Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

23/11/2015

Danh tướng và trung thần Lê trung hưng : Đinh Văn Tả (1599-1685)


Bài trên trang Họ Đinh.

Có gì thêm sẽ dán bổ sung ở dưới.

Tháng 11 năm 2015,
Giao Blog

---




Đinh Văn Bình
Ban liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương.


Lịch sử Việt Nam là một quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước lâu dài và liên tục. Trong quá trình đó, có thời kỳ cả dân tộc phải đứng lên chống lại sức mạnh xâm lược của ngoại bang, có lúc lại phải đấu tranh trấn áp các thế lực phản động trong nước, và cũng có những giai đoạn như thời Lê Trung Hưng là một thời kỳ chiến tranh liên tiếp xảy ra giữa các tập đoàn phong kiến với nhau kéo dài liên miên hơn hai thế kỷ. Sinh sống trong bối cảnh đặc biệt ấy, hầu như cả dân tộc bị lôi cuốn vào cuộc chiến, và từ trong khói lửa của chiến tranh đã xuất hiện những dòng họ mà nhiều thế hệ nối tiếp đều có người làm tướng đánh trận. Họ Đinh ở Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là một họ tộc như vậy.


[IMG]
Toàn cảnh đình Đinh Văn Tả tại làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
(Ảnh Đinh Thị Hiền)
I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ

Ngược dòng lịch sử, theo truyền thuyết, dòng họ Đinh Hàn Giang, Hải Dương là hậu duệ của Kim ngô Đại tướng quân Đinh Điền, em của Đinh Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh (theo sách Hải Dương nhân vật chí chép rằng: “Về tướng giỏi nổi tiếng có Đinh Văn Tả là con cháu đời sau của Đinh Tiên Hoàng, người Hàn Giang huyện Cẩm Giàng”). Sau khi nhà Đinh mất, con cháu của Đinh Điền phải sống lẩn tránh ra các địa phương. Một trong các chi hậu duệ của cụ đã di cư đến ở làng Hàn Giang.

Nếu không kể vị thủy tổ theo truyền thuyết là Đại tướng quân Đinh Điền, người đã phò tá vua Đinh Tiên Hoàng, thì truyền thống làm tướng đánh trận của họ Đinh bắt đầu từ Kỳ huân Đại tướng quân Đinh Đàm. Cụ từng theo Lê Thái Tổ tiến hành khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh thành công, được phong tặng Thái bảo Thạch Quận công. Từ đó trở đi, hầu như đời nào họ Đinh ở Hàn Giang cũng xuất hiện hàng loạt những danh tướng, trong đó không ít người có thể gọi là nhân tài quân sự, chính trị xuất sắc, không chỉ là tướng chỉ huy đánh trận tài ba mà còn là những nhân vật nắm quyền quyết định liên quan đến vận mệnh an nguy của triều đình mà sử sách vẫn còn ghi lại như Thượng tể Lộc công Đinh Văn Tả, Thái phó Phác trung hầu Đinh Phức, Thái bảo Hàn Xuyên công Đinh Nhạ Hành, Thái bảo Cần quận công Đinh Văn Giai, Thái tể Liễn trung công Đinh Tích Nhưỡng.v.v…


[IMG]
Tấm cuốn phong trước cửa đình Đại vương Đinh Văn Tả
(Ảnh Đinh Thị Hiền)
Cụ Đinh Văn Tả sinh ngày mùng 2 tháng 11 năm Kỷ Hợi (1599), tức niên hiệu Quang Hưng thứ 22, con trai cụ Thái bảo Hùng quận công Đinh Văn Phủ. Chưa đầy 2 tuổi, cụ đã mồ côi cha. Với sức khỏe khác thường, bắn súng tài giỏi, cụ sung quân triều đình, giữ chức Điển binh.


[IMG]
Chính diện nơi thờ tự Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thần hoàng Đinh Văn Tả tại đình Đinh Văn Tả, làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
(Ảnh Đinh Thị Hiền)
Cuộc đời cụ gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc ta. Với 59 năm gánh vác việc nước, 74 trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả rất xứng đáng được vua ban 4 chữ “智甬明忠”"TRÍ DŨNG MINH TRUNG" và ban lập đền thờ khi còn sống.


[IMG]
Tượng Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả và hai phu nhân trong cung cấm tại đình Đinh Văn Tả, làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
(Ảnh Đinh Thị Hiền)
Có thể kể ra đây một vài trong số trận chiến mà Đại vương đã trực tiếp tham gia:

* Cụ nổi danh về thiện xạ. Tiếng tăm truyền tới triều đình, cụ được ban sắc cho làm Đô tiền Đô lực sĩ, cai quản toàn bộ quân cấm binh bảo vệ loan giá nhà vua. Nhà vua đặc biệt sủng ái đối với cụ nên đã đích thân đứng ra làm chủ hôn, lấy vợ cho cụ ở nhà quan Bình chương trạng nguyên họ Phạm, người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm. Cả hai bà, một người là con gái nhỏ, một người là cháu gái lớn của quan Trạng. Hai cô cháu cùng quy về nhà cụ. Bà cả sinh được 3 con trai và một con gái, bà hai sinh được một con trai và hai con gái. Các con trai, con rể của cụ sau này đều trở thành Quận công. Một người con gái gả cho ông Tiến sĩ ở An Quảng, một người con gái nữa gả cho ông Tiến sĩ ở Đan Trường. Thực là trai vẻ vang, gái sang trọng, phúc lành gom cả vào một nhà, từ đấy phát triển lên. Cụ trở thành vị công thần khai quốc phò Lê diệt Mạc, tài chiến trận lừng lẫy khắp thiên hạ.

* Năm Kỷ Tỵ, cụ vâng mệnh theo chúa Trịnh cùng Quận công Trịnh Kiều, con trai cả của chúa Trịnh Tráng đi đánh dẹp phương Bắc. Cụ sung vào đội Tiên phong, giao chiến với quân Mạc ở bên cạnh phủ Cao Bằng, chém được hơn một nghìn đầu giặc, khiến chúng phải thua chạy. Khi chúa ngụy Mạc Càn Thống là Mạc Kính Cung thân hành dẫn đại quân ra chống cự, cụ nom vào giữa quân giặc thấy có đám đi theo thị tòng rất nghiêm cẩn, đoán biết là Mạc Kính Cung đang ở đó, cụ bèn vẫy kiếm hô quân sĩ “Tất cả theo ta” rồi dũng mãnh xông thẳng vào trước mặt Kính Cung. Quân giặc tan vỡ, chết vô số không sao đếm xuể. Mạc Kính Cung trở tay không kịp bị ta bắt sống mang về. Trận ấy đại thắng, cụ được xếp công đầu, phong cho tước Tài Lộc hầu.

* Sau khi bình ổn xong Cao Bằng, cụ được lệnh mang quân về Thăng Long. Đại quân của cụ về tới triều đình, định công khen thưởng công lao xong, sang năm sau cụ lại vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành. Ra trận, quân của cụ đang thắng lợi liên tiếp thì không ngờ nước ấy có người có phép thuật yêu ma đem quân ra đánh nhau với ta, quân ta bị địch vây chặt ở Linh Giang. Công tử thứ hai, công tử thứ ba và con rể lớn của cụ dốc hết sức ra đánh rồi đều bị hy sinh tại trận. Thi hài của họ được xe chở về nhà. Người em là công tử thứ tư năm ấy mới mười bảy tuổi cảm kích lòng trung thành của các anh, căm giận quân giặc bèn dâng biểu lên vua xin đi trả thù cho cha anh. Vua ưng thuận, lại sai người anh rể thứ hai là Tiến sĩ An Quảng làm tham tán cùng đem quân ra trận, phá tan vòng vây quân thù, chém chết tên phù thủy tại trận. Nước của chúng vốn chỉ cậy vào pháp thuật nên không phòng bị gì, quân ta liền xông thẳng vào sào huyệt của chúng, thu hết đồ quốc bảo rồi khải hoàn trở về. Vì tinh thần dũng cảm nhận mệnh ra quân, nối tiếp truyền thống gia đình, mở mang bờ cõi cho đất nước, người con nhỏ của cụ đã lập được công đầu, vì thế vua ban sắc cho phép được thừa kế thủ giữ Từ đường.

* Năm Đinh Mùi (1667) niên hiệu Cảnh Trị, chúa Trịnh đại cử binh mã đánh dẹp phía Bắc, cử cụ đi theo làm Đốc suất. Suốt dọc từ Tung Cao đến Thất Tuyền (nay đổi thành Thất Khê), quân Mạc liên tiếp bị thua phải lui về Châu Lăng, Miên Khâu, dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở mà chống giữ, quân triều đình chưa dễ mà tấn công được. Cụ đem quân chia đường, lặng lẽ hành tiến, nối tiếp nhau trèo núi xông thẳng vào trại giặc. Quân Mạc tan vỡ, ta chém đầu hơn vạn tên, bắt sống Huân Quân Vĩnh Công cùng bè đảng, thu về khí giới không biết bao nhiêu mà kể. Mạc Kính Vũ cùng bọn Trung Tín chạy vào hẻm đá núi Ngọc Sơn. Cụ vẫn tiến quân đuổi riết, bắt sống Trung Tín, phu nhân của Mạc Thiệu vương, Đại tướng Kính Liêu, Thượng thư Trần Tung cùng cả bọn 800 người. Trở về cụ được phong Thiếu bảo, tước Quận công.

* Năm Bính Thìn (1676) niên hiệu Vĩnh Trị, mệnh cho cụ làm Bắc chinh Đại đô đốc, dẫn theo phó tướng là Hán quận và Vịnh quận đem 35.000 quân tiến đánh Cao Bằng. Lúc này cụ Đinh Văn Tả đã 77 tuổi. Nguyên hồi trước Mạc Kính Vũ bị đánh thua tả tơi, phải chạy trốn sang Bắc quốc, đổi tên là Nguyên Thanh, lại hối lộ quan biên giới nhà Thanh để họ tâu lên vua Thanh dụ nước ta trả lại bốn châu cho họ Mạc, từ đó sẽ sát nhập làm phiên quốc. Họ Mạc dựa vào đó, tiếp tục tiếm xưng niên hiệu, chống mệnh triều đình. Thổ dân dọc theo bờ sông đông có đến năm sáu vạn người đều bị chúng hà hiếp khống chế. Bọn chúng còn ỷ vào thế phản thần nhà Thanh là Ngô Tam Quế kết thành bè đảng, trợ giúp lẫn nhau, thanh thế rất ngông cuồng. Quân ta đã đánh nhiều lần mà vẫn không thắng được. Chúa Trịnh và các quan trong triều làm tờ tấu dâng lên. Vua xem xong phán rằng: “Ngài Đinh công là bực tướng giỏi, trí dũng kiêm toàn, các quan văn võ trong triều không có ai hơn được. Nay muốn tiêu diệt giặc dữ để cứu vớt nhân dân một vùng thì phi người này ra không ai làm nổi”. Thế rồi lại mệnh cho cụ cất quân đi dẹp giặc.

[IMG]
Tấm bia tại Lăng Đại vương Đinh Văn Tả và hai phu nhân
(Ảnh Đinh Văn Bình)


Lúc ấy, cụ ở trong quân đội đã lâu năm, xa gần từ già đến trẻ không ai không biết tiếng cụ. Vả lại, những năm trước đây cụ đã từng lên trấn thủ biên cương phía bắc, rất được lòng dân, cho nên tới giờ nghe tin cụ lại dẫn quân lên, mọi người đều tranh nhau tới qui phục. Tướng giặc đứa nào cũng khiếp sợ, kẻ bỏ trốn, người ra qui hàng. Đến khi quân ta tới Thất Tuyền, bắt được Bảo Quận, Vũ Quận ở gò Lãng Khâu cùng với bè đảng 700 người, Mạc Kính Vũ bèn bỏ chạy vào Lũng Bàn, tụ tập quân lĩnh dựa vào địa thế hiểm trở không dám ra nữa. Cụ thân hành đốc thúc chư tướng tấn công vào bốn mặt thành, đại phá quân giặc, chém đầu hai vạn ba trăm tên, bắt sống vài nghìn người, còn súng ống, bò ngựa, của cải, lương thực thu về không thể kể xiết. Nguyên Thanh chỉ đành cố cứu lấy mạng sống, thu thập tàn quân về Mãng Giang cầm cự. Cụ lại tiến quân đại phá chúng. Nguyên Thanh phải bỏ chạy sang Long Châu. Cả vùng Cao Bằng thế là bình định xong, thu lại bốn châu bị Mạc Kính Vũ dựa vào thế nhà Thanh chiếm giữ. Tin thắng trận báo về triều, vua cả mừng bảo với chúa Trịnh rằng: “Thu phục về cái mà các đời trước chưa thể thu phục được, phi là bực tướng anh hùng thì không ai làm được điều đó!.Ta phải có lễ đặc biệt để đền đáp công lao hàng đầu này”. Vua bèn tấn phong cho cụ chức Thái Tể, lại phong hiệu Trung đẳng Đại vương cho cụ ngay khi còn sống, lập ra Trung Kính Tố quân doanh (Doanh tương đương với phủ. Thể chế nhà Lê chỉ có hàng tước Vương mới được mở doanh) để ban cho cụ cùng với ấn thụ. Theo bộ sử Cương mục (Chính biên, q.34, tờ 3a~4a) viết: “Giặc Mạc chiếm cứ Cao Bằng, kể từ Kính Dụng đến Kính Vũ, trải 3 đời, gồm 85 năm, đến nay mới dẹp được, khôi phục được hết đất Cao Bằng. (….) Văn Tả là người mạnh khỏe, có thao lược, luôn vâng mệnh đi đánh dẹp, đánh đâu được đấy, là viên tướng vang tiếng một thời. Con cháu ông sau này cũng nối đời theo về việc binh. Người đời có câu ngạn ngữ Hàn Giang thảo tặc là có ý nói người họ Đinh ở Hàn Giang đánh giặc giỏi”.


Năm 1683, tháng 10 năm Quý Hợi đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ tư cụ Đinh Văn Tả đã 85 tuổi. Triều đình mở khoa thi hội (thi cử nhân). Đại vương Đinh Văn Tả là tướng võ được cử là Đề điệu (chánh chủ khảo). Ít thấy tướng võ được cử giữ chức Đề điệu, có lẽ đây là trường hợp đặc biệt và duy nhất. 

Cụ Đinh Văn Tả mất tại nhà riêng ở Kinh ngày mùng 4 tháng 5 năm Ất Sửu (1685) niên hiệu Chính Hòa, thọ 87 tuổi. Vua lệnh cho các quan đại thần cùng các quan bộ Lễ hộ tống linh cữu cụ về an táng tại quê Hàn. Vua Hy Tông và chúa Dương Vương thân hành tới nhà điếu phúng. Nội ngoại phủ ban tuất 6.000 quan tiền, 100 hốt bạc và 500 tấm lụa. Lại mệnh cho quan bộ Lễ về tận quê hộ táng. Việc an táng cụ theo nghi lễ Vương giả. Cụ được mặc nguyên phẩm phục triều đình gồm áo, mũ, cân đai, mạng, đeo gươm vàng, mang cờ lệnh như lúc sinh thời khi cụ đương chức Đại đô đốc Thái úy Quốc lão. Ban tên thụy cho cụ là Vũ Dũng. Bài vị (bảng gỗ khắc tên tuổi cụ để thờ) được vua lệnh rước vào Liệt tiên Hoàng đế miếu trong hoàng cung, thờ ngang hàng các tiên đế vương. Hàng năm, cứ vào đầu xuân mệnh cho quan địa phương tới đền thờ tế lễ đức Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thần hoàng Đinh Văn Tả. Lại cho phối hưởng thờ ở chính miếu. Tháng 2 năm 1942, khi thực dân Pháp đắp đường (đường đôi Hồng Quang, thành phố Hải Dương ngày nay), dân công đào đất đắp đường đụng phải ngôi mộ mật táng của cụ cùng hai phu nhân công chúa. Lúc khai quật các di vật còn nguyên vẹn. Viện Đông Dương Bắc cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) về nghiên cứu xong dân làng lại hoàn táng ở mộ cũ, xây mộ nổi và lăng, chấm dứt thời kỳ mật táng.


[IMG]
Một trong ba bản sắc phong triều Lê trung hưng còn được lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đại vương Đinh Văn Tả (Ảnh Đinh Văn Bình)
Cụ Đinh Văn Tả là một tướng triều Lê trung hưng. Cụ gánh vác việc nước 59 năm, từ năm Đinh Mão (1627) khi cụ 28 tuổi đến năm Ất Sửu (1685) khi cụ 86 tuổi, trải 6 đời vua kế tiếp: Lê Thần Tông (thượng), Lê Chân Tông, Lê Thần Tông (hạ), Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông. Cụ Đinh Văn Tả là người trí dũng song toàn, tài dẹp giặc nổi danh thiên hạ. Trải phụng sự 6 triều vua (từ niên hiệu Vĩnh Tộ đến Chính Hòa), ngôi vị hàng Thượng tể. Từ uy thế, danh vọng, công trạng cho đến phúc lộc thọ khảo đều gồm đủ, thực hiếm thấy trên đời.


[IMG]
Tấm bia nón khắc chữ 4 mặt ghi chép công trạng của Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thần hoàng Đinh Văn Tả tại khu Lăng của Đại vương. (Ảnh Đinh Văn Bình)
Các đời con cháu của Đại vương Đinh Văn Tả và nhân dân địa phương đã bảo tồn, tôn tạo khu đền thờ của cụ tại làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn với tổ tiên. Đình làng thờ cụ xây kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh”, hai bên có giải vũ. Trong đình có nhiều cổ vật, câu đối ca ngợi thần hoàng. Hậu cung có 5 bài vị, trong đó có 3 bài vị thờ thần hoàng và hai phu nhân, còn 2 bài vị tả hữu thờ 36 danh tướng khác của làng Hàn Giang.


[IMG]
Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đại vương Đinh Văn Tả đang nghiên cứu bảo tồn 3 bản sắc phong Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả còn lưu giữ tại đình (Ảnh Đinh Văn Bình)
Hiện Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đinh Văn Tả vẫn còn lưu giữ 3 bản sắc phong Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả của các triều vua Lê.


[IMG]
.
[IMG]
Dấu ấn triện của vua Lê và một trong 3 bản sắc phong của Đại vương đã bị thời gian làm hư hỏng. (Ảnh Đinh Văn Bình)
Năm 1993, Bộ Văn hóa có Quyết định công nhận Đình – Miếu - Lăng Đinh Văn Tả là khu di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Miếu thần hoàng Đinh Văn Tả còn gọi là nhà thờ họ Đinh, làm kiểu chữ Nhị, tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian. Bên cạnh miếu là lăng Đại vương Đinh Văn Tả, có hợp táng cả hai phu nhân. Khu lăng có tấm bia 4 mặt khắc dựng năm 1677. Ngày húy kỵ của Đại vương (ngày mùng 4 tháng 5 âm lịch), con cháu dòng họ Đinh Văn Hàn Giang, Hải Dương tổ chức tế lễ theo nghi thức cổ truyền, thành kính. Hàng năm, họ tộc Đinh Văn và nhân dân thành phố Hải Dương tưng bừng tổ chức lễ hội tại khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đình – Miếu – Lăng của Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng thần hoàng Đinh Văn Tả vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch cùng dịp với lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình) kỷ niệm vua Đinh Tiên Hoàng.

[IMG]
Ngày 12/2/1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn đã ký Quyết định công nhận khu lưu niệm Đại vương Đinh Văn Tả là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Ngày nay, để ghi nhớ công đức của Đại vương Đinh Văn Tả đối với quê hương, đất nước, tỉnh Hải Dương đã đặt tên Đinh Văn Tả cho một khu phố và một trường tiểu học tại phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương.

[IMG]
Thành phố Hải Dương đặt tên một đường phố và một trường tiểu học mang tên Đại vương Đinh Văn Tả (Ảnh Đinh Văn Bình)
II. NHỮNG GHI NHẬN CỦA TRIỀU ĐÌNH VÀ ĐẤT NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ:

* Vua thấy cụ theo hầu đã lâu, lập được nhiều công lớn nên trong các phiên chầu đều dùng lễ kính trọng riêng với cụ, xếp cụ được ngồi ngay sau chúa Trịnh; những lúc yết kiến bàn việc, vua thường gọi cụ là Lão tướng mà không gọi tên.

* Vua phong cho cụ là Thượng tể Thượng trật, sinh phong làm Thượng đẳng Đông dương Hùng tài Đại lược, Thần vũ Anh uy Dũng đoán Thịnh minh Nhân trí, Hiển ứng Chiêu huệ Bảo quốc An dân Vĩnh thế, Triệu mưu Cương nghị Trí dũng Chính trực Trung hậu, Linh cảm Diễn hưu Thuần hỗ Sùng hi Hậu huống, Thịnh đức Diễn khánh Tuy phúc Diên trạch Đại vương.

* Năm Bính Thìn (1676) sau khi bình định xong Cao Bằng, vua tấn phong cho cụ chức Thái Tể và phong hiệu Trung đẳng Đại vương cho cụ ngay khi còn sống, lập ra Trung Kính Tố quân doanh (Doanh tương đương với phủ. Thể chế nhà Lê chỉ có hàng tước Vương mới được mở doanh) để ban cho cụ cùng với ấn thụ.

* Vua ban cho cụ 300 mẫu ruộng để làm gia sản đời đời. Khi cụ mất, vua ban tiếp 100 mẫu ruộng.

* Ban sắc cho lập Sinh từ tại bản quán theo như qui chế Vương phủ. Lại ban cho bản xã Hàn Giang và các xã Hàn Thượng, Bình Lao, Bình Lâu thuộc bản Tổng được làm dân hộ nhi thờ phụng quanh năm. 

* Năm Nhâm Dần (1658), niên hiệu Vĩnh Thọ, vua Lê Thần Tông sắc phong “CHIỀU HUỆ BẢO QUỐC AN DÂN VĨNH THÊ”.

* Năm Tân Sửu (1661), niên hiệu Vĩnh Thọ, vâng mệnh vua ban cho cụ bốn chữ son đại tự: “智甬明忠”“TRÍ DŨNG MINH TRUNG”.

* Năm Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị năm thứ tám, vua Lê Huyền Tông sắc phong: “Triệu mưu cương nghị”.

* Năm Giáp Dần (1674), niên hiệu Dương Đức năm thứ ba, vua Lê Gia Tông sắc phong: “Trí dũng chính trực trung hậu”.

* Năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa năm thứ tư, vua Lê Hy Tông ban cho sáu chữ son đại tự: “生封上等大王”"SINH PHONG THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI VƯƠNG”.

* Chúa Trịnh Khang Vương (tức chúa Trịnh Căn) ban cho đôi câu đối:

節鉞權隆朝宿將
藩垣責重國元勳

“Tiết việt quyền long, triều túc tướng
Phiên viên trách trọng, quốc nguyên huân”


Nghĩa là:


“Rộng quyền tiết việt, bực tướng giỏi triều đình
Nặng gánh biên cương, hàng công đầu đất nước”.

* Chúa Dương Vương (tức chúa Trịnh Tạc) ban cho đôi câu đối: 

“龍筆生封挺異銀燈寒北斗
虎腰帶帯印鍾靈玉液泄南天”

“Long bút sinh phong, đĩnh dị ngân đăng hàn Bắc đẩu
Hổ yêu đái ấn, chung linh ngọc dịch tiết Nam Thiên”


Nghĩa là:

“Bút rồng sinh phong, dũng mãnh lạ kỳ, ngọn đèn ngời Bắc đẩu

Lưng hổ đeo ấn, linh thiêng hun đúc, chất ngọc tiết Nam Thiên”.

Sau khi cụ Đinh Văn Tả mất, các đời vua sau còn sắc tặng truy phong:

* 1740, năm Canh Thân, đời vua Lê Hiền Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ nhất, sắc tặng: “Sùng hy hậu huống thịnh đức”.

* 1783, năm Quý Mão, đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44, sắc tặng: “Diễn khánh tuy phúc diên trạch”.

* 1786, năm Bính Ngọ, đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 47, sắc tặng: “THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI VƯƠNG”, “THƯỢNG ĐẲNG THẦN HOÀNG”.

* Bài thơ của người đời sau dành cho Đại vương Đinh Văn Tả:

Hàn Giang danh tướng đại danh trì,
Danh mãn giang sơn thảo mộc tri.
Đương nhật Trung hưng Đường xã tắc,
Tư dân phục đổ Hán uy nghi.
Nguyên huân thượng tại phi long bút,
Cổ đạo nhưng truyền Hạ mã bi.
Vãng sự dĩ tùy lưu thủy khứ,
Giang thanh chung cổ hộ linh từ.

Nghĩa là:
Lẫy lừng danh tướng đất Hàn Giang,
Cỏ cây ghi nhớ khắp giang san.
Từ thuở Trung hưng Đường xã tắc,
Dân nay lại thấy Hán hiên ngang.
Công lao còn đọng đầu bút ngự,
Tấm bia “Hạ mã” vẫn bên đàng.

Chuyện cũ trôi theo dòng nước chảy,
Sông ấp đền thiêng tới vĩnh hằng.


* Bài thơ khác:


Huân nghiệp sơn hà tại, 
Chưng thường trở đậu hương.
Cố gia thiên cổ miếu,
Hàn Giang phái lưu truyền.


Nghĩa là:

Sự nghiệp còn đây với núi sông,
Quanh năm nghi ngút khói hương nồng,
Miếu cổ nghìn thu nơi quê cũ,
Hàn Giang dòng chảy mãi vô cùng.


* Lại có bài thơ:

Hàn Giang danh tướng kiểu tai cường,
Liệt liệt oanh oanh kỷ chiến trường.
Thư khoán bách niên nghi tướng đế,
Trung trinh nhất niệm bất tòng vương.
Hổ uy thượng vị mai thanh tích,
Long mạch hà tu thuyết điểu mang.
Tướng nghiệp tương truyền thập bát thế,
Chí kim huân vọng sử lưu phương.

Nghĩa là :
Giỏi thay danh tướng đất Hàn Giang,
Oanh liệt xông pha mấy chiến trường.
Thề nguyện trăm năm phò tá Đế,
Trung trinh một dạ chẳng theo Vương.
Uy hổ vẫn chưa phai danh tiếng, 
Long mạch kể chi chuyện hoang đường.
Mười tám đời truyền theo nghiệp tướng,
Sử sách còn lưu đượm dấu thơm.


III. Một số truyền thuyết về Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng thần hoàng Đinh Văn Tả: 

* Theo cuốn Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương:

1. Thời ấy, họ Đinh sinh ra một người con trai tên là Đinh Văn Tả. Cậu bé không may sớm mồ côi, phải sống nương nhờ vào nhà người cậu ruột, mười ba tuổi phải đi chăn trâu ngoài đồng. Hồi đó có người nhà giàu ở Hàn Thượng trong Tổng cho người mời thày địa lý Bắc quốc về xem tướng đất. Đó là hai chú cháu ông thày tàu. Khi tới nơi xem xét mạch đất, thấy ở đấy có chín phiến đá lớn phân ra thành nhánh đón long mạch chạy về tới địa phận bản xã thì kết cục, đúng như câu quyết của Cao Biền còn để lại là thế đất “Hổ yêu đái ấn, võ tướng trọng quyền”. Xem ra mạch nhập hàm Canh tân chuyển Cấn, đúng là Mộc tinh khai khẩu, sai làm sao được?. Vì thế, người chú lại điểm vào chỗ Mộc khẩu nhưng người cháu lại nhận ra rằng, đất này thế từ Canh đi về phía đông, hiển nhiên là thế võ. Tam Cát tuy sáng rõ nhưng bên trong vẫn ẩn chứa Tú, tức trong võ vẫn lại có văn, nếu cao tay điểm địa thì có khi kiêm cả hai. Mộc ảnh thừa khí trong của Mão thì cũng có nghĩa như Tốn hưởng ứng Tân vậy. Hai chú cháu ông thày tàu cứ tranh luận với nhau rất lâu, mãi tới lúc trời đã nhập nhoạng mà vẫn chưa ngã ngũ. Hai người mới bảo nhau mỗi người bẻ lấy hai cành cây tươi để điểm vào hai huyệt đất do từng người chọn đợi qua đêm, cành cây tiếp nhận lấy sinh khí của đất, đến sáng mai sẽ ra xem cành nào còn tươi cành nào bị héo. Xong xuôi hai người đi về nhà. Ai ngờ ông Tả lúc ấy còn là đứa trẻ mục đồng cưỡi trên lưng trâu ở ngay cạnh đấy nghe lỏm được câu chuyện, bèn ghi nhớ kỹ trong dạ, rồi về nhà bảo mẹ gọi mình dậy sớm vào lúc canh năm đêm ấy, cưỡi trâu ra xáo lộn hết vị trí các cành cây. Sớm mai hai ông thày tàu ra xem, nhìn kết quả, ông chú cho rằng ý của mình là đắc sách. Người cháu ấm ức không phục mà rao to lên rằng: “Ai đến bái xin ta thì ta bày cho huyệt quý này!”. Ông Tả chăn trâu gần đó vội tụt từ lưng trâu xuống quỳ phục dưới đất. Thày tàu hỏi duyên cớ, ông mới kể rõ hoàn cảnh nhà mình. Thày tàu bảo dẫn về nhà. Cậu của ông mừng rỡ, được thày địa lý bày cho cách làm và hẹn ba mươi năm sau sẽ trở lại nhận lễ tạ.

Sau câu chuyện đó một trăm ngày, ông bỗng nhận thấy cơ thể mình trở lên khỏe mạnh khác thường, dáng đi đứng hùng dũng, hiên ngang, đặc biệt giỏi về môn cưỡi ngựa bắn súng. Đó là ứng với cái khí số tạo hóa hun đúc, trước sinh ra người rồi sau mới được đắc địa. Ông thày tàu còn dặn lại, phải nhớ đừng quên câu quyết rằng: “Hợi long chuyển Giáp tân, đáo đầu ỷ Mộc thừa ngưỡng ảnh khí lập Bính kiêm Tỵ. Tiểu giang tỏa diện, đại giang nhập hoài. Tiền khai khẩu thôi quan, hậu loan sa bão quỉ. Hình nhân bái tương giáp đại pháo vi toản, Long sa hãn khí yểm tâm. Chấn cổ canh kỳ Tân phương đái ấn. Mộc cư đông anh hùng cái thế; Đoái hữu thiên tỉnh huyết thực thiên thu. Chín phiến đất đón mười tám thiên mã, tám đời Công, Hầu, một đời Đại vương. Sản sinh ra mười tám vị anh hùng, kiêm toàn cả võ cả văn, con cháu đông đúc, của cải dồi dào không bao giờ dứt. Trai thì trung thành tín nghĩa, gái thì trinh tiết hiền hậu. Làm tướng, làm sứ đều toàn vẹn cả, khí số thịnh vượng cùng với nước nhà, phúc lộc dài lâu cùng với đất nước”.

2. Năm ngoài hai mươi tuổi, một đêm cụ nằm mộng thấy một vị thần dẫn ra ngoài làng, tới xứ Mả Cả trỏ tay mà bảo: “Đây là thế đất quý. Gia đình ông vốn trung nghĩa được Thượng đế xét biết đến, nên ta mới bảo cho chỗ đất này. Cẩn thận chớ lầm!”. Cụ sực tỉnh giấc, ngầm ghi nhớ phương hướng sơn thủy như lời báo trong mộng, rồi đem mộ ông bà táng vào đất đó (hồi trước nguyên táng tạm ở Thanh Hoa). Ấy chính là thế đất “Hổ yêu đái ấn, võ tướng trọng quyền”. Từ đó, cụ trở lên khỏe mạnh khác thường, bắn súng rất giỏi. Nhân đó kết bè đảng, sống phóng túng không chịu ràng buộc. Đông đảo hào kiệt bốn phương đều hướng lòng theo cụ. Tiếng tăm truyền rộng, cụ e mắc tội với triều đình mà lụy đến thân, bèn dẫn bộ chúng vào kinh tạ lỗi. Chúa Trịnh tức giận, giam lỏng cụ ở công đình. Một bữa cụ đi qua trường bắn, lúc ấy trong đó đang tập luyện võ nghệ, cụ nhìn vào rồi cười mà bảo: “Các ông bất tài như thế chả phí cả thóc gạo trong kho lẫm hay sao!”. Quan khảo thí nghe thấy thế liền sai vào bắn thử. Cụ nhanh nhẹn nâng súng lên nhẹ nhàng như không, bắn phát nào trúng phát ấy. Quan cho là cụ có tài lạ, mới đem sự việc bẩm lên. Chúa truyền cho vào gặp mặt. Cụ nhân đó mới kể lại sự nghiệp của tổ tiên cũng như công lao của cha ông mình đời trước. Chúa Trịnh bèn làm tờ khải dâng lên. Vua Thần Tông xem xong lời tâu mới dụ rằng: “Gia đình nhà ngươi vốn trung nghĩa, điều đó ai cũng biết. Nay tuy có lỗi, nhưng trẫm vẫn cho phép ngươi theo dự vào việc quân để lập công. Hãy kính cẩn mà làm theo”. Ngày hôm đó cụ được trao cho giữ chức Điển binh. 
[IMG]
Lăng Đại vương Đinh Văn Tả và hai phu nhân tại, làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương (Ảnh Đinh Văn Bình)
* Theo cuốn Hoàng Việt địa dư: 1. Các vị danh tướng làng Hàn Giang, từ Đinh Văn Tả giữ chức Điển binh thời Lê trung hưng, lập nhiều công trạng, trở thành người đứng đầu hàng công thần, tiếp sau ông các đời đều làm Quận công, lưng danh thiên hạ về tài đánh giặc. Tục ngữ có câu: “Đặng thị thế quan, Hàn Giang thế tướng” nghĩa là họ Đặng nối đời làm quan, họ Đinh ở Hàn Giang nối đời làm tướng. 2. Đền thờ cụ Đinh Văn Tả hồi xưa có chiếc chiêng thần, chính là dị vật của cụ lúc sinh thời dùng làm hiệu lệnh mỗi khi ra trận. Tiếng chiêng cao vút, uy nghi, vang xa hàng mươi dặm, ai nghe thấy cũng sợ hãi. Các vị con cháu đời sau của cụ hoặc tướng sĩ triều đình mỗi lần xuất chinh ra trận thường đến bái yết từ đường, khi đó nếu nghe tiếng chiêng ngân lên khe khẽ như tiếng sấm rền kéo dài thì chuyến ấy nhất định thắng trận. Sau đó trải nhiều cơn binh hỏa chiêng bị mất, không biết tăm hơi ở nơi nào. Người đời vẫn thường truyền nhau rằng đền của cụ có tiếng chuông ngân, thực ra đó là tiếng chiêng này vậy. 3. Ngày xưa truyền lại rằng đền thờ của Đinh Văn Tả rất linh thiêng, cảm ứng nhiều điều kỳ dị. Nơi đây điện gác lung linh, cây cối um tùm như một khu rừng nhỏ. Cò trắng tụ tập thành bầy suốt ngày ở đó, có đến nghìn vạn con, mà không hề lẫn lộn loài chim nào khác. Lại có đôi rắn lớn mình dài hơn trượng, vảy vàng, mào đỏ nằm cuộn khúc trong đền, dân chúng không ai dám phạm vào. Vào những ngày giỗ cụ, rắn hiện rõ thân hình nằm ở mé dưới hai bên ngai thờ của cụ, dáng như đang thị chầu. Viên chấp sự ở đền thường nom thấy cảnh tượng đó, chân tay run rẩy sợ hải mãi không thôi. Nhưng sau rắn không quấn ai, cắn ai bao giờ. Người ở đền cũng quen dần, thường nướng thịt cho rắn ăn. Hồi đầu xây thành Hải Dương, binh lính và dân thường ngộ phạm vào đền lập tức thổ huyết mà chết có đến vài người. Quan trấn là Ân Quang Hầu (Trần Công Hiến) phải sửa lễ cáo và cầu đảo ở đền mới qua được nạn. Còn nhiều truyền thuyết về Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả mà nhiều tài liệu lưu trữ lịch sử đã ghi chép để ca ngợi một con người cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp thống nhất, giữ nước và dựng nước, Trí Dũng vô song. Bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đinh Văn Tả là trách nhiệm không chỉ của các cấp chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên, cha ông. Chính vì vậy, ngày 25/9/2011, con cháu họ Đinh Hàn Giang, Hải Dương đã thành lập Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương với tâm nguyện qui tụ con cháu mang dòng máu của Đại vương Đinh Văn Tả cùng hướng về tổ tiên, cùng họ Đinh Việt Nam phát huy truyền thống oai hùng của cha ông, đoàn kết và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đinh Văn Tả. Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Hội thảo “Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước” do Hội sử học Việt Nam, Viện sử học Việt Nam và Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình. Nhân dịp Hội thảo khoa học “Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước” do Hội sử học Việt Nam, Viện sử học Việt Nam và Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Việt Nam tổ chức, Ban Liên lạc họ Đinh Hải Dương có một số kiến nghị Hội sử học Việt Nam, Viện sử học Việt Nam và Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Việt Nam nghiên cứu và làm sáng tỏ: 1. Tháng 2 năm 1942, khi thực dân Pháp đắp đường (đường đôi Hồng Quang ngày nay), dân công đào đắp đường đã đụng phải ngôi mộ mật táng của cụ Đinh Văn Tả và hai phu nhân công chúa. Lúc khai quật còn nguyên vẹn. Viện Đông Dương Bác cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam) đã về nghiên cứu, chụp ảnh làm tư liệu và đã lấy đi một số hiện vật quý khi an táng cho cụ theo nghi lễ Vương giả gồm: quần áo, mũ, cân đai, mạng, gươm bằng vàng, tráp trầu bằng vàng… Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương tha thiết đề nghị Hội sử học Việt Nam, Viện sử học Việt Nam và Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Việt Nam truy tầm những hiện vật trên và sao chụp những bức ảnh mà Viện Đông Dương Bác cổ đã chụp để dòng họ làm tư liệu quý. 2. Theo cuốn Đinh tộc gia phả Hàn Giang, Hải Dương do Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam thuộc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản và một số thông tin mà dòng họ Đinh Văn Hải Dương có được, trong thời gian ở Cao Bằng, cụ đã lấy vợ thứ là con của một quan lang. Khoảng năm 1994, có người là cán bộ Ban Kinh tế đối ngoại Trung ương mang họ Đinh, quê ở Cao Bằng tìm về nơi thờ cúng cụ Đinh Văn Tả. Theo Lời tựa cuốn “Đinh gia miếu ngọc phả truyện” được ghi chép lại như sau: “Hồi đầu, họ Mạc vụng trộm chiếm cứ vùng Cao Bằng, nước nhà còn bận rộn ngổn ngang công việc nên chưa rảnh tay tiêu diệt. Sau 6 năm mới sai Bình Bắc tướng quân nắm quyền Tiết chế thống lĩnh quân đội xuất chinh lên đánh dẹp. Họ Mạc hay tin bỏ chạy trốn lên phía bắc. Đất nước trở lại thanh bình. Cụ nhận lưu lại đó trấn giữ, phủ dụ dân chúng. Thời gian ấy cụ lại lấy một người thứ thiếp. Sau 3 năm cụ được lệnh mang quân về. Người thiếp khi đó đang có mang được năm sáu tháng, ngầm nấn ná trốn ở lại không chịu theo cụ về xuôi. Cụ bằng lòng cho ở lại, bèn cấp tiền giao cho anh em nhà ấy, dặn rằng nếu sinh con gái thì cho lấy theo họ mẹ, nếu sinh con trai thì phải theo họ bố”. Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương đề nghị Hội sử học Việt Nam, Viện sử học Việt Nam và Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Việt Nam cùng chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề nêu trên. Và chúng tôi cũng tha thiết đề nghị bà con họ Đinh ở Cao Bằng biết thông tin trên hãy liên hệ với Ban Liên lạc lâm thời họ Đinh Hải Dương để kết nối dòng họ trong gia phả tộc Đinh Văn Hải Dương.

Bằng cả tấm lòng thành kính với tổ tiên, tôi (Đinh Văn Bình, hậu duệ thứ 17) xin được mạnh dạn ghi chép, tổng hợp vài nét về thân thế và sự nghiệp của đức Đại vương thủy tổ họ Đinh Hàn Giang, Hải Dương. Bài viết đã sử dụng các tài liệu: Đinh tộc Gia phả Hàn Giang, Hải Dương của Đinh Huy Tụ do Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Thế giới, Hà Nội, 2003; cuốn Sử ký thân thế và sự nghiệp Đại vương Đinh Văn Tả của Đoàn Triển do cụ Đinh Văn Lạng, Đinh Sỹ Hịch sưu tầm và nhiều tài liệu khác. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đinh Văn Tả, ông Đinh Văn Thìn, ông Đinh Xuân Vinh (Nam Định), ông Đinh Văn Tuấn, bà Đinh Thị Hiền và bà Doãn Thị Mùi đã giúp tôi thực hiện bài viết này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.