Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

22/11/2014

Kiến giải của một nhà nghiên cứu kinh tế : Lo Việt Nam sẽ chỉ còn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Sáng nay, tranh thủ liên lạc với ông bạn là chủ của một doanh nghiệp dạng nhỏ và vừa trong một khu công nghiệp ở phía Bắc. Hỏi về tình hình khó khăn thế nào, thì ông bạn vui mừng bảo: vượt được qua 2014, chắc 2015 thì công ty sẽ khá, chứ cả hơn năm rồi coi như lỗ liểng xiểng, phải lấy chỗ nọ vá chỗ kia. Nguyên nhân là do bạn hàng (doanh nghiệp lớn ở Nhật) liên tục ép giá và đặt mục tiêu sao vừa tốt hơn hàng Tàu cùng chủng loại nhưng giá thành lại phải thấp hơn một vài đô.

Quả là các năm 2013 và 2014, doanh nghiệp của ông bạn đã điêu đứng, nhiều lúc tưởng đã phá sản như các doanh nghiệp ở bên cạnh. Cũng may, nhờ trời (thật ra là nhờ nhân duyên ở trong đời thực của chính người chủ doanh nghiệp), mà 2 năm qua vẫn sống sót ! Mà cũng là nhờ, ông chủ ấy đã sớm đi vào đa dạng hóa ngành nghề trong doanh nghiệp, nếu chỉ dựa vào một mặt hàng thì chắc đã sập rồi. Phải lấy cái nọ vá cái kia, mới trụ lại được. Và bây giờ, các mặt hàng đều đang dần trở lại nhịp như trước khi suy thoái.

Năm 2012, mỗi ngày doanh nghiệp ấy xuất đi 1 công hàng, tức là 30 công trong một tháng. Rồi lên đến 42 công. Sau rồi, bị suy thoái, xuống 16 công, lại xuống 12 công, rồi chỉ còn 8 công. Cuối cùng qua 4 công và về số 0. Kinh khủng ! 

Sau rồi, phải dựng lại từ đầu, từ 1 công, rồi 3 công, bây giờ vừa trở lại nhịp 12 công, và hướng đến 40 công trong một thời gian nữa.

Đó là tình trạng thời gian qua, có lẽ là của chung, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cảm phục tinh thần của ông bạn. Bài học đắt giá đã phải trả là quản trị chất lượng và nhân lực trong doanh nghiệp.

Sau liên lạc, thì đọc bài của cô Phạm Chi Lan (ở dưới). Về sâu xa, lại phải nhờ đến người phụ trách kinh tế giảng tòa là Cu Nỡm, thì mới có thể dễ hiểu được. Chưa chắc Cu Nỡm đã đồng quan điểm với cách nhìn này.

Bây giờ, cứ tạm đọc bài của cô Phạm đã.


---

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Lo Việt Nam sẽ chỉ còn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ



Pham-Chi-Lan 1
Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ những lo lắng của mình về những tác động của xu hướng này đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Kinh Đô mới bán 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelez International – một hãng thực phẩm của Mỹ, Berli Jucker Plc của Thái Lan mới mua lại Metro Việt Nam và đang có kế hoạch mua tiếp Bia Sài Gòn… Bà có nhận định gì về xu hướng mua bán sáp nhập đang diễn ra ngày một mạnh mẽ này?
Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra phổ biến trên thế giới. Việc mua lại một số doanh nghiệp đang thành công hoặc doanh nghiệp đang sở hữu những tài sản phù hợp với mục tiêu phát triển là điều bình thường với nhiều tập đoàn trên thế giới. Với trường hợp tập đoàn Kinh Đô của Việt Nam bán 80% cổ phần cho tập đoàn Mỹ là một trường hợp rất đáng chú ý, ở chỗ Việt Nam cũng đã có những thương hiệu lớn khiến các tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm. Với trường hợp Bia Sài Gòn, tôi cũng băn khoăn nếu họ đang tính toán tới bước bán cổ phần thì điều gì khiến họ phải bán, có nhất thiết phải bán không khi trên thị trường nội địa họ đang lãi lớn và có thị trường rất tốt như vậy?
Khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào cộng đồng kinh tế thế giới, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, dĩ nhiên có cả cơ hội và thách thức. Bà nghĩ gì về vận hội này?
Đây là một xu hướng đang diễn ra và đã có dự báo từ trước đây, là nó sẽ diễn ra mạnh mẽ gần vào thời điểm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Thị trường của doanh nghiệp không còn là thị trường 90 triệu dân Việt Nam nữa, mà là thị trường 600 triệu dân ASEAN hay thị trường ASEAN+6 chiếm tới 40% dân số toàn cầu. Đó hoàn toàn là một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp phải tính toán những chiến lược lớn. Với những doanh nghiệp đã thành đạt, có tầm vóc thì họ có nhiều cơ hội để đẩy vị trí của mình tốt hơn nữa nhờ tham gia vào cuộc chơi lớn hơn, thoát khỏi “ao làng”. Việc bán cổ phần cho các tập đoàn lớn cũng là tính toán dài hơi của doanh nghiệp khi họ không còn phải đi một mình ra ngoài biển lớn nữa…
Theo bà, liệu doanh nghiệp Việt có mất thương hiệu và mất quyền kiểm soát không khi bán một lượng lớn cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài?
Đây là một câu chuyện khó và tôi không dám võ đoán về việc này. Những tập đoàn mua lượng lớn cổ phần nếu cùng ngành sẽ có những hỗ trợ lớn để doanh nghiệp phát triển về công nghệ, quản lý và thị trường. Đó cũng có thể là bước tiến mới để doanh nghiệp tham gia thị trường nước ngoài. Với thế mạnh am hiểu thị trường nội địa, chắc chắn những ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn, sau khi bán đi lượng lớn cổ phần như vậy, Kinh Đô sẽ phát triển theo hướng nào và với quyền quyết định không đủ lớn, liệu họ có giữ được thương hiệu hay không, các thương hiệu Việt sau này sẽ ra sao?
Trong thâm tâm, tôi vẫn mong muốn Việt Nam có được những thương hiệu mạnh có tuổi đời nhiều trăm năm, nhưng những tính toán riêng của doanh nghiệp tôi không bình luận.
Việc mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp cũng để lại những mối lo lớn. Đó là bức tranh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, quy mô không lớn và “teo” đi đáng kể. Chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh thành doanh nghiệp vừa. Như vậy, bức tranh ngày càng rõ là doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đi các doanh nghiệp cỡ trung và lớn để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu. Thêm nữa, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang rất mạnh, năm nay dự kiến sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta chiếm khoảng 70%, xuất khẩu họ chiếm khoảng 68%. Vậy thì phần còn lại cho Việt Nam là bao nhiêu?
Cảm ơn bà!
Lê Phượng (thực hiện)

http://thegioitiepthi.net/chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-lo-viet-nam-se-chi-con-cac-doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho/


---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:




Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.