Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

23/11/2016

Chuyện chưa hề cũ : về nói ngọng N/L, là LỖI hay là KHÁC (qua chiều lịch đại, nhóm Nguyễn Cung Thông)

Ở chiều đồng đại, thì ít hôm trước, đã đi một tập hợp về luận tranh của nhóm các nhà ngôn ngữ học Đại Việt hiện nay (đọc ở đây).

Ở một hướng nhìn khác, đặt trọng tâm vào chiều lịch đại, thì có những luận bàn ở dưới đây của nhóm Nguyễn Cung Thông. Năm 2012 và 2013.

Vấn đề N/L qua khảo sát chữ Nôm và chữ quốc ngữ thời kì đầu (gắn với các công trình chính yếu của cụ Đắc Lộ), sẽ cho ta những nhận thức thú vị.

Giả như có một diễn đàn học thuật về nói ngọng, cũng là cần thiết. Diễn đàn ấy có thể mở ngay trên chính Giao Blog này, bắt đầu từ tháng 12/2016 (để một thời gian chuẩn bị).

Dưới là chép nguyên từ KHDS về, qua chỉ dẫn của tác giả Nguyễn Cung Thông. Những thứ tìm kiếm được khác, ngoài chỉ dẫn, thì có thể đưa vào phần Bổ sung như thường lệ.

Tháng 11 năm 2016,
Giao Blog


---



04.01.2012 
BY KHOAHOCNET.COM

Nguyễn Cung Thông & Trần Thị Lan – Lẫn lộn N và L ?

Bài này tóm tắt vài trao đổi (qua email) gần đây về hiện tượng lẫn lộn hai phụ âm đầu n và l trong tiếng Việt. Hi vọng sẽ cho thấy vài cách nhìn khác nhau về đề tài thú vị này, cũng như bạn đọc có cơ hội suy nghĩ thêm về những đặc tính của tiếng Việt – như bài viết mới đây của anh Nguyễn Xuân Quang http://vanhac.org/12/xoa-ngong-nl.html hay anh Nguyễn Hữu Đạt trang http://huudat.vn/ShowArticle.aspx?ID=973 …v.v…  Cần phân biệt số chỉ thanh điệu (như số 2 trong lung2 nung2) và số phụ chú ghi ngay sau một chữ (như nhận2). Người viết tin rằng càng nhiều người viết và nghiên cứu về ngôn ngữ chúng ta thì càng tìm ra được nhiều vấn đề thú vị hơn nữa.

22/11/2011 from Tran Thi, Lan
Thưa các thầy cô,
Hôm trước tôi có đọc bài phỏng vấn của Vietnamnet khi nói tới chuyện ngọng l/n, trong đó GS Hiệp và GS Dõi nói rằng l/n là phương ngữ, không thể sửa, và không cần phải sửa.
Nếu báo chí đưa tin là chính xác thì tôi xin phép được hỏi các thầy cô, các thầy cô có đồng tình với nhận định trên của hai vị GS không ạ.
Theo tôi, lẫn lộn l – n là ngọng, Nhầm lẫn l / n là lỗi phát âm. Đã là lỗi thì cần được chỉnh sửa tại trường học chính thống.
Các lỗi này di sang tiếng Anh. Tại các lớp tiếng Anh tôi đã chỉnh sửa cho học sinh và thường lâu nhất là 1 tuần thì sửa được. Cá biệt có những trường hợp lâu hơn, nhưng có sự cảm nhận tiến bộ rõ rệt (sửa như thế nào thì về cơ bản tôi chưa nhận thấy hướng đi đúng trong các phát biểu về sửa lỗi này của những người đã được hỏi ý kiến).
Chúng ta cần phân biệt môi trường học đường khác với môi trường ngoài xã hội. L/N trong xã hội (phi chính thống) thì có thể không ai để ý, nhưng trong các cảnh huống giao tiếp trang trọng hoặc qui thức chuẩn mực thì ngọng l/n luôn gây ấn tượng tiêu cực cho chủ thể ngôn ngữ.
Hiện tượng này không thể đánh đồng với các trường hợp tiếng địa phương như q-g, v- dz như phương ngữ Nam bộ, hay các trường hợp nhầm lẫn dấu. Tuy nhiên, các dấu khi nói thì có thể chấp nhận, nhưng khi viết thì tối kị bởi luôn được coi là lỗi chính tả.
Hàm cái gì được coi là LỖI thì cần phải được nhà trường chỉnh sửa.
Cảm ơn các thầy cô đã đọc và mong nhận được phản hồi của các thầy cô về vấn đề này.
Chúc các thầy cô khỏe.
PS. Tôi đang tranh thủ đọc các phần đã in trong kỉ yếu của một số báo cáo viên. Có thể trong tương lai tôi xin tiếp tục được hỏi một số vấn đề trong đó. Rất cám ơn các thầy cô.
Lan

22/11/2011 from Tom Nguyen/Nguyễn Cung Thông
Chị Lan kính,
Vấn đề phụ âm đầu lưỡi mà chị nói đến như l/r (A) là những phụ âm đòi hỏi khả năng liên hợp lưỡi, môi, họng … và là những phụ âm cuối cùng trong quá trình đắc thụ ngôn ngữ1 (language acquisition). Cũng vì thế mà sản sinh một số phương ngữ: như tiếng Mỹ khác tiếng Anh, Úc, Tô Cách Lan … Và dĩ nhiên người Trung Hoa, Nhật, Hàn và Việt cũng có một số vấn đề khi đọc các phụ âm trên (rõ nét nhất là khi đọc tiếng Anh). 

Sống bên Úc qua 4 thập niên và phải dùng tiếng Anh để mưu sinh hàng ngày, tôi rất đồng ý với chị – có điều tôi có một đề nghị nhỏ là không gọi đọc l thành n là LỖI, mà là cách đọc KHÁC hơn (nhiều khi người đọc không ý thức được) so với lúc viết chúng (phạm vi qui ước lớn hơn) . Thành ra, cần phải giải thích sự KHÁC biệt này có thể dẫn đến hiệu năng truyền thông nghèo nàn khi dùng ngoại ngữ2 (td. tiếng Anh), cũng như các yếu tố phát âm khác (thanh điệu, cách dùng chữ …). Tôi cảm thông phần nào với GS Dõi ở ngoài Bắc nên quen với sự lẫn lộn n-l hơn là trong Nam hay ở nước ngoài …
Vài ý mọn rất vắn tắt thân gởi
Nguyễn Cung Thông/NCT
(A) giọng Hẹ (Hakka, ở vùng biển Đông TQ, thuộc Mân Việt cổ đại) cũng có khuynh hướng đọc long – nong, lang – nang …v.v…
Vùng Kiên Giang (Rạch Giá) đọc phụ âm r thành g (cuối lưỡi)



24/11/2011
Thưa thầy Nguyễn Cung Thông,
Cảm ơn thầy ạ.
Cảm phiền thầy giải thích giùm tại sao lại không được gọi l/n là lỗi ạ?
Cũng bởi người nói không nhận thức được, không phân biệt được nên tôi tự động gọi vấn đề này, như đã nói ở thư trước là họ bị chứng mù từ. Thầy có đồng ý họ bi mắc một chứng gọi là dyslexia không ạ
Tất nhiên, một dạng dyslexia đặc biệt, nếu xét từ góc độ vô thức và không có khả năng phân biệt hai âm đó ạ.
Cảm ơn thầy
Lan

24/11/2011 from Tom Nguyen/Nguyễn Cung Thông
Chị Lan kính,
1. Chị hỏi ‘Cảm phiền thầy giải thích giùm tại sao lại không được gọi l/n là lỗi ạ?’
Thật ra tôi không có ý bắt buộc ai cả – chỉ muốn gợi ý (đề nghị, từ một ý mọn nhất thời) mà thôi. Nếu lời văn tôi viết có ý đó thì thành thật xin lỗi trước … Đây là những lúc hiếm hoi dùng tiếng Việt trong các hoạt động hàng ngày …
2. Có lẽ vấn đề sẽ rõ hơn khi nhìn rộng ra chăng? Như kéo dài các trục không gian và thời gian ra – tạm thời giữ yên các vấn đề chánh tả, chánh âm, qui ước …
2.1 Không gian: lẫn lộn l/n hiện diện trong các giọng Quảng Đông, Hẹ (Triều Châu) … Như nông (nông nghiệp) còn đọc lànung4 lung4 (giọng Quảng Đông), lung2 nung2 (Hẹ), long5 (Mân Nam/Đài Loan) … So với nóng (nong2 – giọng Bắc Kinh) …
…v.v…
Giọng Hẹ (phần tô đậm trên bản đồ, ở tỉnh Phúc Kiến TQ, bờ biển Quảng Đông … thuộc Mân Việt cổ đại) có khuynh hướng lẫn lộn l/n rõ nét nhất trong các phương ngữ TQ hiện nay. Thành ra hiện tượng lẫn lộn l/n không chỉ giới hạn ở Bắc Bộ VN.

2.2 Thời gian: thí dụ như liên hệ lên-nên chẳng hạn, tự điển Việt Bồ La (1651) từng ghi nhận3cách dùng ‘nên mười tuổi’ (bây giờ thì hầu như ai cũng nói là lên mười tuổi). Các cách dùng lăm, năm và nhăm cũng đáng chú ý, so với lòng nòng …v.v…
Lúc còn bé, tôi nghe giọng Quảng (Nam …) như lồm (làm), nôm (nam)(A) như ngọng vậy, nhưng từ ngày học hỏi thêm Hán Nôm (cho đến bây giờ), tôi đã thay đổi quan niệm hồi nhỏ đó … Mẹ tôi (chúng tôi gốc làng Kim Lũ, Hà Đông trước đây) vẫn đọc giăng, tôi thì lại đọc là chăng nhưng viết là trăng, đấy là tôi đã theo qui ước của các trường học từ nhỏ.
3. Với đề nghị là nhìn hiện tượng lẫn lộn l/n như là một cách đọc KHÁC thay vì LỖI, tôi nghĩ là có thể ta nhìn vấn đề tích cực hơn (dẫn đến các cách sửa hay thêm kỹ năng phát âm để tăng hiệu năng truyền thông, nhất là khi học và dùng một ngoại ngữ như tiếng Anh chẳng hạn) mà tránh tạo một mặc cảm thua kém hay thiếu khả năng (hay tiêu cực, lỗi thì phải cần dứt bỏ) cho người học … Ngoài ra, khi chối bỏ hiện tượng l/n trong tiếng Việt, tôi sợ rằng mình mất đi một số thông tin quý giá của ngôn ngữ (lịch đại) chăng?

Vài ý mọn thân gởi,
NCT
(A) theo thiển ý, cách đọc Nôm thay vì Nam (chữ Nôm) từ Nam ra Bắc … từ Kiên Giang đến Thừa Thiên …, là một dấu ấn thời-không gian (time-space impression) của thời kỳ chữ Nôm cực thịnh (thế kỷ XII, XIII) và cũng là lúc dân Việt ổn định ở vùng Bắc Trung Bộ (giọng Quảng).

Thay lời kết luận
Các trao đổi trên phản ánh bản chất phức tạp của vấn đề lẫn lộn n/l: từ thổ ngữ, phương ngữ cho đến đặc tính vùng (areal feature – đồng đại) theo trục không gian; và vết tích của sự lẫn lộn n/l trong quá trình hình thành tiếng Việt theo trục thời gian (lịch đại). Ngoài ra, hiện tượng lẫn lộn n/l có phải là một hội chứng4 (bệnh) từ lăng kính y khoa hay không? Hi vọng bạn đọc sẽ thấy thích thú và tìm tòi thêm về các đặc tính của tiếng Việt.
Phụ chú và phê bình thêm
Bạn đọc có thể tham khảo thêm các trao đổi trên diễn đàn Viện Việt Học tranghttp://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,56261 hay trên báo chí, các blogs…v.v…
1) Quá trình đắc thụ ngôn ngữ (language acquisition)
Các phụ âm đầu lưỡi l,r và mặt lưỡi sh (s giọng Nam VN), ch thường xuất hiện sau nhất trong quá trình đắc thụ tiếng mẹ đẻ – so với các âm môi m, p (mẹ mợ mụ mê má mẫu … ba bố bu …) xuất hiện rất sớm. Điều này dễ hiểu vì các phụ âm l,r hay th … đòi hỏi các kết hợp phức tạp hơn của môi, lưỡi và họng.
2) Có nhiều trường hợp người Quảng Đông TQ khi học tiếng Anh thường lẫn lộn phụ âm đầu (initial consonant) n và l, người Nhật lẫn lộn l và r … Trường hợp người Việt học tiếng Anh thì có tác giả* nêu lên sự lẫn lộn của phụ âm cuối (final consonant) l và n mà không thấy nói đến sự lẫn lộn của phụ âm đầu n và l.                                                                          * Hwa-Froelich, Hodson & Edwards (2003:269)
3) Tự điển Việt Bồ La ghi ‘nên mười tuổi’ (bây giờ thì ai cũng viết là lên mười tuổi), Tự điển Taberd (1838/1772) ghi ‘nên một, nên hai’ … Cho đến thời Hùinh Tịnh Của vẫn còn ghi là ‘nên một, nên hai’ (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895).
Chữ Nôm 南五 trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập/HĐQATT (thế kỷ XV) ghi lăm bằng chữ nam 南 (biểu âm) hợp với chữ ngũ 五 (biếu ý) cũng cho thấy sự lẫn lộn n/l của âm năm và lăm. Một dạng chữ Nôm neo (cái neo) dùng thành phần hài thanh liêu …v.v…
‘lưng mềm yểu diệu mười *năm tuổi’  (HĐQATT)
Một dạng chữ Nôm lăm còn ghi băng chữ ngũ ghép với chữ lâm 林
‘mười bốn mười lăm’ (Truyền Kỳ Mạn Lục, thế kỷ XVI) . Điều đáng chú ý là giọng Triều (Tiều) Châu đọc lâm là lim5 hay ning5
4) Người viết có đọc qua vài trường hợp mà người nói khi còn bé phân biệt được n và l, nhưng khi trưởng thành lại nói lẫn lộn giữa n và l (ảnh hưởng môi trường chung quanh, nghề nghiệp …).
nguyencungthong@yahoo.com
https://khoahocnet.com/2012/01/04/nguy%E1%BB%85n-cung-thong-tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-lan-l%E1%BA%ABn-l%E1%BB%99n-n-va-l/




-






19.08.2013 
BY KHOAHOCNET.COM




Phần 1 của bài viết1 “Lẫn lộn n và l ?” giới thiệu các cách nhìn khác nhau về hiện tượng lẫn lộn phụ âm n và l. Phần 2 này tiếp theo cách nhìn mở rộng của phần 1 và chú trọng đến vốn từ Hán Việt và chữ Nôm, các dữ kiện ngôn ngữ cho thấy hiện tượng lẫn lộn n và l đã có từ xưa đến nay cũng như hiện diện trong các cách ghi âm tiếng Việt như chữ Nôm, chữ quốc ngữ (La Tinh). Ngoài ra, các giọng miền Nam Trung Quốc/TQ như Quảng Đông, Hẹ, Triều Châu cũng có khuynh hướng lẫn lộn n và l. Các tài liệu tham khảo chính viết tắt trong bài là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự, Hứa Thận soạn khoảng 100 SCN), TVGT1 (Thuyết Văn Giải Tự 1, bản thời Tống năm 968), TVGT2 (Thuyết Văn Giải Tự chú giải viết bởi học giả nhà Thanh Đoàn Ngọc Tài), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV  (Tập Vận/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986) … VBL (từ điển Việt Bồ La/Annam-Lusitan-Latinh/Alexandre de Rhodes/1651) … Các chỉ số đứng sau nguyên âm chỉ thanh điệu như lon3 hay số phụ chú (supescript).

1. Âm cổ là l nhưng âm tiếng (Hán) Việt là n, cũng như các phương ngữ Nam TQ vẫn có khuynh hướng đọc l thành n như các thí dụ sau
1.1  Chữ lạm  là chữ hiếm với tần số dùng là  12 trên 171894734, thanh mẫu lai 來 vận mẫu đàm 談 hay diêm 鹽) có các cách đọc
盧瞰切,音濫 lô khám thiết, âm lạm (QV, TV, LT)
力驗切,音瀲 lực nghiệm thiết, âm liễm (TV, LT, TTTH)
盧敢切 lô cảm thiết (QV, TV, LT, TVi)
力蹔切 lực tạm thiết (NT) chữ 蹔 đồng 暫 (tạm)
盧甘切,音藍 lô cam thiết, âm lam (TV, LT)
Gọng BK bây giờ là làn (theo pinyin) so với giọng QĐ laam4/laam6, giọng Hẹ lam3/lat7 và Triều Châu/TC nan6 cho thấy khả năng lẫn lộn n và l trong giọng TC; tiếng Việt còn dùng dạng nám (bây giờ) so với thời VBL viết là lám hay nám.
1.2  Chữ noãn  có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu hoàn 桓 thượng thanh 上聲, hay vận mẫu qua 戈)
盧管切 lô quản thiết (TVGT, ĐV, LT)
魯管切 lỗ quản thiết (TV, VH, CV, TG, TVi, CTT) –  鸞上聲 loan thượng thanh
力管切 lực quản thiết (NT, QV)
落管反 lạc quản phản (LKTG)
公渾切 công hồn thiết (TV, LT)
公魂切 công hồn thiết (TVi) 音鯤 âm côn
力卷切 lực quyển thiết (TVi) 音孌 âm luyến
…v.v…
Giọng BK bây giờ là luǎn (pinyin) so với các giọng QĐ leon2 leon5 lo5, giọng Hẹ lon3 và TC luang2 hay neng6: giọng TC có khuynh hướng đọc lẫn lộn n và l như tiếng (Hán) Việt.
1.3  Chữ long  có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu đông 東 thượng thanh 上聲)
力董切 lực đổng thiết (ĐV, QV, CV, TVi)
力董反 lực đổng phản (LKTG, CTT)- CTT ghi thêm 音壟 âm lũng,TĐTAT ghi thêm 音隴 âm lũng
力同切 lực đồng thiết (NT, TTTH)
魯孔切 lỗ khổng thiết (TV, VH, LT)
盧東切,音聾 lỗ đông thiết, âm lung (TV, VH, LT)
力東丶 lực đông chủ (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
力公切 lực công thiết (TVi)
力容切 lực dong/dung thiết (CTT) – CTT ghi thêm 音龍 âm long (TĐTAT)
…v.v…
Giọng BK bây giờ là lǒng (theo pinyin) so với các giọng QĐ lung5, giọng Hẹ lung1 lung3 nung1 nung3 cho thấy khả năng lẫn lộn n và l trọng giọng Hẹ … Tiếng Việt còn dùng dạng nổng chỉ chỗ đất vung lên (nổng đất) so với lũng 隴 và nống là nâng (đỡ) lên (VBL/Béhaine).
1.4 Chữ luy  đọc theo phiên thiết 力爲切 lự vi thiết (QV), 倫爲切 luân vi thiết (TV, CV) nhưng thường đọc là nuy (Thiều Chửu). Một cách đọc theo phiên thiết là 靈年切,音蓮 linh niên thiết, âm liên (TV), KH ghi là huyện danh ở Giao Chỉ.
2. Âm cổ là l, vẫn duy trì trong tiếng (Hán) Việt, nhưng âm Bắc Kinh lại thành n như các thí dụ sau
2.1 Chữ lộng  có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu đông 東 khứ thanh 去聲)
盧貢切 lô cống thiết (ĐV, QV, TV, VH, LT, TVi, CTT, TĐTAT) 籠去聲 lung/lộng khứ thanh
盧貢反 lô cống phản (LKTG)
力貢切 lực công thiết (TVi)
Giọng BK bây giờ là nòng (thường hơn là cách đọc lòng theo pinyin) so với giọng QĐ lung6 nung6, giọng Hẹ lung3 lung 6 nung3 nung6 … Âm HV (lộng) đọc phù hợp với phiên thiết tuy các giọng phía Nam TQ có khuynh hướng đọc l thành n.
2.2 Chữ liễn  có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu tiên 仙 thượng thanh 上聲)
力展切 lực triển thiết (TVGT, QV, TV, VH, LT, CV, TVi)
力展反 lực triển phản (LKTG)
力展丶 lực triển chủ (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
…v.v…
Giọng BK bây giờ là niǎn (theo pinyin) so với các giọng QĐ lin5, giọng Hẹ lien3 lien6 len3 lian1 và âm HV là liễn.
2.3a Hay có trường hợp ngược lại, âm cổ hơn là n nhưng trở thành l (chuẩn) trong Hán ngữ – xem trường hợp chữ *nôm 罱 (nơm/nôm – dụng cụ bắt cá, thành phần hài thanh là nam 南) với các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu đàm 談 thượng thanh 上聲)
魯敢切,音覽 lô cảm thiết, âm lãm (QV, CTT)
女感切 nữ cảm thiết (NT)
乃感切 nãi cảm thiết (LT, TVi)   音湳 âm nam
Vấn đề trở nên thú vị khi âm lãm (xem) 覽, dựa vào khả năng hoán chuyển giữa l và n, trở thành dạng nom (ngạc cứng hóa thành dòm, nhòm – chữ Nôm 𥈶); để ý tương quan lãm 攬 và nắm. Tương tự như trên, nản và lờn là các biến âm của lãn 懶 (lười, chán, biếng – lăn BK) cũng như giọng Hẹ lan1 lan3 nan1 nan3, giọng Triều Châu lang2 nang2
Lãn có các cách đọc
落旱切 lạc hạn thiết (QV)
魯旱切 lỗ hạn thiết (TV) – đồng lãn 嬾 (để ý cách dùng bộ nữ)
落蓋切,音賴 lạc cái thiết, âm lại (TV)
Âm lại của lãn còn ra dạng lười tiếng Việt.
2.3b Trường hợp tân lang 槟榔 (cây cau):  tân có cách viết là
nval-2-1
Tân đọc là bīn, bīng (giọng BK bây giờ) so với các giọng QĐ ban1, bin1 và giọng Hẹ bin1 ben1, tiếng Nhật và Hàn vẫn duy trì dạng bin – chỉ có tiếng (Hán) Việt cho ra dạng tân (biến âm b/p thành t là hiện tượng Trùng Nữu). Tân lang (bīn láng BK) có gốc là tiếng Mã Lai/Inđônêsia pinang (nghĩa là cây cau) và phụ âm đầu n- đã trở thành l-, có thể là cây cau nhập qua các vùng biển trước như Triều Châu/TC nên có sự lẫn lộn giữa n và l; lang giọng Hẹ hay TC có thể đọc là long2 hay nong2. Pinang còn là tên hai hải đảo (tây bắc Mã Lai và phía đông tỉnh Johor của Mã Lai) vì là nơi trồng nhiều cau. Đảo Pinang/Penang từng được ghi là Binh Long đảo theo Génibrel2 (1898)
nval-2-2
2.4a Chữ lạc  có các cách đọc (thanh mẫu nghi 疑 vận mẫu hào 肴 kh+’ thanh 去聲, hay vận mẫu giác 覺 nhập thanh 入聲, hay thanh mẫu lai 來 vận mẫu đạc/khai 鐸開) theo phiên thiết
五角切 ngũ giác thiết (TVGT2, ĐV, QV)
玉角切 ngọc giác thiết (TVGT1, QV, TTTH)
盧各切 lô các thiết (ĐV, QV, LT)
歷各切,音洛 lịch các thiết, âm lạc (TV, VH, CV)
逆角切,音岳 nghịch giác thiết, âm nhạc (TV, VH, CV, TVi)
力照切 lực chiếu thiết (TV)
力召切,音療 lực triệu thiết, âm liệu (CV, CTT)
魚敎切 ngư giáo thiết (TV, VH, CV)
盧谷切,音祿 lô cốc thiết, âm lộc (VB)
魯刀切,音勞 lỗ đao thiết, âm lao (ĐV)
力弔切 lực điếu thiết (TVi) 音料 âm liệu
如角切 như giác thiết (TV)
乙角切 ất giác thiết (TV)
丑照切 sửu chiếu thiết (TV) – có lẽ đây là một vết tích của biến âm l-s (lực-sức, lãng-sóng, lạp-sáp …).
…v.v…
Lẫn lộn n (nh) và l đã hiện diện thời Tập Vận (năm 1037/1067). Cũng như năm/lăm, nòng/lòng, nên/lên, nhạc/lạc tuy cùng một gốc nhưng tiếng Việt dùng phụ âm n và l cho các phạm trù nghĩa khác hơn: lạc để chỉ vui (an lạc) so với nhạc (âm nhạc).
2.4b Lẫn lộn n và l còn hiện diện trong các cách phiên thiết – chữ liêm/niêm 溓
Chữ 溓 có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu thiêm 添 hay diêm 鹽)
勒兼切,音濂 lặc kiêm thiết, âm liêm (QV, TV)
離覽切,音廉 li lãm thiết, âm liêm (TV, TVi)
力鹽切 lực diêm thiết (TVGT)
良冉切 lương nhiễm thiết (QV)
力冉切,音斂 lực nhiễm thiết, âm liễm (TV, LT, TVi)
力忝切 lực thiểm thiết (QV)
盧忝切 lô thiểm thiết (TV)
泥占切,音粘 nê chiêm thiết, âm niêm (TV, CV, LT)
乎監切,音銜 hồ giam thiết, âm hàm (TV, LT)
乎韽切,音陷 hồ am thiết, âm hãm (TV, LT
兩減切,音臉 lưỡng giảm thiết, âm kiểm (TV, LT)
犁針切,音林 lê châm thiết, âm lâm (TV, LT)
勒兼反 lặc kiêm phản (LKTG)
力忝反 lực thiểm phản (LKTG)
里兼切 lí kiêm thiết (NT)
里忝切 lí thiểm thiết (NT)
…v.v…
Giọng BK bây giờ là lián, liǎn, nián, xián, xiàn (HNĐTĐ ghi các âm lián, liǎn, xián, xiàn, nián, lín) so với giọng QĐ lim4/lim5 và giọng Hẹ liam2/liam3. Ít nhất là từ thời Tập Vận (1037/1067) ta thấy đã có ghi sự lẫn lộn n và l qua phiên thiết, và Tập Vận cũng trích Thuyết Văn (khoảng 100 SCN) và Khang Hi trích âm niêm đã có từ thời Lễ Ký!
2.4c Chữ hiếm  (Unicode 644E) với tần số dùng là 11 trên 171894734, xưa dùng như nạo 撓 có các cách đọc (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu hào 肴 bình thanh 平聲, hay thanh mẫu lai 來 vận mẫu vưu 尤 bình thanh 平聲); giọng BK bây giờ là jiū liáo jiāo nǎo so với giọng QĐ gau1 lau4, giọng Hẹ liu7 lau1, kieu1 kiu1 …v.v…
居求切 cư cầu thiết (TVGT, ĐV)
居尤切,音鳩 cư vưu thiết, âm cưu (TV, VH, LT, TVi)
力求切,音留 lực cầu thiết, âm lưu (ĐV, QV, TV, LT)
力周切 lực chu thiết (TVGT2, NT, TTTH)
力交切,音寥 lực giao thiết, âm liêu (TV, LT)
離昭切,音繚 li chiêu thiết, âm liễu (TV)
居虬切,音樛 cư cầu thiết, âm cù (TV, LT)
古肴切 cổ hào thiết (ĐV, QV)
居由切 cư do thiết (NT, TTTH)
居肴切,音交 cư hào thiết, âm giao (TV, LT)
古巧切,音絞 cổ xảo thiết, âm giảo (TV)
女巧切,鐃上聲 nữ xảo thiết, nao thượng thanh (TV, LT)
經由翻 kinh do phiên (BH 佩觿) là cây cù 樛, nhưng 摎 đọc là lưu 留
居休切,音鳩 cư hưu thiết, âm cưu (CTT)
…v.v…
Thành phần hài thanh 翏 đọc là *liệu, nhưng thời Tập Vận đã có ghi âm *niêu (nao > nhiễu); đây là lí do chữ 摎 từng dùng như nạo 撓 – tiếng Việt còn duy trì các biến âm náo, nao, nháo (nhốn nháo) và nhao (nhao nhao, lao nhao), não so với dạng líu (không dùng một mình, vết tích là từ láy líu lo). Các tài liệu (Hán cổ) về vận bộ không thấy ghi phụ âm đầu n- so với phụ âm k- và l-, do đó các dạng âm cổ phục nguyên thường là *kau  hay  *liəu, hay dạng tổng hợp *nriu. VBL (1651) còn ghi các cách dùng líu, làm líu díu (gây huyên náo) hay láo dáo; Béhaine/Taberd (1772/1838) ghi nói lịu (nói lẫn), lịu miệng … So với các từ láy lao nhao, lao xao vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt.
2.4d Uỷ  hay duỵ có các cách đọc (thanh mẫu nương 孃 vận mẫu chi B hợp 支B合 khứ thanh 去聲)
女恚切 nữ khuể thiết (TVGT, NT, QV, ĐV, TV, VH, CV, TVi)- TVi ghi đọc như 音內 âm nội (nèi BK bây giờ), CTT ghi đọc như 音謂 âm vị (wèi BK bây giờ)
女恚反 nữ khuể phản (LKTG)
邕危切,音逶 ung nguy thiết, âm uy (TV)
於爲切 ư vi thiết (TViB) 音威 âm uy
烏貴切 ô quý thiết (CTT)  音謂 âm vị
女慧切 nữ tuệ thiết (CTT)
弋睡切 dặc thuỵ thiết (TV)
而睡切,音汭 nhi thuỵ thiết, âm nhuế (TV)
Hai dữ kiện đáng chú ý cho âm uỷ (uy) này là các dạng ngạc cứng hoá duỵ hay nhuế (theo TV) và khả năng từng dùng như chữ luỹ 壘 (theo Đoàn Ngọc Tài). Do đó, khuynh hướng lẫn lộn n và l đã từng hiện diện trong cổ thư TQ!
3. Vết tích lẫn lộn n và l còn thấy trong tự điển VBL (1651) như
Lám – dùng như nám (hoa tàn)
Nên mười tuổi – bây giờ thường dùng lên mười tuổi– so với cách dùng nên một, nên hai(Béhaine/Taberd-1772/1838)
Năm – lăm (nhăm/dăm – ngạc cứng hóa) – VBL ghi rõ cách dùng mười lăm, hai mươi lăm 
Cái ống súng bây giờ thường dùng là nòng súng (lòng súng/Trương Vĩnh Ký/1884 – canon d’un fusil) – xem từ điển Vallot3 bên dưới
…v.v…
nval-2-3
(P.G. Vallot/1898)
4. Lẫn lộn n-l trong chữ Nôm
Lẫn lộn n-l không chỉ hiện diện từ thời chữ La Tinh (quốc ngữ) ra đời, nhưng thường gặp hơn trong chữ Nôm4 như
Nếu chữ Nôm viết là 𠮩 (liễu) còn đọc là lếu, lẻo, niểu …
Neo  鐐 (liêu)
Năn   bộ khẩu + chữ lân  (lân) 粦 – năn nỉ
Lăm   南五 (nam)
Lốm    bộ thảo + chữ nam (nốm) 南 – Nguyễn Khuyến
Nặn    bộ thủ + chữ lân 吝 (lận) Hồ Xuân Hương/HXH
Nấp  bộ thổ + chữ lập (lập)  立  HXH
Lội  bộ khẩu + chữ nội  內 (nội) HXH
Nương bộ nhật/thủ + chữ lương 良 (lương)
Nén  bộ thủ + chữ liễn  輦 (liễn)
Lom  bộ thân + chữ nam 南 (nam) – lom khom …
Lầm chữ ngộ + chữ nhâm 任 (nhầm, lầm) – ngạc cứng hoá l > nh.
…v.v…
Nguyễn Khuyến, HXH … đều từng ở các vùng Hà Bắc, Hà Nam.
Các phụ âm đầu lưỡi l,r và mặt lưỡi sh (s giọng Nam VN), ch thường xuất hiện sau nhất trong quá trình đắc thụ tiếng mẹ đẻ (language acquisition) – so với các âm môi m, p (mẹ mợ mụ mê má mẫu … ba bố bu …) xuất hiện rất sớm. Điều này dễ hiểu vì các phụ âm l,r hay th … đòi hỏi các kết hợp phức tạp hơn của môi, lưỡi và họng. Phụ âm l có nhiều cách đọc (allophones) và do đó là một trong những âm phân biệt rất rõ nét giữa các ngôn ngữ hay phương ngữ: thí dụ như long (rồng) khi nhập vào tiếng Hàn trở thành yong (ngạc cứng hoá), cũng như lục (số sáu) trở thành yuk … Phụ âm l tiếng Hán lại có thể trở thành phụ âm r tiếng Nhật như lục (số sáu) trở thành roku (riku). Hiện tượng lẫn lộn l-n hiện diện ở các vùng Nam TQ và Bắc VN cũng không làm cho ta ngạc nhiên: tiếng (giọng) Mường5 (Bi) còn dùng nồng là lòng, hay lõn là non
Thãng đói pò pao nồng mãng nã (thằng bé bò vào lòng mẹ)
Lõn ối (quả ổi non) – so với tiếng HV nộn 媆 hay 嫩, giọng Hẹ vẫn còn các dạng nun3 và lun3…
Không phải ngẫu nhiên mà ngôn ngữ tiếng Anh là language, langue (Pháp) … đều có gốc là tiếng La Tinh lingua (cái lưỡi, lời nói – tiếng Thái lín ลิ้น) so với tiếng Việt lời (nhời – ngạc cứng hoá) nói, lưỡi … Tiếng Quảng Đông còn dùng chữ 脷 (Unicode 8137, lì BK lei6 QĐ) để chỉ cái lưỡi. Hi vọng các dữ kiện trên cho ta cơ hội suy nghĩ thêm về hiện tượng lẫn lộn n và l, và cứ nhất định cho rằng đọc l thành n hay ngược lại là SAI thì e rằng ta có thể mất đi một số thông tin quan trọng trong quá trình hình thành tiếng Việt.
5. Phụ chú và phê bình thêm
Người đọc có thể tra cứu thêm về vấn đề lẫn lộn n và l trên báo chí gần đây, như các tranghttp://giadinh.net.vn/xa-hoi/cac-chuyen-gia-dau-nganh-hien-ke-sua-tat-noi-ngong-muon-hoi-nhap-phai-phat-am-chuan-20111117094830788.htm  hay  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/49846/tranh-luan-sua-noi-ngong-l-va-n-o-viet-nam.html …v.v… Có nhiều ý kiến rất khác nhau về hiện tượng lẫn lộn n và l, từ đề nghị cần phải tích cực chữa sai nói ngọng n/l ngay trước khi trở thành một loại bệnh dịch, cho đến ý của các GS Mai Văn Hai hay Nguyễn Văn Hiệp trích từ các trang http://chuanoingong.wordpress.com/2012/12/29/muon-hoi-nhap-phai-phat-am-chuan-khong-noi-ngong/  hayhttp://bachhuong2.blogtiengviet.net/2011/11/30/a_na_van_a_la_cas_quan_trar_ng_gan_khaan
“N” và “L” có quan trọng gì đâu (?!)
Theo tôi, “n” hay “l” có quan trọng gì đâu, cứ để cho người ta nói theo văn hóa ngôn ngữ vùng miền vốn có của họ. Chẳng hạn, bao đời nay dân Việt Bắc vẫn gọi mẹ là “mế”, vùng Trung du vẫn gọi là “bầm”, vùng Bình – Trị – Thiên gọi là “mạ”, người miền Nam gọi là “má”… thì mọi người vẫn hiểu đấy thôi. Dân xứ Nghệ phát âm dấu ngã thành dấu nặng hoặc dấu hỏi thì vẫn được mọi người chấp nhận như thường. Thậm chí, đối với tôi, đó còn là một cách phát âm rất riêng mang tính bản địa vùng miền rất rõ. Nó góp phần làm cho vốn ngữ âm thêm đa dạng và sinh động.
Trong quan điểm của tôi, quan trọng nhất là trong giảng dạy, giáo viên phải giáo dục cho các em học sinh nắm vững được khái niệm của từng từ ngữ để các em có được những hình dung nhất định về nghĩa của từ, không bị lẫn lộn về ngữ nghĩa. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng nên nhắc nhở học sinh phải viết đúng ngữ pháp, không được đưa cách nói thường ngày của mình vào văn bản viết. Bởi nói ngọng có thể chấp nhận nhưng viết ngọng là không thể chấp nhận.
Chúng ta cũng chẳng cần phải đặt ra một chương trình lớn rồi bắt giáo viên phải làm theo hay gò học sinh vào một chuẩn chung cứng nhắc. Còn nếu làm như vậy chỉ với chủ ý xây dựng nên một cách phát âm chuẩn của người Thủ đô thì quả là hơi khó. Bởi, Thủ đô Hà Nội vốn là nơi hội tụ của người dân ở nhiều vùng miền, Hà Nội có được sự đa dạng và đặc sắc văn hóa như hiện nay chính là nhờ sự “hội tụ” đó. Chúng ta nên đi tìm tinh thần riêng của Hà Nội để làm nét đặc trưng hơn là lấy cách phát âm làm chuẩn.
PGS.TS Mai Văn Hai  – Viện Xã hội học 
(hết trích)
“Về khái niệm chuẩn, như thế nào là chuẩn? Mà ngôn ngữ lại không ngừng phát triển. Như “n” và “l”, trong tương lai, hai âm này nhập làm một, không có sự phân biệt thì sao? Nói “ngọng” l/n thực chất là cách người ta vu vạ cho một đặc điểm phương ngữ của một số vùng nào đó mà thôi.  Tôi nghĩ, viết là chính tả, thì phải đúng, còn nói thì kệ người ta. Bây giờ chả nhẽ bắt người Huế phát âm đúng dấu hỏi, dấu ngã? Bây giờ hết Hà Nội n,l rồi triển khai trong Huế bắt giáo viên phải phân biệt “nghĩ ngợi” với “nghỉ ngơi” thì làm sao người ta làm được? Bây giờ bắt người Hà Nội phát âm từ “uống rượu” với từ “hưu trí” và từ “hiểu biết” xem, họ sẽ phát âm “-ươu”, “-ưu” và “-iểu” giống nhau, làm sao mà coi là chuẩn được. Tóm lại, viết thì phải đúng, còn nói mà bắt sửa thì là chuyện tào lao …” – GS Nguyễn Văn Hiệp, trích từ trang http://www.baomoi.com/Chua-ngong-ln-la-chuyen-tao-lao/59/7348419.epi
1) Nguyễn Cung Thông/Trần Thị Lan, 2011 “Lẫn lộn n và l” – có thể xem toàn bài trang nàyhttps://khoahocnet.com/2012/01/04/nguy%E1%BB%85n-cung-thong-tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-lan-l%E1%BA%ABn-l%E1%BB%99n-n-va-l/ hay http://www.trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=8020&catid=7 …v.v…
2) Génibrel J. F. M. “Dictionnaire annamite francais” Saigon: Imprimerie de la Mission à Tân Dinh, 987 pp. (Saigon, 1898)
3) Vallot P. G. “Dictionnaire Franco-tonkinois Illustré” F. H. Schneider Impremeur-Editeur (Ha Noi, 1898)
4) Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên) “Tự điển chữ Nôm” NXB Giáo Dục (Hà Nội, 2006). Các chữ Nôm khác trích từ “Đại Tự Điển chữ Nôm” – Nguyễn Văn Kính (NXB Văn Nghệ, Thành phố HCM, 2005).
5) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên) “Từ điển Mường-Việt” NXB Văn Hoá Dân Tộc (Hà Nội, 2002). Người viết (NCT) xin thành thật cám ơn bác Nguyễn Hữu Tưởng (Viện Hán Nôm) đã hướng dẫn lên Hoà Bình (Kim Bôi, tháng 12/2008) và gặp một số gia đình người Mường để bàn luận thêm chi tiết.
Nguyễn Cung Thông
nguyencungthong@yahoo.com

https://khoahocnet.com/2013/08/19/nguyen-cung-thong-lan-lon-n-va-l-phan-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.