https://www.youtube.com/watch?v=6SOsydoitJA
VOV.VN - Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký văn bản số 151 (ngày 16/5) thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.
Theo văn bản số 151, trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.
Người này được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ". Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến GHPGVN.
Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của GHPGVN. Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội.
Người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Tuy nhiên, lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu view và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử GHPGVN.
Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN.
Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản về ‘sư Thích Minh Tuệ’
Hôm nay 16-5, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ cùng có văn bản về trường hợp ‘sư Thích Minh Tuệ’.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi thông báo đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Ban Tôn giáo Chính phủ gửi văn bản tới các ban/phòng tôn giáo (sở nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về cùng vụ việc "sư Thích Minh Tuệ".
Tuổi Trẻ Online trích đăng các văn bản:
Văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ":
Những ngày gần đây trên các trang mạng xã hội phát tán, lan truyền nhiều hình ảnh về một người tự xưng là Thích Minh Tuệ, trang phục mang hình thức như tu sĩ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Về việc này, Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin như sau:
Qua nắm tình hình bước đầu, ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trước đây ông Thích Minh Tuệ đã ba lần đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập "hạnh đầu đà" từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại nhưng không thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tuy nhiên, lần thứ tư này hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn.
Trong đoàn đi theo có tín đồ phật tử, có những người hiếu kỳ và nhóm TikToker, YouTuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo nên "hiện tượng Thích Minh Tuệ", thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều bình luận theo các chiều hướng khác nhau.
Từ thực tế đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện:
- Tham mưu Sở Nội vụ báo cáo. Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật.
- Trao đổi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Thông tin, tuyên truyền để quần chúng nhân dân, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, về cách thức hành trì của Phật giáo; không cản trở, làm ảnh hưởng việc tu học đúng chính pháp; vận động chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân không tập trung đông người nơi công cộng, gây cản trở, ách tắc giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn.
Chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, không để các đối tượng thiếu thiện chí có cơ hội lợi dụng tuyên truyền, kích động gây mất ổn định xã hội.
Văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết:
Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.
Người này được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ". Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội.
Người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Tuy nhiên, lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư;
Liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tối 30/5, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận, ông Lương Thanh S (47 tuổi) đã tử vong. Hiện tại thi thể ông S đang lưu lại nhà xác của bệnh viện để làm thủ tục bàn giao cho gia đình.
Trước đó, khoảng 10h30 cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận ông S trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu, mạch quay không bắt được, huyết áp không bắt được, ngừng tuần hoàn hô hấp, vô cùng nguy kịch.
Khi nhập viện, ông S mặc kiểu áo như những người đi theo ông Thích Minh Tuệ khất thực.
Hai người phụ nữ ở huyện Triệu Phong đưa ông S vào viện cho biết, ông S đi theo ông Thích Minh Tuệ. Khi đến địa phận thị trấn Ái Tử, ông S bị ngất xỉu trên đường.
Thấy vậy, người dân đã đưa ông S vào bệnh viện huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng, bệnh viện này chuyển ông S lên tuyến trên là bệnh viện tỉnh.
Sau khi đưa ông S vào bệnh viện tỉnh, hai người phụ nữ nhờ bệnh viện liên hệ với đoàn của ông Thích Minh Tuệ hoặc người nhà để tìm người thân cho bệnh nhân, được một lúc thì hai người phụ nữ rời đi.
Lúc tiếp nhận, mặc dù không biết bệnh nhân tên tuổi là gì, cũng không có bảo hiểm y tế, không có thân nhân, không ai nộp viện phí, nhưng bệnh viện vẫn hỗ trợ bệnh nhân tối đa.
Nhờ đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện cấp cứu, mạch của bệnh nhân S đập trở lại nhưng phải thở máy.
Theo thông tin từ bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, ông S mới trở về từ Mỹ được 4 ngày, đã đi theo ông Thích Minh Tuệ 3 ngày. Vợ con ông S hiện đang ở Mỹ. Một số người thân của ông S ở thành phố Hồ Chí Minh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vào khoảng 15h cùng ngày.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh, ông S bị sốc nhiệt do nắng nóng, dẫn đến tổn thương đa cơ quan, tổn thương não không hồi phục.
Sau khi người nhà đến đã thanh toán chi phí điều trị cho bệnh viện và cảm ơn bệnh viện đã tận tình cứu chữa ông S. Người nhà có nguyện vọng đưa bệnh nhân S vào bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nhận định, không thể đưa ông S di chuyển quảng đường xa. Vì vậy, người nhà nguyện vọng đưa bệnh nhân S vào Bệnh viện Trung ương Huế.
Bác sĩ Huỳnh khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, người dân cần tránh trú ở nơi thoáng mát, cung cấp đủ nước cho cơ thể, không nên đi bộ dọc đường, sẽ nguy hiểm đến sức khoẻ.
"Hộ pháp Kim Cang" theo chân ông Thích Minh Tuệ là ai?
XÃ HỘI 25/05/2024 14:06
Ông Thích Minh Tuệ - một người đang tự tu theo lối khổ hạnh nhiều năm qua, bỗng trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ bởi những người làm nội dung bẩn trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook.
Những năm trước đây, hành trình tu tập của ông Minh Tuệ vốn lặng lẽ, bình an. Từ khi ông được “đẩy thuyền” thành hiện tượng mạng, ngoài những người hiếu kỳ tới xem, những ngày gần đây còn xuất hiện thêm rất nhiều người với cách ăn mặc na ná ông Minh Tuệ, ôm theo ruột nồi cơm điện và những “đạo cụ” đi theo ông đã đặt ra không ít câu hỏi về động cơ, mục đích thực sự cũng như danh tính của những người này.
Trong đó, có một người đàn ông có đôi bàn tay to, vẻ mặt hầm hố, bặm trợn được cộng đồng mạng hay gọi là “Hộ pháp Kim Cang”. Vậy người này là ai?
Theo tìm hiểu, "Hộ pháp Kim Cang" có tên thật là Đ.V.P (SN 1982, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Ông P. ngoài mặc trang phục và ôm ruột nồi cơm điện tương tự ông Minh Tuệ, còn có lúc đeo cặp kính râm. Thậm chí, ông P. có lần còn lớn tiếng xua đuổi những người “lạ mặt” đi theo ông Thích Minh Tuệ và có dáng vẻ là người đi theo để bảo vệ ông Thích Minh Tuệ.
Người đàn ông tự xưng Hộ pháp Kim Cang đi theo ông Thích Minh Tuệ bị người nhà lên án vì bỏ mặc vợ con ở nhà khổ cực - Ảnh: Cắt từ clip mạng xã hội |
Trao đổi với Báo Công Thương, anh K. (người được giới thiệu là cháu của Hộ pháp Kim Cang) cho biết, ông P. quê gốc ở Hải Dương trong gia đình có đông anh em. Mẹ ông P. mất sớm, người đàn ông này có thời gian làm mỏ than ở Quảng Ninh đã mua được nhà tại vùng đất Mỏ nhưng chơi bời nợ nần, ông P. đã bán nhà và cùng vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015, rồi thuê nhà trọ sinh sống và bán hàng ở ven đường.
Anh K. chia sẻ thêm, ông P. không phải là người tu tập. Người đàn ông này đi theo ông Thích Minh Tuệ với mục đích “dọa” đi tu để gây sức ép với gia đình bởi những việc ông này từng làm ảnh hưởng tới mọi người.
“Chú ấy có phải doanh nhân, doanh nghiệp gì đâu, vẫn đang thuê nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Vợ con thì vẫn đang khổ cực ở nhà chứ có sung sướng gì. Vợ chú ấy không có công ăn việc làm chỉ ở nhà làm may thuê nuôi 2 đứa con nhỏ, một đứa 4 tuổi bị tự kỷ chậm nói khổ lắm! Bản chất chú ấy không phải cục cằn, thô lỗ đến vậy. Chả hiểu sao lại thế chỉ khổ vợ con ở nhà”, anh K. nói và cho biết gia đình ông P. rất mệt mỏi về việc này.
Anh K. cũng cho rằng, chú mình đi theo ông Thích Minh Tuệ với lý do riêng, nhưng ai nói đi tu cũng tu được đâu. “Làm gì có Phật nào dạy bỏ vợ bỏ con để đi theo ông Minh Tuệ. Đi như thế là theo tâm lý đám đông, là a dua chứ có phải tu đâu, chỉ khổ người trong gia đình, như thế không phải là tu”, anh K. nói.
Theo nam thanh niên, gia đình rất bức xúc vì ông P. bỏ bê vợ con nên muốn nói lên sự thật để người này hồi tâm chuyển ý quay về, đừng để vợ con ở nhà suốt ngày khóc lóc.
“Chú ấy đi để vợ con ở nhà khổ thế thì không phải là tu. Nhiều người đi mục đích vì nổi tiếng, chú ấy đi chả mục đích gì ngoài tạo sức ép cho gia đình, còn mang tiếng xấu bỏ vợ con ở nhà, xua đuổi người khác. Còn đi để bảo vệ ông Tuệ, thực chất thì có ai làm gì ông Tuệ đâu mà cần phải bảo vệ”, anh K. bức xúc.
Ông Thích Minh Tuệ từng nói, họ không phải đệ tử và đồ đạc ông tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ nhưng nếu ai muốn đi cùng thì ông không cản.
Khi dừng chân nghỉ ngơi, ông trò chuyện với họ và vẫn nói rằng muốn đi thì đi, muốn về thì về, nhưng nhớ phải xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.
An Tường Anh (Võ Đào Phương Trâm)
Tôi không biết gọi Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê gốc Hà Tĩnh) là gì. Nhưng ngài lại không cần một danh xưng. Vậy nên gọi ngài là gì không quan trọng.
Ngài tự xưng là “con” trước mọi người. Vậy tôi cứ gọi suông là Thích Minh Tuệ.
Những ngày qua, cái tên Thích Minh Tuệ gây “bão” trên mạng xã hội và báo chí với đôi chân trần, đầu trần đi khất thực dọc chiều dài đất nước lần thứ tư, với hàng đoàn người đi theo, với vô số clip trên internet, với những câu nói giản dị: “Gặp gỡ thì đã gặp rồi, mọi người nên về với công việc của mình”; “Con đi tới đây đang tập học, chưa có gì”; “Con đâu có nhận tiền, con chỉ nhận thức ăn chay vào buổi sớm đi khất thực thôi. Ngày hôm nay ăn rồi là cũng không nhận nữa”…
Vì sao một người hành xử theo phong thái của một bậc chân tu lại có sức hút lớn đến như vậy?
Trước hết thuộc về tự do. Theo hay không theo một tôn giáo là quyền tự do của mỗi người dân Việt Nam – điều này được Hiến pháp nước ta quy định tại điều 24. Hành động của Thích Minh Tuệ thể hiện quyền tự do đó. Ông tu hành theo pháp “hạnh đầu đà”, mặc áo vá đi khất thực, không nhận tiền cúng dường, tối ngủ tạm đâu đó… Ông tự nguyện khổ hạnh về ăn, mặc, ở để được giải thoát theo quan niệm nhà Phật.
Xem ra nhiều người chưa quen với tự do nên mới thấy lạ!
Hiếu kỳ cũng là một đặc tính con người. Chính vì hiếu kỳ nên dễ xảy ra hội chứng đám đông. Một người hiếu kỳ, kích hoạt sự hiếu kỳ của người ở bên cạnh và cứ như thế thành hội chứng, trào lưu. Hiếu kỳ có mặt tích cực nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành sự ham hiểu biết, thậm chí có thể phát động phong trào thi đua. Nhưng đặc tính này cũng dễ bị lợi dụng, có thể biến thái. Hiện tượng Thích Minh Tuệ đã bị đẩy lên thái quá.
Nhưng câu chuyện lớn hơn thuộc về nhà chùa. Lâu rồi người ta mới thấy hình ảnh một vị chân tu (mặc dù Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo như văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) – hình ảnh họ đã khao khát từ lâu.
Người ta có quyền đặt Thích Minh Tuệ bên cạnh những tu sĩ đã gây ra bao tai tiếng để so sánh, để luận bàn. Những người như ông Thích Chân Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuyết giảng tuyên truyền nhảm nhí “tuổi trẻ hay đi du lịch về già bị liệt”; “hát karaoke sau này chết thành ma câm”; “nằm võng mất phước”. Vị tu sĩ này thường xuyên nhắc đến việc cúng dường, khích lệ phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa. Rồi những câu chuyện bại hoại ở Vĩnh Phúc khi cửa Phật trở thành chốn tà dâm như báo chí đã nêu. Hay hình ảnh tu sĩ Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) với chiếc giỏ trên tay đi thu tiền của phật tử. Vị đại đức này cũng nhiều lần vi phạm quy định của giáo hội và phải sám hối nhưng dư luận chưa đồng tình với mức xử lý…
Tức là ở đây có vấn đề về niềm tin vào giới tu hành. Bên cạnh những vị chân tu thì vẫn còn đó những người mượn danh tu sĩ để làm điều trái với giáo lý nhà Phật.
Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho ta niềm tin về một con người tự nguyện tu tập, về một con người tự do theo hay không theo tôn giáo, “Con chả phải là sư hay thầy gì cả. Con là một công dân Việt Nam học tập theo lời Phật dạy thôi”. Dân chúng đang khao khát một hình ảnh nhà sư đời thường như thế. Hay họ liên tưởng đến triết lý tu tại gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 700 năm trước?
Nếu bỏ qua những việc lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để câu view, câu like, để nổi tiếng, để kiếm tiền, làm quá lên hay để chống phá chính sách tôn giáo của Nhà nước ta thì hình ảnh một người tự tu theo đạo Phật cho ta thêm niềm cảm hứng mới. Đó là cảm hứng về tự do, cảm hứng về vượt qua cám dỗ vật chất, cảm hứng về tâm hồn vô tư trong sáng, cảm hứng về nghị lực…
Một người không phải tu sĩ nhưng vẫn được gọi là “sư”, là “thầy” - thầy Thích Minh Tuệ. Tôi không hiểu về Phật giáo nhưng tôi mong hãy để cho thầy được yên tĩnh tu tập theo cách mà thầy muốn, trong giới hạn quy định của luật pháp và đạo đức.
Hiện tượng Thích Minh Tuệ cũng nói lên thiện cảm rất lớn, một niềm tin với Phật giáo, với những nhà tu hành chân chính không “tham, sân, si” trong những ngày đang diễn ra lễ Phật đản này.
THANH XUÂNĐôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ vừa có thông báo chính thức về “trường hợp Thích Minh Tuệ”. Theo đó, cả hai văn bản đều khẳng định rằng người được cộng đồng gọi là Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hai văn bản cũng cung cấp một số thông tin về nhân thân của người đang được nói đến. Cả hai văn bản đều nêu yêu cầu không được ngộ nhận hoặc lợi dụng sự kiện này để làm ảnh hưởng đến các vấn đề tôn giáo và xã hội nói chung.
Là một Phật tử, theo dõi hành trình và gần như xem hầu hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những thông tin và cách trình bày, cũng như lập luận có thể gây hiểu lầm. Ví dụ, một câu trong văn bản: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Đầu tiên phải nói rằng, ông Minh Tuệ chỉ đi xin ăn với tư cách một người dân đang đi tu “theo lời Phật dạy” chứ không phải với tư cách một tu sĩ thuộc Giáo hội, còn việc cho hay không là quyền của mọi người. Ông Minh Tuệ cũng chỉ nhận đủ đồ ăn trong một bữa [trước ngọ] và nhận nước uống, ngoài ra không nhận thêm bất cứ tài vật gì khác. Nhưng văn bản của Giáo hội lại không nói rõ là khi người dân “cúng dàng” thì ông Minh Tuệ có nhận hay không; thành ra, cách nói “một nửa” này có thể gây nên sự hiểu lầm lớn.
Văn bản này cũng ba lần nhắc đến việc “ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, nhưng cách trình bày lại cho thấy một logic rằng chính ông Minh Tuệ là người đã gây ra sự “ảnh hưởng” đó. Từ chuyện “đi bộ” đến việc “người dân cúng dàng” rồi đến sự ra đời của các “hình ảnh, clip” và cuối cùng là “gây ra dư luận trái chiều”, trong cái chuỗi này đâu là lỗi của ông Minh Tuệ? Phải thấy rằng, việc ông Minh Tuệ tu theo pháp Phật là quyền tự do tôn giáo của một công dân, còn nếu có những vấn đề khác như các “bình luận trái chiều” về Giáo hội và tu sĩ thuộc Giáo hội thì đó thuộc trách nhiệm của những người bình luận, không thể quy trách nhiệm này cho ông Minh Tuệ được. Nếu có người lợi dụng hình ảnh ông Minh Tuệ để “xúc phạm, xuyên tạc” về Giáo hội và Tăng Ni Phật tử của Giáo hội thì có nghĩa là đang có hai đối tượng bị tổn hại: là Giáo hội và chính ông Minh Tuệ. Vì thế, Giáo hội trong khi bảo vệ chính mình, thì cũng nên bảo vệ một người dân đang nỗ lực tu theo tôn giáo của mình, chứ không phải là đổ lỗi cho người ấy.
Riêng trong công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ thì có những “đề nghị” rất đáng chú ý mà tôi cho rằng có sự bảo đảm cho những chuẩn mực và một tinh thần tích cực. Đó là đề nghị đối với Ban/Phòng Tôn giáo các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, như: “Tham mưu Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu, lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật”. Trước tình hình tập trung ngày càng đông người trên quốc lộ, đây là một chỉ đạo hợp lý, kịp thời, nhằm ngăn ngừa những tai nạn hoặc những vấn đề liên quan đến pháp luật nói chung.
Văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ còn đề nghị: “Hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật”. Đồng thời “Thông tin, tuyên truyền để quần chúng nhân dân, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, về cách thức hành trì của Phật giáo, không cản trở, làm ảnh hưởng việc tu học đúng chính pháp; vận động chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân không tập trung đông người nơi công cộng, gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn trật tự trên địa bàn”. Qua đây, thấy được trách nhiệm và tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của Ban Tôn giáo Chính phủ: một mặt chú ý đến các vấn đề quản lý xã hội trong khuôn khổ pháp luật, mặt khác nhấn mạnh về việc bảo đảm quyền tự do hành trì của người tu.
Qua văn bản này của Ban Tôn giáo Chính phủ, là một Phật tử, chúng tôi nghĩ rằng, các địa phương cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không để việc tụ tập đông người làm ảnh hưởng xấu đến người tu. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí nên tích cực hơn trong việc thông tin, tuyên truyền và phổ biến về chính pháp của Đức Phật để người dân hiểu hơn và có ý thức tự giác hơn trong việc thực hành tu tập của cá nhân, không cần thiết phải đi theo một người rồi tạo thành đám đông gây ảnh hưởng đến giao thông.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí và ban ngành chức năng nên tranh thủ hình ảnh một công dân đang thực hành Phật pháp một cách kiên trì và đã trở thành hình ảnh đẹp về người Phật tử như ông Minh Tuệ, để tuyên truyền cho đông đảo người dân về sự hướng thiện, biết sống có lý tưởng, biết theo đuổi các giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc.
Cũng nên tranh thủ hình ảnh ông Minh Tuệ để nhắc nhở và cảnh báo những người mượn danh Phật nhưng đã không làm theo lời Phật dạy, có những việc làm và phát ngôn gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến làm ảnh hưởng xấu cho Giáo hội và Phật giáo nói chung.
Nhân công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ, là một Phật tử, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người dân, nếu vì sự ngưỡng mộ một người tu hành nào đó, thì nên tôn trọng sự riêng tư của họ, tránh quấy rầy và làm ảnh hưởng xấu đến sự thực tập mà họ đang thực hiện. Đồng thời, tránh đi theo rồi tạo thành một đoàn người đông đúc làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các vấn đề xã hội khác.
Việc tu cũng như ăn cơm uống nước, ai ăn người ấy no, ai uống người ấy hết khát, không ai ăn thay uống thay cho ai được.
Phật tử Đức Thuận
Vì thế, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người nếu vì lòng kính trọng đối với một người đang thực hành theo chính pháp của Phật thì điều ý nghĩa nhất là học tập những phẩm chất của người ấy để hoàn thiện bản thân, hơn là việc “đi theo”, nhất là trong tình hình giao thông phức tạp như hiện nay.
https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/doi-dieu-suy-nghi-cua-mot-phat-tu-ve-cau-chuyen-xung-quanh-ong-minh-tue-d386368.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1Zevz8rsvFUGxGDvk92bUHPDgt8ebcQhb7h3ZqA5r3x3EMlLe8zZ84Ouw_aem_AZN0sYGiZUwQ_wrN3_MBhlzz596-w-Gb3p_BhWwfzw_fIvuTIUqlolk4rRU7x50aFgU_dSxiJdA3PX4f_hkpYAQF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.