Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

02/09/2014

Nhiều vùng đã có phong tục mổ lợn và chia thịt, vào ngày Tết Độc Lập

Tôi hay đi dự những lễ lạt, ở chỗ này chỗ kia. Cũng nhờ thế, được uống các loại rượu lễ khác nhau của nhiều vùng miền. 
 
Cảnh chia thịt trong phạm vi làng bản hay liên làng bản thì cũng đôi khi dự. Một ít thì đã văn bản hóa thành bài vở từ hồi thế kỉ XX rồi (bây giờ thế kỉ XXI mà). 


Độ một tuần trước có bạn hỏi:
"Quê bạn có khái niệm chia thịt lợn thế này ko?"

Khi viết những dòng này, vẫn nhớ như in cảnh mình được chính ông trùm ở một cái làng vắt vẻo bên Chĩnh Tây dúi vào tay một nắm xôi nhem nhuốc, kèm theo cả một miếng thịt nướng xem xém. Chĩnh Tây là đã thuộc vào nước Nồng ở bên kia rồi. Hồi đó tuổi trẻ nên liều, thi thoảng tôi vượt sang đó theo các bô lão, sớm đi thì chiều tối đã ở bên này rồi. Cùng là người Nồng cả, chỉ khác nhau bởi cái con mương nông choèn.

Ngày lễ thần, mỗi hộ góp một người, và có một bữa ăn chung tại trận như vậy ngay trước miếu.
 
Trong cái không khí ngất ngây của Tết Lúa Mới, đã làm vài hớp rượu gạo có mùi khen khét trước đó rồi, thì cái nắm xôi và miếng thịt ấy, quả thật là quà tặng tuyệt, là lộc ban phát của vợ chồng đấng Thần Linh ngự trong ngôi miếu. Ngon và nhớ lâu. 
 
Gần đây, lang thang ở vùng Địa Linh Nhân Kiệt xứ Huế, gặp buổi Giỗ Đấng Khai Canh của làng, bọn tôi cũng được chia đầy cả một bát thịt. Uống rượu và bia hơi bằng bát, ăn thịt cũng bằng bát. Thịt thì là từ lợn của nhà trồng được (đến lân nhà nào nhà đó trồng), loại ăn cám "cổ truyền" chứ không một tơ hào con cò con kê gì, và luộc đến vừa độ, lại chấm với muối biển nguyên cả hạt. Trời, cái thú, cái ngon chân chất thật thà chạy lan tỏa trong cơ thế.
 
Để thư thư rồi đưa một vài cái ảnh chụp bên Chĩnh Tây hay ở xứ Huế, hay cả Mường Móc Mường Sương,.. lên.
 
1. Thế nhưng, chưa bao giờ, tôi được trải nghiệm hay chứng kiến một cảnh chia thịt lợn trong làng xã Việt Nam vào dịp Tết Độc Lập.

2. Mãi vừa rồi, qua blog Tuấn Công Thư Phòng, và qua cả blog Baron Trịnh, tôi mới vỡ lẽ: hóa ra, ở đây đó nơi những vùng quê, quả là đã có phong tục chia thịt vào Tết Độc Lập thật.

Nhân Tết Độc Lập năm nay, hai vị này mới kể lại. Và tôi mới được dịp vỡ lẽ.
 
Tuấn Công thì tả lại rằng: "Thông thường, Mùng Hai Tháng Chín hàng năm, xóm làng tôi vui như Tết. Trẻ con vui đùa, thanh niên cắm trại, tổ chức chơi trò "Hái hoa Dân chủ". Và bao giờ làng cũng có một tiết mục đặc biệt được già trẻ, gái trai chờ đợi là "màn" mổ lợn ăn mừng Tết Độc Lập. Tôi thường sốt sắng với nhiệm vụ đi nhận phần thịt cho nhà mình. Ở làng có mấy ông chuyên chia thịt và chia rất khéo. Thật khó có thể chọn ra một phần thịt nào nhiều hơn, ngon hơn. Phần nào cũng như phần nào, thịt, xương, mỡ, nạc...có đủ cả trong từng khóm. Nhà ai cũng có một phần khá tươm tất. Mấy tháng mới được bữa cơm thịt no nê, bọn trẻ con chúng tôi vui đến mức cứ tưởng ngày này trên thế gian ai ai cũng được sung sướng như mình !... ". Chuyện trở thành đáng nhớ, khó có thể quên, vì vào đúng cái năm đó, cái ngày đó, gia đình Tuấn Công không được chia thịt Tết Độc Lập. Bởi, năm đó, ông thân bị vướng vào một "vụ án văn chương" trong tiểu vương quốc của ông vua con họ Hà bên cạnh một ông tể tướng cũng họ Hà. Đó là mùa thu năm 1984. Cách nay đúng 3 thập niên.

 
Còn Baron thì cũng nhớ lại: "Quê tôi thời đó, mừng quốc khánh to lắm. Làng trên xóm dưới tưng bừng mổ lợn để chia cho bà con ăn lễ. Mỗi xóm là một đơn vị chia thịt. Tôi chả nhớ họ thịt bao nhiêu con lợn, vì nhà tôi không thuộc thành phần “gốc kách mệnh” như một tác phẩm nổi tiếng của vĩ nhân để được nhận thịt.

Lợn được ngả ra, người ta chia theo đầu hộ. Mỡ, thịt, xương, chân giò được chia đều lắm, cho dù có những thứ chỉ có một mẩu bé tý. Chuyện chia đều các phần thịt chả khác gì kỹ nghệ chia cỗ của thằng mõ làng trong truyện của cụ Ngô Tất Tố.

Còn lại cái đầu, lục phủ ngũ tạng với mấy chậu tiết được giữ lại để liên hoan. Cơ mà vui ở chỗ, mỗi hộ chỉ được tham gia một người. Thế nên bữa liên hoan mừng quốc khánh của xóm chủ yếu là đàn ông. Bởi lẽ quê tôi thời đó vẫn còn trọng nam khinh nữ lắm. Việc làng, hẳn phải do đàn ông tham dự.

Do xương thịt chia gần hết, nên bữa liên hoan chỉ có mấy bát tiết canh, đĩa lòng, đĩa thịt thủ thái to và nồi cháo lòng nấu loãng cho dễ húp. Được cái chả mấy khi có rượu, họ uống thật lực, chứ đồ nhắm không quan trọng là mấy.

Vợ con họ ở nhà, cũng được bữa no nê với cơm trắng thịt kho. Mấy đứa trẻ xóm tôi ăn xong chạy ra đường chơi, bụng căng tròn, mép nhờn mỡ.

(...)

Đã 23 năm kể từ khi ra thủ đô học đại học, tôi không còn được đi xem cắm trại mừng quốc khánh ở quê nữa. Cũng chả biết đến thời điểm nào thì dân làng hết việc chia thịt liên hoan mừng quốc khánh
.
". Tức là, Baron ra Thăng Long du học từ năm 1991. Từ đó trở đi là thôi không để ý xem ở quê nhà có còn chia thịt Tết Độc Lập nữa hay không.

3. Hai vị kể chuyện ở xứ Thanh. Hẳn vậy rồi. Nhưng không biết các xứ khác thì sao nhỉ. Xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, và cả xứ Nghệ, xứ xứ,...Có chia thịt như vậy vào dịp Tết Độc Lập hay không ?

2 nhận xét:

  1. Bà con dân tộc Sán Dìu cũng có tục này http://kienthuctamnong.gov.vn/index.php?action=details&&idmuc=thang16

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Khoằm. Về bà con thiểu số thì mình trải nghiệm rồi.

      Ở đây, sự chú ý là dành cho tộc người đa số của Việt Nam: người Kinh/Keo/Giao Chỉ.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.