Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

02/10/2024

Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở Nghệ An (2019, Mỹ Hạnh)

Bài của tác giả Mỹ Hạnh.


Tháng 10 năm 2024,

Giao Blog


---

Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở Nghệ An

Thứ sáu - 18/01/2019 10:21


Đề tài "Nghiên cứu các giải pháp bài trí thờ tự - sắp xếp đồ tế khí tại các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ Ando Ban quản lý Di tích Nghệ An chỉ trì nghiên cứu là 1 đề tài nghiên cứu công phú và có giá trị thực tiễn cao. Sau đây chúng tôi xin được giới thiệu nội dung nghiên cứu "Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở Nghệ An" trong khuôn khổ đề tài.


1. Đạo Phật ở Nghệ An

Phật Giáo được truyền vào Nghệ An là trường phái Phật giáo Đại thừa.Cùng với Nho giáo, Lão giáo, tín ngưỡng dân gian, Phật giáo tồn tại và phát triển một cách dung hòa và được nhào trộn theo tư duy, tính cách của người xứ Nghệ. Vì thế, Phật giáo ở đây mang đậm chất dân gian xứ Nghệ. Trong cách hiểu của nhiều người Nghệ, Phật cũng giống như thần, cũng có những quyền uy, phép thuật, trừ tai, giáng phúc… Nhưng Phật rất từ bi, rất bình dị, gần gũi, không phải là ông Phật ngồi trên tòa sen cao ngất ngưởng giảng thuyết những điều cao siêu, xa vời. Và một điều đáng nói nữa là người Nghệ An thờ Phật nhưng không quá sùng bái Phật.

Tại Nghệ An, dấu tích của Phật giáo được tìm thấy sớm nhất là từ thời Đường với Tháp Nhạn ở Nam Đàn. Dưới thời Lý, Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu Nghệ An,bên cạnh việc quan tâm đến đời sống vật chất, ông cũng hết sức chú trọng đến đời sống tinh thần và cho xây dựng nhiều chùa thờ Phật. Đến nay còn để lại một số di tích phật giáo như chùa Bà Bụt (Tiên Tích tự), chùa Nhân Bồi ở Đô Lương. Sang đời Trần, Trần Quang Khải khi làm quản hạt ở Diễn Châu đã xây cung thất sau đó cải đổi thành chùa thờ Phật. Đến thời Hậu Lê, Nguyễn, Phật giáo ở Nghệ An đã phát triển rộng khắp nơi, không chỉ ở đồng bằng mà còn lan truyền đến cả vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Hiện nay, một số vùng dân tộc Thổ, Thái ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ… còn phế tích của các ngôi chùa cổ như chùa La ở Minh Hợp (Quỳ Hợp), chùa Bục ở Đồng Văn (Tân Kỳ)... Những chùa tháp Phật giáo ở Nghệ An trước thời Hậu Lê hầu hết chỉ lưu trong sử sách hoặc còn phế tích. Đa số các chùa hiện còn ở Nghệ An được xây dựng từ thời Hậu Lê, đặc biệt là thời Nguyễn. Vì vậy, cách bài trí thờ phụng cũng mang dấu ấn của một ngôi chùa thời Nguyễn.  

Trong ba tông phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam là Thiền Tông, Tịnh Độ tông và Mật Tông thì trước đây ở Nghệ An chỉ có Thiền Tông và Tịnh Độ tông. Đặc biệt phái Tịnh Độ tông phát triển rất mạnh. Mục đích của những người đi chùa ngoài việc cầu bình an cho cuộc đời hiện tại còn mong cầu sau khi chết, linh hồn được siêu thoát về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà. Phái Thiền Tông có tồn tại nhưng không phổ biến và phát triển mạnh bằng Tịnh Độ tông. Riêng phái Mật Tông thì không có chùa nào. Chỉ có một số nghi thức, câu thần chú của Mật Tông được sử dụng xen lẫn trong nghi lễ ở các chùa nhằm để làm thiêng hóa nghi lễ Phật giáo và củng cố niềm tin cho tín đồ.


2. Đạo Lão ở Nghệ An

Đạo Lão ở Nghệ An, tồn tại cả hai phái tu tiên và phù thủy. Tuy nhiên phái phù thủy phát triển mạnh hơn và ăn sâu trong quần chúng nhân dân. Nghệ An trước đây, hầu như tổng, xã nào cũng có người hành nghề phù thủy. Cứ mỗi dịp đầu xuân, các làng đua nhau làm lễ tống ôn hoàng dịch lệ, nhương tai, nhương hạn… không có làng nào mà không mời thầy phù thủy về làm phép, dán bùa trừ tà ma, trừ dịch bệnh. Trong thời đại y học còn hạn chế, khoa học chưa phát triển thì việc tin vào phù phép là điều dễ hiểu. Và đó là môi trường thuận lợi cho đạo phù thủy phát triển, bám rễ bền chặt trong quần chúng nhân dân. Ngay cả trong thời hiện đại, khi các điều kiện về y tế, khoa học đã phát triển vượt bậc nhưng niềm tin vào phù phép vẫn còn dai dẳng.

Đạo Lão phát triển sâu rộng ở Nghệ An nhưng các di tích riêng biệt của Đạo Lão lại không nhiều lắm và không có các đạo quán lớn. Những nơi thờ tự của Đạo Lão thường lẫn lộn với việc thờ tự các thần linh trong dân gian. Các di tích liên quan đến Đạo giáo ở Nghệ An gồm quán Thiên Tôn (nay gọi là chùa Chợ Hến) ở xã Hưng Yên Bắc và các Thiện đàn như Lạc Thiện Đàn (Hưng Nguyên), Hiếu Thiện đàn, Chỉ Thiện đàn, Cư Thiện đàn (Nam Đàn), Hội Thiện đàn (Đô Lương), Giác Thiện đàn, Tuần Thiện đàn (Diễn Châu), Cổ Thiện đàn (Vinh)…Tuy nhiên việc thờ phụng ở thiện đàn không hoàn toàn chỉ thờ các vị thần linh Đạo giáo mà mang tính chất hỗn hợp nhưng yếu tố Đạo giáo nhiều hơn. Hiện nay, những di tích này đều được đổithành chùa hoặc đền. Ở những di tích này, ngoài thờ các vị thánh thần của Đạo Lão hoặc các vị thánh thần gốc Việt được du nhập vào Đạo Lão còn thờ Phật và các vị thần bản địa.Ngoài ra những người hành nghề phù thủy, nghề thầy cúng chuyên nghiệp thường lập các am, tĩnh, điện thờ thần linh đạo giáo và các vị thánh thần khác. Ở những nơi này tuy mang tính chất tư nhân nhưng thu hút một lượng lớn tín đồ đến lễ bái.

Mặc dù ở Nghệ An không có những đạo quán riêng biệt, to lớn nhưng sức ảnh hưởng của các vị thần linh trong hệ thống Đạo Lão đối với đời sống tâm linh của người dân xứ Nghệ lại rất mạnh mẽ. Rất nhiều đền, miếu tuy không có tượng thờ hay bài vị của các vị thần linh Đạo Lão nhưng trong văn tế, văn cúng và các nghi lễ trọng đại đều có thỉnh mời đến những vị đó, như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân, Văn Xương Đế Quân, Văn Khúc Tinh Quân, Các Vị Tinh Tú…Ngay trong các chùa Phật giáo cũng bài trí thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu là những vị thần cấp cao của Đạo Lão. Các loại bùa chú, phù phép, trấn yểm lưu truyền trong dân gian đại đa số đều có nguồn gốc từ phái phù thủy của Đạo Lão. Điều đó chứng tỏ rằng, sức sống của Đạo Lãotrong dân gian Nghệ An vẫn còn mãnh liệt và sâu sắc.


3.  Đạo Nho ở Nghệ An

Ở Nghệ An, Nho giáo được du nhập cùng thời như ở Việt Nam nói chung nhưng do điều kiện xa cách về mặt địa lý nên ở những thời kỳ đầu, Nho giáo rất mờ nhạt, chỉ những tầng lớp trên của xã hội mới có điều kiện tiếp xúc với Nho giáo. Ngay cả thời kỳ đầu độc lập tự chủ, Nghệ An vẫn là vùng trại nên Nho học vẫn chưa được phổ biến trong dân. Mãi đến thời Trần, Nho giáo mới dần dần khẳng định vị trí của mình với sự kiện một người bình dân thi đậu Trạng nguyên – đó là Bạch Liêu, ông trở thành người khai khoa cho xứ Nghệ. Chứng tỏ lúc này, Nho giáo đã lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.

Đặc biệt, từ thời Hậu Lê trở đi, ở Nghệ An, Nho giáo cực kỳ thịnh vượng. Nghệ An được coi là đất học, gắn liền với Nho giáo. Tầng lớp Nho sĩ ở xứ Nghệ chiếm số lượng nhiều, được xã hội trọng vọng. Như văn bia "Văn vũ hoạn bi" ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) đã khẳng định "[Việc học] ở xã ta có từ thời Lý, Trần và thịnh vượng ở thời Lê, Nguyễn. Văn thì làm đến trụ cột triều đình, Võ thì làm đến Công hầu, thật là nhân kiệt địa linh". Nghệ An là đất căn bản của nhiều triều đại, được coi là phên dậu của đất nước. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng kinh tế, ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, các vương triều phong kiến rất quan tâm đến việc mở mang vương hóa, phát triển giáo dục ở vùng biên viễn này. Nhờ các chính sách khuyến học, khuyến tài của nhà nước đã khiến cho Nho học ở xứ Nghệ có điều kiện phát triển. Kẻ sĩ xứ Nghệ nổi tiếng thông minh, hiếu học, thậm chí là khổ học. Khắp các làng quê xứ Nghệ không đâu là không chuộng Nho học. Ở xứ Nghệ có hàng chục làng nổi tiếng khoa bảng như Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Nho Lâm, Lý Trai (Diễn Châu), Trung Cần, Xuân Liễu, Hoành Sơn (Nam Đàn), Tam Công (Yên Thành), Kim Khê, Đông Hải, Cẩm Trường (Nghi Lộc), Võ Liệt, Đại Định, Cẩm Thái (Thanh Chương), Văn Trường (Đô Lương)… Có những gia đình "phụ tử đồng khoa" như cha con Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa ở Lý Trai (Diễn Châu), hay "độc bảng nhất danh" như Phan Bội Châu (Nam Đàn)… Suốt chiều dài lịch sử, từ triều Trần đến triều Nguyễn, Nghệ An có hơn 1769 người đậu Cử nhân trở lên, số người đậu Tú tài, Hiệu sinh thì nhiều vô kể. Truyền thống hiếu học ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. 


4.  Tín ngưỡng thờ thần nói chung

Người Nghệ An rất sùng bái thần linh vì vậy đền thờ thần có mặt ở khắp mọi nơi. Những công trình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống có quy mô to lớn, bề thế, hoành tráng, nổi tiếng ở Nghệ An đều là đền thờ thần như đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã, đền Chiêu Trưng, đền Cuông...Và việc thờ phụng ở làng xã thì thờ thần vẫn được coi trọng hơn thờ Phật.Nhiều làng xã ở Nghệ An không có chùa thờ Phật nhưng đền, miếu thờ thần thì làng nào cũng có. Có làng chỉ có một ngôi chùa thờ Phật nhưng có đến cả gần chục ngôi đền, miếu thờ thần. Điều đó chứng tỏ tín ngưỡng thờ thần ở Nghệ An có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống của người dân.

Nghệ An chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên ở Nghệ An hầu như không có đền thờ dâm thần/ác thần/tà thần...Đến nay, chưa phát hiện làng nào ở Nghệ An thờ tà thần.Theo kết quả kiểm kê di tích trong nhiều năm, toàn bộ các đền thờ ở Nghệ An đều thờ chính thần.Những nơi thờtà thần dường như đã bị loại bỏ hoặc phải cải biên thần tích. Bởi tầng lớp Nho sĩ ở Nghệ An chiếm một lượng khá lớn, hầu như làng nào cũng có, ngay cả những người bình dân không theo học chữ Nho nhưng cũng thuộc và thấm nhuần nhiều triết lý của đạo Nho.

Đền Cuông thờ An Dương Vương ở huyện Diễn Châu

 

Ở Nghệ An có đầy đủ cả thiên thần, nhiên thần và nhân thần nhưng loại hình nhân thần phổ biến hơn cả và được đề cao nhất. Qua khảo sát cho thấy, những ngôi đền lớn hoặc những ngôi đền được liệt vào hàng "quốc tế" đều là đền thờ nhân thần như đền Cờn thờ bốn mẹ con Thái hậu nhà Nam Tống, đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đền Bạch Mã thờ tướng Phan Đà, đền Chiêu Trưng thờ Chiêu Trưng vương Lê Khôi, đền Cuông thờ An Dương Vương, đền Vua Mai thờ Mai Hắc Đế, đền Nguyễn Xí thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí... Đây hầu hết đều là các bậc vĩ nhân của dân tộc, sinh thời sự nghiệp lừng lẫy, có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Sở dĩ như vậylà vì xứ Nghệ là phên dậu của tổ quốc, mảnh đất sản sinh ra nhiềuanh hùng lỗi lạc, "Thanh thế, Nghệ thần", kết hợp với bản tính coi trọng người thật việc thậtnên trong tâm thức của người xứ Nghệ việc sùng bái anh hùng được đẩy lên cao.

Qua khảo sát 33 đền thờ ở 11 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An chúng ta có thể lập bảng thống kê các loại thần linh cho thấy: đền thờ nhiên thần có 5/33 đền (chiếm 0,15%); đền thờ nhiên thần có 16/33 đền (chiếm 48%); đền thờ nhân thần có 31/33 đền (chiếm 93,9%); đền quốc tạo, quốc tế có 7/33 đền (chiếm 21%) và toàn bộ là thờ nhân thần; đền có sắc phong 31/33 đền (chiếm 93,9%); đền thờ tà/dâm thần: không có đền nào.Như vậy, số đền thờ nhân thần chiếm đại đa số, hầu hết các đền thờ đều có sắc phong để khẳng định sự công nhân chính thống của triều đình phong kiến.

5.  Tín ngưỡng thờ Thành hoàng

Trước đây, Thành hoàng của thành Nghệ An được thờ ở miếu Thành hoàng phía Bắc thành.Ở cấp độ làng, xã thì hầu như làng, xã nào cũng có Thành hoàng làng. Các vị Thành hoàng có nhiều nguồn gốc khác nhau: thiên thần, nhiên thần, nhân thần (anh hùng chống ngoại xâm, thần khai cơ, người có công với làng, người học hành đậu đạt,...). Trong đó, số lượng nhân thần chiếm phần lớn. Đặc biệt,do ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo nên không có vị Thành hoàng nào là dâm thần, tà thần hay thần nhảm nhí. Các vị Thành hoàng hầu hết đều được triều đình ban sắc phong, giao cho làng xã phụng sự.Tuy nhiên hiện nay nhiều làng xã không còn lưu giữ được sắc phong Thành hoàng. Theo khảo sát thực tế, hầu như các làng ở Nghệ An mỗi làng có một vị Thành hoàng, số làng có từ hai vị Thành hoàng trở lên rất ít, chủ yếu được sắc phong thời Khải Định năm thứ 9 (1924).

Đền Hoàng Mười ở Hưng Nguyên

 

Qua khảo sát 16 đình làng tại 9 huyện đồng bằng và trung du ở Nghệ An, chúng ta có thể lập bảng thống kê về các Thành hoàng ở Nghệ An cho thấy, Thành hoàng là Thiên thần có 1/16 đình (chiếm 6,25%); Thành hoàng là Nhiên thần có 6/16 đình (chiếm 37,5%); Thành hoàng là Nhân thần có 9/16 đình (chiếm 56,25%); số nơi còn lưu giữ được sắc phong Thành hoàng 8/16 đình (chiếm 50%); số nơi không còn lưu giữ được sắc phong Thành hoàng 8/16 đình (chiếm 50%).Như vậy, số lượng Thành hoàng là nhân thần vẫn chiếm áp đảo so với các loại thần linh khác.Các vị nhân thần được tôn làmThành hoàng khi sống đều có những cống hiến nhất định cho quê hương đất nước.Các Thành hoàng đều có sắc phong của triều đình nhưng hiện nay một nửa số đình đã bị mất sắc phong Thành hoàng, điều đó cho thấy công tác lưu trữ tài liệu, bảo quản tài liệu của chúng ta còn rất kém, thậm chí có nơi còn không được xem trọng.

6. Tín ngưỡng thờ Mẫu

Nghệ An được xem là vùng đất cổ, con người xuất hiện ở đây từ rất sớm. Cũng giống như Việt Nam nói chung, từ buổi sơ khai của lịch sử loài người, những cư dân sinh sống trên mảnh đất Nghệ An đã có sẵn tư duy trọng yếu tố âm, coi trọng người phụ nữ, người mẹ trong gia đình. Vì thế tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu ở Nghệ An đã có lịch sử từ lâu đời. Rất nhiều làng xã ở Nghệ An thờ Nữ thần, thờ Mẫu, Thánh Mẫu, Tam Tòa Thánh Mẫu, qua khảo sát 33 đền thờ ở 11 huyện, thị xã, thành phố thì, chúng ta thấy: Đền thờ Nữ thần có có 12/33 đền (chiếm 36,36%), đền thờ Mẫu có 10/33 đền (chiếm 27,27%), đền thờ Thánh Mẫu có 8/33 đền (chiếm 24,24%),đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu có 6/33 đền (chiếm 18,18%), đền thờ đầy đủ cả Nữ Thần, Mẫu, Thánh Mẫu, Tam Tòa Thánh Mẫu có 3/33 đền (chiếm 0,9% - đây là những đền hợp tự hoặc mới được phối thờ sau này), đền không thờ (Nữ Thần, Mẫu, Thánh Mẫu, Tam Tòa Thánh Mẫu) có 14/33 đền (chiếm 42,42%). Như vậy số đền có thờ yếu tố Nữ nói chung gồm có 20/33 đền (chiếm 60,6%). Các đền thờ Nữ thần, Mẫu, Thánh Mẫu trải rộng trên các địa bàn từ đồng bằng lên miền núi, từ ven biển đến các vùng bán sơn địa... chứng tỏ rằng tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nghệ An rất phổ biến.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nghệ An tuy phổ biến nhưng chưa phát triển thành một hệ thống hoàn chỉnh đẩy đủ các ban bệ, cấp bậc như ở Bắc Bộ. Nó đang mang tính chất sơ khai, rời rạc. Một số làng ở Nghệ An có tín ngưỡng thờ Tam Phủ như đền làng Thanh Liệt xã Hưng Lam và đền làng Nghĩa Sơn xã Hưng Long thuộc huyện Hưng Nguyên, được coi là hai đền thờ Tam Phủ cổ nhất ở Nghệ An hiện nay. Đây đều là những làng sống bằng nghề sông nước ven sông Lam và cũng là vùng trung tâm lỵ sở của Nghệ An thời Hậu Lê. Có thể do điều kiện thuận lợi về giao thông (thời xưa chủ yếu giao thông bằng đường thủy là chính) lại nằm ở nơi đô hội của xứ Nghệ nên những nơi này có điều kiện giao lưu và tiếp thu văn hóa của các vùng miền khác nhiều hơn. Theo các tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại đây (gồm sắc phong, văn cúng, chầu văn, biển rước...) cho thấy việc thờ phụng ở đây có Tam Phủ Hội Đồng và Tứ Phủ Vạn Linh. Tuy nhiên, trong các văn bản chủ yếu đề cập đến Tam Phủ, gồm: Thiên Phủ, Địa Phủ và Thủy Phủ. Các vị thần trong Tam Phủ được thờ ở đây cũng khá ít và không nhiều cấp bậc, tầng lớp như hệ thống Tam, Tứ Phủ thường thấy ở các đền, phủ hiện nay. Ngay cả cách thức lên đồng cũng đơn giản hơn. 

Ngoài hai làng kể trên, ở các Thiện đàn như Giác Thiện Đàn (Diễn Nguyên, Diễn Châu), Hiếu Thiện Đàn (Vân Diên, Nam Đàn), Chỉ Thiện Đàn (Nam Cát, Nam Đàn), Hội Thiện Đàn (Trù Sơn, Đô Lương), Khuyến Thiện Đàn (Thị trấn Yên Thành)... trong các bản kinh giáng bút đầu thế kỷ 20 chúng ta đã thấy xuất hiện Tam Tòa Thánh Mẫu (Đệ Nhất Liễu Hạnh Công Chúa, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thủy Phủ) và Thập Nhị Tiên Nường, có cả hình vẽ các vị Mẫu. Tuy nhiên các vị thần linh đi kèm vẫn chưa đầy đủ và thành hệ thống như chúng ta thường thấy hiện nay. 

Một hiện tượng khác khá phổ biến ở Nghệ An và đáng được quan tâm đó là vấn đề Mẫu hóa các đền, chùa, miếu. Điều này được thực hiện một cách vô thức của những người không hiểu biết hoặc một cách có ý thức của những người cố tình. Rất nhiều nơi, trước đây vốn không thờ Tam Tòa Thánh Mẫu hoặc các vị thần linh trong Tứ Phủ nhưng sau này được các con hương đệ tử của "đạo" Mẫu đưa vào và nghiễm nhiên biến đó thành một cơ sở thờ hệ thống "đạo"  Mẫu, ví dụ: đền Trần Hưng Đạo ở Vinh, đền Độc Lôi ở Nam Đàn, đền Diên Cờ ở Nghi Trường, đền Phúc Mỹ ở Hưng Châu, đền Cửa Lũy ở Anh Sơn, đền Cửa Rào ở Tương Dương... Đây là hiện tượng cần phải chấn chỉnh kịp thời để ngăn chặn tình trạng làm sai lệnh nội dung và ý nghĩa việc thờ cúng, làm mất nét đặc trưng, phát tích của mỗi di tích và từ đó làm mất bản sắc của địa phương. 

2.7. Tín ngưỡng thờ Gia thần

Bàn thơ cúng Thổ công của người Việt

 

Truyền thống của người Kinh ở Nghệ An hầu hết các gia đình đều có ban thờ Gia thần. Ban thờ Gia thần thường được lập riêng ở phía đốc nhà và cao hơn bàn thờ Gia tiên. Qua khảo sát các văn bản Hán Nôm cổ như Thọ Mai Gia Lễ, Hồ Thượng thư gia lễ, các sách văn cúng, gia phả các gia đình, dòng họ... cho thấy trong nghi lễ cổ truyền ở Nghệ An thường có những bài văn cúng dành riêng cho Gia thần vào những dịp lễ tiết trong năm hoặc các lễ không định kỳ. Trong các nghi lễ cúng Gia tiên thì Gia thần được mời ở cuối cùng của bài văn cúng với mục đích là đến chứng giám cho buổi lễ "kính cáo: Bản Gia Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, Bản Viên Thổ Công, Bản Đường Tiên Sư, Ngũ Tự Phúc Thần đồng lai giám cách" (nghĩa là: Kính thưa các thần Bản Gia Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, Bản Viên Thổ Công, Bản Đường Tiên Sư, Ngũ Tự Phúc Thần cùng đến chứng giám). Như vậy chứng tỏ rằng thời xưa, Gia thần không thờ chung với Gia tiên. Trước khi cúng Gia tiên thì gia chủ đã làm lễ cúng Gia thần nên khi cúng Gia tiên chỉ cần mời Gia thần đến với tư cách chứng giám cho buổi lễ đó chứ không phải là nhân vật chính của buổi lễ.       

Khác với các vùng miền khác, ở Nghệ An chỉ có một bàn thờ chung cho tất cả các vị Gia thần và bài trí đơn giản, không có bài vị hay tranh ảnh thờ. Người Nghệ An không quan niệm thần cai quản việc nào thì phải thờ ở vị trí đó như Thần Bếp thì phải thờ ở bếp, Thần Cổng phải thờ ở cổng, Thần Đất phải thờ dưới đất... Bởi người Nghệ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo nên đối với việc thờ phụng thần linh đều mang tính thiêng liêng, trang trọng, thành kính. Vì vậy không bao giờ thờ thần ở những nơi thiếu trang trọng hoặc uế tạp. Đồng thời, người Nghệ An vốn có tư duy thực dụng, ăn chắc mặc bền, tiết kiệm nên mọi việc đều đơn giản hóa. Vì vậy, người Nghệ đã gộp tất cả các vị trong Ngũ tự gia thần lại thờ chung một ban thờ.

Hiện nay, ở Nghệ An tín ngưỡng thờ Gia thần vẫn được duy trì. Tuy nhiên có nhiều biến đổi và việc thờ phụng phức tạp hơn so với trước đây. Kết cấu ngôi nhà thay đổi khác với ngôi nhà truyền thống do đó không gian thờ cúng cũng thay đổi theo. Cộng với đời sống vật chất được nâng cao, con người tất bật với những mưu sinh, danh vọng nên luôn cầu mong có sự giúp đỡ của thần linh. Vì thế, việc thờ phụng Gia thần cũng được chú trọng hơn, nhất là những vị thần cai quản công danh, tài lộc.

Hầu hết các gia đình ở thành phố thường nhập bàn thờ Gia thần chung với bàn thờ Gia tiên để phù hợp với không gian chật hẹp của ngôi nhà nơi phố phường và thuận tiện trong việc thờ cúng. Việc nhập chung bàn thờ Gia Thần và Gia Tiên tuy có thuận tiện hơn trong việc thờ cúng nhưng cũng có những bất cập nhất định. Thông thường ở những trường hợp này, trên bàn thờ có ba bát hương: ở giữa cao hơn là Bát hương Gia Thần, ở hai bên thấp hơn là bát hương Gia Tiên và bát hương Bà Cô; phía sau bát hương thường có long ngai/giá gương/khám hoặc di ảnh của Gia Tiên. Tuy bát hương của Gia Thần được bài trí cao hơn bát hương Gia Tiên nhưng long ngai/giá gương/khám hoặc di ảnh của Gia Tiên lại còn cao hơn cả bát hương Gia Thần như vậy chẳng khác nào Gia Tiên vẫn ngồi ở vị trí cao hơn Gia Thần.

Nhiều gia đình vẫn giữ phong tục thờ riêng Gia thần và Gia tiên nhưng ít người hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng Gia thần mà chỉ lập theo thói quen, bắt chước theo hàng xóm. Một số gia đình còn lập am thờ Thổ công riêng ở trước sân nhà. Có gia đình lại lập quá nhiều bàn thờ Gia thần: vừa có am thờ Thổ công trước sân, vừa có ban thờ Ngũ tự phúc thần ở phía nhà, vừa có ban thờ Táo quân trong bếp nấu... Nói chung, việc thờ Gia thần trở nên phức tạp, rối rắm, hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của "thầy cúng". Thậm chí các lễ cúng thường ngày ở trong gia đình còn đọc cả vị hiệu của Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Bản Cảnh Thành Hoàng, Bản Xứ Ngũ Phương Thổ Công...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tục thờ Thần Tài, Thổ Địa trong góc nhà được du nhập từ miền Nam ra phía Bắc, trong đó có Nghệ An. Tục thờ này vốn là của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Theo quan niệm của người Hoa, Thần Tài là vị thần cai quản tiền tài, vật chất và thường được thờ ở một góc trong xó nhà. Thổ Địa là vị thần cai quản đất đai, điền trạch. Mà đất là nơi sản sinh và tàng chứa vàng bạc, châu báu do đó Thổ Địa được thờ chung với Thần Tài. 

Sau này, người Việt ở miền Nam tiếp thu tập tục thờ Thần Tài, Thổ Địa của người Hoa và đi theo bước chân của những người kinh doanh, thương mại truyền bá ra phía Bắc. Trong nền kinh tế thị trường thời mở cửa thì thương trường như chiến trường, mọi thứ đều khó khăn, con người ta luôn cầu mong được sự giúp đỡ của các thế lực vô hình để kiếm được thật nhiều tiền tài, danh vọng. Vì thế khi tục thờ Thần Tài, Thổ Địa du nhập ra phía Bắc nhanh chóng được người dân tiếp nhận - nhất là những gia đình làm nghề kinh doanh, thương mại. Bởi nó phù hợp với thị hiếu của các đối tượng này. Từ đó, nó lan tỏa ra cả những đối tượng khác. Rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu và gia đình lập ban thờ Thần Tài, Thổ Địa ở góc nhà nhưng lại không hiểu được bản chất của việc thờ cúng đó là không phù hợp với văn hóa truyền thống của người Nghệ và thậm chí là thừa. Tại sao lại như vậy? Vì người Nghệ quan niệm, việc thờ cúng phải thực hiện ở nhưng nơi trang nghiêm, thanh tĩnh, tinh khiết nhưng ở đây lại đặt bàn thờ ở trong góc nhà là nơi thường xuyên qua lại, bụi bặm, uế tạp rất phản cảm. Đồng thời trong tín ngưỡng thờ Gia Thần (Ngũ Tự Phúc Thần) đã bao hàm cả Thần Tài và Thổ Địa. Nếu lập thêm ban thờ thì vô hình chung một vị thần mà có hai nơi thờ khác nhau, một nơi thì thờ trên cao thậm chí còn cao hơn cả bàn thờ gia tiên, một nơi thì thờ dưới đất. Đó là chưa kể đến vấn đề hỏa hoạn, phòng cháy chữa cháy. Bởi hầu hết các cửa hàng với không gian chật hẹp, phần lớn diện tích được sử dụng cho việc kinh doanh, nhiều cửa hàng kinh doanh những sản phẩm dễ bắt lửa, dễ phát nổ như dấy, sách báo, quần áo, xăng dầu ... thì việc thắp hương hàng ngày là một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Rất nhiều nơi bị cháy chợ, cháy cửa hàng, công xưởng mà nguyên nhân chính từ bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa ở trong xó nhà.     

2.8. Tín ngưỡng thờ tổ tiên

Đối với người Việt Nam, việc thờ tổ tiên là vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên ở Nghệ An có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nói chung. Tuy nhiên, do điều kiện về tự nhiên, văn hóa, xã hội nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Nghệ An có tính sâu đậm hơn ở những vùng miền khác. Trong quá khứ, suốt một thời gian dài, Nghệ An được coi là vùng biên viễn, vùng ki mi (quản lý lỏng lẻo), nơi lánh nạn của dân tứ chiếng nên sự ảnh hưởng của "phép vua" đối với vùng đất này không sâu đậm bằng những vùng kinh, vùng tứ trấn. Nhưng từ xưa, việc cố kết cộng đồng ở đây lại rất chặt chẽ, mọi thứ đều có tôn ti trật tự, đó là bởi nhờ có ý thức cội nguồn cùng thờ cúng chung tổ tiên, ý thức dòng họ, hình thành nên truyền thống gia phong của dòng họ. Các lễ nghi, phong tục thờ cúng tổ tiên ở Nghệ An đã được các nhà trí thức khoa bảng Nghệ An biên soạn thành sách như Hồ Thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương, Thọ Mai gia lễ của Hồ Sĩ Tân... Những sách này trở thành tài liệu tham khảo, khuôn vàng thước ngọc cho cả xứ noi theo, thậm chí còn được phổ biến cho những vùng miền khác cùng học tập.

Theo gia lễ cổ, việc thờ cúng tổ tiên được xem là nghĩa vụ chung của mọi ngườilàm con cháu nhưng vai trò nặng nhẹ khác nhau. Thường những người ở hàng trưởng trách nhiệm bao giờ cũng nặng nề hơn, vì các nghi lễ thực hành việc thờ cúng chủ yếu diễn ra tại các gia đình cửa trưởng. Đồng thời đi đôi với nghĩa vụ là quyền lợi, cửa trưởng bao giờ cũng được hưởng của thừa tự, của hương hỏa nhiều hơn. Các hàng thứ có trách nhiệm đóng góp thêm vào trong việc thờ phụng tổ tiên, hoặc trong một số công việc liên quan đến tổ tiên, việc đóng góp này được chia đều cho các thành viên trong họ (thường gọi là chia theo đinh). Ở Nghệ An, vai trò của người phụ nữ trong việc thờ cúng tổ tiên khá mờ nhạt nhưng nhiều khi nó được thể hiện ở một khía cạnh khác, như con gái sau khi lấy chồng và con cháu ngoại trong phạm vi bốn đời vào những dịp lễ tết, giỗ chạp đều phải có lễ về cúng tổ tiên bên ngoại. Thậm chí, trong gia phả một số dòng họ ở Nghệ An ghi rất rõ "vô nam dụng nữ" nghĩa là không có con trai thì dùng con gái. Điều đó chứng tỏ, trách nhiệm thờ cúng tổ tiên không chỉ là của con trai. Thờ cúng tổ tiên còn là một quyền lợi thiêng liêng. Đối với những người, những gia đình hoặc dòng họ không biết rõ nguồn cội là một điều bất hạnh. Điều đó thúc đẩy người ta luôn đau đáu đi tìm họ, đi tìm gốc để được thực hiện việc thờ cúng, để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.

Thờ tổ tiên được phân làm hai phạm vi chính: thứ nhất trong phạm vi gia đình, thứ hai lớn hơn trong phạm vị họ tộc.Trong phạm vi gia đình thì ở gia đình của người Việt Nam dù to hay nhỏ, dù giàu hay nghèo đều có bàn thờ ông bà tổ tiên ở vị trí trang trọng nhất, thường ở gian chính giữa nhà, gọi là bàn thờ gia tiên. Việc thờ phụng gia tiên ở đây được thực hiện thường xuyên vào những ngày kỵ giỗ, lễ tết theo truyền thống, sóc vọng hàng tháng và vào những dịp bất kỳ trong năm khi gia đình có việc hiếu hỉ lớn nhỏ như sinh con đẻ cái, đi xa, đi thi, làm nhà, làm cửa, ốm đau, có người qua đời... Theo phong tục truyền thống ở Nghệ An, những vị tổ tiên được thờ tại gia đình là những vị từ bốn đời trở xuống (ông cố trở xuống)tính từ người chủ gia đình (tức người đứng cúng trong các nghi lễ).Cổ lễ có câu "ngũ đại mai thần chủ"nghĩa là thần chủ đời thứ năm sẽ được chôn xuống đất, hoặc "ngũ đại dĩ thượng quy tại từ đường" tức là năm đời trở lên thì rước về phối tự tại nhà thờ cao hơn, do đó trong gia đình không thờ các vị từ đời thứ năm nữa. Trong phạm vi họ tộc thì mỗi dòng họ, chi họ lại có một nhà thờ riêng.Nguyên nghĩa, nhà thờ họ chỉ thờ riêng thủy tổ của dòng họ, vào những dịp cúng tế thì mời các vị tổ của các chi về cùng phối hưởng. Việc thờ cúng tại đây không thực hiện thường xuyên như ở gia đình mà chỉ được tiến hành vào một số ngày nhất định trong năm.Ở Nghệ An, phổ biến nhất là tế tổ vào lễ Thượng nguyên (rằm tháng giêng) và Trung nguyên (rằm tháng 7).

Thờ cúng tổ tiên không giới hạn ở việc thờ cúng ông bà cha mẹ - những người trực hệ đã sinh thành ra mình mà còn thờ cúng cả những người anh em, chú bác đồng hàng với các vị tổ tiên đó, thậm chí kể cả những vong linh sa sẩy khi mới thai nhi. Một số trường hợp, những đối tượng đó được suy tôn lên vị trí quan trọng như tổ bá, tổ thúc, tổ cô, đặc biệt nhất là tổ cô. Đây là những đối tượng được coi là có sự linh thiêng đặc biệt. Vì thế con cháu có sự thờ cúng riêng đối với những người này. Ở một số huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn... việc thờ Tổ bá, tổ thúc, tổ cô rất được coi trọng, nhiều gia đình, nhà thờ họ lập am, miếu thờ riêng những người này. Thậm chí một số vị Tổ bá, tổ thúc, tổ cô còn được sắc phong thần của triều đình, hoặc con cháu làm lễ cấp sắc cho các vị và tôn thờ các vị như những vị thần linh của làng.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ tổ tiên ở Nghệ An vẫn được duy trì và phát triển. Các cơ sở thờ tự (nhà thờ họ, bàn thờ gia đình) được quan tâm, chăm sóc, củng cố thêm.Nhiều dòng họ, con cháu làm ăn phát đạt đã đầu tư tu bổ, xây dựng nhà thờ, tu sửa lăng mộ khang trang, mua sắm thêm nhiều đồ tế khí. Số lượng nhà thờ họ có xu hướng càng ngày càng tăng lên do con cháu có điều kiện nên đã phân chi, xây dựng nhà thờ riêng của chi mình. Thậm chí có nơi chưa đủ số đời vẫn làm nhà thờ riêng./.

Mỹ Hạnh


http://csdlkhcn.ngheandost.gov.vn/san-natex/dac-san-nghe-an/cac-ton-giao-tin-nguong-truyen-thong-cua-nguoi-viet-o-nghe-an-320.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.