Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

19/07/2013

Quan hệ chúa Nguyễn ở Đàng Trong với Mạc phủ Nhật Bản thế kỉ 17-18 (Lê Dư, Phạm Hoàng Quân)


Bài viết đã công bố trên tờ SGTT từ năm 2008


Chúa Nguyễn và công cuộc hải thương với Nhật Bản


Ngày 01.02.2008, 17:05 (GMT+7)

Phạm Hoàng Quân


Giữa năm 1601, kèm theo thư tỏ tình giao hảo gởi cho Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu), Đoan quốc công Nguyễn Hoàng nhờ các thương nhân chuyển quà tặng đến Mạc phủ, theo bản kê đính kèm, vật phẩm gồm năm loại: Một khối kỳ nam (nặng 3 cân 10 lượng); 3 tấm lụa trắng; 10 bình sữa ong chúa; 100 cây gỗ lôi; 5 con chim khổng tước (công).

Tháng 10.1601, Nguyễn Hoàng nhận thư hồi đáp của Ieyasu, có đoạn “…đã thu nhận các di sản của quý quốc, thật là quý hiếm ở chốn xa. Nay nước tôi bốn biển đều ổn định, các nơi thanh bình, thương nhân lui tới buôn bán trên biển và đất liền, không thể làm trái với chính sách, nên cũng an tâm. Thuyền của nước tôi ngày sau đến vùng này, lấy ấn trong thư làm tin, thuyền không có dấu ấn này thì không chấp nhận. Binh khí của nước tôi làm ra xin gởi tặng, vật ít nhưng tình sâu…”

Những bức văn thư cấp nhà nước như trên – ghi dấu mối quan hệ giao thương giữa chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa trong khoảng thời gian từ 1601-1635 – riêng Lê Dư (Sở Cuồng) sưu tập được 15 bức, chúng nằm rải rác trong các nguồn sử liệu Nhật Bản. Sau phong trào Đông du, khi trở về nước làm trợ bút phần chữ Hán cho tạp chí Nam Phong, Lê Dư công bố nguyên văn bộ sưu tập này ở số tháng 12.1921, với tiêu đề “Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo”. Cho đến năm 2008, có thể xem các văn thư ấy là những hiệp nghị thương mại đầu tiên giữa chính quyền Đàng Trong và chính phủ Nhật Bản.

Qua nội dung các bức thư, chúng ta biết nhiều điều về cung cách giao thương của Nguyễn Hoàng và người kế vị ông là Nguyễn Phúc Nguyên. Sự chủ động mời gọi với lời lẽ nhún nhường mềm dẻo luôn là ý cơ bản. Nhằm tạo sự thuận lợi trong việc mua bán, chúa Nguyễn đã tranh thủ lấy lòng Mạc phủ Tokugawa bằng việc gởi tặng sản vật quý hiếm thường xuyên theo những đợt xuất cảng. Điều đáng lưu ý là danh mục tặng phẩm luôn có kỳ nam, một mặt hàng cực quý và có lẽ rất hiếm hoi ở đất Nhật. Trong thời điểm này, qua một nguồn thư tịch khác, sách Ngoại phiên thông thư/ Gaiban Tsuasho (1918), thấy ba bức thư của Mạc phủ gởi cho quốc vương Chiêm Thành liên hệ việc mua/ trao đổi kỳ nam, và không hiểu vì lý do gì mà không thấy hồi âm. Cử chỉ hào phóng của chúa Nguyễn có lẽ đã tác động mạnh đến công cuộc doanh thương của hai xứ. Cùng với nhiều lý do khác, Chiêm Thành bị quên lãng dần và cảng thị Hội An trở thành nơi xuất khẩu và điểm trung chuyển hấp dẫn đối với thương thuyền Nhật Bản.

Mối quan hệ được thắt chặt hơn bởi vài sự kết thân do chúa Nguyễn chủ động, như việc năm 1619, Nguyễn Phúc Nguyên gả con cho Hoang Mộc Tông Thái Lang (Araki Soutarou), một thương nhân ở Trường Kỳ (Nagasaki). Sự giao hảo đặc biệt của chánh quyền hai xứ - thông qua các thương nhân – đã dẫn đến nhiều hiệp nghị quan trọng ngoài mục đích phát triển kinh tế. Năm 1604, trong một bức thư, Nguyễn Hoàng viết: “Từ nay thuyền buôn hàng năm nên đến nước tôi để tiện việc buôn bán. Nhưng ở Thanh Hoá và Nghệ An vốn thù địch với tôi, rất mong quốc vương vì mối giao tình vốn có với tôi nên theo lý cần cấm chỉ các thương thuyền đến những nơi đó. Chớ để mất lòng tin…”. Mạc phủ đã theo lời yêu cầu đó, trước đấy đã cấm thuyền buôn đến phố Hiến, Đông kinh sau lại rất hạn chế việc cấp thông hành đến Hưng Nguyên - Nghệ An, vùng kinh tế của Đàng Ngoài. Khi chiến cuộc xảy ra giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, năm 1935, Mạc phủ cũng đã theo dõi đề nghị của Nguyễn Phúc Nguyên mà cấm vận Đông kinh, không bán lưu huỳnh, khí giới cho Đàng Ngoài.

Tóm lại, ngoài việc tranh thương với Champa và Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã thành công khi yêu cầu bạn hàng Nhật Bản phải chiều mình. Lợi nhuận thương mại từ phía Nhật khá lớn, góp phần vào việc trang bị vũ khí để đối phó với Đàng Ngoài và mở mang kinh tế vào Nam. Việc xây dựng và phát triển thành công kinh tế và thương mại đã đưa chúa Nguyễn từ vai trò nhận lãnh trách nhiệm đi trấn thủ xứ Thuận - Quảng, trở thành thống lĩnh của xứ Đàng Trong.

Qua nhiều tài liệu khác, tiến sĩ Li Tana, trong luận án “Lịch sử xứ Đàng Trong thế kỷ 17 và 18” (1992) đã có những con số khá cụ thể về tình hình thương mại của xứ Đàng Trong và Nhật Bản trong giai đoạn 1601 – 1635 như sau:
Số “Chân ấn thuyền” (thuyền buôn có ấn tín của Mạc phủ) đến Đàng Trong là 86 chuyến (Đàng Ngoài 36 chuyến, Champa 5 chuyến); mỗi thuyền buôn chở theo một lượng bạc giá trị từ 4 đến 5 triệu; mỗi chân ấn thuyền mang theo số vốn tối thiểu trị giá 400 kan (400.000 đồng tiền đồng) và tối đa 1.620 kan (1.620.000 đồng tiền đồng); hàng hoá thuyền buôn Nhật thu mua gồm: tơ, vải thô, lụa đamát, lô hội, gỗ trầm hương, da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, vàng, song mây…Hàng đem đến bán: đồng, lưu huỳnh, gươm giáo, áo giáp, sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.