Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

23/10/2015

Thơ Việt sau cú hích Đổi Mới (bài Nguyễn Trọng Tạo)

Bài bổ sung cho se-ri về chủ đề Đổi Mới đang chạy trên blog này.

Khi nhắc đến các nhà thơ Đại Việt nổi lên từ khoảng đầu và cuối thập niên 1990, thì Nguyễn Trọng Tạo có nhắc kĩ đến Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lãng Thanh với nhóm Chí Tâm (do Thiên Sơn khởi xướng).

Riêng về Lãng Thanh, có thể đọc trên blog này, ở đây.


Toàn văn là chép từ Văn hóa Nghệ An về.

---

Đổi mới và Thơ đổi mới

  •   NGUYỄN TRỌNG TẠO
  • Thứ tư, 14 Tháng 10 2015 22:23
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Nhà thơ Nguyễn Trọng tạoNhà thơ Nguyễn Trọng tạo
1. ĐỔI MỚI
Khi xã hội ngột ngạt, yếu kém, tất nhiên lãnh đạo đất nước phải nghĩ tới sự thay đổi xã hội cho tốt hơn. Vì thế mà công cuộc đổi mới của Việt Nam đã khởi ra từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, mà trước hết là “đổi mới tư duy”.
Đổi mới tư duy, là đểtìm thấy những phương cách hành động mới và nguồn sinh lực mới, trên cơ sở đó, có nỗ lực cao hơn hẳn về chất.Mẫu thức này thực sự đã làm thay đổi xã hội Việt Nam so với trước đó.
Tôi có 3 ấn tượng mạnh về cuộc đổi mới này, đó là: 1/ Đổi mới tư duy kinh tế xóa bỏ quan liêu bao cấp mở ra kinh tế thị trường, hội nhập thế giới, cụ thể là bỏ ngăn sông cấm chợ, bỏ sổ gạo, thay đổi phương thức sản xuất tập thể nhà nước sang cổ phần hóa, tư nhân hóa; 2/ Đổi mới tư duy chính trị, xác lập nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đặc biệt xuất hiện khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”và “Lấy dân làm gốc”; 3/ Đổi mới tư duy văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, phong phú, đa dạng, sáng tạo.
Tôi còn nhớ lúc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiếp xúc với giới văn học nghệ thuật và tuyên bố với mọi người rằng, “Hãy cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Còn ông Trần Độ, người khởi soạn nghị quyết 05 của Bộ Chính trị thì cho rằng, các nhà sáng tạo phải “tự dọn món ăn của mình cho công chúng lựa chọn”. Nghĩa là phát huy tận cùng năng lực cá nhân trong sáng tạo.
Sang thế kỷ XXI, Việt Nam tiếp cận “tư duy đột phá”, là cơ sở của kỷ nguyên kinh tế trí thức, mà trọng tâm là luôn hướng tới mục đích tối thượng - mục đích của mục đích, v.v…Điều này cũng chi phối tới cả sự phát triển của văn học nghệ thuật trong thời đại mới.
Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta có dịp nhìn lại văn học sau một quá trình đổi mới 30 năm. Riêng tôi, tôi chỉ phát biểu đôi điều về đổi mới thơ.
2. ĐỔI MỚI THƠ

Trong quá trình đổi mới của mỗi giai đoạn văn học, Thơ vẫn thường đóng vai trò tiên phong. Nó là một loại hình nhạy bén bậc nhất, nắm bắt và dự báo sự chuyển biến mạnh mẽ của thời đại. Có người coi Thơ như người lính xung kích của đạo quân văn học là vì vậy. Nhưng cũng chính vì vai trò xung kích, tiên phong ấy nên số phận của Thơ không chỉ có vinh quang, mà nhiều khi phải chịu nhiều cay đắng. Trong lịch sử Thơ ca, nhiều nhà thơ, bài thơ phải trả giá đắt trên con đường tìm kiếm những giá trị mới của mình. Cuối thế kỷ thứ XIX, tập thơ Lá Cỏcủa nhà thơ  Mỹ Oan Uytman trước khi được toàn thế giới hâm mộ đã từng bị coi là "một  cuốn sách bất lịch sự", và tác giả của nó liền bị viên Bộ trưởng Nội vụ đuổi ra khỏi cơ quan nhà nước. Đấy là ở Mỹ. Còn ở ta? Không phải không có những sự kiện tương tự như vậy. Tập thơ Cửa Mởcủa Việt Phương trước năm 1975 vừa cất lên một tiếng Thơ mới lạ, lập tức bị chối từ, bị lên án gay gắt. Cho mãi tới công cuộc đổi mới, giá trị mới mẻ của nó mới được đánh giá lại, được tái bản. Quả là việc tiếp nhận sự cách tân cả nội dung lẫn hình thức của Thơ không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.

Theo tôi thì trước 1975, thơ miền Bắc mạnh về “cái ta công dân”, thơ miền Nam mạnh về “cái tôi cá nhân”, nhưng sau thống nhất đất nước thì thơ cả 2 miền xích lại gần nhau và ngả dần vào “cái tôi bản ngã”. Đến thời kỳ đổi mới thì có thể nói là thơ nở rộ “cáitôi”muôn màu muôn vẻ: “cái tôi mông lung”, “cái tôi trò chơi”, “cái tôi dục tính”, “cái tôi vô thức”, “cái tôi tâm linh”, v.v…Rất nhiều người làm thơ xuất hiện, tuy nhiên, các nhà thơ nổi bật vẫn không nhiều. Điều đó không có gì lạ, vì nhiều nhà thơ thiếu cá tính sáng tạo, thiếu tư tưởng mới mẻ nên không đủ tạo ra một phong cách thơ độc đáo.
Trong sáng tác, không một nhà thơ nào lại không muốn thơ mình độc đáo, sâu sắc và mới mẻ khi đặt nó giữa rừng thơ nhân loại. Những nhà thơ Việt Nam xuất sắc đều xuất hiện như một cá thể sáng tạo đầy cá tính riêng biệt.
Người ta nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính, phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa phức. Có thơ đọc để hiểu và có thơ đọc để cảm. Có thơ để nói chí và có thơ để chơi…Từ lâu, Cao Bá Quát đã chạm tới cái thăm thẳm của thơ khi ông cho rằng “Cố tình hiểu nghĩa chỉ dại thôi”(tức tâm liễu nghĩa chân như si). Câu thơ của Cao tiên sinh như còn nhắc mãi những người “chăn thơ”, phán xét thơ hãy thận trọng. Nếu chỉ quen lối “chăn thơ”của thời bao cấp thì không thể có thơ đổi mới.
Đổi mới thơ là tự thân của sáng tạo thơ. Nhà thơ nào cũng muốn làm mới thơ mình, làm khác thơ người khác. Nhưng muốn làm và làm đươc, đâu phải chuyện dễ, nhiều khi lực bất tòng tâm. Nhìn lại cuối thế kỷ XX rất nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ tự dừng lại với những gì mình đã có. Nhưng vẫn còn một số nhà thơ tiếp tục “cách tân”mình như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, v.v... Cách tân theo lối thơ Tây, và cũng có người cách tân theo lối Việt, thâm chí có cách tân theo lối thơ phương Đông. Tôi cũng là người thời trẻ rất thích thơ Tây, và thơ Tây cũng đã kích thích sự cách tân thơ tôi, nhưng phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tôi mới nhận ra mình cần phải cách tân theo lối phương Đông. Nhờ thế mới có tập thơ Đồng dao cho người lớn và mấy tập thơ sau đó. Hoàng Trần Cương với trường ca Trầm tíchcũng làm cho thế hệ chống Mỹ hiện đại hơn khi anh đưa vào thơ dày đặc những động từ, tạo nên một “thi pháp động” trong thơ ta trước năm 2000…
Nhưng với đổi mới thơ, tôi đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ sau chúng tôi, sau cả Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Tuyết Nga… Tôi rất thích sự táo bạo thơ của họ. Họ táo bạo vì họ còn trẻ, họ còn tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Tôi còn nhớ, khi làm số báo Thơ kết thúc năm Giáp Thân (tháng 12/2004) tôi đã giới thiệu chùm thơ đầu tay của một nữ tác giả đang học lớp 12, đó là em Trương Quế Chi, sinh năm 1987. Mới 17 tuổi mà Chi đã có một thành tích đáng nể: Giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU 30, Giải thưởng nữ sinh Việt Nam 2003, đã xuất bản 7 tập truyện do em dịch từ tiếng Pháp, và trong "gia tài văn học" đầu đời đã xếp đầy những bài thơ có thể nói là độc đáo và sâu sắc. Thử đọc một trong số những bài thơ của Chi:

Chọn


Sáng
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi chọn cuốn thơ.

Trưa
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi chọn cuốn thơ.

Tối
một cuốn thơ và một bát cơm
thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
tôi cần cơ hội để biết:
thơ hay đến mức nào để từ chối bát cơm!
Tôi khá bất ngờ sau khi đọc bài thơ Chọn (và nhiều bài thơ khác) của Quế Chi. Hoá ra những người làm thơ trẻ hôm nay không chỉ làm thơ bằng bản năng, mà ngay từ khi cầm bút, họ đã ý thức được việc mình làm. Đấy là sự hướng tới  những giá trị đích thực của nghệ thuật, cái "món ăn tinh thần cao cấp" trong đời sống đầy trần tục của con người.
Khi 20 tuổi, Văn Cầm Hải viết: "Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc", "người dương cầm lên cơn tổng phổ", "Đời chị như viện bảo tàng/ treo đầy mặt nạ đàn ông" là khi anh đã tuyên ngôn cho thơ mình "Dù thời đại lưỡng tính/ anh không ăn bóng một thời đã qua". Đúng là "hệ thơ chống Mỹ" không hề có một tư duy thơ như thế, và người thơ 20 tuổi ấy đã xuất hiện đúng với sự tự lựa chọn của mình khi cho xuất bản tập thơ Người đi chăn sóng biển (Nxb Trẻ,1994) và những bài thơ sau đó chưa xuất bản thành sách. Thơ Văn Cầm Hải thoát khỏi lối viết tả thực mà tạo ra những ẩn dụ trừu tượng mới, chứng tỏ anh không hề bị "cớm bóng" dưới những đại thụ trước anh. Vi Thuỳ Linh, cô bé 18 tuổi đã giõng dạc tuyên ngôn cho thơ mình "Tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai kẻ khác". Và cô đã làm được điều đó qua những tập thơ Khát (Nxb Hội Nhà văn,1999) và Linh (Nxb Thanh Niên, 2000). Thơ Vi Thuỳ Linh trình bày "cái tôi không xấu hổ" trước những khuôn phép đầy dị nghị. Câu chuyện tình dục trong thơ Vi Thuỳ Linh khởi ra những cuộc tranh luận không ngã ngũ, làm xôn xao người đọc như một hiện tượng mới lạ trong thi đàn. Dù còn nhiều hoang mang trong sự nổi tiếng, hiếu danh, nhưng cũng đã có những câu thơ thực sự mới và hay: "chúng mình buồn như cặp bánh phu thê/  chiều quắt lại như mặt người ốm dậy". Phan Huyền Thư lại "Nằm nghiêng" trường kỳ trong ký hiệu những con chữ và tuyên bố: "Có lúc/ chữ nghĩa/ tôi cũng nhai nát trong miệng/ rịt vào vết thương người làm tôi đau". Những cảm thức văn hoá đã bị những khinh mạn chua cay pha chút đanh đá của một Thị Mầu đời mới đã khiến thơ Phan Huyền Thư ngả sang một chiều hướng khác với các giọng điệu cùng thời, và gây được ấn tượng nhoi nhói rất đáng kể. Cho dù Thư dùng quan niệm "Phật sát Phật" để trình bày quan điểm về thơ của mình, thì cái chất chua cay thi sĩ vẫn in đậm trong thơ của cô: "Váy ngắn thì chân phải cong"  hoặc "con này cởi quần nhanh lắm/ không phải bạ ai cũng vén miệng tụt lời", "yêu đương thì phải giữ gìn/ vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút/ ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha". Đã có nhiều nhà thơ nhìn Thị Mầu với cặp mắt ưu ái, cảm thông, nhưng Phan Huyền Thư thì khác, cô bĩu môi trước những ả Thị Mầu 97 (đời mới), và Thư hiện lên trong làng thơ với một dáng điệu cợt cười nhân quả. Nguyễn Hữu Hồng Minh là người công khai thú nhận chịu ảnh hưởng của các nhà thơ thần tượng trong và ngoài nước ngay từ thuở ban đầu bước chân vào làng thơ, nhưng anh cũng là người quyết liệt trong sự bứt thoát ra khỏi tính trung tính biếng lười của chữ nghĩa. Anh cúi sát xuống hiện thực để phát hiện ra những điều thật lạ lùng trong “Chất trụ”, “Bồn cầu”, “Hải cảng”: "Tôi đã ăn một hải cảng trong vòng ba tiếng đồng hồ... Tôi đang ăn cái đầu tôi"...Ký ức và hiện tại đan dính nhau qua tưởng tượng lạ lùng của nhà thơ, khiến thế giới thơ ca mở rộng đến vô cùng. Đầu thế kỷ XXI làng thơ trẻ đau đớn mất đi đột ngột một ngôi sao 25 tuổi, đó là Lãng Thanh. Cậu sinh viên vừa ra trường, thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung đã qua đời trong một tai hoạ, để lại một tập thơ Hoa được bạn bè trong nhóm Chí Tâm đưa đến nhà xuất bản Thanh Niên và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2003 khiến độc giả thảng thốt trong luyến tiếc. Đọc thơ Lãng Thanh, người ta như bị thôi miên vào một thế giới đầy ma mị và dễ vỡ, ngỡ như lạc vào siêu khí của Hàn Mạc Tử xưa lẫn xứ chân không của các nhà du hành vũ trụ thời nay. "Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió/ Con phiêu lãng cùng non tận thuỷ/ Nhưng những đoá hoa đánh con đau quá/ Con trở về bằng vết máu đầy tay" là những câu thơ mang chứa đầy ắp bất an. Đó là ý hướng lạ mà Lãng Thanh đã lựa chọn để trình bày hồn thơ của mình trước những ba động bộn bề của xã hội hôm nay...
Hầu hết những người làm thơ trẻ đều biết tự ý thức lựa chọn con đường riêng để đến với thơ ca. Những thuận lợi về học vấn và xã hội đã dành cho các nhà thơ trẻ như một đặc ân sau những triền miên đồng ca văn học một thời. Nhưng không phải tất cả những con sóng đều tới bờ, những nhà thơ thực sự có tài và đam mê sáng tạo sẽ tự khẳng định mình bằng chính tác phẩm, nhưng nhiều người làm thơ đã bỏ thơ ngay sau khi họ vừa xuất hiện. Có thể họ nhận ra sáng tạo thơ không thuộc về họ, hoặc họ còn có những nhu cầu khác khẩn thiết hơn thơ, như làm giàu chẳng hạn. Vẫn còn không ít người tiếp tục "u mê thơ ca". Mỗi ngày, họ lại bị cái đống xác chữ đè nặng tâm hồn cho đến lúc họ không thể thoát ra được nữa...
Vẫn biết mới và khác là hai yếu tố ban đầu của sáng tạo, nhưng sau mới và khác là phải hay? Nếu thơ không làm mới nghệ thuật ngôn ngữ của chính nó, không có tư tưởng gì cả thì mới và khác chả có ý nghĩa gì hết. Điều đó lại cần có tài thơ, như là thiên phú - trời cho.
3. NÓI THÊM
Cũng cần nói thêm, đổi mới, sáng tạo rất cần tới sự bảo hiểm của chính thống xuất phát từ Nhà nước. “Nhà nước có thể áp đặt một thị kiến với thế giới, rồi ngăn cản những thị kiến khác trỗi dậy, và tiêu diệt những thứ nào che khuất thị kiến của mình”- Nhà văn Octavio Paz đã từng chỉ ra: “Nhà nước có thể khuyến khích nghệ thuật mà không làm đồi truỵ nó, nhưng ngay khi Nhà nước tìm cách lợi dụng nó, thì chính Nhà nước làmnó biến dạng, ngợp thở, hoặc cải hóa nó thành một mặt nạ”.
Sáng tạo, đổi mới văn học nghệ thuật (đặc biệt với thơ) không chỉ có vinh quang mà còn đầy nguy hiểm, cay đắng. Từ những bài học của lịch sử, tôi cho rằng, để cho đổi mới liên tục phát triển, Nhà nước cần phải biết ứng xử công minh đối với các giá trị văn học, các trường phái, các thi pháp, các quan điểm khác nhau, mới hy vọng có những tác phẩm mang tính tư tưởng nghệ thuật lớn trong nền văn học mới của xã hội./.

http://vanhoanghean.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/doi-moi-va-tho-doi-moi



---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:




Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.