Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

08/08/2014

Góp phần tìm hiểu thêm về Phủ Dầy (bài Nguyễn Thị Yên, 2014)

Trước khi xem bài ở dưới, nên xem lại phát hiện quan trọng của học giả Nguyễn Thị Yên thời gian vừa qua trong nghiên cứu về Mẫu Liễu, đã giới thiệu trên blog này, rằng: bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) chính là một kiếp hóa thân của Mẫu Liễu.



Bản in trên giấy, Văn hóa Nghệ An số 256


Từ đây trở xuống là chép nguyên về từ Văn hóa Nghệ An.
---


 Thứ hai, 02 Tháng 6 2014 10:17

Góp phần tìm hiểu thêm về Mẫu Liễu ở Phủ Dầy 

 

 Nguyễn Thị Yên


Trong khoảng hai chục năm trở lại đây việc khảo sát nghiên cứu tục thờ mẫu Liễu Hạnh nói chung và ở Phủ Dầy nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả, tiêu biểu có: Phạm Quỳnh Phương (1996)[1], Bùi Văn Tam (2001)[2], Hồ Đức Thọ (2003)[3], Vũ Ngọc Khánh (2008)[4]và Ngô Đức Thịnh (2010)[5]... Có thể xuất phát từ các góc nhìn khác nhau nhưng nhìn chung các nguồn tư liệu liên quan đến mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy đã được các tác giả khảo sát một cách hệ thống và tương đối toàn diện.[6]Dưới đây trên cơ sở tổng hợp và phân tích tư liệu của các tác giả đi trước, kết hợp với các tư liệu thực địa của bản thân, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy qua các nội dung : nhân vật, quê hương, di tích và lễ hội.
1.Về nhân vậtmẫu Liễu
Ngoài sự tích giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh được kể đến trong «Vân Cát thần nữ » của Đoàn Thị Điểm thì ở Phủ Dầy còn có thêm nguồn ngọc phả, gia phả của các dòng họ, ít nhiều có sự chênh nhau và chênh cả với bản « Vân Cát thần nữ » về thông tin.
Một trong những văn bản được các nhà nghiên cứu (Vũ Ngọc Khánh, Phạm Quỳnh Phương và Ngô Đức Thịnh) quan tâm là bản « Vân Cát Lê gia ngọc phả » (Ngọc phả của dòng họ Lê ở thôn Vân Cát), bản lưu ở thư viện Hán Nôm số hiệu A.3181. Tác giả Chu Xuân Giao trong một bài viết gần đây đã xác định bản ngọc phả này là bản sao thứ hai của bản ngọc phả bằng đồng đào được ở đền Sòng ngày 12/4/1939. Nội dung tóm lược của bản  gia phả này như sau: Ông Lê Tư Vĩnh cháu đời thứ bẩy của Hoàng đế Lê Nhân Tông (1443 – 1459) chạy loạn nhà Mạc về Vân Cát kết duyên với một người con gái họ Trần, năm 34 tuổi sinh con trai là Lê Tư Thắng. Lê Tư Thắng hiếm muộn, năm 41 tuổi sinh một con trai nhưng mất sớm, năm 45 tuổi sinh một con gái được thần tiên báo mộng đặt tên là Giáng Tiên, sinh đúng vào rằm tháng Tám năm 1557, sau gửi làm con nuôi nhà họ Trần, năm 18 tuổi gả cho Trần Đào Lang, năm 1577 không bệnh mà rời trần. Vì tuổi già không có con cái nối dõi, Lê Tư Thắng đem ruộng đất giao cho làng làm ruộng kị để làng thờ cho cha mẹ Lê Tư Thắng, vợ chồng Lê Tư Thắng và Giáng Tiên. Thời gian làm phả ký là 15 tháng 8 năm Vĩnh Tộ (1623), Lê Tư Thắng cùng hương chức già trẻ làng Vân Cát cùng nhau lập phả. Lê Giáng Tiên được viết là Liễu Hạnh tiên cô.[7]  
Theo bản gia phả này thì Giáng Tiên không có anh em trai, có lấy chồng nhưng không nói có con hay không, mất đúng vào ngày 3/3 năm 1577 là ngày hóa của mẫu Liễu Hạnh.
Sự kiện bản gia phả bằng đồng ở đền Sòng được cho là liên quan đến cuộc chạy đua với phủ Tiên Hương để gây thanh thế cho phủ Vân Cát đã được trình bày khá tỉ mỉ trong cuốn Đây! Thực chất lễ hội Phủ Giày.[8] Về tính xác thực của bản gia phả này chúng tôi sẽ trình bày ở nội dung sau.
Một văn bản khá phổ biến nữa  là bản « Tiên từ phả ký ». Tác giả Bùi Văn Tam cho biết tất cả các bản « Tiên từ phả ký » mà tác giả được tiếp xúc đều có cùng một nội dung[9]. Tác giả Phạm Quỳnh Phương lược giới thiệu bản « Tiên từ phả ký » của dòng họ Trần (do quan Huấn đạo Việt Yên là Trần Bình Hành soạn) như sau : Tổ tiên mẫu vốn họ Trần vì lánh nạn đổi thành họ Lê. « Từ phả » cho biết mẫu « có một anh trai, không có con », không có sự kiện lấy chồng lần hai ở Nghệ An, sinh năm 1556 (sách ghi 1557), mất 1577, thọ 21 tuổi, mộ táng ở xứ Cây Đa (thôn Báng Già, Vân Cát)[10].
Tác giả Bùi Văn Tam còn cung cấp thêm bản « Trần tộc cựu tích phả ký » của dòng họ Trần đang thờ phụng mẫu ở Phủ Dầy mà theo ông thì có nhiều chi tiết khác với các văn bản « Vân Cát thần nữ » và « Tiên từ phả ký ».[11] Thực ra bản gia phả này có kết cấu và nội dung tương tự « Vân Cát thần nữ », điểm khác là phả này của họ Trần gốc Lê, chuyển về Vân Cát từ đời Trần, bố nuôi Giáng Tiên tên là Trần Công Tế, đổi tên nàng là Thắng, bố Đào Lang tên Phổ. Giáng Tiên lấy Đào Lang sinh được một con gái, được 3 năm thì mất năm 21 tuổi.
Dưới đây là bảng tổng hợp các thông tin cơ bản về nhân vật Giáng Tiên ở Phủ Dầy :
 
Thông tin Vân Cát Lê gia ngọc phả (Bản 1) Tiên từ phả ký (Bản 2) Vân Cát thần nữ
(Bản 3)
Trần tộc cựu phả ký (Bản 4)
Năm biên soạn Năm 1623    ? Khoảng đầu thế kỷ XVIII  ?
Dòng họ Hoàng tộc Lê Họ Trần đổi Lê Họ Lê Họ Trần gốc Lê
Tên mẫu Giáng Tiên ? Giáng Tiên Giáng Tiên
Anh em Không có Một anh trai Một anh trai Một anh trai 
Cha nuôi Không Trần Công Trần Công Tế
Cha chồng Không rõ tên Không Họ Trần       Phổ
Chồng Trần Đào Lang Không Đào Lang (con nuôi họ Trần) Đào Lang
Con Không rõ Không Một trai, một gái Một con gái
Ngày hóa, năm hóa  3/3 năm 1577, thọ 21 tuổi Hóa 1577, thọ 21 tuổi 3/3 năm 1577, thọ 21 tuổi 3/3 năm 1577, thọ 21 tuổi
Như vậy chúng ta có các  thông tin thống nhất về nhân vật là: tên gọi (Giáng Tiên),  hóa ngày 3/3 âm lịch năm 1577, thọ 21 tuổi. Điểm không thống nhất là: mẫu họ Lê hay họ Trần ? Mẫu có hay không có  anh em ? Mẫu có chồng hay không có chồng ? Nếu Mẫu có chồng thì sinh được một trai, một gái hay chỉ sinh một gái?
Về dòng họ của mẫu: Qua bảng thống kê cho thấy Bản 1 và Bản 3 cho biết mẫu họ Lê, bản 3 cho là « họ Trần đổi Lê », bản 4 là « Họ Trần gốc Lê ». Tuy vậy các bản đều thống nhất ông thân sinh của mẫu họ Lê, mẹ họ Trần. Như vậy dù là họ Trần đổi sang Lê hay là họ Lê gốc Trần thì rốt cuộc họ phát tích mẫu vẫn là họ Lê chứ không phải họ Trần.
Ở khu vực Phủ Dầy có tới 3 từ đường họ Lê được tích hợp vào hệ thống thờ mẫu: Khải Thánh từ (Phủ Tổ) ở thôn Tiên Hương, Phủ Nội ở Tiên Hương và đền Khải Thánh (tức Phủ Đá) ở thôn Vân Cát. Cả ba nơi đều thờ ông thủy tổ họ Lê và cha mẹ mẫu Liễu (Thánh phụ, Thánh mẫu) và đều đặt tượng3 vị thánh mẫu: Liễu Hạnh công chúa mặc áo hồng; Quỳnh Cung Duy Tiên công chúa là em dâu của mẫu Liễu mặc áo xanh và Quảng Cung Quế Anh công chúa là cháu của mẫu Liễu mặc áo trắng. Cả ba vị đều được triều Nguyễn phong sắc thần[12].
Khải Thánh từ ở thôn Tiên Hương còn lưu giữ 3 tấm bia nói về lịch sử hình thành Khải Thành từ. Tấm bia « Khải Thánh từ bi ký » năm 1938 có nội dung:  Họ ta (Trần Ngọc) vốn là họ Lê ở ấp An Thái xưa. Do đền Tiên của An Thái nổi tiếng, thiên hạ về lễ bái đền Tiên thường đến miếu Tổ bái yết để tưởng nhớ nơi sinh Thánh. Nguyên xưa miếu Tổ là ba gian nhà gạch làm trên nền nhà cũ khoảng 4 -5 thước. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) mua 10 thước đất trống ở trước sân để mở rộng nơi thờ tự. Đến năm đầu Thành Thái (1889) trong họ hội họp trùng tu miếu cũ dời đến đất mới mua, xây hai tòa ba gian để tiện bốn mùa thờ cúng, còn miếng đất cũ, giao cho nhà trưởng làm của tư.[13]
Như vậy Khải thánh từ vốn gốc là miếu thờ tổ tiên mẫu trên nền nhà cũ, sau di đến nơi đất mới mua để nhường đất cũ cho nhà trưởng họ.
Vậy khu đất cũ của nhà trưởng họ đó hiện ở đâu ? Nhiều chứng cớ cho thấy Phủ Nội chính là nơi đất cũ thờ tổ tiên mẫu sau giao cho trưởng họ. Tấm bia « Sĩ Lâm hội » năm Duy Tân thứ nhất (1907) có viết văn thân huyện Vụ Bản quyên góp 1 mẫu ruộng và 50 quan tiền để tôn tạo phủ này, lập văn bản giao cho họ lo việc làm lễ hàng năm.[14] Thực tế cho thấy Phủ Nội là nơi con cháu các chi họ Trần Lê (tức họ Lê cải sang họ Trần) tụ họp vàocác ngày lễ tết, hội họp, hay huý để dâng hương kính lễ tổ tiên.
Phủ Thánh Đài còn gọi là phủ Tổ, phủ Đá là nơi thờ tổ tiên mẫu của làng Vân Cát, được hưng công năm 1940, khánh thành năm 1943. Ở đây có đôi câu đối do Đông các Đại học sĩ tổng đốc trí sĩ làng Miêu Nha, huyện Kiến An Mai Trung Cát đề tặng như sau:
        Hoàng Lê quốc phái bản bản nguyên, minh đức kỳ lai viễn hĩ
        Vân Cát hương dân tôn tôn tử, kế thế vật thế dẫn chi
        (Dòng dõi vua Lê, nguồn gốc lưu truyền, đức sáng bao trùm lâu lắm vậy
        Dân làng Vân Cát, cháu con nối tiếp, chớ hề thay đổi nếp xưa đi)
Đến đây ta có thể kết luận là dòng họ của mẫu từ cụ khởi tổ là họ Lê chứ không phải họ Trần. Việc họ Lê cải thành họ Trần là việc của sau này mà lý do cải họ cần tiếp tục tìm hiểu thêm.
Qua đây còn cho thấy Tiên Hương có tới hai nơi thờ tổ tiên mẫu (đền Khải Thánh và Phủ Nội) nhưng là tách từ một gốc và có nhiều khả năng được làm trên đất nhà cũ của mẫu ở khu vực Phủ Nội.
Về chuyện chồng con của mẫu : Chúng ta biết rằng chuyện chồng con của mẫu Liễu chỉ được ghi lại ở tác phẩm của Đoàn Thị Điểm với nhiều hư cấu không rõ ràng từ chàng Đào Lang là một đứa trẻ không gốc tích nhặt được ở gốc cây đào đến ông bố nuôi có tên gọi chung chung là ông họ Trần, hoặc được gọi là Phổ (không họ) như Bản 4.
Tại gian phải của phủ Tiên Hương có đặt một ngai thờ và bài vị tương truyền là thờ Đào Lang nhưng bài vị không có chữ gì.[15]
Từ đây có suy luận: Thông thường mẫu nổi tiếng như vậy thì chồng con mẫu cũng phải được vinh danh, vậy mà ở cả Tiên Hương và Vân Cát đều không có di tích nào liên quan đến họ Trần của ông bố nuôi của mẫu hoặc ông họ Trần là bố nuôi của Đào Lang, cũng không có tài liệu nào nói về hậu duệ (Trần Nhâm) của mẫu. Họ Trần mà chúng ta được biết có liên quan đến mẫu ở Tiên Hương lại là họ Trần Lê tức Lê cải Trần!
Điều này cho thấy có thể việc mẫu có chồng và con trai chỉ là một hư cấu của tác giả Đoàn Thị Điểm. Tác giả Phạm Quỳnh Phương cũng cho rằng Lê Thị Thắng là nhân vật có thật ở Phủ Giầy, do chết trẻ, không người nối dõi phải đặt ruộng hậu, được người đời thần linh hóa, huyền thoại hóa trong cuộc đời chìm nổi của Giáng Tiên– Liễu Hạnh.[16]
Như vậy, chuyện chồng con của nguyên mẫu Liễu Hạnh trong đời thực là không rõ ràng, nhiều cơ sở cho thấy nguyên mẫu hoặc không có chồng con, hoặc có chồng mà không có con, hoặc có chồng mà chỉ có một con gái. Do vậy quan niệm cho rằng Vân Cát là nơi sinh mẫu, Tiên Hương là quê chồng mẫu là không thuyết phục.[17]Đó cũng là vấn đề về mối quan hệ giữa hai làng Vân Cát và Tiên Hương trong lịch sử mà dưới đây chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thêm.
Về chuyện anh em của mẫu : Trong 4 văn bản kể trên thì có 3 văn bản cho rằng mẫu có một người anh trai, riêng bản «Vân Cát Lê gia ngọc phả » (bản 1) thì cho rằng mẫu có một anh trai nhưng đã chết từ sớm. Bản gia phả này thực ra có rất nhiều mâu thuẫn về niên đại. Cụ thể là theo gia phả thì năm 34 tuổi ông Lê Tư Vĩnh sinh Lê Tư Thắng, năm 1557 khi 45 tuổi thì Lê Tư Thắng sinh Giáng Tiên, như vậy Lê Tư Thắng sinh năm 1512 (hoặc 1513). Vậy mà bản gia phả do chính Lê Tư Thắng lập năm 1623  lại nêu lý do « tuổi đã hơn 60, không còn con cái, nên đem nhà cửa ruộng đất giao cho làng làm nhà thờ và ruộng kị ».[18] Thực ra nếu tính theo lời kể của ông Lê Tư Thắng trong gia phả  thì ông Lê Tư Thắng (sinh năm 1512 hoặc 1513) đến năm 1623 đã 109 hoặc 110 tuổi và Giáng Tiên đã mất được 46 năm rồi, thậm chí  trong văn bản Giáng Tiên đã được ghi danh là Liễu Hạnh tiên cô!  Còn ông nội của Giáng Tiên (Lê Tư Vĩnh) sẽ sinh khoảng năm 1478 hoặc 1479 cùng lắm chỉ là con  của vua Lê Nhân Tông chứ không thể là cháu bẩy đời của ông vua này được. Hơn nữa nếu  ông (Lê Tư Vĩnh) sinh Lê Tư Thắng năm 1512 (hoặc 1513) khi 34 tuổi thì năm đó chưa có loạn nhà Mạc (1527) và chắc ông chưa về Vân Cát lánh nạn như đã kể trong gia phả!
Lược qua vài mâu thuẫn như vậy để thấy cần có sự cân nhắc về mức độ tin cậy của bản gia phả này, trong đó có cả mức độ tin cậy của  chi tiết cho rằng người anh của mẫu bị mất sớm. Ở đây cũng không loại trừ khả năng thuyết này đưa ra là nhằm để chứng minh rằng dòng họ Lê của mẫu tuyệt tự không có người nối dõi ? Do vậy không thể không quan tâm tới dư luận cho rằng sự kiện gia phả bằng đồng ở Sòng Sơn là một việc làm có chủ ý nhằm gây thanh thế cho phủ Vân Cát mà tác giả Chu Xuân Giao gọi là « luồng dư luận truy cứu âm mưu »[19].
Về người anh trai của mẫu, « Vân Cát thần nữ » của Đoàn Thị Điểm ghi rằng vợ chồng Lê Thái Công « Năm 40 tuổi mới có một con giai »[20], Kinh Thánh mẫu Sòng Sơn thì cho rằng : « Người anh của Đức Tiên chúa là ông Lê – Lục …».[21] Trong danh sách cúng giỗ chính của dòng họ Trần Lê có ghi tên hai người là Tổ Phụ Cao Tổ Khảo  huý Lâm ( tự Đức Lộc ), kỵ ngày 17 – 12  và Tổ Mẫu Đức Thánh chính thất Huý Xâm (tự là Duy Tiên), kỵ ngày 9/3. Điều chúng tôi băn khoăn là không rõ ông Lâm (tự Đức Lộc) trong nhà thờ và ông Lê Lục ghi trong kinh sách kia có là một không. Tuy nhiên lại có tư liệu nói rằng Tam vị thánh mẫu thờ ở cung đệ nhất của phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát là Liễu Hạnh công chúa, Quỳnh cung Duy Tiên công chúa là em dâu và Quảng Cung Quế Anh là công chúa là cháu của Mẫu.[22] Đối chiếu với danh sách giỗ kỵ thì có thể Quỳnh cung Duy Tiên công chúa chính là Tổ Mẫu Đức Thánh chính thất Huý Xâm (tự là Duy Tiên) và Quảng Cung Quế Anh là công chúa Đức Thánh Đệ Tam Huý Liên (Tự là Quế Anh). Mẫu có em dâu tức là mẫu có em trai. Đây cũng là chứng cớ mẫu có anh hoặc em trai.
Từ những phân tích trên chúng tôi nghiêng về khả năng mẫu có anh trai hoặc em trai chứ không phải dòng họ Lê của mẫu bị tuyệt tự và việc mẫu được thờ tự trong dòng họ Trần Lê có lẽ lúc đầu cũng giống như việc thờ Bà cô tổ ở các dòng họ khác, chẳng hạn như dòng họ Phạm ở Phủ Nấp, dòng họ Hoàng và Nguyễn Hoàng ở Tây Mỗ.... Thực tế tên hiệu của mẫu trong nhà thờ tổ (Phủ Nội) là “Tổ Mẫu Cao Cao Tổ Huý Thắng ( Liễu Hạnh Công Chúa )”.
2. Phủ Vân Cát và phủ Tiên Hương
Theo tác giả Bùi Văn Tam, trước đây Vân Cát và Tiên Hương là một có tên nôm là Kẻ Dầy, tên chữ là An Thái, khi thành lập xã An Thái gồm bốn thôn là: Vân Cát, Vân Đình, Tây Cầu (Tây La hay La Hào) và Nham Miếu hay còn gọi là Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Ba, Giáp Tư tương ứng thứ tự bốn thôn. Vào đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) dân thôn Vân Cát (Giáp Nhất) phát triển đông đúc ra phía Bắc và tách thành một xã mới gọi là xã Vân Cát. Xã An Thái vẫn còn bốn giáp cũ, năm Tự Đức thứ 14 (1860) đổi tên là Tiên Hương.[23]Năm 1947, hai xã Vân Cát và Tiên Hương gộp lại thành xã Kim Thái gồm ba thôn Tiên Hương, Vân Cát và Bảng Già (Xuân Bảng).[24]
Tấm bia “Khải Định lục niên xuân” (Mùa xuân niên hiệu Khải Định thứ 6 – 1921) ở phủ Vân Cát do Tiến sĩ đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính biên soạn cũng có câu: “Vốn làng này trước chung nhau, sau mới chia ra (trước là thôn Vân Cát nằm trong xã An Thái) một là hai, hai cũng là một vậy.[25]
Có thể hình dung phần đất thôn Vân Cát hiện nay là một phần Vân Cát cũ được phát triển thêm về phía bắc (tạm gọi là Vân Cát 2), phần đất Giáp Nhất thôn Tiên Hương hiện nay là phần đất thôn Vân Cát cũ còn lại (tạm gọi là Vân Cát 1). Điều này cũng phù hợp với phân tích ở trên cho rằng Phủ Nội và Khải Thánh Từ là khu vực nhà cũ của mẫu và đương nhiên phù hợp với phỏng đoán mẫu không có chồng con, như vậy đất Tiên Hương cũng là đất Vân Cát cũ và là nơi sinh của mẫu Liễu chứ không phải là quê chồng mẫu.
Thực tế cả phủ Tiên Hương, đền Khải Thánh và phủ Nội Tiên Hương đều nằm quây quần trong cùng một vị trí thuộc khu vực tương truyền là nền nhà cũ của mẫu ở Tiên Hương.     
Vân Cát và Tiên Hương tức Kẻ Dầy cũ đã có khoảng trên dưới 150 năm phân tách thành hai xã (từ đời Lê Cảnh Hưng cuối thế kỷ XVIII đến năm 1947). Đây là khoảng thời gian khá dài để người đời sau dễ quên mất quá khứ hai thôn từng là một nên hồi đầu thế kỷ XX mới có chuyện bàn tán trong dân thôn Tiên Hương: « Bà chúa Liễu dù có sinh ra ở Vân Cát nhưng đã lấy chồng ở Tiên Hương thì phải theo chồng về Tiên Hương... »[26]
Nhìn vào sơ đồ quần thể di tích Phủ Dầy ta dễ dàng nhận ra có hiện tượng nhân đôi (thậm chí là ba) các di tích ở hai thôn Vân Cát và Tiên Hương, cụ thể  ở đây có hai chùa, hai Phủ Dầy, hai đền thờ Lý Nam Đế, hai đền Khải thánh thờ tổ tiên mẫu. Sự phân tách này có lẽ là gắn với sự kiện phân tách hành chính 2 thôn thành hai xã khác nhau trước đây?
Chúng tôi cho rằng trước khi chưa phân tách thì cả khu vực Kẻ Dầy chỉ có chung một ngôi đền lớn gọi là Phủ Dầy, lâu dần tên gọi Phủ Dầy trở thành tên gọi địa danh, sau này tách thành hai thôn mới có hai tên gọi là Phủ Dầy Tiên Hương và Phủ Dầy Vân Cát. Vậy Phủ Dầy Vân Cát và Phủ Dầy Tiên Hương phủ nào là Phủ Dầy có  trước khi phân tách ? Đây là vấn đề trước nay chưa được làm rõ hoặc các ý kiến chưa thật thống nhất. Chẳng hạn để chứng minh sự lâu năm của các ngôi đền ở Phủ Dầy thì cùng là bài thơ « Bái An Thái tiên nữ từ » (Bái yết đền vị tiên nữ An Thái) của tác giả Phạm Đình Kính đậu tiến sĩ năm 1710, tác giả Bùi Văn Tam cho là bài thơ viết về phủ Tiên Hương còn tác giả Hồ Đức Thọ lại cho là viết về phủ Vân Cát.[27]  Để tìm hiểu vấn đề này dưới đây chúng tôi sẽ tiến hành phân tích dựa vào nguồn tư liệu Hán Nôm khá phong phú ở hai phủ đã được Bảo tàng Nam Định sưu tầm và biên dịch từ năm 1996.[28]
- Phủ Vân Cát: Một điểm nổi bật trong tư liệu Hán Nôm ở phủ Vân Cát là có khá nhiều tư liệu mang nội dung : «Vân Cát Thiên Bản có nền nhà cũ nơi sinh ra tiên chúa ». Cụ thể  có 4 đại tự, 3 cặp câu đối và 5 tấm bia nhắc đến nội dung trên, về cơ bản đều cho rằng ngôi đền (Vân Cát) là thờ nơi giáng sinh của mẫu. Chẳng hạn như các đại tự: « Vạn cổ trạch » (Muôn thuở nơi nhà cũ), « Giáng sinh từ » (Ngôi đền thờ nơi sinh ra), « Đản sinh cố trạch » (Nhà cũ nơi sinh ra mẫu), « Tiên nhân cựu quán »(quê cũ của người tiên).
Tấm bia có niên đại cổ nhất là bia « Tự Đức chi nhị » (Tự Đức năm thứ hai – 1849) ghi việc ông Nguyễn Đăng Vực cung tiến xây dựng lại gác chuông, đoạn mở đầu có ghi : « Vân Cát Thiên Bản là nơi sinh ra Tiên chúa. Hiện tại nơi thờ nguy nga như cảnh đẹp chốn bồng hồ. Tại đây trước có gác chuông lâu ngày đã nát, ý muốn sửa song chưa được... ».
Tấm bia « Nhị xã hội phụng sự bi ký » (bia ghi việc cùng phụng sự hội của hai xã) năm Tự Đức thứ 10 (1857) ghi việc hai xã Vân Cát và Thái Lai giao ước cùng thờ phụng đền mẫu, mở đầu cũng có câu « Vân Cát Thiên Bản là nơi có nhà cũ sinh ra Tiên chúa. Sở tại do thấy thiêng thì thờ, hiện tại lâu đài xiêu vẹo, bùi ngùi với chốn linh từ... ».
Hai tấm bia này có niên đại không lâu sau khi Vân Cát tách ra thành xã riêng chứng tỏ phủ Vân Cát được xây to bề thế từ trước đó.
Tấm bia « Thánh mẫu cố trạch linh từ bia ký » (Bia ghi việc đền thiêng nơi nền nhà cũ của Thánh mẫu) năm Tân Sửu triều vua Thành Thái (1901) được biên soạn bởi ông Cao Xuân Dục, Hiệp biện đại học sĩ, Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản lý quốc giám... đã ghi lại khá cụ thể việc tu sửa đền qua các thời kỳ. Theo bia này thì đền được dựng lần đầu là ở niên hiệu Cảnh Trị (1663 – 1671), niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1801) mở rộng thêm ra, niên hiệu Tự Đức năm Kỷ Mão (1879) sửa sang lại, năm Thành Thái thứ 12 (1900) tu sửa mở mang quy mô to lớn. Đây là một cứ liệu cho thấy ngôi đền ra đời từ trước  khi Vân Cát tách thành xã riêng.
Về tên gọi « Phủ Dầy » gắn với Vân Cát chúng tôi thấy xuất hiện trong tấm bia « Khải Định lục niên xuân » (Mùa xuân năm Khải Định thứ 6 – 1921), đoạn mở đầu ghi rõ : « Vụ Bản huyện đồng huyện cung trí lệ điền tiền tại Vân Cát, tục hiệu Phủ Giày bi ký » (Bia ghi việc huyện Vụ Bản tiến cúng tiền ruộng lệ ở phủ Vân Cát, tục gọi là phủ Giày)[29].
Phủ Vân Cát nằm biệt lập phía Tây Bắc làng trên vùng đất cao rộng trên 2 mẫu, ba phía Bắc, Đông, Nam đều giáp ruộng lúa, phía Tây giáp đường cái quan không bị thổ cư làm ảnh hưởng đến cảnh quan.[30]Trải mấy trăm năm mà phủ Vân Cát vẫn ở vị trí biệt lập như ngày nay chứng tỏ ngày trước khi dân cư thưa thớt thì đền nằm ở khu vực rất xa dân cư, nếu không nói là ở giữa cánh đồng vắng. Do vậy nơi đây không thể là nền nhà cũ của mẫu được.
Theo truyền thống, các ngôi miếu thờ nữ thần hoặc các ngôi miếu thiêng ở các làng quê thường đặt  ở nơi hẻo lánh xa khu dân cư như ở giữa cánh đồng hoặc cuối làng, rìa làng. Có lẽ lúc đầu ngôi miếu thờ mẫu được làng xây dựng là xuất phát từ việc làng thờ cô con gái chết khi còn ít tuổi mà linh thiêng của nhà họ Lê giàu có, sau này miếu mới dần dần phát triển quy mô thành đền, phủ như các bia ký đã ghi lại. Sự tích hợp các yếu tố thờ mẫu vào điện thần phủ Vân Cát có lẽ lúc đầu cũng tương tự như các di tích đền miếu khác hiện nay ở khu di tích Phủ Dầy. Hiện tại phủ Vân Cát vẫn có ban thờ Bà chúa bản đền được đặt ở vị trí trung tâm, sau là ban Tam tòa quan lớn, trước là ban công đồng.[31]Phủ Vân Cát cũng là phủ duy nhất trong các phủ thờ mẫu Liễu ở đây có thờ bà chúa bản đền. Phải chăng bà chúa bản đền là dấu vết còn lại của ngôi miếu xưa trước khi tích hợp vào điện thần mẫu Liễu Hạnh để trở thành Phủ Dầy? 
Chúng tôi ngờ rằng các đại tự, bia kí ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nhắc nhiều đến ý nghĩa «Vân Cát Thiên Bản có nền nhà cũ nơi sinh ra tiên chúa » là có ý nhấn mạnh « Vân Cát là nơi sinh ra mẫu » để phân biệt với « Tiên Hương là quê chồng mẫu » vốn là cách hiểu phổ biến trong nhân dân ở đây hồi đầu thế kỷ XX.
- Phủ Tiên Hương:  Tư liệu Hán Nôm ở phủ Tiên Hương cũng khá phong phú. Các đại tự sớm nhất có niên đại 1888, muộn nhất là năm 1944. Phần lớn các đại tự có nội dung ca ngợi thần, ví dụ « Thiên hạ mẫu nghi » (Khuôn mẫu người mẹ trong thiên hạ) hoặc « Đức hậu vô cương » (Đức lớn vô cùng), « Từ ân phổ tế » (Ơn huệ cứu vớt của mẹ hiền),v.v...
Các câu đối xuất hiện từ đầu thế kỷ XX đến năm 1944 với chủ đề  phổ biến là về Tam thế giáng sinh và bất tử của mẫu, điển hình như câu đối của Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển năm 1913:
Chân thân tòng để khuyết, tam giáng sinh duy tinh duy hiếu, thiên cổ mẫu nghi. Thúc nhiên xa cái vân du, do yết tâm kinh phù thế đạo
Linh thanh liệt Nam thiên, tứ bất tử thị phật thị tiên, vạn gia từ mộ. Đương thử giang hà nhật hạ, khởi duyên phong hội biến thần quyền
 (Chân thân từ để khuyết, ba độ giáng sinh vẫn trinh vẫn hiếu, muôn thuở khuôn mẫu người mẹ. Bỗng nhiên xe lọng xa vời, còn để tâm kinh dạy cho thế đạo.
Thiêng liêng ở Nam Giao, thứ tư bất tử là phật, là tiên, mọi nhà kính mến lòng từ. Đang buổi non sông ngày xuống, đâu vì phong hội thay đổi thần quyến).
Bia ở phủ Tiên Hương chủ yếu là bia ghi công đức chia làm hai giai đoạn : giai đoạn trước 1914 và giai đoạn từ sau 1914.
Tấm bia sớm nhất có niên đại 1834 ghi công đức của hội thuỷ quân sở tại cúng ruộng và các đồ thờ tự như tàn, tẩy, sập đá, còn trong danh mục có hai bia đề năm 1838 ghi nội dung cúng tiền để dựng phủ và xây bậc đá. Có thể đây là thời kỳ phủ Tiên Hương mới bắt đầu được xây dựng và mở rộng. Theo tác giả Bùi Văn Tam thì năm 1838 là năm dân làng xây dựng đền mới bên cạnh đền cũ hiện vẫn còn dấu tích gọi là Phủ Cổ với những dấu vết nghệ thuật thời Lê – Nguyễn.[32]
Tấm bia niên hiệu Duy Tân thứ 9 (1915) do tổng đốc Nam Định Thanh Oai Đoàn Triến soạn cũng cho thông tin xác định đền thiêng Tiên Hương « Quy mô nhỏ hẹp, gặp ngày hội không sao chứa hết người ». Năm 1912 ông nhận chức Tổng đôc Nam Định, được người trong họ trong làng trong huyện nhờ giúp đỡ tu sửa đền Tiên Hương, không nỡ chối từ bèn « mộ duyên dấy việc » từ mùa đông năm 1912, đến tháng 8 năm 1913 thì hoàn thiện. Ngôi đền mới xây dựng  «... từ nội phủ đến bái đường gồm bốn tòa theo kiểu mới, phía trước thì các lầu tả hữu giải vũ gồm chín tòa, đều nhân theo nếp cũ, rồi xây rộng tường vây đắp hoa trên đầu cột, xây nguyệt hồ, khuôn khổ rộng rãi, so với trước thì có thêm lên »[33]Tấm bia « Quan lại cúng ngân bi ký » (Bia ghi việc cúng tiền của các quý quan lại) năm 1914 với sự xuất hiện hàng loạt tên tuổi các vị quan lại chức sắc trong vùng đã cho thấy quy mô và sức thu hút lớn của lần xây dựng này.
Sự kiện phủ Tiên Hương được xây dựng lại với quy mô lớn năm 1913 cũng được nhắc đến trong cuốn Đây ! Thực chất hội Phủ Giầy, người viết cho rằng khởi xướng xây đền là ông huyện Quần (Trần Lê Quần) một hậu duệ của dòng họ Trần Lê, ngôi đền được xây lên trên đất của nhà huyện Quần. Nếu những gì cuốn sách này phản ánh là đúng về việc gây thanh thế thờ mẫu Liễu giữa hai làng Tiên Hương và Vân Cát hồi đầu thế kỷ thì rõ ràng thời gian này người ta đã có sự nhầm lẫn khi quan niệm đất nhà huyện Quần (Tiên Hương) là đất nhà chồng (họ Trần) của bà chúa Liễu, đất bên Vân Cát là đất họ Lê của cha mẹ mẫu Liễu[34]. Phải chăng sự nhầm lẫn này đã dẫn đến hiện tượng họ Lê cải Trần ở Tiên Hương và sự kiện xuất hiện ngọc phả họ Lê bằng đồng ở đền Sòng do bên Vân Cát dựng lên mà thực chất cũng tương tự như gia phả họ Trần Lê ở Tiên Hương?      
Tên gọi « Phủ chính » của phủ Tiên Hương chúng tôi thấy xuất hiện ở  tấm bia cúng tiền năm 1892 ghi việc « thủ từ Phủ Chính là Ni Cẩn cùng thiện tín cúng 3 mẫu 3 sào để sở tại làm lễ và 3 sào giao Lý trưởng gánh việc đốc lễ »[35]. Điều đó cho thấy có lẽ tên gọi « Phủ Chính » đã có từ khi phủ Tiên Hương được xây dựng mới vào năm 1838 để phân biệt với phủ cũ – « Phủ Cổ » ?
Như vậy, từ tư liệu Hán Nôm cho thấy: phủ Vân Cát đã có từ lâu gắn với tên tục là phủ Dầy, xây to đẹp từ năm 1900, còn phủ Tiên Hương có tên gọi là phủ Chính từ khi quy mô còn nhỏ hẹp, được xây to mở rộng vào năm 1913. 
Đến đây ta có thể tạm kết luận: Quần thể di tích phủ Tiên Hương (bao gồm cả đền Khải Thánh, Phủ Nội) là thuộc khu vực nơi nhà cũ của mẫu lúc sinh thời  (không phải đất nhà chồng). Còn phủ Vân Cát (Phủ Dầy) là thuộc khu đất có ngôi miếu cổ thờ mẫu của làng Vân Cát xưa mà dưới đây việc tìm hiểu hội kéo chữ gậy hoa - một sinh hoạt văn hoá dân gian  đặc sắc của lễ hội Phủ Dầy sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm niên đại của Phủ Dầy Vân Cát.
3.Hội kéo chữ và niên đại ra đời Phủ Dầy Vân Cát
Tương truyền hội kéo chữ (Hoa trượng hội) trong lễ hội Phủ Dầy là do Thái phi Trần Thị Ngọc Đài vợ chúa Trịnh Tráng, mẹ chúa Trịnh Tạc khởi xướng. Câu chuyện liên quan đến sự tích hội kéo chữ được các tác giả kể dưới nhiều tình tiết khác nhau nhưng đều thống nhât ở điểm: Người dân phu nghèo Thiên Bản vì được Thái phi giúp thoát khỏi cảnh đi phu cực nhọc nên đã vâng lời Thái phi làm lễ kéo chữ tạ mẫu Liễu ở Phủ Dầy vì « nhờ có Mẫu độ trì nên bà mới có địa vị mà ban ân huệ cho dân »[36].
Vậy Phủ Dầy mà Ngọc Đài đến cầu xin mẫu âm phù trước khi lên cung rồi sau đó dân phu đến tạ mẫu có phải là Phủ Dầy Vân Cát ngày nay không?
Sự tích hội kéo chữ do Thái phi Ngọc Đài khởi xướng được ghi lại ở bia của cả phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát. Bia  Khải Định năm thứ 6 (1921) ở phủ Vân Cát của Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Tân Sửu Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính viết về tục này như sau : « Tục « hội gậy hoa » có từ việc vị Thái phi thời chúa Trịnh, là vì thời Lê Trung Hưng cầu ở đền Tiên Thánh, sau có ứng nghiệm như điều ước, nên tâu lên trên miễn cho dân huyện việc đắp đê khơi nước ở Hà Thành, dân huyện nhớ công ơn ấy bèn đổi mai cuốc thành gậy kéo chữ, hằng năm cứ đến lễ kị thì kính cẩn làm lễ tạ, hội hợp chụm đầu, lâu ngày thành lệ. Khoảng năm Tự Đức triều ta, Vân Cát nghĩ rằng dân đinh thưa ít, lo việc không nổi bèn đem nguyên lệ giao cho Tiên Hương nhận làm. Đến nay hơn 60 năm còn có mọi người biết cả... ». [37]
Bia này cũng cho biết đến khoảng giữa năm 1918, 1919 thì phủ Vân Cát được huyện thống nhất trình lên tỉnh cho tổ chức lại hội kéo chữ.
Theo cụ Trần Văn Bái, thủ nhang phủ Vân Cát thì hội kéo chữ ở Vân Cát gián đoạn 63 năm mới khôi phục lại.
Qua đây có thể  thấy Phủ Dầy (Vân Cát) chính là nơi bà Thái phi cầu nguyện được linh ứng và là nơi phát tích hội kéo chữ. Khoảng các năm 1855 hoặc 1856 tục này được bàn giao cho phủ Tiên Hương, sau hơn 60 năm gián đoạn, đến khoảng năm 1918 hoặc 1919 phủ Vân Cát khôi phục lại hội kéo chữ, từ đó cả hai phủ Tiên Hương và Vân Cát đều tổ chức hội kéo chữ.
Có lẽ người ta căn cứ vào năm Dương Hòa thứ hai (1636) là năm có nạn lụt lớn và là năm dân Thiên Bản được miễn phu mà cho rằng đó là năm ra đời hội kéo chữ?
Theo tác giả Bùi Văn Tam, hội kéo chữ lúc đầu được xếp bằng cuốc, thuổng. Đến đời Dương Hòa năm thứ 8 (1642) vua ban chỉ lợp ngói cho Phủ Dầy, bà chúa (Ngọc Đài) về dự thấy dân kéo chữ bằng cuốc thuổng thì nghĩ cách và khuyên dân nên thay cuốc thuổng bằng gậy hội có ngũ hoa mà xếp chữ thì đẹp hơn.[38]
Tìm hiểu về dòng họ chúa Trịnh cho thấy Trịnh Tráng (sinh năm 1577, ở ngôi chúa từ 1623 đến 1677), lấy Trần Thị Ngọc Đài người làng Đồng Đội huyện Thiên Bản sinh Trịnh Tạc vào năm 1606. Tác giả Hồ Đức Thọ dẫn sách Nam Định tỉnh dư chí mục lục của Đốc học Nguyễn Ôn Ngọc viết năm Thành Thái thứ 5 (1893) cho biết bà Ngọc Đài lấy Trịnh Tráng được 3 năm thì sinh Trịnh Tạc. Ngọc Đài là một góa phụ nhưng có nhan sắc, thông minh, hát hay, trước khi vào cung bà đã qua Phủ Dầy để cầu mẫu Liễu Hạnh xin âm phù cho bà được Chúa Trịnh yêu quí và hứa sẽ tạ lễ chu đáo.[39]
Theo như vậy bà Ngọc Đài lấy Trịnh Tráng năm 1603, là khoảng thời gian không lâu sau khi mẫu hóa (1577). Điều này cho thấy ngôi miếu thờ mẫu Liễu lợp tranh ở Vân Cát (sau gọi Phủ Dầy) không thể xuất hiện muộn hơn thời điểm bà Ngọc Đài vào cung (1603).            
Với những gì đã trình bày ở trên chúng tôi cho rằng bài thơ « Bái An Thái tiên nữ từ » (Bái yết đền vị tiên nữ An Thái) của tác giả Phạm Đình Kính đậu tiến sĩ năm 1710 là viết về ngôi đền thờ mẫu ở Vân Cát, tiền thân của Phủ Dầy Vân Cát ngày nay.[40]
Bài thơ này loại trừ chi tiết không sát thực về chuyện chồng con của mẫu còn thì đều khớp với ngôi đền thờ mẫu ở Vân Cát mà chúng tôi vừa phân tích trong mối liên hệ với bà Thái phi Ngọc Đài ở trên.
4.Về lăng mộ mẫu
Các thông tin về lăng mộ mẫu tương đối thống nhất. Lịch sử lăng mộ được chia thành hai thời kỳ :
Trước năm 1938 : Mộ mẫu được biết đến với tên gọi là « gồ Bà Chúa » thuộc cánh đồng Mả Quan. Sách Nam Định tỉnh chí viết cuối thế kỷ XIX có nói đến gồ Bà Chúa có mộ Thánh mẫu Liễu Hạnh « cây cối mọc sum suê, người xưa đi về lễ Mẫu thường hái lá xung quanh mộ về làm phước.[41]
Năm 1938 : Lăng mộ được các đệ tử Đào Chi ở đền Phổ Hóa (Huế) công đức xây dựng bằng đá xanh với kiến trúc to đẹp như ngày nay. Các tư liệu Hán Nôm ở lăng khá phong phú thường tập trung vào chủ đề sinh hóa, chủ đề bất tử, chủ đề tam thế giáng sinh ...của mẫu. Ví dụ đôi câu đối của ba chị em Đào Chi năm 1938 :
Sinh hóa suốt ba phen, trinh hiếu gươm treo miền quận Bắc
Tinh thần 500 lẻ, anh linh bóng dọi chốn thành Nam
Đến đây có thể đưa ra những kết luận ban đầu về sự tích giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy: Mẫu họ Lê (nay cải Trần), chết trẻ linh thiêng, có lăng mộ, được làng lập miếu thờ tự từ rất sớm sau phát triển thành Phủ Dày (Vân Cát). Ngoài ra mẫu còn được thờ tự ở nền nhà cũ của cha mẹ có tên gọi là Phủ Chính nay là Phủ Dầy Tiên Hương. Việc thờ tự mẫu Liễu ở Phủ Dầy đã dần hình thành một hệ thống lễ hội có ảnh hưởng lớn ở vùng đồng bằng Bắc bộ, ẩn chứa những giá trị văn hóa tín ngưỡng cần tiếp tục nghiên cứu giải mã.
 



[1]Đạo mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, Nxb Văn hoá thông tin, 1996, tr. 115 – 149.
[2]Bùi Văn Tam, khảo cứu, biên soạn, Phủ Dầy và tín ngưỡng mẫu Liễu Hạnh, in lần đầu năm 2001, Tái bản lần 3, Nxb Văn hóa dân tộc, năm 2007.
[3]Hồ Đức Thọ, sưu tầm – biên soạn, Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hoá - lễ hội Phủ Dầy , in lần đầu 2003, tái bản lần 3, Nxb Văn hoá thông tin, 2010.
[4]Vũ Ngọc Khánh, Tục thờ Đức Mẫu Liễu - Đức Thánh Trần, Nxb Văn hoá thông tin, 2008.
[5]Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2010.
[6]Riêng phần tư liệu về quần thể di tích Phủ Dầy trong sách của Vũ Ngọc Khánh (Sđd ) từ tr. 141 -163 là trùng với  nội dung từ tr.116- 132 của Phạm Quỳnh Phương (Sđd).
[7]Chu Xuân Giao “Mẫu Liễu với sự kiện phát hiện ngọc phả bằng đồng ở đền Sòng năm 1939: Bối cảnh, nội dung và dư luận”, Thông báo văn hóa 2011 - 2012, Viện Nghiên cứu văn hóa, Nxb Tri thức, 2013, tr.307 – 345.
[8]Đây! Thực chất lễ hội Phủ Giày, Ty Văn hóa Hà Nam Ninh, 1976.
[9]Bùi Văn Tam, Sđd, tr. 20 - 21.
[10]Đạo mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, (1996), Sđd, tr. 107.
[11]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.23.
[12]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.63,.67 và.70.
[13]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.61-62.
[14]Bùi Văn Tam, Sđd. Tr.69, Hồ Đức Thọ,  Sđd. tr.178, 179.
[15]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Gìây xã Kim Thái- huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, Dương Văn Vượng dịch nghĩa và chú thích, bản đánh máy 94 trang,, Bảo tàng Nam Định , 1996, tr.51.
[16]Đạo mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, Sđd, tr.111.
[17]Ngô Đức Thịnh (2010), Sđd. tr.148.
[18]Chu Xuân Giao (2013), tài liệu đã dẫn, tr.327.
[19]Chu Xuân Giao (2013), tài liệu đã dẫn, tr. 329.
[20]Ngô Đức Thịnh (2010), Sđd, tr. 445.
[21]Kinh Thánh mẫu Sòng Sơn, Hội Tiên Mẫu Việt Nam, Nhà in Thanh Bình, 1952, tr.66.
[22]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.42 và 47.
[23]Bùi Văn Tam, Sđd, tr. 12 -13.
[24]Ngô Đức Thịnh (2010), Sđd. tr.148.
[25]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định,  tài liệu đã dẫn, tr.31.
 
[26]Đây thực chất hội Phủ Giày, Ty Văn hóa Hà Nam Ninh, 1976, tr.23.
[27]Xem Bùi Văn Tam, Sđd tr.40 và Hồ Đức Thọ, Sđd tr.153,154.
[28]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, tài liệu đã dẫn..
[29]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, tài liệu đã dẫn, tr.29 -30.
[30]Hồ Đức Thọ, Sđd, tr. 158.
[31]Xem sơ đồ phủ Vân Cát trong Đạo mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, (1996), Sđd, tr.130.
[32]Bùi Văn Tam, Sđd,  tr 41.
[33]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định,  tài liệu đã dẫn, tr.75.
[34]Đây ! Thực chất hội Phủ Giầy, Sđd, tr.22 -27.
[35]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định,  tài liệu đã dẫn, tr. 54 và tr.66.
[36]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.119.
[37]Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định,  tài liệu đã dẫn, tr.31.
[38]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.120.
[39]Hồ Đức Thọ, Sđd, tr.36.
[40]     Bài thơ “Đến bái yết đền vị Tiên nữ An Thái”:
                 Lại xuống làng Vân năm Đinh Tị (ý nói sinh năm 1557)
                Họ Lê sự ấy vẫn còn nguyên
                Chồng con lúc sống trong Trần tộc
                Thờ phụng khi về (chết) ở Thái thôn
                Quán cỏ Thế Tông (1573 – 1600) đời ấy dựng
                Nhà xây Phúc Thái (1643 – 1649) bấy giờ tôn
                 Thời vua Hoằng Định ơn ban sắc (1601 – 1619)
                                          Chớ nói mơ hồ chuyện kính tin
    (Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái - huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định,, tr 76.)
[41]Bùi Văn Tam, Sđd, tr.49 – 50. 

http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/gop-phan-tim-hieu-them-ve-mau-lieu-o-phu-day

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.