Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách
▼
12/04/2025
Văn nghệ Thứ Bảy : Du lãng Dục Thúy Sơn gặp lại Lưu Vũ Tích với "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh"
Du lãng núi Non Nước ở phủ Yên Khánh ngày xưa, từ ngày xưa rồi. Ngày đó, đầu xanh tuổi trẻ, chủ yếu là chép nhanh mọi thứ được, bất kể là đang nói chuyện hay không.
Tập tư liệu chép văn bia đủ các loại rải khắp đó đây ở Dục Thúy sơn thời đó vẫn còn giữ được. Dĩ nhiên, phong hóa thời gian mà có trang đã mờ cả nét !
1. Gần đây, cũng là tới khoảng gần 10 năm trước rồi, du lãng lại Dục Thụy sơn và ngắm nhìn đền thờ Trương Thiếu Bảo hay Trương Thăng Phủ (tức Trương Hán Siêu đời Trần). Đọc lại một tác phẩm của họ Trương, trên Giao Blog, ở đây (năm 2019).
Lúc ấy, thuê thuyền máy đi lang bang vào những chỗ ngày xưa chưa có thuyền tiện lợi (như bây giờ) nên chưa có dịp khảo sát lâu.
Xuất phát từ khu vườn chùa mà đi lúc đầu giờ sáng, gió sông lồng lộng, vi vu mây trời nhuộm nắng ban mai. Cầu dài nối hai bờ sông như chạy vắt trên đầu người chạy thuyền máy và mình !
Trên thuyền chi có hai người.
Ôi, công nghiệp của thế kỉ 21 hầu như chỉ điểm xuyết thêm cho cả vùng sông nước Vân Sàng ở ngã ba đường các trấn các xứ giáp ranh ngày trước.
2. Bất giác lúc ấy không nghĩ đến Trương Thiếu Phủ, mà nhớ đến những trận giao tranh giữa nước Tây Việt (Lê Trịnh) và nước Đông Việt (Mạc).
Đại Việt ta từng có thời có cả nước Đông Việt và nước Tây Việt. Gần đây, nói chuyện với giới trẻ, các cô cậu tuổi đôi mươi tròn xoe mắt !
Rồi chuyện ba Đàng một thời của Đại Việt (gồm Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên) bất giác cũng đến trong suy nghĩ lúc đó cùng với gió sông lồng lộng. Tháng 11 dương lịch năm ấy.
3. Thế rồi, lúc thuyền tắt máy để chuẩn bị vào động, thì bất ngờ gặp lại Lưu Vũ Tích. Từ xa xa đã nhận ra. Lại gần thì càng rõ. Nét chữ đã hơi mờ, nhưng thơ của họ Lưu thì còn thấy rõ:
"Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh.
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”
(sơn không cần ở độ cao, cứ có tiên thì sẽ nổi tiếng,
nước chẳng cần ở độ sâu, cứ có rồng thì sẽ linh).
Lại lan man chuyện cha Rồng mẹ Tiên.
Câu ấy đã thấy từ ngày xưa, khi du lãng hồi đầu xanh tuổi trẻ, tự phụ vào trí nhớ mà thuộc lấy. Còn bây giờ thì rất cẩn thận: chụp ảnh kĩ thuật số các góc độ !
4. Họ Lưu là người của thế kỉ thứ 8 và 9 (cuối thế kỉ 8 và nửa đầu thế kỉ 9), công dân của nước Đại Đường. Lúc viết những dòng thơ ấy, họ Lưu bị "thiên tả" (vua Đường cho đi chơi nhởn sau khi giáng chức). Chàng hào kiệt Khương Công Phụ từ Giao Chỉ lên Đại Đường thi đỗ đại khoa mà được vua Đường trọng dụng, từng giữ chức như Tể tướng, ấy thế mà, đến lúc cũng được xếp ngồi chơi xơi nước, cụ buồn đành đi tu Tiên !
Bia trong động ở Dục Thúy sơn là của thế kỉ 19, người viết chữ là tri phủ, người soạn bia là tri huyện, công dân của nước Đại Nam. Bấy giờ các ông chép công trạng tiền nhân và ngụ ý gửi gắm tương lai trường tồn của thắng cảnh nơi đây.
Người đọc lại vào tháng 11 năm ấy thuộc thế kỉ 21, công dân nước Đại Việt mới, trở lại du lãm và "khảo lại" mấy thứ liên quan ở Dục Thúy sơn.
Bất giác nhớ ra: có thể phương sĩ Yên Kì Sinh (người thời Tần Thủy Hoàng) đã từng đến khu vực núi Dục Thúy, khi cụ đi xem Phúc Địa ở phía Nam. Lúc bấy giờ mới là phương sĩ, vì chưa phải Đạo sĩ (mãi thế kỉ 2 thì mới có Đạo giáo; cụ du lãng Nam phương khi mà Đạo giáo còn chưa ra đời).
5. Tháng 4 này, muốn lên Dục Thúy sơn lại lần nữa. Lại muốn thuê thuyền máy. Lại muốn thấy mây trời nhuộm nắng ban mai.
Hôm nay (3/5), UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước”.
Dự Hội thảo có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố Ninh Bình; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa ở Trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định: Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hoá, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia nói riêng và di tích núi Non Nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá tại địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí nhấn mạnh: núi Non Nước là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên sơn kỳ, thủy tú mà tạo hoá ban tặng, là hình ảnh biểu tượng độc đáo đặc trưng riêng có của tỉnh Ninh Bình. Nằm bên ngã ba sông Vân và sông Đáy, cùng với núi Hồi Hạc, núi Cánh Diều và núi Kỳ Lân, núi Non Nước tạo thành Tứ đại danh sơn của thành phố Ninh Bình. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, núi Non Nước không chỉ là một cuốn sử thi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta, nơi đây còn là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá. Từng được ví là “cảnh tiên rơi cõi tục”, núi Non Nước từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các các đấng quân vương, các bậc anh hùng, tao nhân mặc khách nhiều thời đại đề thơ vịnh cảnh. Hiếm có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ, văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm, Tản Đà… Các bản văn khắc hiện còn trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hoà trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025” nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hoá, quảng bá, làm lan toả giá trị di tích và các di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích núi Non Nước. Đồng thời là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS Vương Thị Hường nêu rõ: Hội thảo nhằm làm rõ các giá trị, đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Chính vì vậy, đồng chí đề nghị các học giả tập trung thảo luận, làm rõ vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung. Làm rõ hơn quá trình tôn tạo các di tích trên núi Non Nước và ý nghĩa giá trị những di tích này. Xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm, bao gồm các vấn đề: số lượng, văn bản thơ, văn núi Non Nước. Giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ, văn núi Non Nước. Định hướng công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời mở rộng truyền thông giới thiệu rộng rãi về nét đặc sắc di sản văn hóa núi Non Nước, xây dựng điểm đến du lịch và tham quan cho du khách.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo trình bày báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo Trung tâm do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo trình bày nêu rõ: Di tích núi Non Nước, với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, lịch sử và văn hóa đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia đợt đầu tiên của cả nước theo Quyết định số 313, ngày 28/4/1962. Năm 2019, di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954, ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước. Di tích tọa lạc ở ngã ba sông Vân và sông Đáy, trong khuôn viên Công viên Thúy Sơn, thuộc địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Trải qua thời gian, có rất nhiều tên gọi khác nhau. Trong đó tên gọi Non Nước được dùng nhiều nhất, tên gọi Dục Thúy Sơn, Núi Thúy cũng được dùng nhiều trong văn chương nghệ thuật. Báo cáo cũng nêu rõ về hiện trạng, giá trị, phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích núi Non Nước. Khẳng định rõ: Hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Hội thảo là dịp để Ninh Bình tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, tổ chức UNESCO, các cơ quan quản lý di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương để xây dựng hồ sơ đề cử trình cấp có thẩm quyền xem xét ghi vào các Danh sách Di sản tư liệu của UNESCO.
Với 2 chuyên đề về: Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại khu Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Và Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích. Hội thảo đã nhận được 36 bài viết của các nhà nghiên cứu ở trung ương và địa phương. Từ nhiều lĩnh vực và với cách tiếp cận khác nhau, các bài viết, ý kiến tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ về lịch sử và hiện trạng hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích: Tập trung nghiên cứu và làm sáng tỏ vai trò, vị thế và giá trị của hệ thống văn bia tại di tích đối với tỉnh Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống văn bia núi Non Nước trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa tại địa phương; đề xuất các giải pháp, tư vấn phương án bảo tồn và phát huy hệ thống văn bia. Các tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đã đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia của Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng ban Tổ chức khẳng định: Hội thảo đã làm rõ lịch sử, quá trình kiến tạo, vai trò và tầm quan trọng của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Cố đô Hoa Lư - nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và di tích, danh thắng, đặc biệt là kho tàng thơ văn Hán Nôm. Qua đó đã thể hiện nét đặc sắc, độc đáo, sự cần thiết và quan trọng trong nghiên cứu, khai thác, truyền thông để phát huy giá trị kho tàng thơ văn Hán Nôm. Các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo chính là cơ sở, căn cứ cho việc biên soạn cuốn sách núi Non Nước hoặc Quần thể danh thắng núi Non Nước Ninh Bình. Qua đó càng thấy rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, tôn tạo, bảo tồn di tích kho tàng di sản Hán Nôm tại đây. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cũng gợi mở việc xây dựng 1 dự án riêng để bảo tồn núi Non Nước xứng đáng với lời ngợi ca của tiền nhân, trên cơ sở đó phát huy hơn nữa giá trị của di sản, danh thắng trong chuỗi liên kết về hoạt động du lịch của tỉnh.
Bế mạc Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định: Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp, đồng chí đề nghị sau Hội thảo, Ban Tổ chức tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu thành kỷ yếu, làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tư liệu của vùng đất Ninh Bình. Đồng thời làm nguồn tư liệu giúp cho các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, tư liệu của di tích nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói chung. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí khẳng định: Thông qua kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận sẽ là những tiền đề, cơ sở khoa học, khách quan cho việc hoạch định chính sách, thực hiện Kế hoạch Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Sáng 3/5, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước".
Quang cảnh Hội thảo khoa học.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh; Hội Di sản văn hóa tỉnh; Hội VHNT tỉnh; thành phố Ninh Bình; phường Thanh Bình và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Trường Đại học KHXH và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và các nhà nghiên cứu của địa phương.
Các đại biểu dự khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia nói riêng và di tích núi Non Nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa tại địa phương.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Núi Non Nước không chỉ là một cuốn sử thi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta, nơi đây còn là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá. Từng được ví là "cảnh tiên rơi cõi tục", núi Non Nước từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các đấng quân vương, các bậc anh hùng, tao nhân mặc khách nhiều thời đại đề thơ vịnh cảnh. Hiếm có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm, Tản Đà… Các bản văn khắc hiện còn trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.
Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch "Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025" nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tình; đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa, quảng bá, làm lan tỏa giá trị di tích và các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích núi Non Nước; đồng thời là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO.
Đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Mạnh Cường trình bày Báo cáo trung tâm tại Hội thảo.
Báo cáo trung tâm "Tổng quan về di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo trình bày đã nêu rõ về thông tin chung, hiện trạng di tích, giá trị của di tích; phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trong đó khẳng định: Núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều gần cạnh đang được tỉnh Ninh Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian chủ đề thương hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản là Tiếp biến. Đồng thời xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng công viên văn hóa Thúy Sơn làm điểm nhấn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời bổ sung thêm một điểm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách khi đến Ninh Bình. Phát triển chủ đề về giao lưu, tiếp biến văn hóa, thương mại và công nghiệp trong lịch sử và hiện đại, hình thành một khu vực tập trung vào các hoạt động văn hóa và nghệ thuật biểu diễn đương đại, công nghiệp văn hóa, chứa đựng tinh hoa hiện đại và truyền thống.
Hội thảo này là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, Tổ chức UNESCO, các cơ quan quản lý di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương để xây dựng hồ sơ đề cử trình cấp có thẩm quyền xem xét ghi vào các Danh sách Di sản tư liệu của UNESCO.
PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình này nêu rõ: Hội thảo đã nhận được 36 vài viết của các nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Nội dung các bài viết chia làm 2 chuyên đề "Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" và chuyên đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích".
Các tham luận tại hội thảo tập trung thảo luận để làm rõ một số vấn đề: vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung; quá trình tôn tạo các di tích trên núi Non Nước và ý nghĩa giá trị những di tích này; xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước, bao gồm các vấn đề: số lượng, văn bản thơ văn núi Non Nước; làm rõ hơn giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ văn núi Non Nước; định hướng công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa núi Non Nước; đồng thời mở rộng truyền thông giới thiệu rộng rãi về nét đặc sắc di sản văn hóa núi Non Nước, xây dựng điểm đến du lịch và tham quan cho du khách.
Thông qua hội thảo khoa học sẽ tập trung giải quyết tốt các vấn đề trên, góp phần nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước.
Sau phần khai mạc, Hội thảo "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" đã tập trung trao đổi, thảo luận chuyên đề "Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước".
Quang cảnh Hội thảo.
Các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; GS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nghe các tham luận: "Núi Non Nước với dấu ấn lịch sử từ thời Đinh, tiền Lê đến triều Nguyễn" của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học); "Núi sông Non Nước và một số sự kiện liên quan" của nhà nghiên cứu Đặng Công Nga (nguyên Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình); "Núi Dục Thúy và Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu" của TS.Trần Lâm Bình; "Núi thơ Non Nước Ninh Bình và những bài minh văn nổi tiếng" của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); "Giá trị lịch sử, văn học kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước" của GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội; "Văn bia Trương Hán Siêu trên vách núi Dục Thúy" của TS Nguyễn Xuân Diệu (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); "Du ký về non nước Dục Thúy nửa đầu thế kỷ XX" của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Học viện Khoa học xã hội).
Các tham luận cho thấy các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết, phản ánh đậm nét giá trị đặc sắc của thơ văn núi Non Nước và di sản văn hóa núi Non Nước, Di tích quốc gia đặc biệt. Qua đó đã góp phần làm rõ vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung.
Các tham luận cũng làm rõ và khẳng định không gian lịch sử văn hóa Dục Thúy Sơn chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước, là nơi lưu giữ dấu ấn vật chất và tinh thần của nhiều vị vua, nhiều vị công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sĩ nổi tiếng của nước ta từ hàng ngàn năm trước. Đây cũng là một trong những ngọn núi được nhiều danh sĩ lựa chọn làm đề tài để sáng tác thơ, ca bậc nhất ở Việt Nam cho đến nay.
Đồng thời, qua nội dung tham luận, các nhà nghiên cứu cũng xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước, về số lượng, văn bản thơ văn núi Non Nước và làm rõ hơn giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ văn núi Non Nước. Các tham luận cũng khẳng định hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại.
Chuyên đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích"
Thứ Sáu, 03/05/2024, 22:14
Tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước", ngày 3/5, các đại biểu tiến hành phiên chuyên đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích".
Quang cảnh Hội thảo khoa học.
Các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm; GS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đồng chủ trì Hội thảo.
Tại phiên chuyên đề, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trong việc làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại Di tích núi Non Nước cũng như công tác bảo tồn di tích trong giai đoạn hiện nay.
PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Trong đó, tham luận "Cảm quan về môi trường xung quanh núi Dục Thúy qua một số bia ma nhai", PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nêu ý kiến: Hiếm có di tích thiên nhiên nhưng cũng là nơi chứa đựng, lưu giữ nhiều di sản văn hóa thành văn từ nhiều triều đại, nhiều thế kỷ với khoảng cách khá xa từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX như núi Non Nước. Quần thể bia ma nhai núi Non Nước phong phú với 4 triều đại kéo dài 6 thế kỷ. Di sản bia ma nhai núi Dục Thúy hoàn toàn xứng đáng đề xuất UNESCO công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Tham luận "Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trong đô thị Cố đô di sản thiên niên kỷ Ninh Bình" của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tập trung vào các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan núi Non Nước và nghiên cứu, phổ biến giá trị hệ thống văn bia hiện còn trên núi; việc nghiên cứu toàn diện đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo của quần thể di tích; kết nối núi Non Nước với các di tích khác trong nhóm "Tứ đại danh sơn" của thành phố Ninh Bình, hình thành tour tham quan tìm hiểu "Tứ đại danh sơn" trong lòng thành phố... Đồng thời mong muốn tỉnh Ninh Bình tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa trong phát triển đô thị Cố đô di sản thiên niên kỷ.
Tham luận "Ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo vào giải pháp bảo tồn hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước" của Thiếu tướng Nguyễn Văn Bắc, Đại tá Nguyễn Hữu Tuấn... đã đưa ra các giải pháp để bảo tồn và lưu trữ thông tin hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước nhằm tăng cường khả năng truy cập và nghiên cứu cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công chúng, nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước...
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát biểu tổng kết Hội thảo.
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nêu rõ: Hội thảo đã làm việc với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, có 12 lượt báo cáo, 3 lượt ý kiến phát biểu trao đổi và những báo cáo khoa học khác. Hội thảo đã làm rõ lịch sử và quá trình kiến tạo núi Non Nước cũng như vai trò và tầm quan trọng của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Cố đô Hoa Lư - nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và di tích danh thắng, đặc biệt là kho tàng thơ văn Hán Nôm. Qua đó thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của kho tàng thơ văn khắc đá núi Non Nước, cần được nghiên cứu, khai thác, truyền thông để phát huy giá trị của kho tàng lịch sử văn hóa này.
Hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch và tôn tạo, bảo tồn di tích kho tàng di sản Hán Nôm tại núi Non Nước; đồng thời kết hợp với tuyến du lịch Danh thắng Tràng An. Các ý kiến tập trung vào việc sưu tập, thống kê chính xác và biên soạn cuốn sách núi Non Nước hoặc Quần thể danh thắng núi Non Nước Ninh Bình với 3 nội dung chính (lịch sử quần thể núi Non Nước, thơ văn tại quần thể núi Non Nước, thơ văn tại địa phương viết về núi Non Nước). Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một trong những bảo tàng thi ca của văn học trung đại.
Các tham luận, ý kiến cũng đề xuất cần số hóa 2D hoặc 3D các tư liệu Hán Nôm trên núi Non Nước để bảo tồn truyền thống và phát huy giá trị kho tàng di sản núi Non Nước. Tỉnh Ninh Bình nên cân nhắc để xây dựng 1 dự án riêng để bảo tồn núi Non Nước xứng đáng với lời ngợi ca của tiền nhân, phát huy hơn nữa giá trị của di sản, danh thắng trong chuỗi liên kết về hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình. Xây dựng quần thể di tích núi Non Nước gồm núi Non Nước và các di tích phụ cận khác (như núi Cánh Diều, sông Vân...), tiến tới quy hoạch quần thể di tích danh thắng núi Non Nước Ninh Bình thành di sản văn bia ma nhai của núi Non Nước Ninh Bình, đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi nhận, ghi danh vào danh sách là di sản tư liệu.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Hội thảo đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu thành Kỷ yếu Hội thảo làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tư liệu của vùng đất Ninh Bình. Đồng thời làm nguồn tư liệu giúp các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở nội dung Hội thảo, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói chung. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận sẽ là những tiền đề cần thiết tạo cơ sở khoa học khách quan cho việc hoạch định chính sách, thực hiện Kế hoạch Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước; hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.