Những tâm sự như thế này sẽ tiếp tục xuất hiện.
PTS nguyên tiếng Nga là "Kandidat Nauk". Về chuyện này, trước đã có tâm sự của PTS Hiệu Minh, ở đây.
PTS nguyên tiếng Nga là "Kandidat Nauk". Về chuyện này, trước đã có tâm sự của PTS Hiệu Minh, ở đây.
Bài dưới là tâm sự của PTS Lê Vinh Quốc.
Sau này, PTS (Phó Tiến sĩ) đã được Việt Nam tự động đổi thành TS (Tiến sĩ).
Toàn văn lấy về từ trang Nguyễn Đăng Hưng.
---
Thursday, March 17th, 2016
PHÍA SAU MỘT LUẬN ÁN VỀ PUSKIN
Lê Vinh Quốc
Mùa thu năm 1985, đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) TP Hồ Chí Minh, tôi ở Khoa Lịch sử và Phó Tiến sĩ (PTS) Nghiêm Thoại Hoa ở Khoa Sinh vật được Bộ Giáo dục cử sang Liên Xô làm thực tập sinh tại Trường ĐHSP Leningrad mang tên Ghertsen (là đơn vị “kết nghĩa” với trường chúng tôi).
1. Lần đầu tiên được đi du học tại đất nước quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở đầu thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, tôi vô cùng phấn khởi. Nhưng khi ấy nước ta theo cơ chế quan liêu-bao cấp, lại còn bị Mỹ cấm vận và Tàu phong tỏa, nên đời sống nhân dân hết sức khó khăn thiếu thốn. Vì thế, những ai được cử đi du học nước ngoài đều coi đó là dịp để cải thiện đời sống (thậm chí “đổi đời”) bằng các hình thức buôn bán không chính thức (tức buôn lậu). Tôi vốn là một kẻ chỉ biết say mê công tác chuyên môn, nhưng vì vợ con đang đói khổ nên cũng ráng học đòi chút ít cái nghề không chính thức kia để “kiếm chút cháo”- như cách nói đương thời. Theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối truyền cho, chị Hoa và tôi mỗi người đều mang theo vài cặp quần jeans, một số nón jeans, dăm chiếc đồng hồ điện tử đeo tay… (Các loại hàng hóa tư bản này không hiểu được nhập khẩu bằng con đường nào mà bày bán rất nhiều với giá khá “mềm” ở chợ Bến Thành).
Sau chuyến bay kéo dài từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau trên chiếc TU-134 của hãng Hàng không Xô Viết Aeroflot từ sân bay Tân Sơn Nhất (quá cảnh tại Calcuta-Ấn Độ), chúng tôi hạ cánh xuống phi trường Sheremetievo của thủ đô Moskva vào một ngày đầu tháng 9. Sân bay này rất lớn và hiện đại, xứng tầm với một siêu cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân và du hành vũ trụ. Tuy nhiên, phòng vệ sinh của nó không có các cuộn giấy tự hoại theo tiêu chuẩn quốc tế, mà lại sử dụng loại giấy trắng thông thường được cắt thành từng tờ rời hình vuông, chùi xong cho vào một cái thùng sắt để nhân viên vệ sinh mang đi đốt. Làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay rất nhanh, thật may là các thứ hàng chúng tôi mang theo không hề bị Hải quan Liên Xô xét hỏi.
Với sự giúp đỡ của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Moskva, chúng tôi được tạm trú tại đây mấy ngày để chờ làm các thủ tục cần thiết cho việc du học. Nhờ đó, chúng tôi đã biết ngay những thứ cần mua ở Liên Xô mang về Việt Nam để “đổi đời”: mâm nhôm, chậu nhôm, nồi áp suất, bàn là, tủ lạnh “Saratov” và vài thứ khác chồng chất trong phòng ở của các nhà ngoại giao Việt Nam. Nơi đây còn có một nhân vật nổi tiếng về tài nghệ sưu tầm các thứ này: anh Chương “Mâm”.
Trong thời gian chờ đợi rảnh rỗi, chúng tôi quyết định đi tham quan thủ đô Liên Xô. Cô em dâu tôi đang theo học nghiên cứu sinh (NCS) để viết luận án PTS ( học vị tiếng Nga gọi là “Kandidat Nauk”) về văn học dân gian (thuật ngữ chuyên môn là “folklor”) tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (viết tắt là MGU) trở thành người hướng dẫn du lịch cho chúng tôi. Dĩ nhiên nơi đầu tiên được tham quan chính là trường đại học danh tiếng lẫy lừng này với tòa nhà chính cao 32 tầng trên đồi Lênin hùng vĩ. Tiếp đó, hệ thống tàu điện ngầm (metro) tráng lệ nhất thế giới đưa chúng tôi đến Quảng Trường Đỏ bên tường thành Điện Kremli thiêng liêng, để kính viếng thi hài vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế đã an nghỉ được hơn 61 năm trong lăng mộ hoành tráng nhất thế giới: Lăng Lênin. Quảng trường với tượng đài đại thi hào Nga Alexandre Sergeyevich Puskin, Nhà Lưu niệm đại văn hào Nga Lev Tolstoi và Viện Bảo tàng đặc sắc về trận đánh Borodino giữa quân Nga (do Kutuzov chỉ huy) với quân Pháp (của Napoleon Bonaparte) hồi đầu thế kỷ XIX cũng gợi lên rất nhiều cảm xúc.
Nhưng ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Moskva lớn nhất toàn liên bang (viết tắt là GUM). Trong tòa nhà đồ sộ với kiểu kiến trúc đầu thế kỷ, các mặt hàng bày bán hầu hết do Liên Xô sản xuất. Nếu so với những gì thường thấy ở chợ Bến Thành hay Thương xá Tax bên mình, thì hàng hóa ở đây không thể sánh được về kiểu dáng, mẫu mã, sự phong phú về chủng loại và cả chất lượng sản phẩm. Ngay cả những thứ đang chất đầy trong Đại Sứ Quán Việt Nam cũng không có đủ mặt. Sản phẩm có giá trị nhất ở đây là loại xe mô tô nhãn hiệu “Minsk” đã trở nên quen thuộc với dân “cửu vạn” ở vùng biên giới phía Bắc nước ta. Một đám đông vây quanh chiếc máy cát-xét “Made in Japan” của hãng Sony để ngắm nghía và bình phẩm như một thứ của lạ. Một đám tương tự vây quanh chiếc quần jeans nhãn hiệu Levi’s “Made in USA” treo cao kèm theo một bảng giá cũng ngất ngưởng. Một dòng người xếp hàng dài tại một quầy hàng (gợi nhớ thời “xếp hàng cả ngày” ở nước ta). Họ đang mua gì thế? Nhìn những người mặt mày hớn hở từ trong đó bước ra với cùng một thứ cầm trong tay, mới biết họ vừa mua được một sản phẩm quý hiếm: mỗi người hai cuộn “đúp” giấy vệ sinh tự hoại theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng đáng chú ý hơn cả lại là những chiếc máy tính cổ lỗ to tướng được đặt trên các quầy, để tính tiền cho khách hàng bằng phương pháp dùng tay quay trục! (Trong khi những người bán hàng ở Sài Gòn từ lâu đã dùng máy tính bỏ túi cầm tay bấm số).
Sau vài ngày quan sát thủ đô Moskva, tôi bắt đầu hiểu vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô do Tổng Bí thư Gorbachốp đứng đầu đang ra sức tiến hành công cuộc “Cải tổ” chế độ xã hội chủ nghĩa do Lênin khởi đầu, Stalin hoàn thành và Khơrútsốp sửa chữa nhưng thất bại.
2. Một chuyến tàu hỏa có giường ngủ thoải mái chạy suốt đêm đưa chúng tôi từ Moskva đến Lêningrad khi trời vừa sáng. Một nữ nhân viên Trường ĐHSP Ghertsen ra ga đón, đưa chúng tôi lên taxi về chỗ ở mới đã được chuẩn bị sẵn cho mình: nhà khách quốc tế của trường ở số 6 phố Plekhanov thông với đại lộ Nevski nổi tiếng. Trong tòa nhà cao tầng có thang máy, với 4 dãy phòng mỗi tầng có hành lang trải thảm thẳng tắp nối liền nhau thành một hình vuông, tôi được ở một phòng trên tầng 3 với đủ giường tủ bàn ghế và phương tiện vệ sinh riêng biệt (chị Hoa cũng một phòng tương tự ở tầng 2). Kế bên và thẳng góc với phòng tôi là phòng của NVC, một NCS Việt Nam từ trường ĐHSP Hà Nội sang đây theo chuyên ngành phương pháp dạy học (thuật ngữ chuyên môn là “metodika”) đang hoàn thành luận án PTS và được giao nhiệm vụ làm phiên dịch cho tôi. Vừa là đồng nghiệp lại đồng hương Việt Nam, C và tôi nhanh chóng thân nhau. Anh lập tức giúp tôi giải quyết số hàng hóa mang theo, bằng cách gọi cho các “mối” người Nga quen thuộc của mình đến gặp người có “hàng” muốn bán. Số hàng của tôi rất vừa ý họ, nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Nhận được những đồng tiền “rubl” đầu tiên của Liên Xô, tôi cảm thấy mình đã thành công trong thương vụ “một vốn (được hơn) bốn lời” và nhớ mãi hình ảnh chàng trai Nga ngắm nghía hoài chiếc đồng hồ điện tử đeo tay mà mình vừa mua được. Có lẽ đó là ước mơ cháy bỏng về việc sở hữu một phương tiện đo thời gian hiện đại của nước ngoài mà cậu ta vừa đạt được.
Xong việc bán hàng, còn việc mua hàng sẽ từ từ giải quyết trong quá trình thực tập ở đây, tôi yên tâm để dồn hết tâm trí vào công tác chuyên môn. C đưa tôi đi bộ băng qua đại lộ Nevski đến trường-một tòa nhà chính 4 tầng rất đẹp theo kiểu kiến trúc đầu thế kỷ, chỉ cách nơi ở của chúng tôi chưa tới 1km. Hoàn tất thủ tục nhập học và nhận tháng lương đầu tiên, tôi được dẫn tới văn phòng Khoa Lịch sử để gặp người hướng dẫn khoa học cho mình. Đó là giáo sư V.K. Furayev- Chủ nhiệm Khoa và là chủ biên cuốn sách giáo khoa “Lịch sử Hiện đại lớp 10” hiện đang lưu hành trong hệ thống giáo dục 10 năm của Liên Xô mà tôi đã có ở Việt Nam. Ông đón tiếp ân cần thân mật và vạch ra một lịch làm việc hết sức thoải mái cho đề tài của tôi về “Tìm hiểu chương trình bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông Liên Xô”. Biết tôi từ miền Nam Việt Nam đến, ông rủ tôi chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh để trò chuyện, rồi ký tặng tôi cuốn sách mà ông là tác giả chính.
Nhận thấy tôi đủ khả năng giao tiếp bằng hai ngoại ngữ, C thoát khỏi vai trò phiên dịch và chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch cho kẻ mới lần đầu được đến Leningrad. Trong suốt thời gian thực tập ở đây, tôi đắm mình trong không khí lịch sử đậm đặc với vô vàn di tích huy hoàng và bi tráng. Tôi say mê tham quan không biết mệt; từ pháo đài Petro Pavlov, bức tượng đồng của Pie Đại đế trên mình ngựa, Cung điện Mùa Đông (nay trở thành Viện Bảo tàng Ermitaj lừng danh) và Cung điện Mùa Hè của các Nga Hoàng tại cố đô Saint Petersburg; qua những tượng đài về Lênin, Học viện Smolnyi, chiến hạm Rạng Đông trên sông Neva trong Cách mạng Tháng Mười; đến hệ thống metro tráng lệ và nghĩa trang khổng lồ Piskarevskoye – nơi mai táng 470.000 người dân và binh sĩ Leningrad đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu anh dũng suốt 900 ngày đêm trong vòng vây của phát xít Đức hồi Chiến tranh thế giới thứ hai… Nhưng cũng như ở Moskva, cuộc sống hàng ngày ở Leningrad vẫn đáng quan tâm nhất, vì nó đã phơi bày sự trì trệ và bế tắc của một nền kinh tế-xã hội đang khủng hoảng trầm trọng. Trong bữa ăn đầu tiên ở căng tin trường, tôi tham lam lấy cả thịt băm viên và xúc xích cho suất ăn của mình và đã bị nhân viên nhà ăn chặn lại: “Ông chỉ được chọn một trong hai món chế biến từ thịt!”. Thì ra Liên Xô đang thiếu thịt: nhiều địa phương đã phải dùng cá hoặc những thực phẩm khác để thay cho thịt. Hàng hóa bày bán trong Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Leningrad và ở các cửa hàng thực phẩm nơi đây còn nghèo nàn hơn ở Moskva. Gần chỗ tôi ở có một xí nghiệp cơ khí với chiếc ống khói bằng gạch rất cao gắn một lá cờ đuôi nheo bằng sắt ghi dòng chữ số “1957”- năm xí nghiệp ấy ra đời. Từ đó đến lúc này đã gần 30 năm trôi qua, máy móc và trang thiết bị cùa nó vẫn y nguyên như cũ mà không hề thay đổi.
Trong thời gian rảnh rỗi hoặc ngày nghỉ ở nhà khách quốc tế này, các nữ sinh viên Đông Âu thường tìm kiếm những cuộc vui cùng các chàng trai châu Phi tràn trề sinh lực, các lưu học sinh Việt Nam thì siêng năng đi khảo sát hàng hóa ở chợ trời, chỉ có các sinh viên du học từ Trung Quốc là chăm chỉ ngồi xem chương trình thời sự trên các ti vi công cộng đặt ở 4 góc hành lang để nâng cao trình độ tiếng Nga. Bạn C của tôi cũng đủ sinh lực để vui cùng một cô gái Đông Âu xinh tươi nào đó, nhưng lúc này anh đang tất bật hoàn thành luận án PTS để chờ ngày bảo vệ. Một đêm tôi với anh đang ngồi tán dóc thì có chuông điện thoại. C nhấc máy nghe rồi bảo tôi: “Xin lỗi ông, mình phải đi gấp vì thầy hướng dẫn gọi!”. Còn lại một mình giữa đêm khuya thanh vắng, tôi nghĩ thầm: làm luận án PTS vất vả quá; nhưng phải thế mới là khoa học chứ. Vài hôm sau, thấy C đang lúi húi hơ cuốn luận án đã đóng bìa trên ấm nước sôi đang bốc hơi ngùn ngụt để bóc tách và tháo rời từng tờ ra mà sửa chữa và sắp xếp lại, tôi đến giúp anh một tay. C bảo: “Thầy bắt sửa nhiều quá, phải cấu trúc lại!”. Tôi lại nghĩ về sự gian khó của người làm khoa học đúng như Các Mác đã dạy: chỉ có người nào không sợ gian nan, cố lần mò trên những con đường gồ ghề lởm chởm thì mới đạt được những đỉnh cao chói lọi của khoa học! Nhưng bỗng nhiên tôi chú ý đến tên đề tài luận án của anh: “Giảng dạy về Puskin trong nhà trường phổ thông Việt Nam” (tôi ghi lại theo trí nhớ). Là người am hiểu về chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam, tôi biết rõ các cấp học của nhà trường phổ thông nước ta không hề giảng dạy bất cứ một tác phẩm nào của đại thi hào Nga A.S. Puskin, kể cả trong môn tiếng Việt và văn học cũng như môn ngoại ngữ Nga văn. Vô cùng ngạc nhiên về tên đề tài này, tôi thành thật hỏi anh: “Theo mình biết thì ở trường phổ thông Việt Nam không giảng dạy về các tác phẩm của Puskin; vậy ông làm cách nào mà viết được cuốn luận án dày trên 200 trang về đề tài này?”. Ngẩn người ra một lúc rồi anh đáp gọn: “Thế mới tài chứ!”.
3. Rất quý trọng tình bạn mà NVC dành cho tôi trong thời gian du học ở Liên Xô, và cũng rất nể anh là một NCS đầy năng lực, đặc biệt là trình độ tiếng Nga khá cao khiến tôi không nghi ngờ gì về khả năng nghiên cứu khoa học của anh để đóng góp xứng đáng cho nền giáo dục nước nhà sau khi đã bảo vệ thành công luận án PTS. Nhưng cái tên đề tài luận án của anh luôn là câu hỏi thôi thúc tôi tìm ra sự thật ở đàng sau nó.
Sau khi kết thúc cuộc du học đầy ấn tượng ở Liên Xô trở về nước, tôi đã gặp nhiều PTS, thậm chí cả Tiến sĩ Khoa học (tiếng Nga viết là Doktor Nauk-là trình độ trên PTS, được viết tắt theo tiếng Việt là TSKH) đã tốt nghiệp bằng những đề tài luận án kỳ lạ không kém gì cái của anh. Tôi còn biết chủ đề về giảng dạy Puskin trong nhà trường Việt Nam và chủ đề về văn học dân gian Việt Nam nghiên cứu tại Liên Xô đã tạo nên hàng loạt đề tài luận án cùng loại, giúp cho các NCS lấy được bằng PTS và cả bằng TSKH mà không cần bỏ công nghiên cứu, thậm chí không cần biết tiếng Nga cho dù chỉ ở một trình độ rất thấp. Nguồn gốc của hiện tượng này xuất phát từ khối lượng tiền bạc rất lớn thu được trong thị trường chợ đen ở Liên Xô thời Cải tổ (và ở Liên bang Nga sau đó), liên kết mật thiết với thị trường viết thuê luận án luôn hoạt động tấp nập ở nước này, len lỏi vào cả chốn thâm nghiêm về khoa học ở các trường đại học. Như vậy, cái quyết định để có được những văn bằng khoa học cao quý không phải là tài năng nghiên cứu, cũng không phải tinh thần khắc phục khó khăn cùng ý chí vươn lên trong khoa học, mà chính là tài buôn lậu. Hơn một lần, tôi đã chứng kiến những gã thành công rực rỡ trong thị trường chợ đen ở Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga hiện nay trở về nước với những văn bằng sáng chói, rồi tiếp tục leo cao chót vót trên các bậc thang danh vọng (chứ không phải đỉnh cao khoa học!).
Bước sang thế kỷ XXI, cuộc Cải cách Chương trình Giáo dục Phổ thông ở Việt Nam đã đưa bản dịch bài thơ “Tôi yêu em” của A.S. Puskin vào sách giáo khoa văn học bậc Trung học Phổ thông nước ta. Nhưng bấy nhiêu vẫn không đủ làm tư liệu cho một đề tài luận án nghiên cứu nghiêm túc về việc giảng dạy Puskin trong nhà trường Việt Nam.
Bởi thế, xin các nhà quản lý giáo dục hãy thận trọng khi tuyển dụng những người có bằng PTS (mà nay đã trở thành TS) hay TSKH xuất phát từ những đề tài như vậy.
Lê Vinh Quốc
Tác giả gửi trực tiếp cho Blog NĐH
http://www.ndanghung.com/bai-viet/2016/03/17/10732.html/?utm_campaign=shareaholic&utm_medium=facebook&utm_source=socialnetwork
---
---
- Bạn Lê Vinh Quốc có nhầm lẫn không vậy? Khi đó, sách giáo khoa của VN có học bài Cây an tra (Cây thuốc độc) của A. Puskin, có học bài thơ Tôi yêu em, và cả Con đầm pích nữa. Chương trình nhiều lần thay đổi, nhưng A. Puskin chưa bao giờ vắng mặt. Bạn có thể bị nhầm lẫn và như thế là vu cáo NVC và luận văn của anh ấy!Trả lờiXóa
- Tôi nghĩ bạn Vinh Quốc khá chủ quan. Bạn làm Lịch Sử, có thể bạn nắm vững chương trình môn Sử. Nhưng môn Văn thì liệu bạn có vững không mà dám tự tin viết như vậy? Chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn còn đó, bạn đọc cả nước biết. Không ai có thể xuyên tạc. Tôi đảm bảo rằng bạn nhầm lẫn. Mà riêng bạn Quốc lẫn cũng không sao. Vấn đề là cái lầm, cái lẫn của bạn gieo nghi ngờ về luận văn của một người mà bạn quen và có phần biết ơn!
Bạn Lê Vinh Quốc có nhầm lẫn không vậy? Khi đó, sách giáo khoa của VN có học bài Cây an tra (Cây thuốc độc) của A. Puskin, có học bài thơ Tôi yêu em, và cả Con đầm pích nữa. Chương trình nhiều lần thay đổi, nhưng A. Puskin chưa bao giờ vắng mặt. Bạn có thể bị nhầm lẫn và như thế là vu cáo NVC và luận văn của anh ấy!
Trả lờiXóaCảm ơn thầy Vũ Nho đã cho thông tin ở góc nhìn khác.
XóaCái này, về nguyên bài viết của ông Lê Vinh Quốc, thì ông tự nhận là rất am tường chương trình học lúc đó. Nên ông viết:
"
Nhưng bỗng nhiên tôi chú ý đến tên đề tài luận án của anh: “Giảng dạy về Puskin trong nhà trường phổ thông Việt Nam” (tôi ghi lại theo trí nhớ). Là người am hiểu về chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam, tôi biết rõ các cấp học của nhà trường phổ thông nước ta không hề giảng dạy bất cứ một tác phẩm nào của đại thi hào Nga A.S. Puskin, kể cả trong môn tiếng Việt và văn học cũng như môn ngoại ngữ Nga văn. Vô cùng ngạc nhiên về tên đề tài này, tôi thành thật hỏi anh: “Theo mình biết thì ở trường phổ thông Việt Nam không giảng dạy về các tác phẩm của Puskin; vậy ông làm cách nào mà viết được cuốn luận án dày trên 200 trang về đề tài này?”. Ngẩn người ra một lúc rồi anh đáp gọn: “Thế mới tài chứ!”.
"
Phương pháp tư duy của anh L V Quốc có vấn đề. Từ một hai trường hợp cụ thể mà nâng lên khái quát chung là không được. Những người đi học ở Nga hồi những năm 1960-70 không hề kém nếu không nói là giỏi, chỉ một số (không nhỏ) quãng cuối 1980 đầu 1990 là đi buôn (và không ít các đại gia hiện nay ở VN nằm trong số họ). Họ cũng không bất tài đâu, chỉ có điều họ biết khai thác hoàn cảnh.
XóaTôi nghĩ bạn Vinh Quốc khá chủ quan. Bạn làm Lịch Sử, có thể bạn nắm vững chương trình môn Sử. Nhưng môn Văn thì liệu bạn có vững không mà dám tự tin viết như vậy? Chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn còn đó, bạn đọc cả nước biết. Không ai có thể xuyên tạc. Tôi đảm bảo rằng bạn nhầm lẫn. Mà riêng bạn Quốc lẫn cũng không sao. Vấn đề là cái lầm, cái lẫn của bạn gieo nghi ngờ về luận văn của một người mà bạn quen và có phần biết ơn!
Trả lờiXóa