Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/08/2016

Y đức và y thuật ở Đại Việt hiện nay


Tin từ các nơi, ở thời điểm thập niên 2010.

---
3.


2.


Giám đốc bệnh viện cần gì giáo sư?

Vấn đề số 1 của y tế Việt Nam không phải là cơ sở vật chất hay trình độ chuyên môn, thái độ của nhân viên y tế mà chính là cách tổ chức.
LTS: Tại một hội nghị ngày 18/8 ở Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, xu hướng bổ nhiệm giám đốc bệnh viện sẽ không cần chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị. Bà cũng cho rằng, người làm quản lý không cần phải là giáo sư, tiến sĩ mà phải là người quản lý giỏi. Mời bạn đọc theo dõi câu chuyện nhọc nhằn khi vào bệnh viện dưới đây.
Trừ bệnh viện Hữu nghị và các bệnh viện tư nhân, bệnh viện nước ngoài, các bệnh viện Việt Nam đều được tổ chức vô cùng tệ.
Cách đây 2 năm ba tôi bị viêm phổi cấp. Ông cụ có BHYT ở mức cao nhất. Tôi đưa cụ vào 1 bệnh viện nước ngoài điều trị nhưng bệnh không đỡ. Sau khi tư vấn với các bác sĩ giỏi, tôi chuyển cụ sang khoa cấp cứu rất nổi tiếng của 1 bệnh viện hàng đầu của Việt Nam.
Tôi mang theo toàn bộ bệnh án, phiếu xét nghiệm, phim chụp của bệnh viện cũ.
Do có nhiều bạn bè làm việc ở bệnh viện này nên thủ tục nhập viện khá nhanh - là so với các bệnh nhân khác, chứ chạy đi chạy lại đóng tiền nọ tiền kia khá mất thời gian.
giám đốc bệnh viện, giáo sư, giám đốc bệnh viện là giáo sư, bộ trưởng y tế, nguyễn thị kim tiến
Xếp hàng từ 6h sáng tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Trần Thường
Khoa cấp cứu rất hiện đại. Do Nhật tài trợ. Bác sĩ trực chỉ định chụp phim. Tôi nói:
- Ông cụ chuyển từ bệnh viện Y sang. Chụp phim, xét nghiệm vừa làm sáng nay, tôi mang cả đây. Hay là dùng các hồ sơ này cho nhanh?
- Bệnh viện ấy biết gì. Chỉ được cái đắt.
Tôi không cãi. Đã vào bệnh viện thì đừng bao giờ cãi bác sĩ.
Người ta đẩy 1 cái máy X quang đến gần giường của ba tôi, nhưng lại đè 1 cô chửa ngoài dạ con nằm giường kế bên ra để chụp. May tôi đứng đấy báo để họ chụp lại.
Xong đâu đấy khoa cấp cứu chỉ định chuyển ba tôi sang khoa Z. Ở các bệnh viện nước ngoài, chỉ cần đẩy cái giường mà bệnh nhân đang nằm đi. Nhưng ở Việt Nam thì không. Tôi phải đi kiếm 1 cái cáng để chuyển khoa cho ô cụ.
Không có 1 cái cáng nào rảnh cả. Trên tất cả các cáng đều đang có người nằm. Tôi phải nhờ đến ô bạn đang làm bác sĩ của bệnh viện này. Tìm mãi mới thấy 1 cái cáng, trên đó có 1 thanh niên khoẻ mạnh nằm hút thuốc phì phèo. Anh bạn bảo:
- Cho bác mượn cáng, lát nữa trả.
- Không được. Cháu phải đến từ sáng sớm đặt cọc 2 triệu mới có cáng để chốc nữa đưa ông cháu đi chụp phim.
- 2 triệu đây.
- Cháu không thèm vào 2 triệu của bác. Cháu cần cái cáng này.
Tôi hứa sẽ mang trả cáng và đưa hộ chiếu + 2 triệu làm tin, cậu thanh niên kia mới cho mượn cái cáng.
Đưa ô cụ sang khoa Z. 2 người đẩy cáng, 1 người giữ bình oxy, 1 người giữ bình dịch truyền, 1 người cầm ô che vì trời đang mưa. Thêm 1 Tề thiên Đại thánh là tôi nữa, cầm 1 đống hồ sơ giấy tờ. 5 người phục vụ 1 bệnh nhân. Mà bệnh nhân nào cũng thế, nhẹ thì 2, nặng thì 4-5 người đi theo, nên bệnh viện nào cũng đông, lộn xộn và bẩn như 1 cái chợ.
Sang khoa Z mọi chuyện lại bắt đầu từ đầu.
Bác sĩ trực đưa tôi 1 cái đơn:
- Anh ký vào đây.
- Cái gì thế bác sĩ?
- Cam kết chấp hành nội quy của bệnh viện.
- Cụ thể là gì?
- Là không đủ giường, phải nằm chung!
Tôi xem bảng trực của khoa. 80 giường, 154 bệnh nhân đang điều trị nội trú! Nằm chung là đúng.
Ba tôi là bác sĩ, đã 83 tuổi. Cụ bình thản bảo:
- Đưa ba về nhà. Chết thì thôi. Việc gì mà chết cũng phải chung giường! 
Tôi lại phải nhờ đến anh bạn lãnh đạo Bộ Y tế gọi điện thoại. Rồi cũng có 1 cái giường.
Lại 1 núi thủ tục.
Riêng tiền cọc phải nộp 3 cửa khác nhau. Viện phí 1 cửa. Tiền thuê phích đựng nước nóng, quần áo, chăn màn 1 cửa. 1 cửa nữa thu tiền gì tôi không nhớ, tiền thuốc hay tiền áo khoác cho người đi thăm nuôi bệnh nhân thì phải.
Không thể hiểu nổi sao phải cần đến 3 cửa và 6 nhân viên thu ngân. Máy đếm tiền không có. Hàng chục người chờ nộp tiền. Riêng thủ tục này mất gần 1 buổi.
Bác sĩ tại khoa Z lại chỉ định chụp phim, xét nghiệm cho ba tôi như đối với 1 bệnh nhân mới nhập viện. Oải quá. 1 ngày 3 lần chụp phim, xét nghiệm thì không có bệnh cũng chết rồi nên tôi xin hoãn đến hôm sau.
Ngày hôm sau, đúng mùng 2 Tết, lại 5 người đến từ sáng sớm thuê cáng đưa ba tôi cùng bình oxy, lọ truyền dịch, dây nhợ lủng củng, ô che mưa, chăn mền sang khoa Chẩn đoán hình ảnh. Trời thì mưa to và lạnh.
Sang đến khoa, chờ hơn 2 giờ đồng hồ thì được thông báo là kĩ thuật viên ăn tết chưa đi làm. Mồng 6 tết mới đến. Cứ về khoa Z nằm chờ. Đúng là đau đẻ chờ sáng trăng. Cấp cứu mà chờ ông kĩ thuật viên nghỉ hết tết mới chụp phim được?
Bệnh viện hàng đầu của Việt Nam ngay thủ đô mà còn vậy.
Ba tôi bực quá - "Đưa ba về nhà. Chữa kiểu này thà chết còn hơn". Tôi lặng lẽ chuyển ông cụ sang bệnh viện thứ 3. Rất ngại các bạn bác sĩ của tôi tự ái.
giám đốc bệnh viện, giáo sư, giám đốc bệnh viện là giáo sư, bộ trưởng y tế, nguyễn thị kim tiến
Phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức ngày mùng 4 Tết (tháng 2/2016). Ảnh: Đào Mỹ Linh
Tôi không trách gì các bác sĩ và nhân viên y tế cả. Họ đều rất giỏi chuyên môn và nhiệt tình cứu chữa cho ba tôi. Hơn nữa họ đều là bạn thân của tôi. Cũng không phải vấn đề tiền bạc. Vấn đề là cách tổ chức của bệnh viện Việt Nam quá tệ.
Tại các bệnh viện khác của Hà Nội tình trạng cũng hệt như vậy. Tôi đưa người nhà vào bệnh viện V để khám, có ông em là PGĐ của bệnh viện đi cùng giúp làm thủ tục. Tôi từ chối thanh toán BHYT, chấp nhận khám dịch vụ giá cao cho nhanh mà cũng mất 3 giờ đồng hồ mới làm xong thủ tục nhập viện.
Vì vậy tôi luôn nghĩ Bộ trưởng Y tế, giám đốc các sở y tế, giám đốc các bệnh viện phải là 1 nhà quản lý chuyên nghiệp chứ không phải 1 GS.TS chuyên về vắc xin hay tim mạch...
Theo bạn, giám đốc bệnh viện phải là người như thế nào: một nhà quản lý giỏi hay một giáo sư, tiến sĩ? Hãy chia sẻ tới banxahoi@vietnamnet.vn chuyện đi khám chữa bệnh của bạn hay người thân. Bài viết thú vị sẽ được đăng tải.
FB Minh Chiet
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/323460/giam-doc-benh-vien-can-gi-giao-su.html




1.


Thực hư GS đầu ngành mở bụng nhưng không cắt khối u

- Bệnh nhân cho biết đã được GS Hà Văn Quyết phẫu thuật khối u, nhưng 1,5 tháng sau khám lại vẫn thấy u còn nguyên (!?)
Bệnh nhân Trần Quốc Phú (51 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) cho biết ngày 26/5 vừa qua, ông tới bệnh viện Quốc tế Vinh để nội soi gây mê, được BS Phùng Thị Hằng kết luận có khối u tá tràng kích thước 2cm và khuyên ông ra bệnh viện ĐH Y Hà Nội để chẩn đoán lại.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, cắt khối u
Bệnh nhân Trần Quốc Phú cho rằng mình chưa được cắt khối u sau cuộc mổ
Ngày 30/5, kết quả nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, chụp cộng hưởng từ tại bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng cho kết quả như tại bệnh viện Quốc tế Vinh, được chỉ định GS Hà Văn Quyết trực tiếp mổ.
“Tuy nhiên sau đó GS Hà Văn Quyết lại bảo tôi sang bệnh viện đa khoa Bảo Sơn 2 để xử lý vì GS đang làm việc tại đây và tiếp tục được cho làm lại các xét nghiệm”, ông Phú nói.
Ngày 3/6, ông Phú nhập viện bệnh viện đa khoa Bảo Sơn 2 để mổ. Ca mổ diễn trong 4 tiếng. Theo ông Phú, ban đầu GS Quyết cam kết mổ nội soi nhưng lúc mổ lại nói với gia đình mổ banh để xử lý triệt để, vết mổ dài khoảng 12cm.
Đến ngày 13/6, bệnh nhân Phú xin ra viện vì chi phí nằm lại quá lớn. Tổng cả thăm khám tại 3 nơi và tiền phẫu thuật là 70 triệu đồng.
“Tôi về nhà điều trị theo đơn của bác sĩ nhưng càng ngày càng thấy đau rút từng cơn đúng như lúc chưa mổ. Gọi điện hỏi trực tiếp GS Quyết thì GS báo quay lại bệnh viện Bảo Sơn để khám lại”, lời ông Phú.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, cắt khối u
Giấy xác nhận phẫu thuật tại bệnh viện Bảo Sơn 2
Theo lịch hẹn, ngày 19/7, ông Phú ra bệnh viện Bảo Sơn 2 khám lại, tiến hành siêu âm ổ bụng, nội soi dạ dày, đại tràng, tá tràng. 
“Tại phòng riêng, GS Quyết thông báo tôi có một khối u mới phát sinh cách khối u cũ 1cm. Nhìn lại tôi vẫn thấy vị trí như nhau, thắc mắc sao GS mổ bụng mà không cắt nhưng GS giải thích không rõ ràng, tiếp tục cho đơn thuốc và khuyên nên quay lại để mổ sớm”, ông Phú thuật lại.
Ngày 20/7, ông Phú quay lại bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinh để kiểm tra lại. BS Phùng Thị Hằng kết luận khối u cũ vẫn còn nguyên và in cho bệnh nhân 1 đĩa CD để làm bằng chứng.
GS khẳng định đã mổ 
Trao đổi với VietNamNet, GS Hà Văn Quyết xác nhận đã nhận được phản ánh của bệnh nhân Trần Quốc Phú.
Tuy nhiên GS Quyết khẳng định, ông đã mở bụng và đã cắt khối u. Sau mổ đã làm giải phẫu bệnh lý khối u, kết quả đây là khối u hạch, có biên bản rõ ràng.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, cắt khối u
Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật cắt khối u
GS Quyết cho biết, khối u mới như bệnh nhân Phú phản ánh có thể là u hạch mới vì đặc tính u hạch rất dễ tái phát và u này phát triển rất nhanh. U này có thể mọc tại chỗ vừa cắt hoặc mọc chỗ khác.
“Giờ bệnh nhân bảo tôi mổ giả vờ nhưng tất cả cuộc mổ đều có biên bản và đặc biệt có giải phẫu bệnh lý chứng minh đã cắt khối u”, GS Quyết khẳng định. Ông cho biết, với u hạch trong vòng 1,5 tháng hoàn toàn có thể đạt kích thước 2cm, thậm chí còn to hơn. 
Về phần bệnh nhân Phú, sau khi có kết quả khám lại tại bệnh viện Quốc tế Vinh, ông đã được chuyển sang bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An rồi được chuyển tiếp ra Trung tâm ung bướu và hạt nhân, bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Hiện ông đã được làm nội soi và đang chờ kết quả sinh thiết.
“Tôi đã có kết quả nội soi tại Bạch Mai, kết quả cũng vẫn khối u ở vị trí ấy. Cả mấy bệnh viện đều khẳng định như thế thì tôi không thể không nghi ngờ về cuộc mổ của mình”, ông Phú bức xúc.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
T.Hạnh
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/321155/thuc-hu-gs-dau-nganh-mo-bung-nhung-khong-cat-khoi-u.html







GS hàng đầu đáp lại nghi án mở bụng mà không cắt u


GS Hà Văn Quyết đưa ra bằng chứng đã cắt bỏ khối u và phủ nhận chuyện lôi kéo bệnh nhân từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.


Trước đơn thư của bệnh nhân Trần Quốc Phú (51 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) gửi Bộ trưởng Y tế nhờ làm rõ sự việc bản thân mất 100 triệu đồng để mổ u tá tràng nhưng u vẫn còn nguyên, GS Hà Văn Quyết - người trực tiếp thực hiện ca mổ đã lên tiếng.
Chưa gọi điện cho gia đình xin thỏa thuận
GS Quyết cho biết, ca mổ được tiến hành ngày 13/6 tại BV Bảo Sơn 2. Trước khi mổ, ông đã trao đổi với gia đình sẽ mổ mở để bóc khối u dễ hơn.
“Sau mổ tôi đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để kiểm tra lại nhưng không thấy nguy cơ gì nữa nên quyết định không mở ruột kiểm tra vì làm thế bệnh nhân sẽ có nguy cơ chảy máu, rò dịch khỏi ổ bụng gây tử vong”, GS Quyết giải thích.
GS Hà Văn Quyết, mở bụng nhưng không cắt u, u trực tràng
Bệnh nhân Phú tại bệnh viện Bạch Mai
Theo GS Quyết, khối u được lấy ra có kích 1,8cm sau đó đã được đem đi giải phẫu, kết quả cho thấy đây là u hạch sắc-côm.
“U này thường ăn vào trong tuỵ nên khi bóc rất khó. Bóc rồi vẫn có thể tái phát tại chỗ hoặc mọc chỗ khác và phát triển nhanh, trong vòng 1-1,5 tháng có thể lên tới 1-2cm. Trong y văn thế giới đã gặp rất nhiều u này ở vùng tiêu hoá, thực quản, họng hầu hoặc đường đại tràng”, GS Quyết nói.
Về phản ánh của bệnh nhân cho rằng u cũ vẫn còn nguyên sau 1,5 tháng kiểm tra lại, GS Quyết giải thích “đến nay chưa chứng minh được ở vị trí cũ hay mới vì bệnh nhân vẫn chưa mổ lại”.
“Nếu chỉ dựa vào hình ảnh thì không thể khẳng định chắc chắn được, chỉ khi nào xác định được kích thước, chân khối u mới kết luận được”, GS Quyết nói.
GS giải thích, nhu động ruột luôn co bóp nên hình ảnh khi chụp có thể trùng nhau nếu ở gần nhau, chưa kể nếu người soi không có kinh nghiệm sẽ dễ nhìn nhầm.
“Hội chẩn của tất cả giáo sư đầu ngành ung bướu tại Bạch Mai cùng đều thống nhất u mới là u niêm mạc nằm thấp bên dưới. Tại đây các bác sĩ đã phải soi đi soi lại để xác định”, GS Quyết nói thêm.
Trước ghi âm của người nhà bệnh nhân cho rằng GS đã thừa nhận “Bác nhầm nhưng bác không cố ý. Bác vô ý nhầm, bác xin lỗi sự nhầm này vì cứ đinh ninh là xong rồi nhưng không ngờ nó lại ra cái u này”, GS Quyết cho rằng không phải nhầm cắt khối u mà là đánh giá nhầm.
“Tôi đã nghĩ mổ thành công rồi, giờ lại mọc thêm cái nữa thì sao lường được. Có thể nó nằm ở bên dưới nhưng mình không sờ thấy được. Mình không lường được khối u khác lại phát triển nhanh thế nên mình xin lỗi”, GS Quyết nói đồng thời khẳng định ông chưa hề gọi điện cho gia đình xin thoả thuận.
Chuyển sang viện tư là vô tình
GS Hà Văn Quyết, mở bụng nhưng không cắt u, u trực tràng
GS Hà Văn Quyết
Về thông tin bệnh nhân cho rằng, bị chuyển sang BV Bảo Sơn, GS Quyết đã bác bỏ.
Theo GS Quyết, 11h30 khi ông đang khám tại BV Bảo Sơn thì nhận được điện thoại của bệnh nhân Phú, bảo là bạn của em trai ông. Ông Phú nói bị u ruột, BV ĐH Y nói phải mổ và cho số GS để gọi nên muốn nhờ ông xem và mổ cho.
“Tôi nói tôi đang làm việc ngoài giờ ở BV Bảo Sơn. Nếu sang được sang luôn để khám. Vì cùng quê nên dù trưa tôi vẫn khám. Sang đây ông ấy mua phiếu khám bình thường chứ không hề biết đã được khám tại BV ĐH Y. 
Bên kia ai chỉ định tôi mổ tôi cũng không biết nên việc chuyển từ bên kia sang đây chỉ là vô tình”, GS Quyết khẳng định.
GS cho biết, hiện ông vẫn làm chính tại BV ĐH Y, còn bên Bảo Sơn chỉ làm ngoài giờ.
Sau khi làm các xét nghiệm để chẩn đoán, bệnh nhân đề nghị nằm lại để phẫu thuật.
“Tôi cũng nói cái này là bệnh viện tư nên sẽ phải trả nhiều chi phí không như bệnh viện công và ông ấy đồng ý”, lời GS Quyết.
Theo lời GS Quyết, sau sự việc, ông đã 2 lần đến hỏi thăm bệnh nhân Phú và đã được BV Bạch Mai mời cùng hội chẩn về trường hợp này.
GS Hà Văn Quyết, mở bụng nhưng không cắt u, u trực tràng
GS Quyết trưng kết quả giải phẫu khối u của bệnh nhân
“Kết quả hội chẩn cho thấy u ở dưới niêm mạc tá tràng không phải trong lòng tá tràng. Một số ý kiến bảo phải làm nội soi siêu âm, sinh thiết lại. Nếu u ác tính sẽ phải mổ cắt khối tạ tuỵ và có phương án triệt để cho bệnh nhân”, GS Quyết chia sẻ.
Mọi quyết định phẫu thuật sắp tới sẽ phụ thuộc vào BV Bạch Mai, ông chỉ tham gia với vai trò cố vấn.
Anh Trần Nguyên Chung, con trai bệnh nhân Trần Quốc Phú cho biết, theo đúng lịch hẹn, trưa 15/8 anh sang gặp GS Quyết tại BV Bảo Sơn nhưng không gặp được mà một người khác tiếp, nên anh đề nghị phía bệnh viện và GS Quyết có cuộc làm việc đầy đủ với bố anh.
Anh Chung cho rằng việc GS Quyết sang cùng hội chẩn với BV Bạch Mai “là có vấn đề” nên anh không tin tưởng và đưa bố về quê chữa bệnh.
Thuý Hạnh



Bệnh nhân 'phản pháo' GS hàng đầu mở bụng không cắt u


 - Trước câu trả lời của GS Hà Văn Quyết, bệnh nhân Trần Quốc Phú và người thân không đồng tình về cách giải thích của vị giáo sư đầu ngành.

Ngày 16/8 gia đình đã đưa ông Phú từ bệnh viện Bạch Mai trở về nhà ở TP Vinh, Nghệ An điều trị, vì không đồng ý cách điều trị, giải quyết vấn đề của GS Hà Văn Quyết.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, mở bụng nhưng không cắt u
Ông Trần Quốc Phú
Anh Trần Nguyên Chung (con trai bệnh nhân Phú) cho biết, từ khi bố anh về nhà, gia đình chưa gặp cũng như nói chuyện qua điện thoại để giải quyết việc mổ nhầm với GS Quyết.
Về những câu trả lời của GS Quyết, anh Chung và bệnh nhân Phú cho rằng: “Trả lời của BS không có tinh thần lương y nhận trách nhiệm về việc nhầm lẫn của bản thân”.
Theo anh Chung, trước đó, khi bố anh đang ở bệnh viện, GS Quyết đã thừa nhận: “Nhầm lẫn trong việc mổ và mong người nhà thông cảm”.
GS Quyết trả lời trên báo chí việc chuyển từ bệnh viện ĐH Y Hà Nội sang bệnh viện Bảo Sơn 2 một cách “vô tình” là không chính xác.
“Khi được BS Vượng của BV ĐH Y giới thiệu, chỉ định điều trị là GS.BS Hà Văn Quyết tại bệnh viện Bảo Sơn 2. Khi sang bệnh viện, tôi đã đưa tất cả kết quả xét nghiệm và bệnh án cho GS Quyết. Tuy nhiên, GS Quyết yêu cầu làm tất cả xét nghiệm lại từ đầu trước khi tiến hành mổ”, anh Chung nói.
Sức khỏe sụt giảm sau khi mổ
Sau khi được GS Quyết mổ trở về nhà, bệnh tình ông Phú không thuyên giảm mà lại càng nặng thêm. Bệnh nhân chán ăn, sút 10kg, mệt mỏi, ảnh hưởng tâm lý của cả gia đình.
Ông Phú cho biết: “Tôi thấy càng ngày càng đau rút như lúc chưa mổ. Lúc chưa mổ tôi nặng 62kg, sau khi mổ còn 52kg. Tổng chi phí hết một trăm triệu đồng mà vẫn đau quằn quại. Thực sự cảm thấy mệt mỏi hơn khi chưa mổ”.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, mở bụng nhưng không cắt u
Ông Phú cho biết, càng ngày càng đau rút như lúc chưa mổ
Sáng hôm qua, anh Chung đã nhận được điện thoại của đại diện bệnh viện Bảo Sơn 2 hứa sẽ về làm việc với gia đình và bệnh nhân Phú để giải quyết “tình cảm”.
Tuy nhiên, theo anh Chung, sự việc đến mức này thì yêu cầu cơ quan chức năng, Bộ Y tế vào cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm của từng người, từng cơ quan.
Yêu cầu Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm
Ông Phú nói: “Sự việc này do sự tắc trách của người trực tiếp mổ là GS Hà Văn Quyết. Ngoài ra, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, bệnh viện Bảo Sơn 2 cũng phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng các bên liên quan chưa nhận trách nhiệm và trực tiếp giải quyết với gia đình”.
GS Hà Văn Quyết, u trực tràng, mở bụng nhưng không cắt u
Gia đình bệnh nhân gửi tường trình đến Bộ Y tế và cơ quan chức năng
Bệnh nhân Phú cho hay, ông và người nhà đã gọi vào đường dây nóng của Bộ Y tế nhưng không được trả lời.
Sau đó, gia đình đã gửi đơn lên Bộ Y tế tường trình và tố cáo sự việc.
Bệnh nhân và gia đình chưa nhận được phản hồi.
Diễn biến vụ việc
Ngày 26/5, ông Phú đến khám tại BV Quốc tế Vinh (Nghệ An). Các bác sỹ kết luận phát hiện khối u tá tràng trong lòng ruột kích thước 2cm. Ông Phú được giới thiệu ra BV ĐH Y Hà Nội điều trị.
Ngày 31/5, kết quả nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, chụp cộng hưởng từ tại BV ĐH Y Hà Nội cũng cho kết quả như tại BV Quốc tế Vinh. Bệnh nhân được chỉ định GS Hà Văn Quyết trực tiếp mổ.
Ngày 3/6, ông Phú được giới thiệu qua BV Đa khoa Bảo Sơn 2 để mổ. Ca mổ diễn ra trong 4 tiếng. Theo ông Phú, ban đầu GS Quyết cam kết mổ nội soi nhưng lúc mổ lại nói với gia đình mổ banh để xử lý triệt để, vết mổ dài khoảng 12cm.
Ngày 13/6, bệnh nhân xin ra viện vì chi phí nằm lại quá lớn. Tổng thăm khám tại 3 nơi và phẫu thuật là 70 triệu đồng. Bệnh nhân về nhà vẫn cảm thấy đau rút như lúc chưa mổ.
Ngày 19/7, ông Phú ra BV Đa khoa Bảo Sơn 2 khám lại. GS Quyết khám và thông báo bệnh nhân có một khối u mới phát sinh cách khối u cũ 1cm.
Ngày 20/7, ông Phú quay lại BV Quốc tế Vinh để kiểm tra lại và cho rằng các bác sĩ tại đây kết luận khối u, vị trí, kích thước vẫn như cũ.
Văn Bình - Quốc Huy
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/321741/benh-nhan-phan-phao-gs-hang-dau-mo-bung-khong-cat-u.html

1 nhận xét:

  1. 2.

    Giám đốc bệnh viện cần gì giáo sư?
    29/08/2016 06:00 GMT+7
    - Vấn đề số 1 của y tế Việt Nam không phải là cơ sở vật chất hay trình độ chuyên môn, thái độ của nhân viên y tế mà chính là cách tổ chức.
    LTS: Tại một hội nghị ngày 18/8 ở Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, xu hướng bổ nhiệm giám đốc bệnh viện sẽ không cần chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị. Bà cũng cho rằng, người làm quản lý không cần phải là giáo sư, tiến sĩ mà phải là người quản lý giỏi. Mời bạn đọc theo dõi câu chuyện nhọc nhằn khi vào bệnh viện dưới đây.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.