọi tôi lại và nghiêm giọng căn dặn: “Chuẩn bị sẵn bút giấy và cả máy ghi âm nữa. Trực bên Thủ tướng 24 giờ liên tục, không một phút nào được bỏ đi. Tính nguyên tắc của Thủ tướng rất mạnh, ông có rất nhiều rất nhiều chuyện ấm ức trong bụng không nói ra, đặc biệt là với một số người nào đó ở Trung ương. Trong phút cuối cùng ông có trút xả ra điều gì, đồng chí nhất định phải ghi lại đấy.”
Chu Ân Lai mấy lần hôn mê. Đôi khi tỉnh lại, ông lấy tay vuốt ve tấm huy hiệu ảnh Mao Trạch Đông đặt ở đầu giường và cuốn Thi từ Mao Trạch Đông, kiên quyết không nói câu nào. Cho tới chết, ông giữ chặt phòng tuyến của mình.
Đêm cuối cùng, tôi ngồi trực ngoài cửa. Đang lúc lơ mơ muốn ngủ bỗng thấy trong phòng có tiếng động, tôi lập tức tỉnh táo xách máy ghi âm chạy vào. Ánh trăng trong vắt lọt qua chấn song cửa sổ chiếu vào phòng. Khuôn mặt xương xương của Chu Ân Lai tắm trong ánh trăng, đôi mắt ông mở rất to, có thần sắc. Một giọng nói yếu ớt cất lên:
Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian,
Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn.
......
“Quốc tế ca”! Vào phút cuối cùng trong đời mình, Chu Ân Lai cất tiếng ngợi ca người vô sản. Sau phút thiêng liêng thì không còn niềm vui nữa. Sau niềm vui sẽ không còn sự thiêng liêng.
Khi trời sáng, Chu Ân Lai ngừng thở. Cho tới chết ông vẫn không nhắm chặt đôi mắt.
Nguyễn Hải Hoành dịch và ghi chú
Ghi chú:
* Tiêu đề “Ân Lai” trong ngoặc kép còn có thể có ý nghĩa châm biếm “Ân huệ đến”.
[1] 1914-1999, từng là Đại sứ TQ tại Pakistan, Canada, Mỹ.
[2] Năm 1936, hai viên tướng Quốc Dân Đảng là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành chấp nhận chính sách đoàn kết dân tộc chống Nhật của Đảng CSTQ, yêu cầu Tưởng Giới Thạch đình chỉ nội chiến, liên kết với ĐCSTQ cùng chống Nhật. Tưởng không nghe, đến Tây An ra lệnh họ phải tấn công Hồng quân. Ngày 12/12/1936, hai tướng bắt giữ Tưởng. ĐCSTQ cử Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh đến Tây An thuyết phục được Trương và Dương thả Tưởng dưới điều kiện Tưởng chấp nhận điều kiện cùng chống Nhật.
[3] Tức Elisabeth Comber, 1917-2012, người Anh gốc TQ, nhà văn viết tiểu thuyết tiếng Anh.
[4] Hội nghị TƯ Đảng mở rộng, họp tháng 1/1962, chủ yếu phê phán các sai lầm của Phong trào Công xã nhân dân, Đại Nhảy vọt do Mao Trạch Đông phát động.
[5] Lưu Hầu tức Trương Lương, mưu sĩ phò tá Lưu Bang lập nên vương triều nhà Hán. Võ Hầu tức Khổng Minh Gia Cát Lượng, mưu sĩ của Lưu Bị.
[6] 1895-1976, cựu tướng lĩnh Quốc Dân Đảng, năm 1949 ở lại đại lục, làm Ủy viên Ủy ban Cách mạng QDĐ, 1959 làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Ủy viên Thường vụ Quốc hội TQ.
[7] Bác sĩ riêng của Mao, cuối đời ở Mỹ, từng viết Hồi ký tiết lộ các chuyện xấu về Mao.
[8] 1935-1992, từ 4/1969 là UVTWĐ, từ 8/1969 Phó Chủ tịch Đảng, thành viên “Lũ 4 Tên”, từ 10/1976 bị thẩm tra, xử tù chung thân.
Nguồn:
劉亞洲筆下的毛劉周 (三)《恩来》 北京時間 : 2016-06-12
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/an-lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.