Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/11/2016

Nghĩ về nghề làm thầy (bài Trần Hinh)


Bài của thầy giáo Trần Hinh ở Khoa Ngữ văn trường Tổng hợp ngày trước (ngay là Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Chép nguyên về từ báo Văn Nghệ, ngày 20/11/2016. Bản trên giấy là Văn Nghệ số 47.




---



Nghĩ về nghề làm thầy




Trong xã hội, cũng có những nghề, chỉ ngay sau khi chia tay, người ta đã không còn muốn nghĩ về nó nữa, nhưng nghề thầy giáo thì không như thế.
Tôi được biết trong lĩnh vực đặc biệt này, có những người thầy, dù đã chính thức nghỉ hưu hàng chục năm, vậy mà thiên chức nhà giáo trong họ dường như vẫn nguyên vẹn. Họ là những bông hoa đẹp rất đáng được trân trọng trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên, trong xã hội, chỉ có hai nghề được người ta gọi là thầy: Thầy giáo và thầy thuốc. Vinh quang là thế, nhưng từng có thời gian dài, nghề làm thầy vẫn bị xã hội “quay lưng”: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Rồi lại có thời kì, học sinh đổ xô vào trường sư phạm, không hẳn vì say mê tâm huyết với nghề, mà vì vào đó sẽ không phải đóng học phí, mà ra trường cũng dễ kiếm việc làm.

                Kết quả hình ảnh cho Đại học khoa học xã hooijvaf nhân văn
Ảnh Internet

Nhưng làm nghề giáo cũng thật khó. Bởi lẽ, một khi đã chấp nhận công việc này, cũng có nghĩa phải chấp nhận sự hy sinh: Người ta không thể giàu có khi làm nghề thầy giáo (trừ một số người giỏi giang, xuất chúng). Trong dân gian từ lâu đã tồn tại câu cửa miệng “phi thương bất phú”. Từng gắn bó với nghề giáo gần như cả đời, tôi từng biết đến, trong xã hội ta, ít có ai làm nghề giáo mà lại giàu có bao giờ (hoặc những người thầy giáo mà giàu có hẳn họ phải rất tài năng, hoặc họ chỉ coi dạy học là “nghề tay trái”). Gần đây, trên báo mạng tôi có đọc được thông tin, một nghiên cứu ở đại học Mỹ cho rằng thầy giáo đại học Việt Nam có thể kiếm hàng tỉ mỗi năm. Bản thân tôi cũng biết, có vài ba ông thầy (nhờ đi dạy thêm, hoặc có “mánh mung” gì đó), mà hàng năm kiếm được tiền tỉ, có ô tô, nhà lầu. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Còn nói chung đa số các thầy cô giáo trong xã hội ta còn rất nghèo, trong khi áp lực xã hội mà họ phải chịu đựng là vô cùng lớn. Điều này có lý do của nó, nghề thầy giáo (và cả thầy thuốc nữa), luôn chịu sự phê phán, “săm soi” của hàng triệu con người. Gia đình nào mà chả có người đi học (và chữa bệnh). Và lẽ tất nhiên, mọi vấn đề về học hành, thi cử, đạo đức của thầy giáo và thầy thuốc, kể cả công ăn, việc làm, người ta cũng đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục (và y tế). Quả là cái nhìn xã hội với “hai ông thầy này” đôi khi thật “thiếu công bằng”. Xin nêu ra đây một ví dụ: Hai vị “tổng tư lệnh” ngành giáo dục và y tế (nhiệm kỳ trước) từng có thời gian dài không ngớt bị “kêu ca”, thậm chí “xỉ vả”, trong khi cái ông “tổng tư lệnh” của một ngành to đùng là Bộ Công thương, lãnh đạo ngành thế nào mà hàng chục năm đất nước “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, vẫn không làm nổi cái đinh ốc cho hoàn chỉnh, thì rất ít người để ý (phải đến tận bây giờ người ta mới nhìn ra)…
Vậy nên, tôi xin khẳng định một lần nữa, làm nghề giáo thật khó. Cái khó lớn nhất là khi đã bước chân vào công việc này, người ta phải biết làm gương cho học trò, phải có lòng thương yêu, và đôi khi cũng phải biết tỏ ra “đạo đức giả” nữa, tức là phải “tự dối lòng” mình trước một điều ham muốn ghê gớm lắm, mà vẫn cứ buộc phải “dằn lòng mình” xuống. Đứng trước những ham muốn vật chất, những dục vọng tầm thường, nghề thầy giáo chính là “vật cản” để người thầy không bị cuốn theo. Người thầy giáo, cũng giống như thầy thuốc, khi đã bước chân vào nghề, là đã mang theo lời thề Hypocrat: Không chỉ là tấm gương về đạo đức, họ còn phải là một tấm gương về chuyên môn. Tôi không quan niệm chuyên môn ở đây có nghĩa là phải trang bị cho mình thật nhiều bằng cấp (mặc dù đây cũng là một phần trách nhiệm của họ), mà là phải thực sự đào sâu vào lĩnh vực chuyên sâu của mình, phải say mê và tâm huyết, phải có đủ lòng nhiệt tình để khơi gợi niềm đam mê ở học trò, phải sáng tạo - “sáng tạo”, nói như giáo sư Đỗ Đức Hiểu, người thầy vô cùng kính trọng của tôi ở khoa Ngữ Văn, để không “biến học sinh thành bản sao của mình”.
Tôi đã từng trải qua cảm xúc tưởng như không kìm nổi nước mắt khi tình cờ được đọc những dòng tâm sự nhân ngày 20 tháng 11 vào những năm cuối trước khi thầy mất: “Mỗi năm, ngày 20 tháng 11 với tôi, giống như ngày sinh nhật của người khác. Gần đây có sinh viên cũ như viết hộ tôi. Thầy trò làm việc như chìm trong văn hóa và tình thương yêu. Tôi chịu ơn các sinh viên ấy, một nguồn ánh sáng của đời tôi”; và “Tôi yêu nghề dạy học, nó hòa hợp nhịp nhàng với việc viết sách phê bình, nghiên cứu văn học. Với tinh thần dân tộc trong máu của mình, nhiều khi đọc các tác gia hiện đại trên thế giới, tôi như lạc vào mê cung lý luận văn học, triết học, như “người rừng” lạc vào một thành phố hiện đại. Tôi luôn luôn tự nhủ: Chớ sống trong hoang tưởng, phải học; phải rảo bước, phải “chạy”, mong đuổi kịp thế giới, đuổi kịp nhân loại”. Quả thật, có một thời gian dài, giáo sư Đỗ Đức Hiểu sống ngay giữa trung tâm Hà Nội (26 phố Hàng Bài), mà hệt như một người lạc đến từ một hành tinh khác. Thầy từ bỏ mọi ham muốn (vật chất) của mình để đam mê hết lòng với những trang sách, với việc đào tạo sinh viên, “ngô nghê” trước thế giới kim tiền, thậm chí có lúc trong túi riêng không có nổi 50 ngàn đồng cho một bữa ăn hàng ngày vốn đã rất đạm bạc.
Trong cuộc đời làm thầy (và cả làm trò) của mình, tôi đã được chứng kiến nhiều tấm gương thầy cô giáo ngay bên cạnh mình ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, nay là Đại học KHXH & NV, Hà Nội - giáo sư Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Văn Khỏa…, với những việc làm dù rất bình thường và dung dị của họ, mà cứ khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Chính những việc làm và suy nghĩ dung dị đó, có những điều tôi bắt chước được, và có những điều không, nhưng tất cả đều đọng lại trong tôi lòng biết ơn sâu sắc, vì nhờ đó mà tôi hoàn thiện dần nhân cách nghề nghiệp của mình. Làm nghề thầy giáo thật không dễ, dù ngay cả khi mình đã được trang bị đầy đủ kiến thức để truyền thụ cho học trò, từng có một thâm niên bề dày giảng dạy nhiều năm “biết mười dạy một”, nhưng trước mỗi giờ lên lớp vẫn không được phép chủ quan, vẫn phải lo nắm được từng chi tiết kiến thức trước khi đứng lớp. Tôi nhớ cách đây rất lâu, cỡ những năm 77, 78, tình cờ một lần tôi được phân công đi dạy cho một lớp tại chức ở Hải Dương cùng giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Lúc đó, giáo sư là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, phụ trách chuyên môn, lại cùng tổ chuyên môn với tôi. Đêm hôm trước, vì lo cho sức khỏe, tôi đã đi ngủ sớm. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, khi đã chợp mắt được một giấc, bất chợt tỉnh dậy, vẫn thấy phía giường thầy có vẻ vẫn còn le lói ánh đèn: Thầy chưa đi ngủ, thầy đang lật giở một cuốn sách, có vẻ như nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh. Khi tôi cất lời hỏi: Thầy ơi, sao giờ này thầy vẫn còn chưa đi nghỉ, ngày mai mình có giờ giảng sớm cơ mà? Ông thầy đã từng ba mươi năm giảng dạy, khẽ khàng trả lời, khiến tôi về sau này cứ “ngượng” mãi: Anh Hinh ơi, anh cứ ngủ đi, tôi thức thêm một chút ngó lại bài giảng ngày mai cho lớp.
Một người thầy đã từng có gần ba mươi năm đứng lớp (ở thời điểm đó), đã  làu làu bài giảng của mình, vậy mà vào trước hôm lên lớp vẫn cẩn thận xem lại từng trang giáo án đã cho tôi một “bài học” thấm thía trong nghề dạy học: Người thầy không bao giờ được cho phép mình có quyền “sơ suất” trước sinh viên, bởi khi đó, mỗi người thầy đã được coi như một “vị thánh sống”, luôn luôn nói những điều đúng đắn và chính xác. Những sai sót không đáng có của người thầy trong giảng dạy đôi khi sẽ để lại những “ám ảnh” rất lâu trước học trò. Sự tắc trách của người thầy giáo có thể không gây nguy hiểm “chết người” như thầy thuốc, nhưng nó cũng để lại những di hại không kém: Vì những kiến thức được truyền thụ sai mà người học trò có thể sẽ mất đi niềm tin, hoặc có thể sẽ dẫn đến những “lầm lạc” trong công việc sau này, ảnh hưởng lớn đến xã hội. Quả là làm nghề thầy giáo không hề dễ.
Tôi nghĩ, ở khoa Văn và ở trường Tổng hợp trước đây cũng như trường Khoa học Xã hội & Nhân văn hiện nay có nhiều tấm gương thầy cô giáo (mà tôi không thể kể hết tên ở đây), họ đã cống hiến suốt cả một đời, những năm về già cũng có người “khá giả”, có người tạm coi là “tiềm tiệm”, ít ai giàu có, vậy nên chấp nhận làm nghề thầy giáo thật không dễ dàng gì. Nhưng nếu bảo rằng, giờ đây, nếu như có một phép thần kỳ diệu, cho phép được lựa chọn lại, tôi cũng sẽ vẫn chọn nghề thầy giáo. Nếu không đứng bục thì quả thật tôi cũng chẳng biết làm gì. Suy cho cùng, làm nghề thầy giáo, cũng là một hạnh phúc, hay nói cách khác, là một “tỉ phú”, tỉ phú về tinh thần. Tôi xin lấy thâm niên gần nửa thế kỷ dạy học của mình khẳng định như vậy…
Thứ nhất, ở trên tôi có nói, chỉ hai nghề được gọi là thầy: Thầy giáo và thầy thuốc, đó là một hạnh phúc; thứ hai, làm nghề thầy giáo, chí ít mình cũng có được niềm vui dạy học hàng ngày, được mang những kiến thức ít ỏi của mình “trao” cho nhiều thế hệ học trò, được nhìn thấy họ trưởng thành và đóng góp cho gia đình và xã hội. Tôi xin kể lại một vài chuyện nho nhỏ vui vui. Cách đây đã lâu, có một lần tôi đưa anh bạn Nguyễn Huy Hoàng (hiện đang ở Nga) vào cấp cứu tại một bệnh viện. Anh bị đau ruột thừa. Trong lúc rất vội vã đẩy anh đang nằm trên cáng cấp cứu vào phòng mổ, bất ngờ cả tôi và Nguyễn Huy Hoàng giật mình: “Em chào thầy ạ!”. Chúng tôi nhìn lên, một người phụ nữ đã trung tuổi, người vừa chào, tự giới thiệu chị là học trò của các thầy. Hôm ấy chị có việc vào viện thăm người thân, cũng đang nằm viện. Nhìn thấy thầy giáo đang nằm trên cáng cấp cứu tự nhiên bật ra tiếng chào kính trọng (một niềm vui nho nhỏ); Một lần khác nữa cách đây 20 năm, có lần tôi vào thỉnh giảng ở khoa Ngữ Văn, đại học Khoa học Huế. Ngay buổi đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ: Cả một “rừng” học trò nữ phía dưới nhất loạt mặc áo dài trắng, tôi hỏi “Sao thế các em?”, cả “rừng hoa trắng” ấy nhất loạt trả lời: “Vì thầy đó ạ”. Tôi xúc động lắm. Về sau hỏi ra mới được biết, vì tôi là thầy giáo ngoài Bắc vô thỉnh giảng, lâu rồi mới có một thầy phía ngoài vào đây, học trò đã tự động bảo nhau mặc áo dài trắng lên lớp cho thầy bất ngờ… Quả là, làm nghề thầy giáo thật hạnh phúc, vì trong đời mình được gặp vô khối những “niềm vui nho nhỏ như vậy”.
Việc chọn nghề với thế hệ chúng tôi thực ra không mấy quan trọng. Nhưng ngày nay thì khác. Tôi biết, các bạn trẻ bây giờ, không phải ở chỗ nào cũng ưu tiên lựa chọn nghề thầy giáo. Bây giờ xã hội “sành” hơn, việc lựa chọn nghề cũng nghiêng về phía “vật chất” nhiều hơn, giá trị tinh thần trở nên mong manh. Thêm nữa, vì cuộc cạnh tranh khốc liệt của đồng tiền, trong môi trường giáo dục dù vẫn tồn tại nhiều tấm gương sáng, vẫn còn không ít “tấm gương tối”. Thế nhưng dù sự thế có xoay vần thế nào, tôi nghĩ nghề thầy giáo vẫn luôn cần thiết, quan trọng và thiêng liêng lắm.
Sẽ không có một xã hội tốt, nếu như không có những người thầy tốt. 
Nguồn Văn nghệ số 47/2016

http://baovannghe.com.vn/nghi-ve-nghe-lam-thay-15808.html?vip=bvn





Mời độc giả đón đọc báo Văn nghệ số 47



Báo Văn nghệ số 47 ra ngày 19-11-2016 có các nội dung sau đây:
  • Sáng tác:
  • Truyện ngắn: Ma chữ của Nguyễn Duy Đồng; Cầu vồng trong đêm của Kiều Bích Hậu; Tháo mắt của Tru Sa.
  • Thơ của các tác giả: Nguyễn Hữu Quý, Huy Trụ, Trịnh Công Lộc, Sông Hương, Dương Vương Linh, Lý Hữu Lương, Nguyễn Đức Trọng, Quang Chuyền, Nguyễn Thấn, Chử Văn Long, Quỳnh Như.
  • Tiếng nói nhà văn: Nợ công, xe công, công tác phí và sự công bằng xã hội của Nguyễn Khắc Phê.
  • Sự kiện và bình luận: Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn của Đinh Hoàng Thắng.
  • Nhàn đàmKỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 - Nghĩ về nghề làm thầy của Trần Hinh.
  • Bút ký: Huyền bí Myanmar của Đào Minh Hiệu;. Đứa con của núi của Võ Bá Cường.
  • Văn học nước ngoài: Đèn không hắt bóng hay là chuyện cát bụi kiếp người của Lê Hoài Nam.
  • Tư Liệu: Bí quyết sách bán chạy của Tri Chỉ.
  • Chân dung văn học: “Anh Hai Hưng” với những canh hát lãng du của Chung Tử.
  • Lý luận phê bình: Tình Người trong Tam Không của Hoàng Thụy Anh.
  • Nghệ Thuật: Điện ảnh Việt Nam: Những bước hội nhập của Mỹ Bình.  
  • Trao đổi: Xin hãy tôn trọng tác giả và tác phẩm của Nguyễn Đình San.
  • Cùng sự tham gia của các tác giả: Lê Xuân, Nguyên Khối, Đường Thi, Đàm Ngọc Xuyến, Nguyễn Nghĩa Tư, Bùi Việt Thắng, Nguyên An, Nguyễn Đình Ánh, Nguyễn Thị Mai, Chu Lai, Nguyễn Vũ Tiềm, … trong các chuyên mục khác.
  • Các họa sĩ: Phạm Hà Hải, Đào Quốc Huy. 

http://baovannghe.com.vn/moi-doc-gia-don-doc-bao-van-nghe-so-47-15801.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.