Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

22/12/2014

Vẫn về phát ngôn của Miura, VnExpress tựa như lại rút tỉa và xào xáo ?

Nghi vấn xuất hiện, bởi VnEx vừa đưa một bài mới (trưa ngày 22/12/2014). Bài này sẽ đưa về lưu ở dưới cùng entry này, mục Lưu tư liệu). 

Một nền báo chí rất giỏi rút tỉa và xào xáo (ví dụ, với chỉ riêng VnEx, thì ngay tại blog tôi, lần trước các nhà báo ở tờ này đã tỏ ra thiếu đứng đắn ở sự kiện chiếc mũ cối của liệt sĩ Bùi Đức Hưng).

Dòng chảy vấn đề như sau.

I. Ngày 21/12, tờ TT & VH đăng bản dịch bài phỏng vấn anh Miura (cả bản dịch và nguyên bản tiếng Nhật lưu ở đây).

II. Đầu ngày 22/12, tôi đưa ra một so sánh thế này (cắt từ entry đã đi ở đây):

Phát ngôn của HLV Miura đã bị tờ TT & VH làm cong đi một chút, như thế nào

1. Bản lược dịch của TT & VH là:
Khi ông dẫn dắt đội bóng nước ngoài, thì cách nhìn nhận về bóng đá Nhật Bản có thay đổi không?
- Tất nhiên, tôi cũng từng so sánh đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản, nhưng người Việt Nam có những điều mà Nhật Bản đã đánh mất đi ít nhiều. Họ mải chơi, trẻ con hơn người Nhật. Họ ghét việc nặng nhọc, thường làm những việc thực sự vui vẻ.

2. Nguyên văn tiếng Nhật:

Q、外に出てみると、日本の見え方も変わってきたりしていますか?
A、もちろん日本と比べたらというのはありますが、
ベトナムの人たちには日本が多少失った部分というか、
遊び心みたいなものはありますね。
日本人より少し子供ですし、
苦しいことは嫌いですけど、楽しいことは本当によくやりますし、
そういう純粋さは残っているかもしれないですね。

3. Bản dịch đầy đủ theo phong cách trực dịch của tôi, thì phải như thế này:

Hỏi: À mà, bây giờ ra bên ngoài rồi, thì anh có thay đổi gì đó trong cách nhìn về nước Nhật của chúng ta không ?

Trả lời: Ừ, dĩ nhiên là tôi cũng có so sánh Việt Nam với Nhật Bản đấy, mà, người Việt Nam ấy mà, ở trong họ vẫn còn lưu được những cái gọi là gì nhỉ ? À, có thể gọi là những thứ mà người Nhật chúng ta đã làm rơi rụng đi ít nhiều rồi, hay là, cũng có thể gọi là tính ham chơi đi. Ừ, vẻ như là người Việt Nam, nếu so với người Nhật Bản, thì có chút trẻ con hơn. Mà, vẻ như họ ghét làm những gì khó, còn thì rất khoái làm những việc vui vẻ. Đấy, những cái thuần phác ấy vẻ như vẫn còn lưu lại ở người Việt Nam, phỏng ạ !



III. Và bây giờ, trưa ngày 22/12, thì VnEx đã xào xáo thành thế này:

- Làm việc với một đội bóng nước ngoài, cách nhìn nhận của ông về bóng đá Nhật Bản thay đổi như thế nào?

- Tôi có thay đổi chứ. Nếu so với Nhật, người Việt Nam có những tính cách mà người Nhật đã mai một ít nhiều, như tính ham chơi nhỉ. Họ trẻ con hơn người Nhật một chút, ghét việc khó chịu, còn việc gì vui vẻ thì thật sự làm tốt. Có thể họ còn sót lại những điểm đơn giản như vậy.



---
LƯU TƯ LIỆU

Bài báo của VnEx

Thứ hai, 22/12/2014 | 12:22 GMT+7

HLV Miura ngạc nhiên khi người Việt uống bia buổi trưa


HLV Toshiya Miura có nhiều chia sẻ thú vị về bóng đá và cuộc sống ở Việt Nam khi trả lời tờ J-Sport hồi tháng 10. VnExpress lược đăng một phần bài phỏng vấn này.

 Ấn tượng mạnh nhất của ông về nền bóng đá ở quốc gia này, khi mới đến Việt Nam?


- Thẳng thắn mà nói, V-League rất tệ. Cầu thủ không chịu chạy, và cũng không chịu khó vận động, có lẽ là vì trận đấu bắt đầu lúc 17h khi thời tiết còn nắng nóng. Điều này cũng có lý do của nó. Một là do truyền hình phát hai hoặc ba trận đấu cùng lúc. Hai là do lúc 19h có chương trình thời sự nên không thể tổ chức trận đấu vào lúc đó.

- Thế còn ấn tượng về đội tuyển Việt Nam?
Nếu ở Nhật Bản, chúng tôi phải thảo luận đẩy ai xuống với những câu hỏi đại loại "Tại sao không chọn cầu thủ này?". Còn ở Việt Nam thì ngược lại, ban đầu tôi thấy hầu như không ai vừa mắt mình nên phải dùng phương pháp loại trừ. Nghĩa là, bỏ cậu này vậy thì chọn cậu kia thôi (cười). Sau đó chuyện huấn luyện mới bắt đầu
Đặc trưng của cầu thủ ở Đông Nam Á có lẽ là ghét chạy hay phòng ngự. Những cầu thủ giỏi ở đây cũng chỉ giống như cầu thủ giỏi ở Nhật Bản 30 năm trước, chỉ giỏi khi giữ bóng. Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này là tối kỵ. Tôi có cảm giác họ rất khó khăn để có thể chạy và chiến đấu được như mức độ hiện tại.
miura1-4529-1411012545-2146-1419224318.j
HLV Miura thấy khó khăn, nhưng bước đầu đã làm các học trò dưới trướng ông ở đội Olympic và tuyển Việt Nam chơi bóng có tổ chức và kỷ luật hơn. Ảnh: Lâm Thỏa.
- Môn bóng đá nam tại ASIAD 2014 ở Hàn Quốc vừa qua thì thế nào, thưa ông?
- Tôi đã nghĩ là đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ không thắng được Iran, nhưng nhờ có những cầu thủ dẫn dắt tốt, chúng tôi đạt kết quả khả quan. Chúng tôi đã có thể thắng trong trận đấu với UAE, dù thực tế là đã thua. Qua giải đấu này, tôi phải thay đổi một chút quan điểm về các học trò, bởi tôi từng nghĩ rằng họ hoàn toàn không thể làm gì được trước các đối thủ.
- Sinh hoạt của ông ở Việt Nam như thế nào?
- Có khoảng 10.000 người Nhật Bản ở Hà Nội. Vì thế, ở đó cũng có sẵn nhà hàng sẵn sàng phục vụ đồ ăn Nhật Bản. Vì tôi là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia nên chế độ đãi ngộ hoàn toàn khác (chế độ VIP). Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông báo rằng tôi không cần phải tự lái xe, và cấp cho tài xế, xe riêng.
Lái xe của tôi bị bắt năm lần do vi phạm giao thông, nhưng lái xe nói: “Ông này là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia” nên cảnh sát giao thông cũng cho qua. Ngoài ra, khi tôi đi cùng đội tuyển đến sân thi đấu cũng có cảnh sát dẫn đường. Ở Việt Nam, xe máy lộn xộn, nên tôi cũng được khuyên là không nên đi lung tung. Tôi nghĩ làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Việt Nam đúng là đặc biệt thật!
Miura-5293-1419224319.jpg
Với Miura, công việc ở Việt Nam mang lại cho ông những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và thú vị. Ảnh: Đức Đồng.
- Đâu là những thời khắc thảnh thơi nhất của ông khi đảm nhiệm công việc hiện tại?
- Lúc thảnh thơi là những lúc xem bóng đá mà tự nhiên hiểu được thêm điều gì đó. Người Việt Nam nói chung không thích đả kích cho lắm nên giống người Nhật ở điểm là không thích va chạm. Tôi cảm thấy vui vì điểm chung đó. Bữa trưa ở Việt Nam cũng có cảm giác thư thả hơn so với cách người Nhật ăn cơm hộp, mua từ cửa hàng đồ ăn nhanh, rồi ăn trong khoảng 15-20 phút.
Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy. Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng một tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này thì ở công ty cũng như thế. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bắt đầu lúc 8h30, nhưng từ 8h30 đến 9h mọi người mới đến chỗ làm; từ 12-14h là thời gian nghỉ trưa và 16h30 kết thúc công việc.


Có trợ lý nói với tôi là anh ta muốn cái ghế tốt hơn, tôi nghĩ trong bụng là: “Nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi.” Cảm giác về cuộc sống ở Đông Nam Á là như thế. Người bình thường thì khoảng 17h là kết thúc công việc.



- Ông phải làm sao để thích nghi với nếp sinh hoạt và cuộc sống nơi đây?

- Trong cuộc sống, tôi vẫn không thể thay đổi được nếp sống vốn có của mình nên không còn cách nào khác là phải từ từ thay đổi thời gian biểu. Đây cũng là điều bắt buộc phải làm. Tôi chán ngấy vì lịch thi đấu thay đổi xoành xoạch. Chắc nhiều người Nhật khác cũng không thích điều đó. Nhưng khi tôi hỏi ông Tashima Kohzo - Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật - là “như thế này được không” thì ông trả lời là: "Được, chẳng sao cả".
- Ông thấy thế nào về định hướng của bóng đá Việt Nam?
- VFF cũng hỗ trợ tôi rất nhiều, nhưng cũng có những lúc phải thỏa hiệp vì sự can thiệp từ bên ngoài. Vấn đề chỉ là tôi phải chấp nhận những sự can thiệp ấy đến mức độ nào. VFF cũng xem nặng việc dự Olympic hay World Cup, nên càng làm việc tôi sẽ càng thấy căng thẳng. Nhật Bản đang vượt khỏi tầm Á châu, còn Việt Nam thì muốn vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á. Người ta nói phải làm việc này từng bước một. Nhưng để làm được điều đó, tôi thấy liên đoàn và ban tổ chức giải VĐQG cần nâng cao trình độ. 
miura-7029-1402906124-3899-1419224319.jp
Miura mong đợi sự thay đổi tích cực từ V-League và LĐBĐ Việt Nam để bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Ảnh: Gia Tu.
- Lứa U19 đã đi tập huấn châu Âu, và cũng gây được tiếng vang nhất định ở châu Á. Ông đánh giá thế nào về lứa tài năng này?
- Thời của Lê Công Vinh năm 2008, họ có những cầu thủ giỏi, và vô địch AFF Cup năm đó. Nhưng sau đó, họ có vẻ không phát hiện thêm được những tên tuổi nào tương xứng. Thế hệ được kỳ vọng tiếp theo là lứa U19 nên xem ra khoảng thời gian trầm lắng của bóng đá nước này còn kéo dài thêm khoảng 10 năm nữa. 
- Làm việc với một đội bóng nước ngoài, cách nhìn nhận của ông về bóng đá Nhật Bản thay đổi như thế nào?
- Tôi có thay đổi chứ. Nếu so với Nhật, người Việt Nam có những tính cách mà người Nhật đã mai một ít nhiều, như tính ham chơi nhỉ. Họ trẻ con hơn người Nhật một chút, ghét việc khó chịu, còn việc gì vui vẻ thì thật sự làm tốt. Có thể họ còn sót lại những điểm đơn giản như vậy.
Từ vị trí HLV tuyển Việt Nam hiện tại, ông kỳ vọng gì về sự thăng tiến của bản thân?
- Tôi nghĩ sẽ là một bước tiến lớn nếu có thể dự World Cup hay Olympic. Còn nếu, với một HLV, chuyện sang làm việc ở các quốc gia khác nhau cũng là điều bình thường. Đó là nhu cầu thị trường khắp trên thế giới, ngay cả cầu thủ cũng ra nước ngoài thi đấu mà...
Nam Anh

http://thethao.vnexpress.net/tin-tuc/bong-da-trong-nuoc/hlv-miura-ngac-nhien-khi-nguoi-viet-uong-bia-buoi-trua-3123880.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.