Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

25/10/2014

Văn nghệ thứ Bảy : Ca khúc Phạm Duy về đồng quê thời CCĐĐ

CCĐĐ là từ được viết tắt quen dùng ở blog này. Phạm Duy có một số ca khúc viết về đồng quê Nam Bộ thời đó.


Luận bàn về số ca khúc này của Trịnh Thanh Thủy (lớp sau) và Nguyễn Đăng Thường (lớp trước, người đã từng trải nghiệm CCĐĐ của Ngô Tổng thống).

Tài sản của Tiền Vệ, dưới là chép nguyên từ đó về.


1. Nguyễn Đăng Thường


Bài này tôi viết đã khá lâu, nhưng do dự mãi không muốn gởi đi, vì nghĩ nó có thể gây xúc phạm hay ác cảm.
Khi viết, tôi không nhắm cá nhân nhạc sĩ Phạm Duy, đã thuộc về “gia sản chung” (public domain). Cuộc đời và con người ông nhạc sĩ như thế nào thì ai cũng đã rõ.
Tôi đã lớn lên cùng tiếng nhạc, lời ca Phạm Duy từ những năm 50 thế kỷ trước. Ai đã từng nghe ca khúc Phạm Duy, hay Trịnh Công Sơn, đều đã bị xúc động có thể đến tột cùng. Nhưng theo nhịp đập của thời gian, khi cảm xúc lúc ban đầu đã lắng dịu, thì ta nên có một cái nhìn thẳng thắng và khách quan hơn về hai nhà nghệ sĩ này, cũng như tác phẩm của họ.
Tôi cũng không muốn xúc phạm hay gây buồn cho nhà văn Trịnh Thanh Thủy. Khi gõ phím, do phản ứng chẳng đặng đừng sau khi đọc hết bài tiểu luận “Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy“, mục đích của tôi là phân tích về cách viết phê bình của Trịnh Thanh Thủy nói riêng và một số không ít các cây viết phê bình khác hôm nay, mà theo thiển nghĩ của tôi, đã thiếu mạch lạc lô-gích, và tôi chỉ muốn đọc nó theo tinh thần khoa học, khách quan mà thôi.
Việc chấp nhận hay không cách đọc của tôi tất nhiên là thuộc về cái quyền bất khả xâm phạm của độc giả.
NÐT



Thoáng nhìn nhan đề “Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy“ tôi không ngạc nhiên mấy, vì đã thầm nghĩ, ngay tức thì: lại thêm một bài ca ngợi. Ca ngợi nhạc Phạm Duy tất nhiên là phải ca tụng con người Phạm Duy, trong tâm lý của rất nhiều người cầm bút hiện nay. Tò mò dừng lại đọc kỹ hơn, tôi thấy tác giả lại vấp phải cái điều rất thông thường, là: ca tụng, hay biện hộ hết mình cá nhân một nghệ sĩ, chỉ vì sợ chê trách con người thì tác phẩm sẽ bị vạ lây.
Cái lỗi, mà cũng là cái cớ, để cho nhà văn Trịnh Thanh Thủy nâng bút cặm cụi viết một bài nhận định khá dài, là vì nhà văn này lo sợ cộng đồng người Việt hải ngoại ― hay chính xác hơn, cộng đồng người Việt ở Mỹ ― “nếu vì mất cảm tình với con người ông [Phạm Duy]mà phủ định mọi thành quả của ông, thì có lẽ đó là một đối xử bất công với chính chúng ta hơn là với ông” (TTT).
Thiển nghĩ của tôi là Trịnh Thanh Thủy đã quá lo xa. Xin thưa: Không ai, chưa ai dám phủ nhận, hay có thể phủ nhận các ca khúc của nhà nhạc sĩ “tài danh”, một “cây đại thụ âm nhạc đã ngã xuống” (TTT). Chỉ riêng ở đây thôi (trong cụm từ vừa trích dẫn) cũng đã có lẫn lộn, khi sử dụng ẩn dụ giữa hai “cây đại thụ” rồi. Bởi lẽ, rất giản dị, là cây đại thụ Phạm Duy có thể đã ngã xuống, nhưng ngược lại, nếu âm nhạc của Phạm Duy thực sự là một đại thụ thì nó sẽ tươi xanh mãi mãi, nếu còn có người chơi nhạc, người hát, và người nghe.
Bài viết của Trịnh Thanh Thủy có không ít những mâu thuẫn. Vào đề, tác giả đã khuyên bảo “chúng ta không nên mang mối quan hệ đạo đức và chính kiến cùng nhạc phẩm của Phạm Duy ra hoà trộn mà bình luận”. Trong số “chúng ta” đó, tất nhiên là không có nhà văn Trịnh Thanh Thủy, mà chỉ gồm những kẻ trong cộng đồng Việt hải ngoại đã “lỡ giận”, chưa “nguôi” vì sự “trở cờ, phản bội lại cộng đồng, phản bội lại lý tưởng tự do mà ngày xưa họ đã liều chết, vượt biển đi tìm” (TTT). Xin thưa: “Cộng đồng người Việt hải ngoại [ở Mỹ nếu có] bị giằng xé giữa những cảm xúc, khinh, yêu, giận, ghét, lẫn lộn khi nghe nhắc đến tên nhạc sĩ Phạm Duy” (TTT), không có nghĩa là họ chê bai ca khúc Phạm Duy. Bởi lẽ ở hải ngoại chưa có ai cấm hát, cấm nghe nhạc Phạm Duy. Nhạc Phạm Duy đã được thu dĩa, thu băng ở Sài Gòn trước 75. Ra hải ngoại đã có thêm CD, DVD. Do vậy sự lo xa, vì nếu giận mất khôn mà đem đổ nước dơ (Phạm Duy) từ trong thau (cộng đồng) có thể ném luôn đứa bé (nhạc phẩm) là chuyện không cần thiết, để viết thêm một bài binh vực, ca tụng âm nhạc và con người Phạm Duy thái quá.
Bảo rằng “Tuy con người và nhạc phẩm liên quan với nhau, nhưng đời sống tình cảm hay chính kiến của cá nhân không phải là mục tiêu của lý luận hay phê bình tác phẩm” (TTT). Rất hay và rất đúng. Thế nhưng, và than ôi, trong suốt cả bài viết, Trịnh Thanh Thủy chỉ làm cái công việc không cần thiết ấy, nghĩa là binh vực ― để tránh nói là ca tụng ― cá nhân ông Phạm Duy quá mức, với mục đích tất nhiên rất cao đẹp, là “cứu vớt” nhạc Phạm Duy cho những thế hệ mai sau, một việc làm cũng không cần thiết. Nếu ca khúc Phạm Duy tuyệt vời thì nó sẽ sống đời, sống mãi, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn nữa, thính giả, ngoài lẫn trong, không ngu dốt đâu ạ. Nhạc hay thì họ nghe, có cấm cũng không được. Nhạc dở thì họ bụm tai, dù có phóng loa “đẹp nhất tên người”. Lẽ ra bài viết của Trịnh Thanh Thủy phải chĩa mũi dùi vào những kẻ đang cấm trình diễn nhiều ca khúc Phạm Duy trong nước. Ngoài ra, Phạm Duy soạn nhạc là để cho cả nước Việt Nam, cho cả dân tộc Việt Nam. Nếu thế hệ thứ nhứt của cộng đồng Việt ở Mỹ có phủ nhận nhạc Phạm Duy thì cũng chẳng hề hấn gì.
Trịnh Thanh Thủy ca ngợi không tiếc lời con người nghệ sĩ Phạm Duy “sống hồn nhiên với đào hát, những thiếu nữ ái mộ, cũng như thoả mãn các thú vui nhục dục, phóng túng, đến và đi, cùng các cuộc tình ngắn, dài, như cơn gió thoảng”. Ô kê, cuộc đời nghệ sĩ lang bạt hát rong chung chạ hồn nhiên của Phạm Duy tuyệt vời lắm lắm. Nhưng tôi cũng rất muốn biết, thật tình rất muốn biết “cơn gió thoảng” ấy đã để lại những gì trên cơ thể, tâm hồn, lẫn trái tim của những cô đào hát, những thiếu nữ ái mộ chàng thanh niên tải hoa, “đến đâu ông cũng được phụ nữ yêu chiều” (TTT). Tất nhiên đã có những kỷ niệm khó quên. Nhưng chắc cũng có không ít cay đắng ê chề trong vài trường hợp chớ? Riêng tôi, tôi còn nhớ câu chuyện ngoại tình xì-căng-đan của ông nhạc sĩ với một cô ca sĩ tài sắc đương thời, đã gây chấn động trong dư luận Sài Gòn dạo ấy. Nó đã tiêu hủy cả sự nghiệp ca hát, đóng phim của cô ca sĩ, và có thể đã hủy hoại luôn cả cuộc đời của cô nữa, bởi vì từ hôm đó cô đã biệt tăm biệt tích luôn.
Trong cuốn hồi ký tự ca ngợi, tự biện minh của mình (tôi chưa đọc), ông Phạm Duy có nhắc tới, hay có đôi lời xin lỗi không? Ông nhạc sĩ có “bản chất nghệ sĩ chuồn chuồn phóng túng... khiến ông không thích ràng buộc bởi nề nếp, luật lệ, đảng phái” (TTT). Thế nhưng chàng thanh niên sống bên lề ấy thì lại vẫn tôn trọng đạo đức Khổng Mạnh, một vợ một chồng, “chống đa thê” (TTT). Ðàn ông là con công bay nhảy, đàn bà là con gà xó bếp. Ông ăn chả nhưng bà không được xơi nem. Vậy thì các cô đào, các cô gái Phạm Duy đã gặp gỡ trên “con đường cái quan từ Bắc chí Nam, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau” (TTT) có thể chỉ là những món đồ chơi, dù tình nguyện, chơi xong rồi vứt bỏ, như trường hợp cô ca sĩ thượng kể? Lại thiển nghĩ: Từ Bắc chí Nam là quá đủ rồi. Nhưng có thể Phạm Duy đã thực sự ra tới Ải Nam Quan và xuống tận Mũi Cà Mau để... ca hát cho đồng bào ta nghe? Những “ca khúc về Mẹ đã ra đời như một tri ân những người phụ nữ Việt Nam” (TTT). Nhưng trong đời tư thì Phạm Duy chỉ có “hai người đàn bà thiêng liêng là mẹ tôi và vợ ti” (PD). Trịnh Thanh Thủy hình như cũng là một nhà văn tôn trọng và binh vực nữ quyền, lẽ ra thì phải la ó cái thái độ ma-sô ích kỷ của ông nhạc sĩ họ Phạm chớ hả?
Trịnh Thanh Thủy viết: “Nhìn vào gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy để lại, tôi giật mình. Tổng cộng vượt quá con số ngàn”. Xin hỏi lại: Trong con số vượt quá con số ngàn đó, Trịnh Thanh Thủy đã nghe được bao nhiêu bài, còn nhớ được bao nhiêu bài, và có bao nhiêu bài thực sự hay? Nếu là người hướng dẫn du khách vào xem khu rừng nhạc nhẹ Việt Nam, phải chăng điều ta nên tránh là đưa họ tới hai gốc đa đề Duy-Sơn, đứng yên tại chỗ mà tán tụng mãi? Nguyễn Trọng Văn, đồng nghiệp của tôi nhưng dạy triết ở Chu Văn An, đã từng bị báo chí Sài Gòn cười chê, bề hội đồng, chỉ vì cuốn tiểu luận Phạm Duy đã chết như thế nào ? của anh. Chí ít, kẻ ngu si muốn lật đổ một tượng thần để bị nó ngã đè lên mình, cũng đã có can đảm của một người cầm bút trung thực, không a dua, dám thổi gió ngược, mặc dù ta cũng phải công nhận cuốn sách của Nguyễn Trọng Văn ra đời lúc đó có mục đích chính trị nhiều hơn đánh giá tác phẩm.
Trịnh Thanh Thủy viết: “Yêu quá là yêu những bài hát [của PD] tụng ca quê hương”. Còn những bài hát khác cũng ca ngợi quê hương, và không ít, thì sao? Thay vì ca tụng mãi cây đại thụ, tốt hơn Trịnh Thanh Thủy nên vạch lá vạch cành đại thụ ra cho người xem có thể nhìn thấy cả cánh rừng nhạc tình tự quê hương chứ. Ðâu phải chỉ có Phạm Duy viết nhạc quê hương thì mới tuyệt vời. Trịnh Thanh Thủy có thể giật mình, nhưng chắc cũng có không ít người le lưỡi lắc đầu lắm chớ. Lượng chưa hẳn phải là phẩm. Trong số những “bé ca, bình ca, rong ca, ngục ca, tâm ca, đạo ca, hương ca. v.v...,” (TTT) thơm ngát của Phạm Duy, chắc cũng không thiếu vài đống ca ca nặng mùi lắm chớ? Bởi đâu có ai đã được nghe hết ngàn bài/ngàn lời ca huyền thoại đó. Các bài minh họa, hay phổ nhạc Kiều, chẳng hạn, tôi chưa được thấy/được nghe ai trình diễn cả. “Phổ nhạc vào thơ là chắp cánh cho thơ bay xa” (TTT) có thể đã không đúng trong trường hợp này chăng? Ðể minh họa cho thơ phổ nhạc khiến thơ thêm đậm đà, Trịnh Thanh Thủy kể ra hai bài, Tiễn em và Bên ni bên nớ (bài này tôi chưa nghe), phổ nhạc cho thơ Cung Trầm Tưởng. Còn bài Thuyền viễn xứ phổ nhạc thơ Huyền Chi, hay hơn nhiều, thì sao?
Trịnh Thanh Thủy viết: “Ngồi ngắm bức tranh khổng lồ này, tôi gắp ra những mảnh nhỏ tôi cho là lân tinh lấp lánh hợp với nhãn quan của tôi, để thưởng thức, để khoe với độc giả”. Một bức tranh khổng lồ, hẳn là phải to lớn hơn bức Guernica của Picasso, mà chỉ có những mảnh nhỏ lân tinh thôi sao? Mà nếu là lân tinh lấp lánh thì ai cũng có thể trông thấy, không cần phải gắp ra. Nếu là bức tranh khổng lồ thì nó được treo ở đâu để cho Trịnh Thanh Thủy ngồi ngắm ngó say sưa? Tiếc thay, “những mảnh nhỏ tôi cho là lân tinh lấp lánh hợp với nhãn quan của tôi” (TTT) thì chúng cũng đã lấp lánh và hợp với nhãn quan của nhiều thính giả khác từ khuya rồi, từ thập niên 50, và có thể cũng đã tới độ nhàm chán rồi. Các bức họa đồng quê hầu hết thuộc về miền Bắc và miền Trung của Phạm Duy, có khác gì “bức tranh quê” (1941) của nữ sĩ Anh Thơ? Ðó là chưa kể Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Ðoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Hàn Mặc Tử... Chỉ có khác là Phạm Duy đã tô hồng, lý tưởng hóa nông thôn tối đa. “Tôi tưởng tượng ra được cảnh chợ quê ồn ã trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới mà Nhất Linh đã tả” (TTT). Nếu Nhất Linh đã mô tả thì đâu cần tưởng tượng ra nữa, mà cũng không cần nghe... thêm nhạc Phạm Duy chi cho mệt lỗ nhĩ.
Trịnh Thanh Thủy viết: “Thời đó, bài ‘Em bé quê’ rất được các em nhi đồng ưa chuộng, hát một cách say sưa vì Phạm Duy đã thi vị hoá cái thú chăn trâu thật ra rất cực nhọc”. Chỉ thời đó thôi à? Thời nay thì sao? Nếu bọn nhóc ngày nay thích chơi game, đọc Xì Trum hơn là ca Em bé quê, thì đã có một cành đại thụ gãy rồi đó. Xin hỏi: Lũ bé chăn trâu khốn khố nếu hát nghêu ngao thì chúng hát cái gì? Chính Trịnh Thanh Thủy cũng đã nhận thấy sự thi vị hóa ấy rồi. Chỉ tiếc rằng Trịnh Thanh Thủy không nói rõ các em nhi đồng đó là những ai. Tất nhiên chúng không thể là những đối tượng (bé chăn trâu) đã được/bị ông nhạc sĩ thi vị hóa. Cứ nhắm mắt há mồm ca “Nhạc Phẩm Bộ Ba –Trilogie [Bà mẹ quê, Vợ chồng quê, Em bé quê] về con người Việt Nam” (sic) thì tất nhiên là phải tuyệt hay. Nhứt là qua “tiếng hát lên trời” (Thụy Khuê) của danh ca Thái Thanh.
Không riêng gì ông Phạm Duy, mà chính tác giả Trịnh Thanh Thủy cũng đã thi vị hóa thôn quê. Trịnh Thanh Thủy viết: “Đời sống người dân quê [dưới chính phủ Ngô Ðình Diệm “người cày có ruộng”] sung túc hơn. Trong bối cảnh xã hội thịnh vượng ấy, đi dạo trên đồng nương (lúc nào? - sáng, trưa, chiều, hay tối?), người ta chợt nghe thoảng vọng đâu đó tiếng hát trêu, hát đố, chòng ghẹo nhau của các cặp trai gái. Thú hơn cả là được nghe các câu dân ca khoan hò đối đáp trong những đêm trăng giã gạo”. Ðời sống dân cày có ruộng lúc ấy có thể đã bớt cơ cực, nhưng thịnh vượng thì tôi nghĩ là không đúng. Trai gái có thể đã bỏ thôn làng lên Sài Gòn kiếm sống. Ngay cả thời Ngô Ðình Diệm không còn giới nghiêm, chưa có Mặt Trận Giải Phóng, thị dân ít có ai đi dạo trên đồng nương để lắng nghe tiếng hát câu hò vì di chuyển tới lui vẫn khó khăn. Xin lưu ý cụm từ “sung túc hơn”. Vì nếu không sung túc hơn, nếu người cày chưa có ruộng, thì sẽ không có những tiếng hát, câu hò huyền thoại ấy? Trịnh Thanh Thủy mô tả đời sống dân quê sung túc hát hò khi cấy lúa, giã gạo đã bỏ quên các ấp chiến lược trong vòng rào kẽm gai. Thời đó chắc cũng không còn những đôi trai gái nào giã gạo trong đêm trăng vì đã có đèn điện, đèn khí đá, đèn măng-sông, và các nhà máy xây lúa, giã gạo sạch, trắng hơn xây lúa bằng tay, giã gạo bằng chày.
Thật à? Trịnh Thanh Thủy đã ngồi xem, ngồi nghe hát giã gạo trong đêm trăng à? Nếu đúng vậy thì hạnh phúc quá. Hay Trịnh Thanh Thủy lại tưởng tượng. Tôi là người Nam, cao tuối hơn tác giả rất nhiều, nhưng tôi chưa hề được chứng kiến cảnh khoan hò đối đáp ấy lần nào cả, kể cả khi tản cư năm 1945, lúc lên bảy, vào Xà No Kinh Xáng (gần tỉnh lỵ Cần Thơ). Thiển nghĩ của tôi là sau 45, tiếng hát câu hò khi cấy lúa, nếu như đã có thật, thì chúng cũng đã lịm tắt vĩnh viễn rồi. Kinh nghiệm cá nhân tôi trong một gia đình địa chủ cỡ trung ở miền Nam trước 1945, về đời sống nông dân lúc đó, là sự túng bấn bần cùng, có mấy đứa con gái nhỏ rách rưới 13, 14 tuổi đem ra tỉnh (Cần Thơ) cho ở đợ làm công cho chủ điền để trừ nợ. Mấy đứa bé gái không có khai sinh tên họ, má và chị tôi chọn đặt cho tên Lê, Tím, Lài... Sau 45 gia đình ly tán, chúng nó lưu lạc theo gia đình tôi cho tới lúc trưởng thành. Gia đình tôi là địa chủ nhưng không thuộc loại “cường hào ác bá” như ở ngoài Bắc. Một thực tế nữa và theo hiểu biết qua kinh nghiệm của tôi, thì một vài bé gái ấy trong vài gia đình khác, khi đã “trổ mã”, đã bị gia chủ hay ai đó trong nhà hiếp mang bầu đẻ con, bị chủ nhà bắt đem con cho người khác hay cho viện mồ côi để tránh hậu quả. Nghĩa là tôi chưa từng được chứng kiến chuyện con chủ nhà du sinh từ Pháp về, đâm ra si tình một cô tớ gái như trong phim Mùi Ðu Ðủ Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Do vậy mà khi xem phim này tôi đã cảm thấy nó quá... siêu thực.
Bà mẹ quê của Phạm Duy “vất vả trăm chiều nuôi một đàn con chắt chiu” mà còn giữ được “nụ cười son” thì chắc là phải do tài tử Kiều Chinh đóng. Ðừng quên bà mẹ quê với nụ cười son hiền từ ấy cũng đã từng “ta yêu con ta môi trắng bết [môi thắm sắc] máu cờ” (Bà mẹ Gio Linh).
Trịnh Thanh Thủy viết: “Phạm Duy đã từng sống, làm ruộng, cày sâu cuốc bẫm như một nông dân, nên trong nhạc phẩm của ông cảnh quê tả rất thực và bàng bạc”. “Ôi! Hình ảnh các bà mẹ Việt Nam [với nụ cười son], sao mà đẹp” (TTT). Nếu đã rất thực, thì sao không kể ra luôn cái cảnh “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói... có lũ tre còm tả tơi...” và “mẹ già cuốc đất trồng khoai / nuôi con đánh giặc đêm ngày / cho dù áo rách sờn vai / cơm ăn bát vơi bát đầy”?
Phạm Duy “hát rong” chỉ là một nghệ sĩ ưa làm dáng, trân trọng cái bề ngoài, không thể so sánh với những người mù, người tật nguyền, trẻ em đói rách “ôm đàn đi chưa vững trên đường mòn” (Tố Hữu) lang thang hát rong trên đường phố kiếm sống qua ngày. Cái hình ảnh còn ghi mãi trong tâm trí tôi cho tới hôm nay, là khi tôi đi chấm thi, ngồi xe đò về Cần Thơ, Long Xuyên. Sau một lúc nối đuôi ngừng lại đợi chờ vì xe quá đông, khi xe từ từ chuyển bánh lăn lên dốc để băng qua cây cầu Bến Lức, là hình ảnh một đứa bé gái dắt một người đàn ông mù khảy đàn măn-đô-lin (măng cầm) hát sai giọng câu “lòng xao xuyến buồn khi chia ly”, đã khiến cho lòng tôi xao xuyến, một phần cũng có thể vì xe tăng tốc lực để lên dốc băng qua cầu khiến tim tôi hồi hộp đập nhanh hơn. Không hiểu sao, cứ mỗi khi nhớ lại hình ảnh hai cha con người mù hát rong ấy, và nghe văng vẳng lại câu hát ấy, tôi vẫn rơm rớm nước mắt. Nếu được nghe ông Phạm Duy hát “du ca” giữa đám thính giả sinh viên, chẳng biết tôi có bị/được xúc động mạnh đến như vậy hay không. Không cần tìm trong nhạc phẩm Phạm Duy chi cho mất công, cái bức tranh quê ngũ sắc xanh đỏ tím vàng giả cầy ấy, hiện nay Hà Nội vẫn trưng bày hàng năm trong các dịp “lễ hội đốt pháo hoa”. Nếu muốn thấy bức tranh quê thật sự thì xin đọc lại Hoàng Ðạo (miền Bắc) và Phi Vân (miền Nam) trước 1945, chẳng hạn.
Xin hỏi: Còn những ca khúc về đồng quê, tình tự quê hương khác thì sao? Tình quê hương của Ðan Thọ, Quê em của Nguyễn Ðức Toàn,Tình nước của Vũ Hòa Thanh, Làng tôi của Chung Quân, Bóng mát của Phạm Thế Mỹ, Trăng sáng trong làng của Tiến Ðạt, Gạo trắng trăng tranh của Hoàng Thi Thơ, Kiếp nghèo của Lam Phương, vân vân... chúng đâu có thua kém nhạc Phạm Duy. Vì vậy, Phạm Duy không hẳn là ông vua nhạc đồng quê.
Tới đây, xin nhắc thêm rằng nhạc đích thực không hẳn phải là / không chỉ là lời ca. Beethoven có hòa tấu khúc Ðồng Quê (Symphony No.6 Pastorale, 1808), và Vivaldi có Bốn Mùa (The Four Seasons, Violin Concertos, 1725), các giao hưởng khúc cho vĩ cầm chẳng hạn, không có ca từ. Dẫu sao, tuy rằng với ca khúc nhạc nhẹ, nhạc và lời rất khó phân cách ra riêng rẽ, nhưng sửa đổi ca từ của một ca khúc cũng có thể biến nó thành một nhạc phẩm hoàn toàn khác hẳn. Trường hợp sáng chói nhứt, có thể là ca khúc Comme d'habitude của Claude François (Pháp), đã được Paul Anka viết lời mới và biến thành ca khúc My way (Mỹ) hay hơn, và nổi tiểng hơn. Tôi cũng có sửa (“cập nhật”) ca từ của vài ca khúc Việt cho hợp với hiện tại bi đát của hôm nay, trong số đó cũng có vài bài ca Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. “Tôi yêu tiếng nước tôi” có thể trở thành “Tôi ghê tiếng nước tôi”, bởi lẽ học sinh, sinh viên đang đua đòi học ngoại ngữ. Nếu có là vua, Phạm Duy ắt hẳn phải là ông vua sửa ca từ, sửa đi sửa lại chí it là vài lần. Câu ca “quân Pháp tham ô ngày nào đã chết không mồ” sửa lại thành ra “quân cướp tham ô”, trong bài Tiếng hát trên sông Lô, khi Phạm Duy bỏ chiến khu về thành, là một ví dụ. “Bà mẹ chiến sĩ” trở thành “Bà mẹ quê” là một ví dụ khác, do chính Trịnh Thanh Thủy đã đưa ra. Hai ca khúc chính trị tuyên truyền đó đã trở thành “dân ca” chỉ vì đã được/bị sửa đổi vài chữ. Tham gia kháng chiến, rồi trở về thành, rồi làm con chim đầu đàn của đàn chim bỏ xứ khi cộng sản chiếm Sài Gòn, rồi lại lìa đàn và chỉ... mang theo cây đàn [bỏ quên] về nước... hát rong. Nhưng “ông [Phạm Duy] cũng khẳng định, ông không đứng về một phe phái, chính kiến nào” (TTT). Ô hay! Ông Phạm Duy “khẳng định” là một chuyện. Nhưng nên tin hay không thì lại là một chuyện khác, rất khác. Người viết tiểu luận nhận định phê bình không nên tin lời của bất cứ một ai. Ðừng quên câu “kẻ thù ta (cộng sản) đâu có phải là người” trong một ca khúc chiêu hồi của Phạm Duy.
Trịnh Thanh Thủy viết: “Ngoài ra, Phạm Duy chỉ là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ chứ không phải một chính khách, nhà giáo hay một nhà đạo đức. Chúng ta không nên trông đợi thái quá ở ông như một con người đứng đắn, mô phạm hoặc một tấm gương sáng cho người sau phải noi theo. Trong hồi ký ông để lại, ông cũng chỉ mong mọi nguời xem ông là một người hát rong qua thời đại.” Lập luận để binh vực, giải oan cho Phạm Duy, nhưng yếu xìu. Xin thưa: Không cần phải là nhà giáo hay nhà đạo đức thì mới có... đạo đức. Một con người đúng nghĩa, một con người “tử tế”, có lý trí, biết phải biết quấy, tất nhiên phải có đạo đức. Một nhà giáo, như một số không nhỏ các “giáo viên” (tiểu học lẫn trung học) trong nước bây giờ, không hẳn đã có đạo đức. Phạm Duy có thể không là những “thứ” mà Trịnh Thanh Thủy đã kể ra. Nhưng Phạm Duy là một nhân vật nổi tiếng, một người của đám đông, luôn luôn sống trong vòng ánh sáng trên sân khấu cuộc đời, lại hay tuyên bố nọ kia kia nọ, luôn luôn muốn được thiên hạ để ý đến mình, thì tất nhiên phải cân nhắc thật kỹ lưỡng mọi hành động trước khi làm. Không thể cứ làm theo ý muốn cho thỏa thuê để rồi khi bị phê phán thì lại chui vào cái rọ “hát rong”, “em chả” vô thưởng vô phạt. Hồ Chí Minh cũng có thể mong mọi người xem ông ta là một “người yêu dân yêu nước... qua thời đại”!
Ca tụng bài Vợ chồng quê, Trịnh Thanh Thủy viết, tất nhiên dựa trên lời ca: “Họ cùng nhau trồng lúa, rẫy khoai, cày sâu cuốc bẫm, học i tờ, nuôi con thơ, tát cạn biển đông”. Tát biển đông? Trịnh Thanh Thủy đã quên “bình minh khi sương tan mờ trên rẫy, thấp thoáng bóng người bên ngòi, tát nước với giọt mồ hôi” rồi sao? Bài Quê nghèo của Phạm Duy, thực tế hơn, tuy đã làm trái ngược lại, nghĩa là bi thảm hóa trong thời chiến tranh thay vì lý tưởng hóa như vào thời kháng chiến tuyên truyền. Tát ao, tát đìa bắt cá, tát nước vào ruộng cũng đã nhừ tử rồi, nói chi tát biển đông. Nếu các bé chăn trâu đã từng có một thời “tuổi ngọc” thì khi lớn lên chúng đã không hăng hái tham gia cách mạng để bị bêu đầu giữa chợ. Cái chuyện bêu đầu cắm cọc nhát khỉ giữa chợ, chờ “mẹ già không nói một câu / mang khăn gói đi lấy đầu” (lòng cam đảm, sự tự hào) dưới thời Pháp thuộc, dám có thể là chuyện phịa lắm đó. Lấy đầu về chôn, nhưng ai cho phép? Còn các xác (cơ thể) thì bỏ lại cho ai? Hay là chính quyền Pháp đã chôn cất nó tử tế rồi? Bài ca này quá rùng rợn nên Việt Minh đã cấm hát, sợ người nghe sẽ không dám tham gia kháng chiến nữa. Hai ngàn quân Pháp vùi thây trên sông Lô “đã chết không mồ” cũng có thể là chuyện giả tưởng, hay phóng đại, không hề được ghi trong sử sách chiến tranh Ðông Dương. Hai ngàn cái thây ma lính Tây chết không mồ trôi lềnh bềnh dưới thời Pháp thuộc được bao lâu? Ngược lại, đã có bao nhiêu anh “vệ quốc cầm súng ngang tàng” đã chết trong trận chiến “oai hùng” ấy? Hay thảy đều “mình đồng da sắt không phai màu” súng bắn hổng thủng? Nó cũng tương tợ như chuyện bắn hạ cả ngàn phi cơ, trực thăng Mỹ ở Hà Nội, Hải Phòng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ-Ngụy cứu nước! Những kẻ chết không mồ thật ra phải chính là các anh bộ đội vượt Trường Sơn đã bỏ xác lại dọc đường mòn Hồ Chí Minh.
Phạm Duy là một nghệ sĩ đa cảm đa tài giàu tưởng tượng nên lời ca tiếng nhạc của ông nghe rất êm tai, có thể gây xúc động mãnh liệt khiến tình cảm lấn át lý trí. Tuy nhiên, các hình ảnh về một đồng quê mộc mạc, hồn nhiên, lương thiện đã có trong bộ sách Quốc-văn giáo-khoa thư gồm bốn cuốn. Bộ “Sách này do Nha học-chính Ðông pháp giao cho ông Trần-Trọng-Kim, ông Nguyễn-Văn Ngọc, ông Ðặng-Ðình-Phúc và ông Ðỗ-Thận biên soạn”, theo lời giới thiệu in trên bìa sách. Ðây là bộ sách giáo khoa vỡ lòng dạy tiếng Việt thời tiểu học của tôi. Xin trích dẫn một bài tập đọc trong quyển hai (lớp dự bị hay lớp tư/cours préparatoire thời Pháp thuộc, tr. 81):
CHĂN TRÂU
Ai bảo chăn trâu là khổ? ― Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu đội nón mê [nón rách] như lọng che. Tay cầm cành [nhành] tre như roi ngựa. Ngất-nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho cho bằng!
Các chữ nghiêng là chữ khó, cần được giải thích cho học sinh. Hình vẽ minh họa, đơn sơ và đẹp mắt, là một đứa bé cỡi trâu đội nón cầm cành tre [không lá], trên bãi cỏ dưới một gốc tre thưa, trên vòm trời có vài cánh chim bay lượn. Phạm Duy đã cóp ý cóp lời bài tập đọc kể trên, để viết ca khúc Em bé quê, chỉ thêm “quất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao”.
Theo thiển ý tôi, Phạm Duy thật ra chỉ là một con kỳ nhông luôn luôn thay đổi màu sắc, tùy thời, tùy lúc, tùy cơ, trong đời sống cũng như trong âm nhạc. Chỗ nào sống thoải mái thì chạy tới. Nhạc nào ăn khách thì viết. Phạm Duy chỉ theo mốt mới, tất nhiên do nhu cầu thương mại, là viết nhạc thời trang, xin gọi tạm như thế. Viết nhạc chống Pháp trong chiến khu. Viết nhạc cho ca sĩ đài phát thanh, phòng trà khi về thành. Viết nhạc cho giới trẻ choi choi con nhà giàu Sài Gòn (Cô Bắc Kỳ nho nhỏ) để theo mốt nhạc trẻ yé yé Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Sheila... của Pháp thập niên 60. Bài Tuổi Ngọc (“xin cho em còn một xe đạp”) viết cho Thái Hiền ca khi Sải Gòn theo mốt mới đạp xe mini.
Phạm Duy không có một hướng duy nhứt, mà thay đổi cách viết không để phục vụ âm nhạc mà chỉ để câu khách, chỉ để cho khán thính giả mua vui qua tiếng hát ca sĩ, từ đời cha tới đời con. Khác hẳn Picasso, chẳng hạn, đã thay đổi bút pháp để phục vụ hội họa. Phạm Duy làm đẹp đồng quê, bôi bẩn thành thị. Làng quê “có con sông đào xinh xắn”, thành phố thì “bùn lầy xuyên qua lối ngõ không tên”, dù cả hai hình ảnh có thể là hiện thực, nhưng làng quê không đẹp đẽ hơn, thành thị không xấu xí hơn. Làng tôi vẫn có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh. Sài Gòn vẫn là hòn ngọc Viễn Ðông, Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi. Nhạc Phạm Duy vẫn là nhạc Phạm Duy. Picasso thì làm xấu chân dung phụ nữ trong tranh để mở một hướng mới cho hội họa.
Khán thính giả của ca khúc Việt tựu trung chỉ là giới trưởng giả thành phố, trước và sau 75. Buồn cười nhứt, là khi coi YouTube, thấy “đi-vô” Ðàm Vĩnh Hưng khoác áo măng-tô bằng nỉ đen dài gần chấm gót, hàng hiệu đắc tiền, xuất hiện trên sân khấu trong một màn “nhạc cảnh”, hát Kiếp nghèo, giữa những cặp tình nhân trẻ mặc âu phục quàng tay ôm nhau chậm rãi bước qua bước lại. Hoặc nhạc cảnh Thiên thai với các tiên nữ thời Ðường Minh Hoàng du nguyệt điện ― nghĩa là bầy tiên nữ khựa trong trong phim tàu Hồng Kông. Thành thật mà nói, mà hỏi, ngoài nhóm khán giả trưởng giả nhà giàu mới còn mộng du trong quá khứ “á đông/á xẩm”, nam giới ta trong nước hiện nay có mấy ai thực sự muốn nâng chén, nghe đàn, ôm ấp các nàng tiên cài trâm, áo thụng, dải thắc lưng bay loà xoà, thướt tha trên các nắp hộp bánh trung thu Chợ Lớn đó? Tiên nữ trong quán bia ôm hấp dẫn hơn. Trái lại, ca sĩ khi hát Quê nghèo cũng không cần mặc bà ba đen, hay nâu, quần xắn lên, đội nón lá, vác cuốc khi đứng trên sân khấu. Vì ca sĩ vẫn là ca sĩ, ca sĩ không thể là một nông dân, nghèo hay giàu, hay cần giả trang, đổi giống cho thích hợp với ca từ.
Xin để qua một bên khâu phổ nhạc cho thơ có nhiều bài tuyệt vời, riêng tôi, tôi ngưỡng mộ một Phạm Duy viết lời Việt cho nhạc ngoại.Dòng Sông Xanh, Khúc Hát Thanh Xuân, Dạ Khúc, Trở Về Mái Nhà Xưa... Bài Clementime (My Darling Clementime) một ca khúc của dân đào mỏ vàng ở Miền Viễn Tây, lời Việt của Phạm Duy rất thú vị, vừa hòa lẫn với nhạc, vừa trữ tình khôi hài, nắm bắt được cả hồn lẫn xác của nguyên tác. Tiếc thay, vào lúc cuối đời, khi phải chứng kiến những cảnh đổi thay quá nhanh chóng bất ngờ, con người nhạc sĩ của Phạm Duy thay vì im hơi lặng tiếng, đã làm một chuyện rất lãng xẹt là viết nhạc cho... thơ Nguyễn Du.
Tục ngữ: “Thương người thương cả đường đi / Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Trịnh Thanh Thủy yêu nhạc Phạm Duy nên yêu luôn con người Phạm Duy. Hay ngược lại. Nhưng trong trường hợp Phạm Duy (cũng như trường hợp Trịnh Công Sơn) không thể có chuyện “chúng ta”. Vì đây là chuyện tình cảm, phản ứng riêng của từng cá nhân, không thể khuyên bảo bằng cách vỗ tay khen hay, hay quá, hay quá, để thuyết phục mọi người theo ý kiến của mình. Nó cũng tương tợ, một thí dụ, như chuyện “bài trung”, tẩy chay hàng Trung Quốc vậy. Người bán hàng không thể khen hàng Tàu đẹp, rẻ, bền, rồi khuyên mọi người đừng tẩy chay. Tất nhiên, ai còn ưa thì cứ nghe nhạc Phạm Duy, ai giận người chém nhạc thì là cái quyền bất khả xâm phạm của họ, chẳng phương hại tới ai cả. Ta khôn thì ta chịu, họ dại thì họ nhờ. Bọn văn công Việt Cộng có thể ra hải ngoại mở tiệm phở ngon, rẻ đặc biệt, thì khách vẫn trọn quyền tới hay không tới tùy ở mỗi người.
Nói tóm lại, bài viết công phu của tác giả Trịnh Thanh Thủy để ca ngợi/ca tụng con người và âm nhạc Phạm Duy là một việc làm phí công, vì đã mở ra một cánh cửa đã mở banh từ lâu. “Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy“ là một nhan đề tôi nghĩ là quá bao la và đầy tham vọng, chí ít là vì bài viết thật ra chỉ để minh họa cho “nhạc phẩm bộ ba/trilogie” Bà mẹ quê, Vợ chồng quê, Em bé quê. Theo tôi, bài viết có hại cho nhạc Phạm Duy hơn có lợi. Những bức tranh xã hội trong âm nhạc Phạm Duy do Trịnh Thanh Thủy trưng bày chưa thể hiện đầy đủ, đúng mức khâu nhạc về đồng quê đa diện đa sắc của Phạm Duy. Nó cũng không thể là bức tranh xã hội Việt Nam toàn cảnh vào bất cứ thời điểm nào. Và cũng xin lặp lại một lần nữa: phê bình cá nhân không hẳn phải đồng nghĩa với phủ nhận tác phẩm. Ngoài ra, bài viết quá trịnh trọng, người đọc chỉ nghe những cái hít hà, những tiếng vỗ tay không ngừng. Bố già Phạm Duy, luôn luôn thích sự trẻ trung, hẳn sẽ không nề hà nếu có đôi lời giễu cợt, thậm chí chê bai. Nếu Trịnh Thanh Thủy đã để thì giờ nghiên cứu, tìm tòi viết một bài về “những bức tranh xã hội trong ca khúc Việt Nam”, bao gồm những nhạc sĩ khác, thì sẽ thú vị, và bổ ích hơn.

London, tháng 8, 2014.


2. Trịnh Thanh Thủy


Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy



Có lẽ chưa bao giờ cộng đồng người Việt hải ngoại lại bị giằng xé giữa những cảm xúc khinh, yêu, giận, ghét, lẫn lộn khi nghe nhắc đến tên nhạc sĩ Phạm Duy. Tình cảm mâu thuẫn này cũng đồng dạng với phản ứng của cộng đồng hải ngoại đồi với sự quay lưng của nhiều ca nhạc sĩ trước kia đã từng được thương mến và giờ đây họ lại chọn lựa trở về Việt Nam để trình diễn, kiếm sống, hay ngụ cư. Dư luận phê phán và lên án những kẻ bị cho là trở cờ, phản bội lại cộng đồng, phản bội lại lý tưởng tự do mà ngày xưa chính họ đã liều chết, vượt biển đi tìm. Trong bối cảnh xã hội xao xác lòng người như vậy, sự ra đi mãi mãi vào lòng đất của một Phạm Duy vẫn không khiến những người lỡ ghét ông nguôi cơn giận.
Nếu ngồi tính sổ và nhìn lại trong kho tàng âm nhạc Miền Nam Việt Nam từ thời tiền chiến khoảng 1945 cho tới nay, chúng ta còn lại bao nhiêu nhạc sĩ nổi danh còn sống và bao nhiêu người đã mất đi? Phần lớn những đại thụ trong lĩnh vực ca khúc đã ngã xuống, kể cả Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Theo tôi sự mất mát to lớn của những bậc tài danh ấy chưa có những tài hoa nổi trội trong cộng đồng hải ngoại nào thay thế, hoặc nếu có thì rất ít, hoặc nếu lớp trẻ nổi lên thành danh thì đã hoà nhập vào dòng chính âm nhạc của quốc gia họ đang cư ngụ.
Hơn nữa, tôi thấy chúng ta không nên mang mối quan hệ đạo đức và chính kiến ra mà hoà trộn cùng những ca khúc của Phạm Duy để bình luận. Tuy con người và tác phẩm có liên quan với nhau, nhưng đời sống tình cảm hay chính kiến của cá nhân không phải là mục tiêu của lý luận hay phê bình đối với tác phẩm. Ngược lại, nếu vì mất cảm tình với con người ông mà phủ định mọi thành quả của ông, thì có lẽ đó là một đối xử bất công với chính chúng ta hơn là với ông. Chúng ta sẽ vô tình để mất một gia tài âm nhạc quý báu đã đánh dấu một mốc lịch sử trong nền âm nhạc phong phú của miền nam Việt Nam trước thập niên 1975. Ngoài ra, Phạm Duy chỉ là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ chứ không phải là một chính khách, một nhà giáo hay một nhà đạo đức. Chúng ta không nên trông đợi thái quá ở ông như một con người đứng đắn, mô phạm hoặc một tấm gương sáng cho người sau phải noi theo. Trong hồi ký ông để lại, ông cũng chỉ mong mọi người xem ông là một người hát rong qua thời đại. Ông không giấu giếm những sự kiện trong quá khứ; ông đã sống một cuộc sống rày đây mai đó theo chân những gánh hát rong; ông đã sống hồn nhiên với đào hát, với những thiếu nữ ái mộ, cũng như thoả mãn các thú vui nhục dục, phóng túng, đã đến và đi, cùng các cuộc tình ngắn, dài, như cơn gió thoảng. Được trời phú và đãi ngộ cho những tài hoa, đến đâu ông cũng được phụ nữ yêu chiều, ông thẳng thắn xưng tội trong nhật ký “Trót là một nghệ sĩ chỉ biết xưng tụng tình yêu, không bao giờ tôi trốn tránh tình yêu cả. Vì cầm tinh con bướm, tôi có thể là một người tình lang chạ, bao giờ cũng biết yêu, biết quý từng cuộc tình một, nhưng tôi không thờ chủ nghĩa đa thê”. Ông cũng khẳng định ông không đứng về một phe phái, chính kiến nào. Là một nghệ sĩ thấy chiến tranh mang tang tóc, chết chóc cho người dân, ông phản kháng, ông chỉ trung thành với âm nhạc. Như vậy chúng ta nên ngầm hiểu con người Phạm Duy không có một lập trường chính trị, chính kiến nào rõ rệt. Bản chất nghệ sĩ chuồn chuồn phóng túng của ông khiến ông không thích ràng buộc bởi nề nếp, luật lệ, đảng phái. Tại sao chúng ta phải mong đợi sự trung thành ở một lý tưởng hay một chủ thuyết nào mà ông không bao giờ đi theo?
Khi ráng chiều đã ngả, con người Phạm Duy đã khuất bóng, xin những hệ lụy trần gian của ông theo đó mà về, mà lắng xuống với tro bụi thời gian. Và tại sao chúng ta không đánh giá và xem lại những sáng tác và các đứa con tinh thần mà Phạm Duy đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam từ đó tới nay để ôm ấp chúng hơn là ruồng bỏ chúng?
Nhìn vào gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy để lại, tôi giật mình. Tổng cộng vượt quá con số ngàn. Những đứa con tinh thần của ông được nuôi lớn qua từng biến cố lịch sử và giai đoạn sống. Chúng trưởng thành nhờ những trải nghiệm đầy thương yêu, nhiệt tâm cũng như hùng tâm trên từng bước chân rong ruổi của người nghệ sĩ nuôi mộng viễn du. Vạn lời ca, ngàn cánh nhạc ghép lại, các tác phẩm của ông trông như tấm tranh collage (cắt, dán), đa diện, đa thể, đầy màu sắc. Nào là bé ca, bình ca, rong ca, ngục ca, tâm ca, đạo ca, hương ca, v.v..., đúng là vườn hoa muôn vẻ. Ngồi ngắm bức tranh khổng lồ này, tôi gắp ra những mảnh nhỏ mà tôi cho là lân tinh lấp lánh hợp với nhãn quan của tôi, để thưởng thức, để khoe với độc giả. Đó là những bản nhạc như bức tranh xã hội trong nhạc Phạm Duy.
Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi, bố là nhà văn chuyên về tả chân và phê bình xã hội. Có lẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bố nên ông đã viết nhiều bài hát có nội dung như những bức tranh xã hội thời đại. Ông viết trong hồi ký “Những lúc tôi soạn loại bài hát phê bình xã hội như tâm ca hay tục ca tôi, đều liên tưởng tới việc làm của một người bố tuy không gần gũi mà hoá ra thân thiết.” Ông cũng từng say mê hội hoạ, theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và là bạn đồng môn của Võ Lăng, Bùi Xuân Phái... Do đấy, ta sẽ không ngạc nhiên, hội hoạ và cái đẹp đã góp sức tô màu, vẽ nét vào các bức tranh trong nhạc Phạm Duy. Hãy xem vài bức tranh sắc màu trong các sáng tác của ông vào thập niên 1948-1958, là thời gian sức sáng tác của ông sung mãn nhất, cùng bầu nhiệt huyết thanh niên đầy ắp trong lứa tuổi của 27 đến 37. Những bài hùng ca, kháng chiến ca, dân ca, tình ca quê hương đã lần lượt ra đời.

Bức hoạ đồng quê
Trước khi có biến cố chia cắt đất nước năm 1954, Phạm Duy đã lên đường vào Nam tìm tự do từ năm 1951. Người dân sông nước Miền Nam trước năm 1954 đã biết đến ông nhờ các cuộc lưu diễn, giờ có thêm cơ hội được nghe vang vang những khúc tình ca. Nhắc đến “Tình Ca” (1953), có lẽ người dân Miền Nam không ai không từng nghe qua một lần. Bài hát này đã làm vang lừng tên tuổi ông. Có người còn gọi bài hát này là “Tiếng nước tôi”. Vì chỉ cần một tiếng nói Việt Nam cất lên, bất cứ ở đâu đó, cái tình yêu quê liền bừng dậy. Quê hương là sông, là suối, biển, hồ, tường vôi, mái ngói, đất ẩm, mưa ngâu. Ông đã thâu tóm được cả quê hương một cách khéo léo trong một bài hát nhỏ. Rồi đến “Tình hoài hương” và những lời ca hoài quê, nhớ nước, nhớ vòm tre non, nhớ làn khói ấm, nhớ cả dòng Hương. Và còn nữa, những bức tranh vẽ uốn theo tấm bản đồ chữ S đi từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau bằng khúc “Trường ca con đường cái quan”. Yêu quá là yêu những bài tụng ca cho quê hương.
Trong tâm khảm thương yêu của Phạm Duy, ngoài tình yêu quê hương đầy ắp, ông còn yêu phụ nữ rất nhiều, nhất là yêu mẹ. Ông có ba bà mẹ: mẹ ruột, mẹ nuôi và mẹ Việt Nam. Những “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bà Mẹ Quê”, “Mẹ Trùng Dương”, “Trường Ca Mẹ Việt Nam”, v.v... đã ra đời như một tri ân đối với những người phụ nữ Việt Nam.
Trong tập hồi ký, ông có nói rằng bài “Bà Mẹ Quê” nguyên thủy có tên là “Bà Mẹ Chiến Sĩ” sáng tác năm 1949 cho tinh thần kháng chiến, sau ông đổi thành “Bà Mẹ Quê”. Những bài hát có màu sắc chính trị giờ lại mang nét xã hội và văn hoá. Ông tâm sự “Thứ bẩy 21 tháng 8, 1999 là ngày lễ an táng Thái Hằng. Trước đó vài ngày, tôi bỏ ra khá nhiều thời gian để tìm tòi trong số trên dưới 1000 cuốn cassettes, một cuốn băng có ghi âm bài Bà Mẹ Quê do Thái Hằng hát trên đĩa 78 tua của Hãng Ðĩa Việt Nam vào năm 1951 mà tôi còn giữ được trải qua biết bao nhiêu cuộc tang thương... Hôm sau, trước khi đậy nắp quan tài, tôi gọi các con ra trước linh cữu để nghe bài ca mẹ hát khi mẹ 23 tuổi... Ðó là một bài hát về tình mẹ. Rồi tôi nói với các con rằng: Không phải tôi chỉ soạn có hai bài nhạc tình cho vợ, mà bất cứ bài ca nào tôi soạn cho tình mẹ đều lấy hứng từ hai người đàn bà thiêng liêng là mẹ tôi và vợ tôi.”
“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon...”
(“Bà Mẹ Quê” hay “Bà Mẹ Chiến Sĩ”, 1949) - với tiếng hát Thái Hằng
Bài hát khai hoa một bức họa đồng quê tươi sáng với một vườn rau xanh ngắt (Phạm Duy rất yêu màu xanh). Hình ảnh đàn gà con lon ton theo chân gà mẹ tìm mồi tạo nên những vẻ sinh động. Chúng ta có thể hình dung được qua gà mẹ, một bà mẹ quê tất tả ngược xuôi, ra đi từ sớm tờ mờ đất. Trong cái tranh tối tranh sáng của con đường làng, với đôi vai gầy quang gánh, bà mẹ trẻ trong chiếc áo nâu non, ẩn hiện như một bóng ma. Tôi tưởng tượng ra được cảnh chợ quê ồn ã trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới mà Nhất Linh đã tả. Đàn con thì ở nhà thơ thẩn đợi mẹ về, đợi quà, đợi nụ cười hồng của mẹ. Tan chợ, vừa về đến nhà, thấy bầy con, mẹ cười quên cả nhọc nhằn, mở gói quà phân phát cho chúng tấm bánh, củ khoai. Nghe hết bài hát chúng ta có được một góc sinh hoạt bức tranh 3 chiều của bà mẹ hiền: một thân ướt mưa dầm, lo toan việc nhà, việc ruộng nương, phơi lúa, tát nước. Quá là đảm đang.
Tôi sinh ra ở thành thị nhưng mẹ tôi cũng là một bà mẹ quê. Tôi chưa từng sống ở nhà quê bao giờ, nhưng vì đi nhiều, tôi cũng được đặt chân lên những con đường đất trơn trượt men theo cánh đồng lúa mênh mang bát ngát. Chỉ nhìn mẹ, tôi cũng hiểu được sự cần cù, nhẫn nại, đức hy sinh vô biên của những bà mẹ quê như thế nào. Ơi! Hình ảnh các bà mẹ Việt Nam sao mà đẹp.
Có điếc tai vì cái ồn ào phố thị, mới nhớ nếp tịch lặng nông thôn. Có chật chội trong nêm cối phố phường, mới thương sao đồng mạ xanh bát ngát. Chính sách cải cách điền điạ của chính phủ Ngô Đình Diệm đã thay đôi bộ mặt của thôn quê Miền Nam những năm sau 1954 đến 1960. Chính sách này đã khôi phục, bảo vệ quyền dân sự cơ bản là quyền tư hữu, và tôn trọng quyền lợi của chủ đất. Nó giúp nông dân chưa có đất có cơ hội sở hữu một diện tích đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của họ. Đời sống người dân quê sung túc hơn. Trong bối cảnh xã hội thịnh vượng ấy, đi dạo trên đồng nương, người ta chợt nghe thoảng vọng đâu đó tiếng hát trêu, hát đố, chòng ghẹo nhau của các cặp trai gái. Thú hơn cả là được nghe các câu dân ca khoan hò đối đáp trong những đêm trăng giã gạo. Phạm Duy đã từng sống, làm ruộng, cày sâu cuốc bẫm như một nông dân, nên trong tác phẩm ông đã cảnh quê tả rất thực và bàng bạc. Ông đưa dân ca vào tân nhạc, những luyến láy, nguyên âm “ứ ư, ớ ơ, à ơi” được ông tận dụng cùng giai điệu ngũ cung, khiến người nghe thấy ngay một Đông Phương gần gụi. Bài hát “Vợ Chồng Quê” hạnh phúc mà ông soạn như một biểu trưng lý tưởng cho tình yêu trong sạch và mẫu mực của dân quê từ những năm 1953, giờ mang ra hát lại còn thú vị gì bằng?
“Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen giòn với nụ cười son.
Hỡi anh gánh gạo ư ứ trên đường, chàng ơi
Gạo Nam, gạo Bắc ứ ư
Ðòn miền Trung, gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi...”
(“Vợ Chồng Quê”, 1953) - với tiếng hát Thái Thanh
Bức tranh sinh động có âm thanh vẽ được hình ảnh người con trai vai mang chiếc đòn gánh Miền Trung, gánh đôi gạo đầy hai thúng Nam Bắc, đi trên đường cái quan, là một hình tượng tuyệt đẹp. Cô thiếu nữ nết na Miền Nam nước da bánh mật, đen giòn đứng cười tươi, nhắn nhủ chàng rằng “Đòn Miền Trung gánh đừng để rơi, chàng chàng ơi gánh đừng để rơi”. Chàng và nàng sống chung hoà thuận, như chim chia mồi, như đũa có đôi. Họ cùng nhau trồng lúa, rẫy khoai, cày sâu cuốc bẫm, học i tờ, nuôi con thơ, tát cạn biển đông.
Hội hoạ Tây Phương có những bức tranh bộ ba (triptych). Phạm Duy cũng có ca khúc bộ ba về con người Việt Nam, mà ông gọi là những bài hát quê hương-dân tộc. Đó là “Bà mẹ quê”-”Vợ chồng quê”-”Em bé quê”. Thời đó, bài “Em bé quê” rất được các em nhi đồng ưa chuộng, hát một cách say sưa vì Phạm Duy đã thi vị hoá cái thú chăn trâu thật ra rất cực nhọc.
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau...”
(“Em bé quê”, 1953) - với tiếng hát Hà Phạm Anh Thư

Bức tranh đô thị, con người và thân phận
Nói tới Miền Nam Việt Nam thì đồng quê, lúa gạo là cái nôi nuôi nấng con người, nhưng Sài Gòn chính là hòn ngọc tinh hoa tư duy và điều khiển cái nôi quý báu ấy. Phạm Duy đã về thành, đã sống an vui trong hạt gạo châu thổ vào những giai đoạn từ 1951 tới 1975 ở Sài Gòn. Những giai khúc của phố phường, xóm khuya, phòng trà, kiếp nghèo, theo nhau mà trổi lên như một hoạt cảnh xã hội đô thị. Các bài “Tình kỵ nữ”, “Tiếng bước trên đường khuya”,”Phố buồn” được người dân Sài thành đón nhận như đời sống, thân phận hay những mạch máu luân lưu trong tim họ hàng ngày.
“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen...”
(“Phố buồn”, 1954) - với tiếng hát Thanh Thúy
Những người nghệ sĩ rất nhạy cảm trước cái hay, cái đẹp, cái thơ. Phạm Duy cũng không khác. Ông rung động trước nhiều bài thơ hay và ông đã phổ nhạc. Phổ nhạc vào thơ là chắp cánh cho thơ bay xa. Nhạc có thơ, nhạc như chứa chan vần điệu, ca từ thêm mượt mà, gợi hình, gợi cảnh. Thơ được phổ nhạc, thơ như giàu có, đầy âm điệu, tiết tấu khiến người nghe, người biết đến nhiều hơn. Khi Phạm Duy đọc được bài thơ “Tương Phản” của Cung Trầm Tưởng ông đã “cảm” ngay lập tức. Ông không chỉ phổ nhạc bài thơ này mà còn phổ nhạc vài bài nữa của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, nổi tiếng nhất là bài “Chưa bao giờ buồn thế”. Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng cùng du học ở Pháp. Ông ở Pháp 3 năm (1952-1954) còn Cung Trầm Tưởng ở 5 năm(1953-1957). Năm 1958, ông phổ hai bài thơ của Cung Trầm Tưởng và đều đổi nhan đề. Bài “Chưa bao giờ buồn thế” thành “Tiễn Em” và “Tương Phản” thành “Bên ni, bên nớ”.
“Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người, người xa vắng người...”
(“Bên ni, bên nớ”, 1958) - với tiếng hát Khánh Ly
Lời bài hát tuy không phải do Phạm Duy viết nhưng, tôi nghĩ, khi phổ bài này ông đã đem hết tâm huyết mình viết nên ca khúc. Bức tranh mở ra hai cảnh đời tương phản của xã hội. Một nghèo, một giàu, một bên thị thành xa hoa, một phía ngoại ô liếp tranh nghèo đói. Tiếng guốc gõ đêm vang vọng nơi này hoang liêu nghĩa địa, dội về nơi kia ồn ã thành đô hoa lệ. Tiếng bi ai ấp úng bên ni, hoà vào tiếng cốc pha lê vỡ và những trận cười giai nhân loã thể thâu đêm suốt sáng bên tê.
Gần đây tôi có duyên gặp gỡ thi sĩ Cung Trầm Tưởng và trong câu chuyện làm quen tôi bỗng tò mò hỏi ông rằng “Cháu hơi ngạc nhiên khi chú là người Bắc, tại sao bài thơ của chú do Phạm Duy phổ nhạc lại có cái nhan đề ‘Bên ni, bên nớ’ là tiếng miền Trung hở chú?” Chú cười và cho tôi biết “Bài thơ có cái nhan đề là “Tương Phản” đã được sửa lại thành “Bên ni, bên nớ”. Nó ra đời ở một nghĩa điạ thuộc phố Đa Kao. Ngày ấy (những năm 1950) Đa Kao còn nhiều bãi đất hoang, phía bên kia là Sài Gòn.”
“Đêm chớp ngày tàn” (trong nguyên tác bài thơ), đèn đêm vừa chớp loé, ngày đã tàn, sương vừa rơi, đêm hạ bắt đầu. Một bóng dạ hành, chân bước theo tiếng xe lăn, ngang chỗ tha ma, đi về viễn phố. Trong vùng tăm tối nhất của đêm, của nghĩa địa, của cuộc đời, tiếng guốc rộn rã vang vọng như tiếng chuông của sự sống, một nối kết của cõi âm với loài người. Hình dáng kẻ ăn xin lên tiếng ấp úng, van xin chút tình thương, chút rộng lượng, chút giao cảm của đồng loại, bi ai như tiếng oan hồn. Bên cái cô liêu, hoang vắng ấy, trong một liếp tranh có đôi bạn nghèo, tuy rất yêu nhau nhưng phải ly tan và đang đợi một bé thơ sắp ra đời. Đêm vẫn chảy trôi, sương vẫn pha muối, ánh lửa trong liếp tranh vẫn ấm áp, người chết nằm yên trong thế giới của mình vẫn hạnh phúc.
Tôi thích bố cục và nội dung của bài thơ khi tác giả bày ra hai cảnh đời mâu thuẫn nhưng vẫn đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui hạnh phúc của con người dù trong cảnh nghèo. Theo tôi, phải nói Phạm Duy phổ nhạc bài này thật tuyệt vời.
Trong mênh mông của đại dương cuộc sống, thân phận nhỏ nhoi của con người bao giờ cũng là hình ảnh tương phản đáng ghét. Hạnh phúc luôn gắn liền với khổ đau. Sinh thành đi đôi cùng tử vong. Phạm Duy sống cùng, hưởng tận, nhưng ông cũng luôn đối diện với sự ám ảnh của cái chết. Ông bị bệnh tim to và có bướu trong phổi. Cùng trong năm 1958, Phạm Duy đã chạm tới nỗi buồn của những chiếc lá rụng. Suốt cuộc đời trai trẻ ông đã nhìn thấy nhiều cái chết trong thời kháng chiến. Thân phận mỏng manh của con người như chiếc lá, nối tiếp từ màu xanh đến màu vàng và cái chết, đôi khi chỉ trong một sát na. Ông thấy gì trong những đường gân của lá khi ông yêu biết bao màu xanh? Ông sợ gì khi chiều xuống lúc nắng phai, hoàng hôn thở hơi ngắn, đánh dấu ngày hấp hối? Phạm Duy nhìn lá chao nghiêng, đi rưng rưng giữa trời hoa đung đưa. Từng chiếc lá úa, tả tơi trong gió. Tóc sẽ thôi dài, đàn sẽ thôi gảy, mắt lá răm ai thôi lúng liếng, tay gầy ai thôi níu lưng người tình. Hồn ai sẽ rã mềm, lúng búng, uống cháo lú để nổi lên như gò mối, chờ phút đầu thai.
“Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.
Lá vàng bay ! Lá vàng bay !
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi ! Lá vàng rơi !
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối...”
(“Đường chiều lá rụng”, 1958) - Lệ Mai hát / Hoàng Ngọc-Tuấn đệm guitar
Bức tranh thân phận của ông đã có hư hao những giọt lệ chia ly dù ông đang yêu và được yêu. Tuy nhiên ông vẫn chấp nhận cuộc đời, chấp nhận thân phận, yêu thương nó như một “Amor fati” (Yêu thương tính mệnh). Ông đã tạ ơn đời trong ca khúc của mình (“Tạ ơn đời”, 1959). Có lẽ đấng thượng đế thiêng liêng cũng trả ơn ông đã sống trọn kiếp con tằm nhả tơ mà ban cho ông một đời sống dài tới 93 tuổi, dài gần cái mốc trăm tuổi ước mơ của con người. Ông cũng hoạ xong các bức hoạt cảnh thời đại qua nhiều giai đoạn. “Nương Chiều” và “Gánh Lúa” trong giai đoạn kháng chiến chính là không gian quen thuộc của trường phái hiện thực, đậm vẻ trữ tình. Phạm Duy không quên đi vào ấn tượng với “Chiều Về Trên Sông”, nhục tính với “Cỏ Hồng”, còn“Mẹ Việt Nam” chính là tượng trưng, “Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ” là ẩn dụ và “Trường Ca Hàn Mặc Tử” là siêu thực, v.v...
Sau cùng tôi cũng tạ ơn Phạm Duy đã để lại cho chúng tôi, những người Việt Nam, gia tài âm nhạc để đời đầy ắp quê hương và tình tự. Cám ơn sự góp sức của ông cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung, Miền Nam nói riêng. Ông cũng mang lại cho kho tàng này một màu sắc đa diện, đa phương, chỉ có được trong một thế giới tự do như ông đã nhận định trong hồi ký:
“Hai mươi năm ở miền Nam là thời gian của khói lửa chiến tranh đem lại chết chóc, của ô nhiễm chính trị đem lại mệt mỏi, của tiền bạc và lối sống ngoại nhân đem lại sa đoạ... khiến cho cả xã hội lẫn con người có thể bị tha hoá. Tại sao vẫn còn những người hùng trong trắng, những chiến sĩ vô danh, những phụ nữ kiên trinh, những tuổi thơ ngọt ngào, những người mẹ hiền khô — như mẹ ở đất Phù Sa hay trong Ca Dao Mẹ — trong đám đông thầm lặng ở xã hội này? Tôi trộm nghĩ, nhờ biết qua phúc lợi Kinh Nhạc của Cụ Khổng, xã hội và con người miền Nam đã phần nào được điều hợp bởi hàng trăm ca nhạc sĩ. Hãy tưởng tượng một miền Nam không có nhạc tình hay chỉ có nhạc tuyên truyền như miền Bắc. Hai mươi năm âm nhạc ở miền Nam xưng tụng một cách rất hùng hồn nhiều khiá cạnh cuộc đời (chứ không chỉ có both sides mà thôi) với tất cả hạnh phúc và khổ đau, sự sống và sự chết... để bình thường hoá mọi sự, hoá giải mọi khó khăn. Nói ra bi đát là hết bi đát, tôi nhắc lại một lần nữa câu nói của nhà văn Pháp Albert Camus. Tôi khẳng định: âm nhạc trong giai đoạn chịu đựng của miền Nam có khả năng trị liệu những căn bệnh tinh thần, vì trong đó, TÌNH YÊU và CON NGƯỜI lúc nào cũng được xưng tụng.
Sẽ chẳng bao giờ có một diễn đạt phong phú như thế nữa.”

Trịnh Thanh Thủy

---------------------------
Tài liệu tham khảo:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.