Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/10/2024

Những lời cuối tâm huyết viết năm 1783 của Hải Thượng Lãn Ông trong "Thượng kinh kí sự"

Nhà chúa mời cụ Lê Hữu Trác từ Hương Sơn xa xôi ra Thăng Long, để chữa bệnh cho thế tử Cán (lúc đầu), rồi sau có chữa cả cho chúa.

1. Nhiều tháng danh y ở Thăng Long, đã nhiều lần bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn và căn dặn cách bào chế thuốc, nhưng mãi sau này mới rõ: thuốc cụ cắt thời gian đầu cho nhà chúa, hoàn toàn không được dùng !

Vì sao ?

Vì lợi ích nhóm ở trong nhóm thầy thuốc chữa bệnh cho nhà chúa. Điều này được cụ Lê Hữu Trác thuật lại qua lời trao đổi qua lại nhiều lần với một thầy thuốc tên là Bảy. Tức là chuyện giữa hai thầy thuốc tên Bảy (cụ Trác cũng có tên ở nhà là Bảy). Hai ông Bảy đã đi đến nhận định chung: đám thầy thuốc trong Phủ Chúa cơ bản là đã dùng sai bài thuốc trong một thời gian dài, nên hai cha con chúa cứ dần mất chân khí, đến lúc suy kiệt cùng cực, không còn cứu vãn được nữa !

Sở dĩ thuốc của các ông lang kia được dùng, mà thuốc của Hải Thượng thời gian đầu bị bỏ, là do mối quan hệ chằng chịt ở trong Phủ Chúa, mà không đơn thuần chỉ là thuốc ! Nhà chúa tin dùng những ông lang đã có quan hệ lâu dài với mình.

2. Nhà chúa không sử dụng thuốc của Hải Thượng thời gian đầu, nhưng rất quí trọng tài năng và đức độ của cụ, muốn trao cho cụ một chức quan hậu hĩnh.

Người giao tiếp trung gian giữa Hải Thượng với nhà chúa là quan chánh đường Hoàng Đình Bảo - một chức quan cao nhất mà chúa Trịnh trao cho người thân tín bậc nhất.

Quan chánh đường và người con trai của ông, là hai vị có lòng hào hiệp, tính cách nho nhã, được Hải Thượng quí mến. Đặc biệt, người con trai của Hoàng Đình Bảo thì vô cùng yêu mến Hải Thượng, coi cụ như bậc thầy về y học và thi ca.

Tôi đọc những lời kể của Hải Thượng trong "Thượng kinh kí sự" mà cũng thấy nể cha con Hoàng Đỉnh Bảo.

Hoàng Đình Bảo cứ cố nài cụ nhận quan chức mà nhà chúa có ý trao cho cụ. Nhưng Hải Thượng một mực từ chối. Cụ có ý nguyện không dính đến quan trường từ khi còn là thanh niên.

Cha con Hoàng Đình Bảo nhiều lần đã thử thách, nên biết rõ chí hướng của Hải Thượng, là không bao giờ nhận quan chức mà chỉ mong mau chóng được về lại Hương Sơn. Bởi vậy, Hoàng Đình Bảo cũng khéo léo tìm cách xin với chúa nhiều lần, nhưng lần lữa mãi vẫn không được, thành ra, Lê Hữu Trác phải bất đắc kĩ ở lại cạnh Phủ Chúa trong thời gian dài.

3. Cuối cùng, cơ hội để Hải Thượng có thể về lại Hương Sơn đã tới.

Chúa đã qui liễu bởi kiệt sức vì bệnh. Chúa còn chưa kịp kí tên vào tờ di mệnh mà đã thăng (người khác phải ghi hộ). Sau này, trong chính phủ có lời dị nghị về tờ di mệnh đó.

Chúa qui liễu. Còn thế tử Cán thì trầm trọng không còn cách nào cứu bệnh được nữa, chắc sẽ mất trong nay mai.

Cha con Hoàng Đình Bảo thuận tình để cụ về Hà Tĩnh. Hai người rất lưu luyến khi tiễn Hải Thượng. 

Hải Thượng lên đường về nhà khi mà kiêu binh chưa nổi lên, cha con Hoàng Đình Bảo được nhà chúa tin dùng, quyền thế rất lớn.

4. Về đến nhà, Hải Thượng viết:

"Mồng 2 tháng 11 về đến nhà.

Vợ con mừng rỡ, kể lể tâm tình. Hôm sau, tôi cho lính hộ vệ tùy tiện về nhà hay lên kinh. Rồi sửa một con sinh làm lễ cáo gia đường. Bà con thân thích tron làng đến hỏi mừng, cố nhiên là tâm sự, hàn huyên không cần phải bàn".

5. Thế rồi, chỉ sau mấy ngày về đến quê, Hải Thượng đã nghe tin kiêu binh nổi loạn ở kinh thành. Cha con Hoàng Đình Bảo đã bị kiêu binh giết. Cụ viết:

"Được vài hôm, nghe tin cả nhà quan Chánh đường bị hại.

Tôi nghe tin thở dài.

Than ôi  ! Giàu sang như đám mây bay ! Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế".

6. Sau đoạn này, Hải Thượng viết mấy lời kết như sau để đóng lại "Thượng kinh kí sự":

"May sao, lời thề núi cũ không quên, tuy thân mắc vào dòng danh lợi, nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc. Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng. Lại về núi cũ, lại nằm yên trên đá, lại ngủ dưới hoa. Đang khi mơ màng, lại nghe đến việc xảy ra, giật mình bừng tỉnh. Tôi nghĩ bụng: mình không đến nỗi bị thiên hạ chế cười, chỉ nhờ "không tham" đó thôi !

Nhân khi nhàn rỗi, uống rượu, gảy đàn, chép lại đầu đuôi việc cũ để ghi nhớ lại. Khiến con cháu ở đời biết tùy duyên, thủ phận, biết tri túc tri chỉ, lấy việc "không tham" làm vinh, xem đó làm gương.

Hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ 44, tháng 11 năm Quí Mão.

"

Đây là những lời cuối cùng trong "Thượng kinh kí sự". Tôi đã đọc từ thưở lên mười, thậm chí đã thuộc cả đoạn này. Sau gần 40 năm, vẫn có thể nhắm mắt viết xuống mà không cần nhìn bản dịch.

Rút lại nội dung cụ viết, bằng keyword (từ khóa) kiểu hiện đại, thì là: nằm yên trên đá, nằm ngủ dưới hoa, tri chỉ tri túc (biết dừng biết đủ), không tham.


Quyển thứ 28 của Hải Thượng y tông tâm lĩnh, bản năm 1885, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.




Tháng 10 năm 2024,

Giao Blog


..


---

CẬP NHẬT


1.


Hướng tới Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024):


Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với hai chữ "Lợi danh"
NDO - Cùng với rất nhiều vấn đề về y đức, y đạo, y lý, y thuật, dưỡng sinh… Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn đề cập rất nhiều đến hai chữ “lợi danh” trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là trong Thượng Kinh ký sự.


Nguyễn Tùng Lĩnh

Thượng Kinh ký sự là tác phẩm được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết vào năm 1782, nội dung ghi chép lại những sự việc diễn ra trong chuyến đi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.

Trong tác phẩm này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã ký chép rất chân thực, sinh động bức tranh xã hội đương thời, từ cuộc sống của giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên, từ sinh hoạt đến trình độ của đội ngũ thầy thuốc cung đình… Qua Thượng Kinh ký sự ta thấy một lối văn giản dị, gần gũi, trung thành với hiện thực, không phê phán trực diện nhưng lại vô cùng tinh tế, sâu sắc.

Ngoài việc ghi chép hành trình lên Kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, Thượng Kinh ký sự còn gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm của Lê Hữu Trác về cuộc sống, về thế sự, trong đó nổi bật là quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông về vấn đề “lợi danh”, “danh lợi”, “công danh”,…

Chỉ với một thiên ký sự không dài nhưng có tới 10 lần tác giả sử dụng từ “lợi danh”, “danh lợi”, cùng với đó là gần chục từ có nghĩa tương đồng như “công danh”, “cái lợi”, “không tham”,… Có lẽ, trong văn học trung đại Việt Nam, ít có một tác phẩm nào đề cập nhiều đến vấn đề “lợi danh” như trong Thượng Kinh ký sự.

Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, tác giả viết: “Mình thuở trẻ mài gươm, đọc sách. Mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, không có cái gì là sở đắc. Mình đã xem công danh là vật bỏ, về núi Hương Sơn dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách, mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lý của Hoàng Đế, Kỳ Bá, lấy việc giữ thân mình, cứu giúp người cho là đắc sách lắm. Nay không ngờ lại bị cái hư danh làm lụy đến nông nỗi này”[1].

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với hai chữ "Lợi danh" ảnh 1

Tác phẩm Thượng Kinh ký sự.

Dọc hành trình đi từ Hương Sơn lên Kinh đô, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi hay qua các vùng núi non kỳ thú, tác giả đều đề thơ, ngâm vịnh ghi lại những cảm xúc của mình, đồng thời cũng không quên nhắc lại cái vòng luẩn quẩn của lợi danh. Khi đi qua đò Cấm (vùng Cầu Cấm - Nghệ An ngày nay), ông bộc bạch: “Thầm nghĩ đã ba mươi năm nay, mình xem cái trò danh lợi như ngọn nước chảy xuôi; chỉ lo vui chơi nơi rừng, suối, tự cho thế là đắc sách! Ai ngờ lòng mình đã không màng danh lợi, mà cái thân lại mắc vào chốn lợi danh…”[2].

Đến khi vào Trịnh phủ, xem và biết bệnh của Thế tử đã nặng, rốn đã lồi, chân tay gầy gò, phủ tặng yếu, nguyên khí hao mòn… Ông rất phân vân: “Bệnh thế này không bổ thì không được. Nhưng sợ mình không ở lâu, nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa…”[3].

Trong thời gian ở Kinh, biết tiếng của Hải Thượng Lãn Ông, đã có rất nhiều người tìm đến, người thì xin thuốc, người thì đàm đạo thơ văn. Ông bộc bạch: “Tôi ở Kinh chưa được nửa tháng mà từ các quan trong Kinh cho đến lính tráng, những người ngoài đường, nhiều người biết tiếng. Kẻ đến xin đơn, người nhờ bắt mạch, rất ồn ào…”, “Tôi nghĩ bụng: lúc đầu mình cũng chỉ muốn kiếm đủ tiêu thôi. Không ngờ, nay lại được nhiều gấp mấy lần. Nhưng lần này phú quý mình còn chẳng thiết tha nữa là cái lợi…”[4].

Cũng vì coi nhẹ lợi danh, bổng lộc, lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nên ông luôn dặn lòng: “Nhà ta mấy đời khoa giáp, theo lời dạy bảo của cha ông, lấy việc xu phụ nơi quyền quý làm xấu hổ…”[5]. Với Lê Hữu Trác, ông luôn sợ mình mắc vào vòng danh lợi, do vậy nên ông luôn tìm cách tránh xa mọi cám dỗ, ông sợ người đời chê cười: “Bấm đốt tay tính lại, đã ba mươi năm nay, mình tưởng đâu không sa vào cái vòng danh lợi, thế mà nay lại đến nông nỗi này chẳng khác như một người tù”[6], “thực mình không nghĩ gì đến danh lợi, thế mà cứ mắc mãi vào trong cái vòng cương tỏa, chỉ tổ để cho bạn bè chê cười..”[7].

Sau gần một năm “miễn cưỡng” lên Kinh đô chữa bệnh, chứng kiến cuộc sống của vương tôn thế tử, những buồn vui nơi kinh kỳ, Lê Hữu Trác tự đúc kết: “Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến lợi danh. Bổng chốc bị triệu, phải chống gậy lên Kinh ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt, mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thì đã muộn. May sao, lời thề núi cũ không quên, tuy thân mắc vào vòng danh lợi, nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc…”[10].

Đặc biệt, quan điểm của ông về lợi danh không chỉ thể hiện qua suy nghĩ, tư tưởng của ông mà còn thể hiện qua nhận xét, đánh giá của người đương thời được ghi lại trong tác phẩm: “Ta không ngờ ông ta lại vô tâm đối với công danh như thế”[8], “Người đời lấy việc được làm quan làm vui, ông này lại lấy việc từ quan làm may, thật là khác người”[9].

Và cũng vì không bị lợi danh mê hoặc nên ông có phần hài lòng với những việc mình đã làm, chung quy lại là cũng bởi ông không tham: “Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng. Lại về núi cũ, lại nằm yên trên đá, lại ngủ dưới hoa. Đang khi mơ màng lại nghe đến việc xảy ra, giật mình bừng tỉnh. Rồi nghĩ bụng: Mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ “không tham” đó thôi”[11]. Kết thúc Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông thổ lộ: “Nhân khi nhàn rỗi, uống rượu, gảy đàn, chép lại đầu đuôi việc cũ để ghi nhớ lại. Khiến con cháu ở đời biết tùy duyên, thủ phận, biết tri túc tri chủ, lấy việc “không tham” làm vinh, xem đó làm gương”[12].

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với hai chữ "Lợi danh" ảnh 2
Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Ngô Tuấn

Đọc Thượng Kinh ký sự cho thấy sự giống nhau khá kỳ lạ giữa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Cả hai ông đều thuộc vào hàng kiệt xuất lúc bấy giờ, sống cùng thời, đều thức thời, cùng lựa chọn vùng núi Hương Sơn-Thiên Nhẫn để ở ẩn, từ bỏ mọi công danh, bổng lộc triều đình.

Nếu như với Lê Hữu Trác thì “người đời lấy việc được làm quan làm vui, ông này lại lấy việc từ quan làm may”, “vô tâm đối với công danh”, thì Nguyễn Thiếp cũng vậy, từ chối bổng lộc, lời mời làm quan của ba triều (Lê mạt, Tây Sơn, Nhà Nguyễn), “Phu tử thì ẩn không ẩn hẳn, ra không ra hẳn. Làm quan thì làm quan trên núi trại, nhận chức thì chỉ nhận chức giáo dục quốc dân. Lúc thấy đạo khó đạt thì thôi, không sợ uy quyền, không tổn danh giá”14].

Điểm gặp nhau giữa hai nhân cách lớn đó để lại cho người đời những bài học đáng suy ngẫm về lẽ sống. Đặc biệt, hiện nay, khi Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân thì bài học về “lợi danh”, “danh lợi” của Lê Hữu Trác lại càng có ý nghĩa. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nói: “Tiền bạc nhiều để làm gì... Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Điểm qua một vài điều về “lợi danh” trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự để thấy rằng, trước sau, Lê Hữu Trác luôn xem nhẹ công danh, lợi lộc, tránh xa mọi cám dỗ vinh hoa, phú quý, ưa cuộc sống nhàn nhã nơi thôn quê rừng núi, gắn bó với cuộc sống của người dân lao động.

Với ông, danh lợi chỉ là thứ phù du, tầm thường, như gió thoảng mây trôi, không đáng để cho người ẩn sĩ bận tâm. Và cũng có như vậy, ông mới chuyên tâm hành nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người, trở thành một bậc Đại danh y vĩ đại của dân tộc, để người sau mãi mãi tôn vinh. Đúng như lời thơ ông viết: Chỉ có tiếng thơm đời để mãi/ Giàu sang phú quý cũng phù vân.

-----------

Chú thích:

[1]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.10.

[2]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.14.

[3]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.35-36.

[4]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.45.

[5]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội,1989, tr.110.

[6]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.45-46.

[7]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.105.

[8]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội,1989, tr.40.

[9]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.42.

[10]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.

[11]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.

[12]. Lê Hữu Trác, Thượng Kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr.143.

[13]. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, (Tái bản), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.263.


https://nhandan.vn/hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-voi-hai-chu-loi-danh-post842400.html?fbclid=IwY2xjawGTIh9leHRuA2FlbQIxMQABHXbaRUrHOvryGtInbYdmvqlqxszzF7qjhnDaZfNCMiDmYSR51WAcqwbE8A_aem_COsZsXSpVyP1pS2D4lstTA



---


BỔ SUNG


1.

Ông tổ ngành y Việt Nam và những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế

19-11-2022 15:09 | Y học 360

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là một đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc ta. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản về y học, văn hóa đồ sộ, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt và đến nay vẫn phát huy được tính thiết thực trong xã hội.

Quyết “bẻ tên cởi giáp” để chữa bệnh cứu người

Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 1791) nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thọ 67 tuổi. Lê Hữu Trác được sinh trưởng trong một gia đình khoa mục, cha là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ công, Triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư và mẹ là Bùi Thị Thưởng.

Lê Hữu Trác lúc nhỏ theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là người thông minh học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Năm Kỷ Mùi (1739), cha mất, ông phải thôi học, nhưng về nhà ông vẫn tiếp tục đọc sách, sau đó thi vào Tam Trường rồi sau không đi thi nữa.

Ông tổ ngành y Việt Nam và những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế - Ảnh 1.

Đại danh y Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 1791).

Lê Hữu Trác lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến triều Lê đang tan rã, nhà Trịnh đoạt quyền vua Lê. Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành quyền lực, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Năm 1740, nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm Khoái Châu, sát huyện Yên Mỹ. Lê Hữu Trác khi ấy 20 tuổi, phải lánh đi nơi khác để tiếp tục đọc sách, ông học binh pháp, rồi tòng quân. Song sống trong hàng ngũ quân Trịnh, ông tận mắt nhìn thấy sự mục nát của chính quyền phong kiến, cảnh đau thương của nhân dân. Vì vậy, khi được tin người anh ở Hương Sơn tạ thế, Lê Hữu Trác viện cớ xin về nuôi mẹ, ông quyết định ra khỏi quân Trịnh.

Về nhà ít lâu, Lê Hữu Trác bị bệnh nặng. Ông tìm đến Lương y Trần Độc ở Rú Thành (Nghệ Tĩnh) để điều trị, dưỡng bệnh ở đó hơn một năm. Ông mượn sách thuốc để đọc, lại thấy làm nghề y là có lợi thiết thực cho mình, cho người nên ông quyết chí học thuốc. Khỏi bệnh về nhà, ông mải miết đọc sách thuốc, một lần tướng Trịnh mời ông ra cầm quân, nhưng ông cương quyết chối từ. Ông xác định chí hướng làm thuốc giúp người.

Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô để học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông mua thêm sách thuốc mang về Hương Sơn nghiên cứu, đồng thời chữa bệnh cho nhân dân ở địa phương. Sau mười năm, ông đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh).

Từ năm 1760, ông mở lớp truyền dạy y thuật, nghiên cứu kinh điển Trung y kết hợp với y học cổ truyền biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, 28 tập, 66 quyển, là một bộ sách lớn về y học.

Ngày 12/1 năm Cảnh Hưng 43 (1782), Chúa Trịnh triệu Lãn Ông ra chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, Lãn Ông không muốn phải lụy về thư danh, nhưng ông vẫn phải từ biệt quê hương lên kinh đô. Thế tử uống thuốc, bệnh bớt nhưng Lãn Ông xét bệnh khó lòng khỏi, nhân có người tiến cử một lương y khác vào chữa, ông lấy cớ người nhà đau nặng xin về.

Ông tổ ngành y Việt Nam và những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế - Ảnh 2.

Hải Thượng Lãn Ông là một nhà y học lớn, một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn xuất sắc của nước ta vào thế kỷ thứ 18.

Di sản đồ sộ về cả y học và văn hóa

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ. Tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc, kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.

Với kiến thức rộng, chuẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi ông vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, ra tới tận kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra, ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách. Bộ sách ‘Y tông tâm lĩnh’ (những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước) được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm trời, bắt đầu vào lúc ông đã 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông tròn 50 tuổi (1770). Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm sau, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập trong ‘Y tông tâm lĩnh’ như ‘Y hải cầu nguyên’ (1782), ‘Thượng Kinh ký sự’ (1783), ‘Vận khí bí điển’ (1786). Sách của ông được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi và được nhiều học trò tín nhiệm nhưng tất cả đều không được in.

Ông tổ ngành y Việt Nam và những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế - Ảnh 3.

Quyển thứ 28 của Hải Thượng y tông tâm lĩnh, bản năm 1885, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Mãi đến một thế kỷ sau, vào năm 1885, năm trị vì đầu tiên của Vua Hàm Nghi, may mắn thay, hậu duệ và các thế hệ học trò cùng những người làm nghề y học cổ truyền ở nước ta mới sưu tầm được tương đối đầy đủ và nhờ nhà sư Thanh Cao (trụ trì ở chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ) đem khắc ván và in. Nhờ vậy, đến nay, chúng ta mới được thừa hưởng một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là ‘Hải Thượng Y tông tâm lĩnh’ gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…

Các tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Ông đã tạo nền móng phát triển cho ngành Đông y Việt Nam. Phần quan trọng nữa của những bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông. Tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được coi là "Bách khoa thư" y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại được Việt Nam và các cuốn như “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông là người có chí lớn, học rộng, tài cao, đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại trong nền y học, lấy phương châm phục vụ sức khỏe nhân dân làm sứ mạng của mình. Chẳng những chữa bệnh mà cụ còn nêu các phương pháp phòng bệnh.

Suốt 40 năm làm thuốc, Hải Thượng Lãn Ông đã đem hết tinh thần, nghị lực để xây dựng nền đông y Việt Nam toàn diện. Vừa có lý luận, phương pháp và thực tiễn về trị liệu, dùng các cây thuốc Việt Nam phù hợp với bệnh tật của người Việt Nam.

Ông tổ ngành y Việt Nam và những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế - Ảnh 4.

Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày nay, để ghi nhận công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, hằng năm Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của ông đối với nền y học nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Với tinh thần không chỉ tri ân, học tập, tôn vinh, mà hơn thế nữa, tiếp thu và phát huy giá trị của di sản Hải Thượng Lãn Ông trong thời đại ngày nay, Bộ Y tế đã từng ra Quyết định về việc quy định "Đạo đức hành nghề Y Dược", lấy 9 điều trong Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông làm "Đạo đức hành nghề Y Dược"; từng lấy ngày mất của ông làm ngày truyền thống y dược; từng ban hành Quy chế "Xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y Dược" Việt Nam;...

Thực hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, nhằm tri ân những, công lao, đóng góp, cống hiến của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024.

https://suckhoedoisong.vn/ong-to-nganh-y-viet-nam-va-nhung-di-san-do-so-de-lai-cho-hau-the-169221119140526218.htm


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.