Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/07/2013

Chúng tôi đang ở trên đảo, từ đây có thể vượt biên sang Hải Nam hay Hồng Kông, rất gần

Ấn tượng trước làn khói đen nhả vào trời và vào biển của con tàu
Chúng tôi đang du lãng miền biển đảo. Trời ngoài đảo đang mưa rùng rục, tối đất tối trời, không đi đâu được, nên đành lên mạng gõ dăm ba dòng. Ngồi ở đảo post mẩu con con này đã là hạnh phúc so với mười mấy năm trước, khi ấy chẳng có gì, chỉ một con đường đất lên xuống bởi đồi và núi, phố xá chỉ là vài cái nhà nghỉ tạm bợ.

Bây giờ, mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác. Nhà cửa san sát, tuyền khách sạn có mức cao trung bình là 9 tầng, và được xếp hạng chủ yếu là một sao và hai sao (chỉ duy nhất một cái là ba sao, và dĩ nhiên loại ngàn sao thì rất nhiều). 

Cuối tuần thì khách tây khách ta đông nườm nượp, mấy con phố chính phải cấm đường (không cho xe máy và ô-tô các loại chạy qua). Có những ông tây biết chút tiếng Việt đủ để cò kè tiền phòng nghe rất vui: "25 đô đắt thế", "17 đô được không?", "vậy 20 ?", "thôi thì 25, cho 2 phòng". Đầu tuần ở đây được tính là từ Chủ Nhật đến hết Thứ Năm, giá phòng niêm yết là 5-6 trăm ngàn. Cuối tuần thì là Thứ Sáu và Thứ Bảy, giá vọt lên tới 8 trăm - 1 triệu.

Tắc-xi thì chỉ có mỗi một công ty. Mà cả công ty, hiện cũng chỉ có 2 chiếc. Nên giá được tính theo hai cách: đi đường bằng thì 25.000đ/km (ở Hà Nội thì trung bình khoảng 11.000đ/km), còn đi lên dốc cao thì tính cuộc (chẳng hạn lên xem trận địa pháo ở độ cao 177 m thì có giá 200 ngàn cho cả lượt đi và lượt về cộng lại chỉ khoảng 3 cây số rưỡi, khuyến mãi bằng khoảng 1 tiếng chờ của lái xe).

Ông hàng xóm mới của tôi, tức là ông chủ khách sạn ở bên cạnh khách sạn mà tôi ở, cứ lúc rỗi, tôi ghé qua thì kể theo kiểu chương hồi về những lần vượt biên của ông và của bà vợ sang Hồng Kông. Dân đánh cá nên cứ lấy cớ bị bão gió hay lạc đường là cập được bến bên kia. Lần gần đây nhất, bà ở bên đó 6 năm, sau một chuyến lênh đênh bằng thuyền đánh cá khoảng 1 tháng. Rồi cũng lại trở về, vì bên đó buồn chán, vô tích sự từng ngày.

Tịnh không thấy có chuyện dân Hồng Kông hay dân Hải Nam dạt ngược lại bên này. Hoặc đúng hơn, nếu có, thì đích thực là do bão biển.

Trở lại lịch sử thì câu chuyện đã khác đi. Bởi, trước đây, cả phố này thì, trong 10 nhà có 8 nhà là người Hoa. Sau này, họ đã phải ra đi vào những năm 1978-1979-1980. Bây giờ, tìm mãi mấy ngày, chỉ thấy được bà cụ người Hoa, con trai cụ đang ở Canada nhưng sở hữu mấy khách sạn ở trong phố này, tiếc là cụ đã nặng tai quá.

Tháng 7 năm 2013,
Giao Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.