Đây là trang thuộc UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
"
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÂY HỒ 360
- Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ – TP. Hà Nội
- Địa chỉ: 657 Đ. Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội
- Điện thoại: 024 7533396
- Email: tayho360@gmail.com
- Chịu trách nhiệm chính: Phòng Văn hóa và Thông tin quận Tây Hồ
- Điện thoại: 024 7533396
- Hòm thư công vụ: vanthu_tayho@hanoi.gov.vnn
https://www.tayho360.vn/di_tich_lich_su?&page=3
"
Chép nguyên văn từ trang để lưu trữ.
Tháng 8 năm 2024,
Giao Blog
---
"
cụm 5 phường Quảng An
GIỚI THIỆU
Đình Tây Hồ thuộc cụm 5 phường Quảng An, trước đây Quảng An vốn là phường nổi tiếng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn; ngày nay là địa chỉ hấp dẫn về cảnh quan đẹp nên thơ và bề dày lịch sử được gắn liền với hồ Tây thơ mộng. Nếu hồ Tây là đất thiêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là địa linh bậc nhất của hồ Tây, trời đất giao hòa thiên nhiên và con người cùng hòa quyện với nhau, là nơi có không gian kiến trúc liên hoàn với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng gồm: Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, chùa Tây Hồ (chùa Phổ Linh) có từ thời Lý, đền Kim Ngưu gắn với truyền thuyết Trâu vàng… Ấp Tây Hồ còn là nơi Nguyễn Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi, rồi cuộc tao ngộ đầy chất thơ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1538 – 1624) với tiên chúa Liễu Hạnh.
Căn cứ vào các tư liệu Hán nôm còn lưu trữ tại đình: Thần tích, sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối… đình Tây Hồ thờ 5 vị thần là: Triều Đình Cương Nghị đại vương, Bảo Trung, Minh Khiết, Phương Nương, Uy Linh Lang và Liễu Hạnh công chúa. Lai lịch các vị Thần có thể tóm tắt như sau:
Thời Lý Nam Đế ở Đạo Sơn Nam, phủ Khoái Châu, trang Đồng Lạc có gia đình họ Nguyễn húy là Chương, vợ là Bùi Thị Xuyến. Ông Chương làm nghề y còn vợ làm nghề nông tang. Hàng ngày lấy đó làm kế sinh nhai. Hai người sống hòa thuận chuyên làm điều thiện, hàng ngày ông bà thường cầu trời khấn phật ban cho mình những người con hiếu thảo để giúp đỡ khi tuổi già. Khi ấy vào mùa hè nóng nực bà Xuyến ra sông của bản trang để tắm gội. Đang tắm bà bỗng thấy bên bờ sông có ba quả trứng rắn: một quả màu xanh, hai quả màu vàng. Bà cho là của quý bèn đem về nhà. Ông Chương thấy vậy cho là điều kỳ lạ, đem đặt ở đầu giường. Ba ngày sau quả trứng tự nhiên vỡ ra, nước từ ba quả trứng thấm vào người bà. Sau ba tháng bà cảm động và mang thai. Đầy tháng bà Xuyến sinh ra một cái bọc nở ra hai người con trai và một người con gái vào ngày 28 tháng 6 năm Mậu Dần. Ba người con đều có dung mạo khác thường: Con trai diện mạo sáng sủa, hình dáng quảng đại, con gái má phấn, mắt phượng, mày ngài. Bà sinh con được ba tháng thì không may bị lâm bệnh rồi mất vào ngày 10 tháng 9, ông Chương thấy ba đứa con còn quá thơ dại nên đã tìm hai người phụ nữ là Phạm Thị Thanh và Trần Thị Tích người Châu Xuyên Bảo, huyện Từ Liêm để về chăm sóc các con.
Ngày tháng trôi qua khi ba đứa trẻ đã 12 tuổi đi học thì hai bà xin về quê cũ làm ăn, đến tuổi 18 cả ba đều học rất thông minh, văn chương thấu suốt, lúc này ông mới đặt tên cho các con: cậu thứ nhất tên là Bảo, cậu thứ hai tên là Mỹ, cô con gái thứ ba tên là Phương. Năm ấy, họa vô đơn chí ông Chương bị bệnh rồi mất vào ngày 21 tháng 11. Ba anh em đến huyện Từ Liêm tìm hai bà mẹ nuôi nhưng không thấy vì hai bà đã qua đời. Sau đó ba vị được một nhà hào phú trong trang là Lê Công Trí nuôi dưỡng. Hai cậu Bảo và Mỹ được tiếp tục ăn học còn cô Phương học nghề canh cửi tàm tang. Một hôm cô Phương ra bãi trồng dâu thì hóa, đi về Thủy quốc. Còn hai ông học thành tài, văn võ song toàn không ai sánh kịp.
Đời vua Lê Đại Hành, giặc nhà Tống kéo sang xâm lược nước ta, vua Lê cho quân tiến theo đường thủy đến lăng miếu của bà tự nhiên không tiến lên được, đến nửa đêm được báo mộng bèn làm lễ cầu xin được linh ứng. Nhà vua thắng giặc liền sắc chỉ xây dựng miếu thờ bà. Chín năm sau giặc Chiêm Thành đem quân sang xâm lược nước ta, nhà vua rất lo lắng khẩn cấp truyền lệnh khắp thiên hạ, người nào có tài dẹp yên giặc Chiêm Thành thì đến sân điện ứng thí. Hai ông lúc ấy nghe được lời cầu tài, anh em ta đến triều đình yết kiến Hoàng đế, liền xin đi đánh giặc giúp nước. Nhà vua nhìn thấy hai ông dáng vẻ khôi ngô, tuấn tú, võ nghệ cao cường thì rất vui mừng liền làm lễ bái tướng và nói: “Nay nước nhà gặp họa ngoại xâm, Trẫm lệnh cho ngươi thay ta phụng mệnh đi dẹp giặc”.
Hai ông phụng mệnh nhà vua thân chinh chiêu tập ba vạn tinh binh, người ngựa rợp đất, cờ xí ngất trời tiến về bản trang. Ông thứ nhất lấy 30 người ở bản trang làm gia thần, ông thứ hai lấy 80 người làm nội đao thần tướng. Hai ông chia làm hai đạo thùy bộ cùng hành quân thần tốc. Uy của quân đội rung chuyển trời đất như lá khô trút xuống, thế đại phá như chẻ tre tiến thẳng tới Chiêm Thành, đại phá một trận ở đất bên sông, quân giặc thất trận chạy trốn. Quân ta thắng trận, hai ông về nghỉ ở Đồn binh. Hôm ấy đến nửa đêm bỗng thấy trời đất tối sầm mưa gió nổi lên, sấm chớp rung trời, bỗng có đám mây vàng từ trên trời giáng thẳng đến đồn hai ông như dải lụa vàng. Sau đó hai ông cùng hóa vào ngày 12 tháng 10. Một lát sau trời quang mây tạnh, nhân dân nơi ấy bèn đến xem bỗng thấy mối đùn lên thành lăng mộ, tục gọi là Đổng Lăng vua. Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc bậc công thần có công lao to lớn đối với đất nước, trung nghĩa với vua, truyền cho nhân dân bản trang lập miếu thờ, ban tặng tiền cho nhân dân cúng tế vào dịp xuân thu, miễn phu phen trong ba năm, bao phong mỹ tự là thượng đẳng phúc thần, phong người anh là: Bảo Trung Thượng đẳng phúc thần Đại Vương, người em là Minh Khiết Thượng đẳng phúc thần Đại Vương.
Như vậy ba vị Bảo Trung, Minh Khiết và Phương Nương đều là thủy thần đã nhân hóa để giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc ngoại xâm.
Sách Tây Hồ chí mục cổ tích lạc thị thất miên (bảy cây gạo họ Lạc) chép: “Bảy cây gạo trên góc bờ hồ phía tây, nay tại phía ngoài đê thuộc địa giới làng Nhật Chiêu. Bà phi của Diệu Đế là Lạc phu nhân khi sinh Uy Linh Lang thấy một bọc có bảy quả trứng lấy làm lạ bèn bỏ lại đó. Sau hóa thành bảy con rồng bay lên trời. Phu nhân nghe biết sai trồng bảy cây gạo để ghi dấu. Sắc phong Vương tước gia tặng hai chữ Uy Linh và lập miếu thờ. Miếu này nay là đình Tây Hồ…”
Thần tích trong đình ghi rõ: Vương (Uy Linh Lang) là chính phái họ Hồng Bàng, tông thứ hai của Bách Việt. Xưa Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là con gái của Đế Lai sinh ra một bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai, người nào cũng thông minh khỏe mạnh, văn võ toàn tài. Sau đó chia 50 người con theo mẹ lên núi phát nương làm rẫy, mở rộng cương thổ, trấn trị miền núi. 50 người con theo cha xuống biển trừ diệt ngư tinh, thủy quái đánh cá làm ruộng, trấn trị nơi đầu sông, góc biển. Khi nào có sự việc xảy ra thì báo cho nhau biết để cùng cứu giúp. Đại Vương là giống rồng, trưởng là xích giáp, hiệu là Uy Linh Lang cùng với sáu vị khác được phong là Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp theo cha xuống biển...
Như vậy Uy Linh Lang là thủy thần là con trưởng của Lạc Long Quân, theo cha xuống biển trấn trị khai thác sông biển, lãnh đạo muôn dân xây dựng cuộc sống phồn thịnh. Ngay từ đầu thời Hùng Vương, Thần đã hóa thành bảy con rồng bay lên trời; làng Nhật Chiêu đã trồng bảy cây gạo để ghi dấu sự kiện này. Đình ấp Tây Hồ xưa kia chính là đền thờ Ngài, đến thời Hùng Vương thứ 18, Thần lại đầu thai làm con Lạc Hầu Lê Quốc Tín và bà Thục Nương, người phường Hồ Khẩu là Cống Lễ và Cá Lễ. Hai ông được vua Hùng thứ 18 phong là Tả Hữu chưởng quan chỉ huy giúp nhà vua dẹp giặc. Sau đó hóa đi về Thủy Quốc, nhà vua nhớ công ơn hai ông ban cho sắc phong, lập đền thờ nay là đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc phường Bưởi. Đến thời Lý Nam Đế thần nhân hóa thành Bảo Trung, Minh Khiết và Phương Nương để giúp vua chống giặc ngoại xâm, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa nên Châu Xuyên Bảo gồm các làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Châu, Xuyên Châu thuộc phường Tứ Liên đều có đình để phụng thờ.
Thời Lý, thần nhân hóa thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã, 1028 – 1054) giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Năm Đinh Tỵ (1077), Thái tử lại giúp vua Lý Thánh Tông đánh bại quân Tống tại sông Phả Lại và sông Cầu, đất nước trở lại thanh bình, Quốc gia hưng thịnh.
Ngày 12 tháng 2 âm lịch, Thái tử không bệnh mà hóa, có thuyết lại nói Thái Tử bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ chui xuống hồ Tây. Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc phong là Linh Lang đại vương cho lập đền thờ ở Voi Phục.
Thời Trần, thần nhân hóa thành Hoàng tử thứ 7 con vua Trần Nhân Tông để giúp vua đánh giặc Chiêm Thành và giặc Nguyên xâm lược. Sau khi khải hoàn trở về Hoàng tử không nhận tước thưởng lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Triều đình luận công phong thưởng phong là Dâm Đàm Đại Vương được thờ ở đình Tây Hồ, sau đó là đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, đình Yên Trì.
Như vậy làng Tây Hồ và nhiều làng khác quanh hồ Tây đã tôn thờ Thủy thần mà Thủy thần chính là Xích Giáp, hiệu là Uy Linh Lang. chính phái họ Hồng Bàng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng Bắc bộ, trấn trị các sông ngòi, đầm hồ và chế ngự biển Đông.
Đình Tây Hồ được xây dựng giữa làng Tây Hồ và quay theo hướng Tây, di tích có tường bao quanh, diện tích là 1363,3m2. Đình được xây dựng trên nền đất cao kiểu chữ đinh, gồm các hạng mục công trình sau: Nghi môn, nhà khách, tảo mạc, đại đình, phương đình, hành lang và hậu cung.
Nghi môn: gồm 2 trụ biểu xây hình vuông cao, thân trụ có bổ ô để viết câu đối, phần lồng đèn không trang trí gì, trên đình trụ có 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành hình trái dành. Từ hai cột chính chạy thẳng sang hai bên phải nối với một cửa nhỏ xây kiểu vòm cuốn.
Đại bái: gồm 5 gian rộng, bộ khung được làm bằng gỗ gồm có 4 bộ vì kèo (2 bộ vì kiểu thượng rường, 1 bộ vì kèo suốt, 1 bộ vì giá chiêng), đình cao khoảng 50 cm so với mặt sân và có 3 bậc gạch đi lên. Nhà được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn, thân gắn các mảnh sành xanh, trắng. Toàn bộ mặt trước của đình xây kín, để 3 cửa rộng ở giữa và 2 cửa nhỏ hai bên. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau vườn.
Trước hậu cung và sau đại bái là một phương đình xây kiểu 2 tầng 8 mái, lợp ngói ta. Chính giữa nóc đắp một bầu rượu, hai bờ nóc ngậm 2 dải mây mềm mại. Cả 8 góc mái đều đắp rồng lá cách điệu khá đẹp, đầu rồng ngẩng cao hướng vào giữa nóc mái. Các cột đỡ bộ khung đều bằng gạch, phần chân xây vuông, phần trên xây tròn vươn lên sát mái để đỡ các khoảng hoành.
Hậu cung gồm 3 gian nhà ngang, xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp mặt lửa, hai đầu bờ nóc đắp hai tiện rút. Nền nhà cao hẳn lên so với đại bái, nền nhà lát gạch. Bộ khung nhà làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén, phía trước mặt là hệ thống cửa bức bàn gỗ. Gian chính giữa ở vị trí cao nhất trang trọng nhất đặt 3 ngai thờ của ba vị đại vương trên bệ xây gạch, các ngai đều cao to, với các đường nét chạm trổ tinh vi, rõ nét khỏe khoắn, các tay ngai đều khắc các đầu rồng với dáng vẻ dữ tợn và vươn ra phía trước.
Đình Tây Hồ còn bảo lưu được một số lượng di vật tương đối đa dạng về thể loại về chất liệu mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao. Đây là những tư liệu quý giá góp phần không nhỏ trong việc làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bao gồm: một cuốn thần tích bằng chữ Hán ghi lai lịch của các vị thần, 25 đạo sắc phong, trong đó có: 16 đạo thời Lê, 6 đạo thời Tây Sơn, 3 đạo thời Nguyễn, Sắc sớm nhất có ba đạo niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Bốn tấm bia đá trong đó có ba tấm bia hai mặt thời Lê, ba bộ kiệu gỗ sơn thiếp vàng, 11 bộ long ngai bài vị.
Ngoài ý nghĩa về giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, đình còn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa và tinh thần của cư dân làng xã, là nơi nhân dân được thể hiện lòng biết ơn người có công với dân, với nước, đồng thời giáo dục con người lòng yêu thương đất nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái trong nhịp sống hiện đại.
Đình đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 13/02/2007./.
https://www.tayho360.vn/chi_tiet_di_tich_lich_su/dinh-tay-ho.html
"
"
PHỦ TÂY HỒ
GIỚI THIỆU
Phủ Tây Hồ nằm ven hồ Tây, đời Hán hồ có tên là Lãng Bạc, đời Trần gọi là Dâm Đàm (còn có tên gọi là hồ mù sương), đến triều Lê vì kiêng tên húy của nhà vua nên đổi thành Tây Hồ, tục gọi là hồ Tây, phủ xây bên hồ nên dân gian đặt tên là phủ Tây Hồ.
Phủ Tây Hồ tọa lạc trên doi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục. Đất này thuộc thôn Bảo Khánh, ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức nay thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nếu hồ Tây là đất thiêng liêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là đất thiêng của hồ Tây.
Tây Hồ vốn nổi tiếng từ các đời Lý, Trần, Lê và Nguyễn với Hồ Tây bát cảnh. Ở đây có các nghề thủ công cổ truyền như nghề tằm tang, xe chỉ, nhuộm thâm và trồng cây cảnh. Tây Hồ còn là nơi ghi lại nhiều dấu tích lịch sử. Chùa Phổ Linh (chùa Tây Hồ) có tấm bia đá tạo từ năm 1622, ghi rõ rằng chùa có từ thời nhà Lý (Lý Nhân Tông - 1097), trong chùa còn có chuông đúc năm 1801, có xóm Cung vốn là nơi vua Lê thường ra đứng xem cá. Trương tuyền Tây Hồ là quê hương của Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi đã gặp bà ở đây.
Nổi tiếng hơn cả ở Tây Hồ là cuộc tạo ngộ giữa Phùng Khắc Khoan (1528 - 1631) và hai bạn của ông với Liễu Hạnh công chúa. Để ghi dấu cuộc tao ngộ ly kỳ đó và cũng để ghi nhớ những tài danh của đất nước, nhân dân đã dựng lên phủ Tây Hồ.
Hiện nay còn rất nhiều văn bia, hoành phi, câu đối, sắc phong, thần, phả ở di tích cho biết: phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Liễu Hạnh công chúa. Truyền thuyết về bà được ghi chép rất nhiều trong sử sách, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nên rất nhiều nơi dựng đền thờ bà. Sách “Trích văn lục” và một số bản thần tích cho biết: Công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tính tình ngang bướng, phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời. Vì đánh vỡ chén ngọc, nàng bị vua cha giáng xuống trần, đầu thai vào nhà Lê Thái Công ở làng Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mang tên là Giáng Tiên.
Lớn lên Giáng Tiên làm con nuôi một vị Hữu quan họ Trần, được học hành đầy đủ nên có tài văn chương, đàn sáo. Năm 16 tuổi, nàng lấy chồng là Đào Lang - con vị Hữu quan ở làng. Vợ chồng ăn ở với nhau được 5 năm thì hết hạn đầy, bỗng nhiên không bệnh mà hóa, để lại cho chồng hai đứa con một trai, một gái. “Lòng trần chưa dứt”, công chúa lại được cha là Ngọc Hoàng cho xuống trần. Lần này với phép biến hóa huyền diệu, nàng gặp lại bố mẹ và chồng con, nhưng sau đó nàng lại bỏ đi. Với tính phóng khoáng, tung tích vô định, lúc làm bà già chống gậy, lúc làm cô gái thổi sáo, nàng đi khắp đất nước.
Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh trong tín ngưỡng dân gian “tứ phủ” bởi một mặt Liễu Hạnh tượng trưng cho tinh thần giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền, mặt khác trong tâm thức dân gian bà chúa có thể ban phước hoặc giáng họa cho con người ở trần gian này.
Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về Tứ Bất Tử, về Mẫu Liễu Hạnh và Phủ Tây Hồ. Người đi tiên phong trong việc tạo thần là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748). Với ngòi bút tài hoa của mình, Hồng Hà nữ sĩ làm cho mọi người tin Trạng Bùng gặp tiên ở hồ Tây là thực: Vào một ngày hè đẹp trời, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan rủ Cử nhân họ Ngô và Tú tài họ Lý lãng đãng đi chơi hồ Tây. Ba vị say sưa ngắm cảnh, uống rượu, ngâm thơ. Họ cứ theo bờ bên đông mà đi, chẳng bao lâu đã đến ấp Tây Hồ. Từ xa hiện ra lâu đài mờ ảo lẫn trong sương nào khác bồng lai tiên cảnh. Trước lâu đài đề bốn chữ “Tây Hồ phong nguyệt” (gió trăng Tây Hồ). Vừa hay có một mỹ nữ mặc áo hồng hiện ra mời chào khách vào thăm quán, thưởng thức món cá đặc sản của Tây Hồ. Hỏi ra Trạng Bùng biết đây là quán của Liễu Hạnh Công chúa. Họ vào quán và được chủ tươi cười niềm nở đón tiếp, cùng nhau ngâm vịnh đến khuya mới chịu chia tay.
Vài tháng sau, thày trò Trạng Bùng lại đến ấp Tây Hồ nhưng không thấy lâu đài nhà cửa gì cả, chỉ thấy hồ nước mênh mang, trúc reo, liễu rủ. Họ chợt tỉnh ngộ vài tháng trước đã gặp tiên, tỏ ra luyến tiếc vô cùng.
Chuyện gặp tiên, nhớ tiên cho xây lầu Vọng Tiên đã có tiền lệ từ thời Lê Thánh Tông. Nay họ Phùng gặp tiên nhớ tiên cho xây Phủ Tây Hồ là học theo người trước mà thôi.
Về mặt kiến trúc Phủ Tây Hồ hoàn toàn mang phong cách hiện đại, chất liệu bê tông giả gỗ. Phủ chia làm hai tòa riêng biệt.
PHỦ CHÍNH
Phủ chính gồm một tòa nhà nối liền nhưng được chia làm ba theo kiểu chữ tam. Tiền tế thờ công đồng, trung tế thờ vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và Tam tòa thánh mẫu (thờ tượng). Ba vị thánh mẫu là Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải.
Theo quan niệm Tam phủ thì: Cai quản Thiên Phủ có Thiên quan, Thiên quan tích phúc (ban phúc lộc cho con người). Cai quản Địa phủ có Địa quan, Địa quan xá tội (xá bỏ tội lỗi cho con người). Cai quản Thủy Phủ có Thủy quan, Thủy quan giải ách (cởi bỏ mọi chướng ngại khó khăn cho con người).
Với sức mạnh thần bí ban phúc, xá tội, giải ách, tín ngưỡng Tam phủ quả hấp dẫn với bất cứ ai.
Hơn nữa tín ngưỡng Tam phủ đều tôn thờ vua cha Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng là vị thần tối cao trên Thiên đình cai quản tam giới, cai quản bách thần. Táo phủ Thần quân là thần theo dõi việc làm thiện ác của từng người, từng hộ. Hàng tháng vào ngày cuối, Táo thần lại lên tâu với Ngọc Hoàng về hành tung của từng người trong tháng. Nam Tào, Bắc Đẩu có nhiệm vụ ghi lại, theo dõi, đề trình lên Ngọc Hoàng để ban thưởng cho người nào làm việc thiện, trừng trị kẻ nào gây tội ác.
Ngọc Hoàng uy nghiêm là thế, nhưng với tâm linh của người tín ngưỡng Tam phủ thì Ngọc Hoàng cũng có xương có thịt, có vợ có con. Vợ Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu. Con Ngọc Hoàng là Liễu Hạnh Công chúa. Do đánh vỡ chén ngọc mà con gái út của Ngọc Hoàng bị đày xuống làm dân thường ở làng Vân Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nước Đại Việt để tu luyện. Sau do luyến tiếc cảnh đẹp nước Nam, nàng lại lẻn xuống trần gian để thưởng ngoạn, khi ở Quảng Bình, Nghệ An, lúc ở Thanh Hóa, Lạng Sơn, cuối cùng nàng đam mê phong cảnh Tây Hồ hơn bất cứ ai.
ĐIỆN SƠN TRANG
Điện Sơn Trang xây dựng tu tạo năm 2006 xây bằng chất liệu bê tông, mái trên bằng gỗ làm theo kiểu chồng diêm hai tầng mái ngói, là nơi thờ chúa Đệ Nhị Thượng Ngàn, hai Chầu gồm Chầu Lục và Chầu Bé, cùng 12 cô Sơn Trang các quan hoàng quan quận Dưới Hạ Ban Thờ quan ngũ Hổ (quan Năm Dinh)
Điện Sơn Trang không nên hiểu đơn thuần là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Mà Điện Sơn Trang ở Phủ Tây Hồ nếu suy rộng ra là sơn lâm nước Việt, thu nhỏ lại là núi non Hương Tích, núi non Tây Hồ. Tiên, Phật bao giờ cũng gắn với non xanh nước biếc linh thiêng, giang sơn kỳ tú. Chính vì thế ở các phủ, các điện có thờ Phật cũng là điều dễ hiểu.
“Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Cha là Trần Hưng Đạo, mẹ là Liễu Hạnh Công chúa. Cha và mẹ là cha mẹ trong tâm linh tôn giáo, không nên hiểu theo nghĩa dung tục.
Hàng năm cứ vào ngày mồng 3 tháng 3 và 13 tháng 8 âm lịch, tại Phủ Tây Hồ đều mở hội tế lễ. Lễ hội này đã có từ xưa, mấy năm gần đây càng trở nên hưng thịnh. Có thể nói lượng người đến cầu khấn, thăm viếng tại phủ ngày càng nhiều, không lúc nào ngừng.
Phủ Tây Hồ cùng với Phủ Giầy ở Nam Định, Đền Sòng ở Thanh Hóa, Đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn và các đền Tam tòa Thánh Mẫu ở các chùa được xây dựng để tôn thờ Tam phủ, tôn thờ ba vị Thánh Mẫu. Ba vị Thánh Mẫu tuy ba mà một, đấy chỉ là hóa thân của Mẫu Liễu mà thôi. Mẫu Liễu là một Thiên tiên, một nhân vật hư cấu không có thật. Mẫu trở nên linh thiêng hơn qua cách nhìn của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, linh thiêng hơn bởi chúng ta ai cũng mong làm điều thiện, bỏ điều ác, cầu khấn trước Mẫu, trước tâm linh hư vô của mình, mong được ban phúc, xá tội, giải ách.
Phủ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 310/QĐ ngày 13/02/1996./.
https://www.tayho360.vn/chi_tiet_di_tich_lich_su/phu-tay-ho.html
"
"
Chùa Tây Hồ
(hiện chưa có trên trang)
"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.