Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/09/2013

Một ghi chú 23 năm về trước cho sách của Trần Dân Tiên (Phan Văn Các, 1990)


Trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (8) năm 1990, có một ghi chú rõ ràng như sau về cuốn sách của Trần Dân Tiên (bản tiếng Việt hoàn thành năm 1948, và bản dịch tiếng Trung Quốc đã xuất bản ở Thượng Hải năm 1949).


"Trần Tân Diên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Văn học (in lần thứ sáu) H. 1969 , trang 90-92

Ngoài các bản tiếng Việt, cuốn sách này ở Việt Nam hiện còn có bản dịch Trung văn, mang tiêu đề Hán là Hồ Chí Minh truyện (Tiểu sử Hồ Chí Minh) ghi tên tác giả bằng chữ tiếng Việt là Trần Dân Tiên, ghi tên người dịch bằng chữ Hán là Trương Niệm Thức, do Bát nguyệt xuất bản xã ấn hành tại Thượng Hải, do công ty hữu hạn ấn loát Gia Hoa in lần thứ nhất vào tháng 6 – 1949 dưới thời Tưởng Giới Thạch. So với bản tiếng Việt, bản Trương Niệm Thức có nhiều đoạn “dôi”, chắc hẳn người dịch đã căn cứ vào một bản nguyên văn khác với các bản tiếng Việt đã biết."

Quả thực là có những đoạn dôi ra, đúng như nhận định của học giả Phan Văn Các. Dần dần, trên blog này, chúng ta sẽ thử ngó qua những chỗ dôi ra ấy, xem như thế nào.


---

Toàn văn bài viết của học giả Phan Văn Các




PHAN VĂN CÁC

Giới ngữ văn học Việt Nam với công việc phiên dịch, giới thiệu Ngục trung nhật ký năm 1960 đã tỏ ra nhạy bén, hết sức trọng thị tập thơ ngay khi văn bản này vừa được phát hiện. Tiếp đó là công việc nghiên cứu, bình luận phân tích, giảng dạy. Giới sử học, nhất là chuyên ngành lịch sử Đảng cũng đã tìm đến văn bản ấy như là một sử liệu quý giá.
Tuy nhiên cho đến nay văn bản NGỤC TRUNG NHẬT KÝ vẫn chưa đựng nhiều thông tin quan trọng và kỳ thú về nhiều mặt đang chờ đợi người nghiên cứu tiếp tục khám phá và khai thác.
Trước hết, bởi tác giả tập thơ đã xác định tính chất của văn bản là một cuốn nhật ký – một cuốn nhật ký viết bằng thơ - hơn thế, chính tác giả đã tự tay làm những công việc có tính chất biên tập như viết đề từ, đánh số thứ tự, ghi chú ngày tháng sáng tác ở một số bài thơ, trình bày và vẽ bìa, nên về một phương diện nào đó có thể coi đây là một chương trong cuốn biên niên sử Hồ Chí Minh: biên niên “tự truyện” về giai đoạn bị giam trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc từ tháng 8 – 1942 đến tháng 9 – 1943, giai đoạn gian nan khổ ải bậc nhất trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về giai đoạn này, từ trước tới nay chỉ có một sự miêu tả khái quát trong hơn hai trang ở cuốn sách của Trần Dân Tiên (1).
Trong số các tác giả nước ngoài viết về Hồ Chí Minh, King C. Chen tác giả cuốn Việt Nam and China 1938 – 1954 (2) (Việt Nam và Trung Quốc 1983 – 1954) đã dành 6 trang (tr.55 – 60) trong tập I của cuốn sách cho giai đoạn này, nhưng cũng không cung cấp được nhiều thông tin hơn.
Văn bản Ngục trung nhật ký giúp chúng ta không ít. Trước hết, nhờ nó có thể hình dung khá cụ thể và chi tiết “lịch sáng tác” của nhà thơ - người tù cộng sản Hồ Chí Minh trong một hoàn cảnh sáng tác cực kỳ oái ăm bất lợi. Khởi đầu từ ngày 29- 8- 1942 và kết thúc ngày 10- 9- 1943, “lịch sáng tác” ấy có thể ghi lại như sau:
NĂM 1942
Ngày 29-8 đến ngày 24-9: Các bài:
1. Khai quyển; 2. Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu; 3. Nhập Tĩnh Tây huyện ngục; 4,5,6. Thế lộ nan (3 khổ tứ tuyệt); 7,8. Táo (2 khổ tứ tuyệt) 9. Ngọ; 10. Vấn thoại (3); 11. Ngọ hậu; 12. Vãn; 13. Tù lương; 14. Nạn hữu xuy địch; 15,16. Cước hạp; 17,18, 19. Học dịch kỳ (3 khổ tứ tuyệt); 20. Vọng nguyệt; 21. Phân thuỷ.
Ngày 25.9
Các bài: 22,23 Trung thu (2 khổ tứ tuyệt)
Ngày 26.9 đến ngày 9.10
Các bài: 24. Đổ; 25. Đổ phạm; 26. Nạn hữu Mạc mỗ (4) 27. Nạn hữu nguyên chủ nhiệm L.
Ngày 10.10
Bài 28. Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo
Ngày 10.10 đến ngày 1.11
Các bài: 29. Tẩu lộ; 30. Mộ; 31. Dạ túc Long Tuyền; 32. Điền Mông; 33. Sơ đáo Thiên Bảo ngục; 34. Nạn hữu chi thê thám giam; 35. Các báo: Hoan nghênh Uy – ki đại hội; 36. Tự miễn; 37. Dã cảnh; 38. Chúc than; 39. Quả Đức ngục; 40. Long An Lưu sở trưởng; 41,42. Tảo giải (2 khổ tứ tuyệt).
Ngày 2.11
Bài 43. Đồng chính
Ngày 2.11 đến ngày 10.11
Các bài: 44. Nạn hữu đích chỉ bị; 45. Dã lãnh; 46. Bang; 47. Lạc liễu nhất chích nha; 48. Long An - Đồng Chính; 49. Nhai thượng; 50. Lộ thượng; 51. Trưng binh gia quyến; 52. Giải trào; 53. Vãng Nam Ninh; 54,55. Cảnh binh đảm trư đồng hành (2 khổ tứ tuyệt); 56. Điệt lạc. 57. Bán lô đáp thuyền phó Ung; 58. Nam Ninh ngục; 59. Nạp muộn; 60. Thính kê minh; 61. Nhất các đổ phạm “ngạnh” liễu; 62. Hựu nhất cá; 63. Cấm yên (chỉ yên đích); 64. Dạ bán văn khốc phu; 65. Hoàng hôn; 66. Công kim; 67. Thuỵ bất trước ; 68. Ức hữu; 69. Thê nạn hữu môn tả báo cáo; 70. Lại sang; 71. Văn thung mễ thanh.
Ngày 11.11
Các bài: 72,73,74. Song thập nhất (3 khổ tứ tuyệt)
Ngày 12.11
Bài 75. Cảnh báo
Ngày 13.11
Các bài: 76. Chiết tự; 77. “Lữ quán”; 78. Tảo tình.
Ngày 14.11
Bài 79. “Việt hữu tao động” Ung báo, xích đạo tân.
Ngày 15.11 đến ngày 17.11
Bài 80. Anh phỏng Hoa đoàn...
Ngày 18.11
Bài 81. Giải vãng Vũ Minh
Ngày 19.11 đến ngày 21.11
Các bài: 82. Bào Hương cẩu nhục; 83. Trúc lộ phu; 84. Ngục đinh thiết ngã chi sĩ đích; 85. Công lý bi.
Ngày 22.11
Bài 86. Tân Dương ngục trung hài
Ngày 23.11 đến ngày 30.11
Các bài: 87,88. Ký Nê Lễ (2 khổ tứ tuyệt); 89. Đăng quang phí; 90. Ngục trung sinh hoạt; 91. Quách tiên sinh; 92. Mạc ban trưởng.
Ngày 1.12
Bài 93. Thiên Giang ngục
Ngày 2.12 đến ngày 8.12
Các bài: 94. Đáp hoả xa vãng Lai Tân; 95. Tha tưởng đào; 96. Lai Tân
Ngày 9.12
Bài 97. Đáo Liễu Châu.
Ngày 10.12 đến cuối tháng 12
Các bài: 98. Cửu bất đệ giải; 99. Dạ bán; 100. Liễu Châu ngục (5); 101. Đáo trưởng quan bộ; 102. Tứ cá nguyệt liễu
NĂM 1943
Tháng 1, thượng tuần và trung tuần
Các bài: 103. Bệnh trọng; 104. Đáo Quế Lâm; 105. Nhập lung tiền.
Hạ tuần tháng 1
Các bài: 106. ?! 107. ?
Tháng 2 đến đầu tháng 4
Các bài: 108. Đáo đệ tứ chiến khu chính trị bộ; 109. Chính trị bộ cấm bế thất; 110. Mông ưu đãi; 111. Triêu cảnh.
Ngày 4.4 đến ngày 6.4
Bài 112. Thanh minh
Ngày 6.4 đến cuối tháng 4
Các bài: 113. Vãn cảnh; 114. Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên; 115. Hạn chế; 116. Dương Đào bệnh trọng; 117. Bất miên dạ; 118. Cửu vũ
Đầu tháng 5
Bài 119. Tích quang âm
Tháng 5 đến tháng 7
Các bài: 120. Độc Tưởng công huấn từ (6); 121. Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhiệm phó tư lệnh (7); 122. Tặng tiểu Hầu Hải (8)
Ngày 7.8 đến ngày 9.8
Các bài: 123, 124. Thu cảm (2 khổ tứ tuyệt)
Ngày 9.8 đến cuối tháng 8
Các bài: 125. Nhân đỗ ngã; 126. Trần khoa viên lai thám; 127. Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư (9); 128. Mông thượng lệnh chuẩn xuất lung hoạt động.
Cuối tháng 8 đầu tháng 9
Bài 129. Thu dạ
Đầu tháng 9
Các bài: 130. Tình thiên; 131. Khán “Thiên gia thi” hữu cảm; 132. Tức cảnh
Ngày 10.9
Bài 133. Kết luận (10)
Gắn các bài thơ vào những thời điểm cụ thể như trên chúng ta có thể xác định ngày tháng một số sự kiện:
1. Trong tù, đồng chí Hồ Chí Minh bị ốm nặng vào đầu năm 1943, trên đường bị giải đến Quế Lâm.
2. Người bị giải đến Liễu Châu lần đầu vào ngày 9.12.1942. Về sự kiện này, trước đây King C.Chen trong cuốn Việt Nam và Trung Quôc 1938-1954 dẫn thư của tướng Hầu Chí Minh viết cho King ngày 16.3.1967, khẳng định rằng “Ông Hồ Chí Minh bị giải đến Liễu Châu vào tháng 5.1943”. Chúng tôi cho rằng ông Hầu nói về lần 2 đến Liễu Châu bởi vì sau khi đến Liễu Châu lần thứ nhất, đồng chí Hồ Chí Minh được giải đến dinh trường quan và được biết phải đến Quế Lâm, Người đã bị giải ngược về Quế Lâm để rồi từ đây lại phải giải đi Liễu Châu một lần nữa.
**
Mặt khác, văn bản Ngục trung nhật ký còn chứa đựng 6 trang (từ trang 47 đến trang 52) bút ký đọc sách đọc báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các trang này ở trước bài Kết luận cho thấy trước ngày 10.9.1943, Người đã được đối xử tử tế hơn và đã được phép tiếp xúc với sách báo. Những nội dung ghi chép ở 6 trang này tập trung vào 2 chủ đề lớn: quân sự và văn hoá. Hai trang 47, 48 ghi lại 11 điều thường thức cơ bản về quân sự (tổ chức, kỷ luật, kế hoạch, mệnh lệnh, động tác, hành động, sinh hoạt, quản lý, tính chất, hiệu quả và mục đích, điều kiện thành công) còn những vấn đề về huấn luyện chiếm các trang 49, 50, 51. Đáng chú ý là ở trang 52, Người ghi nhận một định nghĩa về “văn hoá” tiếp cận với những định nghĩa khoa học nhất ngày nay.
Ngay một chi tiết rất vụn vặt như điều ghi ở “mục đọc báo” ngày 13.10, tưởng chừng không dính dáng gì đến tập thơ: “Quế Lâm, cắt tóc ba mươi đồng, thịt lợn bốn mươi lăm đồng...” nhưng nếu đem liên hệ với bài Đăng quang phí trong đó có câu “Vào chốn tối tăm mù mịt ấy, quang minh đáng giá sáu đồng (nguyên) tiền” thì sẽ cảm thụ được ý nghĩa câu thơ cụ thể và sâu sắc hơn. Điều ghi chép nhỏ nhặt trở thành một cước chú bổ ích cho việc tiếp nhận tác phẩm thơ.
**
Điều khiến người đọc hết sức ngạc nhiên là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, bản thảo được biên tập khá sạch, hầu như không có mấy dầu vết tẩy xoá, gạch chữa. Vết chữa xoá duy nhất là ở câu đầu bài số 25, bài Đổ phạm, thoạt tiên viết Đổ phạm bất đắc công gia phạn (tù cờ bạc không được cơm của Nhà nước) sau xoá đi thay bằng Công gia bất cấp đổ phạm phạn (Nhà nước không cho tù cờ bạc [ăn] cơm)
Liên hệ với việc Người thường vừa suy nghĩ vừa tự mình đánh máy bản thảo, với những trang bản thảo tiếng Pháp tự đánh máy lấy cũng rất ít tẩy xoá, sửa chữa, chúng tôi nghĩ rằng một nét khá độc đáo trong mạch tư duy – biểu đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Câu văn Hồ Chí Minh (kể cả việc chọn từ và chọn cấu trúc ngữ pháp) dường như ngay khi chợt đến đã rất gần với dạng hoàn chỉnh. Hay nói một cách khác, thao tác xử lý ngầm các vật liệu ngôn ngữ trong quá trình tư duy đã diễn ra rất hữu hiệu với một tốc độ gần như lý tưởng. Điều này phải chăng có thể giải thích bằng sự am hiểu tinh thông nhiều ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài trong đó có những ngôn ngữ hết sức xa nhau, đến mức gần như là hai đối cực xét về đặc điểm loại hình học: một phía là tiếng Nga, tiếng Đức là những ngôn ngữ mang tính tổng hợp cao, và phía bên kia là những ngôn ngữ tiêu biểu của loại hình phân tích như tiếng Việt, tiếng Hán.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không lưu ý đến một đặc điểm nữa của văn bản là tính chính xác rất cao, đến mức chính xác của việc sử dụng dấu chấm câu. Chấm, phẩy, dấu than, dấu hỏi, ngoặc đơn, ngoặc kép... tất cả đều được cân nhắc rất kỹ, đặt rất đúng chỗ làm nên một nét rất đặc trưng của văn bảnNgục trung nhật ký hiện đại và khoa học ngay trong một văn bản thuộc loại hình truyền thống cổ kính.
Cả 133 bài thơ đều được chú ý đến từng dấu phẩy như vậy. Dấu ở cuối các dòng thơ đã đành, tôi đặc biệt chú ý một dấu phẩy hết sức tinh tế vì thế vô cùng cần thiết đặt sau chữ “đích” trong câu:
Ngã đích, ma thằng nhất đại đoan.
(Bài 46, Bang)
Cái dấu phẩy ngăn cách chủ ngữ với vị ngữ trong câu một cách hoàn toàn xác định, cái dấu phẩy mà nếu vắng nó câu có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Cái dấu phẩy mà ngữ pháp học và ngữ văn học Trung Quốc phải mất nhiều thế kỷ mới quy định và quy phạm hoá được.
Về thư pháp, điều dễ nhận thấy là văn bản được viết bằng một nét chữ rắn rỏi có cốt cách riêng. Phần bút ký đọc sách đọc báo tuy chỉ là những ghi chép vụn vặt cho riêng mình tuy viết chữ nhỏ hơn, nét chữ đá thảo nhưng cũng đều rõ ràng dễ đọc. Nghiên cứu kỹ nội dung các mục ghi chép này sẽ có thể làm rõ khu vực và trọng tâm chú ý của Hồ Chí Minh trước thời cuộc. Đó cũng là một vấn đề không kém phần lý thú và bổ ích nhưng có lẽ thuộc về một bài nghiên cứu khác.

CHÚ THÍCH
(1) Trần Tân Diên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Văn học (in lần thứ sáu) H. 1969 , trang 90-92
Ngoài các bản tiếng Việt, cuốn sách này ở Việt Nam hiện còn có bản dịch Trung văn, mang tiêu đề Hán là Hồ Chí Minh truyện (Tiểu sử Hồ Chí Minh) ghi tên tác giả bằng chữ tiếng Việt là Trần Dân Tiên, ghi tên người dịch bằng chữ Hán là Trương Niệm Thức, do Bát nguyệt xuất bản xã ấn hành tại Thượng Hải, do công ty hữu hạn ấn loát Gia Hoa in lần thứ nhất vào tháng 6 – 1949 dưới thời Tưởng Giới Thạch. So với bản tiếng Việt, bản Trương Niệm Thức có nhiều đoạn “dôi”, chắc hẳn người dịch đã căn cứ vào một bản nguyên văn khác với các bản tiếng Việt đã biết.

(2) Princeton University Press, Princeton, N-J.1969
(3) Bài này không có trong các bản dịch của Viện Văn học. Báo Nhân dân đã công bó trên số ngày 13.5.1978 nhưng bài dịch có nhiều chỗ sai, cần dịch lại.
(5) Bài này trong văn bản chỉ có đầu đề. Có thể phỏng đoán khi bị giải đến Liễu Châu tác giả không bị giam vào nhà ngục Liễu Châu mà bị tạm giữ ở một nơi nào đó.
(4) (6) (7) (8) (9) (10) Các bài này chưa có trong các bản dịch trước đây. Tưởng công là Tưởng Giới Thạch. Lương Hoa Thịnh, tháng 5.1943 là trung tướng Cục trưởng Cục chính trị được thăng chức Phó tư lệnh Đệ tứ chiến khu, chức Cục trưởng trao lại cho thiếu tướng Hầu Chí Minh. Các nhân vật Quốc dân đảng này lúc đó đều mang tư cách đồng minh chống phát xít Nhật, trong đó Tưởng Giới Thạch là người đứng đầu Trung Hoa dân quốc, nước đồng minh lớn đông dân nhất, chống Nhật sớm nhất. Các bài thơ này trước đây chưa công bố. Chúng tôi cho rằng với quan điểm lịch sử, chúng ta không ngần ngại công bố các nội dung trên. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên cách nhìn như vậy, cách nhìn theo một quan điểm lịch sử, cũng rất biện chứng.
Tiểu Hầu – Hải (Bé Hầu tên Hải) có lẽ là con của Hầu Chí Minh, thiếu tướng Cục trưởng đã góp phần trả lại tự do cho đồng chí Hồ Chí Minh. Bài “Kết luận” viết: Hạnh ngộ anh minh Hầu chủ nhiệm, Như kim hựu thị tự do nhân Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ, Thâm tạ Hầu công tái tạo ân.
Tạm dịch:
Nhờ Hầu chủ nhiệm sáng soi,
Nay ta lại được là người tự do.
Nay thôi “Nhật ký trong tù”
Hầu công tái tạo ơn sâu ghi lòng.
Tất cả các chữ số đặt trước đầu đề các bài thơ đều theo đúng số thứ tự do chính tác giả tập thơ ghi trong nguyên tắc.

Trong khi chờ một bản dịch mới công bố trọn vẹn tập thơ, chúng tôi cho rằng công bố số thứ tự và đề mục các bài thơ như trên là một cách giản tiện giúp bạn đọc hình dung được trình tự và vị trí vốn có của các bài trong cả tập.

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9001.htm






---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Họa sĩ vẽ chân dung Hồ Chủ tịch năm 1949 và sau đó (bìa sách xuất bản ở nước ngoài)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.