Gần đây, năm sinh của danh y Lê Hữu Trác mới được cải chính (mới từ năm 2018 thôi). Trước đó, năm sinh của cụ ghi là 1720.
Còn bây giờ, tựa như đang thống nhất ghi năm 1724.
Đi một ít tư liệu.
Tháng
12 năm 2024,
Giao Blog
---This entry was posted on Tháng Mười Một 10, 2021
Góp phần đính chính về năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Phạm Quang ÁiĐại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong tứ trụ danh nhân văn hóa (Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ) không chỉ của xứ Nghệ mà còn là của cả nước trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX. Cuộc đời, sự nghiệp y học và sự nghiệp trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế. Chúng ta đã và đang ra sức khảo cứu, kế thừa và phát huy những di sản quý báu của ông để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, văn minh sánh tầm với các cường quốc năm châu. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan và chủ quan, xung quanh những gì liên quan đến thân thế, sự nghiệp và trước tác của Đại danh y còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề đó là việc xác định năm sinh và năm mất của ông, hiện nay, đang làm cho các nhà nghiên cứu và bạn đọc bối rối.
Từ các công cụ tra cứu trên mạng internet, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu có chứa đựng thông tin về năm sinh của ông nhưng không có sự đồng nhất. Hiện nay, phần lớn tài liệu đều ghi năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1720 và năm mất là 1791. Đó cũng là tư liệu chính thức được Lương y Lê Trần Đức và những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế dùng trong lần kỷ niệm 250 năm sinh Đại danh y vào năm 1970.(1). Từ đó đến nay, tất cả các lần tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại danh y ở tầm địa phương hoặc tầm quốc gia đều lấy năm 1720 làm năm sinh của ông và trong hầu hết các tài liệu chính thống viết về Lê Hữu Trác cũng như sự ghi chép ở các tấm bia, tượng đài, tượng thờ, tranh ảnh của ông đều thống nhất ghi năm sinh như trên. Trong khi đó, ở một số tài liệu khác lại đưa ra những thông tin khác nhau về năm sinh, năm mất của ông, tuy không phổ biến.
Về năm sinh, năm mất của Lãn Ông, trước hết phải kể đến thông tin của dịch giả, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940) trong bài Một nhà danh – nho và danh – y của nước ta ngày xưa – cụ Lãn ông, viết về Hải Thượng Lãn Ông, đăng liên tục trong hai số Tạp chí Nam Phong 69 & 70 năm 1923 [và sau đó, trong các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924) của Tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật đã công bố trọn vẹn bản dịch Việt ngữ tác phẩm Thượng kinh ký sự]. Trong bài viết trên, Nguyễn Trọng Thuật cho biết… “Cụ là con thứ bảy quan Thượng-thư họ Lê, làng Liêu-xá 遼舍, huyện Đường-hào 唐豪, tỉnh Hải-dương (bây giờ thuộc về huyện Yên-mĩ, Hưng-yên), tục gọi cậu “Chiêu Bảy”, sinh ở đời vua Giụ-tôn nhà Hậu-Lê, ngang lịch tây năm 1721, thọ ngoài 70 tuổi, chưa tường mất năm nào”(2). Năm 1959, NXB Văn học in bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ, Bùi Kỷ duyệt lại. Trong lời Tựa, dịch giả ghi rõ năm sinh của Lãn Ông là 1720 nhưng không ghi năm mất mà chỉ ghi là “Ông mất thọ 70 tuổi”. Dịch giả Phan Võ ghi như vậy, nếu tính tuổi âm lịch thì năm mất của Lãn Ông là 1789, còn tính theo tuổi dương lịch là 1790. Cũng như Nguyễn Trọng Thuật, khi đưa ra thông tin về năm sinh và tuổi thọ của Lê Hữu Trác, Phan Võ không cho biết là căn cứ từ đâu. Năm 1974, Ứng Nhạc Vũ Văn Đình cho ra mắt bản Việt dịch thứ ba in trong Tập san Sử Địa (số 26, 27 & 28) ở Sài Gòn. Trong Lời giới thiệu của dịch giả, Vũ Văn Đình có nêu tóm tắt tiểu sử Lãn Ông nhưng không có thông tin về năm sinh và năm mất;
Trong khi đó, từ năm 1971, trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam tập 1 của học giả, nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, Thư Viện Quốc Gia xuất bản (Hà Nội, năm 1971), sau đó, Nxb Văn Hoá tái bản (Hà Nội, 1984), ở mục số 211, khi khảo về bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, Trần Văn Giáp cho biết: Lê Hữu Trác “…sinh năm Giáp Thìn đời Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 5, ngày 12 tháng 11 tức là ngày (27 – 12 – 1724), tại quê mẹ và mất ngày 15 tháng Giêng, năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung (17 – 2 – 1791), thọ 67 tuổi”(3) . Thông tin về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất mà Trần Văn Giáp đưa ra trong tài liệu kể trên là căn cứ vào sách Văn Xá Lê tộc gia phả (Trần Văn Giáp, sách đã dẫn, mục 147, tr. 314-316) và về cơ bản là giống với thông tin trong các bộ gia phả họ Lê bằng quốc ngữ ở Liêu Xá (Hải Dương).
Như vậy, thông tin về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông hiện tại có những số liệu như sau: 1720, 1721 và 1724 và năm mất là: 1789, 1790 và 1791. Điều đáng nói là trừ học giả Trần Văn Giáp (tuy ông không dẫn chứng một cách tường minh), còn các tài liệu khác đều đưa thông tin một cách mặc định, không nêu căn cứ cũng như sự khảo đính. Trước tình trạng như vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải tìm cho được những tư liệu, bằng chứng có giá trị để hiệu khảo, đính chính về năm sinh và năm mất của Đại danh y.
Trước hết, chúng tôi tự xác định rằng: nếu tìm được những thông tin do chính Hải thượng Lãn ông tiết lộ trong các trước tác của ông thì đó sẽ là những chứng cứ đích đáng nhất. Thậm chí, trong những trường hợp, cảnh huống đặc định, những thông tin do chính tác giả bộc lộ sẽ có giá trị cao hơn, đáng tin cậy hơn là thông tin trong gia phả. Vì ngày xưa, phần lớn gia phả được chép bởi những người thuộc các thế hệ sau trong gia tộc nên khó mà biết được một cách chính xác những thông tin như ngày tháng năm sinh hoặc ngày tháng năm mất.
Từ sự định hướng nói trên, chúng tôi đã đọc kỹ bộ Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh qua bản dịch của Đình Thụ Hoàng Văn Hòe (xuất bản ở Sài Gòn năm 1972) và bản dịch của tập thể dịch giả miền Bắc trước năm 1975 (do NXB Y học xuất bản năm 2005). Đặc biệt, chúng tôi đã chú trọng tiến hành rà soát một cách tỉ mỉ thiên tùy bút – tự truyện Thượng kinh ký sự. Trong quá trình tìm tòi tỉ mẫn đó, chúng tôi đã phát hiện được hai chi tiết đắt giá. Chi tiết thứ nhất được tiết lộ trong đoạn Lê Hữu Trác thuật chuyện sau khi vào Trịnh phủ, thăm mạch, kê đơn cho Trịnh Cán lần thứ nhất, ông tìm cách khước từ mọi chức tước, bổng lộc để về quê. Không gặp được Huy Quận công Hoàng Tố Lý, là người đã bố trí cho ông vào chữa bệnh cho nhà chúa, ông tìm cách gặp viên Quận hầu là con trai Quận Huy để thăm dò tình hình và trình bày nguyện vọng. Lãn Ông đã nói với viên Quận hầu như sau: “Tôi vốn có chí hồng-nghê từ thủa nhỏ mà không gặp thời, phải về nương-náu chỗ sơn-cùng thủy-tận cho được dưỡng-nhàn. Nay tuổi đã sáu mươi rồi, mắt hoa tai điếc, còn làm gì được mà cầu tiến nữa…”(4). Cũng theo tác giả cho biết ở phần mở đầu thiên tùy bút thì ông được điều động về kinh đô để chữa bệnh cho chúa là vào “Năm Nhâm–Dần, niên hiệu Cảnh–hưng 景興 thứ 43 (1782), tháng Mạnh–xuân (tháng Giêng)”(5). Và sau gần một năm ở kinh đô Thăng Long, ông được trở về nhà vào ngày 02 tháng 11 cùng năm (1782). Ở thời điểm nói trên, ông nói mình đã 60 tuổi là theo cách tính tuổi âm lịch chứ tuổi dương lịch thì ông mới 59 tuổi; như vậy, năm sinh của ông sẽ là: (1782 – 59) + 1 = 1724.
Từ một tài liệu khác do chính Lãn Ông viết, cũng cho chúng ta dữ liệu để tính ra năm sinh của ông. Đó là trong lời tựa của chính Lãn Ông viết ở đầu quyển thủ của bộ Tân thuyên Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh toàn trật, ông cho biết “Tôi lúc mười lăm tuổi, tiên nghiêm (tức là cụ thân sinh, Tiến sỹ Lê Hữu Mưu) tạ thế…”(5). Theo sách Gia phả họ Lê, bản sưu tầm và biên dịch của ông Lê Tràng Thành năm 1959, cũng như các bản gia phả khác, thì cụ thân sinh Lê Hữu Trác là Tiến sỹ Lê Hữu Mưu sinh năm 1685 và mất năm 1739. Vậy từ năm mất của cụ Lê Hữu Mưu, sẽ tính ra năm sinh của Lê Hữu Trác là 1724.
Cũng trong Gia phả họ Lê (do Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch 1959), có một bằng chứng khác sẽ giúp ta dễ dàng bác bỏ cái thuyết Lê Hữu Trác sinh năm 1720 hoặc 1721 là cụ bà Bùi Thị Thưởng, thứ thất cụ Lê Hữu Mưu, sinh được 6 người con là: Châu, Tựu, Chuân, Ngoạn, Trác, Tố. Gia phả cho biết cụ thể: “Lê Hữu Tán, húy Tựu sau đổi là Đình Ngạc, làm Lễ Bộ Tư Vụ, rồi làm Tri phủ Anh Đô, hiệu là Thạch Trai, sinh năm Canh Tý 1720, mất năm Bính Ngọ 1786, thọ 67 tuổi, húy ngày 12 tháng 2, Ngài vào ở quê mẹ làng Phúc Tuy, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”. Như vậy người con thứ hai của bà Thưởng là ông Tựu sinh năm 1720, sau ông Tựu còn những hai người anh, chị nữa rồi mới đến Lê Hữu Trác. Rõ ràng, Lê Hữu Trác không thể sinh vào các năm 1720 hoặc 1721. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa năm sinh của ông anh Lê Hữu Tán (tức Tựu) với năm sinh của Lê Hữu Trác là vì Gia phả cũng như một số tài liệu địa phương chí Hán Nôm ở Hải Dương chép Lê Hữu Trác lúc trẻ có tên gọi thân mật là cậu Chiêu Bảy (ông là con trai thứ 7 trong số 8 người con trai trong gia đình) nhưng xét theo thứ tự năm sinh của 12 người con trai và gái của cụ Lê Hữu Mưu thì ông anh Lê Hữu Tán lại đứng thứ 7 và Lê Hữu Trác đứng thứ 11.
Về năm mất của Hải Thượng Lãn Ông, ngoài việc nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã nói rõ là “…thọ ngoài 70, chưa tường mất năm nào” và dịch giả Phan Võ cho biết rằng “Ông mất thọ 70 tuổi” (vì thế khó xác định được là mất năm 1789 hay năm 1790), còn hầu hết các bộ Gia phả của dòng họ và các tài liệu hiện hành đều thống nhất ghi là năm 1791. Về ngày tháng sinh và ngày tháng mất của Lãn Ông, các bộ Gia phả đều chép giống như trong tài liệu của học giả Trần Văn Giáp mà chúng tôi đã dẫn ở trên.Từ các căn cứ đã được phân tích, đối chiếu nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (27 – 12 – 1724) và mất ngày 15 tháng Giêng, năm Tân Hợi (17 – 2 – 1791), thọ 67 tuổi. Việc xác định đúng năm sinh của Lê Hữu Trác không chỉ góp phần đính chính một sự kiện trong tiểu sử của ông, quan trọng hơn, sẽ góp phần trong việc nghiên cứu thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Đại danh y. Hơn thế, đây cũng là căn cứ quan trọng để chúng ta đề xuất với các cơ quan chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế để lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 300 năm sinh của ông vào năm 2024.
Chú thíchNăm 1970, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1970). Nhà Nước giao cho Bộ Y tế chủ trì các công tác kỷ niệm ngày Đại Lễ này. Xem:
– Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB Y học, Hà Nội, 1966;
– Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Y học, Hà Nội, 1970;Nguyễn Trọng Thuật, Một nhà danh y và danh nho của nước ta ngày xưa – cụ Lãn ông, Nam Phong tạp chí số 69 năm 1923, trang 193;
Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam, tập 1, bản in lần thứ 2, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1984, tr.428;
Lê Trần Đức, Thân thế và sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,NXB Y học, Hà Nội, 1966;
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77 năm 1923, trang 463. Xem thêm bản dịch Thượng kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử – Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài Gòn; tr.226 và bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.558;
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong tạp chí, số 77 năm 1923, trang 372. Xem thêm bản dịch Thượng kinh ký sự của Vũ Văn Đình, Tập san Sử – Địa số 26, Nhà in Khai Trí, Sài Gòn; tr.199 và bản dịch Thượng kinh ký sự của Phan Võ in trong Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, tập 2, NXB Y học, Hà Nội, 2005; tr.539;
Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, quyển nhất, Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972; tr.32. .
Tài liệu tham khảo
Gia phả họ Lê, Lê Tràng Thành sưu tầm, biên dịch, 1959 (anh Lê Hữu Khánh cung cấp)
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Phan Võ, Bùi Kỷ hiệu đính, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1989;
Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Đình, Tập san Sử – Địa số 26-28, Sài Gòn, 1974;
Lê Hữu Trác, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh, 5 tập, Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972;
Lê Hữu Trác, Hải thượng Lãn ông Y tông tâm lĩnh, 2 tập, NXB Y học, Hà Nội, 2005
Nam Phong tạp chí các số 69 – 70 và các số 77, 78, 79, 80, 82, 85 và 87 (1923-1924)
Nhiều tác giả, Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, NXB Y học, Hà Nội, 1970;
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Địa chí Hải Dương qua tư liệu Hán – Nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009
https://nghiencuulichsu.com/2021/11/10/gop-phan-dinh-chinh-ve-nam-sinh-va-nam-mat-cua-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac/
Chính trị - Xã hội
Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng" sẽ được tổ chức vào ngày 2/8
30/07/2022 - 19:00
TĐKT- Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức thông tin báo chí giới thiệu về Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng" sẽ được tổ chức vào ngày 2/8. Hội thảo được thực hiện trên cơ sở đề nghị phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu hội thảo sẽ công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Đính chính và khẳng định lại năm sinh - năm mất, cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội - lịch sử… của đại danh y; xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, văn học, giáo dục, lịch sử trong nước, khu vực cũng như trên thế giới.
Sự kiện cũng là dịp để quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến, tầm ảnh hưởng của giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại đối với nền y học, nền văn hóa trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết về tấm gương y đức của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong toàn ngành y tế (dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2024).
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và chọn lọc hơn 40 bài tham luận của 40 tác giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà sử học, thầy thuốc… trên toàn quốc với đa dạng các chủ đề liên quan đến tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học và văn hóa dân tộc.
Các tham luận đáng chú ý như: “Góp phần cải chính năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” (tác giả Phạm Quang Ái); “Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI” (tác giả: Phó Giáo sư Biện Minh Điền; “Kế thừa và phát huy những di sản quý báu của Hải Thượng Lãn Ông tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh” (tác giả: Bùi Thị Mai Hương)…
Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn).
Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.
Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam".
Hồng Thiết
http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoi-thao-hai-thuong-lan-ong-su-nghiep-va-tam-anh-huong-se-duoc-chuc-vao-ngay-28
..
---
CẬP NHẬT
2. Tin của Truyền hình Hưng Yên
Hội thảo khoa học quốc tế "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản"
1.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hội thảo quốc tế với chủ đề "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác-Danh nhân văn hóa và giá trị di sản". |
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (năm 1724). Ông sinh ra trong gia đình, dòng họ hiếu học, khoa bảng và truyền thống văn hóa đặc sắc của hai vùng quê Hưng Yên và Hà Tĩnh, từ đó góp phần hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, tài năng và nhân cách của Lê Hữu Trác.
Với trí tuệ uyên bác về y học, ông đã nhanh chóng nâng tầm về y đức, y lý, y thuật và dược học đương thời lên tầm cao mới, thành học thuật kinh điển với phương châm "Nam dược trị Nam nhân".
Ông đã kiến tạo và củng cố thành hệ thống các chuẩn mực về đạo đức của người thầy thuốc. Chín điều trong Y huấn cách ngôn của ông được coi như lời thề đối với những người theo nghiệp đông y.
Với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác được xem là Đại danh y, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với hai chữ "Lợi danh"
Phát biểu chỉ đạo, đề dẫn tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức; danh nhân văn hóa mang tầm vóc quốc tế, xứng đáng được nhân loại tôn vinh. Lê Hữu Trác để lại khối di sản lớn, đặc biệt là bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh với giá trị thời đại.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung làm sâu sắc và sáng tỏ hơn những vấn đề sau: Thân thế, sự nghiệp, quê hương và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học cổ truyền Việt Nam, đối với nền văn học, văn hóa dân tộc và nhân loại.
"Chúng ta cần tiếp tục khẳng định những giá trị tư tưởng mà bậc danh nhân đã để lại cho hậu thế", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công bố những nghiên cứu mới, góp phần khai mở hướng tiếp cận mới về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với tư cách là Danh nhân văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong thời đại ngày nay. Xác định vinh dự và trách nhiệm của hậu thế trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị mà ông đã tạo lập trong giai đoạn mới, đồng thời, giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước; quảng bá tiềm năng, lợi thế, lịch sử văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu làm rõ thân thế, sự nghiệp và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; sự nghiệp y học của ông, đồng thời khẳng định ý nghĩa sự kiện UNESCO tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và việc phát huy giá trị di sản của ông trong thời đại ngày nay; sự nghiệp y học và tư tưởng chữa bệnh cứu người của ông; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông trong Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam.
Phạm Văn Hà
https://nhandan.vn/hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-danh-nhan-van-hoa-va-gia-tri-di-san-post851628.html
0. Về bản dịch năm 1924 của cụ Nguyễn Trọng Thuật
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, bình luận, trao đổi về nội dung sách Thượng Kinh ký sự (Nguyễn Hữu Sơn-Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm, biên soạn giới thiệu) trên cơ sở tư liệu bản dịch của nhà Hán học Nguyễn Trọng Thuật.
Buổi Tọa đàm góp phần khẳng định vị thế danh nhân văn hóa Lê Hữu Trác trong nền văn học dân tộc, khu vực phương Đông và thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn chủ trì tọa đàm. |
Cuốn sách “Thượng Kinh ký sự” được ra mắt nhân dịp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) lần thứ 42 ra nghị quyết Vinh danh và kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác (1724-2024).
Cuốn sách gồm 18 chương, được xem là tác phẩm viết về đề tài du ký đầu tiên của văn học nước ta. Trong ấn bản đặc biệt này có in ảnh toàn bộ văn bản Hán văn của “Thượng kinh ký sự”, mang đến cho bạn đọc một ấn bản tương đối hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay.
Cuốn sách "Thượng Kinh ký sự" do Nguyễn Trọng Thuật dịch (Nguyễn Hữu Sơn-Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm, biên soạn giới thiệu). |
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn viết: “Danh y Lê Hữu Trác với ngòi bút tài hoa đã khéo léo trình bày tư tưởng của mình qua các trang ghi chép và nhất là các bài thơ độc lập của ông.
Văn thơ ở “Thượng Kinh ký Sự” đã đạt tới sự giản dị và sâu sắc của bậc túc nho luôn trải lòng mình để nói về nghề y, về đạo đức, về đạo làm quan và về đạo làm người. Tất cả những điều ấy đã cho thấy sự dụng tâm cao vời vợi cũng là mong muốn đóng góp với đời không chỉ các bài thuốc ích nước lợi dân mà còn cả những áng thơ văn để người đời sau nhìn vào đó tự răn mình.
Cái hơi văn của cụ Lê Hữu Trác, cái tài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông đã hòa quyện thanh thoát đưa đến cho người đương thời, người đời sau sự hữu dụng mà hậu nhân hôm nay đều kính phục cụ”.
Buổi Tọa đàm có sự tham dự của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Nhiều ý kiến, đánh giá thẳng thắn đã được các đại biểu chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Thanh Tùng chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Khoa Hán Nôm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đã dành nhiều thời gian chia sẻ về bản dịch "Thượng Kinh ký sự" của dịch giả Nguyễn Trọng Thuật. Theo đó, "Thượng Kinh ký sự" đến nay có khoảng 70 bản dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, trong đó chủ yếu là tiếng Việt, 1 bản dịch sang tiếng Pháp.
Bản dịch Nguyễn Trọng Thuật là bản đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ vào năm 1923-1924. Đây cũng là bản dịch chưa từng được in thành sách.
Kết cấu sách thấy được sự công phu và khoa học của những người biên soạn. Thể thức trình bày, lời văn vẫn được giữ nguyên đó là sự tôn trọng với bản dịch đầu tiên. Hai tác giả (Nguyễn Hữu Sơn-Nguyễn Xuân Tuấn) đã cất công đi tìm, sao chụp lại những văn bản nguyên tác Hán văn. Điều này là vô cùng ý nghĩa vừa giới thiệu một cách hoàn chỉnh về tác phẩm gốc mà còn nâng tầm tác phẩm, giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội đối chiếu giữa bản dịch với bản gốc.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, báo chí, Trường đại học Văn hóa, chia sẻ tại buổi Tọa đàm. |
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, báo chí, Trường đại học Văn hóa, ghi nhận, cuốn sách có tính liên ngành và sự kế thừa tiếp nối của hoạt động dịch thuật từ Nguyễn Trọng Thuật của hàng trăm năm trước đến bối cảnh hôm nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn và nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn đã có công trong việc làm sống lại những công trình như này. Qua cuốn sách chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh và đầy đủ hơn để di sản văn hóa của cha ông trong quá khứ. Đó là tấm lòng của những người trí thức, những người làm công tác văn học luôn đau đáu với câu chuyện văn hóa. Những công trình như này là hết sức cần thiết.
Là một giảng viên của trường Đại học Thăng Long, cũng là người nghiên cứu nhiều về Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, thạc sĩ Trần Văn Quyến đã chia sẻ những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Lê Hữu Trác thông qua các tư liệu lịch sử mà anh đã tiếp cận. Đặc biệt, anh ghi nhận phần Phụ lục được Nguyễn Hữu Sơn - Nguyễn Xuân Tuấn đưa vào rất có giá trị. Bởi qua đó giúp độc giả tiếp cận "Thượng Kinh ký sự" một cách toàn diện hơn.
Năm 2024, UNESCO sẽ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Qua chia sẻ của các đại biểu, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Hữu Trác lại được làm rõ hơn cũng như góp phần để cuốn sách "Thượng Kinh ký sự" (Nguyễn Hữu Sơn-Nguyễn Xuân Tuấn sưu tầm, biên soạn giới thiệu) trên cơ sở tư liệu bản dịch của nhà Hán học Nguyễn Trọng Thuật, đến gần với công chúng hơn, cũng như một sự tri ân đối với danh y lỗi lạc của dân tộc.
Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, là một nho gia và danh y kiệt xuất của Việt Nam vào cuối thời Hậu Lê. Ông sinh năm 1721 tại xã Liễu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình khoa bảng danh giá, với cha và chú đều đỗ tiến sĩ và làm quan đại thần.
Từ trẻ, ông đã nổi tiếng học giỏi và hay chữ. Năm 20 tuổi, trước bối cảnh xã hội rối ren dưới triều Trịnh Giang độc đoán, giặc giã khắp nơi, ông quyết định rời bỏ sách vở để tham gia quân đội.
Khi đang trong quân ngũ, ông phải trở về quê ngoại ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) để chăm sóc mẹ già thay anh trai. Tại Hương Sơn, ông mắc bệnh dai dẳng và được một thầy thuốc họ Trần chữa khỏi. Sự việc này đã thay đổi cuộc đời ông, khiến ông từ bỏ con đường quan lộ, toàn tâm nghiên cứu y học.
Ông trở thành một danh y nổi tiếng, mở trường dạy học và biên soạn bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, một kiệt tác của nền Y học cổ truyền Việt Nam.
Đại diện Sàn Văn hóa Học và Đọc Việt Nam-Hocdoc.vn trao tặng sách cho Học viện Khoa học xã hội. |
Nhân dịp này, Sàn Văn hóa Học và Đọc Việt Nam-Hocdoc.vn đã trao tặng cho Học viện Khoa học xã hội 50 cuốn sách “Thượng kinh ký sự”. Đồng thời, sàn cũng đã gửi công văn trao tặng 200 cuốn sách “Thượng kinh ký sự” cho Tỉnh ủy Hưng Yên và 200 cuốn sách “Thượng Kinh ký sự” cho Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh.
https://nhandan.vn/toa-dam-khoa-hoc-ve-cong-trinh-dich-thuat-nghien-cuu-lien-nganh-tac-pham-thuong-kinh-ky-su-post851114.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.