Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/11/2016

Người thầy thực thụ : cụ Nguyễn Văn Tố thời ở Học viện Viễn đông Bác cổ Hà Nội

Thời nhỏ, một người bác họ và một người thầy của tôi hay kể những dư thoại về cụ Nguyễn Văn Tố.

1. Thầy tôi xuất thân trong gia đình cụ nghè Nguyễn Văn Lý ở Hà Nội (mà cụ nghè Lý là cháu ngoại của cụ Nguyễn Tông Quai, kể nữa là dây dưa con cà con kê không dứt ra mất).

Các con cháu cụ nghè Lý sau phần lớn theo nghề giáo, cư trú ở làng Đông Tác (bây giờ là khu Kim Liên, Hà Nội). Bởi vậy, nhiều chuyện thầy kể cho tôi nghe ngày trước, nhiều khi, về thực chất, là kể lại chuyện đã nghe trong đại gia đình của thầy ở Hà Nội.

Quả đúng vậy. Nhiều chuyện trước khi kể, thầy nói với tôi: "Ông thân của mình kể rằng,...". Rằng là cụ Nguyễn Văn Tố soạn từ điển ra sao. Cụ Tố nhớ từ điển Pháp - Pháp đến độ quái kiệt như thế nào. Cụ Tố chữa văn tiếng Pháp cho các chàng Việt Nam đi học bên Pháp về ra sao. Cụ Tố phê văn tiếng Pháp của các ông người Pháp ra sao,... vân vân.

2. Đại khái, trong cái khung cảnh khu vườn ngày trước của nhà thầy, cụ Tố hiện lên là một sĩ phu nước Việt, một người thầy thực thụ.

Tôi cũng quên chưa từng hỏi thầy tôi rằng, thầy đã gặp cụ Tố bao giờ chưa, hay toàn bộ chuyện chỉ là nghe kể.

3. Bây giờ, thì nghe một người đã làm việc cùng cụ Tố thực sự, ở Học viện Viễn đông Bác cổ Hà Nội, trước năm 1945, kể về cụ Tố. Đó là học giả Nguyễn Thiệu Lâu.

Sẽ thấy hình ảnh cụ Tố chữa văn tiếng Pháp của ông Nguyễn Thiệu Lâu đến đỏ choét cả (dù cụ Tố chỉ học Cao đẳng tiểu học tại Việt Nam, còn ông Lâu thì du học cử nhân bên Pháp về). Vân vân.

4. Bản in trên giấy (trích đoạn), của Nguyễn Thiệu Lâu, viết đầu thập niên 1960, tại Sài Gòn:




"
Ở trường Bác-cổ, cụ đã làm công việc mà ít ai làm nổi. Tôi phục cụ ở điểm này: ấy là cụ đã làm thư ký tòa, soạn bộ kỷ-yếu của Đông-Phương Bác-cổ Học-viện (Bulletin de L’École Francaise d’Extreme Orient) trong khi mà chỉ là nhân viên phụ tá (assistant) như tôi.

Cụ làm việc suốt ngày, trưa ở lại sở, tối mới về nhà ăn cơm. Phòng giấy của cụ ở ngay cầu thang đi lên, bé như cái chuồng chim. Trên một cái bàn thật to, ngổn ngang những sách chữ Hán, chữ Pháp, những bản thảo của cụ, những bản đánh máy, những bản ráp nhà in đưa cụ để sửa chữa. Một ông đã ngồi né ở phía bàn dịch sách chờ cụ. Cụ có khách luôn vì ông Giám-đốc George Coedès thẩy hết các công việc tiếp khách cho cụ. Các công văn cụ cũng thảo lấy hết, được cụ coi sóc các công việc hành chánh, ông Giám-đốc thảnh thơi lắm.

Bác sĩ Huard thường luôn luôn đến hỏi tài liệu hay mượn sách, đã nói với tôi đại khái như sau đây : “Ông George Coedès chẳng phải làm việc gì cả, chính ông Tố làm đủ cả các công việc. Đó là một sự thực mà ai cũng phải công nhận”.

Cha Cadière có bảo tôi, ở Huế, ít lâu, trước khi Cha mất: “Nguyễn-văn-Tố đã viết nhiều lắm, trong tạp chí Tri-Tân Các bài đọc khô khan nhưng thật là những nguồn tài liệu vô cùng quý giá, rất ích lợi cho người khảo cứu. Đấy mời thật là một học-giả. Tiếc thay đã chết oan. Sau này ông cho thu thập những bài của Nguyễn-văn-Tố mà cho in lại, ấy là ông sẽ có công lắm đấy.”

Phòng làm việc của tôi ở gần phòng cụ. Hàng ngày tôi quấy rầy cụ. Cụ đọc rất nhiều sách và có một trí nhớ lạ lùng. Sau khi tôi khảo cứu kỹ một vấn đề, tôi trình cụ bản thảo.
–Phiền cụ xem hộ cháu bài này Chắc còn phải sửa chữa nhiều.
Cụ cười ha hả:
–Ông còn trẻ, việc gì mà vội, mà sợ mất công sửa chữa. Chắc ông nhớ câu này của Lafontaine :
Travaillez, prenez de la peine.
C’est le fonds qui manque le moins
Và câu này của Boileau :
Vingt fois sur le metier, remettez votre ouvrage
Polissez le sans cesse et sans cess le polissez

Rồi cụ nói tiếp :
–Ông để tôi xem. Độ năm hôm ông sang lấy được không? Tôi chữa đè lên chữ ông được không?

Cụ chữa xong bài của tôi, kèm theo vài trang ghi những nhận xét của cụ, rồi cụ đưa tùy phái chuyển sang phòng cho tôi.

Tôi còn nhớ cảm tưởng đầu tiên của tôi khi tôi lật từng trang một.

Tôi giận lắm và tôi nói một mình: “Thật là một anh đồ già! Thế này còn ra cái gì nữa! Chữa hết! Chẳng thà vứt đi cho xong !”

Cụ chữa bằng mực đỏ làm đỏ hoe cả bài, bên lề cụ ghi rõ lỗi thuộc loại nào.

Tôi trước giận cụ nhưng sau khi đọc kỹ tôi giận tôi và tự bảo: “Giải nghệ đi cho xong ! Cử nhân văn chương Pháp mà danh từ dùng không đúng, văn phạm sai, khảo cứu Sử mà tài liệu thiếu sót, trình bầy lại vụng về, để cho một ông thư-ký già chỉ có bằng Cao-đẳng tiểu-học, phải chữa từng câu, từng chữ một, thời thực là nhục lắm”.

Tôi ngồi nghĩ vơ nghĩ vẩn. Nghe tiếng gõ cửa, tôi mở cửa, ông Giám-đốc đi vào.
–Ông đương bận việc ?
–Thưa ông Giám-đốc, tôi bực mình lắm! Đây, ông xem. Rồi tôi đưa ông Giám-đốc bài của tôi mà cụ Tô đã chữa. Ông ấy cầm xem qua rồi kéo ghế ngồi trước mặt tôi, mỉm cười và dạy đại khái như sau đây:
— Ông bạn trẻ của tôi ơi ! Ông đừng lấy làm buồn. Văn Pháp không phải để viết cho hay và nghề khảo cứu không phải dễ mà làm. Ông còn trẻ, cố gắng đi. Ông có tất cả một đời người để học hỏi. Ông Tố chữa bài cho ông như thế này là ông Tố qúi ông lám đấy. Ông phải cám ơn ông ấy và đừng mất lòng, cũng đừng chán nản. Á ! ông có biết chuyện Bezacier không ?
“Bezacier, nhân viên vĩnh viễn của Trường, có đưa tôi một bài để đăng. Tôi chuyển sang ông Tố. Tôi tưởng ông Tố chữa rồi đưa lại tôi để tôi xem lại và cho in. Ông Tố sau mấy hôm trả lại tôi, không chũa một chữ nào cả.
–Thế nào ông Tố ? Tôi hỏi.
–Ông muốn cho in thì cho in, có gì phải sữa chữa, xin ông sửa chữa lấy.
–Tôi hiểu ông rồi! Bài này không cho in được có phải không?
–Thưa ông Giám-đốc, khảo cứu đã sơ sài lại sai lầm, lời văn không tha thứ được. Nhiều lỗi quá!”
Thế là bỏ trọn bài – Ấy ông Tố tốt với tôi lắm đấy chứ! Người thực thà lắm.
–Dạ
Ông Coedès cười rồi lại bảo tôi:
–“Có một lần tôi đưa bài của tôi để ông ấy đăng. Mười hôm sau ông ấy bảo tôi:
–Thưa ông Giám-đốc, ông đã xem kỹ lại bài của ông chưa?
–Kỹ lắm. Sao vậy?
–Có lẽ phải chữa nhiều.,
–À, tôi hiểu rồi, ông Tố ơi! Xin ông cứ chữa đi cho tôi. Nếu sau này có ai chỉ trích một điểm gì là lỗi tại ông đấy nhé!
Ấy thế là ông Tố chữa. Ông Tố đã học giỏi lại tốt bụng. Nếu tôi không có ông ấy phụ tá thời tôi làm nhân viên còn hơn làm giám-đốc, để được nhẹ mình. Ông Lâu ơi! Ông còn trẻ, nên chịu khó học tập. Ông Tố sẽ giúp ông lắm đấy. Đừng để cho ông ấy ghét mà bỏ rơi thời sẽ khó cho ông lắm đấy!”

Bây giờ tôi viết bài, phải tự chữa lấy, thật là buồn…
"



5. Bản word (toàn văn), chính là bản gõ ra word của bản in trên giấy, đưa lên mạng năm 2013:

"

Ký ức về cụ Nguyễn-văn-Tố + tác giả cố gs Nguyễn-thiệu-Lâu





Ngày 7 tháng mười dương-lịch (1947), quân Pháp, thực dân xâm lăng, mở một cuộc tấn công đại quy mô lên Việt-Bắc. Họ cho quân nhảy dù xuống Bắc-Kạn, Lạng-Sơn, Móng-Cáy và Cao-Bằng.
Cụ Nguyễn-văn-Tố hồi đó làm Bộ-trưởng bộ Xã-hội trong chính-phủ kháng chiến của Hồ-chí-Minh. Cơ quan của cụ đóng ở gần Bắc-Kạn. Cụ bị quân Pháp bắt và đem về giam ở Bắc-Kạn, cùng với một số người Việt, trong một cái trường học thì phải.
Hồi đó tôi cũng ở Việt-Bắc, thuộc miền Tuyên-Quang, Hà-Giang. Tôi đã gặp cụ một lần ở Việt-Bắc và sau khi được tin cụ bị hạ sát, tôi chỉ hỏi thăm xem sự thể ra sao?
Hôm nay, nhân ngày rằm tháng bẩy âm lịch, Tết Trung Nguyên, ở đất Sàigòn, tôi tưởng nhớ đến cụ và có bài nhỏ này, gọi là một nén hương thắp trên ban thờ cụ.

*
Tôi không biết cụ sinh năm nào [1], nhưng con trai đầu của cụ là Bảo trạc tuổi tôi. Cụ mất đã mười lăm năm trời, vậy nếu năm nay cụ có còn sống thời cụ gần bẩy mươi tuổi. Cái con số này là do tôi phỏng đoán mà thôi [2] .
Mơ màng tới cụ, tôi thấy hiện ra trong trí tôi mấy hình ảnh.
+ Hình ảnh thứ nhất là ông chủ tịch các cuộc nói chuyện ở Trí-tri, một hội học ở Hà-Nội.
+ Hình ảnh thứ hai là ông chủ-sự ở Đông Phương Bác cổ Học-viện mà nôm na thường gọi là Trường Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient).
+ Hinh ảnh thứ ba là ông Bộ-trưởng (không phụ trách Bộ nào) đi thanh tra miền Việt-Bắc sau khi chiến tranh đã xẩy ra ở Hà-nội.
Tôi nhớ kỹ các hình ảnh đó và tôi sẽ cố mô tả sau đây. Tôi không biết rằng cụ sẽ cho là đúng hay sai, nhưng tôi tin là cụ sẽ biết cho tấm lòng thành kính của kẻ hậu bối.

* *
*
Ở Hà-nội thuộc phố Hàng Quạt, có một cái nhà hội họp thật to, có một tầng gác, ấy là trụ-sở của Trí Tri Học-Hội.
Đấy là môt hội trẻ, lập vào khoảng năm 1909, mục đích phổ biến sự học tiếng Pháp. Chắc phải là có sự đỡ đầu của chính-phủ thực dân Pháp. Nhưng sau hội tự túc vì có nhiều hội viên mà mỗi hội viên hàng tháng đóng tiền. Trụ sở này bây giờ (1962) hãy còn.
Hội mở các lớp học buổi tối cho người lớn, tiền học rất ít, vì các Giáo viên không lấy tiền thù lao. Trong các vị Giáo viên đó thì cụ Nguyễn-văn-Tố là người xuất sắc nhất. Cụ dạy về Pháp văn. Tôi hồi đó còn bé nên không được đi học cụ. Nhưng tôi tin rằng các lớp cụ dạy phải có kết quả mỹ mãn vì cụ đã đứng tuổi, tài cao, tính tình lại vui vẻ. Cụ rất giỏi về văn phạm Pháp.
Có lẽ vì cụ dạy quen các lớp học phức tạp này, khi cụ chủ tọa một cuộc diễn thuyết nào ở trụ sở Hội thời cụ giới thiệu diễn giả và đề tài một cách dễ dàng và có duyên.
Nhờ có các cuộc diễn thuyết hàng tuần này mà các tầng lớp trí thức ở Hà-nội có dịp được gặp gỡ nhau và học hỏi lẫn nhau. Có cuộc diễn thuyết bằng tiếng Pháp và tôi chắc rằng nhiều diễn giả lấy làm vinh hạnh được nói chuyện ở Hội Trí-Tri.
Tôi không biết rằng Hội đó bây giờ có còn không và trụ sở đó sau này dùng vào việc gì?

* *
*
Hình ảnh thứ hai là ông Chủ-sự Đông Phương Bác cổ Học-viện.
Cụ vào làm ở Viện này sau khi đỗ bằng Thông ngôn ở trường Bưởi ra. Trường này khi mới lập, cách đây hơn nửa thế-kỷ tên là Collège des Interprètes, dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, chữ Hán cho các học sinh, để sau khi tốt nghiệp sẽ làm nghề Thư ký thông-ngôn.
Một vị xuất sắc – tức cụ Phạm Quỳnh – cũng đã xuất thân ở trường này và đã tòng sự ở Học-viện nói trên. Cả hai vị đều là học giả có công, ấy thế mà mỗi vị một số. Cụ Phạm bị buộc tội thân Pháp, làm Thượng thư bộ Học trước, bộ Lại sau. Sau cụ bị giết ở ủy ban Tỉnh Thừa-thiên, bắt giam rồi bị giết ở trong khám.
Ở trường Bác-cổ cụ Nguyễn-văn-Tố làm công việc gì?

* *
*
Ở trường Bác-cổ, cụ đã làm công việc mà ít ai làm nổi. Tôi phục cụ ở điểm này: ấy là cụ đã làm thư ký tòa, soạn bộ kỷ-yếu của Đông-Phương Bác-cổ Học-viện (Bulletin de L’École Francaise d’Extreme Orient) trong khi mà chỉ là nhân viên phụ tá (assistant) như tôi.
Cụ làm việc suốt ngày, trưa ở lại sở, tối mới về nhà ăn cơm. Phòng giấy của cụ ở ngay cầu thang đi lên, bé như cái chuồng chim. Trên một cái bàn thật to, ngổn ngang những sách chữ Hán, chữ Pháp, những bản thảo của cụ, những bản đánh máy, những bản ráp nhà in đưa cụ để sửa chữa. Một ông đã ngồi né ở phía bàn dịch sách chờ cụ. Cụ có khách luôn vì ông Giám-đốc George Coedès thẩy hết các công việc tiếp khách cho cụ. Các công văn cụ cũng thảo lấy hết, được cụ coi sóc các công việc hành chánh, ông Giám-đốc thảnh thơi lắm.
Bác sĩ Huard thường luôn luôn đến hỏi tài liệu hay mượn sách, đã nói với tôi đại khái như sau đây : “Ông George Coedès chẳng phải làm việc gì cả, chính ông Tố làm đủ cả các công việc. Đó là một sự thực mà ai cũng phải công nhận”.
Cha Cadière có bảo tôi, ở Huế, ít lâu, trước khi Cha mất: “Nguyễn-văn-Tố đã viết nhiều lắm, trong tạp chí Tri-Tân Các bài đọc khô khan nhưng thật là những nguồn tài liệu vô cùng quý giá, rất ích lợi cho người khảo cứu. Đấy mời thật là một học-giả. Tiếc thay đã chết oan. Sau này ông cho thu thập những bài của Nguyễn-văn-Tố mà cho in lại, ấy là ông sẽ có công lắm đấy.”
Phòng làm việc của tôi ở gần phòng cụ. Hàng ngày tôi quấy rầy cụ. Cụ đọc rất nhiều sách và có một trí nhớ lạ lùng. Sau khi tôi khảo cứu kỹ một vấn đề, tôi trình cụ bản thảo.
–Phiền cụ xem hộ cháu bài này Chắc còn phải sửa chữa nhiều.
Cụ cười ha hả:
–Ông còn trẻ, việc gì mà vội, mà sợ mất công sửa chữa. Chắc ông nhớ câu này của Lafontaine :

Travaillez, prenez de la peine.

C’est le fonds qui manque le moins

Và câu này của Boileau :

Vingt fois sur le metier, remettez votre ouvrage

Polissez le sans cesse et sans cess le polissez



Rồi cụ nói tiếp :

–Ông để tôi xem. Độ năm hôm ông sang lấy được không? Tôi chữa đè lên chữ ông được không?

Cụ chữa xong bài của tôi, kèm theo vài trang ghi những nhận xét của cụ, rồi cụ đưa tùy phái chuyển sang phòng cho tôi.
Tôi còn nhớ cảm tưởng đầu tiên của tôi khi tôi lật từng trang một.
Tôi giận lắm và tôi nói một mình: “Thật là một anh đồ già! Thế này còn ra cái gì nữa! Chữa hết! Chẳng thà vứt đi cho xong !”
Cụ chữa bằng mực đỏ làm đỏ hoe cả bài, bên lề cụ ghi rõ lỗi thuộc loại nào.
Tôi trước giận cụ nhưng sau khi đọc kỹ tôi giận tôi và tự bảo: “Giải nghệ đi cho xong ! Cử nhân văn chương Pháp mà danh từ dùng không đúng, văn phạm sai, khảo cứu Sử mà tài liệu thiếu sót, trình bầy lại vụng về, để cho một ông thư-ký già chỉ có bằng Cao-đẳng tiểu-học, phải chữa từng câu, từng chữ một, thời thực là nhục lắm”.
Tôi ngồi nghĩ vơ nghĩ vẩn. Nghe tiếng gõ cửa, tôi mở cửa, ông Giám-đốc đi vào.
–Ông đương bận việc ?
–Thưa ông Giám-đốc, tôi bực mình lắm! Đây, ông xem. Rồi tôi đưa ông Giám-đốc bài của tôi mà cụ Tô đã chữa. Ông ấy cầm xem qua rồi kéo ghế ngồi trước mặt tôi,
mỉm cười và dạy đại khái như sau đây:
— Ông bạn trẻ của tôi ơi ! Ông đừng lấy làm buồn. Văn Pháp không phải để viết cho hay và nghề khảo cứu không phải dễ mà làm. Ông còn trẻ, cố gắng đi. Ông có tất cả một đời người để học hỏi. Ông Tố chữa bài cho ông như thế này là ông Tố qúi ông lám đấy. Ông phải cám ơn ông ấy và đừng mất lòng, cũng đừng chán nản. Á ! ông có biết chuyện Bezacier không ?
“Bezacier, nhân viên vĩnh viễn của Trường, có đưa tôi một bài để đăng. Tôi chuyển sang ông Tố. Tôi tưởng ông Tố chữa rồi đưa lại tôi để tôi xem lại và cho in. Ông Tố sau mấy hôm trả lại tôi, không chũa một chữ nào cả.
–Thế nào ông Tố ? Tôi hỏi.
–Ông muốn cho in thì cho in, có gì phải sữa chữa, xin ông sửa chữa lấy.
–Tôi hiểu ông rồi! Bài này không cho in được có phải không?
–Thưa ông Giám-đốc, khảo cứu đã sơ sài lại sai lầm, lời văn không tha thứ được. Nhiều lỗi quá!”
Thế là bỏ trọn bài – Ấy ông Tố tốt với tôi lắm đấy chứ! Người thực thà lắm.
–Dạ
Ông Coedès cười rồi lại bảo tôi:
–“Có một lần tôi đưa bài của tôi để ông ấy đăng. Mười hôm sau ông ấy bảo tôi:
–Thưa ông Giám-đốc, ông đã xem kỹ lại bài của ông chưa?
–Kỹ lắm. Sao vậy?
–Có lẽ phải chữa nhiều.,
–À, tôi hiểu rồi, ông Tố ơi! Xin ông cứ chữa đi cho tôi. Nếu sau này có ai chỉ trích một điểm gì là lỗi tại ông đấy nhé!
Ấy thế là ông Tố chữa. Ông Tố đã học giỏi lại tốt bụng. Nếu tôi không có ông ấy phụ tá thời tôi làm nhân viên còn hơn làm giám-đốc, để được nhẹ mình. Ông Lâu ơi! Ông còn trẻ, nên chịu khó học tập. Ông Tố sẽ giúp ông lắm đấy. Đừng để cho ông ấy ghét mà bỏ rơi thời sẽ khó cho ông lắm đấy!”
Bây giờ tôi viết bài, phải tự chữa lấy, thật là buồn…

* *
*
Cách mệnh nổi lên!

Ông Nguyễn-văn-Tố được mời ra làm Bộ-trưởng bộ Xã-Hội 1945. Cụ lấy ngay một phòng rộng ở Trường Bác-cổ để cụ làm việc với mấy anh em cán bộ. Cụ cứ lúi húi cả ngày ở đây, chẳng tiếp ai cả.
Một hôm tôi gõ cửa rồi tự nhiên đi vào.
–À, chào ông Lâu! Đâu ông bận nhiều việc thì phải ? Nào là Ngoại Kiều vụ, nào là Thống kê.
–Thưa vâng, công việc đã nhiều lại khó, nhân viên đã ít lại kém.
–Sao ông lại nói thế ! Chưa làm gì đã chán nản rồi ? Công việc không có ta phải bới ra mà làm và dù khó đến đâu ta cũng phải có một giải quyết mà tự ta định đoạt. Chính phủ đặt người đúng chỗ lắm đấy chứ! Chúng ta từ trước đến nay chỉ là những anh mọt sách, bây giờ có công việc cho quốc-gia dù công việc nhiều, khó thế nào cũng phải cố mà làm. Thôi chào ông ! À, ta hòa với Pháp nhưng nếu một ngày kia mà chiến thời chúng ta gặp nhau ở một nơi nào đây…
Chúng ta gặp nhau ở Việt-Bắc.

* *
*

Hình chụp một khúc sông Lô và cảnh núi rừng Việt Bắc
Hình chụp một khúc sông Lô và cảnh núi rừng Việt Bắc
Đi thuyền ngược con sông Lô qua Bắc-mục, độ nửa ngày đến một cái bến, ở bên tay phải (tức tả ngạn sông, nếu là thuyền xuôi) tên Nôm là Thụt, thuộc xã Phù-loan. Có hai dẫy nhà sát vách nhau, chạy song song với sông. Ở hai bên một cái sân đất rộng đến hai mươi mét. Sân này dùng làm chợ, không có quán. Mỗi ngôi nhà lá chỉ có một hay hai gian bề mặt nhưng dài chia làm hai hay ba lớp. Có một hiệu tạp hóa của người Tàu và một của người Kinh. Một dẫy toàn người Kinh, một dẫy toàn người Tàu.

Nguyên trước khi kháng chiến phố Thụt buôn bán sầm uất.

Các lái gỗ từ vùng xuôi đến đây đặt hàng. Gỗ đóng bè rồi thả xuống Tuyên-Quang về Hà-nội và có khi về mãi Nam-Định.

Người Kinh ở đây phần nhiều là dân Công giáo Thái-Bình, Nam-Định Họ có làm một nhà thờ bằng lá, một cái trường học. Cha xứ ở Tuyên-Quang thỉnh thoảng mới lên làm lễ vì xa quá.
Tôi tản cư đến Thụt. Những ngày tốt trời, tôi đi vào các làng người Thổ, người Mán chơi, nhân thể khảo cứu về nhân sinh địa-lý.
Một hôm khoảng tháng Tư, tháng Năm, năm 1946, ông chủ nhà trọ có cho tôi biết là có cụ Nguyễn-văn-Tố qua đây và ngủ lại đêm ở nhà thôn trưởng.
Tôi vội chạy sang nhà thôn trưởng, thấy cụ nằm trên phản.
Vãn cái áo bông the dài, cái khăn xếp để bên cạnh cái gối gỗ. Một đĩa đèn dầu lạc để trên giường cạnh cụ. Tôi thấy cụ như nằm ngủ, không giám đánh thức cụ dậy.
Tôi vẫy người liên lạc ra ngoài cửa và hỏi chuyện:
–Chắc cụ đi đường mệt lắm ?
–Vâng, đi đến mười hôm nay rồi. Đến chân trẻ mà còn mệt, huống chi là cụ.
–Bao giờ cụ dậy, chú đưa cụ giấy này nhé, rồi tôi biên một tờ giấy xin được gặp cụ.
Một lát có người sang gọi tôi.
Tôi sang đến nơi thấy một mâm cơm, năm đôi đũa và có cả ông thôn trưởng và ông chủ tịch Liên-Việt, tôi vái chào.
–Tôi nghe tin cụ Bộ-Trưởng đi qua đây, xin lại kính chào cụ.
–Cám ơn ông! quí hóa quá. Mời ông ngồi uống ruợu với chúng tôi cho vui. Hôm nay đi đường mệt và đói, được ông thôn trưởng và ông chủ-tịch cho ăn ngon và nhiều như thế này, tôi cám ơn lắm.
Trong bữa cơm kéo dài đến vài ba giờ đồng hồ, cụ hỏi thăm đủ mọi việc. Thật là một cuộc điều tra khéo léo về dân tình và một cuộc giải thích về chính trị, không có vẻ tuyên truyền. Những lời nói đầm ấm cũng như những chữ, dùng rất bình thường và như rót vào tai các người ngồi nghe.
Tôi tai nghe, mắt nhìn cụ, tự hỏi có tin vào lời cụ nói hay không ? hay là cụ đóng kịch ? Đóng vai một lão cán bộ tuyên truyền cho lý tưởng kháng chiến !
Cơm nước xong, cụ bảo tôi : “Tôi định sáng mai đi sớm, nhưng gặp ông ở đây, trưa tôi đi cũng được. Mấy khi mà được gặp nhau. “
Sáng hôm sau tôi sang chơi, thấy cụ đang ngồi uống nước với ông chủ nhà.
–Kìa ông Giáo ! mời ông sang chơi xơi nước. Hôm qua tôi đi mệt quá, được ăn no, ngủ yên. Hôm nay lại phiền ông chủ nhà cho bữa cơm sáng và thuê hộ con thuyền về Bắc-mục.
Lời cám ơn công khai và gián tiếp này của cụ không phải là mấy câu khách sáo mà lời thực vì tôi biết cụ thực lắm.
— À ông Giáo ! Đằng sau nhà, trên bờ sông tôi thấy có một cây đa to, một cái ghềnh, chúng ta ra ngoài ngồi xem phong cảnh một lát.
Ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn nước sông Lô đỏ ngầu những phù sa, cuồn cuộn chảy xuôi. Nghe tiếng thác ấm ấm gần đấy, nhìn lên thượng nguồn thấy núi non trùng trùng điệp điệp. Trên trời lơ lửng mây đen mây trắng, hai chúng tôi, một già một trẻ ngồi lặng yên suy nghĩ.
Hồi lâu, tôi lên tiếng:
–Ý kiến cụ về cuộc kháng chiến này của ta như thế nào ?
–Ấy, tôi cũng định hỏi ý kiến của ông.
Chúng tôi lại ngồi im, mãi lúc sau cụ mới nói :
–Cuộc kháng chiến này sẽ kéo dài lâu lắm vì thực dân Pháp ngu. Dân ta sẽ khốn khổ với chúng, nhưng chúng sẽ không tái lập được cuộc đô hộ đâu. Nườc họ đã kiệt quệ vì chiến tranh với Đức, họ sẽ chết vì chiến tranh ở thuộc địa. Rồi ông xem, nước Pháp sẽ tụt xuống hàng nước Y-Pha-Nho, Á-châu sẽ mạnh. Trung-Hoa và Ấn-Độ sẽ phục hưng một cách nhanh chóng.
–Thế còn Nhật ?
–Nhật sẽ phục hưng được nhưng không một dân tộc Á châu nào ưa họ đâu. Họ thâm độc lắm.
–Còn nước ta ?
–Ấy, quan tha thời ma bắt, chúng ta sẽ độc lập bề ngoài mà thôi. Quốc tế sẽ công nhận sự độc lập ấy. Nhưng trong nước sẽ lục đục, có thể bị chia đôi. Ông có nhớ mấy khoản của hiệp ước Postdam không? Gây ra Nam Bắc phân tranh mới rầy đấy. Nước nhà sẽ kiệt quệ, người Việt sẽ giết người Việt như ngóe ấy. Chỉ khổ cho lũ trẻ mà thôi. Lắm lúc tôi nghĩ buồn lắm. Suốt đời ăn hại. Chẳng biết chết rồi, về gặp ông bà ông vải, tôi biết ăn nói làm sao với các cụ? Nhưng thôi, nghĩ vẩn nghĩ vơ làm gì. Đời tôi thời bỏ đi rồi. Ông còn trẻ, cố mà sống. Ông sẽ có ngày được nhìn thấy đất nước tươi đẹp. Ông chịu khó và ngoan không như thằng Bảo nhà tôi. Nhưng tôi cũng khuyên ông mấy câu. Đừng sợ khủng bố, chớ ham danh lợi, phụng sự nước đi. Nếu không phụng sự được nước vì bất tài thời phụng sự văn học. Ông có một căn bản văn-hóa, bỏ đi không những là phí mà lại có tội, có tội với ông. Thôi, anh em chúng ta về. “

* *

*

Trong bữa cơm, tôi thấy cụ ăn rất ít và cũng chẳng nói chuyện gì cả. Tôi cảm thấy là cụ suy nghĩ.

Thuyền đã chờ ở bến, cụ chào ông chủ và bà chủ:
–Chúng tôi phải xuôi. Ông bà đối với chúng tôi tốt quá Tôi đón tay cho mấy cháu ít tiền mua giấy bút đi học chữ quốc ngữ. Ấy, xin biếu ông bà ít thuốc sốt, thuốc cảm đề phòng khi trái nắng trở trời. Bao giờ chúng ta đánh đuổi hết giặc Tây, đồng bào ai công nào việc ấy, làm gì mà nước chẳng giầu, dân chẳng mạnh? Nhưng bây giờ thời toàn dân phải vất vả.
Tôi tiễn cụ xuống thuyền, cụ nói rơm rớm nước mắt:
–Trong trường hợp nào ông cũng phải cố mà sống, không được phí sức, không chán nản. Chẳng biết bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau…

* *

*

Tôi không được gặp cụ nữa.

* *

*

Vào đầu tháng mười dương lịch năm 1947, tôi xuống Tuyên-Quang đi sang châu Tự-do, vào trạm liên lạc của bộ Nội-Vụ, báo tin cho bộ Kinh-Tế là tôi công tác đã xong, xin về bộ chờ lệnh.

Mấy hôm sau, quân Pháp nhẩy dù ở Việt-Bắc. Tôi được lệnh đi theo ông Thứ-trưởng Kinh-Tế Cù-Huy-Cận [3] và ông Đổng-lý Phạm-Thành-Vinh cùng một số anh em nha Khoáng-chất và Kỹ-nghệ.
Chỉ thị là tạm ngưng công việc, di chuyển luôn luôn để tránh máy bay, hay để khỏi lọt vào tay quân địch.
Một cuộc phiêu lưu vất vả, nhưng đã giúp tôi quan sát được nhiều nơi như Tuyên-Quang, Thái-Nguyên, Bắc-Giang….Nay tạm trú ở một cái ấp, mai tản mát trong một thôn người Mán ở Tam-Đảo. Địch đánh từ dưới lên, chúng tôi tạt xuống hay tạt ngang.
Sau ông Thứ-trưởng thấy anh em đông quá, sợ sẽ bị lộ, bị bắt tất cả thì nguy, bèn bàn với anh em là nên phân tán trong lúc địch đã đang đánh ồ ạt. Sau này sẽ tập trung lại.
Tôi không biết đi đâu, đành ngược từ Nhã-Nam lên Bắc-Mục. Phải đi tránh các con đường mà địch hành quân. Làng nào cũng có anh em liên lạc ở trạm. Nhiều lần phải đi đêm, mệt hay ốm thì cứ phải nằm ở trạm. Cơm nước có người ở trong lán (Một cái lều ở trong rừng để chứa gạo, muối) đem ra cho. Tôi đi quanh quẩn đến nửa tháng mới từ Nhã-Nam lên đến châu Tự-do. Phố xá ở lỵ sở châu đã bị tiêu thổ nhưng dân chúng đã quay về làm mấy cái quán mới.
Một đêm trời rét như cắt ruột, tôi cuốn chiếu nằm trên sàn nứa nghe tiếng mấy ông khách vào xin chủ nhà cho ngủ trọ. Tôi nhận ra tiếng ông Đặng-phúc-Thông, thứ-trưởng Giao-thông Công-chính. Tôi lồm ngồm ngồi dậy, bước ra chào:
–Chào đồng chí.
–Chào đồng chí.
Đặng-phúc-Thông đưa mắt cho tôi, ý bảo không nên nói chuyện tại chỗ đông người. Rồi ông ta đi ra ngoài cửa, tôi theo sau.
Tôi hỏi:
–Anh đi đâu? Thế nào?
–Vào khu Bốn tổ chức công việc. Trần-đăng-Khoa (Bộ-trưởng) ở lại Khu. Bộ nào cũng phân tán. Nhân tiện, nhân danh chính-phù tôi sẽ lại chia buồn với cụ bà Nguyễn-văn-Tố. Cụ ở Thành, anh biết tin cụ bị Tây hại rồi chứ gì?
–Trong trường hợp nào?
–Chưa biết rõ Cũng chưa tìm thấy xác. Trong chính-phủ ai cũng buồn và giận Tây lắm.
Tới Ty Sở Tuyên-Quang, nhà cửa bị phá hủy từ lâu, các cây gai mọc lên như rừng. Tôi đương đi len lỏi trong đống gạch vụn, bỗng nghe tiếng gọi:
–Ông Lâu! Chờ tôi với!
Tôi nhìn ngang nhìn ngửa mãi mới thấy một bà chạy lại. Chính bà Thục-Viên[3], nguyên Giám-đốc trường nữ trung-học Đồng-Khánh, Hà-nội.
–Ông ở đâu về? Đi đâu? Có được tin tức gì không? Tây chiếm Bắc-Kạn, Lạng-Sơn, Cao-Bằng phải không? À có phải cụ Tố chết rồi không?
–Mời bà đi quá lên Cây số hai, có cái quán, ta vào xin nước uống, tôi mệt lắm.
Vào trong quán, thấy lỏng chỏng mấy nhánh chuối xanh, mấy cái bánh chưng con, mấy cái bát đàn. Bà Thục bảo tôi:
–Trường trung-học của tôi ở bên kia sông. Nước độc, thiếu ăn, học trò ốm cả…. Chuyện ở Khu như thế nào hở ông?
–Tôi không biết gì cả.
–Lại chính sách ‘Tam không’! Không biết, không nghe, không thấy.
–Tôi cũng chịu sự truyền tin của ta. Bà nói đúng. Tây nhảy dù ở Bắc-Kạn, Lạng-Sơn, Cao-Bằng và lẻ tẻ ở nhiều nơi.
–Thế ta đối phó ra sao?
–Tôi chắc là ta rút lui ra ngoài, rồi rủ cho họ ra theo ta tỉa dần. Thế nào họ cũng bị tiêu hao, vậy ta sẽ thắng.
–Á còn cụ Tố ?
–Đấy là cái tang riêng cho Giáo giới. Cụ đã bị Tây sát hại. Đặng-phúc-Thông cho tôi biết như vậy. Có nhiều gia thuyết về cái chết của cụ Tố.
Hai chúng tôi nhìn nhau.//

HẾT
Ghi chú (bởi Tunhan):
[1] Cụ Nguyễn-văn-Tố: 1889-1947
[2] Bài này tác giả viết năm 1962.
[3] Là một trong số 11 người thuộc Tiểu Ban soạn thảo Hiến-Pháp năm 1946; gồm: Huy-Cận; Nguyễn-đình-Thi; Trần-duy-Hưng (BS); Đỗ-đức-Dục; Nguyễn-thị-Thục-Viên; Nguyễn-cao-Hách; Đào-hữu-Dương ..v..v..

"
https://tunhan.wordpress.com/2013/07/14/ky-uc-ve-cu-nguyen-van-to-tac-gia-co-gs-nguyen-thieu-lau/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.