Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/12/2015

Tạm đính ghim : vua Mạc Kính Cung, với một bản rất mới

Bản kể này rất mới.

Nhìn chung là mặc sức múa bút.

Dưới là chép nguyên xi.


---



6:1 2015/4/24 - Nguồn : Ngô Đức Lợi (biên soạn)
Gia phả họ Ngô

NGÔ PHÚC VẠN (20/5AL-1577-15/8AL-1652), là con trưởng của Ngô Phúc Tịnh Thái bảo Tứ Quận công Đời thứ 26 và Bà Lê Thị Đệ
27.1 Ngô Phúc Vạn, tên thường Phúc Mại, tên tự Tử Hán.
Sự nghiệp, công đức: Trung Nhuệ Quân Doanh Phó Tướng Thái Bảo Tào Quận công Ngô Phúc Vạn (1577-1652).
Ông có tên khác là Phúc Mại, tự Tử Hán, hiệu Huân Dương chân nhân, sinh giờ dần ngày 20/5 năm Đinh Sửu, mất 15/8 năm Nhâm Thìn, mộ táng trên đồi Nghèn (huyệt sâu 17m, đáy huyệt bằng bình độ ruộng sâu nhất trước mặt). Từ đường và mộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá năm 1993.
Tứ Quận công Ngô Phúc Tịnh là con trưởng Thế Quận công Ngô Cảnh Hữu, thời Nam Bắc triều ở với bố ở Thanh Hóa, ở huyện Đông Sơn. Có nhà Lê Tướng công, ông cụ đã qua đời, bà cụ ở với hai cô con gái. Một buổi sáng sớm hai chị em ra vườn, cô chị trông thấy bông hoa đang nở màu hồng tươi thắm chỉ cho cô em, cô em hái cho luôn vào miệng nuốt chững, từ đó càng thêm minh mẫn. Ngô Phúc Tịnh thường qua lại làm thân, bà cụ hứa gả cô chị cho làm vợ. Đến ngày đón dâu thì lại là cô em, ông hỏi tại sao hứa gả chị, nay lại là em. Cô dâu thưa: “Nhà thiếp neo đơn,thiếp sức yếu,chị thiếp khoẻ tháo vát,phải ở lại nuôi mẹ,cho thiếp thay chị nâng khăn sửa túi”. Ông nói tất cả do tiền định. Vợ chồng càng đằm thắm, đã cùng nhau sinh ba trai hai gái.
Sau ngày Trịnh Tùng xưng Vương lập Phủ Chúa, ông thường vào phủ vui chơi, được Quận chúa Ngọc Mai ưng ý, ở luôn trong phủ cả tuần không về nhà. Bà ở nhà sốt ruột bói toán cầu cúng khắp nơi,không kết quả gì.Trong xóm có người hát hay,thưòng được vào phủ hát, bà bèn chọn người giả vai cầm trống theo vào phủ dò la,thấy ông ngồi kề vai Quận chúa xem hát như cặp vợ chồng,về nói lại với bà.
Khi ông về nhà chưa dám nói ra, bà nói trước rằng: “Tôi với ông lấy nhau nay đã có năm mặt con. Tôi tuổi đã cao, xin nhường ngôi chính thất cho Quận chúa.Quận chúa còn trẻ ông hãy thương yêu lấy. Ông lấy Quận chúa bước đường công danh sẽ có nhiều thuận lơị”. Ông còn phân vân chưa nỡ dứt tình, Chúa gọi gả Quận chúa, bà lập tức đưa con ra ở nhà riêng. Sau khi đã cưới Quận chúa, ông bỏ hẳn không đành, thường lén đi lại thăm bà. Bà nói: ”Tôi với ông kết tóc từ hồi còn trẻ, nay đã trên 30 tuổi sinh năm mặt con. Không phải tôi không muốn cùng ông chung chăn chung gối chung hưởng hạnh phúc.Nhưng nay phòng khuê đã có chủ trương, tôi không dám vì tình cũ làm điếm nhục gia phong. Quận chúa còn trẻ ông hãy thương yêu lấy, đừng suy nghĩ gì về tôi nữa”. Cùng năm ấy sau ngày trùng ngọ, bà sai hai con trai quảy dưa sang nhà biếu Quận chúa và ông. Đến bậc thềm cao anh lên được, em còn nhỏ không lên được, anh leo lên trước rồi kéo em lên.Trước quang cảnh ấy ông bùi ngùi lộ ra nét mặT. Quận chúa nói: ”Thường ngày tôi biết ông suy nghĩ nhiều về các con, chi bằng cho mấy lính hầu sang bên ấy giúp việc, hàng tháng cấp thêm gạo dầu, việc gì lại phải bùi ngùi”. Ông bèn cấp gạo dầu hàng tháng và cho 6 lính hầu sang giúp, từ đó quan hệ giữa hai nhà càng thêm thân mậT. Quận chúa không sinh con trai. Bà Lê Thị Đệ có hai trai :Ngô Phúc Vạn và Vỵ Quận công, cũng đều lấy Quận chúa họ Trịnh.
Hai họ quan hệ sui gia đời này qua đời khác.Hai con gái vào cung,hai con trai lấy Quận chúa.Hai con trai Vỵ Quận công cũng lấy Quận chúa, Ngô Thị Ngọc Nguyên,Thứ phi Chúa Trịnh Tùng sinh Trịnh Diêu. Con gái Trịnh Diêu lấy Ngô Phúc Hộ, con gái Ngô Phúc Hộ lấy cháu nội Trịnh Diêu là Trung Quận công Trịnh Bính, con gái Trịnh Bính lấy cháu nội Ngô Phúc Hộ là Cảnh Quận công sinh Ngô Cảnh Hoàn, con gái Cảnh Quận công lấy cháu nội Trịnh Bính là Lai thọ Hầu.Ngô Phúc Vạn có hai con gái vào cung, mười con trai thì tám người lấy Quận chúa và Á Quận chúa họ Trịnh.
Ngô Phúc Vạn mặt mũi khôi ngô, dáng người thanh nhã, dong dõng cao, đứng trong triều cao hơn mọi người một cái mũ bình đính, mắt sáng tiếng nói trong, về già có dáng tiên phong đạo cốt,lại là đạo gia nên được mọi người tôn xưng là Phật Thái Bảo. 
Xuất thân cửa tướng, văn võ toàn tài, ông không chỉ có sức khoẻ, võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp,mà thánh kinh hiền truyện thiên văn địa lý,toán học không có gì là không hiểu sâu, về già lại được một đạo sỹ truyền thụ đạo lý. Là một danh tướng, một trọng thần của nhà Lê, phía bắc đánh Mạc bắt sống Mạc Kính Cung, phía nam chống Nguyễn giữ vững biên cương,nhân dân được yên ổn làm ăn trong một thời gian dài.Chỉ vì lúc thiếu thời tính khí cương cường không chịu khuất phục quyền thần, nên 20 năm công lao không được ghi vào sử sách.
Năm Canh Tý 1600, ông theo Trịnh Tùng đi đánh Mạc lập nhiều chiến công, phong Tường khê Hầu (23 tuổi) 
Năm Quý Hợi 1623, Trịnh Tùng ốm nặng,con thứ Vạn Quận công Trịnh Thung gây biến (nhiều sách phiên là Trịnh Xuân),ngày 18 kéo quân chiếm Hoàng Đình ,tháng 6 vua chúa phải chạy ra Hoàng Mai, theo đường tắt chạy vào Thanh Hóa. Đến Thanh Oai bệnh Chúa chuyển trầm trọng,ngày 20 thì mất,trong ngoài náo động.Trịnh Đổ có ý muốn dành ngôi chúa cho con mình là Trịnh Cường, bèn đưa thi hài Chúa về phủ riêng của mình gần đó.Ngô Phúc Vạn nắm Cấm binh cùng Trịnh Tráng đưa vua Lê về Thanh Hóa,lo việc chống với Trịnh Thung.
Trịnh Đổ lập mưu, sai Trịnh Cường đi dụ Trịnh Thung,bảo đến chịu tang rồi sẽ tôn lên ngôi Chúa.Trịnh Thung ngỡ tình thực, chỉ đem theo mấy hộ vệ đến phủ Trịnh Đổ nhận thi hài Chúa đưa về phát tang. Thung vừa bước vào cửa ,võ sỹ phục sẳn chém đứt làm hai đoạn.
Được tin Thăng Long có biến, từ Cao Bằng Mạc Kính Khoan đem vài vạn quân về Gia Lâm uy hiếp Thăng Long.Trịnh Đổ thấy một mình khó đương đầu với phía ngoài quân Mạc,phía trong quân Trịnh Tráng, bèn bỏ Thăng Long đưa thi hài Chúa vào Thanh Hóa trao cho Trịnh Tráng và nhận tội. Trịnh Tráng lờ đi không hỏi tội, vẫn cho giữ chức cũ.Thăng Long bỏ trống, quân Mạc Kính Cung vào thành.
Sau vài tháng chuẩn bị củng cố lực lượng,Trịnh Tráng kéo quân ra Thăng Long,đánh đuổi được quân Mạc Kính Cung,thu phục kinh thành Triều đình luận công, Ngô Phúc Vạn được cả hai công "Truy tuỳ và Tấn phát"(hộ giá chạy vào Thanh Hóa và tiến quân thu phục kinh thành, lần này Ngô Trí Hòa cũng được cả hai công). Trịnh Tráng lên ngôi Chúa. Mấy năm liền ,dưới thời vua Càn Thống nhà Mạc ,Mạc Kính Cung đem dư đảng người Hải Dương và quân Long Châu (Trung Quốc) sang đánh phá hai trấn Thái Nguyên ,Lạng Sơn, khí thế khá mạnh. Tháng 12 năm ất sửu (1625) Trịnh Tráng sai con trai là Thái bảo Hùng Quận công Trịnh Kiều làm Thống lĩnh,em là Thái phó Trịnh Đồng làm phó tướng, cùng các tướng Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, Nhạc Quận công, Cảnh Quận công, Thắng Quận công, Hoành Quận công đem đại binh đi đánh Mạc Kính Cung. Gặp quân Mạc ở núi Ly Đà (cách Cao Bằng 20 km) đánh nhau vài trận, quân Mạc thua, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Cung đều rút quân trốn vào rừng sâu,các đạo quân truy tìm mất hút.Ngô Phúc Vạn dẫn một toán khinh binh vào rừng lùng xục, sau nhiều ngày tìm kiếm, đến một toà cổ miếu bắt được một nhà tăng tra hỏi,nhà tăng nói không biết gì về quân Mạc, hàng ngày chỉ thấy một người mặc áo chẽn xanh,leo lên chổ cao quan sát, tướng quân bắt người ấy mà hỏi.Ông bố trí đón bắt được người mặc áo chẽn xanh,hỏi ra đúng là thám tử của Mạc Kính Cung, Ông buộc người đó dẫn đường đến sào huyệt.Đi không xa đến một nơi có luỹ đá kiên cố vài tầng, có cửa vững vàng, ngoài cửa có vài khẩu đại pháo, ông bố trí phục sẵn kỳ binh, sai người dẫn đường gọi cửa. Cửa hé mở, kỳ binh xông vào, Mạc Kính Cung đang cùng cung phi đàn hát, quân ông đã vào sát không kịp trở tay đồ đảng tháo chạy, Mạc Kính Cung bị bắt đóng cũi giải về Kinh đô.Triều đình luận công ông được thăng Đô đốc Thiểm sự.
Trước đây, năm 1620, phía Chúa Nguyễn ở Đàng trong, Chưởng Cơ Hiệp và Chưởng Cơ Trạch, con trai thứ 7 và thứ 8 của Nguyễn Hoàng âm mưu làm nội biến cướp ngôi của anh,mật gửi thơ cho Trịnh Tùng yêu cầu đưa quân vào giúp,hẹn xong việc sẽ chia đất đai.Trịnh Tráng sai Đô đốc Nguyễn Khải đem 5000 quân vào đóng ở Nhật Lễ,Tường khê Hầu và Ngô Phúc Vạn có tham dự đạo quân này.Hiệp và Trạch còn e dè Chưởng cơ Tôn Thất Tuyên nên chưa dám hành động.Chúa Sãi Vương sai Tuyên đi đánh quân Trịnh,Tuyên không đi, sai Chưởng Doanh Tôn Thất Vệ đi thay.Hiệp và Trạch đem quân chiếm giữÁi Tử, Tuyên dẫn quân đi dẹp, bắt được cả hai người đem về giết chết. Nguyễn Khải được tin, không đánh nhau với Vệ nữa, rút quân về. Năm 1627 lấy cớ thiếu thuế cống,Trịnh Tráng lại kéo quân vào đánh Chúa Nguyễn, Ngô Phúc Vạn đi tiên phong, lập được nhiều công, năm 1630 được thăng Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, lại có nhiều khả năng về chính sự được dự vào Nghị sự đường bàn việc nước. 
Năm Quý Dậu 1633,mặt bắc đã ổn định,Trịnh Tráng cất đại quân đi đánh phía nam. Tháng chạp rước vua Lê theo,chia hai đường thuỷ bộ tiến quân.Ngô Phúc Vạn lĩnh ấn tiên phong, qua châu Bố Chính không gặp cản trở gì lớn, đến Trường Sa Cương (tục gọi Bãi Dài) đụng độ lực lượng lớn của quân Nguyễn,ông bèn hạ trại đóng quân, bố trí canh phòng cẩn mật.Đêm ấy quân Nguyễn cướp trại, ông đốc quân chống giữ, rạng ngày quân Nguyễn lui.Ông bèn huy động lực lượng đắp luỹ tại chổ, chống nhau với địch,giao chiến 7 ngày đêm,hai bên bắn nhau dữ dội, quân Nguyễn núng thế, rút lui. Ông xua quân đuổi theo đến bờ sông Nhật Lệ thu phục lại toàn bộ đất đai bị lấn chiếm, quân Nguyễn rút vào sau luỹ cố thủ.Xem thế luỹ không thể đánh vào được, quân Trịnh lui binh,bình công ông được thăng Thái Bảo (58 tuổi).
Năm 1637 bà cụ Lê Thị Đệ từ trần, ông về quê cư tang.Trong vùng có Tả Đô đốc Nguyễn Khắc Tôn, Hiền Quận công, con trai Đại tư đồ Nguyễn Khắc Khoan người châu Bố Chính,liên kết với Bồn Man Ai Lao âm mưu chống lại triều đình Lê Trịnh.Nguyễn Khắc Tôn giao thiệp với Chúa Nguyễn yêu cầu giúp sức, lúc này nội bộ Chúa Nguyễn đang lục đục nên không nhận lời. Nguyễn Khắc Tôn có sức khoẻ địch trăm người,khi cưỡi ngựa thì hai bên nổi gió, sử dụng đại đao không ai có thể đương nổi.
Ngô Phúc Vạn biết rõ âm mưu và thực lực, bèn dùng "Công tâm kế", sai tướng tâm phúc là Vinh khánh Hầu (người làng Nha Kỳ xã Trảo Nha) dẫn khinh binh vào vùng Khắc Tôn kiểm soát, tìm gặp thủ hạ Khắc Tôn,thuyết phục phân tích rõ điều hơn lẽ thiệt tỉa dần vây cánh của Khắc Tôn. Tiếp theo là biên thơ cho Khắc Tuân phân tích lẽ phải trái, tương quan lực lượng, những điều lợi hại về sau và khuyên về hàng.Cuối cùng Nguyễn Khắc Tôn nghe theo, xin về với triều đình.Ông sai con trai Ngô Phúc Thiêm dẫn ra Thăng Long. Nhân vụ này Ngô Phúc Thiêm được phong tước Quận công,lúc này mới 13 tuổi.
Liền sau đó, chưa mãn tang mẹ Ông nhận được chỉ triệu về kinh,trao chức Trấn thủ trấn Nghệ An, kiêm chức Thống lĩnh các đạo quân phía nam.Trên mười năm Trấn thủ Nghệ An (từ lúc đó đến ngày từ trần năm 1652) quân Chúa Nguyễn không dám ra quấy phá biên giới phía nam,nhân dân được yên ổn làm ăn.
Trong thời kỳ trấn thủ Nghệ An, có lần về triều Chúa hỏi Ông về tình hình biên cương, Ông nói: “Xin Chúa bình tâm, cha con tôi còn ở đó, địch không dám làm gì, một mai thế sự biến thiên, tôi không thể biết trước được”. Chúa Trịnh nói:” Cha con ông thực xứng đáng là Xã tắc chi Trảo Nha (Nanh vuốt của nước nhà). Về sau hai chữ Trảo Nha được lấy làm tên xã thay hai chữ Đan Liên cũ (Nay thuộc Thị trấn Nghèn, Can Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh).
Trịnh Khâm âm mưu gây nội biến dành ngôi Chúa, dự định ngày mồng 5 tháng 5 thì khởi sự.Ngô Phúc Vạn biết được âm mưu đó, hiến kế cho Chúa, ngày mồng 1 bao vây bắt gọn, chặn được cuộc nội biến, ông được thăng Thái Uý, sau đó được thăng Phó Tướng Chưởng phủ sự, đuợc mở “Trung nhuệ quân doanh”. Ông là một huân thần danh tướng được Chúa Trịnh Tráng trọng vọng. Ngày 12 tháng 8 1652 Chuá trọng bậc lão thành, uỷ thác ông cầm Kim sách lên Long trì thay mặt Chúa chịu trăm quan lạy mừng,Công hầu khanh tướng xưa nay chưa từng có.
Ngày 15 cùng tháng, ông không bệnh mà mất ở chính tẩm, thọ 76 tuổi.
Ông lắm vợ nhiều con, có tất cả bảy bà, 25 con trai gái, Chính thất là Quận chúa Ngọc Uyên con gái Trịnh Tùng, em Trịnh Tráng.Mười con trai, năm tước Quận công, ba người phong tước cùng một ngày là Ngô Phúc Đang, Ngô Phúc Hạp,Ngô Phúc Hộ (ngày 19 tháng 4 năm Vĩnh Trị thứ 3 -1678) và năm tước Hầu. 15 con gái có hai người vào cung làm vợ Chúa: Ngô Thị Ngọc Phương phong Khắc Noãn, Ngô Thị Ngọc Tôn phong Hoa Dung.
Em trai là 27.2 Vỵ Quận công,sinh hai con trai 28.1 Diên Quận công và 28.2 Lý Quận công, cả ba cha con đều lấy vợ là Quận chúa họ Trịnh. 
Các anh em, dâu rể:
- Vỵ Quận công không rõ tên, bà là Quận chúa họ Trịnh, sinh hai con trai:
- Diên Quận công không rõ tên huý, bà là Quận chúa họ Trịnh nay là thuỷ tổ họ Tam Đa (nay là xã Quang Lộc Hà Tĩnh) con cháu là 29.1 Ngô Phúc Cẩm (tước hầu), 29.2 Ngô Phúc Thuận (Chân lộc hầu), 29.3 Tài bá hầu ...
- Lý Quận công không rõ tên huý, thất truyền.
-  và hai em gái. 28.3 Ngô Thị .., 28.4 Ngô Thị…
Các con là Ông Ngô Phúc Vạn có tất cả 7 bà, sinh 10 con trai, 15 con gái (có hai người là Cung tần). 10 con trai nay thành 10 chi :
- Nhuận Quận công 28.1 Ngô Phúc Thiêm, chi trưởng Thủy tổ họ Ngô ở Hàm Anh (nay là xã Tân Lộc).
- Hàn Quận công 28.2 Ngô Phúc Đang, chi 2.
- Đằng Quận công 28.3 Ngô Phúc Hạp, chi 3 Thủy tổ họ Ngô ở ấp Châu Thới 2, thị xã Châu Đốc, An Giang.
- Đáng Quận công 28.4 Ngô Phúc Tân(Toàn), chi 4 Thủy tổ họ Ngô ở xã Tiên Xuyên, Điện Bàn, Quảng Nam.
- Phương Quận công 28.5 Ngô Phúc Hộ (1634 – 1704), chi 5 ( ở Trảo Nha-Thạch Hà, Hà Tỉnh) có Vinh quận công 29.1 Ngô Phúc Thụ, 29.2 Ngĩa võ hầu, 29.3 Nhiệm võ hầu, 29.4 Thuyên phái hầu, 29.5 Suyền cung hầu; 30.1 Nhuệ võ hầu Ngô Phúc Đẩu, 30.2 Hào quận công, 30.3 Phố quận công , 30.4 Cảnh quận công; 31.1 Lãng phương hầu Ngô Phúc Chánh, 31.2 Thu lĩnh hầu Ngô Phúc Hoàn, cũng là Cảnh hoàn, 32.1 Hoàng quận công Ngô Phúc Túc, (trở thành tổ chi Ninh Sơn, rồi từ Ninh Sơn lại phân thêm các chi Yên Viên, Thụy Khuê, Hà Nội), 32.2 Trân ngọc hầu Ngô Phúc Lạng  đều là con cháu 29.1 Vinh quận công Ngô Phúc Thụ.
Còn phái 30.1 Trung hầu , 31.1 Nhiệm phái hầu, 31.2 Diễn thái bá, 31.3 Tiến thọ bá, 31.4 Phàn thọ bá, 31.5 Tùy thọ bá  ... là con cháu 29.4 Thuyên Phái hầu.
Có 32.1 Ngô Đức Hồng  đỗ cử nhân làm tri huyện, bị cách. Con trai ông là 33.1 Ngô Đức Bình (1824 - ?) tú tài, rồi giám sĩ, rồi đỗ nhị giáp khoa Nhã sĩ (như Hoàng giáp ), năm Tự Đức thứ 18 (1865), bổ án sát Quảng Bình, sau làm tế tửu Quốc tử giám. Ngoài ra có Ngô Phúc Hội (tức Trương Duy Phúc) đỗ cử nhân đời Gia Long ở trường Gia Định. Theo gia phả thì còn có Ngô Đức Thịnh cũng đỗ cử nhân nhưng chưa rõ khoa nào.
 -Kiêm lộc Hầu 28.6 Ngô Phúc Điền, chi 6 Thủy tổ họ Ngô ở Văn Cử (xã Xuân Lộc, Can Lộc),
- Hào mỹ Hầu 28.7 Ngô Phúc Liêu , chi 7 Thủy tổ họ Ngô nhiều chi họ ở huyện Hương Khê, Hà Tỉnh.
- Vân lĩnh Hầu 28.8 Ngô Phúc Phổ, chi 8 (Phúc Phổ trấn ở Diễn Châu, gia phả nay không ghi rõ hậu duệ),
- Toản võ Hầu 28.9 Ngô Phúc Trị (1643 - 1676) chi 9 có Dật trung hầu 29.1 Ngô Phúc Bình (1663 - 1735), Khiêm quận công 30.4 Ngô Phúc Lâm (1724 - 1784). Người đỗ đại khoa đầu tiên là 30.4 Ngô Phúc Lâm (1724 - 1784). Ông là con thứ tư Dật trung hầu Ngô Phúc Bình và là cháu nội Toản võ hầu Ngô Phúc Trị (thuộc thế hệ thứ X-chi 9 Trảo Nha). Ngô Phúc Bình, làm quản binh, tước hầu, xin về quê, nói: "có phúc không nên hưởng hết, nhà chúng ta hưởng lộc trời nhiều rồi, còn để cho họ khác". Ông lấy hiệu Lạc Viên tiên sinh chuyên nghiên cứu y dược. Ông thường nhắc lời Đan Khê: "Cứu được một mạng người, không làm quan cũng như làm quan". Ông chữa lành bệnh cho Hương cống Lê Trù ở Ích Hậu rồi lấy con gái họ Lê sinh con út Phúc Lâm.
Ngô Phúc Lâm trước tên là Cung, được thầy học Hồng Ngư tiên sinh (Nguyễn Nghiễm) đổi lại là Lâm. Lúc nhỏ cậu cung rất lanh lợi, cha thường nói: "Thằng bé này của nhà ta về sau sẽ là của quý của nước nhà". Ông học giỏi nhưng thi hương lần đầu tiên mới trúng Tam trường (Tú tài), đến khoa Canh ngọ, Cảnh Hưng thứ 10 mới trúng Hương giải. Bốn lần thì hội thì ba lần trúng Tam trường, xếp thứ sáu, nhưng khoa ấy chỉ lấy 5 Tiến sĩ. Năm Ất dậu (1765) ông được Tể tướng Nguyễn Nghiễm tiến cử nhưng vua Lê dụ: "Con nhà gia thế, vinh tiến hãy chờ, việc chi vội vã, cho về học nữa". Năm sau, khoa Bính tuất ông mới trúng Tam giáp đồng tiến sĩ.
Bạn thân của ông, La sơn Phu tử làm thơ mừng có câu:
"Tây phủ lũy truyền quang võ phục,
Nam thiên bán bích lạng văn chương"
(Phủ chúa bào đời lừng tiếng võ,
Trời nam nửa bức chói trường văn)
Ông được bổ Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn, rồi thăng đến đốc đồng Sơn Tây, Hiến sát sứ Thanh Hoa; về kinh làm Trị thị nội thư tả binh phiên, Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử, lại ra làm Thừa chánh sứ Sơn Nam rồi làm đốc thị việc quân ... Ông mất lúc 62 tuổi, được gia tặng hàm Đại phu, Hữu thị lang bộ công, tước Khiêm quận công.
Cháu nội Ngô Phúc Lâm là 32.1 Ngô Phúc Trinh, và 32.2 Ngô Phùng, con Ngô Phùng là 33.1 Ngô Huệ Liên đều đỗ cử nhân đời Nguyễn. Ngô Phúc Trinh làm tri huyện, Ngô Phùng làm đến Hồng Lô tự khiếu khanh, còn Ngô Huệ Liên làm Quản tu Quốc sử quán, tặng Tham tri bộ công. Ông là thân sinh tiến sĩ 34.1 Ngô Đức Kế.(1878-1929)
- Khanh tương Hầu 28.10 Ngô Phúc Triều , chi 10. Thủy tổ họ Ngô ở Bố Chính (Lệ Thủy - Bố Trạch - Quảng Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.