Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/08/2015

Phá cam kết, ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên 3%

Tin mới của các nơi.


4. Đời sống của nhân dân (liếc xem)


Phá giá tiền đồng: Chưa xây xong móng nhà đã mất cái bếp


Thứ Ba, 25/8/2015


(VTC News) – Khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng nhau phá giá, những người nhập khẩu và những người vay USD lỗ đơn, lỗ kép.

Chưa buôn đã lỗ

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ gần 5% trong 3 ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỷ giá. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nhiều cho các đơn vị xuất khẩu. Điều đó cũng có nghĩa, các đơn vị nhập khẩu phải hứng chịu “tác dụng phụ”.

Là chủ của Meomeoshop Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), đơn vị chuyên phân phối hàng hiệu xách tay từ Mỹ với các nhãn hàng Victoria's Secrect, Ralp Lauren, Chanel, Gucci,... chị Hương than thở đang đau đầu vì tỷ giá. Chị cho biết, trong khi công việc đang rất thuận lợi, đồng USD tăng vọt khiến chị chưa biết tính toán thế nào.

Chị Hương chia sẻ vì hàng của chị tiêu thụ khá nhanh nên một tháng ít nhất chị nhập hai lần với tổng giá trị đơn hàng lên tới vài chục ngàn USD. Kể từ giữa tháng 8, chị nhập hàng 2 lần. Giá trị 2 đơn khoảng 40.000 USD.

Đến nay, hàng vẫn chưa về nhưng tỷ giá đã kịp tăng 2%. Như vậy, chỉ riêng tỷ giá đã khiến chị lỗ gần 20 triệu đồng. Ban đầu, chị Hương định chia sẻ khó khăn với khách hàng. Nhưng sau khi tính toán kỹ, chị Hương quyết định giữ nguyên giá đã báo cho khách.

Chị Hương phân tích: “Khoản lỗ tỷ giá 20 triệu đồng trong nửa tháng không phải con số nhỏ. Sẽ công bằng hơn cả khi chủ shop chịu một nửa, khách chịu một nửa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thị trường đang cạnh tranh gay gắt. Nếu tăng giá, tôi có thể mất khách. Vì vậy, để giữ khách, tôi đành cắn răng gánh toàn bộ khoản lỗ này”.

“Tôi đảm bảo không tăng giá bán ra. Giá vẫn được duy trì như khi tôi báo giá hồi đầu tháng. Thế nhưng, nếu tỷ giá vẫn tăng, có lẽ tôi hay bất cứ người bán hàng nào cũng phải xoay cách khác vì không thể chịu lỗ được lâu” – Chị Hương thành thật.

Nếu chị Hương chỉ phải gánh khoản “lỗ đơn” từ tỷ giá thì ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Trần Dương Đồng Tiến lại khẳng định công ty chịu khoản “lỗ kép”.

Ông Huỳnh cho biết Trần Dương Đồng Tiến chuyên cung cấp máy đếm tiền, máy phát điện chính hãng. Công ty có quan hệ giao thương khá thường xuyên với đối tác Trung Quốc. Phương thức thanh toán mà công ty thường xuyên sử dụng chính là dùng tiền đồng mua USD rồi sử dụng USD thanh toán hàng hóa (quy theo nhân dân tệ).

“Bình thường, hình thức thanh toán này không đến nỗi quá phức tạp. Nhưng kể từ khi tiền đồng và nhân dân tệ cùng tăng giá, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi dùng tiền đồng mua USD, chúng tôi lỗ 2%. Nếu tính từ đầu năm, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá là 3%. Sau đó, khi dùng USD thanh toán cho hàng hóa tính bằng nhân dân tệ, chúng tôi lỗ thêm gần 5% nữa. Như vậy, khi hàng vừa rời kho của đối tác, chúng tôi đã lỗ 7% đến 8%” – Ông Huỳnh phân tích.

“Hàng hóa của chúng tôi đều có giá trị cao nên khoản chênh 7% đến 8% là con số rất lớn. Chúng tôi không thể tự mình gánh hết được. Nhưng chia sẻ với khách hàng cũng khó. Khách hiểu đấy nhưng họ không thông cảm. Ai dễ thì chúng tôi tăng giá vài phần trăm. Nhưng có hợp đồng, tôi đành phải  hủy vì không thỏa thuận được với khách” – Ông Huỳnh cho biết.

Theo ông Huỳnh, đúng là thời điểm này Ngân hàng Nhà nước cần tác động tới tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngân hàng Nhà nước quên đi các đơn vị nhập khẩu. Ông Huỳnh mong cơ quan chức năng có chính sách phù hợp hỗ trợ những đơn vị như công ty ông.

Đi vay cũng lỗ

Kinh doanh nên chịu lỗ là điều dễ hiểu. Nhưng có người chẳng hề buôn bán mà lỗ đến vài chục triệu đồng thì lại là điều đáng suy ngẫm.

Chị Dương Thu Hằng (Bắc Giang) mua được mảnh đất ở Hoàng Mai đã 3 năm nay. Cuối tháng 6 Âm lịch, một phần vừa được tuổi xây nhà, một phần vừa tích cóp được một khoản tiền kha khá, vợ chồng chị Hằng quyết định động thổ.

Vì thiếu tiền nên anh chị quyết định vay nóng trong thời gian chưa đầy 1 tháng. Chị vay bằng USD.

“Nhận được USD từ bạn, tôi mang ra Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bán với giá hơn 21.800 đồng/USD. Nhưng ngày 24/8, khi thanh toán, tôi phải mua vào với giá 22.800 đồng. Tiền chênh lệch tôi phải trả là 1.000 đồng/USD” – Chị Hằng chia sẻ.

Không tiết lộ số tiền vay cụ thể nhưng chị Hằng cho biết tỷ giá tăng khiến chị thiệt hơn 20 triệu đồng. “Với mọi người, 20 triệu chỉ là muối bỏ bể nhưng với người có mức lương 7,2 triệu đồng/tháng như tôi thì đây là con số không hề nhỏ chút nào” – Chị Hằng khẳng định.

“Chưa đầy nửa tháng, tôi mất không 20 triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng tôi vẫn phải đi vay từng đồng để cố gắng dựng căn nhà tươm tất, nhưng như này đúng là chưa xây xong cái móng mà đã mất đi cái bếp. Không phải tôi kể khổ đâu nhưng hôm nay (24/8), sau khi vét tới đồng xu cuối cùng để mua USD trả nợ, tôi mới nhớ ra con hết sữa. Thế là lại vay cô bạn đồng nghiệp” – Chị Hằng tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Hằng, chị Thu Trang  (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) vay vàng mua đất hồi cuối tháng 7. Thời điểm đó, chị cân nhắc giữa vay tiền mặt và vàng. Cuối cùng, chị chọn vàng vì chị tin rằng kinh tế đang tốt lên, giá vàng chỉ có giảm, chứ không tăng. Đặc biệt, khi đó, giá vàng liên tục “lập đáy” nên niềm tin của chị Trang càng được củng cố. 

Số vàng vay được, chị Trang mang bán với giá 32,62 triệu đồng/lượng nhưng tới ngày trả, khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ dẫn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều chỉnh tỷ giá, phá giá tiền Đồng, rồi giá vàng tăng đột biến khiến chị Trang phải chi 35,5 triệu đồng để mua 1 lượng vàng. Khoản chênh lệch gần 3 triệu đồng/lượng khiến chị lỗ gần 40  triệu đồng.

“40 triệu đồng không quá lớn với gia đình tôi. Thế nhưng chúng tôi mua đất với mục đích đầu cơ là chính nên sổ đỏ chưa nhận mà lỗ như vậy thì rõ ràng là điều không hay” – Chị Trang cho biết.


http://vtc.vn/pha-gia-tien-dong-chua-xay-xong-mong-nha-da-mat-cai-bep.1.568757.htm





3. Một khẳng định vào hạ tuần tháng 8/2015 của NHNN:


Thứ hai, 24/8/2015 | 21:38 GMT+7


Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá


Diễn biến tỷ giá ngân hàng kịch trần, ngoài tự do vượt 22.800 đồng được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải là do tâm lý hoặc tin đồn đầu cơ.


Đợt điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8 được Phó thống đốc cho rằng đã là rất mạnh và với việc điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước đã dự phòng cho những biến động sắp tới, kể cả việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ -  FED tăng lãi suất.
Ngày 11/8, Trung Quốc bắt đầu đợt phá giá đồng nhân dân tệ kỷ lục, tổng cộng gần 5% sau ba ngày liên tiếp. Ngân hàng Nhà nước ngày 12/8 đã quyết định nới biên độ tỷ giá lên +/-2% sau nhiều năm duy trì mức +/-1%. Đúng một tuần sau, cơ quan này lại đưa ra quyết định điều chỉnh kép, vừa tăng tỷ giá thêm 1% và nới tiếp biên độ lên +/-3%.
Theo bà Hồng, đây là một biện pháp đi trước một bước, cho nên Ngân hàng Nhà nước khẳng định với việc điều chỉnh như vừa rồi là đã tạo ra vị thế cạnh tranh của Đồng Việt Nam và cũng đủ mức độ linh hoạt, đáp ứng với những diễn biến của thị trường.
"Vừa qua trên thị trường, tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016", Phó thống đốc nhấn mạnh.
dolar-2-final-9515-1419497346-2395-14404
Ngân hàng Nhà nước khẳng định không điều chỉnh tỷ giá đến đầu năm 2016.
Chung quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam nhìn nhận, sự điều chỉnh vừa qua của nhà điều hành tạo ra sự đi trước so với cung cầu thị trường và nó cũng có yếu tố muốn đưa ra tín  hiệu cho thị trường là Ngân hàng Nhà nước rất chủ động để tạo khung cung cầu thị trường gần nhau. "Với điều kiện thị trường ngày hôm nay sẽ khó có khả năng điều chỉnh tiếp tỷ giá trong thời gian tới", ông nói.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã chia thành hai lần điều chỉnh, trong đó lần điều chỉnh biên độ thứ nhất là để ứng phó với việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và lần thứ 2 (vừa điều chỉnh biên độ, vừa tỷ giá) cũng với một thông điệp rất rõ ràng là để ứng phó với những biến động có thể xảy ra như việc FED có thể điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới đây.
Và trong lần thứ hai này, ông Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ trong quá trình soạn thảo chính sách và đã có ý kiến cho rằng mức điều chỉnh như vậy là quá lớn. Tuy nhiên, cuối cùng cơ quan này đã đi đến một nhất trí là sẽ điều chỉnh một mức tương đối lớn để tồn tại trong một thời gian dài. "Điều này còn có một hiệu ứng rất quan trọng khác đó là một khi càng kéo dài thì tâm lý giữ ngoại tệ hoặc dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ sẽ giảm đi. Chẳng ai dại gì mà giữ đôla 7 -8 tháng trời để được nửa điểm %, trong khi lãi suất tiền Việt hiện đang rất tốt", ông nói.
Còn về khả năng Mỹ điều chỉnh lãi suất, ông Nghĩa cho biết khi trao đổi với chuyên gia nước này thì họ cũng cho rằng đợt điều chỉnh này sẽ rất thận trọng, nhất là sau khi Trung Quốc đã phá giá đồng NDT. Vì nếu Mỹ điều chỉnh đồng USD mạnh hơn nữa thì thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bùng nổ. Khi đó, quốc hội Mỹ sẽ phản đối rất mạnh mẽ.
Mặt khác, hiện lạm phát của Mỹ đang rất thấp thì nếu điều chỉnh cũng chỉ trong khung lạm phát để tránh rơi vào trạng thái thiểu phát rất nguy hiểm. Và cuối cùng là cả thế giới hiện chỉ có kinh tế Mỹ là phục hồi tương đối vững vàng còn lại các nước vẫn đang khó khăn. Rất nhiều ngân hàng trung ương các nước đã nới lỏng tiền tệ nên Mỹ cũng không dại gì điều chỉnh để khiến đồng tiền của mình mạnh thêm.
"Như vậy, trước tâm lý kỳ vọng FED điều chỉnh lãi suất và Việt Nam đã lường trước những biến động, đồng thời tính đến chuyện này nên đã có các điều chỉnh tương đối mạnh và duy trì nó trong một thời gian khá dài cho nên từ nay cho đến hết quý I năm sau sẽ không có điều chỉnh", ông đánh giá.
Chưa đầy một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%, giá USD niêm yết trong hệ thống ngân hàng chiều nay tăng mạnh. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 21.890 đồng và biên độ 3%, các ngân hàng không được giao dịch dưới 21.233 đồng và trên 22.547 đồng một đôla.
Cuối ngày hôm nay, tại hầu hết các nhà băng, giá bán ra đôla đều được niêm yết ở mức kịch trần 22.547 đồng. Giá mua vào cũng quanh 22.447-22.500 đồng. Trước đó, từ cuối tuần trước, đôla ngân hàng đã có dấu hiệu căng thẳng khi liên tục được mua bán ở sát trần, cách trần tỷ giá mới chỉ 2-7 đồng.
Trên thị trường tự do, giá giao dịch cũng liên tục leo thang từ đầu giờ sáng. Mỗi đôla hiện được mua vào ở 22.750 đồng và bán ra ở 22.800 đồng (cao hơn trên thị trường chính thức khoảng 300 đồng).
Lệ Chi
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/ngan-hang-nha-nuoc-khang-dinh-khong-tiep-tuc-dieu-chinh-ty-gia-3268920.html


Thứ ba, 25/8/2015 | 09:38 GMT+7


USD tự do vượt 22.900 đồng, vàng tăng ngược chiều thế giới


Giá mua bán vàng miếng sáng nay tăng 100.000-200.000 đồng mỗi lượng, khi diễn biến tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt sau cam kết của Ngân hàng Nhà nước.


Mở cửa ngày 25/8, Tập đoàn DOJI công bố giá mua bán vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng bán ra so với sáng hôm qua, lên 34,95-35,15 triệu đồng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết 34,70-35,30 triệu đồng mỗi lượng, tăng vài trăm nghìn đồng so với hôm qua. Biên độ mua bán xoay quanh 600.000 đồng.
Diễn biến này đi ngược với xu hướng của thế giới. Mỗi ounce chốt phiên New York 24/8 giảm hơn 5 USD xuống 1.155 USD khi USD và chứng khoán Mỹ lao dốc do lo ngại kinh tế Trung Quốc và bất ổn quanh thời điểm Mỹ tăng lãi suất. 
Bước sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vẫn đang dao động quanh mức này. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương 31,40 triệu đồng (chưa tính thuế, phí, gia công…). Sự điều chỉnh lệch pha giữa giá trong nước và thế giới khiến độ chênh giữa hai thị trường giãn rộng, sáng nay còn khoảng 3,75 triệu đồng.
pnj258-4832-1440469323.jpg
Giá vàng tăng sáng nay. Ảnh: Lệ Chi.
Lý giải cho việc điều chỉnh ngược dòng này, Tập đoàn DOJI cho rằng, hiện nay một số các tổ chức, nhà đầu tư lớn đã có động thái mua vào để bù trạng thái đã bán trước đó trong khi thị trường khan nguồn cung. Do đó, khi giá vàng thế giới có lúc giảm từ 5 đến 7 USD mỗi ounce thì giá vàng trong nước vẫn giữ nguyên, hoặc tăng. Hôm qua, lượng khách tham gia giao dịch ở hai chiều  mua bán tại đơn vị này tương đối cân bằng nhau.
Trong khi đó, Công ty PNJ đánh giá, hôm qua thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi hiệu ứng giảm trên thị tường chứng khoán châu Á và toàn cầu. Giá USD ngân hàng kịch trần, ngoài tự do vượt 22.800 đồng đã khiến thị trường ngoại hối và vàng trong nước khá "ồn ào". Lượng giao dịch trong ngày tăng chủ yếu là do người dân và một số nhà đầu tư nhỏ muốn bảo toàn tài sản trước diễn biến thị trường hết sức khó tiên liệu.
Trên thị trường ngoại tệ, giá đôla Mỹ vẫn ở mức kịch trần sáng nay.Theo đó, Vietcombank công bố giá mua bán lúc 9h là 22.500-22.547 đồng. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
Ngoài thị trường tự do, giá USD tiếp tục tăng cao. Một số điểm thu mua ngoại tệ tại TP HCM sáng nay công bố giá bán lên 22.900 đồng, tăng 100 đồng so với cuối ngày hôm qua. Còn bán ra chạm 22.700 đồng.
Diễn biến tỷ giá tăng cao này theo Ngân hàng Nhà nước chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đợt điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8 được cho là rất mạnh và với việc điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước đã dự phòng cho những biến động sắp tới, kể cả việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ -  FED tăng lãi suất.
Lệ Chi
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/usd-tu-do-vuot-22-900-dong-vang-tang-nguoc-chieu-the-gioi-3269041.html


2.
Thứ tư, 19/8/2015 | 12:56 GMT+7


Tỷ giá USD/VND được dự báo tăng không quá 5,1% năm nay



Theo Ngân hàng ANZ, nếu không thay đổi chính sách từ nay đến cuối năm, tiền đồng VND vẫn có thể mất giá tối đa 5,1%. Hiện tỷ lệ này là 4,5% sau 3 lần điều chỉnh.


Ngân hàng ANZ là một trong những tổ chức quốc tế đưa ra nhận định sớm nhất về động thái điều hành "kép" của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá trong sáng nay. Nhóm phân tích của ANZ cho rằng, thời điểm đưa ra quyết định lần này của nhà điều hành không quá bất ngờ với họ nhưng lại "mạnh mẽ hơn dự kiến" của họ nhiều lần. Sự điều chỉnh lần này, theo ANZ, giúp Ngân hàng Nhà nước giảm bớt áp lực phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, theo ngân hàng này, dù Việt Nam không tiếp tục thay đổi chính sách từ nay đến cuối năm, VND vẫn có thể mất giá tối đa 5,1% trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, VND sau 3 lần điều chỉnh đã giảm 4,5% sau 3 lần tăng tỷ giá mỗi đợt 1% và hai lần nới biên độ. Hiện tỷ giá thực trên liên ngân hàng theo số liệu của ANZ khoảng 22.408 đồng đổi một đôla. Trong khi đó, hai năm trước, mức giảm mỗi năm chỉ khoảng 1,3%.
Đứng trên góc nhìn kinh tế vĩ mô, ANZ cho rằng nhà điều hành đã lựa chọn thời điểm điều chỉnh tỷ giá khi cán cân vãng lai đang chuyển sang trạng thái thâm hụt trong năm 2015. Ngân hàng ngoại dự báo cán cân vãng lai Việt Nam thâm hụt 0,5% GDP năm 2015 và lên 1% GDP vào năm 2016. Thâm hụt cán cân vãng lai sẽ không đem đến những tác động tiêu cực nếu điều chỉnh tỷ giá được phản ánh trong thanh toán với đối tác nước ngoài.
usd8-aq500-8808-1439963322.jpg
Giá đôla trên ngân hàng và tự do sáng nay liên tục tăng cao.
Không riêng ANZ, cả Standard Chartered và HSBC cũng đánh giá cao sự phản ứng nhanh hơn dự kiến và chưa từng có tiền lệ này của Ngân hàng Nhà nướcTheo Ngân hàng Standard Chartered, việc điều chỉnh thêm tỷ giá 1% kết hợp nới biên độ từ 1% lên 3% trong một tuần qua của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhà điều hành vẫn còn quan ngại những căng thẳng của đồng nhân dân tệ. Theo nhóm phân tích của nhà băng này, mức điều chỉnh VND so với USD lần này gần tương đồng với mức phá giá 3% của nhân dân tệ so với USD thời gian qua.
Trong khi đó, đại diện HSBC lại lưu ý, việc chạy theo mua đôla khi giá biến động sẽ càng làm tình hình phức tạp hơn. Trong thông cáo phát đi trưa nay, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam tin rằng thị trường sẽ sớm cân bằng nhờ sự linh hoạt của nhà điều hành. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, vị này cũng nhấn mạnh, thời điểm thị trường có biến động hiện nay, họ không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ khiến tình hình phức tạp hơn. Thông thường sau đợt biến động, thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới.
Trên thực tế, sau khi nhà điều hành phát đi tin tăng 1% tỷ giá, cả ngân hàng và các điểm thu đổi ngoại tệ trên tự do sáng nay đều liên tục tăng 200-250 đồng hai chiều mua bán. Sau đó, trong vài giờ buổi sáng, các nhà băng vẫn liên tục điều chỉnh giá thêm. Đến 12h trưa nay, giá mua bán tại Vietcombank đã vọt lên 22.350 - 22.450 đồng (tăng 150 đồng so với đầu giờ sáng và đắt hơn 345 đồng so với hôm qua). Trong khi đó, tại Hà Trung, giá đồng bạc xanh được giao dịch ở 22.450 - 22.550 đồng.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng dẫn ví dụ đồng nhân dân tệ, sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, FED sẽ tăng lãi suất và do đó đẩy đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Theo ông Hải, điều này sẽ lại ảnh hưởng tới Việt Nam và đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. "Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước", ông nói. Vị này cũng tin rằng, sau quyết định của nhà điều hành, tỷ giá đã có một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý về việc điều chỉnh liên tục.
Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ không kéo dài lâu do các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc phá giá VND. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu. "Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam", ông Hải nhận định.
Trong sáng nay, bản tin của Công ty chứng khoán Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định: "Hạ giá VND tương ứng với diễn biến trên thế giới sẽ giúp dự trữ ngoại tệ được bảo vệ và ổn định lại tâm lý thị trường. Trong ngắn hạn, sự kiện này có thể đem đến tác động tiêu cực trên các thị trường tài chính, nhưng sẽ là cú hích trong trung và dài hạn".
Thanh Thanh Lan
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/ty-gia-usd-vnd-duoc-du-bao-tang-khong-qua-5-1-nam-nay-3266074.html


1. VnEx:


Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ lên 3%


Thứ tư, 19/8/2015 | 08:18 GMT+7

Quyết định điều chỉnh kép được Ngân hàng Nhà nước công bố trong bối cảnh nhân dân tệ phá giá mạnh nhất trong hai thập kỷ qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng nay công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ mức 21.673 đồng đổi một đôla lên 21.890 VND (tương đương tăng 1%), đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. 
Đây là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Trung Quốc muốn phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Hôm 12/8, một ngày sau khi Trung Quốc giảm giá kỷ lục đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 1% lên 2%.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng là tham chiếu cho các giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng được phép ấn định mức mua vào, bán ra hay chuyển khoản xoay quanh biên độ Ngân hàng Nhà nước khống chế là +/-3%.
Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 21.890 đồng mà Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay và biên độ +/-3%, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại sẽ không thấp hơn 21.233 đồng và không cao hơn 22.547 đồng một đôla Mỹ.
Thông tin tăng tỷ giá và nới biên độ ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và giá vàng. Vn-Index sau khi tăng mạnh vào hôm qua đã quay đầu đi xuống, cổ phiếu ngân hàng mất giá hàng loạt. Giá vàng miếng SJC mở cửa tăng trên dưới 100.000 đồng mỗi lượng, nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin, đã tăng gần một triệu đồng so với hôm qua.
dola.jpg
Tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla tăng trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Q.H.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá từ 21.246 đồng hiện nay lên 21.458 đồng. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá cũng tăng 1%, lên 21.673 đồng. 
Như vậy, tính cả lần nới biên độ tuần trước, tỷ giá đã được phép tăng thêm 5%, vượt xa mức cam kết 2% của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Trên thị trường ngoại tệ, các nhà băng đã đồng loạt tăng mạnh tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng 1% tỷ giá và nới thêm biên độ từ 2% lên 3%. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng từ 21.673 đồng lên 21.890 đồng. Trên cơ sở đó, các nhà băng được mua bán ở mức sàn 21.233 và giá trần ở 22.547 đồng. Tại Vietcombank, tỷ giá mua bán tăng 275 đồng so với hôm qua lên 22.280 - 22.380 đồng đổi một đôla. Eximbank còn tăng mạnh hơn, lên 22.250 - 22.245 đồng. Techcombank để giá mua vào ở 22.200 đồng nhưng bán ra ở 22.480 đồng, cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác.
Đôla Mỹ trên thị trường tự do sáng nay vọt lên 22.450 đồng sau tín hiệu điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng của nhà điều hành. Các điểm thu đổi ngoại tệ cho biết mỗi đôla sáng nay tăng vọt hơn một trăm đồng. Giá tăng nhưng giao dịch chưa nhiều bởi các điểm thu đổi cho biết đây là thời điểm nhạy cảm, người dân và nhà đầu tư chưa vội tham gia mua bán.
Tuần trước, sau gần 10 năm duy trì cơ chế tỷ giá neo đậu đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ, Trung Quốc bất ngờ chuyển sang cơ chế thả nổi. Trong 3 ngày liên tiếp 11-13/8, nhân dân tệ giảm giá tổng cộng 4,6% so với đồng đôla Mỹ. 
Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu suy giảm, nhà đầu tư nước ngoài suy giảm niềm tin và rút vốn khỏi thị trường chứng khoán. Làm cho đồng nhân dân tệ rẻ đi so với đôla là cách Trung Quốc sử dụng để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới, một kiểu trợ giá trá hình mà các nước phương Tây thường xuyên phản đối.
Diễn biến này cũng tác động trực tiếp tới Việt Nam - nước láng giềng và đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu 19 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 4,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Cả năm ngoái, con số nhập siêu là 29 tỷ USD. Không chỉ cạnh tranh trong quan hệ thương mại song phương, hàng hóa Trung Quốc còn gây sức ép đáng kể với Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trao đổi với VnExpress tuần trước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhận định tỷ giá chỉ là một nguyên nhân không lớn trong vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, áp lực cạnh tranh với thương mại của Việt Nam nói chung gia tăng, thì cũng không vì đã cam kết giữ mức tăng 2% mà phải cứng nhắc không nới biên độ hay tăng tỷ giá thêm nữa.
"Cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta, và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này", ông Phước nói.
Theo ông, cần theo dõi thêm phản ứng của thế giới và xem Trung Quốc để từ đó có đối sách phù hợp. "Một trong những đối sách phù hợp là đừng vì đã cam kết mà không nghĩ tới việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà không dám mở rộng biên độ thêm nữa", ông nói thêm.
Song Linh
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/ngan-hang-nha-nuoc-tang-ty-gia-them-1-noi-bien-do-len-3-3266000.html

2 nhận xét:

  1. 3. Một khẳng định vào hạ tuần tháng 8/2015 của NHNN:

    Thứ hai, 24/8/2015 | 21:38 GMT+7

    Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá

    Diễn biến tỷ giá ngân hàng kịch trần, ngoài tự do vượt 22.800 đồng được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải là do tâm lý hoặc tin đồn đầu cơ.

    Đợt điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8 được Phó thống đốc cho rằng đã là rất mạnh và với việc điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước đã dự phòng cho những biến động sắp tới, kể cả việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất.
    Ngày 11/8, Trung Quốc bắt đầu đợt phá giá đồng nhân dân tệ kỷ lục, tổng cộng gần 5% sau ba ngày liên tiếp. Ngân hàng Nhà nước ngày 12/8 đã quyết định nới biên độ tỷ giá lên +/-2% sau nhiều năm duy trì mức +/-1%. Đúng một tuần sau, cơ quan này lại đưa ra quyết định điều chỉnh kép, vừa tăng tỷ giá thêm 1% và nới tiếp biên độ lên +/-3%.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khẳng định thì phải cam kết chứ nhỉ. Nói không ai tin hehe.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.