Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/08/2014

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5 (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004)

Bài đã công bố năm 2012, của tác giả Nguyễn Anh Tuấn - một đạo diễn/nhiếp ảnh gia, có dịp gặp gỡ và phỏng vấn cụ Nguyễn Hữu Đang vào năm 2004.

Ngày xưa, một người thầy về ngôn ngữ học là chỗ quen biết của cụ Đang thi thoảng có kể chuyện về cụ cho bọn chúng tôi nghe. Khoảng năm 1996 hay muộn hơn một chút, thầy có nhắn là cùng lên thăm cụ. Gồm ba người, là thầy, em trai thầy là một nhà tâm lí học, và tôi. Rất tiếc, đúng thời gian đó, tôi vướng việc đột xuất, nên chỉ đi được cùng hai vị một nửa buổi thôi (đến chỗ một nhà ngoại cảm ở làng Cót), phải bỏ về giữa chừng, không đi tiếp được đến nhà cụ Đang như hẹn. Tư liệu về nhà ngoại cảm thì tôi vẫn lưu giữ, còn cả băng ghi âm, cũng đáng nhớ vì hôm đó, chúng tôi được "thông linh" với các cụ Trần Nhân Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bây giờ, cả bốn vị (cụ Đang, nhà ngoại cảm ở làng Cót, hai anh em người thầy của tôi) đều đã khuất núi.


Ở dưới là chép nguyên xi từ trang Nguyễn Trọng Tạo về.
---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004)

- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh)






--- 

KỶ NIỆM VỚI “NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI” NGUYỄN HỮU ĐANG



NGUYỄN ANH TUẤN

 
Lục lọi tủ băng tư liệu cá nhân cũ để tìm hình ảnh cho một phim tài liệu sắp thực hiện, tôi chợt tìm thấy cuốn băng DVC đề ngoài: “Nguyễn Hữu Đang- 2004″. Gần 10 năm qua, kể từ khi quay xong tư liệu đó, lần đầu tiên bây giờ tôi mới bật lên xem lại. Và những cảm xúc nghẹn ngào vẫn còn nguyên vẹn như buổi tối ấy…


Qua một người bạn chung biết được địa chỉ của ông Nguyễn Hữu Đang và được ông cho phép, tôi cùng nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành đến thăm ông tại một khu tập thể cũ ở Nghĩa Đô – huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu thực hiện cái công việc đã ấp ủ từ lâu- tức là đi tìm những nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng và đã cao tuổi để ghi lại tư liệu hình ảnh, ghi xong rồi cứ dành để đó, đợi khi có điều kiện sẽ làm phim chân dung…


Thoạt tiên, ông Đang thấy đồ lề quay phim cồng kềnh đi theo các vị khách thì có vẻ hơi khó chịu, và đề phòng. Chúng tôi đều biết rõ điều này: sau thời kỳ quản thúc ở Thái Bình, được về sống tại ngoại ô Hà Nội, ông bị kiểm soát như các thành viên cựu Nhân Văn, nhưng riêng ông thì không được phục hồi quyền phát biểu tự do như một công dân, không được quyền trả lời phỏng vấn công khai như những người khác. Điện thoại của ông thường chỉ nói được vài câu là đã lại u u u u…


Ông giơ chiếc máy nghe sờn tróc vỏ lên để cho chúng tôi biết ông bị nặng tai, và cầm cây bút ra hiệu là sẽ bút đàm. Trước khi đến với ông, qua một số tài liệu và được nghe kể lại không ít chuyện về ông, chúng tôi đã hằng ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn ông- một nhà cách mạng chân chính có tinh thần độc lập, một người làm chính trị biết tôn trọng văn hoá như một sản phẩm tinh thần đặc biệt và đòi hỏi phải có không gian tự do để nó được phát triển…


Khi chúng tôi đến, bên cạnh những bát đĩa bẩn của bữa ăn trước lẫn với cà-mèn đựng xôi của bữa tối chưa ăn hết là mấy cuốn sách để trên bàn, chắc là ông đang đọc dở, như: “Retour de l’ U.R.S.S”(Trở về từ Liên Xô- A.Gide), “Histoire de la bombe atomique”(Lịch sử bom nguyên tử- nhiều tác giả), v.v. Ông đã bước sang tuổi 90, cơm nước phải nhờ đến một người cháu tới giúp, song những hoạt động trí tuệ thì ai có thể thay thế được cho con người vốn có tinh thần độc lập từ xưa- kể từ khi ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn và suýt đưa ra tòa lúc còn là vị thành niên?


Ngồi ở chiếc bàn vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh. Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc Lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh…
Ông Nguyễn Hữu Đang năm 2004 ở Nghĩa Đô (Hà Nội)
Ông Nguyễn Hữu Đang năm 2004 ở Nghĩa Đô (Hà Nội)
Đứng trước ông- một trong những anh hùng lỗi lạc của văn hóa-giáo dục VN thời hiện đại, con người đã dám làm dám nói tất cả những gì mà ông từng suy ngẫm và cho là đúng, chúng tôi thấy mình thật bé nhỏ! Song tài bút chiến tựa huyền thoại của ông vốn dành cho một nền văn hóa đúng nghĩa, cho một xã hội pháp trị – xã hội công dân, giờ đây chỉ để dùng để bút đàm một cách vui vẻ với những kẻ vô danh tiểu tốt như chúng tôi!


Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ khiến chúng tôi như bị thôi miên. 
          

Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đầy, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc- nhái- chuột- rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh…


Khi chúng tôi viết hỏi ông: “Bác hiện đang sống thế nào, thu nhập có đủ sống không?” Ông viết trả lời: “Chưa kể trợ cấp được lĩnh của BAN QUẢN TRỊ TW ĐẢNG mỗi tháng 600.000đ thì riêng lương hưu của tôi cũng đã trên 1 triệu đồng” (Viết hoa và gạch dưới trong nguyên văn). Hỏi: “Bác kể cho nghe vài chuyện về ông Trần Thiếu Bảo nhé ?” (Nguyên giám đốc nhà xuất bản Minh Đức, và ông Đang đã từng giúp ông Bảo điều hành nhà xuất bản này, tổ chức in lại những sách giá trị thời tiền chiến của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, v.v.). Trả lời: “Nếu Thiếu bảo còn sống đến bây giờ thì văn nghệ Việt Nam vui hơn- ông ta biết bày trò và có khả năng.”


Khi chúng tôi mon men hỏi đến những vấn đề “nhạy cảm”- như về “Văn Hóa” (mà ông Đang có thể nói là một trong những “ông tổ” của nền văn hóa cách mạng- với loạt bài viết về văn hóa trong năm 1945 đã xác định lập trường văn hoá và đường lối hoạt động của Hội Văn Hoá Cứu Quốc, coi việc xây dựng văn hoá là xây dựng đời sống tinh thần của con người, đi đôi với công cuộc đấu tranh chống áp bức, nô lệ); hay động đến hai chữ “Nhân Văn” (mà vì hai chữ này ông đã bị giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc thời đó trù dập và không ít nhà văn nhà thơ đã gọi ông là “hắn”, “y”, bởi ông “đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị…”- BNVGPTTADL) thì ông tìm cách lảng xa, hoặc vờ lơ đễnh trả lời sang chuyện khác. Vì thế chúng tôi chuyển hướng, cho ông đỡ mệt mỏi và sợ hãi, bằng những câu hỏi vô thưởng vô phạt, đại loại: “Bác đánh giá về Lão Tử thế nào?”, “Bác thích nhà văn nước ngoài nào hơn cả”, v.v. rồi chúng tôi cũng mau chóng tự thấy mình vô duyên mà không hỏi gì thêm.


Nhưng chính lúc đó thì ông lại chủ động. Ông không bút đàm nữa, ông trút bỏ nỗi sợ cố hữu, cũng bởi ông thừa biết chúng tôi chỉ là những kẻ khờ dại mà ông thấy tội nghiệp… Ông bảo: “Các cậu chờ chút!” Ông bước vào giá sách góc nhà lục tìm cái gì đó. Ngay lúc ông vừa quay đi, trước mắt chúng tôi là những mảng lưng hở qua chiếc áo bở tã đến thê thảm! Bóng ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng!

Chiếc bàn nhỏ kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ, v.v. Ông Đang dường không chú ý tới việc tôi mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông, chắc bởi lúc đó ông muốn thông báo với chúng tôi điều gì hệ trọng lắm qua một một cuốn sách lớn dày cộp đang ôm trên tay.


Thì ra là điều này: ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa“Le petit Larousse” in năm 2000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″ (gạch đậm dưới). Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. “Ai đã xé nó đi? Gần 100 trang đó gồm những mục gì hở bác?”- chúng tôi nóng ruột hỏi. Ông ghé tai hỏi lại cho rõ rồi thở dài, lắc đầu nhẹ và ngơ ngác như vẫn không tin nổi đó là sự thật giữa cái thời buổi thông tin toàn cầu, giữa một xã hội Dân chủ… Ông khẽ trả lời: “Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho người nhận, chứ còn ai vào đây nữa?! Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”-


Câu cuối ông nói ra vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt… Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà đã nó diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ!


Chúng tôi chia tay ông, kịp lưu giữ lại ấn tượng không thể phai nhạt về một cụ già quen sống cô độc nhiều năm ròng, ít có khả năng tự phục vụ được mình trong sinh hoạt đời thường, song cuộc sống tạm bợ về vật chất đã không tàn phá nổi cấu trúc nhân cách – trí tuệ; ông tỏ ra khá minh mẫn, chưa mất khả năng hài hước, và nhất là vẫn lao động trí óc một cách căng thẳng…


Là “người hùng ngã ngựa”, nhưng rõ ràng là ông vẫn luôn gắng vượt lên số phận để cho thấy sự hiện hữu của mình trong thời đại dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố thông tin và có nguy cơ hủy diệt nhân tính này là cần thiết. Những ám ảnh văn hóa trong ông dường không bị thời gian lẫn sự tệ bạc nhân thế bào mòn, mà nổi bật nhất của sự ám ảnh đó bao giờ cũng là sự đòi hỏi nhức nhối phải phục hồi lại con người Tự do và Kiêu hãnh hiện đang vắng bóng trong cái thế giới tràn ngập sự vô cảm kỹ thuật và chủ nghĩa thực dụng cực đoan này!  Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng: rồi sẽ tới ngày mà những bài viết tâm huyết của ông sẽ được sưu tầm lại một cách đầy đủ, công trình lao động trí óc quý giá của người từng đi trước xã hội hàng mấy chục năm đó sẽ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, hệ thống- kể cả gần trăm trang từ điển mang tên học giả Pierre Larousse bị xé đi phản ánh những ưu tư trăn trở của ông Đang suốt hàng chục năm ròng, chứa đựng những thao thức tìm tòi các giải pháp cứu vớt xã hội của một trái tim ưu thời mẫn thế có tầm nhìn được sự hỗ trợ bằng nền tảng tri thức nhiều thế kỷ!


Ba năm sau, (2007) khi chúng tôi bố trí được thời gian, hẹn hò với nhau định đến thăm ông lần nữa thì được tin ông qua đời…


Giờ đây, nhớ tới ông, chúng tôi xin được mượn lại mấy lời đánh giá của người khác đặng giúp lớp trẻ hiện tại hiểu thêm phần nào về một người trí thức đáng kính mà cho tới nay vẫn còn nhiều bóng tối bí ẩn trong cuộc đời và sự nghiệp:

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Nguyễn Hữu Đang là một người cương trực, thẳng thắn, một nhà hoạt động chính trị, văn hoá khá nổi tiếng và là một nhân cách lớn. Mặc dù bị oan khuất gần 30 năm, nhưng ông vẫn tự cho mình là người cộng sản chân chính. Trong những tác phẩm của ông, người ta không thấy sự oán giận mà chỉ thấy sự khoan dung, nhân hậu, lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc…So với các đồng chí cùng thời thì ông là người đi trước thời đại.”


- Điếu văn cụ Nguyễn Hữu Đang (do ông Quang Quý, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đọc lúc 11 giờ 30 ngày 10/2/2007tại tang lễ ông Nguyễn Hữu Đang):

“Gần 30 năm hoạt động cách mạng, cụ Nguyễn Hữu Đang là một nhà hoạt động văn hóa giàu nhiệt huyết, có công đóng góp cho phong trào truyền bá Quốc ngữ và sự nghiệp phổ cập giáo dục cho nhân dân, cụ là một nhà báo sắc sảo, một người có tài vận động tuyên truyền có ảnh hưởng sâu sắc trong giới trí thức và các tầng lớp trên ở thành thị. Là người am hiểu sâu sắc Tây học và Nho học, nhưng cụ luôn đề cao văn hóa dân tộc, đề cao thuần phong mỹ tục và thực hiện đời sống mới.

“Là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Hữu Đang là người phấn đấu không mệt mỏi chống giặc dốt, chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp thu ảnh hưởng của cách mạng. Truyền bá Quốc ngữ cũng là truyền bá tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, lòng yêu nước và truyền thống bất khuất của dân tộc.

“Trong những ngày đầu độc lập, cụ Nguyễn Hữu Đang có nhiều hoạt động bảo vệ và ủng hộ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong kháng chiến chống Pháp, với cương vị Trưởng ban Thanh tra Bình dân Học vụ, không quản khó khăn, nguy hiểm cụ đã đến nhiều địa phương ở miền Bắc để vực dậy phong trào. Trong cuộc sống hàng ngày, cụ là người giản dị, cần kiệm, liêm khiết, dồn hết tâm sức cho công việc. Lúc đau yếu cụ được Nhà nước chăm sóc, cứu chữa tận tình, nhưng vì tuổi cao, bệnh trọng, cụ đã vĩnh biệt chúng ta lúc 6 giờ 41 phút ngày 8-2-2007 hưởng thọ 94 tuổi.

“Cụ Nguyễn Hữu Đang mất đi là một mất mát không gì bù đắp được của gia đình, dòng tộc, là sự tổn thất cho giới văn hóa Việt Nam. Nhưng những gì cụ đã cống hiến cho dân cho nước sẽ còn lại trong lòng những người đang sống.” 


- Lời cảm ơn của gia đình (Tại tang lễ ông Nguyễn Hữu Đang): “Cụ Nguyễn Hữu Đang, thân nhân ruột thịt của chúng tôi có một cuộc sống không được bình thường như mọi người: Không vợ con. Không gia đình. Mọi hoạt động, mọi tâm nguyện đều hướng về phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội cho đến cuối đời. Không một đòi hỏi cá nhân ích kỷ”.
 

Hà Nội, đầu tháng 9-2012
N.A.T


https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/12/05/ky-niem-voi-nguoi-di-truoc-thoi-dai-nguyen-huu-dang/

5 nhận xét:

  1. Thảo nào hôm đọc bài của Lê Thọ Bình trên Quê Choa, mình nghĩ: Lê Thọ Bình, cái tên là lạ sao mà viết hay thế (mình có bình luận trên FB) Hóa ra những đoạn hay là chép lại trong bài này của Nguyễn Anh Tuấn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy bác ạ. Nếu hai ông (Lê Thọ Bình và Nguyễn Anh Tuấn) không phải là một người (cùng một người duy nhất, nhưng mang hai cái tên), thì rõ là "chép lại" rồi !

      Thắc mắc đã được phát đi, ở đây:
      http://vandanvn.net/vi/news/Tieng-noi-nha-van/The-nay-co-the-goi-la-dao-van-duoc-chang-VanDanVietNet-4437/

      Xóa
    2. Thấy có một cuốn sách viết về chân dung của nhiều nhân vật đương đại, cụ thể thì như sau bác ạ:
      http://tonvinhvanhoadoc.vn/sach-doc-quyen/but-ky-phong-su/1651-sach-moi-xuat-ban-khong-co-ai-te-nhat-tren-doi.html
      Sách mới xuất bản: KHÔNG CÓ AI TẺ NHẠT TRÊN ĐỜI
      Tác giả: Lê Thọ Bình
      Khổ 14x20,5
      Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết NXB Hội Nhà văn, 2010

      Những con người thật, việc thật, dưới ngòi bút của Lê Thọ Bình trở nên sống động, sâu lắng, và nhân văn. Hình tượng con người từng khoảng khắc dưới ngòi bút của anh hiện lên một cách sinh động, dân dã, không phân biệt cao thấp, sang hèn.
      Đó chính là cái đọng lại mãi mãi trong những trang viết của anh.
      Cũng cần nói thêm, những trang viết của Lê Thọ Bình là chuỗi những ký sự chân dung, trong đó liên tục là những khám phá về những con người bằng xương bằng thịt với những gồ ghề, góc cạnh: Tố Hữu, Hữu Thọ, Lê Xuân Thiết – triết gia khoán hộ, Giáng xích lô, vua lốp Nguyễn Văn Chẩn, các nhà văn nhà thơ như nữ sĩ Ngân Giang, Sơn Tùng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Lê Lựu…, anh hùng chăn bò Hồ Giáo, bà Phan Thị Khóa, giám đốc coi tù nguyễn Văn Hoắc, cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng năng lượng Vũ Ngọc Hải, hay giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Hà Đình Đức, GS-TS Hồ Ngọc Đại…
      Cũng vì lý do đó, chúng tôi tạm lấy một tựa đề trong chuỗi bài viết đó KHÔNG CÓ AI TẺ NHẠT TRÊN ĐỜI làm tiêu đề cho cả cuốn sách. Bởi câu này cũng nói lên một khát vọng khám phá một đề tài xưa như trái đất nhưng không xa lạ với bất cứ ai: Khám phá về con người và những thứ quanh ta.

      - Nhà báo Phan Thế Hải -

      Tác giả: Lê Thọ Bình
      Tên khai sinh: Lê Đức Sảo
      Sinh năm 1956 tại Thọ Bình, Triệu Sơn, Thanh Hóa.
      - Tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Piatchigorsk (LB Nga).
      - Dạy tại trường Đại học ngoại ngữ quân sự.
      - Làm bình luận viên quốc tế báo Quân đội nhân dân.
      - Trưởng Đại diện báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội.
      - Tổng Thư ký tòa soạn báo Nông thôn ngày nay
      - Phó tổng Thư ký tòa soạn báo điện tử VietNamNet
      - Trưởng Văn phòng Đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội.
      - Hiện là Phó giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ thông tin (Intecom) thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).

      Xóa
    3. Cảm ơn Giao. Nếu Lê Thọ Bình đã làm được những điều như vậy mà lại "sơ ý" để xảy ra sự cố ở bài viết về Nguyễn Hữu Đang thì thật đáng tiếc. Đôi khi vẫn có chuyện như vậy đó.

      Xóa
    4. Bài của Nguyễn Anh Tuấn có cho biết là ông đã quay được một cuộn phim tư liệu về cụ Đang năm 2004. Đây là tư liệu rất quí. Chắc là nhà báo này sẽ dựng một phim về cụ chăng ?


      Cả hai vị này (Lê Thọ Bình và Nguyễn Anh Tuấn), thật ra, đến bây giờ, em mới biết đến bác ạ. Để quan sát tiếp, tạm chép lời lên tiếng của ông Vũ Đinh Ninh (nhà văn này, cũng bây giờ em mới biết):

      http://vandanvn.net/vi/news/Tieng-noi-nha-van/The-nay-co-the-goi-la-dao-van-duoc-chang-VanDanVietNet-4437/

      Bình Định 17/ 8/ 2014
      VanDanVietNet

      THẾ NÀY CÓ THỂ GỌI LÀ ĐẠO VĂN ĐƯỢC CHĂNG?
      1 VanDanVietNet

      Tôi là Vũ Đình Ninh, chủ biên trang VanDanViet.Net, hôm nay được đọc trên các trang http://trannhuong.com/ bolapquechoa.blogspot.com/ ngominh.vnweblogs.com một bài viết rất công phu của tác giả Lê Thọ Bình: "Nguyễn Hữu Đang: một bi kịch lớn" (ngày14&15/8/2014). Tôi ngỡ ngàng vì thấy ở đây có mấy đoạn viết giống y chang một bài viết cách đây hai năm của bạn tôi- nhà báo, đạo diễn điện ảnh Mai An nguyễn Anh Tuấn: "Cuốn Tự điển bách khoa của ông Nguyễn Hữu Đang" (đã đăng trên vandanviet.net, ngày 15/09/2012- http://vandanvn.net/vi/news/Cap-nhat-lai/Cuon-Tu-dien-bach-khoa-cua-ong-Nguyen-Huu-Dang-Nguyen-Anh-Tuan-558/). Bài viết này còn đăng kèm theo mấy bức ảnh chụp lại từ băng tư liệu của chính tác giả NAT: chân dung ông Đang và trang từ điển có chữ của ông Đang gạch dưới: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″. Bài viết này của Mai An Nguyễn Anh Tuấn còn được khá nhiều trang mạng đăng tải trong năm 2012 - như lethieunhon.com, nguoibanduong.com, Nguyentrongtao.info (với cái tít: Kỷ niệm với người đi trước thời đại), v.v.
      Tôi thấy kỳ lạ, vì một bài viết công phu có rất nhiều tư liệu quý của ông Lê Thọ Bình mà sao đến nỗi phải sao chép nguyên xi đến gần bốn chục dòng của người khác- mà theo tôi là những đoạn rất hay, bộc lộ cảm nghĩ riêng khá độc đáo và chân thành của NAT?! Giá như ông có cho trong ngoặc kép đề trích là của NAT thì người ta cũng thấy kỳ kỳ, nữa là cứ nhơn nhơn bệ nguyên xi của anh ấy! Mấy câu nói của cụ Đang giống nhau trong cả hai bài viết, thì coi như là sản phẩm của cụ đi, nhưng còn hàng chục dòng văn copy kia thì có thể gọi đó là gì, nếu không phải là đạo văn trắng trợn? Tác giả Mai An NAT đã có nhiều bài viết được chú ý, đã là một tác giả quen thuộc trên khá nhiều trang báo viết và báo mạng, còn tác giả Lê Thọ Bình thì- xin lỗi, có lẽ bây giờ tôi mới được đọc một bài này của ông.
      Để cho khách quan, sau khi đọc lại bài của NAT trên trang của tôi, tôi đã đọc bài đó của anh trên nguyentrongtao và đưa ra để mọi người so sánh (Những chỗ tôi gạch dưới là giống y nguyên, thậm chí không sai dấu chấm, phẩy):

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.