Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

08/06/2016

Vai trò của dịch thuật trong sự hình thành văn xuôi tiếng Việt (bài Lại Nguyên Ân)


Lấy nguyên về từ trang Lại Nguyên Ân.

---




Những ai lưu tâm đến việc khảo cứu về văn hóa Việt Nam trung đại có thể nhận thấy một trong những mối bận tâm, gắn với văn học và ngữ học, chính là việc đi tìm những chứng tích, những tác phẩm văn xuôi chữ Nôm trong các thế kỷ từ XIX về trước.
Là vì suốt nhiều năm dài, từ đầu thế kỷ này đến gần đây, trong khi hệ thống hóa các nguồn di sản văn học dân tộc, người ta hầu như phải dằn lòng mà nhận định rằng: suốt thời kỳ văn học tiếng Việt phát triển trong loại hình văn tự thứ nhất của nó là chữ Nôm, hầu như chỉ có những tác phẩm thơ hoặc văn vần. (1)

Đến những năm 1990 này, sự nhận định "cực chẳng đã" nói trên đã có thể bị gác lại. Đã có thể khẳng định: thời kỳ phát triển văn Nôm từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX chẳng những có các tác phẩm thơ và văn vần mà còn có không ít tác phẩm văn xuôi chữ Nôm.

Sự khẳng định mới nêu trên là dựa vào kết quả tìm kiếm kiên trì trong nhiều năm của nhiều nhà nghiên cứu ở hai trung tâm Sài Gòn và Hà Nội.

Các nhà nghiên cứu Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Võ Long Tê dựa vào nguồn thư tịch công giáo đã phát hiện một mảng thư tịch Nôm của đạo Thiên Chúa hồi thế kỷ XVII mà một trong những tác giả văn xuôi Nôm nổi bật là Girolarmo Majorica (1591-1656): bộ Truyện các thánh ông soạn tại Kẻ Rum (Nghệ An) gồm gần 500 truyện, bản thảo còn lại tới 4200 trang tức là khoảng 1,2 triệu chữ Nôm, là một tư liệu quý về nhiều mặt, trước hết là cho văn học và ngữ học.

Những năm 1980-90, các nhà nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội cũng chú trọng nhiều hơn đến khu vực văn bản tôn giáo, và đã tìm thấy thêm một số tác phẩm chữ Nôm trong các thư tịch Phật giáo, trong số này có những tác phẩm viết bằng văn xuôi.
Nếu tính theo những thông báo tương đối vắn tắt về các kết quả phát hiện, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX nay đã biết có những tác phẩm văn xuôi chữ Nôm sau đây:

1/ Phật thuyết đại báo ân trọng kinh, dự đoán xuất hiện thế kỷ XV tuy hiện chỉ có bản in khắc thế kỷ XVIII, là bản dịch (không rõ tên dịch giả) một bản kinh Phật chữ Hán từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam.
2/ Chỉ truyền Thám Do cộng Nhân Lộc Thuần Tín đẳng… là một bức thư của chúa Trịnh Kiểm (ở ngôi: 1545-69).
3/ Cổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục, dự đoán xuất hiện trước thời Lê Trịnh (1533) tuy chỉ còn bộ ván khắc năm 1752; là bản dịch Nôm khắc in kèm theo từng câu của bản chữ Hán.
4/ Phật thuyết chính giáo huyết bồn kinh, một bản dịch kinh Phật, dự đoán xuất hiện thế kỷ XVI.
5/ Truyện các Thánh, G.Majorica soạn, khoảng 1650; là tác phẩm biên soạn kể chuyện.
6/ Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (hiện còn bản in khắc 1763), là bản dịch tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Dữ; dịch giả có thể là Nguyễn Thế Nghi (thế kỷ XVII) (theo phán đoán của Trần Văn giáp).
7/ Một bức thư của Lê Bá Ly (thế kỷ XVIII) chiêu dụ các tướng nhà Mạc.
8/ Việt Nam khai quốc chí diễn âm (thế kỷ XIX ?) không rõ soạn giả.
9/ Công dư tiệp ký diễn âm (thế kỷ XIX), bản dịch của Vũ Xuân Tiên, dịch tác phẩmCông dư tiệp ký chữ Hán của Vũ Phương Đề (thế kỷ XVIII).

Danh mục trên đây đủ cho thấy có một mảng văn xuôi chữ Nôm khá phong phú, và một điều đáng chú ý nữa là trong số này, chỉ trừ 2 bức thư (số thứ tự 2 và 8), còn lại đều là những dịch phẩm hoặc tác phẩm phóng tác. Nhìn vào đây đã thấy hoạt động dịch thuật có vai trò đáng kể đối với sự xuất hiện của văn xuôi chữ Nôm − dạng thức thứ nhất của văn xuôi thành văn tiếng Việt.

***

Xin dừng lại lâu hơn ở một vài tác phẩm dẫn trên. Cũng cần phải nhắc lại rằng có được những văn bản này là nhờ công sức của các nhà nghiên cứu chuyên tâm.

Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh là tác phẩm mới được phát hiện.(2)Đây là một dịch phẩm văn xuôi Nôm xưa nhất mà nay còn lưu giữ được. Kết quả khảo sát văn bản của nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ (1996) cho thấy bản in khắc này được thực hiện trước năm 1730, nhưng bản dịch có thể đã được hoàn thành từ thời Lê sơ (trước 1533 tức là trước thời Lê Trịnh). Tác phẩm là một bản kinh Phật. Nội dung là thuyết giảng về công ơn cha mẹ, răn bảo phải làm lễ cúng dàng trong dịp Vu Lan (rằm tháng bảy) và thường xuyên tụng niệm kinh này. Điều chúng ta quan tâm là diện mạo của văn xuôi tiếng Việt thế kỷ XVI. Và đây là văn xuôi dịch thuật nên sức chi phối của câu văn xuôi ở nguyên tác chữ Hán hẳn là lớn. Nhưng bản kinh được dịch để cho tín đồ người Việt niệm đọc nên cũng phải là câu văn tiếng Việt, lọt được lỗ tai người Việt đương thời.

Xin trích đọc một đoạn (trích Phụ lục  luận án PTS của Hoàng Thị Ngọ):

(…) An Nan một no mảng chưng Bụt ở thửa Vương Sá thành, nước Đồ Vệ, vườn Cấp Cô Độc. Trưởng giả cội xưa đà Thái Tử cùng những Tì Khưu cả hai muôn tám ngàn người cùng Bụt, bằng hết những chúng Bồ Tát cùng Bồ Tát cả, no ấy Bụt hầu đem đại chúng đi chính Nam, thấy một đống xương khô, Bụt mới lậy năm thể đến đất, tạ lễ xương khô ấy. A Nan thưa Bụt mà rằng:
− Bụt là Xá Lỵ cả trong tam giới, cùng làm cha từ hết tư đấng chúng sinh. Người thửa về lòng kính, dường nào thời tạ lễ xương khô ấy vậy?
Bụt bảo A Nan rằng:
− Mày tuy là đệ tử cả tao, đi tu hành tuy rằng đã lâu ngày, hay sự mộ chưa rộng. Một đống xương khô này, ngõ ấy là cả đời xưa ta, ngõ ấy áng nạ ba đời ta, tao vậy nên kính lễ. (…).

Thiên Chúa thánh giáo khải mông là một phóng tác bằng chữ Nôm của G. Majorica, theo cuốn sách chữ Latin của Roberto Bellarmino (1542-1621). Bản Nôm này, hiện lưu tại Thư viện quốc gia Paris, được soạn trong khoảng 1623-31, tức là thời gian Majorica từ Áo Môn vào truyền giáo ở Việt Nam, ban đầu ở Đàng Trong rồi sau đó ra Đàng Ngoài.

Khoảng 1981, nhà nghiên cứu Võ Long Tê đã phiên âm ra chữ quốc ngữ và chú giải tác phẩm này. Đây cũng là một văn bản quan trọng đối với việc tìm hiểu diện mạo văn xuôi tiếng Việt (chữ Nôm) đầu thế kỷ XVII.

Xin đọc một đoạn do ông Võ Long Tê phiên âm.(3)

Vấn: Tôi xin giảng truyền nào về phép dấu cực trọng ấy.
Đáp: Ông thánh Ghê-ri-cô-ri-ô Pha-pha truyền rằng xưa trong một thành ở nước I-ta-li-a có một Vít-vồ tên là An-ri có tiếng nhân đức lắm. Trong nhà thầy cũng có một người nữ, giữ nết đã lâu. Quỷ thấy làm vậy thì làm hết sức cho thầy yêu con ấy quá lẽ, liền làm hình tượng mặt mũi nó in vào áo thầy, cho nên năng tưởng cùng nhớ đến nó. Khi ấy có một người Giu-dêu bởi nước khác đã hầu đến thành Rô-ma, phải khi mặt trời lặn mà không có nhà đậu được thì phải vào một cái bếp đã nát ở giữa đàng. Mà thấy nơi vắng vẻ thì sợ, liền nhớ khi bổn đạo phải sự gì khó làm dấu cu-rút trên mình, dấu mà nó chẳng tin sự ấy thì cũng làm dấu vậy. Song le bởi sợ thâu đêm những thức, ngủ chẳng được nữa. Đêm thấy nhiều quỷ vào bếp, lại thấy thầy nọ ngồi một lều cao.
Quỷ cả ấy liền hỏi các quỷ mọn những sự dữ nó làm ở khắp thiên hạ. Có kẻ thưa việc dữ nọ, có kẻ thưa việc dữ kia. Bỗng chốc quỷ kia liền rằng: "Tôi giục lòng An-ri Vít-vồ năng tư tưởng cùng yêu một người nữ ở trong nhà". Quỷ cả nghe điều ấy thì mừng lắm cùng khen việc ấy. Quỷ ấy lại thưa rằng: "Hôm nay tôi lại xui lòng thầy ấy cho nên lấy tay mò dớ đến "ấy" con ấy". Quỷ cả liền rằng: "Mầy hay làm việc, hãy làm nữa cho đến sau thì mầy được tiếng trọng trong các bạn". Thằng Giu-dêu thấy và nghe những sự làm vậy thì run sợ cả và mình. Quỷ cả thấy nó liền rằng: "Các quân ta hãy đi xem thằng ấy cả lòng vào đây". Mà quỷ xem đi xem lại liền kêu rằng: "Khốn ta! Thằng này như trống không, mà có dấu bề ngoài". Nói đoạn các quỷ ấy liền biến đi hết. Thằng Giu-dêu liền ra khỏi bếp mà đi mau chân lắm, tìm Vit-vồ An-ri, hỏi ngài có phải chước ma quỷ gì chăng. Ngài chẳng dám xưng ra sự gì cùng nó, chối rằng: "Chẳng có", thì thằng ấy liền rằng: "Ban hôm qua thầy chẳng dờ đến "mai" con kia ru". Vit-vồ thấy làm vậy liền chẳng cho con ấy ở nhà mình nữa. Thằng Giu-dêu thấy phép cu rút liền tin mà chịu phép rửa tội.
Khi ma quỷ giục lòng sự gì trái lẽ thì nó hay làm dấu cu rút trên mình mà rằng: "Khi tôi chưa có đạo thì khỏi quỷ, phương chi đã có tên thánh cùng garasa trong linh hồn, phép rửa Đức Giê-su thì càng cậy hơn nữa".


Giới nghiên cứu trong Kitô giáo ghi nhận rằng G. Majorica là một trong những tác giả văn Nôm xuất sắc, trứ tác trên 20 tác phẩm, trong số đó đồ sộ nhất làTruyện các Thánh. Ông rất thạo tiếng Việt, từng ra Thăng Long tham dự cuộc tranh biện giữa 4 tôn giáo (Nho, Phật, Đạo, Thiên Chúa). (4) Thiên chúa thánh giáo khải mông có thể là tác phẩm bằng tiếng Việt đầu tiên của ông. Ở đây, ông không dịch mà phóng tác, tức là chủ động dùng tiếng Việt để diễn đạt lại nội dung của nguyên tác tiếng Latin. Vốn tiếng Việt ở giới giáo sĩ nói chung thường có được trong sự xúc tiếp với thường dân nhiều hơn là với quan lại, nho sĩ, vì vậy thành phần từ vựng Hán - Việt ít hơn, cách diễn đạt cũng gần với ngôn ngữ nói hàng ngày nhiều hơn. Cố nhiên, bên cạnh các linh mục người Âu Tây như Majorica luôn có các thầy giảng người Việt giúp việc. Sự diễn đạt bằng tiếng của người bản ngữ ở những văn bản như trường hợp này, hẳn có sự cộng tác đáng kể của những người Việt vô danh kia.

Phần dịch Nôm Truyền kỳ mạn lục trong văn bản Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú được giới nghiên cứu biết đến từ khá lâu. Có lẽ vì tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Dữ vốn đã được đánh giá rất cao, nên người ta ít để ý đến bản dịch chữ Nôm, có thể là của Nguyễn Thế Nghi. Chỉ đến gần đây, bản dịch xưa này mới trở thành đối tượng nghiên cứu.

Xin đọc một đoạn trong Truyện người con gái Nam Xương do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hồng phiên âm.

(…) Thời ấy cùng một làng với nàng họ Vũ có người Phan Lang ấy. Ngày trước làm độ trưởng sông Hoàng Giang. Đêm hằng chiêm bao thấy con gái mặc áo lục thương kêu xin mạng. Đến sáng ngày, có gã hàng chài lấy cái rùa vỏ lục ruổi đem dâng. Ngươi Phan ngờ trong chiêm bao thửa cảm, bèn buông sống đấy.

Rốt năm Khai Đại nhà Hồ, có ngụy là Trần Thiên Bình về nước, phạm cửa ải Chi Lăng. Ngươi Phan cùng người làng vượt bể lánh đấy. Phải cơn táp thửa đánh, cùng thời đắm thác. Thây chìm bên núi giữa bể đến chốn quy động. Bà Linh Phi thấy đấy, rằng "ấy chủ nhân trợ sống ta vậy". Khiến xoa lấy giống hồng lăng noãn phiến, rảy lấy phương hỏa lục thần đan. Phút giây lại sống. Thấy cung gấm cửa ngọc. Nhưng cốc tinh thần, hoảng con mắt, mê chẳng biết mình trong đời đà ở cung thuỷ tinh vậy.

(…) Bèn đặt yến ở gác Triêu Dương. Nàng cơ tần đều ở đấy, duỗi quần nhẹ mà rủi buông tóc dài, chẳng biết thửa số nào. Trong có một người ít giồi son phấn đỏ, rất giống nàng họ Vũ. Ngươi Phan đòi thời xem trộm mà chẳng dám nhận vậy.

Yến rồi, thửa người ấy bảo ngươi Phan rằng: "Thiếp với ngươi vốn cùng làng cùng ngõ. Mới vậy cách mặt, lấy làm người đường xá cùng xem nhau, lặng vậy chẳng có tình". Ngươi Phan vả cốc biết, nhẽ thực nàng họ Vũ. Nhân gặng hỏi nguồn cơn lại. Nàng họ Vũ rằng: "Thiếp ngày trước chẳng may nhục phải vu cho lời nặng, bèn gieo mình xuống sông nước. Chúng tiên dưới thủy tào thương thiếp chẳng có tội, rẽ mở đường nước, nhân được chẳng thác. Chẳng vậy thời đà táng vào chưng bụng cái ngoan cái đà, sao được cùng ngươi gặp gỡ vậy ru?"

(…) Sáng ngày bà Linh Phi lấy vóc hương là tía gói mươi hạt minh châu, khiến quan sứ Xích Hỗn đưa ngươi Phan khỏi nước. Nàng họ Vũ bèn nâng cúc vàng làm của gửi, vả rằng: "Vì ta nói cùng chàng họ Trương, bằng ít có lòng cũ, khá đến bến sông đặt đàn giải oan thanh tiêu, đốt đèn chiếu thuỷ thần đăng, thiếp hợp nghĩ đến vậy".
Ngươi Phan đã về, đến nhà ngươi Trương nói ý ấy. Ngươi Trương khi trước chẳng tin. Đến khi thấy lấy cúc vàng ra, hãi rằng: "Ấy hẳn vợ Trương thuở đi vậy". Ngươi Trương nghe bằng lời, đặt đàn tiêu ở bến nước Hoàng Giang, chưng ba đêm ngày.
Nàng họ Vũ ắt cưỡi xe vóc, dừng đứng trong sóng. Theo đấy ấy cỗ xe khả nên năm mươi dư lượng. Cờ mây phấp phới soi sáng bãi sông, thoát thấy thoắt lặn. Người Trương Sinh kíp gọi, nhưng chưng trong nước xa bảo rằng: "Thiếp cảm chưng đức bà Linh Phi, nghiệp đà lấy thác hẹn đấy. Nhiều tạ lương nhân, chẳng hay lại ở trên nhân gian vậy". Chỉn thoắt mà đi.





Đọc đoạn trích trên, người đọc ở cuối thế kỷ XX này hẳn có những chỗ khó hiểu, vì những từ ngữ đã trở nên cổ xưa, nay không dùng nữa, ví dụ: cốc = tỉnh ra;đòi thời = lắm lúc; nhẽ thực = đúng là; chẳng hay = không thể; cơn táp - cơn gió mạnh; trợ sống = cứu sống; nhiều tạ = đa tạ (cảm ơn nhiều); hoặc vì những cách diễn đạt kiểu xưa dường như "tối nghĩa" đối với người thời nay như: chẳng biết thửa số nào (không rõ có bao nhiêu người); lấy làm người đường xá cùng xem nhau (coi nhau xa lạ như người qua đường); hợp nghĩ đến vậy (sẽ tự khắc đến vậy); khi trước chẳng tin (mới đầu không tin); nghe bằng lời (nghe theo và làm như lời dặn); khả nên năm mươi dư lượng (kể có đến hơn năm mươi chiếc); lấy thác hẹn đấy (hẹn đến trọn đời); chẳng hay lại ở trên nhân gian vậy (không thể nào lại trở về sống trên cõi trần được nữa)…(5)   
Tuy vậy người đọc ngày nay vẫn có thể hiểu được phần lớn lời kể. Câu văn ở đây khá sáng rõ, khá giàu năng lực biểu hiện.

***

Như vậy, ngay trong giai đoạn đầu của sự xuất hiện văn xuôi tiếng Việt − giai đoạn viết bằng chữ Nôm − hoạt động dịch thuật đã giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này không có gì là bất thường, càng không có gì đáng để chúng ta mặc cảm. Nếu như "ý niệm về kẻ khác" hình thành trong ý thức một dân tộc được xem như dấu hiệu tốt lành cho sự phát triển, cho khả năng giao lưu, hội nhập, thì có thể nói, dịch thuật chính là một minh chứng.

Chữ Nôm được đề xuất và sử dụng trong điều kiện thiếu sự thừa nhận và tham gia của hầu hết các nhà nước quân chủ ở Việt Nam, cho đến thế kỷ XIX (trừ một vài ngoại lệ ít tác dụng). Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các tác phẩm văn xuôi Nôm mới tìm thấy đều là những tác phẩm từng phát triển trong đời sống của các tôn giáo từ bên ngoài truyền vào Việt Nam. Kinh sách của Phật giáo, của Thiên Chúa giáo đều nhằm vào công chúng tín đồ đông đảo vốn ít học. Vì vậy những soạn giả của các tôn giáo đã tận dụng ngôn ngữ bản địa, tiếng nói của người bản ngữ, dù ghi lại nó bằng chữ Nôm hay chữ "quốc ngữ" Latin. Chính các tác phẩm văn xuôi chữ Nôm đã cho thấy bước đường phát triển của nó, từ chỗ được dùng để dịch thuật các kinh sách phục vụ hoạt động tôn giáo, đến chỗ thành phương tiện để chuyển tải sang tiếng Việt các tác phẩm văn học. Tiếng Việt (dưới dạng chữ Nôm) trong cấu trúc văn xuôi tương ứng với lời nói hàng ngày ở mức nhiều hơn so với trong cấu trúc thơ và văn vần. Thế nhưng, để phổ cập cho một công chúng vốn dễ tiếp nhận theo kiểu "nghe-thuộc" hơn là kiểu "đọc-nhớ" thì cấu trúc ngôn ngữ thơ và văn vần lại thuận lợi hơn cấu trúc ngôn ngữ văn xuôi. Có lẽ vì thế mà thơ Nôm, văn vần chữ Nôm đã được sử dụng ở mức nhiều hơn văn xuôi Nôm. Và truyện Nôm lục bát đã phổ biến đến độ tràn ngập ở các thế kỷ XVIII-XIX là thuận theo xu thế đó. Sự phát triển thiên lệch này không khỏi dẫn đến sự mất cân đối rõ ràng ở văn học chữ Nôm. Nếu tất cả các loại hình câu thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, thậm chí ở các loại câu văn có nhịp điệu của thể phú bằng tiếng Việt đều đã đạt đến trình độ cổ điển ngay ở giai đoạn chữ Nôm, thì câu văn xuôi tiếng Việt chưa thể tới trình độ ấy nếu ta xét nó thông qua những văn bản văn xuôi Nôm mới được phát hiện kể trên.

Nhưng qua những văn bản văn xuôi Nôm mới được phát hiện này, diện mạo câu văn tiếng Việt vẫn thấy rõ. Những nét cổ xưa ở văn xuôi này vẫn còn thấy được lưu giữa đâu đó trong các phương ngữ tiếng Việt, và vẫn có một mức tương đồng đáng kể với văn xuôi viết bằng chữ "quốc ngữ" thời đầu − thời đầu theo ý nghĩa không chỉ của Phép giảng tám ngày (1651) của Alexandre de Rhodes hay các tác phẩm của Phêlipphê Bỉnh viết năm 1822 ở Lisbone mà còn theo ý nghĩa của văn học và báo chí quốc ngữ thời đầu ở Nam Kỳ, kể từ 1865 đến mươi năm đầu thế kỷ XX. Sự diễn biến của câu văn xuôi quả có chậm hơn rõ rệt so với câu thơ và văn vần, là vì câu văn xuôi mang trên mình nó những nhiệm vụ phồn tạp và nặng nề hơn hẳn. Bước đi của nó, trên thực tế, là bước đi của sự giao tiếp và của tư duy người Việt. Chính ở đây, dịch thuật tỏ rõ vai trò của nó. Là vì các khả năng giao tiếp và tư duy của một cộng đồng dân tộc, dù giữ lấy tất cả tính đặc thù của mình, vẫn không thể hoàn toàn khác biệt so với cộng đồng nhân loại. Thử ướm vào những hình mẫu giao tiếp và tư duy của những cộng đồng phát triển sớm hơn, thử noi theo những mẫu mực của các ngôn ngữ phát triển sớm hơn, (đây là điều thực chất mà hoạt động dịch thuật đảm nhận) − không chỉ là một trong những con đường phát triển ngôn ngữ dân tộc mà còn là một trong những  con đường phát triển và làm giàu văn hóa dân tộc.
Tháng 6/1996

(1)  Thật ra cũng đã có nhà nghiên cứu tìm thấy vài chứng tích của văn xuôi chữ Nôm, ví dụ Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm) trên tạp chí Tri tân, Hà Nội, 1942, số 73 (ngày 18-11) có bài: Nhân một bản dịch Truyền kỳ mạn lục  từ năm Lê Cảnh Hưng thứ 24 (1763): Mới 179 năm nay, văn xuôi của ta đã đổi khác nhiều. Hoa Bằng đánh dấu thời điểm xuất hiện văn xuôi chữ Nôm là năm 1763 với bản Tăng bổ giải âm tập chú "Truyền kỳ mạn lục", tức là bản dịch Nôm, in khắc 1763; tính đến năm 1942 là 179 năm.

(2)  Sách được giữ trong tủ sách riêng của G.S. Demieville (1894-1979) ở Paris. Hồi những năm 1922-24, ông là nghiên cứu viên của BEFEO (Thư viện Trường Viễn đông bác cổ) tại Hà Nội, đã mua được cuốn này và mang về Pháp. Khi ông mất, tủ sách của ông được tặng cho Hội Á Châu học; văn bản chính cuốn sách vẫn lưu tại đó. Năm 1979, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp (mất năm 1996) sao chụp đem về nước tặng Viện Hán Nôm (Việt Nam) bản chụp sách này. Mới đây, năm 1996, tác phẩm này được nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ (Viện Hán Nôm) khảo cứu về mặt văn tự (chữ Nôm và tiếng Việt) trong một chuyên khảo riêng, đó là bản luận án PTS khoa học ngữ văn của bà.
(3) Tư liệu và đoạn trích được dẫn theo tập tài liệu tham khảo của Trường Đại học Tổng hợp thành phố HCM.: Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII - XIX). Tp. HCM., 1992.
(4) Việc G. Majorica ra Thăng Long tranh luận về tôn giáo với sự chủ trì của chúa Trịnh được Phêliphê Bỉnh (1759-1832) ghi trong cuốn sách chữ quốc ngữ của ông (soạn năm 1822 tại Lisbon, Bồ Đào Nha)Chuyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong. Cũng theo Phêliphê Bỉnh, sau cuộc tranh biện này, một hòa thượng trụ trì chùa Thành Phao đã cải đạo, được Majorica rửa tội và đặt tên Thánh là Phanchicô. Ông này vốn là quan văn trước khi đi tu theo Phật; từ khi cải đạo theo Thiên Chúa ông đã giúp Majorica soạn kinh sách. Chuyển dẫn theo: Lê Đình Bảng: Trở lại chuyện tác giả của kinh nguyện giỗ "Phục dĩ chí tôn". Tuần báo "Công giáo và dân tộc", Tp. HCM., ngày 5-11-1995). Có thể nghĩ rằng "Phan-chi-cô Thành Phao" là một đồng tác giả với Majorica ở Truyện các Thánh.
(5) Trích đoạn phiên âm và các chú thích này là căn cứ vào Nguyễn Quang Hồng: tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1/1996.

http://lainguyenan.free.fr/DLNX/VaiTro.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.