Lâu nay, trong ngày lễ khai giảng, nhiều nơi mời lãnh đạo đến đánh trống khai trường, nay cần phải thay đổi để phù hợp hơn.
Ngày khai giảng là ngày của thầy cô, là ngày của học sinh, không phải ngày của lãnh đạo. Nếu có mời lãnh đạo địa phương đến cũng tốt, nhưng các vị chỉ là khách, chứng kiến sự kiện quan trọng của nhà trường là được rồi. Quý vị khách mời cũng không cần phát biểu chỉ đạo, nếu có thì chỉ lời chúc mừng ngắn gọn, không nên chỉ đạo giáo huấn dài dòng, không phù hợp với không khí khai trường.
Qua nhiều kỳ khai giảng, cho thấy có nhiều vị lãnh đạo trở thành trung tâm của buổi lễ hơn là thầy cô, đặc biệt là học sinh. Lãnh đạo nhà trường dành sự quan tâm đến lãnh đạo, thưa gửi hết vị này đến vị khác như trong một chương trình hội nghị.
Ngày khai giảng là ngày của trường học, của những người học trò với thầy cô, của những bạn bè thân thương qua kỳ nghỉ hè xa cách. Hãy để cho ngày thiêng liêng đó cho chính những chủ thể của không gian trường học, đừng biến nó thành nơi trình diễn của lãnh đạo.
Những người đến dự lễ khai giảng cũng không cần phát biểu chỉ đạo hình thức, bởi vì trong buổi lễ, đại diện nhà trường đã đọc Thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Thư có đầy đủ ý nghĩa cho ngày trọng đại này, không cần phải nói thêm nhiều nữa.
Đối với lãnh đạo cao cấp, đại diện cho quốc gia, thì sự tham gia đánh trống khai trường mang ý nghĩa “tuyên bố” chính thức mở đầu năm học mới trên phạm vi toàn quốc.
Nhưng đừng vì ý nghĩa đó mà trường nào cũng học nhau, từ tỉnh, huyện đến xã, trường nào cũng mời lãnh đạo đánh trống khai trường, việc đó nên để thầy hiệu trưởng thực hiện, khách mời chứng kiến là đủ.
Nhưng thật đáng tiếc, đến nay vẫn còn nhiều địa phương có văn bản chỉ đạo tổ chức lễ khai giảng, trong đó có mục mời lãnh đạo đánh trống khai trường.
Cũng có trường hợp "tư duy đổi mới", ví dụ như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, có công văn chỉ đạo các trường học trên địa bàn về tổ chức lễ khai giảng, trong đó có ghi rõ hiệu trưởng đọc diễn văn và đánh trống khai trường.
Xin vỗ tay hoan hô lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch, đồng thời cũng đề nghị nhiều nơi khác tham khảo. Tỉnh Quảng Bình cần tham khảo trước, hiệu trưởng các trường trên địa bàn toàn tỉnh đánh trống khai trường trong ngày lễ khai giảng.
Nhân đây cũng xin được nêu thêm ý kiến, khai giảng năm học là ngày lễ toàn quốc, nhưng hãy để cho nhà trường chủ động tổ chức, các sở, phòng cấp trên không nên chỉ đạo theo kiểu "cầm tay chỉ việc", bắt phải làm theo kiểu rập khuôn.
Hãy để cho các trường chủ động tổ chức lễ khai giảng, mỗi trường có cách riêng của mình, phong phú, rộn ràng, vui tươi, để lại ấn tượng sâu sắc cho thầy cô và học sinh
Trả chiếc dùi trống lại cho nhà trường
Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học...
Thái Hạo
07:36 - 06/09/2022Mạng xã hội lại chia sẻ ngập tràn hình ảnh những vị lãnh đạo cấp cao trong “quá khứ gần” từng đánh trống khai giảng ở các trường học trên nhiều địa phương, nhưng bây giờ đang ngồi tù vì đủ các loại tội danh. Trong những hình ảnh ấy, không chỉ có sự mỉa mai, phê phán, mà hơn hết, là một nỗi xót xa.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại nơi việc đòi hỏi tìm được đúng những vị lãnh đạo có đủ “tâm - tầm - tài” để đánh tiếng trống trang trọng cho ngày đầu năm học mới; mà quan trọng hơn, nó đặt ra câu hỏi: vì sao lãnh đạo của các cơ quan hành chính lại là người đánh trống chứ không phải thầy hiệu trưởng?
Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học, chứ không phải nơi chốn của những người quản lý hành chính.
Từ bao giờ các quan chức lại đến trường đánh trống khai giảng? Ai đang thực sự là “trung tâm” trong nhà trường, học sinh hay người khác?
Sự hiện diện của quan chức trong bộ máy công quyền vào ngày khai giảng (và trong giáo dục nói chung) nên dừng lại ở mức độ khách mời và như một cam kết về nghĩa vụ chăm lo các điều kiện về chính sách cho giáo dục, chứ không phải là “lãnh đạo” giáo dục. Ngày nay, việc họ đứng lên “chỉ đạo” trong môi trường tri thức mà ở đó họ thường không có thẩm quyền chuyên môn và cũng ở đó quan hệ thầy trò là thiêng liêng và thuần khiết, đang khiến chúng ta nhìn thấy những bất ổn trong phân chia quyền lực, nếu không nói là đảo lộn.
Khi quyền lực hành chính ngự trị trong môi trường giáo dục, nó làm phát sinh hàng loạt những vấn nạn: cửa quyền hoành hành, sự thật bị bóp méo, giáo dục thành giáo điều.
Tôi còn nhớ như in một kỷ niệm, đó là trong dịp khai giảng của trường tôi cách đây vài năm. Khi đó, trường mời được lãnh đạo từ huyện đến tỉnh về dự và sẽ “phát biểu chỉ đạo”. Học sinh và giáo viên cầm cờ đứng xếp hai hàng từ ngoài cổng vào đến sân khấu từ sáng sớm để đón lãnh đạo. Được lệnh từ trước của hiệu trưởng, khi có vị lãnh đạo nào bước vào thì tất cả phải tươi cười vẫy cờ; khi lãnh đạo vào tới lễ đài thì tất cả giáo viên phải đứng dậy chạy lại bắt tay mừng rỡ… Trong buổi họp hội đồng đầu năm sau lễ khai giảng ấy, một số giáo viên đã bị nêu tên và “phê bình” gay gắt vì đã “thiếu nhiệt tình” khi không chủ động lại chào lãnh đạo.
Đó là một một nỗi ê chề của những người làm thầy, đó cũng là bằng chứng sinh động cho tình trạng nhà giáo bị coi thường, bị bắt nạt và khiến hai chữ “tôn sư” trở thành rỗng nghĩa và thành hình thức suông. Trong môi trường giáo dục mà nhà giáo không được tôn trọng đến mức ấy thì thử hỏi làm sao việc dạy dỗ có thể mang lại kết quả gì tốt đẹp?
Chừng nào giáo dục còn chưa có được một vị trí độc lập xứng đáng, chừng nào nhà giáo còn chưa được tôn trọng và đề cao, chừng ấy chúng ta còn phải chứng kiến đủ thứ bệnh trạng mà các biện pháp “cải cách” đủ loại khó lòng mà mang lại một sự thay đổi đáng kể nào.
Cần phải trả chiếc dùi trống lại cho nhà trường, trả sự tôn nghiêm lại cho quan hệ thầy trò, trả sự trong sáng lại cho môi trường giáo dục…, lúc ấy mới mong giáo dục sẽ thay da đổi thịt.
Bạn đang đọc bài viết Trả chiếc dùi trống lại cho nhà trường tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.
Đánh trống khai giảng năm học mới 2023-2024 như thế nào? Đánh trống khai giảng mấy hồi mấy tiếng?
Đánh trống trường khai giảng năm học 2023-2024 như thế nào? Đánh trống khai giảng mấy hồi mấy tiếng?
Đánh trống khai giảng là hoạt động quan trọng trong buổi lễ khai giảng để báo hiệu bắt đầu một năm học mới.
Đánh trống trường không có một quy định cụ thể nào, vì vậy đánh trống khai giảng thường có các kiểu đánh như sau:
- Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng và một hồi dài, mỗi kiểu tương ứng với một hiệu lệnh: “Tựu”
- hoặc 3 hồi + 9 tiếng; 1 hồi + 9 tiếng hoặc 1 hồi + 3 tiếng
Dưới đây là cách đánh trống thông dụng được nhiều người dùng:
Đánh trống khai giảng được đánh theo 3 hồi trống như sau:
- Hồi 1: 3 tiếng đầu đánh mạnh, đều và chậm; loạt trống phía sau đánh nhẹ dần và nhanh dần, không hạn định số lần đánh thường đánh thêm khoảng 9 đến 10 tiếng.
- Hồi 2 và hồi 3 đánh tương tự như hồi 1.
Đánh trống khai giảng năm học 2023-2024 như thế nào? Đánh trống khai giảng mấy hồi mấy tiếng? (Hình từ Internet)
Lịch khai giảng năm học 2023-2024 của cả nước vào ngày nào?
Căn cứ theo Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 có nêu rõ như sau:
Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc như sau:
1. Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
2. Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2023.
3. Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.
4. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30 tháng 6 năm 2024.
5. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31 tháng 7 năm 2024.
6. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi cấp quốc gia theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo như quy định trên, cả nước sẽ khai giảng năm học 2023-2024 vào ngày 5/9/2023.
Đồng thời tại Quyết định 2171/QĐ-BGDĐT năm 2023 có nêu rõ nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương như sau:
Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương
1. Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học:
a) Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
b) Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông).
- Đối với lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần).
- Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở và lớp 10, lớp 11 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
2. Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.
3. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
4. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
5. Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương được thực hiện như quy định trên.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 ngành Giáo dục được Bộ giáo dục và Đào tạo đề ra gồm những gì?
Tại Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục kèm theo Quyết định 2457/QĐ-BGDĐT năm 2023 đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 bao gồm:
- Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
- Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổthông và giáo dục thường xuyên.
- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
- Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quảcác nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
- Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tếtrường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
- Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
- Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/danh-trong-khai-giang-nam-hoc-moi-20232024-nhu-the-nao-danh-trong-khai-giang-may-hoi-may-tieng-111163.html
Video:
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường trung học cơ sở Ngô Quyền, huyện Đông Anh. |
Trường trung học cơ sở Ngô Quyền được thành lập từ năm 2020, đến năm học 2022-2023, Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc. Các thầy cô giáo và học sinh đã đoạt nhiều giải cao trong kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi.
Trong đó, Trường đoạt một giải nhất, hai giải nhì hội thi giáo viên giỏi cấp huyện; đoạt 16 giải kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa lớp 9 cấp huyện, 2 giải cấp thành phố; đoạt 88 giải cấp huyện cuộc thi “Đấu trường toán học”; đoạt Huy chương Vàng cấp thành phố hội thi “Giai điệu tuổi hồng" ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô; đoạt ba giải toàn quốc cuộc thi “Trạng nguyên tuổi 13” lần thứ 8.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng trò chuyện, động viên các em học sinh Trường trung học cơ sở Ngô Quyền. |
Tỷ lệ học sinh của trường thi đỗ vào lớp 10 trung học phổ thông hệ công lập đạt 99,25%, xếp thứ nhất toàn huyện.
Cũng trong kỳ thi này, điểm trung bình môn Ngữ văn của học sinh Trường trung học cơ sở Ngô Quyền xếp thứ 8 toàn thành phố.
Nhà trường được Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”.
Tại lễ khai giảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đánh hồi trống đánh dấu thời khắc mở đầu năm học mới 2023-2024; tặng hoa chúc mừng, động viên thầy, trò Trường trung học cơ sở Ngô Quyền đạt nhiều thành tích hơn nữa trong dạy và học.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng cô và trò nhà trường.
Dự lễ khai giảng còn có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận Cầu Giấy, các cơ quan ngoại giao.
Tại lễ khai giảng, gần 3.000 em học sinh và các đại biểu đã trang nghiêm nghe Thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Mở đầu năm học mới, bày tỏ khát vọng của cô và trò, nhà giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là lần khai giảng thứ 38 của nhà trường với niềm hạnh phúc và tự hào.
Năm học 2022-2023, các thế hệ cô và trò trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tiếp tục chinh phục nhiều thành tích mới với 100 giải tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia.
Trường còn có nhiều học sinh đoạt giải quốc tế như: 2 Huy chương Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn Quốc tế IOAA 2023; 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, 3 giải Khuyến khích Kỳ thi Toán học trẻ Quốc tế IMC 2022; 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng Thi Olympic Toán và Khoa học Quốc tế IMSO 2022...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng hoa chúc mừng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam còn tiếp tục thể hiện tài năng, nhiệt huyết, không chỉ ưu tú trong học tập mà còn năng nổ trong các hoạt động đoàn thể. Hai năm qua, nhà trường đã tổ chức kết nạp Đảng cho nhiều đảng viên 18 tuổi.
Với bề dày truyền thống, nhà giáo Trần Thùy Dương mong rằng, các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ chuyển hóa lòng tự hào thành động lực mạnh mẽ, say mê, tận tâm, chủ động xây dựng phương pháp giáo dục hiện đại, tiếp tục đạt nhiều thành tích cao hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã đánh trống khai giảng năm học mới 2023-2024, khen thưởng các em học sinh và thầy cô dẫn đội đã đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic quốc tế.
Trải qua 38 năm hình thành và phát triển, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã khẳng định vị thế là một trường chuyên dẫn đầu về thành tích đào tạo trên toàn quốc và là một trong số ít các trường THPT tại Việt Nam được thế giới biết tới. Nhà trường tự hào về các thế hệ học trò giỏi giang, năng động, sáng tạo và thế hệ các nhà giáo tài năng tâm huyết.
Với hơn 300 huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, gần 6000 giải Nhất, Nhì, Ba trong các kì thi học sinh giỏi thành phố và quốc gia; hàng nghìn du học sinh tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới…; học sinh nhà trường đã từng bước góp phần khẳng định thương hiệu "Hà Nội - Amsterdam" trên thế giới.
Bên cạnh đó, từ 50 giáo viên khi mới thành lập, đến nay trường Hà Nội - Amsterdam đã có 140 giáo viên, nhân viên biên chế và 105 giáo viên thỉnh giảng, nhân viên hợp đồng; trong đó số lượng giáo viên biên chế đạt trình độ đào tạo chuẩn là 15, trên chuẩn là 110 (05 Tiến sĩ, 105 Thạc sĩ)...
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự lễ khai giảng năm học mới 2023 tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ |
Đây là lần thứ 38 khai giảng của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Niềm vui của các em học sinh trong năm học mới |
Ngày 5/9/1985 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam khai giảng năm học đầu tiên trong không khí phấn khởi “Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học giỏi”. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đại biểu cùng chụp ảnh chung cùng cô và trò Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh động viên các thầy, trò có thành tích cao trong kỳ thi Olympic quốc tế |
Định hướng phát triển của nhà trường được xây dựng dựa trên các mục tiêu chính: Giáo dục toàn diện, giáo dục chuyên sâu, giáo dục tiệm cận quốc tế. |
Nhà trường chú trọng giáo dục thể chất và giá trị đạo đức cho học sinh, để mỗi học sinh đều được phát triển toàn diện |
Lực lượng Công an Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ lễ khai giảng |
Lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đến dự lễ khai giảng năm học mới sẽ không đánh trống, phát biểu nhằm đơn giản hóa buổi lễ này.
Ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký văn bản gửi Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, TP về việc lãnh đạo tỉnh dự lễ khai giảng năm học 2023-2024.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT, UBND các địa phương thông tin đến các trường có lãnh đạo tỉnh dự lễ khai giảng chủ động trong công tác tổ chức. Lãnh đạo tỉnh đến tham dự nhưng sẽ không phát biểu và không đánh trống khai giảng.
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị lẵng hoa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chúc mừng tại 16 điểm trường có lãnh đạo tỉnh tham dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ việc không đánh trống, phát biểu sẽ làm đơn giản hóa buổi lễ khai giảng, lãnh đạo tỉnh chỉ đến trường thăm, động viên thầy cô, học trò năm mới.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh tặng hoa hoặc quà cho học sinh nghèo vượt khó, hiếu học tùy từng điểm trường.
Theo ông Tuấn, việc lãnh đạo phát biểu sẽ kéo dài thời gian, một số trường học sinh còn nhỏ, thời tiết nắng nóng khiến học sinh mệt mỏi. Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 600 trường học, chủ trương của tỉnh là buổi lễ đơn giản, tránh kéo dài, rườm rà.
Tương tự, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng vừa có công văn hướng dẫn việc tổ chức lễ khai giảng gửi đến phòng GD-ĐT, các trường THPT và trực thuộc, trung tâm GDTX hướng dẫn việc tổ chức lễ khai giảng 2023-2024.
Sở chỉ đạo lễ giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay.
Bài phát biểu chào mừng năm học mới cần tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp; có thể nêu ngắn gọn về truyền thống, thành tích của nhà trường… kết thúc là lời cảm ơn và chúc mừng năm học mới.
https://vietnamnet.vn/lanh-dao-da-nang-quang-ngai-khong-danh-trong-phat-bieu-khai-giang-nam-hoc-moi-2185237.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.