Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bài “Dương Đào trọng bệnh” trong Ngục trung nhật kí |
Lời dẫn: Đã biết tin và quan sát sự kiện này, hôm nay, thấy bài của ông Hoàng Quảng Uyên trên CAND, nên lấy về (từ đây trở xuống).
---
70 năm ra đời tập thơ “Nhật ký trong tù” |
9:55, 24/08/2013 |
Dương Đào (còn có tên là Dương Thuần Cương) một thanh niên dân tộc Choang ở thôn Pà Mông, huyện Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 28/8/1942 dẫn đường cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pà Mông đi Bình Mã (huyện Điền Đông), trên đường đi, đến thôn Túc Vinh (huyện Thiên Bảo) thì bị lính canh trụ sở thôn của Quốc Dân Đảng bắt giữ. Kể từ ngày ấy, Dương Đào bị giam giữ riêng rẽ, đày đọa qua 13 huyện thị, 18 nhà giam cùng cuộc “hành trình” tù đày với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hơn một năm, tới ngày 10/9/1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh được trả tự do, liền sau đó Dương Đào cũng được thả và ra ở nhà trọ tại thành phố Liễu Châu, chưa kịp về nhà thì chết do bị lao lực.
Rõ ràng Dương Đào vì đưa đường cho Chủ tịch Hồ Chí Minh mà "cháy thành lây vạ", bị giam cầm, đày đọa, ốm đau, bệnh tật. Với nỗi thương cảm sâu sắc, mặc dù bị khổ ải trong các nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ về Dương Đào, luôn theo dõi sức khỏe của Dương Đào, thấy mình như là người có lỗi. Khi biết Dương Đào ốm nặng, Hồ Chí Minh đã viết một bài thơ đầy cảm thông, lo lắng - Bài số 116 trong tập thơ “Nhật ký trong tù”.
Đến khi nghe tin Dương Đào ốm, mất ở Liễu Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đau xót, Người đã gửi thư báo tin và chia buồn với gia đình Dương Đào: “Dương Đào là người anh em rất tốt với chúng tôi, chúng tôi không bao giờ quên anh”. Tháng 9/1962, ông Từ Vĩ Tam, trưởng thôn Pà Mông (năm 1942), một người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được một bức thư gửi từ Việt Nam chuyển lời thăm hỏi của Hồ Chủ tịch tới gia đình Dương Đào "người đã hiến thân cho cách mạng Việt Nam".
Tháng 8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời 7 cán bộ, quần chúng ở các huyện Tịnh Tây, Nà Po, Long Châu sang thăm Việt Nam, trong đoàn có Dương Thắng Cường, em trai Dương Đào. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần bắt tay Dương Thắng Cường tưởng nhớ người đã khuất. Ân tình sâu nặng, vẹn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - bậc đại trí, đại nhân, đại dũng của dân tộc Việt Nam - đã biểu thị lòng biết ơn của mình với người anh em Dương Đào đã hy sinh vì cách mạng Việt Nam. Tình cảm của Người dành cho Dương Đào càng làm sáng thêm tâm hồn cao thượng của Người đối với những người đã góp công, góp sức, hy sinh tính mạng giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất.
Khi đã trở thành Chủ tịch nước, dù bận trăm công, nghìn việc Người vẫn luôn nhớ và tìm cách trả ơn gia đình Dương Đào. Tấm lòng của Bác là biểu hiện của truyền thống hiếu nghĩa, bác ái của nhân dân Việt Nam không chỉ trong tâm tưởng, trong suy nghĩ mà trong những việc làm cụ thể. Đó chính là nhân nghĩa Hồ Chí Minh, nhân nghĩa Việt Nam.
Tháng 7/2006, tôi đã có một chuyến đi dọc hành trình trên đất Quảng Tây theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị Tưởng Giới Thạch bắt giam (năm 1942-1943). Đến thôn Pà Mông thăm và trao quà của Hội Nhà văn Việt Nam cho 4 gia đình có công với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là gia đình Dương Đào. Căn nhà cũ của Dương Đào là căn nhà xây cấp 4 được sửa sang lại, ông Dương Thắng Cường đang ở.
Ông Dương Thắng Cường lúc đó đã 80 tuổi, mắt lòa, tai điếc, ốm đau, thường xuyên nằm trên giường, muốn dậy phải có người đỡ, dìu. Người em gái út của Dương Đào là bà Dương Xuân Hạng 78 tuổi vẫn còn khỏe và minh mẫn, bà xúc động, dè dặt đề nghị: "Xin Nhà nước đặt tại quê nhà chúng tôi một tấm bia tưởng niệm liệt sĩ Dương Đào". Tôi nói với bà rằng, tôi chỉ là nhà văn tự do không có quyền hành gì, chỉ có thể viết một bài báo nêu đề nghị của bà, may ra... Bài báo của tôi sau đó đã được in trên một tờ báo, nhưng có lẽ tờ báo đó có số phát hành còn rất "khiêm tốn" nên "sự lan tỏa" của thông tin chưa rộng.
Ngày 18/5/2007, trong dịp về thành phố Thái Nguyên dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại chiến khu Việt Bắc lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong câu chuyện với ông Nguyễn Bắc Son, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tôi có kể về đề nghị của bà Dương Xuân Hạng ở thôn Pà Mông. Tiến sĩ Chu Đức Tính bảo: "Anh viết một giấy đề nghị gửi Bảo tàng Hồ Chí Minh để tôi làm cơ sở lập tờ trình. Tôi nghĩ, chắc chẳng khó khăn gì".
Công việc sau đó cứ kéo tôi đi, tôi không đủ thì giờ viết giấy gửi Bảo tàng Hồ Chí Minh, gần đến dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) tôi sực nhớ chuyện cũ ở Pà Mông bèn nảy ra ý tưởng viết bài gửi đăng báo ghi lại một cách đầy đủ chính xác về liệt sĩ Dương Đào cùng ý nguyện của gia đình người đã khuất với hy vọng những cơ quan có trách nhiệm đọc được sẽ thực hiện nghĩa cử "Uống nước nhớ nguồn" như chính Bác Hồ mong muốn "Cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền độc lập, tự do và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến".
Một tấm bia tưởng niệm liệt sĩ Dương Đào, người đã hiến thân cho cách mạng Việt Nam được dựng tại làng Pà Mông với bút tích bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng tích của một giai đoạn lịch sử sẽ làm sinh động thêm tình hữu nghị thắm thiết của một giai đoạn cách mạng Việt Nam đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh.
...Bảy năm sau, vào một ngày cuối tháng 7/2013, bạn bè Việt Nam và Trung Quốc "thông tin" cho tôi: Bia tưởng niệm liệt sĩ Dương Đào ở Pà Mông đã xây xong! Tôi ngỡ ngàng và xúc động! Vậy là, ý nguyện của gia đình liệt sĩ Dương Đào đã thành hiện thực. Không một chút chần chừ, tôi sang Pà Mông ngay.
Ngày 1/8/2013, tôi đến huyện thành Tịnh Tây, được giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Viện phó Viện Khoa học - Xã hội tỉnh Quảng Tây, từ thành phố Nam Ninh lên nghênh đón. Sáng ngày 2/8/2013, xe của lãnh đạo huyện Tịnh Tây đưa tôi cùng giáo sư Hoàng Tranh, nhà văn Đường Trạch Hoàn và cán bộ bảo tàng dân tộc Choang Tịnh Tây về Pà Mông.
Thôn Pà Mông đổi khác rất nhiều so với lần trước tôi đến. Ngay cửa ngõ thôn một nhà máy chế biến quặng nhôm cỡ lớn được xây dựng. Trong thôn, nhà mới xây rất nhiều và thay đổi lớn nhất là.... ông Dương Thắng Cường, bà Dương Xuân Hạng đều đã mất! Ôi, thời gian! Thời gian quả là khắc nghiệt! Tôi đến thắp hương tại ngôi nhà cũ, nơi Dương Đào sinh ra và lớn lên, thắp hương nhà ông Từ Vĩ Tam và thắp hương tại nhà bà Dương Xuân Hạng.
Trước di ảnh của bà tôi khấn: "Bà ơi! Ý nguyện của bà và dòng tộc họ Dương ở Pà Mông đã được thực hiện!". Trong làn khói và mùi hương thơm của hương trầm Việt Nam, bà Dương Xuân Hạng nở nụ cười mãn nguyện... trong di ảnh!
Thắp hương xong, chúng tôi cùng con cháu họ Dương ra thắp hương và dâng hoa tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Dương Đào ngay chân núi Phong Nham (Ngọn núi ở đầu thôn Pà Mông, trên có động Tú Tung, nơi Bác Hồ đã từng ở và đề thơ!). Bia tưởng niệm đặt tại một vị trí đẹp, rộng và thoáng. Tấm bia cao gần 3 mét, đặt trên một bệ cao gần 1 mét, ghi dòng chữ Trung Quốc: Bia tưởng niệm liệt sĩ Dương Đào.
Chúng tôi thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Dương Đào. Trước bia tưởng niệm tôi tặng dòng họ Dương bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu pha lê và bức ảnh chụp bút tích bài thơ: “Dương Đào trọng bệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tập thơ “Nhật ký trong tù” mà tôi chụp từ bản gốc lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Trong niềm xúc động linh thiêng tôi đọc những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 70 năm, bằng tiếng Trung.... Chị Hoàng Thu Nguyệt (con gái bà Dương Xuân Hạng) và con cháu dòng họ Dương nắm chặt tay tôi. Rưng rưng!
Như là có sự dẫn dắt bí ẩn từ cõi tâm linh! Cái đề xuất "nho nhỏ và đơn giản" của tôi phải 7 năm sau mới trở thành hiện thực đúng vào dịp 70 năm ngày mất của liệt sĩ Dương Đào và 70 năm ra đời tập thơ “Nhật ký trong tù” (1943-2013). Sao không sớm hơn hay muộn hơn?! Không nên đặt ra câu hỏi đó và nếu có hỏi thì cũng sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận, suy ngẫm và chấp nhận hiện thực mà thôi. Cõi tâm linh - tin hay không tin là ở tại tâm của mỗi người.
| ||
bài viết rất hay và ý nghĩa ạ
Trả lờiXóa