Một kết quả của một phần tư thế kỉ Đổi Mới. Đáp số cho bài toán về chiếc xe máy đã được đặt ra vào năm 1994.
Mức lương ở khối công lập, mới công bố thì là: tập sự 3.4 triệu, Bộ trưởng 14.4 triệu.
Mức lương ở khối công lập, mới công bố thì là: tập sự 3.4 triệu, Bộ trưởng 14.4 triệu.
1. Và nhà của quan, cũng mới được công bố, thì là (đồ họa của Tuổi trẻ):
2. Nhưng Lao Động thì khẳng định là vẫn chưa thấm vào đâu:
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền vì sao được chú ý?
Cánh cổng biệt thự là cổng đúc, hơp kim nhôm.
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao việc ông Trần Văn Truyền – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiều nhà đất và đang bị đề nghị thu hồi một số nhà, đất cấp sai quy định. Ngày 22.11, chúng tôi đã về quê nhà ông Truyền ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, nơi ông cất một biệt thự hoành tráng trong khi kề tường thành nhà ông là những căn nhà rách.
So với nhiều quan chức đương nhiệm và về hưu khác trong nước, nhà ông Truyền chẳng thấm vào đâu về quy mô lẫn giá trị. Tuy nhiên, căn biệt thự này vươn cao nổi bật giữa làng quê nghèo nên tạo sự phản cảm. Cánh cổng biệt thự là cổng đúc, hơp kim nhôm. |
Chúng tôi bấm chuông, bên trong có người nhưng chẳng ai buồn mở cửa. Do mặt tiền biệt thự quá rộng nên chúng tôi phải chụp ảnh bằng chế độ panorama mới lấy được toàn cảnh. |
Kề biệt thự ông Truyền là một căn nhà rách nát. Chúng tôi gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông Truyền cũng không bắt máy. |
Một người hàng xóm của ông Truyền cho biết, căn biệt thự này xây trong hơn một năm, người dân chỉ biết là của một người “rất giàu”, chỉ đến khi báo chí thông tin thì mọi người mới biết đây là nhà ông Truyền. Một người dân ở cuối khu đất ông Truyền treo biển “bán đất”. |
Cận cảnh sự tương phản... |
Ông Truyền xây tường rào kiên cố cao khoảng 3 mét, dài hàng trăm mét bao xung quanh khuôn viên biệt thự. Phía dưới là tường gạch, bên trên là lưới thép B40, trên cùng là lớp dây thép gai. |
Một buồng chuối chín trong đất nhà ông Truyền. Chuối chín rục, một người hàng xóm nói “của nhà giàu nên không dám xin” nên chỉ có chim và chuột ăn. |
Đất phía sau căn biệt thự rộng mênh mông, ông Truyền cho trồng dừa. |
Bên hông biệt thự. |
Người dân bán mấy trái cam trước cổng nhà ông Truyền. |
3. Và nghe các quan ấy nói (tư liệu của Một thế giới):
Ông Trần Văn Truyền và những câu nói chống tham nhũng nổi bật
Ảnh: Internet
Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ từ năm 2007 đến năm 2011. Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã có rất nhiều lần phát biểu trước báo giới liên quan đến các vấn đề, trường hợp tham nhũng, chống tham nhũng, chống tiêu cực tại Việt Nam.
Mời bạn đọc cùng Một Thế Giới điểm lại một số câu nói nổi bật nhất của ông Truyền trong thời gian đảm nhiệm các trọng trách quan trọng.
Xử lý tham nhũng cán bộ nghỉ hưu dễ hơn
Năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Truyền từng khẳng định rằng: Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn.
"Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi", ông nói.
Bên cạnh đó, cách thức tham nhũng cũng rất đa dạng; có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai.
"Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó".
"Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy (chức) rất dữ".
Cũng trong bài báo đó, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền chắc nịch: "là cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh tế 2 mặt của chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có phải cái gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu; tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho (Pháp Luật TP.HCM, 5.7.2005).
Cái chính là do phẩm chất đạo đức
"Vị trí trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.
Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức".
"Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc". "Cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không tự giữ mình" - (TTO, 30.3.2007).
Càng công khai, càng minh bạch, càng dễ kiểm soát
Bên lề cuộc đối thoại với các nhà tài trợ về phòng chống tham nhũng, ông Truyền cho biết Chính phủ đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Trong đó, theo ông công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất.
"Càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức" - (TTO, 4.12.2007).
Chỉ có báo chí chùng, cơ quan tham nhũng không chùng
Về những vụ án tham nhũng được coi là “đầu voi đuôi chuột”, ông Truyền giải thích: "Có những vụ bản chất không nghiêm trọng nhưng do cách xử lý của các cơ quan chức năng chưa thật rõ ràng, dứt khoát đã dẫn đến hiểu lầm... Việc “chùng” xuống là do cách thông tin".
"Nếu được nói trên diễn đàn Quốc hội, tôi sẽ nói công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng".
Đối với vấn đề cán bộ liệt kê - công khai tài sản, ông nói: “Luật không quy định công khai mà chỉ yêu cầu thẩm tra khi bị tố cáo, hay trước khi bổ nhiệm. Nếu thẩm tra thấy không đúng mới công khai.
Hiến pháp đã quy định người dân có quyền giữ bí mật tài sản của mình. Nên chúng tôi không thể kiến nghị sửa hiến pháp được. Hiến pháp chưa sửa thì chưa thể công khai" - (TTO, 31.10.2008).
Phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu
Giải thích lý do vì sao đợt kê khai tài sản của các bộ đầu tiên đầu tiên (31.12.2007) Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, thì ông Truyền cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp luật quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức.
Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức.
Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật về tội không trung thực.
Cũng theo ông, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý - (VnEconomy 10.2.2009).
Đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội trước phiên đối thoại với Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng trong giáo dục (sáng 28.5.2010), Tổng thanh tra Chính phủ khi còn đương chức cho biết tham nhũng trong giáo dục đang phức tạp và khuyên những người đấu tranh phải biết hy sinh. Bản thân ông cũng phải hi sinh nhiều.
"Tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại nhiều. Nói chung dư luận xã hội có nhiều, nhưng đánh giá vấn đề phải có những bằng chứng cụ thể".
"Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong" - (TTO 28.5.2010).
Khai là phải trung thực
Sáng 14.6.2010 bên hành lang Quốc hội, ông Truyền đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người vừa bị cho thôi chức tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào thời gian đó.
Cụ thể, dư luận và báo chí phản ánh ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
Ông nói: "Thứ nhất, về đất mua như vậy là đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Thứ hai là có kê khai tài sản và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng. Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất.
"Bây giờ tiền thì thiếu gì nguồn, chứ đâu phải mình hỏi lấy tiền đâu chung chung vậy. Hơn nữa vì gia đình vợ anh Thu làm doanh nghiệp, làm ăn kinh tế, có khả năng thì mua cũng là điều bình thường. Chỉ có chuyện trong thời điểm đó mà mua nhiều nền đất như thế thì người ta không đồng tình thôi. Chứ còn về tiền nong thì không có vấn đề gì khuất tất".
"Kê khai tài sản thì nhiều hay ít là do tài sản, khai phải trung thực chứ không lo khai nhiều thì sẽ có ý kiến này ý kiến khác", ông nói thêm - (TTO, 15.6.2010).
Thi Anh tổng hợp
Bổ sung 2 (25/11/2014): Tờ Người cao tuổi có công đầu tiên.
Cập nhật lúc: 05:46 25/11/2014 (GMT+7)
(Kiến Thức) - Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên khi đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền sinh năm 1950 tại Bến Tre. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X; Đại biểu Quốc hội khóa X, XII và Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, ông cũng từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ông nghỉ hưu vào tháng 9/2011. Và từ tháng 3 đến tháng 8/2011, chỉ 5 tháng trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương.
Cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền. Theo nội dung mô tả của bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một dinh thự hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.
Căn biệt thự rộng lớn của gia đình ông Truyền ở quê nhà. |
Đáng chú ý hơn, bài báo đó cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…
Ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng trước báo giới. Khi đó, ông Truyền cho hay: “Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác. Không hiểu người viết có dụng ý gì đó mà đưa ra suy luận rất không tốt như vậy”.
Dù ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng thanh minh về nguồn gốc khối tài sản nêu trên, nhưng mới đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông và có đề ra phương án thu hồi nhà, đất của ông.
Tài sản “nổi” của ông Truyền “khủng” ra sao?
Về cơ ngơi, ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc như sơn son thếp vàng.
Về nguồn gốc, căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre đặc biệt cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, Bến Tre rộng chỉ chừng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh bị cưỡng chế đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền và hiện nay đã cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Ngoài ra, ông Trần Văn Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM tại phường Thảo Điền (Quận 2), Quận 5 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường "đặc biệt" của vợ chồng ông có giá trị nhiều tỷ đồng
Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận băn khoăn, ông Trần Văn Truyền nói với Tri Thức Trẻ: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi”. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. “Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.
Theo vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?”, ông Truyền nói.
Trên báo chí, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng lên tiếng xác nhận miếng đất rộng 1 hecta đó đã được con trai của ông Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng khẳng định.
Lý giải về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền cho hay trên Tri Thức Trẻ: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.
Trong khi đó, trả lời báo chí khi được hỏi về thông tin ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, căn hộ này ông Truyền đã trả lại tỉnh và hiện nay tỉnh đang cho Trung tâm thẩm định giá miền Nam thuê. Ông Trọng cũng cho hay ông đã từng vào ngôi nhà của ông Truyền ở xã Sơn Đông và thấy đồ đạc trong nhà cũng bình thường và “đâu có chiếc giường quý nào như phản ánh đâu”.
Khối tài sản của ông Truyền bị phanh phui như thế nào?
Ngày 12/ 6/2014, trong kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII, khi được hỏi về khối tài sản khổng lồ phát hiện ra sau khi Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền về hưu, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ hiện thời, cho biết hiện nay chưa có quy định về việc kê khai tài sản đối với cán bộ đã về hưu, mà chỉ có việc kê khai tài sản đối với cán bộ đương nhiệm. Với trường hợp này, khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã thực hiện kê khai đầy đủ, không có dấu hiệu thiếu trung thực.
Ngày 24/7/ 2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã điều động cán bộ đến kiểm tra và xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Thời gian làm việc của đoàn kéo dài 90 ngày.
Đến ngày 21/11/2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận ông Truyền có sai phạm và kiến nghị thu hồi nhà cửa, đất đai đã vi phạm luật của ông.
Kết luận này ghi rõ, đồng chí Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, đồng chí đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Theo đó, văn bản kết luận nêu rõ 6 sai phạm liên quan tới nhà cửa, đất đai của ông Truyền. Văn bản cũng cho biết, một số cơ quan chức năng đã làm sai khi không thực hiện lệnh thu hồi một số tài sản là nhà, đất của ông Truyền.
Ngày 23/11, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù chưa nhận được kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về sự vụ này nhưng tỉnh Bến Tre đã có động thái tích cực, xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP Bến Tre). Tỉnh Bến Tre đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 và chuẩn bị tháo dỡ căn nhà tạm (hiện đang sử dụng làm đại lý bia). “Chúng tôi kiên quyết tháo dỡ căn nhà kho trả lại hiện trạng ban đầu. Các cá nhân sai phạm liên quan đến sự vụ này như đã nêu sẽ phải kiểm điểm xử lý nghiêm khắc”, ông Phong cho biết. Theo ông Phong, dự kiến ngày 26/11, UBKTTƯ sẽ đến tỉnh Bến Tre để công bố kết luận nêu trên.
---
Bổ sung 1 (24/11/2014): Người ta nói đến chữ Bao Công.
Ông Vũ Quốc Hùng: “Tôi nhận thiếu sót khi giới thiệu anh Truyền”
Ngoài ra, ông Hùng cũng bày tỏ sự đau xót đối với một cán bộ cao cấp có quyền lực sau khi những sai phạm của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bị phát giác.
Người giới thiệu ông Trần Văn Truyền nhận thiếu sót
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) - người làm việc với ông Trần Văn Truyền. Khi đó, ông Truyền giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ và ông Hùng là người giới thiệu ông Trần Văn Truyền cho Ban Bí thư bầu làm Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ.
Ông Vũ Quốc Hùng
Theo báo Lao động trích đăng, ông Hùng đã nhận thiếu sót về việc này: Khi tôi đang làm Phó chủ nhiệm thường trực UBKTTƯ, tôi có trách nhiệm là cùng với UBKTTƯ đề xuất, giới thiệu chuẩn bị lực lượng nhân sự cho ban lãnh đạo UBKTTƯ, thời điểm này diễn ra sau Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IX.
BÀI LIÊN QUAN
Tôi được anh em giới thiệu ông Trần Văn Truyền khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, thấy đồng chí có khả năng làm cán bộ của UBKTTƯ.
Đáng nhẽ ra, để ông Truyền vào đội ngũ “Bao Công” này tôi phải xem xét, kiểm tra ông Truyền, tuy nhiên do cả tin vào 2 vòng kiểm tra trước đó. Vòng thứ nhất - vòng tuyển chọn ở tỉnh làm Bí thư Tỉnh ủy, vòng thứ hai - vòng kiểm tra của T.Ư để vào Ủy viên T.Ư Đảng.
Ông Truyền cũng có thành tích trong chiến đấu, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là những yếu tố để tôi có thể giới thiệu ông Truyền cho Ban Bí thư bầu làm Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ.
Ông Vũ Quốc Hùng nói thêm: Đây là việc tôi thấy đau xót đối với một cán bộ cao cấp có quyền lực. Tôi cho rằng, bây giờ mình không nên đưa ra bàn luận nhiều về con người này nữa, mà cần phải rút ra bài học chung, làm thế nào để không còn có những đồng chí đảng viên đương chức sai phạm và cả những đảng viên đã về hưu.
Phải xem xét kiểm tra, giám sát đảng viên, đặc biệt các đảng viên cao cấp, mọi lúc mọi nơi, tránh để xảy ra tình trạng sai phạm lâu rồi sau này mới phát hiện. Tiếp đó, thường xuyên kiểm tra giám sát các đảng viên đã về hưu chứ không phải về hưu là không giám sát nữa.
Hàng triệu công chức viên chức đang thuê nhà sẽ nghĩ gì?
Nói về vấn đề này, tờ Tuổi trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Tuổi trẻ
"Cả cuộc đời tôi đã chứng kiến rất nhiều cán bộ, công chức bình thường làm lụng 10 năm, 20 năm mới mua được căn hộ nho nhỏ trên dưới 50m2.
Tôi xin hỏi là cán bộ, công chức bình thường liệu có được cấp đất, được mua nhà giá rẻ, rồi được giao nhà công vụ giữa Thủ đô mà về hưu ba năm sau mới trả lại như ông Trần Văn Truyền?
Hàng triệu công chức, viên chức, người lao động đang ở nhà thuê nghĩ gì khi đọc danh sách nhà đất liên quan đến ông Truyền? Rõ ràng là đặc quyền, đặc lợi.
Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau, tự hỏi xem vào các thời điểm năm 2002, 2003 và 2011 như trong kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu là một người khác không có chức vụ gì thì có được giải quyết cho làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê nhà, cho mua nhà dễ dàng như thế?
Năm 2011, khi nguyên tổng Thanh tra Chính phủ sắp hết nhiệm kỳ, đã trải qua nhiều năm giữ chức vụ cấp cao ở Trung ương và địa phương mà lại làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở thì có hợp lý không? Có phải từ đặc quyền sinh ra đặc lợi?"
Ông Trần Văn Truyền thuộc diện cán bộ cấp cao, nhưng trong thời gian dài cấp có thẩm quyền quản lý ông Truyền không phát hiện những khuyết điểm, vi phạm của ông này. Hoặc có phát hiện nhưng không kiên quyết tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm xử lý, để kéo dài gây dư luận xấu.
Ông Hương cũng cho rằng đây là bài học lớn đối với công tác quản lý cán bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.