QĐND Online - Ngày 26-4, Đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc do đồng chí Tề Kiến Quốc, Phó Hội trưởng Hội hữu nghị Trung-Việt, nguyên Đại sứ nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm di tích Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy (SCH) Chiến dịch Điện Biên Phủ và đặt vòng hoa, viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1, đi thăm một số di tích trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, khoảng cách bất đồng ngôn ngữ bị xóa nhòa, nhường cho cảm xúc lan tỏa.
Không đi thì mất cơ hội
Trong những ngày này khu di tích Mường Phăng đón hàng ngàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Khoảng gần 9 giờ sáng, rất đông người chen chân trên con đường nhỏ hẹp dẫn vào SCH. Tuy nhiên, khi biết tin có bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ sang thăm thì mọi người gian ra nhường đường. Ông Nguyễn Văn Giao, nguyên Vụ trưởng vụ Khoa giáo thuộc Văn phòng Chính phủ, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Nho và rất nhiều khách tham quan đã vui vẻ và hồ hởi tiến lại chào, bắt tay, coi bà như người thân lâu ngày gặp lại. Điều ấy khiến bà Hứa rất vui, miệng bà luôn tươi cười đáp lại tình cảm ấy.
|
Ông Nguyễn Văn Giao, nguyên Vụ trưởng vụ Khoa giáo thuộc Văn phòng Chính phủ bắt tay chào bà Hứa Kỳ Sảnh trên đường vào SCH Chiến dịch Mường Phăng. |
Ngồi trên chiếc giường tre trong lán làm việc đơn sơ của đồng chí Vi Quốc Thanh được phục chế lại vào năm 1984, bà Hứa Kỳ Sảnh vô cùng xúc động khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về những đồ vật thân thuộc, giản dị gắn với công việc của chống bà trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà hỏi tỉ mỉ hướng dẫn viên về vật liệu xây dựng và quá trình phục hồi, tu bổ, phương pháp bảo quản căn nhà này. Bà Hứa dặn cô hướng dẫn viên là phải giữ gìn thật cẩn thận vì đó là tài sản chứng minh cho tình hữu nghị giữa hai quân đội, hai dân tộc, hai Đảng. Khi đồng chí Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Điện Biên Phủ trân trọng ngỏ ý được bà hiến tặng một số hiện vật, kỷ vật, tư liệu, tài liệu của đồng chí Vi Quốc Thanh để trưng bày thì bà Hứa càng xúc động hơn. Bà cho biết, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tới đây, các đồng chí ở Bảo tàng Vi Quốc Thanh tại tỉnh Quảng Tây sẽ sang thăm Điện Biên Phủ. Bà mong muốn đồng chí Hải liên hệ trực tiếp với họ để phối hợp thực hiện thành công ý tưởng ấy. Bà đặc biệt vui khi ngồi nghỉ tại lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đó không xa. Rất nhiều khách tham quan là người Việt Nam đã đến bên cửa sổ, cạnh chỗ bà ngồi để được nói chuyện và chụp ảnh bà Hứa với tình cảm và thái độ hết sức trọng thị. Bà Hứa đã đáp lại tình cảm của họ bằng tiếng cười và ánh mắt rất trìu mến, thay cho lời nói.
|
Các thành viên của Đoàn chụp ảnh lưu niệm. |
Khi trở về nhà khách của UBND tỉnh Điện Biên, bà Hứa Kỳ Sảnh đã rất vui, liên tục cười nói với người giúp việc, mặc dù lúc đó đã là hơn 12 giờ, bà bộc bạch với tôi rằng, sang thăm Việt Nam, đi thăm di tích Mường Phăng, thăm nơi chồng bà từng công tác, chiến đấu là một quyết định đúng. Bà khẳng định: Không đi thì sẽ mất cơ hội. Điều bà Hứa kỳ Sảnh khẳng định làm tôi nhớ câu chuyện của ông Trần Tiệu Việt, con trai thứ hai của “Lưỡng quốc tướng quân - Nguyễn Sơn” khi đứng trong rừng Mường Phăng. Ông kể, năm 2011, mẹ ông mong muốn được quay lại Việt Nam, được lên Điện Biên Phủ, nhưng không thực hiện được vì phải phẫu thuật. Sau đó mẹ ông qua đời. Lên Điện Biên Phủ, vào Mường Phăng là dịp để ông thực hiện hộ mẹ mình nguyện ước lúc còn sống.
Điểm chung của quân đội hai nước Việt - Trung
Trên đường rời khỏi khu di tích Mường Phăng rợp bóng cây, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với đồng chí Tề Kiến Quốc bằng tiếng Việt. Ông nói rằng, trong quá trình thực hiện công cuộc cách mạng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mối quan hệ rất gắn bó. Việt Nam đã từng giúp Trung Quốc tiêu diệt quân quốc dân đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy đã từng công tác ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên ông đến Mường Phăng. Ông xúc động bày tỏ, cuộc đi tham quan này rất thú vị, cho tôi cùng các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc khó nói hết bằng lời. Nếu không đến đây thì tôi cũng chỉ hình dung ra sự vất vả, gian khổ trong kháng chiến của các bạn Việt Nam và các cố vấn Trung Quốc qua tài liệu và phim ảnh. “Đến đây, tôi mới thấy hết sự anh dũng, tình cảm gần gũi, thân thiết như trong một nhà của những người chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc”, ông Tề Kiến Quốc khẳng định. Ông mong muốn được gửi lời cảm ơn tới Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và các cơ quan, đơn vị đã hết sức tạo điều kiện, tiếp đón Đoàn chu đáo tận tình.
|
Bà Hứa Kỳ Sảnh cùng các con và người thân chụp ảnh trước lán làm việc của đồng chí Vi Quốc Thanh. |
Trong Đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc đi thăm di tích Mường Phăng có ông Trương Bảo Thành là con trai của đồng chí Trương Anh, nguyên Chánh văn phòng cố vấn quân sự Trung Quốc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Thành bộc bạch: Tôi đã biết nhiều về Điện Biên Phủ thông qua các tài liệu của Pháp và Mỹ, phim ảnh và lời kể của cha. Tuy nhiên, khi đến đây, tôi mới thấy khoảng cách thực tế giữa lán chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vi Quốc Thanh lại gần thế. Ông kể rằng đã nhận thấy một điều khi đọc tài liệu, đó là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi bị đánh không còn đường thoát, quân Pháp đã kéo cờ trắng ra hàng rất đông. Trong giáo trình quân sự của quân Pháp mà ông đọc được có một chi tiết thú vị là họ dạy binh sĩ cách ra hàng để được sống trong điều kiện không còn đường thoát. Điều này không có ở quân đội nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nếu hết đạn hoặc không có đường thoát họ sẽ đánh giáp lá cà, đánh gần, sẵn sàng hy sinh tới giọt máu cuối cùng để chiến thắng. Điều này lý giải vì sao, trong khi quân Pháp nhiều súng đạn, ở trong công sự, hầm hào kiên cố vẫn phải thua quân đội Việt Nam. Ông cho rằng, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi có một phần giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng quyết định vẫn là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trên chiến trường.
Điều mà ông Trương Bảo Thành bày tỏ cũng gần đúng với những lời mà đồng chí Tề Kiến Quốc ghi bằng tiếng Trung Quốc vào sổ lưu niệm tại Nghĩa trang A1, khi cùng đoàn đến viếng các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chiều 26-4. Đồng chí dịch: “Mối tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân và quân đội hai nước Trung – Việt được xây đắp bằng xương và máu, để tình hữu nghị hai nước Trung Việt mãi mãi xanh tươi”.
Hết lòng với khách quý
Bà Hứa Kỳ Sảnh năm nay đã 84 tuổi và là người lớn tuổi nhất trong đoàn. Do đó, việc đi vào Mường Phăng, nơi cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km với nhiều đường đèo dốc quanh co, nhất là đoạn từ nhà ban quản lý di tích vào trong sở chỉ huy phải đi bộ vượt qua đường nhỏ hẹp, dốc cao, suối có cầu nhỏ. Những điều ấy rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người có tiền sử bệnh tim mạch như bà Hứa. Để giải quyết vấn đề này, ban tổ chức đã chuẩn bị cho bà Hứa một chiếc xe lăn. Tuy nhiên, khi mang xe ra thử để 4 chiến sĩ khiêng thì tìm mãi không được ai có trọng lượng tương đồng như bà. Cuối cùng mọi người phải mời bà vào ngồi thử để các chiến sĩ khiêng, nhưng bà dứt khoát không đồng ý. Phải mất tới gần mười phút thuyết phục bà mới đồng ý để ngồi vào xe để 4 chiến sĩ khiêng thử. Mọi người nhìn thấy vỗ tay tán thưởng làm bà Hứa Kỳ Sảnh vui và mỉm cười.
|
Các chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên hỗ trợ bà Hứa Kỳ Sảnh vượt qua đường mòn nhỏ hẹp vào SCH Chiến dịch Mường Phăng. |
Trên đường đi vào Mường Phăng trước tiên phải qua những bậc thang lên lưng chừng núi khá cao. Lúc này, bà Hứa vui vẻ ngồi vào xe để 4 chiến sĩ khênh lên núi. Trên đường đi, có lúc đường hẹp như đường mòn lại lên dốc, xuống dốc, thậm chí phải đi cầu khỉ, nhưng bà Hứa đều vượt qua an toàn. Khi trở về TP Điện Biên Phủ, Thượng tá Vương Kim Ánh bộc bạch: Đoàn thân nhân gia đình các đồng chí cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Trung Quốc đến Điện Biên vào đúng dịp chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mặc dù rất bận, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo để tiếp đón và đưa đi thăm các điểm di tích. Chúng tôi nhận thức, các thành viên trong Đoàn nói chung và bà Hứa Kỳ Sảnh là khách đặc biệt của Việt Nam, của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Điện Biên chúng tôi. Còn Binh nhì Khoảng Văn Hiếu thì thổ lộ khi đã hoàn thành nhiệm vụ: Tôi rất vui vì thấy cụ Hứa Kỳ Sảnh luôn tươi cười, nắm chặt tay tôi như người con, người cháu trong gia đình.
Buổi sáng, trong lúc đi từ Mường Phăng về, bà Hứa Kỳ Sảnh có nguyện vọng được nói chuyện với các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay lập tức mong muốn của bà được các đồng chí của Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đáp ứng. Trong buổi gặp hết sức thân tình vào lúc hơn 15 giờ, bà Hứa Kỳ Sảnh đã chia sẻ với các cựu chiến binh tại nhà khách của UBND tỉnh Điện Biên như người trong một nhà mà không hề cảm thấy có khoảng cách.
Bài và ảnh: MẠNH THẮNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.