Đã xảy ra 25 sự cố đê điều
Báo cáo của Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 19h00 ngày 10/9/2024, trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số đã xảy ra 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố.
Tại tỉnh Tuyên Quang, có 1 sự cố vỡ đê cấp V, dài 10m (đê tả sông Lô thuộc địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bảo vệ cho khu vực 40 ha với khoảng 230 hộ dân), địa phương đã tổ chức di dời dân cư để tránh ngập lụt và đang tiến hành xử lý hàn khẩu, nhưng phải tạm dừng do chênh lệch mực nước lớn.
10 sự cố lũ tràn trên các tuyến đê cấp IV-V (đê chỉnh trang thành phố Thái Nguyên; cục bộ nhiều vị trí đê tả, hữu Thao thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ với chiều dài khoảng 5,0km; đê hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và đê sông Tích thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).
Tính đến 19h00 ngày 10/9/2024 trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số đã xảy ra 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố |
5 sự cố sạt mái đê: sự cố sạt 30m mái phía sông tại K76+500 đê hữu Cầu (đê cấp II), huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; sạt mái phía sông đê hữu Hồng tại K154+258 - K154+280 dài 20m và từ K154+236-K154+250 dài 14m (đê cấp I); sự cố sạt mái phía sông đê bối Phù Vân dài 20m và mái đê bối Thụy Xuyên dài 20m, tỉnh Hà Nam. Hiện các địa phương đã xử lý bước đầu, khoanh vùng và tổ chức theo dõi chặt chẽ các sự cố.
Tỉnh Bắc Giang cũng xảy ra 1 sự cố đùn sủi tại K17+720 đê tả Thương (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang, địa phương đã được xử lý giờ đầu. Ngoài ra, nước lũ đã tràn qua đỉnh các bờ bao phía bờ tả sông Lục Nam.
1 sự cố kẹt cánh cống Đa Hội 2, tại K10+600 đê tả Cầu (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang; 7 sự cố rò rỉ mang cống, cánh cống tại huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu.
Ngoài ra, đã tổ chức hoành triệt 22 cống qua đê không đảm bảo an toàn (08 cống thuộc tỉnh Hải Dương và 14 cống thuộc tỉnh Hà Nam).
Hải Dương: Khắc phục xong 32 sự cố đê điều, 47 sự cố hệ thống thủy lợi
Tại Hải Dương, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 12 giờ ngày 11/9, các địa phương và các cơ quan chức năng đã khắc phục xong 32 sự cố về đê điều, 47 sự cố về hệ thống thủy lợi.
Cụ thể, các sự cố đê điều đã xử lý xong như: 2 sự cố tràn đê tả Thương (thành phố Chí Linh); 3 sự cố sạt mái đê xã Quang Trung, chống tràn cống Quý Cao, hoành triệt cống Tâm ( huyện Tứ Kỳ); 19 sự cố cống, tràn rò qua đê (thị xã Kinh Môn); 1 sự cố chống tràn 100m đê bối xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện); 5 sự cố rò rỉ, thẩm đê tả Thái Bình, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà); 1 sự cố hẫng chân mặt đê bê tông, xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương).
Hiện cơ quan chức năng và thành phố Chí Linh đang tiếp tục xử lý 2 cung sạt, 1 lỗ rò đê tả Thái Bình và 1 lỗ rò đê tả Kinh Thầy.
Đê hữu sông Thái Bình qua địa bàn huyện Cẩm Giàng vào sáng 11/9. Ảnh: Báo Hải Dương |
Các sự cố hệ thống thủy lợi đã được xử lý xong gồm 28 sự cố tràn bờ, sạt trượt kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Thanh Miện; 3 sự cố ở huyện Bình Giang; 1 sự cố cống Tam Cửu, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang; 14 sự cố bờ kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Gia Lộc.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý 14 sự cố hệ thống thủy lợi gồm: 6 sự cố kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Tứ Kỳ; 3 sự cố ở huyện Thanh Miện; 2 sự cố chống tràn ở huyện Cẩm Giàng; 1 sự cố cống Đọ ở thành phố Hải Dương và 2 sự cố ở huyện Gia Lộc.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương thực hiện tuần tra, canh gác đê nghiêm ngặt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều, thủy lợi ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Hiện, 267 điếm canh đê của Hải Dương đã bố trí nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm theo đúng quy định.
Tạm dừng lưu thông xe tải trên tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng (Ba Vì, Hà Nội)
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, đề đảm bảo an toàn cho tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì, UBND huyện Ba Vì đã ra thông báo số 788/TB-UBND về việc yêu cầu tạm dừng lưu thông các loại xe tải trên mặt các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì bắt đầu từ lúc 17 giờ ngày 11/9/2024 cho đến khi có thông báo lại (trừ xe làm nhiệm vụ sơ tán người, vật nuôi và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn).
Cùng đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các UBND các xã, thị trấn dọc tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng cắm biển tạm dừng lưu thông các loại xe tải trên đê tại các đường vào, dốc lên đê; đồng thời chỉ đạo lực lượng tuần tra canh gác đê kiên quyết không cho các loại xe tải lưu thông trên đê. Thanh tra giao thông hụyện, Đội cảnh sát giao thông - Công an huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) bị sạt lở. Ảnh: TTXVN |
Hiện nay, mực nước tại sông Hồng đang ở mức rất cao. Thời điểm 17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã ngưng tăng khi đạt 11,22m, cách báo động 3 là 28cm. Mực nước lũ về sông Hồng trong 2 tiếng qua là 0cm/h.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 1.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Lục Nam, sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3.
Tại sông Cầu, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, lũ tiếp tục lên trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái xuống mức báo động 2, tại Phú Thọ xuống dưới mức báo động 1.
Trong khoảng thời gian này, diễn biến lũ trên các sông Lô, sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thái Bình chưa có nhiều thay đổi so với trước đó.
Còn lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 2.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập
Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ và có chỉ đạo quyết liệt ứng phó mưa lũ, sạt lở; giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ứng phó mưa lũ, sạt lở; giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập. Ảnh: VGP |
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại; giảm thủ tục hành chính, khẩn trương cấp phát dự trữ hỗ trợ người dân, cơ quan, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra; kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực.
Cùng với đó, đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhiên nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp; kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Theo cơ quan khí tượng, mức lũ trên sông Hồng tại Hà Nội trong nhiều giờ tới có xu thế đứng và hạ chậm, tuy nhiên mực nước vẫn cao, dưới báo động 3 khoảng 20-25cm.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong những giờ qua, mực nước sông Hồng, sông Đuống đang biến đổi chậm.
Lúc 16h, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,22m (dưới BĐ3 0,28m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,56m (dưới BĐ3 0,44m).
Dự báo mực nước sông Hồng, sông Đuống tiếp tục biến đổi chậm, sau xuống.
Đến 19h, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,35m (dưới BĐ3 là 0,15m); 1h ngày mai (12/9) là 11,3m (dưới BĐ3 là 0,20m); 7h ngày mai là 11,25m (dưới BĐ3 là 0,25m).
Mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát lúc 19h dự báo là 10,6m (dưới BĐ3 là 0,4m); đến 1h ngày mai (12/9) là 10,6m (dưới BĐ3 là 0,4m); 7h ngày mai là 10,55m (dưới BĐ3 là 0,45m).
Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ trên sông ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh,…
Nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng an toàn các tuyến đê, nguy cơ sạt lở và xói lở đất ven sông.
Dưới đây là mực nước thực đo trên sông Hồng tại Hà Nội của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 17h.
Đã có 104 người tử vong và mất tích do bão, lũ cuốn và sạt lở đất
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), báo cáo của các địa phương về một số thiệt hại bước đầu thống kê đến 6h ngày 10/9 cho thấy đã có 104 người tử vong, mất tích (65 người tử vong, 39 người mất tích) do bão và mưa lũ.
Một số địa phương có số người tử vong và mất tích nhiều như: Cao Bằng có 33 người tử vong và mất tích (17 người tử vong, 16 người mất tích); Lào Cai 30 người (19 người tử vong, 11 người mất tích); Quảng Ninh 9 người tử vong (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu...
Số người bị thương là 752 người , trong đó Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Hải Dương 5 người, Hà Nội 10 người, Bắc Giang 5 người, Bắc Ninh 52 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 14 người, Yên Bái 10 người, Cao Bằng 12 người, Phú Thọ 5 người...
Tại Quảng Ninh, có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu.
Về thiệt hại nông nghiệp, 148.632 ha lúa đã bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780 ha; Thái Bình 11.000 ha; Hà Nội 15.563 ha; Hưng Yên 12.119 ha; Hải Dương 18.500 ha; Hà Nam 7.928 ha; Lạng Sơn 4.495 ha; Bắc Giang 14.933 ha; Bắc Ninh 9.830 ha; Vĩnh Phúc 8.860 ha, Thái Nguyên 3.512 ha, Yên Bái 2.618 ha...); 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại.
Ngoài ra, có 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000 lồng bè, Hải Dương 300 lồng bè...) và 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 173 đường dây 110kV bị sự cố và 5.305 cột điện bị gãy đổ.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245 nhà, Hải Phòng 13.927 nhà, Bắc Ninh 3.450 nhà, Lạng Sơn 2.929 nhà...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…/.
https://www.facebook.com/vuphong.luuplv/posts/pfbid02QTR7n3xB23pGrjtDcKFURQdSd8WyK2JfLdEzDyELfDQN2xsTLRfxZbtccBF61FnUl
https://www.facebook.com/thaothao.toxuanthao/posts/pfbid02A3CH5TaxLFJS1ZDoteeLTrsZTG5RXPJxWApU7E2DKtKFETLTLuhpXmMFvYKdPPtvl
(NLĐO) - Đến 17 giờ 30 phút ngày 11-9, đã có 324 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ. trong đó 179 người chết, 145 người mất tích.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hoàn lưu bão số 3 với phạm vi ảnh hưởng rộng gây mưa lũ lớn tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 tiếp tục tăng.
Theo báo cáo, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 11-9, đã có 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích); tăng 32 người chết, mất tích (Lào Cai 28, Yên Bái 4) so với thống kê lúc 11 giờ cùng ngày.
Bão số 3 và hoàn lưu bão cũng gây ngập 54.051 nhà tại nhiều địa phương.
Chiều 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.