Ảnh trong bài (mục 3), không nên bỏ sót mục 5 |
(Ghi bổ sung ngày 14/11/2013: cảm giác là cái ảnh này đang bị xóa trong mấy ngày qua, hoặc máy chủ đang bị tắt, nên phải post lại ở dưới)
1. Tin của tờ Quân đội Nhân dân (2007):
Giám định chính xác hài cốt các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân
QĐND - Thứ Bẩy, 20/10/2007, 9:4 (GMT+7)
QĐND - Sau một thời gian khẩn trương giám định, Viện Pháp y Quân đội đã công bố và tổ chức lễ trao nhận kết quả giám định hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh cho gia đình và tỉnh Thái Bình.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh năm 1908 tại làng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, là Xứ ủy viên Xứ bộ Bắc kỳ, Bí thư tỉnh bộ thanh niên Hải Phòng (gồm Cẩm Phả, Quảng Yên, Kiến An, Hải Dương), là người tổ chức đón đồng chí Trần Phú về nước, đóng góp ý kiến để để đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Tháng 4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt rồi kết án tử hình và bị chúng giết hại tại Hải Phòng ngày 31-7-1932.
Cùng bị giặc Pháp giết hại với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có đồng chí Hồ Ngọc Lân, sinh năm 1906 tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là cán bộ tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tham gia thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
HẢI LINH
2. Bài của An ninh Thủ đô (2007):
Hành trình đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Chủ nhật 11/11/2007 14:40
(ANTĐ) - Sau khi nhận lời đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã quyết định về khu tưởng niệm của vị lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Bình bởi chị nghĩ rằng nếu việc tìm cụ có triển vọng là điều tốt nhất, mà dân mong, đồng chí, đồng đội cách mạng lão thành và con cháu đều mong muốn được tri ân với các anh hùng, nếu không thì đây cũng là một lần chị được thắp nén hương tưởng nhớ vị lãnh tụ.
Tấm lòng người cách mạng
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết, ngày 4-3-2007 (tức 16-2 âm lịch) chị đã có buổi làm việc đầu tiên ở nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Bình.
Tấm lòng, tâm huyết của nhân dân Thái Bình và trực tiếp là của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã làm cho cụ cảm động. Lúc đầu cụ bảo thôi đừng tìm kiếm làm gì, tôi là người đi làm cách mạng mà đã đi làm cách mạng rồi thì chỉ nghĩ rằng mình mang hết nhiệt huyết lý tưởng vì dân vì nước, không bao giờ nghĩ rằng mình được tạc bia đá tượng đồng mà nay lại được thế này là vinh dự lắm rồi.
Đã hơn 70 năm qua đi rồi bây giờ tìm kiếm khác gì bới đất tìm sâu, vạch trời tìm nắng. Tôi bây giờ, xác ở một nơi, hồn ở hai nơi, nhưng cái tâm thì luôn hướng về quê hương. Nhưng rồi thấu lời mong mỏi của nhân dân, cụ đã đồng ý để tìm kiếm. Nhưng cụ chỉ mong muốn: nếu đã tìm tôi thì tìm thêm một người đồng chí của tôi.
Đồng chí ấy chết với tôi cùng một giờ, cùng một khắc, cùng được đưa từ Hỏa Lò về chém tại Hải Phòng. Đồng chí ấy là Hồ Ngọc Lân hiện đang nằm cạnh tôi. Trong khi đó, cụ Hồ Ngọc Lân lại từ chối: đồng chí Cảnh là một vị lãnh tụ cao cấp còn Lân tôi chỉ là một đảng viên bình thường nên không dám nhận sự trịnh trọng như vậy.
Nhưng cụ Cảnh lại nói đã đi làm cách mạng thì không có sự phân biệt. Sự phân cấp chỉ là sự phân công trong công việc thôi. Khi trở về với đất với cát bụi, thì cậu với mình cũng là hai con người như nhau thôi. Cùng mất đầu, cùng làm cách mạng, cùng chung một mục đích, cùng chung một lý tưởng, vậy cớ sao lúc này sự tri ân của người đời lại có phân biệt.
Những thông tin từ cuộc tiếp xúc đầu tiên
Những thông tin từ cuộc tiếp xúc đầu tiên cho thấy di hài của hai liệt sĩ đang được chôn ở một nghĩa địa gần pháp trường, sau khu vực một nhà thờ, đi qua phố Dinh, qua một cây cầu đá sang bên kia sông.
Sau mấy chục năm, do làm đường dây điện, có một người tên là Nguyên đào hố làm chân cột điện thấy có hai chiếc hòm gỗ mở ra là hai hài cốt không đầu, nên người đó đã đặt vào tiểu và chôn rời cách chân cột điện mấy mét.
Ngoài ra, khi tiếp xúc, chị Phan Thị Bích Hằng còn nhận được thông tin có một ông tên là đội Long. Ông này đã mang hai đầu đem trình chúa ngục Véc-xi-ni, rồi ném đầu xuống sông Tam Bạc đi qua lâu đài Mác-ti-ni.
Sau khi có thông tin như vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, và Hải Phòng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo tại Hải Phòng với sự tham gia của các nhà sử học, các vị cao niên để xác định lại các địa danh, cũng như những người được nhắc đến qua thông tin tâm linh.
Thực tế, Hải Phòng trước đây có phố Dinh, có hai 2 cây cầu đá, trong đó một cây cầu chỉ còn lại mố cầu, còn một cây cầu đá đi trong phố Dinh.
Còn người tên là Long (Long xách tai) qua tìm kiếm đã chết, nhưng được người cháu dâu của ông này cho biết, ngày xưa có nghe nói ông cũng đi làm cho lính Pháp, và thường gọi là ông Long xách tai là bởi sau khi chém người thì ông Long có nhiệm vụ đem tai đến trình quan Pháp và mỗi lần như vậy thì ông được 5 đồng. Còn một ông Nguyên, đã xác định được thời gian làm đường dây điện có một ông tên là Nguyên đào cột điện nhưng không gặp được vì ông đã vào miền Nam sinh sống.
Và những cuộc tìm kiếm không thành
Mặc dù đã xác định được các địa điểm nhưng do địa hình đã biến đổi nhiều nên việc tìm ra chính xác nơi chôn cất di hài liệt sĩ là điều hết sức khó khăn. Sau khi tiền trạm hết các thông tin mà nhà ngoại cảm cung cấp, cuối cùng đã xác định được khu vực nghĩa trang Tam Quán, tại đây cũng có hàng cây, cũng có cột điện, đường đá gần giống với thông tin đã được mô tả.
Nhưng địa điểm này cũng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được đưa ra. Đoàn tiền trạm lại tiếp tục đến rất nhiều nơi có hàng cột điện, hoặc địa hình tương tự nhưng đều không thu được kết quả.
Chị Phan Thị Bích Hằng nhớ lại chị được chỉ dẫn là mộ nằm ở mép nghĩa địa, gần một cái mương nước. Đường đi vào một nhà máy, có cổng sắt rất to, qua hai cánh cổng sắt, đi sâu vào bên trong, thì thấy một hàng cây to, rẽ vào hàng cây ấy là một con đường đá khấp khểnh, nhìn lên có một chòi gác cao, xung quanh là hàng rào dây thép gai.
Nhưng trong bức tranh ảm đạm ấy lại thấy bừng lên một mái chùa cong vút cao mấy tầng, xuyên qua hàng rào thép gai. Đi tiếp đến chỗ một cây rất to, đó là một cây phong gai, có một cành chết khô chỉ thẳng ra phía trước là một cây cột điện, trước mặt là mấy cây chuối, cây đu đủ.
Đưa thông tin này ra nói chuyện với đoàn đi tìm mộ thì mọi người cho biết ở Hải Phòng có Nhà máy giày Thống Nhất, trước kia khu vực của nhà máy là nghĩa địa An Dương II. Nên đoàn quyết định đến Nhà máy giày Thống Nhất.
Hôm đó là ngày 22-8, lúc này trời đã nhá nhem tối, vừa bước vào cánh cổng sắt, chị Phan Thị Bích Hằng bỗng dưng sững người lại rồi chị cứ thế lao đi trước mọi người.
Đi sâu vào bên trong thì thấy một hàng cây, rồi đường đá khấp khểnh, rồi một cây phong gai... Và thật bất ngờ là không hiểu tại sao nhà máy đã được xây rất hiện đại nhưng cái chòi gác sắt gỉ từ bao nhiêu năm nay vẫn còn nguyên, tường bao cũ kỹ với hàng rào dây thép gai, rồi mái chùa cong vút...
Mọi thứ hoàn toàn trùng khớp với những gì đã được mô tả và trùng khớp với sơ đồ đã vẽ khi có buổi tiếp xúc với các cụ lần đầu tiên tại Diêm Điền.
Niềm vui trọn vẹn
Ban lãnh đạo Nhà máy cho biết đây là khu vực đã bỏ không, nhưng hiện là một bãi rác rậm rạp. Nhà máy sẽ sẵn sàng làm tất cả để tìm kiếm mộ cụ. Nếu để chuyển hết số rác này đi thì phải dùng máy xúc và mất nhiều ngày mới chuyển hết.
Vào thời điểm này cũng là tháng mưa ngâu, nên mọi người quyết định sẽ khai quật vào tháng sau và đề nghị cho phát quang bãi rác. Đến ngày 19-9-2007 (tức 9-8 âm lịch), nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng quyết định cho xe ủi xúc hàng nghìn m3 rác thải ra ngoài.
Sau 3 ngày, khu bãi rác đã quang sạch, nhưng mọi người đào rất sâu mà không thấy tiểu, dùng cả thuốn xuống lòng đất nhưng vẫn bặt vô âm tín, đất vẫn khô cong, trong khi đó mộ cụ lại được báo là nằm ở nơi có nước.
Tiếp tục đào đến giữa trưa, không hiểu sao, nước chảy ra lênh láng. Mọi người mừng khấp khởi khi đụng vào một cái tiểu, nhưng vẫn không phải là hài cốt của cụ Nguyễn Đức Cảnh, đào tiếp thì thấy hai ngôi mộ nữa nhưng vẫn là của người dân.
Và cuộc tìm kiếm vẫn kiên trì được tiếp tục với sự quyết tâm của tất cả mọi người: những cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, gia đình cụ Nguyễn Đức Cảnh... Cuối cùng thì họ đã tìm thấy được hai cái tiểu giống nhau, nhưng hai tiểu này lại nằm úp ngược, lật hai chiếc tiểu lên là hai bộ cốt không có đầu...
Mọi người bật khóc. Quá xúc động khi tìm được di hài của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh, ông Nguyễn Ngọc Đoán, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình cũng bật khóc: “Bố mẹ mình cũng chỉ là một người dân bình thường thôi mà đã được xây mộ đàng hoàng đã chục năm nay.
Một vị lão thành cách mạng đã trăm tuổi rồi, một người khai quốc công thần như thế mà hơn 70 năm nay lại sống ở một nơi như thế này”. Mọi người trào dâng một tình cảm thành kính, xúc động khôn tả. Bao nhiêu năm nay mong mỏi, bây giờ mới tìm lại được các cụ, cũng là phúc dầy của dân, của nước, của Đảng ta.
Đinh Kiều Nguyên
Việc tìm thấy hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân là một tin vui không chỉ đối với người dân Thái Bình mà còn là tin vui đối với nhân dân cả nước.
Tin vui đó lại càng trọn vẹn hơn khi Viện Pháp y quân đội (Hà Nội) một lần nữa khẳng định bằng kết quả giám định ADN. Một bước tiến của khoa học Việt Nam và cũng là lần đầu tiên khoa học tâm linh được kiểm chứng bằng khoa học hiện đại. Hiện tại, Nhà tang lễ Quân khu III - Hải Phòng đã có hơn 4.000 vòng hoa của nhân dân khắp cả nước hàng ngày đến viếng thể hiện lòng biết ơn đối với hai liệt sĩ.
Tổ chức lễ tưởng niệm và di chuyển hài cốt hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân
Sáng 9-11, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức buổi họp nhằm thống nhất kế hoạch tổ chức dâng hương tưởng niệm và di chuyển hài cốt của hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân về an táng tại quê nhà.
Hiện tại, hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân đang được quàn tại Nhà tang lễ Quân khu III. Theo kế hoạch, sáng ngày 14-11, hài cốt của hai đồng chí sẽ được di chuyển đến Cung văn hóa Việt-Tiệp. Các cơ quan, đoàn thể cá nhân bắt đầu viếng và dâng hương từ 11h ngày 14-11. Lễ tưởng niệm trọng thể sẽ được tiến hành từ 7h30 sáng 15-11.
Ngay sau lễ dâng hương, hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sẽ được chuyển về Nhà văn hóa công nhân tỉnh Thái Bình làm lễ truy điệu, sau đó được an táng tại khu nhà tưởng niệm III, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Hài cốt đồng chí Hồ Ngọc Lân sẽ được di chuyển về Bắc Ninh, an táng tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thống nhất về thành phần ban tổ chức tang lễ, phần nghi lễ, diễn văn tưởng niệm, trang trí khánh tiết buổi lễ cũng như lộ trình di chuyển hài cốt. Khoảng 1.000 người được huy động tham dự buổi lễ dâng hương hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân.
An Đô
Có thể xem thêm nguồn thứ cấp, ở đây.
3. Tin của mạng Thái Bình (2007)
Hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh đã được xác định
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cuối năm 1927 đồng chí tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1928 đồng chí tham gia Uỷ viên xứ bộ Bắc kỳ, Bí thư tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong bảy đảng viên chi bộ đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập của Đảng ta và nhận trọng trách Bí thư xứ ủy Bắc kỳ. Ngày 28/7/1929 tổ chức Công Hội đỏ được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu ttổ chức này. Tháng 10/1930 đồng chí được Trung Ương Đảng điều động vào tham gia ủy viên xứ ủy Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 4/1931 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị đế quốc Pháp bắt và kết án tử hình ngày 31/7/1932 tại thành phố Hải Phòng.
Với quyết tâm cao của Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh Thái Bình và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh, sau 2 năm, di hài liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh đã được tìm thấy tại thành phố Hải Phòng ngày 21-9-2007 và được quản tại nhà tang lễ Quân khu Ba. Ngay sau đó, được sự đồng ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức TW, LĐLĐ Thái Bình đã khẩn trương tiến hành trưng cầu giám định ADN. Bộ hài cốt này được mang mã số PYXV.O7. Bằng các phương pháp khoa học, trong thời gian ngắn Viện Pháp y quân đội (Bộ quốc phòng) đã có kết quả giám định ADN và kết luận: Hài cốt trong tiểu quản tại nhà tang lễ Quân khu Ba, thành phố Hải Phòng mang mã số PYXV.07 là hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đây là niềm phấn khởi không chỉ của Công nhân viên chức lao động Thái Bình, gia tộc đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mà còn là niềm vui chung của Đảng, chính quyền nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước.
Hiện nay LĐLĐ Thái Bình đang nỗ lực ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, tôn tạo, nâng cấp công trình lăng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, một điểm du lịch hết sức ý nghĩa tại Thái Bình.
Phi Thành
4. Báo Điện tử Đảng Cộng sản (2007)
Tấm lòng người dân Đất Cảng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh |
10:08 | 13/11/2007 |
Trong tiếng nhạc bi tráng của bài Hồn tử sĩ, dòng người cứ nối nhau lặng lẽ, thành kính tiến vào dâng hương và tưởng niệm trước hài cốt liệt sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh, nguyên Thư ký Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng đầu tiên quàn tại Nhà tang lễ Quân khu Ba (thành phố Hải Phòng). Mọi người kính cẩn, nghiêng mình thắp nén hương thơm bày tỏ niềm thương tiếc, ngưỡng mộ và tự hào về tấm gương hy sinh cao cả của người cộng sản trung kiên Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của ông. Cuộc "hành trình tri ân" đi tìm mộ chí, hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được ấp ủ, lặng lẽ từ bao lâu nay của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng, giờ đây trở thành hiện thực. Khó nói hết những khó khăn, vất vả của những người lên đường đi tìm hài cốt của ông. Khi xác định được nơi đặt hài cốt của Nguyễn Đức Cảnh, nhiều đơn vị trên địa bàn Hải Phòng đã tự giác tham gia việc tìm kiếm như: Công ty Mai táng, Công ty Thoát nước, Công ty Cổ phần Giầy Thống Nhất, Công ty THHH một thành viên Điện lực Hải Phòng, Ngân hàng Công thương Lê Chân... Các đơn vị này đã huy động hàng trăm lượt người và phương tiện phục vụ việc khai quật, phúng viếng và đưa hài cốt về nơi quàn mới. Suốt 49 ngày đêm kể từ khi đưa hài cốt của hai liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân về quàn tại Nhà tang lễ Quân khu Ba, đã có gần 5.000 tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quân sự, thân tộc cùng đông đảo nhân dân Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nội...đên dâng hương, tưởng niệm. Nhiều người không nén được xúc động, rưng rưng lệ. Bao nhiêu điều muốn nói dường như nghẹn lại để rồi trở thành niềm tâm sự chân thành qua những trang lưu niệm. Một cô giáo xúc động viết:" Con là một người dân của thành phố Hải Phòng. Khi được tin tìm được di cốt của bác, con bàng hoàng, cảm động và sung sướng như tìm được người thân của tổ tiên, dòng họ sau bao năm thất lạc. Rồi mai này, bác trở về Thái Bình quê cha, nhưng ở mảnh đất quê mẹ Hải Phòng vẫn luôn hiên diện hình ảnh của người con Nguyễn Đức Cảnh trong lòng những người dân quê hương đất Cảng. Cầu mong cho bác thanh thản trong cõi vĩnh hằng ". Tình cảm của người dân thành phố Hải Phòng đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cảm nhận một cách giản dị, nồng ấm qua những điều thật thiêng liêng, gắn bó hằng ngày. Con đường dài nối từ Hồ Tam Bạc đến trung tâm thành phố được trang trọng mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Những ngôi trường được mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Tượng đài Nguyễn Đức Cảnh được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt- Tiệp, ngôi nhà chung của những công nhân, lao động thành phố... Thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ được ghi đậm trong các bộ chính sử của Đảng, Nhà nước ta thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn được trân trọng lưu ghi trong nhiều bộ lịch sử Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội và chương trình sách giáo khoa dạy học sinh của thành phố Hải Phòng. Nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hy sinh (nay là trụ sở Ngân hàng Công thương Lê Chân) cùng địa điểm bí mật hoạt động (nay là Bệnh viện Đa khoa Việt- Tiệp) đều có ban thờ tưởng nhớ tới Người. Tỏ lòng thành kính tưởng nhớ liệt sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh, Thành uỷ Hải Phòng đang chỉ đạo các cấp, các ngành chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí, phối hợp với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình trang trọng tổ chức lễ tiễn đưa hài cốt của Người về an táng tại quê nhà sau 75 năm lưu lạc. Ngày 14/11 tới, hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đưa về quàn tại Cung Văn hoá- Lao động hữu nghị Hải Phòng để giai cấp công nhân, nhân dân lao động thành phố và các tỉnh đến dâng hương, phúng viếng, tưởng niệm trước khi đưa về an táng tại quê hương Thái Bình. Trong ký ức của những người lao động, công nhân Hải Phòng, mãi mãi không bao giờ phai hình ảnh của người liệt sĩ cách mạng tiền bối, trung kiên Nguyễn Đức Cảnh- người đã có công lao to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân và phong trào công nhân thành phố Cảng trong những năm đầu cách mạng./.
BTK-TTX
|
5. Thắc mắc của một người đồng hương với cụ Nguyễn Đức Cảnh (2007)
"
11.11.07
Tìm được hài cốt cụ Nguyễn Đức Cảnh ?
Nếu chuyện này có thật thì đảo lộn hết cả...
Vừa rồi về quê, thấy bà con kháo chuyện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm được bộ hài cốt của cụ Nguyễn Đức Cảnh (chôn ở Hải Phòng). Ngoài chuyện kháo, còn có cả bộ 3 đĩa VDC (hình như của Liên đoàn Lao động Thái Bình, tôi chưa xem kỹ) quay từ A đến Z cảnh bà Hằng gặp một số quan chức địa phương, nói chuyện với cụ Cảnh và đi tìm mộ cụ... Viện Pháp y quân đội cũng đã đối chiếu ADN của bộ hài cốt với ADN của 2 cháu gái của cụ Cảnh và thấy có sự trùng khớp 100%.
Hôm nay thử hỏi anh Gúc thì ra mấy bài này trên báo Lao Động:
Hành trình tri ân
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Khoa học tâm linh đã được kiểm chứng Xác định chính xác hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Nghe vậy, đọc vậy thì biết vậy. Chưa biết kết luận thế nào.
Hơi băn khoăn ở chỗ, tại sao lại không lấy mẫu ADN của ông Môn - là cháu con anh ruột cụ Cảnh, đồng thời là người trông nom lăng cụ Cảnh - để đối chiếu, mà lại lấy mẫu ADN của hai người con của em gái cụ Cảnh?
Xem trong VDC, hài cốt cụ Cảnh khi đào lên đã được để sẵn trong một cái tiểu rất mới (thậm chí nắp tiểu có cả gạch 3 lỗ). Hỏi người làng thì được trả lời: Những người đi tìm cũng thắc mắc, hỏi ra thì được biết mấy năm trước có một người thợ điện (hay công nhân gì đó) khi đào hố dựng cột đã phát hiện bộ hài cốt này, đem cho vào tiểu chôn ở đó.
Trong ảnh: Lăng cụ Cảnh mới được sửa lại hồi tháng 7/2007. Bộ hài cốt mới tìm thấy đã được đưa về đây."
---
Các entry liên quan đã đi trên blog này:
- Viện Pháp y Quân đội (2007): Giám định chính xác hài cốt các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân (hi sinh năm 1932)
- Khoa học thường thức : Từ 2011 đẩy mạnh việc giám định gen trong việc xác định hài cốt liệt sĩ
- Một trường hợp thành công (Nguyễn Văn Lư, năm 2011)
- Khoa học thường thức : Cần có từ 5 triệu (mới lên 8 triệu) và ít nhất 4 tiếng để xác định gen
Khâm phục bác Giao và các cộng sự quá, đã mày mò tìm được đủ thứ để khẳng định chị Hằng làm được. Pháp Y quân đội cũng phải công nhận. Tôi không biết chị Hằng ngoài đời, nhưng tôi cũng có niềm tin ở chị ấy, và riêng chị ấy thôi chứ các nhà ngoại cảm khác thì tôi không biết.
Trả lờiXóaCó điều đọc bài của bác dài quá mà không thấy vai trò của quân đội trong việc tìm kiếm di cốt bác Cảnh, bác Lân. Đại tướng Thanh chắc hơi buồn đây, nhưng có lẽ từ chuyện này mà bác ấy mới bảo quân đội không thèm nhờ đám ngoại cảm, còn chúng tìm được thì quân ta cứ công nhận nếu qua giám định ADN thấy đúng.
Về thắc mắc ở cuối, theo tôi biết trong việc lấy mẫu máu này, nhất định phải là máu (hoặc xương, tóc...) của người có cùng Mẹ. Nếu không có anh em cùng mẹ thì phải lấy mẫu máu của bà dì ruột (em Mẹ ) hoặc các con của bà dì ruột. Nếu là con ông cậu ruột thì... vứt. Con ông chú ruột cũng lại... vứt nốt. (để tránh việc đúc cốt, tráng men). Vậy nếu lấy mẫu của anh ruột cụ Cảnh thì được chứ ông Môn là cháu con anh ruột cụ Cảnh thì vứt đi rồi.
Chưa chắc vứt được bác Thích Đọc ơi, xét nghiệm ADN có mấy dòng:
Xóa* Xét nghiệm nhiễm sắc thể X: Là xét nghiệm nữ-nữ.
+ Các chị em gái khác mẹ, muốn kiểm có cùng cha hay ko?
+ Các chị em gái cùng mẹ, muốn kiểm tra có cùng cha hay không? Trường hợp này phải có mẫu của người mẹ.
+ Bà nội và cháu gái.
Vì bố mang gen XY, mẹ mang gen XX. Để sinh ra con gái, một nhiễm sắc thể X từ người bố và 1 nhiễm sắc thể X từ người mẹ kết hợp với nhau. Do người bố truyền nhiễm sắc thể X cho các con gái của ông ta nên với xét nghiệm sử dụng nhiễm sắc thể X chúng ta sẽ biết được liệu hai chị em gái có cùng bố hay không. Độ tin cậy của xét nghiệm này đến 99.9%.
* Xét nghiệm nhiễm sắc thể Y:
+ Các anh em trai muốn xét nghiệm mối quan hệ huyết thống trong trường hợp không lấy được mẫu của người bố đẻ.
+ Ông nội và cháu trai trong trường hợp không lấy được mẫu của người bố đẻ.
+ Bác trai hoặc chú (anh, em ruột của bố) và cháu trai trong trường hợp không lấy được mẫu của người bố đẻ.
+ Anh em trai con chú con bác ruột.
+ Ngoài ra còn có thể xét nghiệm các trường hợp cách xa thế hệ, nhưng phải tuân theo quy luật di truyền nhiễm sắc thể Y: ông nội-con trai-cháu trai-chắt trai.
Chỉ xét nghiệm theo dòng Bố (nam-nam) vì tất cả đàn ông đều có nhiễm sắc thể Y và truyền nhiễm sắc thể này cho con trai của họ, do đó bằng xét nghiệm trên nhiễm sắc thể Y chúng ta sẽ biết các anh em trai có cùng bố hay không. Độ tin cậy của thí nghiệm này đến 99,9%.
* Full-Sibling:
Nếu anh trai (em trai) và em gái (chị gái) có cùng mẹ sinh học (mẹ thật) nhưng không chắc chắn có cùng cha sinh học (cha thật) hay không, thì xét nghiệm Full- sibling được tiến hành để xác định hai người đó có cùng cha hay không cùng cha. Xét nghiệm này là cách gián tiếp để xác định mối quan hệ gia đình khi người cha giả định không thể cung cấp mẫu cho xét nghiệm huyết thống cha con. Kết quả của xét nghiệm này có thể được sử dụng như bằng chứng trong hình sự và các quyền thừa kế khác.
Trong xét nghiệm, dữ liệu DNA của anh trai - em gái được so sánh để biết được có bao nhiêu DNA mà họ có thể được thừa hưởng từ người bố chung. Khuyến khích sự tham gia của người mẹ vào xét nghiệm để giúp loại trừ DNA đóng góp của người mẹ ra khỏi DNA của các con nhằm nâng cao độ chính xác của xét nghiệm.
* Xét nghiệm ty thể:
Xét nghiệm ADN này được sử dụng để khẳng định hoặc bác bỏ mối quan hệ họ hàng trực tiếp theo dòng mẹ giữa 2 hoặc nhiều người tham gia (nam hoặc nữ).
Xét nghiệm ADN bằng cách so sánh hệ ADN ty thể - xét nghiệm theo dòng mẹ - có thể xác định được mối quan hệ trong những mối quan hệ họ hàng đã mất từ rất lâu và tổ tiên có thể thông qua dòng mẹ/nữ. Nó cũng có thể cung cấp thêm thông tin cho các hoàn cảnh nghi vấn về quan hệ huyết thống mẹ con nhưng người mẹ không thể tham gia vào xét nghiệm huyết thống mẹ con – mặc dù quan hệ huyết thống mẹ con không thể tự xác định được, xét nghiệm ty thể vẫn có thể xác định được mối quan hệ họ hàng của người con với người bên họ ngoại. Xem thêm về DNA ty thể được di truyền theo dòng mẹ
Phương pháp này thường dùng trong giám định hài cốt.
Xem thêm về giám định Hài cốt tại đây http://gentis.com.vn/dichvu/giam-dinh-hai-cot.html
Dân gian đã có câu hay, đi trước kĩ thuật ADN đến nhiều thế kỉ: "Cháu bà nội thì chưa chắc, cháu bà ngoại thì chắc".
XóaTheo tôi, bên giám định "lấy mẫu ADN của hai người con của em gái cụ Cảnh" là ok mà.
XóaNhưng vấn đề cần chú ý thì là:
- Mẫu hài cốt có đúng là hài cốt từ hai hài cốt đã đào được tại Hải Phòng (bảo đảm chắc chắn, không sai, không nhầm, không đánh tráo),
- Kết quả giám định ADN của người bạn cụ Cảnh ra sao, không thấy đề cập đến. Nếu bên cụ Lân (bạn cụ Cảnh) cũng cho kết quả chính xác, giống như cụ Cảnh, thì mới là chính xác.
Bạn nào tìm thêm được thông tin thì cho biết.
Mà cái này, là mở rộng của sự kiện cụ Phùng Chí Kiến, chúng ta liếc ngang liếc dọc, để bao quát được vấn đề.
Vâng, chỉ bà ngoại mới biết chắc là cháu của mình, hay (tếu táo chút):
XóaVợ mình là con người ta
Con mình do vợ đẻ ra
Suy đi tính lại chảng bà con chi
Hì hì.
Hoa cả mắt vì thông tin của bác Khoằm. Hôm qua viết thế nhưng tôi cũng nghĩ "chưa chắc vứt được", vì thế mới nói "để tránh việc đúc cốt, tráng men". Nhưng càng nghĩ càng rối. Tôi nghĩ:
Xóa- Nếu ADN ông Môn khớp với cụ Cảnh mà đúng ông Môn là cháu con anh ruột cụ Cảnh thì đúng hài cốt là cụ Cảnh rồi. Nhưng nếu ông Môn không phải là cháu con anh ruột cụ Cảnh (đúc cốt, tráng men) thì hài cốt là là người của dòng họ phía ông Môn chứ không phải cụ Cảnh.
- Vì xét nghiệm ADN phức tạp, tốn kém, nên để chắc chắn và là 1 lần là xong thì lấy mẫu ADN con cái bên mẹ vẫn tốt hơn chứ ?
Thôi, không nghĩ nữa vì mình không có chuyên môn chuyện này, cũng chẳng đọc kỹ làm gì cho mệt bác Khoằm và bác Giao ạ.
Vâng, đúng là bên dòng mẹ thì chắc rồi ạ (tuy chưa phải 100%, nếu cần thiết, người ta lấy thêm mẫu).
XóaCũng là dịp học tập thêm kiến thức bác ơi.
Tiếp theo sự kiện đón rước hài cốt Nguyễn Đức Cảnh là một sự kiện bốc hài cốt Liệt sỹ về nhưng tại sao lại phải “Cho hai cot vao tui du lich xach di nhu hanh ly thi moi di dươc. Neu khai ra là co hai cot ng ta k cho di dau.”?
Trả lờiXóaKhoằm à, mình đã đọc sự kiện tìm hài cốt cho bố của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (qua chỉ dẫn của Khoằm). Nhà thơ này mình có biết (một nhà thơ bị khuyết tật, đi lại bằng xe lăn, sống vui vẻ và sáng tác rất khỏe, cả văn cả thơ và cả nhạc nữa). Câu chuyện tìm hài cốt của bố nhà thơ ấy, mình cũng có nghe, nhưng hôm nay, mới được đọc ra chính bác ấy viết ra.
XóaNếu gia đình đưa đi giám định ADN nữa thì trọn cả đôi đường.
Đúng thế, xe đò (xe khách), hay cả xe tắc-xi, người ta rất ngại chở hài cốt. Dĩ nhiên là sợ vong hồn gây bất lợi.
XóaGợi cho em nhớ đến phim "Trở về" của NSND ĐNM.
XóaTrở lại vụ cụ Cảnh và cụ Lân vẫn còn lăn tăn mấy chỗ như đã viết ở trên Khoằm à. Nếu giải tỏa toàn bộ được lăn tăn, thì đã được chứng minh bằng khoa học rồi.
XóaTuy nhiên, xem ra, khó giải tỏa lăn tăn quá.
Thưa 2 bác, em cũng lăn tăn lắm ạ, càn tìm hiểu lại càng lăn tăn ạ, nói như bác Thích Đọc thì "mệt" nhưng mà em lại có cái tật như bác Giao nói, "học tập thêm kiến thức" ạ.
Trả lờiXóaVề ADN ty thể thì nhiều người giống nhau lắm. Đúng là dòng mẹ đó. Các bác hiểu thế này nếu 1 người mẹ sinh ra các con thì ADN ty thể của mẹ và các con giống nhau. Nhưng để cho thế hệ sau nữa thì người con gái của bà mẹ ấy sinh con thì ADN ty thể lại truyền cho thế hệ sau nữa VV... Như vậy thì ADN ty thể của các con giống mẹ, cháu giống bà ngoại, giống bác (chị mẹ), giống các gì (em mẹ), các cậu (em mẹ), giống các con do các gì (em mẹ) đẻ ra...nhưng không giống con do các cậu đẻ ra đâu nhé (cậu lấy vợ và đẻ con). Thực ra thì ADN ty thể giống nhau cũng chưa nói được điều gì to tát mà chỉ nói được có quan hệ huyết thống dòng mẹ thôi. Chứ chỉ ra đó là hài cốt của liệt sỹ cụ thể nào thì chưa chắc. Một thí dụ để mọi người thấy thì một bà mẹ có 2 hay nhiều hơn 2 liệt sỹ thì ADN ty thể giống mẹ, hai 2 liệt sỹ cũng giống nhau vậy thì đây là liệt sỹ nào đây... Các anh cũng nên xem cái cậu Hoàng Phi Hồng cậu ấy viết về cái ADN ty thể ấy thì thấy khối người giống nhau như vậy thì liệt sỹ vô danh vẫn hoàn liệt sỹ vô danh nếu chỉ có xét nghiệm ADN ty thể. Nó chỉ mức độ thôi
Trả lờiXóa