Lời dẫn: Một nhà lập pháp của quốc hội vừa nói như vậy. Ông Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng vừa nói tương tự như vậy. Năm nay là năm 2013.
Mười năm trước, hãy tra lục tư liệu, cũng đã thấy câu tương tự như vậy (lúc khác sẽ trở lại câu chuyện mười năm trước).
Ngược tiếp về 20 năm trước, khoảng 1993 trở về trước, thì chưa thấy câu tương tự. Tức là trong khoảng 20 năm qua, nhà khoa học Việt Nam về cơ bản là nói dối.
Xem bài dưới đây, và những bài hay văn bản liên quan khác, thì có thể hiểu ra được khung cảnh của 20 năm tiếp theo.
Từ đây trở xuống là bài lấy về từ Kiến thức.
"Luật KH&CN sửa đổi đề cập đến 5 vấn đề đổi mới mang tính đột phá. Một là phương thức đầu tư cho KH&CN, bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ đề đầu tư lại cho nghiên cứu khoa học thông qua việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Hai là tất cả mọi người đều có quyền đề xuất các đề tài dự án, các nhà khoa học khi thực hiện các đề tài nghiên cứu phải có trách nhiệm hoàn thành đề tài, sau đó bàn giao kết quả cho đơn vị đã đặt hàng mình.
Ba là đổi mới cơ chế tài chính theo cơ chế quỹ để các đề tài dự án không phải đợi kinh phí quá lâu, đồng thời không phải quyết toán năm và có thể chủ động chuyển nguồn, đơn giản hóa các thủ tục hóa đơn, chứng từ. Thứ tư là chính sách đãi ngộ cho cán bộ KH&CN.
Cuối cùng là Luật KH&CN sửa đổi sẽ tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển KH&CN, để các nhà khoa học có thị trường."
---Nhà khoa học sẽ không phải nói dối nữa!
Update time 07:13 20/06/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - “Nhà khoa học sẽ không phải nói dối, không phải làm giả chứng từ để hợp thức hoá đề tài nữa”, PGS.TS Bùi Thị An, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội chia sẻ với phóng viên.
Khoa học sẽ không đi “học mót”
Chiều 18/6, Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi. Những bất cập nào của khoa học sẽ được khắc phục trong luật sửa đổi lần này thưa bà?
Luật KHCN sửa lần này có những sự thay đổi, nhưng liệu nó có mang tính đột phá hay không thì vẫn phải chờ thực tiễn. Nhưng sửa luật lần này, tôi nghĩ sẽ thay đổi được tư duy trong quản lý khoa học, kể cả người quản lý và người làm nghiên cứu. Thứ nữa là cơ chế tài chính sẽ có những chuyển biến. Đó là hai điểm quan trọng nhất tôi kỳ vọng ở Luật KH&CN sửa đổi lần này.
Liệu có thể kỳ vọng KHCN sẽ là quốc sách hàng đầu thực sự, không chỉ là khẩu hiệu?
Làm thế nào để động viên được tất cả các nguồn lực tham gia vào khoa học, làm sao nghiên cứu khoa học giải quyết được các vấn đề thực tiễn thì đó là vấn đề lớn. Điều này không chỉ một mình luật có thể làm được. Cần có thời gian với nhiều quy định, chính sách kèm theo.
Những bất cập của khoa học có rất nhiều, ở góc độ là một nhà khoa học thì bà kỳ vọng gì vào những điểm mới trong luật sửa đổi lần này?
Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được vấn đề cần có những nghiên cứu đặc thù của Việt Nam. Từ thực tế mà nghiên cứu, nghiên cứu phục vụ cuộc sống chứ không có kiểu đi học mót của nước ngoài. Từ yêu cầu của thực tiễn mà đặt hàng cho KHCN chứ không nặng về vấn đề đi học công nghệ, tập huấn công nghệ từ nước ngoài nữa. Tôi nghĩ điều đó phải quán triệt.
Nhưng rõ ràng với một nước có trình độ phát triển KHCN chưa cao, việc phải học hỏi là cần thiết?
Việc học tập nước này nước nọ nó vừa tốn kém, lãng phí mà không có hiệu quả. Mà bản thân khoa học, nó phải là con đẻ của mình, thì nó mới mang dòng máu, huyết thống của mình. Ví dụ một nghiên cứu có thể rất hữu ích ở một nước khác, nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì lại không phù hợp bởi khi đặt vấn đề nghiên cứu sản phẩm đó, người ta dựa trên thực tế của địa phương họ, chứ không dựa trên thực tế của mình. Khoa học Việt Nam phải cố mà tìm được cái riêng.
Trước đến nay ta vẫn làm thế?
Đúng vậy. Ta đặt quá nặng việc học tập theo kinh nghiệm nước ngoài mà quên mất thực tiễn của mình thế nào. Thế nên dù có đi học về, nhưng chẳng thể áp dụng, chẳng thể phục vụ cho thực tiễn của mình.
PGS.TS Bùi Thị An, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội. |
Chẳng phải nói dối nữa
Một trong những vấn đề rất bức xúc của người làm khoa học chính là những bất cập trong cơ chế tài chính đối với nghiên cứu khoa học. Sắp tới, liệu chúng ta sẽ có đột phá gì?
Trước đây, để thực hiện một đề tài, phải thông qua rất nhiều các bước xét duyệt. Thủ tục để thanh quyết toán rất rườm rà, gây khó khăn cho các nhà khoa học. Khiến đôi khi làm thật đấy mà vẫn phải mua giấy tờ giả để thanh quyết toán. Việc cấp tài chính cho các đề tài sẽ có đổi mới. Sẽ có một cái quỹ chung để cấp cho bất cứ đề tài nào cần thiết. Trước đây phải có đủ giấy tờ thủ tục thì mới thanh toán, nhưng giờ, chỉ cần đề tài tốt là được cấp tiền nghiên cứu.
Có nghĩa là sẽ không còn tình trạng đề tài nghiên cứu xong thì không ứng dụng được nữa do cơ chế tài chính khó khăn quá, thời điểm ứng dụng đã qua mất rồi?
Đúng thế, bất cập này sẽ được chỉnh sửa. Các đề tài khoa học sẽ không mất tính thời sự đi. Và các nhà khoa học sẽ chẳng phải nói dối nữa.
Đó là bất cập tồn tại đã quá lâu rồi, bà có tin là sẽ giải quyết được thực sự?
Tôi tin là sẽ giải quyết được. Nhà khoa học hoàn toàn có quyền được tạm ứng trước để nghiên cứu. Trước đây, nhà khoa học cứ phải tạo ra những chứng từ giả để quyết toán, nhưng với sự thông thoáng của luật lần này, tôi nghĩ sẽ không còn chuyện đó nữa. Bớt đi rất nhiều thủ tục hành chính, nhà khoa học sẽ không mất thời gian nghĩ cách “đối phó” nữa. Tuy nhiên, cũng vẫn phải chờ thực tiễn chúng ta thực hiện thế nào thôi.
Chờ, theo bà sẽ là bao lâu?
Câu này khó mà trả lời được. Nó phụ thuộc vào người thực thi. Có luật, nhưng đôi khi người làm lại không muốn. Hy vọng là sẽ có sự giám sát chặt chẽ.
Ở góc độ là một nhà khoa học đơn thuần, theo bà thì có dễ để biến những điều này thành hiện thực?
Tôi chỉ hy vọng thôi. Chứ làm như thế nào thì còn chờ. Trước đến nay ta có biết bao nhiêu là luật với những quy định rất cụ thể rồi, thế mà có phải luật nào cũng thực thi được hết đâu. Còn cơ chế có thoáng được không, người quản lý đóng vai trò 70%.
Doanh nghiệp nghi ngờ trình độ nhà khoa học
Ở góc độ là một đại biểu Quốc hội, một nhà khoa học, theo bà thì Luật KHCN sửa đổi lần này đã giải quyết được tất cả các vấn đề tồn tại của khoa học hiện nay chưa?
Nó chỉ giải quyết được một số bất cập thôi. Còn những cái chưa thể giải quyết ngay được, cần có quá trình, có điều kiện kinh tế tốt... nên KHCN chưa thể bật lên ngay được. 2% tổng chi ngân sách cho KHCN chưa phải là nhiều vì tổng GDP của mình cũng không nhiều.
Nhưng ai cũng biết để phát triển KHCN thì không chỉ là tiền?
Đúng thế. Không hẳn là tiền. Vấn đề là chi cho khoa học chưa nhiều, thế nhưng sử dụng nó cũng chưa đúng, chưa hiệu quả. Nó chính là tư duy trong quản lý, tư duy của những người làm nghiên cứu cũng chưa chuẩn, thành ra nó chưa hiệu quả.
Việc buộc doanh nghiệp phải dành lợi nhuận tái đầu tư cho khoa học công nghệ có được đưa vào luật sửa đổi lần này không?
Luật sửa đổi lần này đã đưa điều đó vào rồi. Theo tôi thì chỉ nên quy định trần là 10% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp để tái đầu tư vào công nghệ. Thực tế nhiều doanh nghiệp đầu tư cho KHCN và thu lợi nhuận rất lớn.
Thế nhưng đa phần doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư, vì sao thế?
Vì KHCN chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Họ quan tâm đến lợi nhuận, trong khi đầu tư cho khoa học thì lại có nhiều rủi ro. Bởi thế mà họ chưa dám liều.
Thực tế có sản phẩm cùng tính năng, hiệu quả ấy nhưng giá chênh lệch nhau hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn mua của nước ngoài, chứ không mua của các nhà khoa học trong nước?
Ai cũng hiểu được. Vì ta không có chế tài chặt chẽ nên không thể yêu cầu doanh nghiệp mua sản phẩm đó trong nước. Nếu không cho nhập khẩu thì họ đâu có lựa chọn nào khác. Việc họ chọn mua một sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều lần đó là có thể họ còn nghi ngờ trình độ của khoa học Việt Nam. Còn với một số cơ quan nhà nước, họ muốn mua của nước ngoài là vì lý do khác. Cái đó thì chắc không nói ai cũng hiểu.
Xin cảm ơn bà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.