Cụ ông Trần Viết Đức và cụ bà Trần Thị Duyên được chính quyền xã Kim Thái cử ra trông coi Phủ Chính từ năm 1988 (xem thêm ở đây). Lúc bấy giờ, các cụ mới gần 60.
Trước đó, các năm 1986-1987, cụ Đức đã viết loạt đơn thư tay cho trung ương và Bộ Văn hóa trình bày nguyện vọng được khôi phục dòng tín ngưỡng thờ Mẫu từ thực tế Mẫu Phủ Giầy(Dầy).
1. Năm 1992, vào ngày 2 tháng 6, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), hội thảo khoa học Bước đầu tìm hiểu thần thoại và truyền thuyết Mẫu Liễu được tổ chức. Các cơ quan đồng tổ chức là Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Văn hóa Dân gian, Viện Văn học, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông bà Đức đã có đóng góp cho sự thành công của hội thảo khoa học đầu tiên về Mẫu Liễu và tín ngưỡng thờ Mẫu sau Đổi Mới.
Tháng 10 năm 1992, một số tạp chí Văn học được phát hành (số 5 năm 1992) đăng tải một số tham luận trong hội thảo khoa học tháng 6 cùng năm.
Cùng năm 1992, ông Đức tiếp tục gửi đơn thư lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa trình bày việc phục hồi tín ngưỡng thờ Mẫu. Lần này, là đơn thư được đánh máy (xem cụ thể ở đây).
2. Năm 1995, Hội Phủ Giầy được mở thử nghiệm. Sau ba năm, đến 1998, Hội Phủ Giầy được chính thức khôi phục.
3. Năm 2001, từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội Phủ Giầy được tổ chức với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, phối hợp cùng UBND tỉnh Nam Định. Ông bà Đức có đóng góp cho sự thành công của hội thảo quốc tế đầu tiên về tín ngưỡng thờ Mẫu sau Đổi Mới này.
Năm 2004, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã xuất bản cuốn sách Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á (Nxb Khoa học Xã hội) đăng tải các tham luận trong hội thảo quốc tế nói trên.
4. Năm 2005, cụ ông tạ thế. Cụ bà tiếp tục gánh vác công việc Phủ Chính cho đến giữa năm 2017.
Cụ bà được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, rồi Nghệ nhân Nhân dân (năm 2022) ở lĩnh vực Phong tục xã hội và Tín ngưỡng.
5. Cụ bà tạ thế vào sáng sớm ngày 28 tháng 2 năm2024 (ngày 19 tháng Giêng năm Giáp Thìn), hưởng thọ 95 tuổi.
Tháng 2 năm 2024,
Giao Blog
Hỉnh ảnh Phủ Chính năm 1992 (in ở bìa 4 của tạp chí Văn học số 5 năm 1992).
---
CẬP NHẬT
1.
https://www.facebook.com/anhvienquynhanh.tunglam/posts/pfbid02EnJ23wzBAycq3shyv8fCzfoBDMbS9vKihy9ZhEPMEFAJYFZFZz7PsZ2LGtunpxW1l
..
---
BỔ SUNG
1.
Nặng lòng gìn giữ giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ MẫuTháng 9-2022, Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định phong tặng, truy tặng các danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đợt 3 cho 628 nghệ nhân trên cả nước đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thuộc các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội, tín ngưỡng; tri thức dân gian; ngữ văn dân gian; tiếng nói, chữ viết; lễ hội truyền thống. Trong số đó, Nam Định có 4 nghệ nhân là: NNND - cụ Trần Thị Duyên (cụ Đức), xã Kim Thái (Vụ Bản); 3 NNƯT gồm: bà Hoàng Thị Duyên (Hoàng Phúc Duyên), thủ nhang Đền Cô Bơ, xã Nam Phong (thành phố Nam Định); bà Đỗ Thị Lai, thủ nhang Điện Phúc Tâm, xã Xuân Ninh (Xuân Trường); ông Vũ Thanh Bình, thủ nhang Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương (Hải Hậu). Trước đó, tỉnh đã có 2 người đã được phong tặng danh hiệu NNƯT loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng là bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương - Khu Di tích lịch sử Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và bà Trần Thị Hồng Vân, thủ nhang Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên). Đến nay, trong số 13 NNND, NNƯT lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được phong tặng thì có 6 nghệ nhân thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đó là những người đầy tâm huyết gìn giữ, kế thừa, truyền dạy và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ trong một giá hầu đồng tại Phủ Tiên Hương (Phủ chính), xã Kim Thái (Vụ Bản). |
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vụ Bản - vùng đất địa linh có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gắn với huyền tích giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, NNND Trần Thị Duyên (cụ Đức) 93 tuổi ở xã Kim Thái là thanh đồng cống hiến gần trọn cuộc đời với bao vất vả, thăng trầm để bảo tồn, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nắm giữ những yếu tố quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cụ luôn tâm niệm và cố gắng gìn giữ, trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp hàm chứa trong dòng chảy của di sản qua năm tháng. Theo học thực hành nghi lễ chầu văn từ năm 1946, đến năm 1975, cụ Duyên thụ pháp làm thầy (trình đồng mở phủ), làm thủ nhang Đền Tiên Linh, rồi làm thủ nhang Phủ Tiên Hương. Nặng lòng với tín ngưỡng thờ Mẫu, từ năm 1976 đến nay, cụ Duyên đã truyền dạy cho các đệ tử, học trò những phép tắc, chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đến nay, số lượng đệ tử, học trò mà cụ đã truyền dạy lên tới hơn 1.500 người, trong đó có nghệ nhân, NNƯT là những đồng đền, thủ nhang, sinh hoạt tại khắp các đền, phủ, điện trong và ngoài tỉnh; tiêu biểu như các ông, bà: Trần Thị Huệ, Trần Thị Lan, Vũ Thanh Bình, Trần Viết Dũng, Trần Viết Trường, Trần Viết Trung, Trần Thị Lam, Trần Thị Thoa… Từ năm 2012 đến năm 2016, cụ Duyên đã tham gia thực hành di sản, có nhiều đóng góp phục vụ nhiệm vụ xây dựng các hồ sơ để trình Bộ VH, TT và DL, UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, gồm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hiện nay, các tài liệu ghi chép về tín ngưỡng thờ Mẫu, các phép tắc, quy chuẩn trong thực hành di sản này rất hạn chế, nên việc truyền dạy chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng. Là thanh đồng, nghệ nhân cao tuổi, NNND Trần Thị Duyên nắm giữ nhiều tri thức liên quan đến thực hành di sản với các nghi lễ như: Đàn lễ Tam phủ Thục mệnh, Đàn lễ Điền hoàn Tứ phủ, Đàn lễ Kiều năm quan, Đàn ngả quạt, Đàn lễ nhập tự, Đàn lễ Kiều thỉnh Thánh Mẫu, Đàn lễ Tứ phủ trình đồng… NNND Trần Thị Duyên luôn tâm niệm, mọi việc lớn nhỏ trong thực hành tín ngưỡng đều phải tuân theo phép tắc “làm lính có công, làm đồng có phép”. Tất cả các phép tắc đó đều lấy sự tôn kính làm đầu “hầu Thánh như hầu Vua”. Ngoài việc nắm giữ những tri thức liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, NNND Trần Thị Duyên còn có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội thờ Mẫu khi cùng với các đồng đền, thủ nhang tại quần thể di tích phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức tốt lễ hội Phủ Dầy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Với những đóng góp của mình, NNND Trần Thị Duyên đã được Bộ VH, TT và DL tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VH, TT và DL; Sở VH, TT và DL, UBND huyện Vụ Bản khen thưởng trong công tác bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu, xây dựng bảo tàng trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu và tổ chức lễ hội Phủ Dầy…
NNƯT Trần Thị Huệ (sinh năm 1958 - con gái của NNND Trần Thị Duyên) sinh ra trong gia đình “cha truyền con nối”. Cha của bà là cụ Trần Viết Đức, từng là thủ nhang Phủ Tiên Hương (Phủ Chính). Đến năm 2017, bà Huệ được mẹ làm lễ nhập tự và đảm nhận công việc thủ nhang Phủ Tiên Hương đến nay. Từ năm 17 tuổi, NNƯT Trần Thị Huệ đã được cha làm lễ để thực hành nghi lễ chầu văn. Trải qua gần 50 năm hầu đồng với nhiều thăng trầm của tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Huệ luôn tâm niệm: “Phủ Dầy được coi là chốn tổ của Mẫu nên tôi muốn lưu giữ lối cổ trong nghi thức hầu đồng và quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng này”. Năm 2016 là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời NNƯT Trần Thị Huệ khi được đại diện cho cộng đồng di sản tham gia làm và bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong khuôn khổ chương trình về các miền di sản “Một hành trình 3 Đạo (Đạo Mẫu, Đạo Phật, Đạo Thiên chúa)” do Ủy ban Quốc gia UNESCO (Bộ Ngoại giao) phối hợp với các địa phương tổ chức có sự tham gia của hơn 50 đại sứ, nhà ngoại giao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Phủ Dầy, với vai trò là thanh đồng, NNƯT Trần Thị Huệ đã giúp quan khách trong nước và quốc tế và cảm nhận được sự thiêng liêng, tôn kính đầy ảo diệu của nghi lễ chầu văn của người Việt. Sau khi thưởng thức trình diễn 8 giá hầu kéo dài 2 tiếng, các đại sứ đã hoàn toàn thuyết phục và vận động các nước bỏ phiếu công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
NNƯT Hoàng Thị Duyên (Hoàng Phúc Duyên), sinh năm 1946, là người có nhiều năm kinh nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Có mẹ đẻ là cụ đồng Đinh Thị Bể nên bà đã sớm tiếp thu và kế thừa tri thức di sản. Năm 1988, bà được đồng thầy Nguyễn Văn Tiến, thủ nhang đền An Thọ (Hà Nội) làm lễ mở phủ để đi theo con đường phục vụ Thánh Mẫu. Là thủ nhang Đền Cô Bơ, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) từ năm 1998, NNƯT Hoàng Thị Duyên đã tích cực hướng dẫn, truyền dạy cho các học trò, đệ tử trong việc gìn giữ, bảo vệ, kế thừa, thực hành tín ngưỡng. Bà luôn tâm niệm, đi theo con đường hầu Thánh trước tiên là phải “khai tâm dưỡng trí”, sau là truyền dạy đệ tử theo con đường thánh thiện “tu tâm, tu tính, tu lính, tu đồng”. Trong quá trình nghiên cứu, thực hành di sản, NNƯT Hoàng Thị Duyên đã tham gia và trở thành hội viên tích cực của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Năm 2016, NNƯT Hoàng Thị Duyên được tin tưởng tiến cử làm Chi hội phó Chi hội Di sản Đạo Mẫu Việt Nam tỉnh. Tại các cuộc hội thảo, trình diễn quốc tế về di sản tổ chức tại các quốc gia: Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, NNƯT Hoàng Thị Duyên đã tích cực giới thiệu, quảng bá giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến bạn bè quốc tế. Nhiều năm qua, NNƯT Hoàng Thị Duyên đã cộng tác với Bảo tàng tỉnh để truyền dạy tri thức dân gian, nhằm lưu truyền và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của di sản cho thế hệ sau qua các hoạt động: vấn hầu Thánh, vấn khăn, tìm hiểu về trang phục, các bài hát văn, hát chầu văn… Trong quá trình hầu Thánh, NNƯT Hoàng Thị Duyên cùng các học trò - con nhang đệ tử tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi cộng đồng phát tâm công đức xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích như: Chùa Phúc An, thị trấn Yên Định; Chùa Linh Ứng, thị trấn Thịnh Long (Hải hậu).
Nhắc đến các nghệ nhân của tỉnh dành nhiều tâm huyết, nặng lòng với tín ngưỡng thờ Mẫu, không thể không nhắc đến cố NNƯT Trần Thị Hồng Vân, thủ nhang và cũng là người công đức, kêu gọi tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) vào những năm 2000-2001. Từ một ngôi phủ cổ 3 gian dựng bằng luồng tre, ống nứa, Phủ Quảng Cung đã được phụ dựng khang trang như hiện nay. Hơn 20 năm gắn bó với Phủ Quảng Cung và Đạo Mẫu, với nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy di sản, cố NNƯT Trần Thị Hồng Vân từng được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp UNESCO cùng nhiều giấy khen của Bộ VH, TT và DL, Sở VH, TT và DL, các cấp ủy, chính quyền huyện Ý Yên trao tặng.
Các nghệ nhân cùng với những công lao đóng góp gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hôm nay thực sự là những “bảo tàng sống” thiết thực trong việc giáo dục giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202211/nang-long-gin-giu-gia-tri-van-hoa-tin-nguong-tho-mau-0862f00/
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.