Rằng, năm 1997, vì muốn gửi in bài thơ bên Mỹ nên chị đã gửi đi, nhưng không nhớ là đã gửi cho Hợp Lưu, tạp chí Thơ, hay Thế kỷ 21…Đến đây thì câu chuyện đã “xoay chuyển” khác. Thay vì như mọi người nghĩ rằng Phan Huyền Thư là người đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan và chờ đợi chị xin lỗi, kèm xin rút giải thưởng, thì giờ, với lời tuyên bố này, có thể hiểu là Phan Ngọc Thường Đoan viết sau và như vậy, mới là người … “đạo” thơ. Chắc chắn, người “sốc” nhất khi nghe điều này, phải là Phan Ngọc Thường Đoan. Vì bỗng dưng, chị bị lôi vào cuộc và cũng bỗng dưng, trở thành người …bị ám chỉ đạo thơ.

Tuy nhiên, về khách quan mà nói, cho đến giờ phút này, ngoài tuyên ngôn của chính Phan Huyền Thư, thì các chứng cứ đều chống lại chị. Trước hết, về mặt văn bản chính thức được công bố, thì bài “Bạch lộ” in trong tập “Sẹo độc lập” của chị ra đời sau bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan tới 11 năm. Thứ nữa, trong cuộc trao đổi qua điện thoại của Phan Huyền Thư với nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, mà như chị Thường Đoan cho biết thì “cô ấy bày tỏ mong muốn tôi im lặng một thời gian vì cô ấy vừa trải qua chuyện lùm xùm với bài thơ của ông Du Tử Lê và cần để yên tĩnh trở lại. Phan Huyền Thư khóc, nói chưa từng đọc bài thơ “Buổi sáng” của tôi nhưng có nghe bài hát “Catinat cà phê sáng” của nhạc sĩ Phú Quang. Cô ấy còn hẹn ngày 19-10 sẽ bay vào Sài Gòn để gặp gỡ tôi trực tiếp.”

2 bài thơ giống nhau kỳ lạ, dù in cách nhau 11 năm.
Như vậy, Phan Huyền Thư đã biết bài hát “Catinat cà phê sáng” từ rất lâu. Mà, theo nhạc sĩ Phú Quang - người đã phổ nhạc và đổi tên bài thơ “Buổi sáng” của Thường Đoan thành “Catinat cà phê sáng” - thì ca khúc này được ông tuyển chọn vào CD Phú Quang album 5 “Về lại phố xưa”, phát hành năm 2001, trong đó ghi rõ: “Thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhạc Phú Quang”. Khi Phan Huyền Thư nghe bản nhạc này, lẽ nào, chị lại không biết rằng, tác giả lời không phải là mình và nếu thực sự Phan Huyền Thư là tác giả, lẽ nào chị lại không ít nhất một lần lên tiếng với nhạc sĩ Phú Quang trong suốt ngần ấy năm qua? Vả lại, nếu thực sự là tác giả thì vì sao ngày 19/10 nhà văn Phan Huyền Thư lại phải gọi điện cho nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan để thương lượng và hẹn vào Sài Gòn để trao đổi? 

Lại nữa, trong phân trần của chị với báo chí vào sáng 20/10, Phan Huyền Thư có đưa ra chi tiết rằng, bài thơ của chị “tên ban đầu của nó không phải “Bạch lộ” mà là “Độc ẩm trước bình minh”, rồi chuyển thành “Độc ẩm cuối thu”. Chị còn nêu rõ “Nhà thơ Thụy Kha còn bảo tôi nên lấy ngắn gọn là Độc ẩm. Độc ẩm là một mình rồi, đã một mình lại còn trước bình minh hay cuối mùa thu đều không quan trọng...”

Tuy nhiên, ngay sáng 20/10, chúng tôi đã liên lạc với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, để hỏi xem ông có xác nhận rằng, ông đã đọc bài “Bạch lộ” từ năm 1996 như Phan Huyền Thư nói hay không, thì ông cho biết: Ông và nhà thơ Lê Đạt từng có nghe Phan Huyền Thư đọc một bài thơ có tên “Độc ẩm”, nhưng không nhớ câu nào nên không khẳng định “Độc ẩm” có phải là bài “Bạch lộ” không, vì thời gian quá lâu rồi. Còn giờ Phan Huyền Thư nói thế nào là việc của cô ấy.

Rõ ràng là nhân chứng mà Phan Huyền Thư đưa ra đã không xác nhận rằng “Bạch lộ” và “Độc ẩm” là một. Vì thế, cách dẫn dắt việc bài thơ “Bạch lộ” từng có tên “Độc ẩm” trước khi đổi tên, nhằm tạo ra một nhân chứng cũng hoàn toàn không đủ sức thuyết phục.

Bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan được ghi rõ sáng tác năm 2000 trong tập Đếm cát in 2003.

Cho đến giờ này, mặc dù cách nói của Phan Huyền Thư đang ám chỉ Phan Ngọc Thường Đoan mới là người đạo thơ chị, nhưng chị vẫn chưa đưa ra được bất kỳ một tài liệu nào có đủ tính pháp lý như Phan Ngọc Thường Đoan đã có, để chứng minh cho sự đúng đắn của mình. Trong khi đó, chỉ vài ngày trước, chính Phan Huyền Thư vừa bị cho là đạo thơ của Du Tử Lê. Hơn nữa, là gần 10 năm trước, chị từng đạo văn của không chỉ một người. Không phải là thành kiến với quá khứ, nhưng một người từng có “thành tích” trong vi phạm tác quyền như vậy, thì trong trường hợp cụ thể này, độ tin cậy sẽ ra sao? Đặc biệt, trong bối cảnh Phan Huyền Thư từng tiền hậu bất nhất: Năm 2007, sau khi đã công khai xin lỗi các tác giả Đặng Tiến, Bùi Bảo Trúc vì đã đạo văn của họ, thì sau đó, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, chị lại cho rằng mình không đạo văn mà chỉ làm công việc sưu tầm.

Mới nhất, tối 18/10, chị gọi cho Phan Ngọc Thường Đoan để đề nghị tác giả “Buổi sáng” im lặng giùm, thì ngày 20/10, chị lại lên tiếng khẳng định chị sáng tác bài thơ năm 1996.

Có một điều chắc chắn là, với ngần ấy sự kiện, ngần ấy tư liệu, đã đủ để dư luận hiểu được ai mới là tác giả đích thực của bài thơ. Cũng như chính Phan Huyền Thư là người biết rõ nhất, ai là người trung thực, ai là người gian dối trong vụ này.

Phan Huyền Thư nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ “Sẹo độc lập”.
Thanh Hằng