Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/07/2014

Au mẻ lùa mà thàng viểc rườn a là : nhà thơ Triệu Lam Châu cảm động khi được Mẻ Va ban những từ khoa học bằng tiếng Tày

Nghe câu "Au mẻ lùa mà thàng viểc rườn a là" trong bài, thì có cảm giác vui vui. Gợi nhớ những câu chuyện thực tế xoay quanh cái tục hay cái NHIỆM VỤ "au mẻ/mè/mể" của người Tày Nùng. Người ta hay hỏi thăm mình là đã "au mè" hay chưa. Người Kinh cũng thường hỏi thân tình rằng "chú vợ chưa ?" hay rút gọn nhất thành "vợ chưa ?".

Cái thú nữa, là nhà thơ Triệu Lam Châu, hiện đang ở tận Tuy Hòa, cho rằng, ông chuyển được một ít từ cơ bản trong khoa học hiện đại sang tiếng Tày truyền thống, là do được ban tặng từ MẺ VA. Tức Bà mẹ hoa. Tạm hiểu như Bà Mụ của người Kinh.

Trẻ con được sinh ra thì nhà ngoại sẽ sang lập bàn thờ Mẻ Va. Cũng là ngày mẹ nó sẽ được đi làm dâu chính thức (người Tày Nùng vốn chắc ăn: phải có con, đẻ ra, thấy ánh mặt trời, rồi mới được về nhà chồng một cách chính thức, và cũng là chung thân vĩnh viễn). Đến năm đứa trẻ được 36 tuổi (lúc ấy không còn là "đứa trẻ" nữa), thì cái bàn thờ ấy được đem cất đi.


Toàn văn đọc ở dưới.

---

Một số từ Tày mới tâm đắc do Triệu Lam Châu đề xuất



http://caobangpro.com/van-hoc-nghe-thuat/118-nha-tho-trieu-lam-chau/5896-mot-so-tu-tay-moi-tam-dac-do-trieu-lam-chau-de-xuat.html

Trong cảm hứng dạt dào khi nghĩ về ngôn ngữ Tày thần diệu của chúng ta, tôi lại muốn thổ lộ thêm niềm vui chân chính của mình, trong công việc Đề xuất từ ngữ tiếng Tày mới hiện đại cùng bạn bè hôm nay.
Cảm hứng chủ đạo, nhen nhóm cho tôi viết bài tâm sự này – bắt nguồn từ việc cháu Huệ Nông nêu câu hỏi từ Khuýt ca líu tiếng Tày nghĩa là gì và anh QuyDon có giải thích từ này, rồi còn đế thêm một câu “Cũng như chủ post, tôi muốn đc nghe tiếng nói của bậc thông thái Triệu Lam Châu. :D".
Tôi không dám nhận mình là bậc thông thái như anh QuyDon ưu ái gọi. Song tôi cảm động trước sự trân trọng của anh đối với công việc tôi đang làm là Đề xuất từ Tày mới.
Chính vì vậy tôi xin công bố thêm một số từ Tày mới tâm đắc mà Bà Mẹ Hoa đã vui lòng ban cho tôi trong thời gian vừa qua.
Tính đến nay, tháng 7 năm 2014 tôi đã Đế xuất được gần hai ngàn năm trăm từ Tày mới rồi đó.
Tôi làm công tác giảng dạy khoa học địa chất công trình hơn ba chục năm, mà không biết từ Khoa học bằng tiếng Tày là gì – kể ra cũng thật đáng xấu hổ lắm thay. Vậy thì phải kiên nhẫn mà tìm tòi thôi…Những từ sau đây cũng thuộc loại cực khó, tôi phải tìm mấy năm trời mới ra đó….
KHOA HỌC: Hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy kuật khách quan của thế giới bên ngoài, cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực.
Từ nghĩa chính trên đây, ta thấy nổi lên một vấn đề: Đó là vốn tri thức giúp con người có chìa khoá thần diệu, để cải tạo hiện thực.
Vậy tôi xin đề xuất:
Khoa học: Tiếng Tày là Pỏn ljếm (Nguồn vốn của các phương pháp, phương thức tiếp cận hiện thực…).
QUY LUẬT: Mối liên hệ bản chất, ổn định, được lặp đi lặp lại giữa các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Quy luật của tự nhiên. Quy luật phát triển xã hội. Quy luật kinh tế…
Phải nói rằng từ Quy luật này đã từng làm cho tôi tối tăm mặt mũi biết bao lần. Mỗi khi nghĩ đến lại thấy bí. Tiếng Tày mình gọi thế nào đây?
Thế rồi cuối cùng tôi thấy: Từ nghĩa gốc trên – ta có thể hình dung thấy một dòng chảy duy nhất, một lối đi duy nhất của các hiện tượng. Dòng chảy ấy nối các hiện tượng với nhau theo một cách thức duy nhất, không thể khác. Dĩ nhiên phải như thế. Tất nhiên phải như vậy.
Và tôi nghe Bà Mẹ Hoa ban cho như sau:
Quy luật: Tiếng Tày là Thỏ ljếm (Phương thức tiếp cận các hiện tượng, vấn đề….ấy – vốn có trong tự nhiên và xã hội)
Ôi, khi tìm được từ Tày này, tôi thấy nhẹ hẳn cả người.
KINH TẾ: Tổng thể nói chung những quan hệ sản xuất của một hình thái xã hội – kinh tế nhất định. Kinh tế phong kiến. Kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Và cũng là Tổng thể nói chung những hoạt động của con người nhắm thoả mãn nhu cầu vật chất. Phát triển kinh tế….
Tôi nhận thấy cái cốt lõi của từ Kinh tế là: Tất cả các giá trị đều do con người gây dựng nên. Do đó tôi đề xuất:
- Kinh tế: Tiếng Tày là Pỏn có (Nguồn vốn được gây dựng nên). Kinh tế tỉnh nhà – Pỏn có slảnh rườn. Đó là trường hợp thứ nhất.
- Kinh tế: Ljếm pỏn (Cách thức làm để đạt các giá trị của vốn). Làm như vậy không kinh tế đâu – Hất p’ận nẩy nắm rjèo ljếm pỏn d’á. Ljếm pỏn cũng có thể hiểu là Quy luật kinh tế.
XÃ HỘI: Hình thức sinh hoạt chung có tổ chức của loài người ở một trình độ phát triển nhất định của lịch sử, xây dựng trên cơ sở một phương thức sản xuất nhất định. Xã hội phong kiến. Xã hội tư bản.
Khi nói xã hội phong kiến, tôi hình dung ngay đó là một Vầng bao quanh cuộc sống con người. Trong Vầng ấy cuộc sống con người diễn ra theo quy tắc và chuẩn mực của phong kiến. Đó là một hình thái của cuộc sống theo kiểu phong kiến.
Xã hội tư bản… Đó là một hình thái sống theo kiểu tư bản.
Vậy:
Xã hội: Tiếng Tày là D’ưởng d’ú (Hình thái cuộc sống của con người).
TÌNH HÌNH: Tổng thể nói chung những sự kiện, hiện tượng có quan hệ với nhau, diễn ra trong một không gian, thời gian nào đó, cho thấy một tình trạng hoặc xu thế phát triển của sự vật. Tình hình chính trị….
Đấy, từ này mang tính tổng quát như vậy. Làm sao tìm từ Tày có hai âm mà biểu hiện được khái niệm tình hình? Tôi phải mất bốn năm trời ròng rã (2009 – 2013) mới tìm ra một từ khả dĩ…
Đọc đi đọc lại, rồi nghiền ngẫm khái niệm trên, tôi thấy nổi lên cái gọi là Một hệ thống phức tạp - mà hệ thống này có nhiều hình thái khác nhau. Thí dụ: Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta trước năm 1975 (Đấy là một hình thái). Rồi: Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta sau năm 1975 (Lại một hình thái khác nữa).
Từ đó ta có căn cứ đề xuất như sau:
Tình hình: Tiếng Tày là D’ưởng gừa (Hình thái của hệ thống).
Áp dụng vào thực tế như sau: Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta sau năm 1975 – D’ưởng gừa pỏn có, chăn cai, d’ưởng d’ú đin hây lăng pi 1975….
Theo thiển ý của Triệu Lam Châu, thì khi dùng lần đầu tiên những từ mới này sẽ hết sức ngỡ ngàng. Song cứ suy ngẫm kỹ và dùng vài lần, thì sẽ thấy thấm thía ngay. Bởi vì đó là những từ chính gốc Tày thiêng liêng của chúng ta đấy.
Mỗi lần tìm ra một từ Tày mới, dẫu còn phải qua sàng lọc của thời gian nữa, song tôi thấy hạnh phúc vô biên. Tôi tin anh QuyDon sẽ đồng cảm với nỗi niềm này của tôi. Rồi anh Hà Quốc Quân, nhà thơ quá cố Giới Thanh Sơn (Nông Thế Giới), cháu Mịch Nông nữa…cùng nhiều bạn bè khác nữa… những người trân quý tiếng Tày thiêng liêng của chúng ta.
NHIỆM VỤ: Công việc phải làm vì một mục đích và trong một thời gian nhất định.
Năm 2009 khi đụng tới từ này, tôi cứ tưởng dễ, rồi hấp tấp nghĩ: Vjểc mẻn hất.
Thế thì không ổn chút nào đâu. Làm sao tìm từ có hai âm thôi. Nói là Vjểc mẻn hất – thì nghe thô tục quá đi.
Vậy là tôi phải đắm mình vào Trường văn hoá Tày mình thật lâu, thật lâu xem sao? À, tôi còn nhớ mé nói: Au mẻ lùa mà thàng viểc rườn a là…. Cái từ Thàng của tiếng Tày mình rất tuyệt vời… Nó chính là đứng mũi chịu sào, đảm đương, lo toan, thu vén, định liệu, đối nội, đối ngoại, giải quyết mọi công việc…Tôi cứ hình dung từ Thàng như cái cột của chùa Một cột ở Hà Nội vậy – Nếu không có Thàng, thì tất cả sẽ đổ hết ngay đó.
Từ đó Triệu Lam Châu đề xuất như sau:
Nhiệm vụ: Tiếng Tày là Vjểc thàng (Việc cần phải đảm đương, giải quyết)
NGHĨA VỤ: Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ công dân.
Khi nhắc đến nghĩa vụ, tôi hình dung thấy một trách nhiệm cao cả và thiêng liêng, vì nó gắn với Tổ Quốc (Thí dụ: Nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc). Và như vậy nó thường gắn liền với cả số phận của cả một cộng đồng người, của một đất nước….
Vậy, tôi xin đề xuất:
Nghĩa vụ: Tiếng Tày là Vjểc mỉnh (Công việc của số phận)
BAN CHẤP HÀNH: Tập thể những người được đại hội của một tổ chức chính đảng, đoàn thể bầu ra để thực hiện nghị quyết của đại hội và lãnh đạo công tác giữa hai kỳ đại hội.
Cha ông chúng ta đã có từ Poong chỉ một đoàn người, một nhóm người.
Thực ra Ban chấp hành là những người ưu tú của một tổ chức, được bầu ra để đảm đương mọi công việc. Ta đã có từ Thàng làm chìa khoá trên kia rồi.
Vậy ta có ngay:
Ban chấp hành: Tiếng Tày là Poong thàng (Nhóm người đảm đương mọi công việc)
BAN THƯỜNG VỤ: Một nhóm người ưu tú và có nhiều năng lực, được lựa chọn từ Ban chấp hành – để điều hành công việc hàng ngày của một tổ chức Đảng, Đoàn thể….
Như vậy ta thấy: Ban thường vụ là tinh tuý của Ban chấp hành. Từ đó, tôi đề xuất như sau:
Ban thường vụ: Tiếng Tày là Nhòn thàng (Trung tâm của các giá trị tinh tuý đảm đương công việc). Trong tiếng Tày ta có Nhòn xáy – Lòng đỏ của trứng. Nhòn, vừa gợi lên ý là Trung tâm và là sự tinh tuý về chất lượng nữa đó.
THỂ CHẾ: Những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo.
Từ này cũng thật là nan giải. Đành lại phải đắm mình thật sâu vào Trường văn hoá Tày, mới mong tìm ra thôi.
Trong tiếng Tày mình có câu Toóc teng (Đóng đinh) rất hay. Hay vì nó thể hiện một sự dứt khoát, dữ dội, không thể khác. Tôi thấy rất thú vị, vì nó hết sức độc đáo, vừa dân dã lại vừa mang tính triết học (Dẫu người Tày mình chưa hề có một nền triết học nào cả. Nó đang ở thời tương lai xa lắm lắm).
Tôi đề xuất như sau:
Thể chế: Tiếng Tày là Lẹ toóc (Những quy định, luật lẹ được đóng đinh chắc chắn)
CÔNG DÂN: Người dân trong quan hệ về mặt quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước.
Phải nói rằng khi chưa có nhà nước, thì chưa có khái niệm dân. Khi nhà nước ra đời, thì mới có mối quan hệ giữa người dân với chính thể mà mình sống.
Vậy Người dân, tiếng Tày lẻ gần lăng ló? Dân hay Công dân – đều là từ Hán-Việt cả. Người Việt đã mượn từ Dân của tiếng Hán rồi. Bây giờ người Tày chúng ta lại muợn tiếp như vậy nữa – thì coi như dẫm chân tại chỗ. Còn đâu là sáng tạo cơ chứ!
Nhiều lúc nản quá, nhưng Triệu Lam Châu không chịu đầu hàng đâu. Nghĩ mãi qua năm này tháng khác, hết sức trường kỳ, tột cùng kiên nhẫn. Không biết hỏi ai cả. Hỏi ai bây giờ đây? Những giờ phút như vậy tôi thấy cô đơn đến vô cùng mà sự vô cùng này có luỹ thừa vô… vô cùng nữa – thì biết làm sao đây hả trời?
Không có Bà Mẹ Hoa, thì không tài nào làm nổi. Cuối cùng Bà Mẹ Hoa cũng rủ lòng thương ban cho con như sau:
Công dân (Gọi tắt là Dân): Tiếng Tày là Gần lẹ (Con người của thể chế).
Bạn đọc thấy rồi đó. Khi tìm ra từ Gần lẹ, tôi thấy sung sướng hàng tháng trời liền. Bởi vì tôi phải mất bốn năm trời mới tìm ra Gần lẹ. Chả trách người đời thường nói rằng: Người nghệ sĩ trẻ lâu, là phải lắm. Bởi vì trong lòng họ luôn chứa chan những niềm vui cực kỳ hùng vĩ và ánh lấp lánh của niềm vui chân chính như rọi sáng cả thiên hà…(Theo tôi được biết với tốc độ ba trăm ngàn cây số trong một giây, ánh sáng phải đi hàng một trăm ngàn năm mới hết đường kính dải thiên hà).
Bạn đọc thân mến. Với gần hai ngàn năm trăm từ mới do tôi tìm ra, ít ra là có đến gần ngàn từ tâm đắc, theo chủ quan của tôi. Song công việc này còn lắm gian nan và bề bộn, đòi hỏi công sức của nhiều người và nhiều thế hệ tâm huyết, mới mong gọi là có chút ổn thoả.
Rất mong sự sẻ chia và giúp đỡ của bạn bè gần xa.

Tuy Hoà, lúc một giờ 34’ Sáng 9 tháng 7 năm 2014
Triệu Lam Châu
T’àng vạ: trieulamchau@gmail.com
Slai tâu tẻ toót: 0983 825502

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.