Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

24/04/2024

Học giả Tô Ngọc Thanh vừa qua đời (1934-2024)

Thầy Tô Ngọc Thanh vừa ra đi vào ngày 24 tháng 4 năm 2024, hưởng thọ 91 tuổi.

Đầu tiên là điểm tin chính thức trên các báo chí chính thống.

Các cập nhật và bổ sung sẽ dán dần lên ở dưới như mọi khi.

Tháng 4 năm 2024,

Giao Blog


---


24/04/2024 10:49 GMT+7

Nhà nghiên cứu văn hóa, giáo sư Tô Ngọc Thanh qua đời

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, vị học giả uyên bác, con trai họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân - vừa qua đời sáng nay, 24-4, tại Hà Nội.


GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Ảnh tư liệu

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Ảnh tư liệu

GS Lê Hồng Lý - chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người kế nhiệm vai trò chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam của GS Tô Ngọc Thanh - xác nhận với Tuổi Trẻ Online tin buồn về GS Tô Ngọc Thanh.

GS Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội.

Là con trai của họa sĩ tài năng Tô Ngọc Vân, nhưng duyên nghiệp ngay từ nhỏ lại dẫn ông đi theo con đường âm nhạc.

Sinh thời ông từng kể thuở thơ bé, để giữ không gian tĩnh lặng cho cha vẽ tranh, ông thường lẻn sang nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nghe lỏm cụ Khoát và bạn bè đàn hát. 

Nghe mãi thành quen, thành thuộc, rồi đam mê và quyết đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp.

Theo cha đi kháng chiến chống Pháp, ông Thanh theo học Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học khoa sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên.

Sau nhiều năm đi sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc, Tô Ngọc Thanh đi du học, nhận bằng tiến sĩ khoa học về âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria.

Dành hơn 50 năm lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu giá trị, được công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế.

Tiêu biểu như: Công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); 

Fonclo Bahna, do ông chủ biên (1988), Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995), tư liệu Âm nhạc cung đình Việt Nam (2000); Ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách…

Tô Ngọc Thanh còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc.

Ông được phong hàm giáo sư năm 1991.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã kinh qua nhiều vai trò quan trọng như viện phó, rồi viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, sau đó là tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (ba khóa liên tiếp); phó chủ tịch rồi chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hai khóa 6, 7 (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020).

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất (2001) và nhiều huy chương các loại.

Ông còn nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Thiên Điểu

https://tuoitre.vn/hoc-gia-uyen-bac-to-ngoc-thanh-qua-doi-20240424103513513.htm

..

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.