Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

23/08/2013

Năm 1974 ngẫu nhiên tìm được những thước phim từ năm 1945 : Lời kể của Phạm Kỳ Nam

Không rõ tác giả Lê Lân (bài báo dưới đây) đã nghe đạo diễn Phạm Kỳ Nam kể chuyện vào khi nào. Ở một vài chỗ khác, cũng thấy có lời kể, nhưng nội dung lại hơi khác. Không biết có tư liệu nào do chính đạo diễn họ Phạm tự viết hay không ?

Tư liệu lấy về từ báo Nghệ An, theo đường link do Mr. Khoằm chỉ dẫn.


---
Những thước phim vô giá

(Cập nhật lúc 16:50'  20/8/2012)

(Baonghean) - Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc (15/3/1953), những người làm điện ảnh đầu tiên đã bàn đến việc dựng lại cảnh Ngày Quốc khánh 2/9 để đưa vào phim do hình ảnh về Ngày Độc lập 2/9/1945 để lại quá ít ỏi. Đạo diễn Phạm Văn Khoa lúc đó là Giám đốc Điện ảnh Quốc gia nói: “Chiến thắng về Hà Nội, ta sẽ dựng lại quang cảnh Ngày Độc lập. Chính mình tham gia dựng lễ đài mà, mình còn nhớ như in ngày đó. Ta mời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập để ghi hình vào phim!”.

Nhưng rồi mong muốn ấy đã không thực hiện được. Kháng chiến chống thực dân Pháp qua đi, Hà Nội mới giải phóng với bao công việc bộn bề, sau đó cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mãi đến năm 1974, đoàn làm phim Tài liệu khoa học, gồm biên kịch Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Như Ái được cử lên đường đi Pháp, sang Anh để thực hiện bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng, có người liên lạc với tôi qua điện thoại, giọng ấm áp: “Có một người bạn của Việt Nam luôn quý mến nhân dân Việt Nam, muốn gặp ông để tặng món quà nhỏ. Tôi mong món quà này hữu ích cho công việc của các ông!”. Tôi tới ngay nơi hẹn. Ông chủ nhà thân mật tiếp rồi mở tủ lấy ra hộp phim nhỏ phai màu thời gian. Tôi xin phép chủ nhà, cầm dao khẽ bật nắp hộp, bóc lớp giấy chống ẩm, thấy cuộn phim nhỏ. Tôi nhẹ tay kéo dần từng đoạn phim, soi lên cửa sổ, và bàng hoàng xúc động trước các hình ảnh phim hiện lên cảnh Quảng trường Ba Đình, quần chúng mít tinh, lễ đài 2/9 trang nghiêm. Sung sướng quá, tôi ôm hộp phim vào lòng, và chỉ kịp cảm ơn ông chủ nhà mà quên hỏi về nguồn gốc phim. Về đến nơi làm việc, tôi cho ngay cuộn phim lên máy dựng, lòng vừa mừng vừa lo sợ phim lâu ngày bị “lão hóa”. Tuy đã mấy chục năm rồi, nhưng do khí hậu ở Pháp khô ráo, hình phim còn sáng đẹp. Quang cảnh lễ đài, hình ảnh Bác, quần chúng náo nức với khẩu hiệu “Ngày độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”… Toàn bộ đoạn phim chiếu lên chỉ có vài phút, nhưng thật cảm động”.

Về nước, bằng nhiều thủ pháp kỹ thuật điện ảnh, hai đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Lê Mạnh Thích đã tạo dựng, gia cố thêm cho các hình ảnh ít ỏi đó sống động, chặt chẽ hơn. Trên nền những hình ảnh lịch sử vô giá đó, nhà đạo diễn đã bổ sung vài cảnh quay, rồi thêm nền nhạc bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, cùng lời bình và lời quốc dân tuyên thệ là có được bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn chỉnh, với độ dài 6 phút. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày 2/9, với giọng nói hào sảng của Bác Hồ tuyên bố trước hàng triệu đồng bào ta và thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do và độc lập!”. Cả 2 bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” và “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn thành vào tháng 5/1975 trong không khí, hân hoan mừng đất nước ta hoàn toàn giải phóng. 

Từ đó, vào ngày Quốc khánh hàng năm, những thước phim tư liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” được xuất hiện nhiều trên các phương tiện nghe nhìn. Chỉ còn một băn khoăn, ai là tác giả của đoạn phim ấy? Đạo diễn Phạm Kỳ Nam có dịp hỏi lại chủ nhà, ông ôn tồn trả lời là không thể nói gì hơn vì ông không phải là người quay: “Chỉ biết đoạn phim đó có ích cho các ông và đã gửi đúng địa chỉ, thế là yên tâm rồi!”.

Vậy là tác giả của những tư liệu quý hiếm, vô giá trong phim Ngày Độc lập 2/9/1945” đến nay vẫn còn là một câu hỏi, chưa được xác định.

Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)


---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

2 nhận xét:

  1. Bài báo này cho biết tên người giao cuốn phim là nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới Joris Iven, người nhận là nhà báo Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Như Ái, vẫn không biết danh tính chủ sở hữu.

    http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=290959

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thông tin mới của Khoằm nhé. Bài này của Từ Khôi, tức Nguyễn Mạnh Thắng (vốn ở báo của đồng chí tổng Đinh Đức Lập).

      Ngày càng có lắm hỏa mù. Dù vậy, mình sẽ cho đăng lại bài của Từ Khôi ở blog này.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.