Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/08/2015

Về kiểm dịch của Chu Giang đối với "kiểm dịch Trần Đình Sử"

Về kiểm dịch đối với kiểm dịch Trần Đình Sử, có thể đọc lại ở đây.

Sau là hai bài "kiểm dịch lại kiểm dịch".

Một bài của một vị tự xưng họ Bàn ở Yên Bái (có thể hoàn toàn là nặc danh) trên Tiền Vệ.

Và một bài là của Phùng Nguyễn trên VOA. Lỗi bất ngờ xảy ra ngay từ cái tên bài của Phùng Nguyễn.

---

1.



Tự trao cho mình nhiệm vụ "kiểm dịch Trần Đình Sử", tác giả Chu Giang đã viết một bài phê bình khá dài, được chia thành hai kỳ liên tiếp in trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 363, 364Bài trao đổi của Chu Giang, một cây bút phê bình tự đọc, tự học, tự vươn lên, với các nhà khoa học ngành xã hội cho thấy tinh thần đấu tranh dũng cảm “phi thường” của tác giả. Chúng tôi đã theo dõi rất kỹ và cũng muốn noi theo tinh thần đối thoại của ôngđể xin phép nêu lên những nhận định riêng của mình. Rõ ràng là, qua hai bài viết của Chu Giang, chúng ta thấy rằng có một khoảng cách vô cùng lớn giữa đọc và diễn giải, giữa diễn giải đúng và diễn giải sai trong khoa học nhân văn tại Việt Nam.
Trong bài thứ nhất đề cập tới chương 1 luận án của Trần Ngọc Hiếu, Chu Giang cho rằng “tư tưởng của Luận án không có gì mới mà chỉ nhại lại, diễn đạt lại tư tưởng của các học giả nước ngoài”. Nếu tôi hiểu đúng thì trước khi bắt tay vào công việc nghiên cứu, tác giả cần trình bày lịch sử của vấn đề. Điều này càng cần thiết nếu nhà nghiên cứu phải sử dụng một mô hình lý thuyết mới để áp dụng vào thực tiễn. Vậy ở đây việc Trần Ngọc Hiếu nhắc lại những quan điểm lý thuyết, mà theo tôi biết là cực kỳ đa dạng và bề bộn bởi lịch sử hơn 2500 năm của người nước ngoài mà được Chu Giang định giá là “nhại lại” và “diễn đạt lại” có phải là một cách nói thậm xưng (hay là nói ngược?) để không khí bài viết đỡ căng thẳng? Thực ra Trần Ngọc Hiếu chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của một nghiên cứu sinh là trình bày lịch sử vấn đề của lý thuyết trò chơi trong luận án của mình. Có nghĩa là anh ta phải hệ thống hoá lại những tác phẩm và tác giả lớn đã bàn về lý thuyết này từ cổ chí kim. Nếu như anh ta không thực hiện thao tác “diễn đạt lại” chắc các thành viên trong hội đồng sẽ đánh giá Trần Ngọc Hiếu là một nghiên cứu sinh thiểu năng trí tuệ. Giá mà Chu Giang trước khi đem đi in, ông đưa bài viết này của mình cho một ai đó đã từng bảo vệ luận án tiến sĩ đọc thì chắc chắn tránh được sơ xuất này. Sau đó, Chu Giang tiếp tục diễn giải lý thuyết mà Trần Ngọc Hiếu giới thiệu bằng một câu đánh giá rất ngắn, đầy uy lực: “Và không đúng với thực tiễn!”. Tôi tin rằng Chu Giang nói chẳng sai vì chẳng lý thuyết nào bao quát được thực tiễn phong phú bề bộn cả. Chủ nghĩa Marx, như chính nhà triết học khẳng định, vẫn cần được bổ sung bằng thực tiễn thuộc địa ở châu Á kia mà. Và nếu như theo cái cách suy luận của Chu Giang thì những triết gia như Marx cũng cần phải đem ra “kiểm dịch” vì đã từng mắc cái tội “không đúng với thực tiễn”. Xem ra bài viết sau của Chu Giang sẽ phải là Kiểm dịch Karl Marx rồi.

Khi nhận định rằng “tác giả Luận án tỏ ra vọng ngoại có mục đích về lý thuyết trò chơi…” vì cho rằng “dẫn lại tư tưởng của các tác giả nước ngoài cần phải phân tích cơ sở xã hội lịch sử - văn hoá của các luận điểm đó […] Luận án hoàn toàn lẩn tránh vấn đề này”, Chu Giang có dịp phô bày sở kiến của mình bằng những câu thành ngữ tục ngữ về sự “chơi” của người Việt Nam. Điều ấy cho thấy, theo tác giả bài báo, ông cha ta từ rất sớm đã ý thức được vai trò của hoạt động này: “Truyện cười, truyện tiếu lâm, Trạng Quỳnh - Xiển Bột, Hồ Xuân Hương là những mô hình mẫu mực trong trò chơi văn chương. Không biết trên thế giới có cái truyện Thầy đồ ăn bánh rán không nhỉ? Hoặc na ná như thế”. Chu Giang quả là tinh tường quá, xem ra các nhà triết học phương Tây từ cổ chí kim khi xây dựng những giả thuyết của mình chưa có điều kiện ngoại ngữ cũng như do những cách trở về giao thông để tiếp cận những tri thức dân gian đó. Nếu được, hẳn là mô hình tư duy lý thuyết phương Tây sẽ phong phú, gần với cuộc sống dân dã, và được điều chỉnh cho phù hợp với tư duy dân gian của người Việt. Chính vì sơ xuất này của các học giả phương Tây nên khi viết về lịch sử lý thuyết trò chơi Trần Ngọc Hiếu đã không đề cập tới mấy nhân vật trào tiếu Trạng Quỳnh, Xiển Bột… để cho vừa lòng một cây bút phê bình ngày đêm đau đáu “vọng nội”.

Nhận định rằng khoa học xã hội cần “hướng hoạt động văn hoá, văn học vào xây dựng con người, xây dựng các quan hệ xã hội theo hướng nhân văn Chân - Thiện - Mĩ”, Chu Giang hẳn cho rằng cần phải có một đề tài “đẹp” trong nghiên cứu khoa học? Giá như Chu Giang định nghĩa rõ thế nào là một đề tài “đẹp” trong nghiên cứu khoa học thì tốt quá, biết đâu Trần Ngọc Hiếu sẽ thức tỉnh để rồi từ nay về sau cứ cái “đẹp” ấy mà theo đuổi. Thực ra Chu Giang né tránh cũng dễ hiểu thôi vì chỉ nguyên bàn về cái đẹp thì tác giả cũng phải đọc kỹ lịch sử Mỹ học tới mấy ngàn năm bắt đầu từ những quan niệm nền tảng của Platon. Mà trong quá trình bàn tới cái Đẹp sẽ không thể tránh khỏi những “thao tác diễn đạt” lại những kiến thức của phương Tây. Làm thế khác nào tự dẫm lên chân mình, tốt nhất là lờ đi, vừa bảo toàn được danh dự, vừa đỡ phải đọc và tra cứu mệt người. Và nếu cứ đeo đuổi cái đẹp mà Chu Giang “ép” Trần Ngọc Hiếu tuân theo thì Vũ Trọng Phụng sẽ bị lên án vì đã tạo nên bức hí họa bằng ngôn từ về sự xấu xí, và các nhà bác học sẽ không ai dám nghiên cứu vi trùng lao nữa để cho ngày nay bệnh lao vẫn hoành hành cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Chu Giang là một cây bút hướng thiện nên có vẻ hay lo xa, một luận án phân tích để đánh giá “giá trị lớn nhất” của những đối tượng được nghiên cứu, thì đó chỉ là trong phạm vi của chính đối tượng, thế nhưng ông cứ sợ rằng tác giả sẽ tranh thủ khái quát thành “giá trị lớn nhất cho cả thời đại” và sẽ làm phương hại đến đạo đức xã hội. Lo xa thì cũng tốt nhưng mắc bệnh cả lo chưa biết chừng vừa hại người vừa mệt thân. Từ những diễn giải của cá nhân mình về luận án của Trần Ngọc Hiếu, có thể thấy Chu Giang đã lẫn lộn giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu: nếu đối tượng nghiên cứu đáng ghét thì hẳn người nghiên cứu nó cũng chẳng ra gì. Cách suy luận này khá nguy hiểm vì như vậy nhân loại sẽ khinh rẻ, miệt thị nhà bác học Koch vì đã dành cả đời nghiên cứu vi đám vi trùng lao gớm ghiếc. Và cứ mở rộng, khái quát hóa như thế, các lý thuyết khoa học sẽ cho thấy sự ngu dốt của các nhà khoa học vì toàn tìm ra những điều xấu xa của thiên nhiên và nhân loại. Xem ra cứ đà này thì khoa học coi như đi vào tuyệt lộ.

Trong một mạch say sưa về các lý thuyết mang tính khái quát hóa ấy, Chu Giang mở rộng trong bài báo thứ hai của mình để phê phán Trần Đình Sử về sự bất cập trong “đường tri thức”. Trước hết bài báo có phần “trữ tình ngoại đề” đầy tâm huyết về những tệ lậu xã hội hiện tại, ở đó giọng văn của Chu Giang thấm đẫm tinh thần ưu thời mẫn thế. Kết cấu bài báo phê phán một giáo sư văn học được mở đầu bằng một tinh thần ưu thời như vậy, đủ thấy bút lực dồi dào cũng như cảm xúc ào ạt từ một Chu Giang năng nổ. Có điều tôi không hiểu giữa những sự kiện được nhắc đến đó và một giả thiết nghiên cứu văn học về ngoại biên có mối quan hệ gì. Phải chăng vì lý thuyết ngoại biên trong văn học (nó mạnh đến thế chăng?) mà xã hội phải chịu những tệ lậu đó? Nếu thế thì lý thuyết ngoại biên tội to quá, vụt mấy roi cũng chẳng bõ bèn gì.

Trong chuyện chỉ ra những bất cập của Trần Đình Sử, Chu Giang rất tài tình bóc tách thành vấn đề thái độ, phương pháp và nội dung học thuật. TrongLời nói đầu của một cuốn sách, Trần Đình Sử viết: “Các ý kiến của tôi chắc chắn khó tránh khỏi khuyết điểm, mâu thuẫn hoặc chưa chín. Đó cũng là chuyện thường tình. Sau đó Chu Giang diễn giải câu “Đó cũng là chuyện thường tình” thành một đoạn văn lời gián tiếp tự do mà các nhà văn hiện đại vẫn thường hay sử dụng cho nhân vật của mình. Họ sử dụng tài tình đến mức người đọc thoạt đầu không phân biệt được đó là lời người kể hay lời nhân vật. Và Chu Giang đã dũng cảm sử dụng lời gián tiếp tự do theo lôi tiêu thuyêt trong một bài viết phân tích bình luận. Chưa biết chừng Chu Giang đã trao cho Trần Đình Sử một giá trị nhất định trong những lời lẽ như sau: “Ăn được thì ăn, xài được thì xài, không thì bỏ đó nhé. Sống mới chả chín. Đây chỉ có thế. Nó là chuyện thường tình xưa nay. Rách chuyện”. Tôi chưa được đọc chuyên luận của Trần Đình Sử, bởi cách trở đò giang, nên không thể lạm bàn. Nhưng nếu ông có nói đến sự diễn giải lại lý thuyết của Bakhtin thì âu cũng là chuyện thường gặp bên xứ trời tây vốn hay lôi chuyện lý thuyết ra để bàn lại. Việc xác định xem Trần Đình Sử có mới được hay không khi diễn giải lại ở một chuyên luận khoa học vài trăm trang thường cần ít nhất một nghiên cứu so sánh phân tích vài chục trang. Trong bài này qua một phán đoán đầy hồ hởi: “Giáo sư đã diễn giải lại, theo tôi, là rất sai, trường hợp lý thuyết ngoại biên của Bakhtin. Chỗ này, Giáo sư tỏ ra vào hàng kép nhất mà diễn giải lại cái vở của Bakhtin thôi. Hoàn toàn không có tri thức gì mới”, Chu Giang một lần nữa cho thấy tinh thần bút chiến đầy bản năng và cảm tính khi đánh giá rất nhanh sự bất cập của Trần Đình Sử. Và bỗng dưng bài phê bình này bắt đầu có không khí của tiểu thuyết.

Nhân chuyện này, nói đến tác giả đang tồn nghi Bakhtin/Voloshinov, Chu Giang thận trọng nhắc đến sự không đáng tin cậy của “tư cách học thuật Bakhtin” và “phải chờ đợi thông tin ở các chuyên gia văn học Nga”. Thế nhưng sau đấy dường như Chu Giang vẫn kịp quyết đoán rằng “Bakhtin có nhiều khả năng là một tay đại bịp”. Dĩ nhiên khoa học thì có sự tiến triển, cho nên việc cách đây hai mươi năm người ta chưa nhận ra tư cách “bịp” của Bakhtin (nếu có) thì cũng là dễ hiểu. Bản thân Ngô Tự Lập cũng rất thận trọng, dù không kém phần quyết liệt, khi nói rằng “cuốn sách của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota [những tác giả “lột mặt nạ” Bakhtin-TG] dù rất công phu nhưng không phải là tiếng nói duy nhất hoặc cuối cùng” (Lời giới thiệu công trình Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Nxb ĐHQG, tr.34). Nhưng đem một tồn nghi để khẳng định một nghi vấn là một cách chứng minh phản chứng khá lạ lùng và thú vị. No´ cho thây ngươi viêt không chi? co´ năng lưc tương tương phong phu´ ma` co`n co´ kha? năng lât ngươc vân đê hiêm co´, thay đôi bu´t pha´p linh hoa?t. Bài phê bình bông nhiên chuyển đôi thê loa?i, tư nghiên cưu sang trạng thái của tản văn hay nhàn đàm gì đó. Vừa mơ hồ vừa ngộ nghĩnh, xem ra cũng ấn tượng lắm. Hơn thế, Chu Giang đã khái lược lại rất dễ hiểu, giản dị, nôm na vấn đề “ngoại biên”, dĩ nhiên là theo cách hiểu của cá nhân ông. Chúng ta cùng chia sẻ sự đánh giá của ông: “Khi nghiên cứu khoa học phải tìm ra sự khác nhau giống nhau và quan trọng hơn là phạm trù này có thể vận dụng được gì ở phạm trù kia, mà không thể thuyền đua thì lái cũng đua, con cóc cũng nhảy con cua cũng bò... ấy là về lí thuyết”. Để từ đó ông nhận định sáng tạo rằng “Hiệu ứng ngoại biên mà Bakhtin vận dụng là của lí thuyết sinh học”. Nhận định này dường như đã đẩy tiếp nhận của bạn đọc đi chệch hướng. Họ bỗng nhiên bị quyến rũ bởi hiểu biết của Chu Giang về thuỷ sản lẫn sinh học. Viêc ông nhắc thêm tới cá song, cá vược, cá nhệch của vùng nước lợ đa~ khiên ba`i viêt ngả sang hướng đồng dao đâm chât thôn quê. Cũng nhân nói về tư cách học thuật của Bakhtin nhằm phê phán tri thức của Trần Đình Sử, Chu Giang dẫn ý kiến phân tích của Ngô Tự Lập rằng: “Theo Ngô Tự Lập thì Bakhtin là người chống Marx quyết liệt từ đầu đến cuối. […] Và phương Tây bốc Bakhtin lên như nhà bác học lớn của thời đại, nhà tư tưởng lớn của thời đại, phải chăng, trước hết, và xuyên suốt, cuối cùng, vì Bakhtin là kẻ không đội trời chung với chủ nghĩa Marx?”. Vì không được đọc bài của Ngô Tự Lập, tôi chưa hiểu rõ ý của Chu Giang. Phương Tây như tôi biết luôn đề cao Bakhtin/Voloshinov như là tác giả Marxist của ba công trình xuất sắc: Rabelais, Dostoievsky và Chủ nghĩa Marx. Hãy đọc lời giới thiệu của bản tiếng Pháp do Marina Youguello viết cho bản in của Nxb Seuil (1977): “Những vấn đề này [ký hiệu và hành vi phát ngôn, ý thức hệ - TG] mà nhân loại nhiều lần đặt ra trước ông, Bakhtin là người đầu tiên đề cập trong khuôn khổ chủ nghĩa Marx” (tr. 12). Chưa nói đến những lời ngợi ca về chủ nghĩa Marx được cụ thể hóa trong các nghiên cứu của Bakhtin/Volos inov, thì việc Chu Giang cho rằng phương Tây ca ngợi vì Bakhtin chống Marx có lẽ nhằm ý khác chăng? Bởi lẽ Marx thực chất đã là một phần của di sản văn hóa phương Tây và luôn là một thử thách về học thuật đối với một số nhà nghiên cứu lớn. Họ luôn đối thoại, phê phán, chỉ trích, tái diễn giải nhưng không đối lập và hạ bệ. Hệ hình khoa học không cho phép người ta đem cảm xúc cá nhân vào để nói có thích hay không thích Marx, và vì thế có muốn đọc Marx hay không, Marx có giúp ích gì cho việc giảm bớt tệ nạn xã hội ngay lập tức. Sự duy lý chặt chẽ đến cùng cực của khoa học phương Tây đối với Chu Giang hẳn là nhược điểm vì luôn đòi hỏi những chứng minh cụ thể chi li, hệ thống và không tính đến thực tiễn, đến cảm xúc con người, đến cuộc sống nôm na dân dã. Cứ theo đã suy diễn này thì thật tội nghiệp cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Việt Nam vì chúng thiếu thốn nghiêm trọng cảm xúc và thực tiễn mang đẫm sắc thái bình dân.

Thế mà những bài viết của Chu Giang đã mang lại một làn sóng mới của cảm xúc thường ngày khi trực diện phê phán những điều mà ông cho là sai lầm trong khoa học. Khẳng định rằng “chân lý được kiểm nghiệm được khẳng định thừa nhận là trong thực tiễn, qua thực tiễn” chứ không phải qua đối thoại là một ý kiến mạnh bạo đáp trả tinh thần học thuật tháp ngà. Nhận thấy “đối thoại mà có được chân lý thì Giáo sư thua xa các chị em trên chợ Đồng Xuân”, Chu Giang đã khẳng định ý kiến cá nhân nhằm nâng cao giá trị sinh sắc và phong phú của đời sống trong báo chí cũng như trong học thuật. Không hiêu Chu Giang co´ duyên nơ gi` vơi môt va`i chị em bán hàng Đồng Xuân hay trót say mê mấy món quà vặt (bún riêu, trứng vịt lộn…) do họ nấu mà lại ám ảnh ngôn ngữ đối thoại của mấy chị em này đến vậy. Đến nước này chắc các giáo sư phải tính đường tháo chạy, nhường tháp ngà lý thuyết cho chị em ngoài chợ, ngôn ngữ học đường cần lùi chỗ cho từ ngữ vỉa hè, suy luận lý thuyết cần dừng lại trước những cảm nghĩ nôm na. Khoa học ơi, ta xin chào mi!

Thực ra thì tôi rất khoái tinh thần bút chiến hồn nhiên, hồ hởi đầy bản năng của Chu Giang. Việc ông lẫn lộn hành ngôn trong nghiên cứu khoa học và hành ngôn trong những tác phẩm mang tính hư cấu cũng không phải là chuyện to tát. Đọc xong thấy cũng ngồ ngộ, vui vui. Đành rằng, một tác phẩm lý luận phê bình rất tối kỵ những suy diễn cảm tính, quy chụp và bộc lộ những xúc động vặt nhưng mà Chu Giang đã bao giờ tham gia những khoá đào tạo sau đại học đâu, vì vậy chúng ta có thể thông cảm. Ông có quyền ca´ nhân trong viêc nêu lên những cảm nghĩ cá nhân của mình về các tác phẩm, tác giả mà ông thấy bất ổn. Chỉ những ai lợi dụng bài viết của Chu Giang để làm phương hại tới danh dự của Trần Đình Sử, Trần Ngọc Hiếu thì mới thực sự đáng thương hại vì họ đã trông đợi quá nhiều vào những bài viết khá mông lung và ấu trĩ của Chu Giang.

Yên Bái những ngày lập thu 2015
Bàn Văn Thòn
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=19099


2.



Phùng Nguyễn


Trong bài viết “Nhân trường hợp Võ Phiến nhìn lại sự kiện Luận văn Nhã Thuyên” người viết cảnh báo rằng sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” có thể không phải là cú giãy cuối cùng và vô hại của nền phê bình chỉnh huấn. Như thực tế chứng minh,  với sự đỡ đầu của bạo lực, cú giãy đã gây thương tích trầm trọng cho các nạn nhân. Không chỉ có Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và Nguyễn Thị Bình mà còn cả sự thoái bộ đáng tiếc của tự do học thuật ở các cấp Đại học trên toàn quốc. Và điều tệ hại hơn nữa, không có gì bảo đảm đây sẽ là cú giãy sau cùng.
Quả đúng như vậy, Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, người đã phát động chiến dịch “đánh” thạc sĩ Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và  và PGS TS Nguyễn Thị Bình lại vừa bắt đầu một cuộc tấn công mới, lần này nhắm vào GS TS kiêm nhà giáo ưu tú Trần Đình Sử và học trò của ông, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu. Lần này, thay vì luận văn thạc sĩ, “tang vật” là một luận án tiến sĩ có tên Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại. Và cũng như lần trước, bài viết của Chu Giang, gồm 2 phần, được phổ biến trước tiên trên tuần báo Văn Nghệ Thành phố HCM dưới một tựa đề thiếu lễ độ “Kiểm dịch Trần Đình Sử.”
Ngay lập tức đã có những phản ứng mạnh mẽ chỉ riêng với cái tựa đề. Cụm từ “kiểm dịch” chủ yếu được áp dụng cho việc cô lập các sinh vật (kể cả con người) mang bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo để ngăn chặn lây lan. Bằng cách đòi “kiểm dịch” GS Trần Đình Sử, phải chăng Chu Giang có ý cáo buộc nhà giáo ưu tú này là một con bệnh nguy hiểm cho hệ thống quyền lực, cần có biện pháp đề phòng, cô lập? Một người bạn Facebook của tôi đã phải kêu lên, “Một giáo sư đại học cao niên, một nhà khoa học đáng kính mà bị đối xử như một con vật đem ra kiểm dịch như vậy thì hỡi nền giáo dục Việt Nam, hãy tàn lụi đi!!!”
Để cho công bằng, Chu Giang có thể phân trần rằng việc chọn cái tựa đề khó nghe này thật ra chỉ là một hình thức nhằm trả đũa bài bình luận “Phê bình kiểm dịch” mà giáo sư Trần Đình Sử đã treo trên blog cá nhân của ông và được phát tán rộng rãi trong giai đoạn sôi nổi nhất của sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên.” Trong mọi trường hợp, việc kéo chằng cụm từ  kiểm dịch với tên tuổi của vị giáo sư này không thể được xem là một hành động tử tế. Không chỉ riêng cái tựa, phần nội dung cũng chẳng tử tế gì nếu không muốn nói là tệ hại hơn rất nhiều. Như người đọc có thể đoán được,  không có gì mới trong bài viết mang tính “đấu đá” của Chu Giang, vẫn luận điệu truy chụp bằng cách trích dẫn ngoài ngữ cảnh và diễn dịch một cách đầy ác ý  một số những câu những đoạn trong luận án Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại của TS Trần Ngọc Hiếu.
Xin trích dẫn một số đoạn trong bài “Kiểm dịch Trần Đình Sử”  (phần I & II) và xin phép không đưa lời bình luận vì hoàn toàn không cần thiết:
1.     “Cái nguy hiểm của Lý thuyết trò chơi… mà thầy trò Trần Đình Sử – Trần Ngọc Hiếu vận dụng là ở chỗ dùng trò chơi văn chương (trò chơi thơ, chơi chữ nghĩa để giải trung tâm, giải thiêng, giải chính thống, giải trật tự hiện hữu, giải truyền thống văn hoá lịch sử – như là một tôn ti, trật tự siêu nghiệm.”
2.    “Luận án này toát lên tình trạng bất an bất định muốn chống lại, giải cái trung tâm chính thống truyền thống, phá vỡ cái hiện hữu, đạp lên cái tiền lập… Nhưng để đi đến cái gì? Những người thực hiện Luận án đã không trả lời được, hoặc không muốn, mà ngầm hiểu: hẵng phá vỡ cái hiện hữu đi đã!”
3.    “Đấy là tư tưởng nguy hại của Luận án này. Trong khi xã hội muốn hướng hoạt động văn hoá, văn học vào xây dựng con người, xây dựng các quan hệ xã hội theo hướng nhân văn Chân – Thiện – Mĩ thì Luận án này lại khẳng định, đề cao khuyến khích xu hướng ngược lại: Phá vỡ tất cả! Lật đổ và phá vỡ!”
4.    “Theo Ngô Tự Lập thì Bakhtin là người chống Mác quyết liệt từ đầu đến cuối. Cái giải trung tâm, ngoại biên hóa, chống lại trung tâm, chính thống của thuyết ngoại biên là có nguồn cơn từ đó chăng? Và phương Tây bốc Bakhtin lên như nhà bác học lớn của thời đại, nhà tư tưởng lớn của thời đại, phải chăng, trước hết, và xuyên suốt, cuối cùng, vì Bakhtin là kẻ không đội trời chung với chủ nghĩa Mác? Mà việc bốc thơm, tung hô Bakhtin ở Việt Nam gần đây nó có cái hơi hướng đó không?”
Nghĩ cho cùng, “không đội trời chung với chủ nghĩa Mác” là chuyện bình thường với hầu hết các thể chế chính trị trên thế giới, đâu có gì để làm ầm ĩ! Nhưng chỉ riêng tại Việt Nam, và tại nước bạn thân thiết Trung Quốc, “không đội trời chung với chủ nghĩa Mác” là một tội danh có thể khiến cho người bị cáo buộc nhanh chóng trở nên thân tàn ma dại.
Có thể nói Chu Giang là một trường hợp điển hình của chính sách ”phê bình kiểm dịch” mà GS Trần Đình Sử đã từng phân tích.  Phê bình kiểm dịch dựa dẫm vào quyền lực của giới thống trị, không xem trọng lý luận khoa học, không cần đến bài bản mới. Không phải phương pháp truy chụp kiểu này đã từng có hiệu ứng rất cao trong sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” hay sao?
Tuy đang trên đà thừa thắng xông lên, Chu Giang cũng không quên nhìn trước ngó sau. Giống như lần trước, mục tiêu của lần này cũng là cặp đôi, nhưng chỉ xét riêng về mặt học vị, đây là “con mồi” lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể đến danh vọng và uy tín của giáo sư Trần Đình Sử. Theo Phạm Thị Hoài, “GS Trần Đình Sử đã giảng dạy Lí luận Văn học hơn hai mươi năm tại Trường ĐHSP Hà Nội, nơi ông cũng từng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình nghiên cứu về Thi pháp học. Từ mười năm nay ông là ủy viên Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.” Lớn thì khó nhá, cho nên Chu Giang đã cẩn thận chừa đường tháo lui bằng một tuyên bố ngay ở đoạn đầu của phần II:
“Về mọi phương diện, Luận án của Trần Ngọc Hiếu tệ hại nguy hiểm hơn Luận văn của Đỗ Thị Thoan rất nhiều. Tác hại xã hội của nó là ở cấp độ cao hơn. Song chúng tôi sẽ không đề nghị huỷ bỏ Luận án thu hồi học vị, xem xét trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học và Hội đồng chấm luận văn.”
Tại sao có sự ”khoan dung?” Bởi vì, theo Chu Giang, cái nguyên tắc “vuốt má nể môi” và cũng bởi vì “GS.TS Trần Đình Sử tuy thế, vẫn còn gắn bó với trung tâm, với cái chính thống, với thể chế này lắm.” Người viết bài này e rằng phát biểu huênh hoang của Chu Giang nhiều phần chỉ nhằm che giấu sự thiếu tự tin vào kết quả của lần “đấu tố” này. Tuy vậy, cũng không nên loại trừ khả năng Chu Giang được sử dụng như là một cái loa phường để những người đứng trong bóng tối gửi ra cái thông điệp răn đe những ai cố tình đi chệch ra khỏi con đường “tự do học thuật” đã vạch sẵn.
Nếu một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức dành cho những người quan tâm đến thực trạng văn hóa giáo dục của Việt Nam, tôi tin rằng số người không đồng tình với Chu Giang sẽ chiếm đa số. Tuy vậy, phần lớn trong số họ, vì những lý do có thể hiểu được liên quan đến an toàn cá nhân, sẽ không có phản ứng đặc biệt nào hết ngoại trừ việc chỉ trích, chê bai Chu Giang ở những chốn riêng tư. Người ta chờ đợi những phản ứng sôi nổi và công khai ở những người còn lại, những người đủ dũng khí để lên tiếng bằng những bài viết vạch trần luận điểm sai trái, phản động (theo nghĩa đi ngược lại trào lưu tiến hóa của các xã hội tiến bộ trên thế giới) của Chu Giang, những kháng nghị nảy lửa lên án mưu đồ cản trở tự do học thuật chân chính, và ngay cả những thư ngỏ với lời lẽ mềm mỏng gởi các quan chức “thẩm quyền” nhằm đánh vào tình cảm người nhận.
Nhưng không phải tất cả những điều đó đã được thực hiện trong suốt quá trình diễn tiến của sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” hay sao? Và kết quả, như mọi người đều biết, là con số không vĩ đại! Những nỗ lực đáng quý của nhiều trí thức tên tuổi không những đã không ngăn chặn được tai họa xảy đến cho thạc sĩ Đỗ Thị Thoan và PGS Nguyễn Thị Bình mà còn cho thấy sự bất lực của họ trong việc gìn giữ những thành quả về tự do học thuật giành giật được trong nhiều năm trước đó.
Những thất bại như thế khiến người ta thận trọng hơn. Một số tự bảo mình nên kiên nhẫn, chờ đợi các diễn tiến mới để có thể phản ứng tốt hơn, hoặc hay hơn nữa, để vấn đề tự nó bốc hơi và tan biến đi. Diễn tiến mới ở đây có thể là chuyện bài viết của Chu Giang sẽ được phổ biến trên các tờ báo nặng ký của đảng và nhà nước như đã từng trong vụ Luận văn Nhã Thuyên trước đây. Nếu không có ai lớn tiếng phản đối, tuyên giáo nhà nước có thể sẽ không làm ồn lên, họ hy vọng. Cũng có người ngần ngại không muốn lên tiếng vì sẽ không có “đối thoại đúng nghĩa” giữa các phe bênh chống. Những người này sẽ tiếp tục ngần ngại rất lâu vì khó mà có đối thoại thực sự giữa họ, những trí thức trói gà không chặt,  và thiểu số nắm giữ quyền bính chưa hề “ngần ngại” phải sử dụng bạo lực! Người ta cũng có thể trở nên bi quan, thụ động hơn nữa, và cuối cùng là cái “ý thức” về sự bất lực của mình. “Tại sao phải can dự vào những điều đã được chứng minh là vô vọng?” người ta tự hỏi. Hậu quả là một điều rất đáng sợ có thể xảy ra, người ta nín thinh, quay lưng lại với sự kiện, hoặc sắm vai kẻ bàng quan.
Nếu im lặng cố tình là câu trả lời chung của trí thức trong và ngoài ngành giáo dục dành cho bài viết với nội dung truy chụp, đấu đá của Chu Giang, đây sẽ là món quà quý giá nhất mà Chu Giang và cái thế lực đứng sau lưng ông ta có thể nhận được. Bởi vì, sự im lặng sẽ được diễn dịch, một cách không phải là không chính xác, như là dấu hiệu của sự khuất phục của trí thức trước quyền uy tối thượng của chế độ đối với tương lai của ngành giáo dục và các lãnh vực liên hệ…

Về sau, điều này sẽ như tảng đá lớn đè lên phần lương tri của họ, những người đã chọn quay lưng lại với sự kiện ‘Kiểm dịch Trần Đình Sử.” Thỉnh thoảng, dọc con phố họ tình cờ đi qua, xuất hiện những “dân oan khiếu kiện” trên hè phố, phía sau những tấm biểu ngữ bụi bặm, rách rưới vì dãi dầu sương gió. Đây là những người dân vô cùng thấp cổ, vô cùng bé miệng. Không giống như các nhà trí thức với những học hàm, học vị gây choáng người mà ngay cả cái thể chế toàn trị hiện hành cũng có phần kiêng dè khi chạm đến, công an có thể đánh đập những dân oan này, bắt giam họ, nhốt họ vào bệnh viện tâm thần mà không lo bị tai tiếng hoặc trách phạt. Nhưng họ vẫn kiên trì ngồi đó như tự bao giờ, đòi hỏi chỉ một điều, chút công lý nhỏ nhoi để sống sót, và không hề hy vọng sẽ nhận được điều họ đòi hỏi vào buổi sáng hôm sau. Nhưng chúng ta, những người bàng quan, sẽ có nhiều hy vọng nhìn thấy họ, cũng trên hè phố này, đàng sau những tấm biểu ngữ rách rưới, vào ngày mai, ngày mốt, và những ngày sau đó.
Và điều này chỉ có thể làm tăng thêm sức nặng của tảng đá kia!


http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/kiem-duyet-tran-dnh-su-im-lang-l-vng/


Bổ sung 1 (19/8/2015): Thêm một mẩu nữa trên Tiền Vệ.

Mọi người ơi, hãy thương lấy Chu Giang và những người đang trông cậy vào ông ấy! [đối thoại]
Thực sự thì khi nghe nói Chu Giang lại viết bài Kiểm dịch Trần Đình Sử, tôi cũng thấy trong lòng khó chịu. Trong đợt “chỉ điểm” Nhã Thuyên, tôi nghĩ ông ta và mấy kẻ bồi bút kia có bốn động cơ để hãm hại Nhã Thuyên.
- Học vấn hạn chế nên không tiếp nhận được những kiến thức mới.
- Đố kỵ, hằn học với những ai trí tuệ và học vấn vượt trội.
- Đốt đền để gây chú ý.
- Được thuê viết để đổi lấy một số quyền lợi lặt vặt.
Hoặc cả bốn lý do trên.
Nhưng sau khi đọc bài viết của của Chu Giang có tên Kiểm dịch Trần Đình Sử in hai kỳ trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 363, 364 thì tôi lại thấy khổ thân cho Chu Giang. Nhiều người cho rằng Chu Giang và một số nhà phê bình “chỉ điểm” đã dùng những mánh khoé đê tiện và hèn hạ để viết những bài phê bình làm nhục những nhà khoa học chân chính theo “đơn đặt hàng”. Nhưng thú thực, ở bài viết này tôi chỉ thấy sự lú lấp, ấu trĩ của một người ít học, tự đắc vô nghĩa lý và hơn hết cả là não bộ đang tàn rữa bởi sự tấn công của tuổi già bệnh tật.
Sao mà không thương được khi Chu Giang viết những dòng này về Trần Ngọc Hiếu, người đã từng được giáo sư Trần Đình Sử hướng dẫn làm luận án tiến sĩ:
Về mọi phương diện, Luận án của Trần Ngọc Hiếu tệ hại nguy hiểm hơn Luận văn của Đỗ Thị Thoan rất nhiều. Tác hại xã hội của nó là ở cấp độ cao hơn. Song chúng tôi sẽ không đề nghị huỷ bỏ Luận án thu hồi học vị, xem xét trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học và Hội đồng chấm luận văn” (“Kiểm dịch Trần Đình Sử”, VNTPHCM số 363)
Khổ thân Chu Giang đã lo lắng không đâu. Ai sẽ là người dám thu hồi học vị của Trần Ngọc Hiếu và xem xét trách nhiệm của Trần Đình Sử kia chứ. Sau khi Chu Giang và đám phê bình “chỉ điểm” tấn công Nhã Thuyên khiến cô bị mất việc thu hồi học vị thì những gì Nhã Thuyên nhận được sau đó thực sự ngoài sức tưởng tượng. Từ một giáo viên hợp đồng tại khoa văn giờ đây cô đã nổi tiếng khắp năm châu bốn bể, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ đồng nghiệp ở trong nước lẫn quốc tế. Thực sự thì những người giỏi ngoại ngữ và vững chuyên môn như Nhã Thuyên và Trần Ngọc Hiếu thì có mất việc ở trường Sư phạm họ vẫn sống khá tốt. Vì thế, ở vào thời điểm này ai dại gì mà thu hồi học vị của Trần Ngọc Hiếu, như thế chả hoá ra dẫm vào vết xe đổ Nhã Thuyên, tiếp tục “phong thánh” cho anh ta. Hại người mà thành ra giúp người thế thì khác nào “tu nhân tích đức”! Dồn quá nhiều tâm trí hãm hại người lương thiện nên đâm quẫn, không tính được hậu quả từ những hành động hồ đồ, ấu trĩ. Thật tội nghiệp! Tấn công Trần Ngọc Hiếu chưa đủ, Chu Giang gồng mình “đối thoại” với Trần Đình Sử bằng những áng văn chương ê a khá mờ mịt:
Khi nghiên cứu khoa học phải tìm ra sự khác nhau giống nhau và quan trọng hơn là phạm trù này có thể vận dụng được gì ở phạm trù kia, mà không thể thuyền đua thì lái cũng đua con cóc cũng nhảy con cua cũng bò... ấy là về lí thuyết. Hiệu ứng ngoại biên mà Bakhtin vận dụng là của lí thuyết sinh học.
 
Ở vùng giáp ranh giữa hai môi sinh môi trường thì sinh vật phát triển cực mạnh, cực phong phú. Cái đó cũng đúng mà cũng chưa hoàn toàn. Vùng nước lợ quả là lắm thứ tôm cá. Nhưng nó chỉ nhiều chỉ lắm ở đấy. Cái đa dạng phong phú của vùng giáp ranh (nước lợ) cũng có cái hay - như món cá song cá vược con nhệch con nhạc chẳng hạn). Nhưng con cá ngừ đại dương con cá voi cá mập cũng có giá của nó chứ. Cấu trúc của các hệ thống xã hội, về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa nghệ thuật... nó khác lắm. Không thể đem mô hình, lý thuyết đường biên sinh học mà vận dụng vào được, mà hô hào giải trung tâm, ngoại biên hóa. Bakhtin có động cơ mục đích của ông ta. Còn trong học thuật nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không thể nhắm mắt tụng theo Bakhtin được. (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2, VNTPHCM số 364)
Đọc những dòng trên tôi có thể cảm nhận được nỗi thống khổ của Chu Giang khi phải đứng trước những trang viết không dễ hiểu tẹo nào của Bakhtin và sau đó là Trần Đình Sử. Trình độ ngoại ngữ không có, bản thân thuật ngữ trung tâm (center) với ngoại biên (periphery) nghĩa gốc cũng như nghĩa mở rộng của nó ra sao cũng không biết, vậy mà cứ phải tranh luận sôi nổi. Tự dưng ông lại đưa tôm, cá, cua, cóc vào một không gian khoa học, cầm bút bấy nhiêu năm mà không phân biệt nổi khái niệm mang nghĩa thông dụng và khái niệm triết học. Chới với trước một biển kiến thức mênh mông, Chu Giang khó khăn lắm mới dạt vào bờ và sau đó tự trao cho mình sứ mệnh phải viết lại quá trình vật lộn thoát hiểm đó để tự lừa dối là mình vẫn còn phong độ. Ông làm tôi nghĩ tới trường hợp bé Hào Anh. Vốn chậm khôn từ nhỏ, bị gia đình chủ đầm tôm đầy đọa bé Hào Anh đã có những vết thương không thể lành sẹo trong tâm trí. Cho nên khi trưởng thành đứng trước số tiền 900 triệu đồng của các nhà hảo tâm gửi từ mấy năm trước Hào Anh bỗng trở nên rối loạn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn Hào Anh đã phá sạch số tiền này, bị mẹ ngăn cản cậu ta còn đuổi cả mẹ ra khỏi nhà nhiều lần. Sau khi hết tiền Hào Anh đã tham gia trộm cắp và vướng vòng lao lý. Từ trường hợp đáng thương của Chu Giang và Hào Anh chúng ta có thể thấy tri thức hay tiền bạc thực ra cũng là một dạng vốn (capital). Nếu căn cơ không vững vàng thì có được trao thiên kinh vạn quyển hay tiền tỉ thì những gì còn lại chỉ là sự thống khổ. Thế mà dường như bất chấp nỗi thống khổ vì bội thực tri thức, Chu Giang vẫn rất hồn nhiên thách thức “khẩu chiến” với giáo sư Trần Đình Sử:
Thôi không dài dòng nữa. Mời Giáo sư vào chính khu rừng nhiệt đới - như Cúc Phương chẳng hạn, rồi lại lên vùng giáp ranh như Sapa chẳng hạn, xem nó giống nhau khác nhau thế nào. Xem sức sống ở đâu mạnh hơn, phong phú hơn. Rồi về Hà Nội, nhờ cái Hội trường Viện văn chẳng hạn, phương chi nhiên hậu, ta hẵng bàn đến cái ngoại biên và ngoại biên hóa… (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2, VNTPHCM số 364).
Trần Đình Sử có chết cũng không dám đối thoại với một người mà cả não bộ lẫn nhân cách đều đang phân huỷ, vậy mà ông cứ mời gọi và hi vọng Trần Đình Sử đối thoại với mình. Bên Viện văn học người ta cũng một cái hội trường rộng rãi thật nhưng ai dám quyết định cho một người như Chu Giang mượn chứ, vì đa số những người làm việc trong Viện văn nhìn thấy Chu Giang là chạy mất dép, họ hẳn là cũng sợ mang tiếng giao lưu với bọn phê bình “chỉ điểm”, nhưng hơn hết là với những người có lời lẽ nhập nhằng, rối loạn thế này:
Giáo sư ơi, ở tâm, ở trung tâm, nó có cái gì đâu, nó có gì đâu mà mong vào! (Ấy là theo tinh thần tư tưởng của Bakhtin). Vả lại, một lần mâu thuẫn thì thể tất được thịt da ai cũng là người, nhưng nhiều lần, và ở những chỗ rất quan trọng thì thành ra anh hàng bán mâu rao thuẫn, cái gì cũng đâm thủng, cũng giải được mà không có cái gì đâm thủng được giải hóa được... (Kiểm dịch Trần Đình Sử, kỳ 2 VNTPHCM số 364)
Liệu có nên mở một cuộc thi đoán xem cái gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí Chu Giang không? Giờ đây thì không chỉ có Chu Giang đáng thương, mà tờ Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành đối tượng cần được thương cảm. Oằn lưng hứng lấy đống bài vở của Chu Giang, trở thành bia miệng đầy coi thường miệt thị của bạn đọc trên toàn quốc, tờ báo này bỗng dưng ở vào vị thế thật tội nghiệp. Hầu hết các tờ báo trong nước đều sợ đăng bài của Chu Giang và đám bồi bút như ông. Thậm chí họ còn không muốn đăng những bài phản đối Chu Giang. Vì chỉ cần tên tuổi Chu Giang và đám bồi bút kia xuất hiện trên tờ báo của họ cũng đã là một sự ô uế. Xem ra, những cây bút phê bình chỉ điểm cũng bắt đầu hết thời, họ cũng cô độc lắm, sau vụ Nhã Thuyên họ đã bị đánh dấu. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu nhận ra đám người đánh Nhã Thuyên do thực lực kém cỏi, nhân cách bé mọn nên đã tạo ra một vết nhơ đáng xấu hổ cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam. Rất có thể, sự bất mãn của trí thức đã lên đến cực điểm sau khi xuất hiện rộng rãi loạt bài phê bình chỉ điểm và chỉ thị miệng ban xuống cấm đăng bài vở bênh vực Nhã Thuyên. Và cũng rất có thể, sự ra đời của Văn đoàn độc lập hay những hành vi chống đối quá khích cũng bắt đầu từ sự phẫn nộ trước loạt bài phê bình “chỉ điểm” đó. Việc bài viết của Chu Giang và gần đây là của Hạ Ngọc Quang (“chỉ điểm” nghiên cứu sinh Đoàn Ánh Dương) chỉ xuất hiện trên Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, một tờ báo địa phương, cho thấy phê bình “chỉ điểm” đã hết thời. Việc không còn một chỉ thị nào ban xuống sau khi hàng trăm trí thức Việt Nam và quốc tế ký vào bản kiến nghị phản đối trường Đại học Sư phạm đã thu hồi bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên là dấu hiệu đáng mừng. Tiến trình dân chủ Việt Nam đang dân trở về trạng thái như trước sự vụ Nhã Thuyên.
Lẽ ra, tôi nên kết thúc bản danh sách xót thương của mình ở đây nhưng rồi lại thấy vẫn thấy chưa thoả đáng. Tôi quyết định thêm vào bản danh sách những người đã từng thuê Chu Giang viết bài, hay nói một cách sang trọng là nhờ vả. Chưa biết chừng đây là những người cần được thương cảm hơn cả Chu Giang và những cây bút phê bình chỉ điểm kia. Họ là ai? Họ là những người không ưa cặp thầy trò Nguyễn Thị Bình - Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) và Trần Đình Sử - Trần Ngọc Hiếu. Chung quy cũng chỉ vì những hiềm tỵ cá nhân vặt vãnh chứ nào có chính trị chính em gì ở đây. Giá mọi chuyện kết thúc ở đây thì cũng chẳng có chuyện gì to tát nhưng bỗng đâu xuất hiện đám người “đục nước béo cò” muốn ăn theo vụ Nhã thuyên. Họ là ai? Họ là một vài quan chức “giám hộ văn chương”, những người đã sắp đến tuổi bị đào thải khỏi hệ thống nhưng vẫn muốn ghi điểm với cấp trên để nấn ná thêm vài năm tại chức nữa. Họ cũng muốn nếm trải lại cái thời hoàng kim xa xưa khi các quan chức làng văn nghệ nắm quyền sinh quyền sát, muốn hãm hại, trù dập ai đều dễ như trở bàn tay. Hoặc có người chỉ vì thù hận với một vài thầy trong hội đồng chấm luận văn thạc sĩ Nhã Thuyên mà đã làm to chuyện để tranh thủ hãm hại mấy thầy đó cho cho bõ tức. Tóm lại, toàn cảnh vụ tấn công Nhã Thuyên vẫn là những những cú chụp giật danh lợi vặt vãnh, những hành vi đố kỵ thấp hèn. Sao mà những scandal chính trị trong đời sống văn hoá của ta nó lại nhếch nhác đến vậy! Giờ lại tới vụ tấn công Trần Đình Sử - Trần Ngọc Hiếu. Thật là bệ rạc!
Vậy là bản danh sách xót thương của tôi cũng khá dài rồi, tôi xin phép dừng thôi. Các bạn đọc có thể giúp tôi bổ sung thêm nhưng nhớ là phải hết sức khách quan nhé, phải thật sự “đáng thương” thì hãy đưa vào vì không phải ai cũng muốn chui vào bản danh sách này đâu. Lời khuyên chí tình cho những ai không muốn tiếp tục bước chân vào bản danh sách này là đừng bao giờ viết phê bình khi não bộ đang phân huỷ và cũng đừng bao giờ sử dụng những người não bộ và nhân cách đang phân huỷ vào mục đích phê bình.
Viết xong ngày 15/8/2015
Lưu Bê Phốt
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=19104

2 nhận xét:

  1. Hôm kia đọc bài viết của Chu Giang thấy không ổn , còn mong chờ GS Trần đình Sử đối thoại lại . Nay đọc mấy bài viết này thì GS cũng chẳng cần lên tiếng nữa mà làm gì
    Bác Giao cứ đưa những bài viết như vậy nhiều vào , kể cả những bài viết của ông Chu Giang , đọc rất là thích , mở mang được nhiều

    Trả lờiXóa
  2. Ông Nguyễn Văn Lưu, tức Chu Giang có một tật xấu: thấy ai viết được cái gì đáng viết thì ông nhảy xổ vào xâu xé. Còn nhớ quãng 1985, khi nhà nghiên cứu Phan Ngọc xuất bản cuốn "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều", ông Nguyễn Văn Lưu nhẩy xổ vào xâu xé ngay. Ngày ấy tôi còn trẻ tuổi, vừa qua nghĩa vụ quân sự và học xong đại học, rất tâm đắc với cuốn sách của Ô. Phan Ngọc. Khi đọc bài ông NVL trên tuần báo Văn nghệ,tôi đã phần nào phát hiện ra cái tật của ông này. Từ đó đến nay đã 30 năm, tật này càng nặng thêm. Thật là tai họa!

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.