Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/11/2024

Tạp chí Nghiên cứu Phật học : Tìm hiểu về Tứ pháp với tín ngưỡng thờ Mẫu (bài Nguyễn Thị Anh)

Một bài viết mới trên tạp chí NCPH.

Lần đầu tiên thấy tên của tác giả.


Tháng 11 năm 2024,

Giao Blog


---

Tìm hiểu về Tứ pháp với tín ngưỡng thờ Mẫu

ISSN: 2734-9195 09:30 20/11/2024

Các thương nhân Ấn Độ trên con đường thương mại đã mang tín ngưỡng của mình vào Luy Lâu, rồi hoà nhập với tín ngưỡng bản địa hình thành nên Phật giáo Tứ Pháp, với hình tượng người mẹ là Phật Mẫu Man Nương.


Tác giả: Ths Nguyễn Thị Anh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Tóm tắt: Bốn vị trong Tứ pháp đều là nữ. Đó là bốn vị Phật Mẫu trong tín ngưỡng đa thần giáo của Việt Nam, bao gồm nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi Pháp Điện. Người sinh ra bốn vị nữ thần là Phật mẫu Man Nương – người có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên. Cùng với sự phát triển Phật giáo, các nữ thần này được đón nhận và được sùng bái như những Phật Mẫu. Vì vậy tín ngưỡng Tứ pháp chính là tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này xuất phát từ vấn đề Mẫu hệ và tục thờ nữ thần cổ xưa. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu cụ thể là thờ Tứ pháp, dân ta gửi gắm mong muốn mưa thuận gió hóa, sinh sôi nảy nở, cuộc sống ấm no.

Từ khóa: Tứ Pháp, Man Nương, Phật Mẫu, nữ thần, tín ngưỡng

1. Vấn đề mẫu hệ và tục thờ nữ thần cổ xưa

Mẫu hệ là hình thái tổ chức xã hội xưa nhất trong xã hội loài người, xuất hiện khi người tinh khôn hình thành. Trong chế độ này người phụ nữ có vai trò quyết định, chủ yếu là phân công nhân lực lao động. Trong xã hội nguyên thuỷ, con người sống chủ yếu bằng hái lượm. Hái lượm là công việc không cần dùng nhiều sức mạnh nên phụ nữ làm là chính. Trong xã hội Công xã Nguyên thuỷ, họ không nhận thấy vai trò của người đàn ông, chẳng hạn như mang thai, họ cho rằng phụ nữ có thai vì những lý do rất thuần túy như tắm suối, bị linh hồn nhập... tín ngưỡng nguyên thuỷ vừa là sự phản ánh vừa góp phần duy trì vị thế của người phụ nữ.

Vị trí người nữ trong đời sống nông nghiệp rất quan trọng, cũng như trong thực tế cụ thể của dân tộc. Trong nền văn minh lúa nước, có nhiều tập tục gắn liền với tín ngưỡng về nữ thần Lúa, mẹ Lúa góp phần vào việc xác định thêm vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sản xuất, vai trò này được củng cố dưới chế độ mẫu quyền. Nước ta là nước nông nghiệp sống bằng nghề trồng lúa. Vì thế trong thần thoại Việt Nam, từ thời Hùng Vương đã có câu truyện về nữ Thần Lúa(1). Nữ thần lúa là con gái Ngọc Hoàng, được đưa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Đối với nông nghiệp trồng lúa vô cùng quan trọng và vị thần được thờ cúng chính là nữ thần Lúa.

Trong quá trình sản xuất, người ta nhận ra rằng, cây lúa muốn phát triển được phải nhờ đến thiên nhiên trong đó quan trọng là nước. Người nông dân xưa thường chỉ dựa vào quy luật mưa, nắng của thời tiết mà gieo trồng sao cho thích hợp với tự nhiên. Trước sự thất thường của thời tiết, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nhận thức của con người về thế giới tự nhiên còn hạn chế, người xưa không có lời giải thỏa đáng dẫn đến tâm lý sợ hãi. Từ tâm lý sợ hãi dẫn đến sùng bái các hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Và kết quả họ coi những hiện tượng này là do các vị thần linh chủ quản đến mưa nắng tạo nên.

Trước khi các tôn giáo trong đó có Phật giáo du nhập vào Việt Nam, người Việt cổ đã tưởng tượng các thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp mà người ta hay gọi là “ông giời”, “ông trời”. Tuy nhiên, thông tin về các thần linh ấy chỉ là những chi tiết tản mạn để phỏng đoán về một loại hình tín ngưỡng dân gian trước khi Phật giáo phát triển ở Việt Nam. Thông qua các vị thần linh nông nghiệp và những ghi chép tản mạn này chúng ta biết rằng, trước khi chịu ảnh hưởng của các tôn giáo trong đó có Phật giáo, người Việt đã tồn tại một hệ thống tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc của riêng mình.

Chùa Tổ Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang
Chùa Tổ Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

Phật giáo du nhập vào nước ta và nhanh chóng được tiếp nhận và hòa nhập cùng với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Sự thích nghi này chính là cơ sở cho sự ra đời của Phật giáo Tứ Pháp - một hình thức Phật giáo dân gian của người Việt. Sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã là tiền đề để cho những thần linh nông nghiệp bản địa nương theo hào quang của Phật pháp, nâng quyền năng linh thiêng của mình lên một tầm cao hơn đưa họ trở thành những nữ thần nông nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của nhân dân.

Những nữ thần đó là Phật Mẫu Man Nương, nữ thần Pháp Vân, nữ thần Pháp Vũ, nữ thần Pháp Lôi, nữ thần Pháp Điện. Như vậy trong nông nghiệp đã hình thành nên một hệ nữ thần có thể chi phối đến việc trồng cấy của nhân dân và được nhân dân hết sức tin tưởng và sùng bái.

2. Về Phật Mẫu Man Nương và Tứ pháp

Hình ảnh Man Nương trong truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương là hiện thân của sự hòa nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Hiện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 19 văn bản kho AE viết về thần tích các nữ thần: Thần tích xã Từ Vân, tổng Bình Lăng, phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, ký hiệu AE.a2/87; Thần tích Pháp Vũ tôn thần, ký hiệu AE.a3/18; Thần tích xã Từ Vân, tổng Bình Lăng, phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, ký hiệu AE.a2/87. Pháp Vũ tự thực lục 法雨寺實錄 A.293, Pháp Vân tiên hiền phả kí 法雲先 賢譜記 A.981, Pháp Vân xã tiên hiền bạ 法雲社先 賢簿 A.993, Cổ Châu Tứ Pháp phả lục古珠四法譜 錄. A.2051, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 A.33, Việt Điện u linh 越甸幽靈 A.751, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục 古珠法雲拂版行語錄 ký hiệu A.818… Tuy có những tình tiết thêm vào bớt ra nhưng vẫn có chung một nội dung: Truyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Man Nương và nhà sư Khâu Đà La. Thuở ấy bà là một người con gái rất sùng đạo. Năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây. Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền. Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư. Thiền sư dùng cây tầm xích (gậy tích trượng) gõ vào cây dung thụ (dâu) ở cạnh chùa. Cây dâu tách ra, Thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của Thiền sư, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán. Tiếp đó có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức (sông Dâu) rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng Phật đó được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau ở trên cùng một khu vực là Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Khi thợ tạc tượng thấy trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng).

Man Nương được coi là Phật Mẫu khi có lòng yêu thương, bao dung cứu vớt dân làng trước các hiện tượng thiên nhiên hà khắc. Tác phẩm đã phản ánh sự gặp gỡ và kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu và đạo Phật. Nhờ sự tiếp nhận Phật giáo, bốn vị thần nông nghiệp Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn đã trở thành những vị Phật bà – Tứ pháp: Pháp Vân (thần Mây), Pháp Vũ (thần Mưa), Pháp Lôi (thần Sấm), Pháp Điện (thần Chớp) mang ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sinh sôi nẩy nở. Man Nương dù sau này được Phật giáo hoá trở thành Phật Mẫu thì trong căn cội vẫn biểu hiện là một vị thần nước, mẹ nước vì khả năng chống hạn hán và bốn vị nữ thần do người sinh ra đều là thần có khả năng làm mưa. Không những thế bà còn mang bóng dáng bà mẹ xứ sở, đầy quyền uy. Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, trên hành trình thiên lý về hướng Đông đã dừng chân ở Bắc Ninh, trước khi tiếp tục khai phá những dải đất thấp và ven biển. Do vậy vùng Dâu, Luy Lâu là nơi phát tích của Phật giáo Tứ Pháp nay là Thuận Thành, Bắc Ninh.

Tôn tượng Phật Mẫu Man Nương tại Chùa Tổ Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang
Tôn tượng Phật Mẫu Man Nương tại Chùa Tổ Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: Minh Khang

Tồn tại và  phát  triển  trên  loại  hình  kinh tế trồng trọt, người nông dân đã sớm kết tụ cuộc vần xoay của tạo hoá vào lẽ đối đãi của âm dương, hầu như cái gì cũng có hai mặt, trời đất, sống chết, sáng tối…hai mặt này không đối lập mà tương hỗ lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Với cư dân nông nghiệp, lúa là cây lương thực chính, trồng lúa phải có nước, nước là yếu tố rất quan trọng. Lúa nuôi sống con người và được người nông dân quý trọng, biết ơn. Đất và nước là hai yếu tố không thể tách rời, với quan niệm đất đai là nguồn sống, tạo nên của cải và dần dần họ định hình nên nhiều vị thần nông nghiệp, đây là những vị mang nguyên lý âm, là nữ thần, là mẫu mẹ nguyên thuỷ. Sau đó các lực lượng khác chi phối là Mây, Mưa, Sấm, Chớp được tôn làm Tứ Pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cũng có thể nói đó là hoá thân của một vị - quyền năng tối thượng. Có thể thấy tín ngưỡng thờ các vị nữ thần có từ rất sớm, từ buổi đầu của xã hội mẫu hệ, người mẹ giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Việc phụng thờ các vị chính là bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong các vị che chở, ban phúc lành, mùa màng bội thu, người và vật an khang.

Cuối thế kỷ XV – nhiều thần nữ đã xuất hiện dưới dạng nữ tướng của Hai Bà Trưng, là công chúa con vua Hùng… được chính thức và thể chế hoá trong hệ thống làng xã, và rồi chính từ đời thực mà sinh động vậy, với tư duy nghệ thuật cổ tích, người dân lao động lại tưởng tượng ra những điều kỳ vĩ, mông lung, huyền ảo gắn với các bà, các mẹ để nâng họ lên khỏi cõi phàm trần, nhập thân vào thế giới siêu phàm - cuộc sống của thế giới thần linh. Trong niềm tin tưởng và yêu mến của những người đã xả thân vì nước, người dân vẫn giữ ý tưởng cho rằng những người làm nên những kỳ tích ấy không bao giờ chết mà họ đã hoá thành Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa, Thành Hoàng, các vị tổ nghề”(2) Huyền tích về Man Nương thực chất là cuộc hôn phối giữa đạo Phật với tín ngưỡng dân gian, tiền thân của Tứ Pháp thờ ở Luy Lâu và nhiều vùng khác.

Trong ghi chép ở văn bản Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục A.818, Sĩ Nhiếp cho tạc bốn pho tượng từ cây lớn nuôi dưỡng con gái của A Man và chia cho bốn phường thuộc thành Luy Lâu dựng chùa để phụng thờ. Văn bản Cổ Châu cũng ghi rất rõ rằng “Tượng làm xong lúc chưa đưa vào chùa trời đang nắng to, ngầm cầu xin thì bỗng nhiên mưa lớn đổ xuống, nhân đó bèn đặt cho 4 pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện”(3). Bốn vị thần chủ về mây, mưa, sấm, chớp. Để có được một trận mưa phải có ít nhất 4 hiện tượng tập hợp lại, và người xưa cho rằng mỗi hiện tượng này được làm bởi phép của một vị thần. Phép làm ra mây do thần Mây – Pháp Vân đảm nhiệm, phép làm ra mưa do thần Mưa – Pháp Vũ đảm nhiệm, phép làm ra sấm do thần Sấm – Pháp Lôi đảm nhiệm, phép làm ra gió do thần Gió – Pháp Phong đảm nhiệm. Một điều chắc chắn rằng khi Phật giáo du nhập vào nước ta, người Việt đã có sẵn các thần mây, mưa, sấm, gió của mình.

Pháp Vân được thờ tại chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, tượng Pháp Vũ được thờ ở chùa Đậu, chùa của bà bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp nên chuyển về thờ ở chùa Dâu cho đến nay, tượng Pháp Lôi được thờ ở chùa Tướng cũng thuộc xã Thanh Khương, tượng Pháp Điện được thờ ở chùa Dàn thuộc xã Trí Quả, huyện Thuận Thành.

Tôn tượng Pháp Vân tại Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: BTBN
Tôn tượng Pháp Vân tại Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) - Ảnh: BTBN

Theo quan sát của chúng tôi trong những chuyến điền dã về Bắc Ninh, bốn pho tượng có hình thức gần giống nhau, điều đáng chú ý là tượng Phật nhưng không mặc áo cà sa mà lộ thân, các pho tượng đều có màu da nâu, trán có chấm đỏ tròn, ngồi trên đài sen với thế tay ban phát, từ hình tướng có thể khẳng định đó là hình dáng người phụ nữ Ấn Độ trẻ đẹp, khuôn mặt từ bi. Có thể thấy các pho tượng Tứ Pháp ảnh hưởng phong cách tạo hình Ấn Độ nguyên thuỷ, kết hợp với văn hoá nghệ thuật Phật giáo Việt Nam tạo nên những tác phẩm đậm bản sắc.

Trong bốn vị Phật, Phật Pháp Vân được coi là “chị cả”, linh thiêng nhất. Văn bản Cổ Châu Phật bản hạnh A.818 chép như sau: “Phật Pháp Vân tối linh trong nước, phàm gặp năm hạn hán, bệnh dịch, vâng quốc mệnh đến cầu đảo lập tức công hiệu. Các bậc công khanh sĩ dân, những người không con đến cầu đảo đều công hiệu, cho đến các quan lại, người buôn bán chăn tằm, cấy lúa, hễ cầu đảo đều được như ý nguyện”(4). Quả thực Phật Pháp Vân vô cùng đặc biệt, tối linh thiêng và có quyền uy gần như tối thượng, chúng ta phải biết rằng Phật pháp không làm được như thế, những chức năng này giống của thần hơn, chỉ thần mới có quyền uy như vậy. Có lẽ các nhà truyền giáo đã nhận thấy Phật giáo muốn bám rễ vào nước ta thì phải có sự dung hoà với tín ngưỡng dân gian, phải có quyền năng ban phát cho dân chúng mới nhanh chóng nhận được sự kính ngưỡng từ họ. Và điều đặc biệt chỉ Phật Pháp Vân mới gắn liền với viên đá vốn là con gái của Man Nương và Khâu Đà La, có lẽ đấy là ám chỉ cho việc Phật Pháp Vân quyền uy hơn hẳn, tuy nhiên việc xây dựng hình ảnh viên đá – Thạch Quang Phật trong Cổ Châu và trong tín ngưỡng dân gian là khác nhau, điều này cho thấy sự áp đặt, khiên cưỡng.

Trước kia những chùa Tứ Pháp được dân vùng ấy tổ chức các lễ cầu đảo mỗi khi hạn hán. Người dân tin rằng vùng nào rước chân nhang về thờ thì vùng ấy mưa thuận gió hoà, được mùa no ấm. Với Phật Tứ Pháp là vị Phật quyền năng, gần gũi và phù trợ cho nhân dân.

3. Về tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ nền tảng văn hóa Việt. Đó là tiến trình của Tục thờ Nữ Thần - Mẫu Thần - Tam Tòa Tứ Phủ. Căn tính Mẫu trong văn hóa Việt Nam là sự đan xen giữa huyền thoại và lịch sử, hay nói khác là huyền thoại hóa lịch sử và ngược lại: Mẹ Âu Cơ - Trưng Vương (Phật Mẫu, Thánh Vương) - Các huyền thoại Việt Mường - Tứ Pháp (Vân - Vũ - Lôi - Điện) - Liễu Hạnh / Tam Tòa Tứ Phủ.

Đối với văn hoá người Việt, bên cạnh những anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi, trong tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện hình tượng phụ nữ mang thân phận khác nhau hoá thần, hoá thánh, hoá bà tiên, bà chúa.

Dưới tác động của nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau trong lịch sử, hình ảnh người phụ nữ hiển thần vô cùng quyền năng và tối linh, không chỉ riêng bà trong mối quan hệ với cõi trời mà xung quanh bà còn tập hợp các vị thần thánh khác, tạo nên một hệ thống cai quản nhiều cõi, chi phối cuộc sống con người.

Mẫu Liễu Hạnh là vị thần được các nhà nghiên cứu quan tâm hơn cả, hầu như các nghiên cứu đều lấy hình tượng Liễu Hạnh làm trục để nghiên cứu và khảo luận về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Huyền tích ly kỳ về Thánh Mẫu tam sinh, tam hoá đã diễn tả sự bất tử của thần linh tính nữ trong tâm thức dân gian. Về lai lịch gốc gác của các vị thánh trong Tứ phủ đến nay vẫn còn khá nhiều vấn đề, thông qua các văn bản như Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm, Sự tích về Liễu Hạnh của Nguyễn Đổng Chi, các thần tích, ngọc phả của dòng họ, tài liệu văn chầu, giáng bút lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể phác hoạ nên được về hình ảnh Mẫu Liễu và các vị thánh. Câu chuyện kể về ba lần giáng trần của chúa Liễu. Lần đầu tiên do làm vỡ chén ngọc bị Ngọc Hoàng trích giáng xuống trần, lấy chồng sinh con. Lần thứ hai giáng trần về thăm nhà, thăm bố mẹ già và chồng con, nàng ngao du sơn thuỷ và sau đó kết hôn với người chồng tiền kiếp. Lần giáng trần thứ ba, đem hai tiên nữ giáng xuống Phố Cát, Thanh Hoá, lúc này người hiển rõ thần uy, ban phúc giáng hoạ, được triều đình phong tặng danh hiệu.

Lần thứ nhất chúa giáng sinh vào nhà họ Lê ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định. Một vùng quê yên bình, phong tục thuần hậu, một gia đình phúc hậu đêm ngày thờ phụng Thượng Đế. Hai vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có con, bỗng nhiên người vợ mang thai chỉ thích hương hoa, ngày ngày ở trong phòng. Phu nhân mắc bệnh lạ, người chồng được một đạo sĩ đưa hồn lên Thiên đình, được chứng kiến sự giáng trần của con gái Thượng Đế xuống làm con gái mình. Nàng là tiên nên dung mạo tuyệt trần, tài đức vẹn toàn. Đến tuổi cập kê nàng lấy Đào Lang là người có xuất thân kỳ lạ. Hai vợ chồng sinh được hai người con. Đến năm 21 tuổi mãn hạn trần gian, nàng không bệnh mà mất. Trên Thiên đình nàng buồn khóc không thôi, vua cha lại cho nàng xuống. Lần giáng trần thứ hai này, việc đầu tiên nàng đến thăm cha mẹ, dặn người anh phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Nàng khuyên người chồng là Đào Lang không nên quá đau buồn, giữ trọn đạo trung thần, chăm lo cha mẹ và nuôi dưỡng con cái. Nàng nói sau này sẽ được gặp lại trên Thiên đình. Sau đó, nàng biến hiện khắp nơi, những lễ vật người đời dâng cúng nàng đều đưa về cho gia đình. Vài năm sau, cha mẹ qua đời, chồng mất, các con khôn lớn, nàng rong chơi khắp chốn. Nàng lên Lạng Sơn gảy đàn ca hát, đối đáp với Phùng Khắc Khoan. Nàng lúc ẩn lúc hiện, dạo khắp thắng cảnh phồn hoa. Ở Tây Hồ nàng gặp lại Phùng Khắc Khoan cùng Ngô cử nhân, Lý Tú tài sau màn đối đáp văn thơ đều phục tài nàng. Sau đó nàng lại về làng Sóc, Nghệ An, kết hôn với chàng thư sinh, người này là chính là người chồng kiếp trước của nàng. Hai người cầm sắt hoà hợp nhưng người chồng có phần bỏ bê việc học, nàng bèn răn chồng khiến chàng tỉnh ngộ, chăm chỉ học hành. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chúa lại mãn hạn phải về trời. Lần giáng trần thư ba, nàng xin Thượng Đế cho được lên xuống bất chợt, ngao du tuỳ ý. Với lòng phàm chưa thể dứt, chúa xuống trần lần này nhưng là ban phúc cho người lành, giáng hoạ cho kẻ ác với quyền uy vô thượng khiến cho dân chúng và triều đình khiếp sợ xin lập đền thờ.

Mặc dù câu truyện về Mẫu Liễu có rất nhiều dị bản nhưng vẫn cho thấy nguồn gốc tiên giới của ngài. Thân thế, sự nghiệp cũng như những cuộc vân du khắp nơi trên nước Việt, khuyến thiện trừng phạt kẻ ác của Mẫu. Bà luôn đại diện cho người phụ nữ, đứng ra bênh vực cho người phụ nữ, toàn bộ cuộc đời và hành động của Chúa Liễu là thực hiện khát vọng sống độc lập, tự do của người phụ nữ. Trong tình hình đất nước, nhất là thời Lê Sơ trở đi, phụ nữ bị kìm kẹp trong vòng luẩn quẩn của tam tòng tứ đức, trọng nam khinh nữ, hình tượng Chúa Liễu điển hình cho khát vọng sống của người phụ nữ giai đoạn này.

4. Sự hoà quyện của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và tín ngưỡng thờ Mẫu đều là tín ngưỡng thờ nữ thần. Hai bà mẹ xuất hiện cách xa nhau về không gian và thời gian, có những điểm riêng song cũng có những điểm chung. Đó là sự thoả mãn nguyện vọng của chúng sinh, trừ gian diệt ác, mưa gió thuận hoà, dân khang vật thịnh bằng những phép thiêng của mình. Sự linh thiêng nhiệm mầu của hai mẫu đều thông qua hệ thống thần điện của mình. Mẫu Man Nương là mẹ của Tứ Pháp, Mẫu Liễu Hạnh đứng đầu Tứ phủ. Tứ Pháp – Tứ phủ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Phật mẫu Man Nương mỗi vị đều thoả mãn những ước muốn tinh thần và vật chất của người dân suốt bao thế kỷ qua.

Với Phật Mẫu Man Nương huyền tích về bà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian khi du nhập vào nước ta. Nơi phát tích của ngài là vùng Dâu – Luy Lâu Kinh Bắc. Đây được coi là trung tâm Phật giáo nước ta những thế kỷ đầu Công nguyên. Phật Mẫu cũng như Mẫu Liễu Hạnh đều đầu thai vào gia đình bình thường, Man Nương là con gái ông Tu Định, người Mãn Xá. Khi thụ giáo sư Khâu Đà La, nàng một lòng học đạo. Nàng bỗng nhiên có thai khi sư Khâu Đà La bước qua người nàng lúc nàng mệt quá nằm thiếp đi bên ngưỡng cửa. Từ đây số phận nàng thay đổi, đầu tiên phải kể đến sự tức giận của người cha vì con gái không chồng mà chửa, ông Tu Định đi tìm Khâu Đà La để hặc tội, văn bản không đề cập đến cảm nhận của Man Nương lúc ấy, nàng được cha mang về chăm sóc, sau 14 tháng sinh ra một người con gái. Phải chăng sư đã tạo nên người con của mình nhờ sự khổ luyện của Man Nương và nàng cũng trở nên thiêng hơn khi được sư trao cho cây gậy thần, có thể gọi mưa, tìm ra mạch nước ngầm giúp nhân dân qua khỏi nạn hạn hán. So với Man Nương, khi đầu thai vào nhà họ Lê ở Thiên Bản, Mẫu Liễu Hạnh sống một cuộc đời trần thế không có gì nổi bật, không đánh giặc, không khai khẩn vùng đất mới, không truyền nghề, không bốc thuốc chữa bệnh nhưng khi mất đi lại trở thành một vị thánh uy linh lẫm liệt, thành chúa, thành thần, có khả năng giúp vua đánh giặc, độ người dân trong muôn mặt đời sống. Có lẽ khi còn sống cuộc đời trần thế ngài đã tự giải phóng mình, làm chủ mình và khẳng định mình trong mọi lĩnh vực đời sống. Đó chính là khát vọng sống bấy lâu nay của nhân dân ta, chính hình ảnh đã cứu cánh họ khỏi những bức xúc hướng cho họ niềm tin cuộc sống, không bị gánh nặng cuộc đời làm cho mệt mỏi, là chỗ dựa tinh thần cho họ.

Trong cuộc đời của Phật Mẫu Man Nương, người không chỉ tìm nước cứu người dân khỏi cơn hạn hán mà sự thần kỳ ấy tiếp nối, cây lớn dung chứa người con gái A Man bị bão đánh đổ trôi xuống sông, được người ta vớt lên tạc thành 4 pho tượng thờ trong 4 chùa. Từ đây xuất hiện hệ thống Tứ pháp giúp dân được hưởng mưa thuận gió hoà. Phật Man Nương bà là một người mẹ của nhân dân, ban điều lành cho họ, bà thay mặt họ chỉ huy các thế lực siêu nhiên mà đại diện chính là hệ thống tứ pháp. Tuy nhiên, những điều ấy chưa đủ để xoa dịu nỗi khốn khổ trong cuộc đời nghiệt ngã của họ, người nông dân dưới chế độ phong kiến hà khắc, người phụ nữ chịu nhiều vòng kìm kẹp, khổ sở trăm bề. Tiếp nối tín ngưỡng mẹ nguyên thuỷ, Mẫu Liễu xuất hiện như nhu cầu tất yếu. Thánh mẫu Liễu Hạnh thật trần thế, người có ban phát có trừng phạt kể cả vua quan triều đình. Ban phúc lộc cho kẻ nghèo khó, hoạn hạn, người đã thực sự đi vào thế tục, nhập thế, dự vào cõi nhân sinh. Đối với tầng lớp thống trị bà là vị thần lộng hành, ngang ngược nhưng đối với nhân dân bà là người mẹ cứu độ. Cũng như Phật Mẫu Man Nương, Mẫu Liễu hoà nhập vào các bà mẹ nhân gian để tạo thành một hệ thống thờ Tam Tứ phủ, trở thành điện chủ của hệ thống này.

Vũ trụ quan của nhân gian từ thời Man Nương đến thời Mẫu Liễu Hạnh đã có nhiều biến đổi, biến đổi này phụ thuộc rất lớn bởi tín ngưỡng dân gian. Từ quan niệm nguyên thuỷ là các lực lượng thiên nhiên mây, mưa, sấm, chớp còn xa vời nay được cụ thể là các bà mẹ như mẹ Thượng Thiên, mẹ Thượng Ngàn, mẹ Thuỷ Phủ, miền trần gian Mẫu Liễu cai quản chia ra các miền, mỗi miền có một vị Mẫu cai quản. Hệ thống Tứ phủ đã tiếp thu quá khứ, nâng lên và biến đổi thành thứ đạo của cuộc đời, gần gũi giản dị. Đây chính là điều thu hút, thuyết phục khiến đạo Mẫu được dân gian đón nhận.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh gần gũi, bình dị hơn Phật Mẫu Man Nương, nhưng đồng thời cũng thấy rằng Mẫu Liễu Hạnh là sự tiếp nối, cụ thể hoá của Phật Mẫu Man Nương. Qua hai hình ảnh người mẹ, những vị thần nữ từ cõi cao xa trở nên gần gũi, thế tục hơn. Dù ở hình thức nào, dù câu chuyện được che phủ bởi màn sương Nho giáo, Đạo giáo thì trong dòng chảy của dân tộc, hình ảnh người mẹ - nữ thần mãi mãi bất tử. Đó là một đất nước kiên cường, anh dũng không hề bị tiêu vong bởi thiên tai, địch họa hay ngoại xâm.

Kết luận

Từ những trình bày trên chúng ta đã hình dung được sự hoà quyện của Tứ Pháp và tín ngưỡng thờ Mẫu. Các thương nhân Ấn Độ trên con đường thương mại đã mang tín ngưỡng của mình vào Luy Lâu, rồi hoà nhập với tín ngưỡng bản địa hình thành nên Phật giáo Tứ Pháp, với hình tượng người mẹ là Phật Mẫu Man Nương. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, con người với những nhu cầu khác nhau đã xuất hiện hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh. Từ những mong muốn điều hoà được thời tiết, ước vọng xa vời, dân gian đã xây dựng một bà mẹ có thể thoả mãn những nhu cầu rất đời sống của mình, Mẫu Liễu Hạnh ra đời trên cơ sở đó. Mẫu Liễu Hạnh chủ trương chống lại những thứ đạo đức giả tạo, biểu trưng cho hồi sinh và đổi mới, sống hồn nhiên và mang hy vọng đến cho mọi người.

Tác giả: Ths Nguyễn Thị Anh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
A. Sách tiếng Việt
1. Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh (1990), Tứ bất tử, Nxb.VHDT, H.
2. Trần Thị An (1992), Sự vận động của truyền thuyết về Mẫu qua những truyện kể về Liễu Hạnh và truyền thuyết nữ thần Chăm, Tạp chí Văn học.
3. Nguyễn Thị Huế (1992), Từ Phật mẫu Man Nương đến Thánh mẫu Liễu Hạnh, Tạp chí Văn học.
4. Võ Thị Hoàng Lan (2012), Về tục thờ Tứ Pháp của người Việt, Tạp chí Di sản văn hoá.
5. Nguyễn Mạnh Cường (2000), Chùa Dâu - Tứ pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp, NxB KHXH, H.
6. Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa văn hoá, NxB Văn hoá dân tộc, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, H.
7. Đinh Gia Khánh (1992), Tục thờ Mẫu Liễu và những truyền thống văn hoá dân gian ở Việt Nam, tạp chí Văn Hoá.
8. Ths. Mai Thị Huyền, Ths, Trần thị Nhung, “Việc cầu đảo của các vương triều quân chủ Việt Nam (thế kỷ thứ XI- XVIII)”, Tạp chí Nguyên cứu Phật học, số tháng 11/2022
B. Sách Hán Nôm
1. Thần tích xã Từ Vân tổng Bình Lăng phủ Thường Tín huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Đông, ký hiệu AE.a2/87
2. Thần tích Pháp Vũ tôn thần, ký hiệu AE.a3/18;
3. Thần tích xã Từ Vân tổng Bình Lăng phủ Thường Tín huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Đông, ký hiệu AE.a2/87.
4. Pháp Vũ tự thực lục 法雨寺實錄 A.293
5. Pháp Vân tiên hiền phả kí 法雲先賢譜記 A.981
6. Pháp Vân xã tiên hiền bạ 法雲社先賢簿 A.993
7. Cổ Châu Tứ Pháp phả lục古珠四法譜 錄. A.2051
8. Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 A.33
9. Việt Điện u linh 越甸幽靈 A.751
10. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục 古珠法雲拂版行語錄 ký hiệu A.818

CHÚ THÍCH:
(1) Nữ thần lúa, theo Thần thoại Việt Nam chọn lọc, NXB Thanh Niên, 2019, H.
(2) Nguyễn Minh San (1998), Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
(3) Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục A.818, tờ 10a
(4) Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục A.818, tờ 13a


https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tim-hieu-ve-tu-phap-voi-tin-nguong-tho-mau.html

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.