Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

24/07/2023

Truyền ngôn về mảnh vỡ còn lại tại Ninh Bình của lầu Ngưng Bích vốn ở vương quốc Đàng Trên (1593-1683)

Về vương quốc Đàng Trên, hay vương quốc Cao Bằng, thì trên Giao Blog có thể đọc lại tổng quan ở đây (tháng 12 năm 2022). Bài đã đăng trên tạp chí học thuật về vương quốc Cao Bằng thì có thể lấy bản PDF toàn văn ở đây.

Bây giờ, qua báo chí, giật mình thấy có một truyền ngôn về một mảnh vỡ của lầu Ngưng Bích vốn ở kinh đô Cao Bình của vương quốc Cao Bằng. 

Đại khái truyền ngôn như sau:

"

Theo ông Phạm Văn Lưu, tại đền Thánh Nguyễn có một gác chuông cổ do ông Bùi Văn Khuê tức Mỹ Quận công ở Tri Phong, là tướng của triều Lê, năm 1644, đã dỡ lầu "Ngưng Bích" của nhà Mạc ở Cao Bằng đem về xây dựng thành gác chuông.

"

Vậy là, theo truyền ngôn, gác chuông hiện còn ở Ninh Bình vốn là được xây dựng bằng cấu kiện được tướng nhà Lê Trịnh lấy về từ Cao Bằng vào năm 1644.

Để hiểu năm 1644 này nằm ở vị trí như thế nào trong lịch sử vương quốc Cao Bằng thì có thể đọc lại bài sau (toàn văn bài được bạn Hoàng Anh Văn chụp từ sách đưa lên Fb từ rất lâu rồi: bài phát biểu năm 2012, bài in vào sách năm 2013, Hoàng Anh Văn đưa lên Fb năm 2014).

Giật mình vì, từ nhiều năm trước, tại Cao Bằng, khi đi khảo sát chuông Đà Quận, mình đã nghe câu chuyện sau: có rất nhiều cấu kiện kiến trúc của kinh đô Cao Bình đã bị Lê cướp mang về dưới xuôi !

Hóa ra, chuyện kể của các bô lão sống ở xung quanh chùa Đà Quận ngày nay, ghép nối các nguồn khác nhau, là thấy có nhân lõi sự thực ở trong đó. Tạm tích dẫn những truyền ngôn khác nhau lại. Hi vọng sẽ tìm thêm được những "mảnh vỡ" khác nữa ở vùng Đàng Ngoài.

Về chuông lớn đúc năm 1611 của vương quốc Cao Bằng hiện còn tại thực địa, thì có thể đọc nhanh ở đây (năm 2017) hay ở đây (năm 2016).

Dưới là nguyên bài của báo Dân Việt nói về truyền ngôn (trích đoạn ở trên).

Như thường khi, các bổ sung hay cập nhật sẽ được dán dần lên ở dưới bài báo.

Tháng 7 năm 2023,

Giao Blog


---












 Vũ Thượng Thứ hai, ngày 24/07/2023 08:57 AM (GMT+7)


Gác chuông cổ được xây dựng gần 400 năm tại đền thờ Thánh Nguyễn (Nguyễn Minh Không) tọa lạc ở hai xã Gia Thắng và Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Mặc dù trải qua hàng trăm năm nhưng gác chuông cổ có niên đại từ thời Mạc vẫn được bảo tồn nghiêm ngặt.

Gác chuông cổ có niên đại từ thời nhà Mạc

Trong quần thể kiến trúc tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), có nhiều công trình nổi bật, nhưng phải kể đến gác chuông cổ phía sau đền, đây được đánh giá là gác chuông to, đẹp, độc đáo...trong các gác chuông tại tỉnh Ninh Bình.

00:01:32

CLIP: Cận cảnh gác chuông cổ có niên đại từ thời nhà Mạc tại đền thờ Thánh Nguyễn, tọa lạc tại xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bìnhh.

Ông Phạm Văn Lưu (xóm 4, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) kể: "Đền Thánh Nguyễn, ngôi đền cổ thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, một cao tăng có chức vị đứng đầu triều đại nhà Lý, ông còn được vua Lý Thần Tông phong làm Quốc sư".

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 2.

Gác chuông cổ tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), đang treo quả chuông nặng gần 1 tấn. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, khoảng năm 1121, ông Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người.

Đến tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự ông.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 3.

Gác chuông cổ trong quần thể kiến trúc tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ông Phạm Văn Lưu, tại đền Thánh Nguyễn có một gác chuông cổ do ông Bùi Văn Khuê tức Mỹ Quận công ở Tri Phong, là tướng của triều Lê, năm 1644, đã dỡ lầu "Ngưng Bích" của nhà Mạc ở Cao Bằng đem về xây dựng thành gác chuông.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 4.

Phạm Văn Lưu đang dang tay ôm chiếc chuông tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

Gác chuông cổ được xây dựng phía sau chính tẩm đền thờ Nguyễn Minh Không, gác chuông có hai tầng, tám mái được làm từ gỗ lim nguyên khối, sau hàng trăm năm vẫn giữ được nguyên vẹn. Hiện, gác chuông cổ treo quả chuông nặng gần 1 tấn, cao 1,6 mét, đường kính 0,8 mét.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 5.

Trên cột gỗ lim tại gác chuông cổ khắc nhiều dòng chữ nho. Ảnh: Vũ Thượng

Tỷ lệ giữa các tầng kiến trúc của gác chuông cổ tại đền Thánh Nguyễn rất cân đối, tỷ lệ hợp lý giữa các bờ nóc, bờ thẳng,...Các chi tiết chạm khắc trang trí mỹ thuật tinh xảo càng tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của tòa gác chuông cổ này.

Thỉnh 365 tiếng chuông chào đón năm mới

Công trình gác chuông cổ tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một công trình kiến trúc đặc biệt, là điểm nhấn thu hút rất nhiều du khách khi tới tỉnh Ninh Bình tham quan, khám phá.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 6.

Ông Phạm Văn Lưu (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) đứng cạnh quả chuông đồng cao 1,6 mét. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Văn Lưu (xóm 4, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn), hiện đang làm trong ban khánh tiết đền Thánh Nguyễn cho biết: "Hệ thống chuông này thường được thỉnh vào khoảng 4 giờ hàng ngày và cũng như vào dịp đầu hội tháng 3 âm lịch".

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 7.

Móc treo quả chuông nặng gần 1 tấn tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

"Ngoài ra, còn thỉnh lúc sang canh, chào đón năm mới với 365 tiếng chuông cầu cho quốc thái dân an. Người thỉnh chuông không phải ai cũng được chọn, mà phải là người phúc đức...", ông Lưu cho biết thêm.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 8.

Văn bia đá tại đền Thánh Nguyễn được đặt trên mình con rùa. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, tại đền Thánh Nguyễn còn giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như: Cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ, 51 sắc phong thời Lê và Nguyễn…Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Cận cảnh gác chuông cổ có từ thời nhà Mạc tại Ninh Bình - Ảnh 9.

Đền Thánh Nguyễn được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1989.

Đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (1073-1141), người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sau khi mất ông được tôn hiệu là Lý Quốc Sư, tên gọi này để chỉ ông là một cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.


https://danviet.vn/can-canh-gac-chuong-co-den-co-tu-thoi-nha-mac-tai-den-tho-nguyen-minh-khong-o-ninh-binh-20230723185323863.htm?fbclid=IwAR1sy3jJ1pzPaQMgvfvAistQc5ZPvxUQpjE0SXRLcsPScCBlqMfXbbp8QYM

..


CẬP NHẬT



1. Về thời kì giao tranh đầu 1620, có nhóm bia gắn với nhà khoa bảng Nguyễn Thực ở Đông Ngạn (Từ Sơn, Bắc Ninh):


GIỚI THIỆU TẤM BIA VỀ

GIA TỘC NGUYỄN THỰC LÀNG VÂN ĐIỀM

VƯƠNG HƯỜNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

NGUYỄN PHIÊN

Hậu duệ đời thứ 13 cụ Nguyễn Thực

Nguyễn Thực (1555 - 1637) tên là Phác Phủ, người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn. 41 tuổi thi đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng 18 (1595) đời Lê Thế Tông. Cụ làm quan trải các chức Tán trị công thần, Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, Chưởng hàn lâm viện sự kiêm Đông các đại học sĩ, Quốc lão, Thái phó tước Lan quận công, được cử đi sứ nhà Minh. Cụ là cha của Nguyễn Nghi, cố nội của Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ, Cao cao tổ Nguyễn Thẩm, Nguyễn Thưởng.

Hai cha con Nguyễn Thực và Nguyễn Nghi cùng làm quan Thượng thư, được người đời nhận xét: “dùng đức độ mà thu phục được người trong nước, thanh liêm, gần gũi, mộc mạc, điềm đạm, hiếu lễ ở trốn triều đường, một mực kính cẩn”. Con cháu các cụ không có đời nào là không có người làm quan. Theo gia phả dòng họ thì Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản cũng xuất thân từ gia tộc này. Một dòng họ mà theo lời văn bia đặt tại từ đường là “Văn chương kinh thế’.

May mắn thay trong chuyến đi thực tế tại Đông Anh, chúng tôi được đến thôn Vân Điềm, xã Vân Hà và được đọc cả 4 tấm bia ở đây. Nhận thấy đây là những tấm bia quí, nói rõ thêm về dòng tộc nổi tiếng này, chúng tôi xin giới thiệu một trong bốn tấm bia kể trên.

Bia không có tên, kích thước 1,5x1m, bia bốn mặt. Trán bia chạm rồng chầu mặt trời, diềm bia chạm khắc hoa văn hình dây leo. Chữ trên bia tương đối tốt ngoại trừ một số chỗ bên diềm bia đã vỡ do bị di chuyển nhiều nơi. Theo người trong họ cho biết thì học trò của cụ Nguyễn Sủng (cháu đích tôn của Nguyễn Thực, lúc này đang giữ chức Đô cấp sự trung trong phủ chúa Trịnh) có nhiều người thành đạt, mến mộ tài năng và đức độ của thầy, đã xin phép lập bia để ca ngợi thầy và gia tộc thầy.

Vì tấm bia lớn, nên chúng tôi không phiên âm mà chỉ dịch nghĩa để mọi người cùng tham khảo. Sau đây là phần dịch nghĩa (có lược bỏ một số đoạn):

(Mặt 1) Khắc bia chúc mừng cụ Nguyễn hầu, tên là Đạo Nguyên là dòng nhà Nho, nối đời khoa danh, có lộc nước, vinh hiển và thịnh vượng.

Đất nước thanh bình.

Nhờ ơn Chúa, cụ là vị thủ thành kì cựu đã phò tá triều đình. Cụ có bước đường ở tuổi thanh xuân thực đẹp. Thường vào mỗi buổi sáng thư nhàn người ta thấy trước cửa nhà cụ có tới năm sáu vị sĩ phu kính cẩn khoanh tay để được nghe chỉ bảo việc lớn. Họ nói: Mọi người đều cung kính thấy ở xã Vân Điềm thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có một vị nghiêm sư được phong “Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Công khoa Đô cấp sự trung, Xuân phong tử” là cụ Nguyễn Sủng, tên tự là Đạo Nguyên. Cụ sinh vào giờ Bính ngày Mậu Thân (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1608), cả bên nội, bên ngoại đều là thế gia vọng tộc, từ đời ông đến đời cha rồi đời con nối tiếp đỗ đại khoa và vinh hiển. Cha con cùng làm quan trong triều, anh em cùng đỗ một bảng, vì thế viết bài văn bia này để mừng. Tôi thường nói: Ông bạn vàng của ta lúc nhàn thì âm ngọc càng khởi sắc còn ta tuổi già đã trễ nải việc văn từ, thưa việc bút nghiên, sao có thể lột tả đầy đủ chân dung một người thánh thiện để làm hài lòng những người có học; nhưng cũng mạo muội dùng lời thô thiển vụng về để viết sự tích một người không những xuất thân từ một tông phái hào hoa xứ Kinh bắc mà còn là một người được sĩ phu nước Việt ngưỡng vọng.

Cụ tổ đời thứ năm của cụ là Nguyễn Bồn, tự là Vân Khê, sinh năm Giáp Dần (1494) được phong tặng Diên Phúc hầu đam mê lời thánh dạy mà chăm chú làm điều thiện; cụ bà là Nguyễn Thị Hương, hiệu Từ Tại được phong tặng là Chính phu nhân, hàng năm vẫn có hằng tâm bồi thêm quả phúc. Bà là người xã Quan Độ, trước đã làm nhiều việc hay nên phúc nhà lưu lại càng bền. Cụ tổ 4 đời của cụ là Nguyễn Đình Vĩ, tự Đoan Trực sinh năm Ất Dậu (1525) được phong tặng Giáo nghĩa hầu. Cụ bà là Trương Thị Quế hiệu Từ Nhân sinh năm Nhâm Thìn (1532), được tặng phong Chính phu nhân. Có được sự mở mang ban đầu ắt phải nhờ âm phúc khi xưa, sau cơn bĩ cực lại có ngày thái lai, chữ đức thực sáng tỏ là đây, nên cần học để biết và làm việc cho đời. Ông nội của cụ là Nguyễn Thực tự Phác Phủ, sinh năm Ất Mão (1555), làm quan tới Dực vận tán trị công thần, Thượng thư bộ Hộ kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng hàn lâm viện sự kiêm Đông các đại học sĩ, Quốc lão tham dự triều chính, Thái phó, Lan quận công, trí sĩ, cụ mất năm Đinh Sửu (1637), thọ 83 tuổi. Được phong Thái tể và ban thụy là Thụy Trung thần. Cụ là người thông kim bác cổ, nơi lăng miếu may mà gặp được người có tài như vậy, nhà Lê trung hưng được nhờ nhiều ở cụ.

Đức Thánh tổ triết vương (Trịnh Tùng) có chí đem tài dẹp loạn, trừ Mạc giúp dân khôi phục cơ đồ nhà Lê, rồi mở khoa thi vào năm Ất Mùi (1595) tức mùa xuân năm Quang Hưng thứ 18, năm này Nguyễn Thực đã 41 tuổi, cụ đi thi và đỗ đầu bảng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tên cao nhất trên bảng vàng; ban đầu cụ được làm việc tại Viện Hàn lâm, rồi ra làm quan Hiến sát sứ, lại làm việc ở bộ Hộ, trong vòng một năm rồi được thăng quan Tự khanh bồi súy phủ. Dù ở ngôi thứ hay chính cụ đều làm tốt. Năm Bính Ngọ niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) cụ được cử đi sứ phương Bắc mọi việc đều thành công, khi về cụ được cử làm Hữu rồi Tả lễ tào. Cụ chăm việc dạy dỗ con đến lúc con thi đỗ, lại được thăng quan là Thượng thư bộ Hình, được vào làm việc ở tòa Kinh Diên. Nhờ thánh đức hun đúc, cụ được chức Chưởng hàn lâm vương ngôn phái diễn. Rồi vào tháng 6 năm Quí Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) giặc đóng đồn ở Thực Lại, đức Văn Tổ nghị vương (Trịnh Tráng) cùng các vị anh hùng dốc lòng quyết chí phù vua cứu nguy xã tắc. Mọi người đều tận lòng trung hiếu để hộ giá nhà vua về đất Thanh Hoa để tính đường hưng phục. Trong thời gian nguy cấp này cụ càng tỏ lòng sắt đá phù vua. Cụ , con cụ rồi đến cháu cụ, cả nhà vì việc nước gắng gỏi mưu trí đồng tâm hiệp lực vì nghĩa mà hết lòng với vua, cái đức ấy đã nổi tiếng trong triều thời bấy giờ, những người tài trong dân đã trông đó mà theo đi đánh giặc. Cụ phụng mệnh vua, dẫn 5 cơ đội đi tiên phong đánh bắt được tướng giặc tại Châu Cầu (nay là thị xã Hà Nam) phối hợp với quân của triều đình thừa thế tiến quân phá tan được quân Mạc tại làng Thổ Khối, lấy lại được kinh thành. Đến khi xét công, cụ được phong tước Công thần là Dực vận tán trị nhưỡng tích phù phân Lễ bộ, thăng Tiễn đẩu nạp ngôn, tước Vinh công khắc kiêm Đông các văn thư ứng đáp, đứng đầu hàng Quốc lão tham dự triều chính.

(Mặt 2) Khi được cử làm Chánh chủ khảo kì thi Hội cụ đã chọn được nhiều người có tài gánh vác trách nhiệm nước nhà. Khi giảng dạy cho thế hệ sau thì từ trường của cụ đã có nhiều người đỗ cao. Triều đình tuyên dương cụ là một danh thần phò ba vua. Khi về già vẫn được vua ưu ái nghĩ tới. Về hưu cụ sống chan hòa với mọi người trong nhà, lúc thư nhàn cụ đi chơi với những người đồng hàng. Cụ để lại ruộng đất, sử sách và (nhiều lời) giáo huấn cho con cháu. Bà nội của cụ là Đàm Thị Thành hiệu là Từ Thục sinh năm Quí Hợi (1563) được ấm phong là Quận phu nhân, thọ 77 tuổi, mất năm Kỉ Mão (1639). Cụ bà người Ông Mặc (Hương Mạc), cụ là người biết chu toàn mọi công việc, nhu thuận biết theo chồng làm việc thiện trong nếp nhà đầy phúc hậu; trong chốn khuê các thì phong thái đàng hoàng, đứng đắn hòa mục, vui vẻ. Con cụ là Nguyễn Nghi, tự là Hòa Thiện sinh năm Mậu Tý (1588), làm quan tới Dực vận tán trị công thần, Thượng thư bộ Lại tri kinh diên, Tế tửu Quốc tử giám kiêm Đại học sĩ, Thiếu phó Dương quận công, thọ 70 tuổi, mất năm Đinh Dậu (1657). Khi mất được tặng Thái phó và được ban thụy là Cung Ý. Tài kiệt xuất của ông hơn hẳn mọi người nên được tôn vinh. Ông là người uyên thâm nhuần nhuyễn trong nhiều lĩnh vực học tập. Ông thông hiểu nhiều loại sách, thấu suốt được mọi điển tích văn chương, là người nổi tiếng đương thời. Ông thi đỗ đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Kỉ Mùi niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1618 - chỗ này văn bản viết nhầm, Kỉ Mùi là Hoằng Định 19) tin con trai bảng vàng đề tên, tuổi nhỏ đỗ cao, góp vào sự danh giá cho gia đình khiến cho cha mẹ càng vui.

Cụ được nhận làm việc tại Viện Hàn lâm thanh yếu dịch. Gặp lúc nước nhà xảy ra tranh chấp ngôi cao, cụ lấy trung hiếu kêu gọi dân chúng góp sức khẩn cấp phù vua, và thờ cha mọi việc được vẹn toàn, khí tiết sáng như mặt trời tỏa chiếu, ở bậc công thần ngài được phong tới cấp Đô tước Tử rồi lại tước Bá. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi sứ về, uy tín ngày càng tăng, Cụ được tham gia bàn bạc công việc ở phủ, trải chức Phó Ngự sử rồi tới nhiều chức vụ cao nhất cho tới chức Trưởng lễ tào, công việc nào cũng hoàn mĩ. Cụ được thăng ngạch vào tòa Kinh diên Quốc tử giám tế tửu trông coi việc học của vua. Tại tòa Đông các khuôn phép và trang trọng, cụ nhận mệnh vua lo định ra đường lối đối nội, đối ngoại; ở bộ Lại cụ là Chánh chủ khảo kì thi Hội, đã chọn được nhiều người tài. Qua việc này cụ cũng được thưởng nhiều bạc hoa. Thời gian cụ lên ải Nam tiếp sứ nhà Minh được trao ấn vàng đặc trách thay mặt triều đình bàn định những vấn đề có tính chiến lược. Khi cụ làm quan cầm hốt coi việc trị an thì mọi nơi trong triều được trong sạch. Cụ có tiếng là mẫn cán, sự nghiệp còn lưu mãi tiếng thơm. Cụ bà là Nguyễn Hoa Du hiệu là Chiêu Huy, sinh năm Tân Mão (1591) được ấm phong Quận phu nhân thọ 73 tuổi, mất năm Quí Mão (1663). Phu nhân là người trinh khiết, phong thái đôn hậu cần mẫn, trong nhà cẩn thận đạo tam tòng, cảm hóa được các bà phi ở lục phủ trong nước. Cụ bà được ấm phong là người đàn bà cao quí với 3 chữ Phúc, Thiện, Cần, xứng đáng con nhà Công hầu. Cụ sinh con trưởng là Nguyễn hầu (Nguyễn Sủng), nối tiếp phúc ấm của nhà mà cùng lo việc nước. Vào năm Quí Hợi (1623) cụ Sủng mới 16 tuổi đã đi theo cha và ông vì nghĩa đuổi giặc phá trận thành công, được vinh phong Tán trị công thần tước Xuân Phong tử. Về sau cụ lấy Dương Thị Lạc Cẩm người Hà Lỗ, tên hiệu là Nhu Hạnh sinh ngày 17 tháng 11 năm Nhâm Tý (1612) con gái Tri huyện Dương Công Yến hiệu là Lỗ Am và bà Chính thất Nguyễn Thị Sáng hiệu Từ Huệ. Như gió mây lập hội, công lao của Nguyễn Sủng như tấm lụa trên ngọn tre, lòng chí thành như chim phượng, gặp cụ bà như duyên hợp vải may, mộng thấy lân vi mà được toại nguyện cưỡi rồng; nhà cụ truyền đời là Thượng thư. Đức hạnh ôn hòa trong trẻo của cụ bà trong như ngày sáng, rực rỡ như Bắc đẩu, lai láng như nước sông Hán từ xưa không bao giờ vơi.

Được biết đất nước mở khoa thi chọn hiền tài nhưng (Cụ Sủng) đành bỏ qua vì thời gian gấp quá. Sau cụ được thăng chức Tư vụ rồi Viên lương, có lệnh lên đường nhận chức Phó hiến cụ phải thu xếp bàn giao công việc rồi đi nhận chức mới. Vốn học của ông mênh mông...

Cụ đã đem giảng kinh Dịch, kinh Lễ, soạn từng thể loại pháp hình để tất cả môn sinh từ đây tìm ra cái đúng, bổ sung vào chỗ thiếu mà trước đó không có. Từ đó nhiều người hiền tài nổi tiếng, người có đạo đức đã từng là trụ cột ở các nơi cũng rủ nhau về nhà vị nghiêm sư này để được chỉ bảo. Cụ dạy trước tiên các bậc vương tử thứ tới là quan Ngự sử cho tới mọi người khoa bảng, chức trách đều phải trung hiếu, đối xử với mọi người phải từ lòng chân thành khoan dung. Ở triều cụ được giao việc như mọi người có khoa mục; công việc thông suốt...

Con trưởng của cụ là Nguyễn Tân nối tiếp đạo nhà, được hưởng ấm phong, thờ phụng tổ tiên tỏ lòng hiếu kính. Cụ lấy vợ là Nguyễn Thị Hoàng, người làng Nguyễn Xá, huyện Yên Phong duyên hợp cải trâm, nhà đông thịnh đạt, con đàn cháu đống. Con trai thứ hai là Nguyễn Canh vốn học rộng như biển cả, triển vọng nối gót được hai cụ tổ ngày xưa, sẽ đỗ đạt và thành tướng văn tướng võ. Con trai thứ 3 là Nguyễn Khuê và con trai thứ 5 là Nguyễn Sĩ đều có sức học ngang nhau, cùng thi đỗ một khoa tên đứng bảng rồng. Người anh được cử làm Cấp sự trong phủ súy, ... người em làm đến chức Ngự sử giám sát rồi Vương triều nội tán. Cả hai ông thực là chỗ dựa vững chắc cho chốn miếu đường.

(Mặt 3) Huân công và sự nghiệp ắt còn dài mãi. Con trai thứ 4 là Nguyễn Toàn nối nghiệp cơ đồ, được hưởng lộc nước nhiều đời; con trai thứ 7 đi học muộn hơn, cậu có hứa với các anh trong nhà rằng: quyết lập nên sự nghiệp từ khoa bảng; vợ cậu là người họ Nguyễn thuộc xã Thanh Dương huyện Quảng Xương. Cô con gái thứ 6 của cụ Sủng là Nguyễn Thị Trù, người có duyên như ngọc lành phụ chất nên trai tài khắp nơi tìm tới. Cô xe duyên cùng Nho sinh trúng thức (Cử nhân Nguyễn Ngô Chung người xã Cẩm ở sát huyện Từ Sơn) gia đình cũng nổi tiếng văn chương; chồng cô văn chương lưu loát, cũng lấy khoa cử là mục đích chính để tiến thân.

Ôi, con cháu của cụ đông và đầy triển vọng như vậy, họ hàng của cụ đều vinh hiển; chú ruột của cụ là Nguyễn Phú giữ chức Tổng binh đồng tri, vợ chú là Phu nhân Ngô Thị Trâm; rồi em ruột cụ là Nguyễn Hoành giữ chức Tham nghị xứ Hải Dương, Nguyễn Tống có chức Tả mạc xứ Sơn Nam, những người này đều là những công thần được vinh hiển phong tước, họ đều là những người có khí phách, được lộc thọ lâu dài; cháu của cụ (con của người em ruột) được phong là Hoằng trí hầu.

Đây chính là gia tộc có tướng văn giỏi lại sinh tướng võ tài ba. Nhà hủ nho lại sinh con cháu hiền nho, xét về sự nghiệp thì chẳng ai không nhờ sách vở mà tiến thân được. Hơn nữa cha con nhà cụ cùng làm quan trong triều, vua tôi kì ngộ. Tháng 6 năm Nhâm Tý (1672, đời Lê Gia Tông) vâng mệnh vị chỉ huy cao nhất cũng là người cha của muôn dân - Đại Nguyên soái chưởng quốc chính, có đức có công dốc lòng trung hậu là Uy minh Thánh tây vương Trịnh Tạc phò xa giá nhà vua thân chinh đem đại quân đi đánh giặc ở phương Nam chỗ trọng yếu ở tại Quảng Thuận.

Thời kì Nguyên soái Điểm quốc chính Định Nam vương (Trịnh Căn) tổng động viên đại binh lệnh cho chư tướng của cụ Nguyễn Sủng nhận lệnh chỉ huy quân, đôn đốc các quan suất đội thuộc các cơ đồn ở châu Bố chính, cụ còn đi nhận lệnh đi tuyển chọn quân dự bị các làng để bổ sung vào đội ngũ, rồi chia quân theo đường thủy bộ mà tuần tiễu, phòng vệ ở những điểm cơ yếu. Quân nhân nào ốm đau được người địa phương chăm sóc; quân sĩ chết được xem trọng đặc biệt. Làm như vậy là biểu lộ âm đức và quảng bá công lao của người đã khuất. Phúc ấm ngày càng thêm thịnh. Sở sĩ có huân nghiệp hiển hách như mây bay là do có ông, cha rồi đến con cũng như thế đấy, cứ nối tiếp khoa danh mà tiến lên, vua vì nể, quan cũng vì nể vì cụ có công chuyển được thời thế.

         Trong nghề dạy học cụ càng được sáng danh, học trò từ nơi xa tìm về thầy để được hướng dẫn tỉ mỉ, dưới trướng điều của cụ ai cũng mong hưởng một chút hương thơm. Bước vào cửa nhà thày ắt là tìm được châu hái được ngọc; có người làm chức Thừa ty hiến sát, có người làm quan tới Đô đốc ngự sử, có người trúng Tam trường, có người trúng thi Hội, có người trúng Giải nguyên đều từ trường học này mà ra. Học trò theo học cụ đều tiến bộ nhanh như cá nhảy diều bay, đều thấy lòng mình phơi phới như chim bằng liệng hay chim phượng múa, ai cũng muốn dựa vào giảng đường của thầy để biểu lộ sự vui mừng hiểu biết chứ chẳng phải chỉ để cầu sự vinh hoa, họ đến để vui với cái văn cái chữ, đến để cùng bạn bè đàm đạo điều mình ham muốn, nhân đây tôi cũng nói thêm: Ôi, lấy mũ trận để răn sự kiêu căng, sửa cho mọi người muốn thấy là việc nên làm, vậy là cụ chọn dạy học nên người đời kính trọng. Thời gian cụ đang làm quan trong triều thì cụ dạy con bằng đức độ, bằng lòng chính nghĩa của người trượng phu làm cho dân chúng noi theo. Cụ thường dùng phép thánh hiền để thấm dần vào dân, sai khiến dân bằng cách để cho dân tại nhà mình để họ biết người trượng phu trong nhà thế phiệt. Cụ như thể thánh hiền lúc nào cũng muốn giúp đời, dẫn dắt người vươn lên chính bằng lòng nhân hậu vững vàng; nên hoàng thiên cảm cách được công lao của cụ và Nam tào Bắc đẩu cho cụ thêm tuổi thọ. Khi về hưu, lúc nhàn rỗi cụ đến chơi với các bạn đồng liêu để ôn lại những việc đã qua đàm luận nhiều điều tốt đẹp. Trong nhà con cái của cụ đều đỗ cao, sự nghiệp ngày càng nhiều, các cháu của cụ cũng có nhiều người được đứng đầu. Năm chữ đức, phú, thọ, khang, phúc cụ đều đạt cả; cả ba mặt tước vị, tuổi tác, đức độ cụ đều được người đời tôn vinh. Cả thầy và trò danh tiếng càng sáng tỏ. Tôi chép lại đây để lưu truyền mãi mãi, để những người theo đạo thánh hiền khi dừng lại nơi này được chiêm ngưỡng, tự hào lớn lao thay, đặc biệt cụ chẳng bao giờ phải nhún mình. Nghiệp làm tướng văn của ông và cha cụ còn đẹp hơn nhiều. Có câu thơ rằng: “Gia đình có tiếng thi thư lễ, Tướng đăng khoa tổ phụ truyền tôn”, chính là để mừng vị họ Nguyễn, mừng học trò của cụ đã noi gương cụ mà tiến bộ, lại cũng mừng cho cả thiên hạ, mừng lắm, mừng lắm. Mừng bằng lời tâm phúc nên phải khắc vào bia đá này mãi truyền. Xin bày tỏ niềm vui.

Niên hiệu Đức Nguyên triều Lê muôn năm, ngày lành tháng đầu xuân năm Ất Mão (1765).

(Mặt 4) Học trò của cụ... Những người chiếm được bảng vàng:

Hoàng Đức Đôn, Lê Tái, Đỗ Công Khiêm, Nguyễn Đăng Đạt.

Các ông đỗ Giám sinh: Nguyễn Viết Tuấn, Mai Nhân Hiệu (thôn Đông Dư xã Thạch Khê), Nguyễn Hữu Đạo, Quách Đồng Luân, Ngô Đăng Dụng (Cự Lâm, Yên Phong), Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Tẩy (Đông An, Tam Tảo), Nguyễn Phi Hiển, Nguyễn Đăng Úc, Đàm Hy (Hương Mạc, Đông Ngạn), Nguyễn Vinh, Nguyễn Đăng Thuyên (Quế Tân, Vũ Ninh), Đàm Phú, Nguyễn Giai, Ngô Vinh (Hương Mạc, Đông Ngạn), Dương Danh, Nguyễn Xuân Khanh (Tri huyện huyện Tiên Du), Bạch Đăng Tuân, Nguyễn Tấn Đăng (Khắc Niệm, Tiên Du), Nguyễn Bính, Đỗ Viết Liên (xã Văn Lâm), Nguyễn Duy Tể, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Cẩn (Lê Đức, Thừa Thiên), Nguyễn Sĩ Phó, Chu Thạch Thánh (Đa Hòa, Đông An), Nguyễn Vinh Tiến, Nguyễn Đăng Vinh, Chu Danh Quán (Thụy Lôi, Yên Phong), Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Hữu Công (Bát Bảng Gia Lâm), Nguyễn Đăng Thôi, Dương Chỉ Tín, Nguyễn Đăng Bao (Mễ Như, Đông An), Phạm Ban, Nguyễn Thăng, Đào Danh Bảng (An Khang, Yên Phong), Nguyễn Đăng Uyển, Vũ Thao Bính (phường Thịnh Quang Quảng Đức), Trần Đăng Đường, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Quang Khải (Vân Điềm, Huyện thừa huyện Đông Ngàn), Nguyễn Đình Danh, Nguyễn Đình Chuyển (Đại Sơn Tiên Du), Nguyễn Sĩ Đôn (Nội Duệ, Tiên Du), Nguyễn Lương Tài, Nguyễn Tuấn Tài (La Quí, Tiên Ninh), Phạm Đăng Khoa, Vũ Niệm, Phạm Tấn Phái (Xã Bình Công, Giám Trường, Ý Yên), Lê Cao Đệ, Đỗ Đăng Đệ (Đại Nhược, Tiên Du), Nguyễn Diễn, La Anh Hào, Nguyễn Quang Trạch (Hương Mặc, Huyện thừa huyện Đông Ngàn).

Đỗ Sinh đồ: Nguyễn Khắc Minh, Đỗ Phan Long (Như Nguyệt, Yên phong), Nguyễn Tiến Hiền, Nguyễn Hữu Dung (Vân Điềm), Nguyễn Điều, Nghiêm Đăng Dụng, Nguyễn Nghiêm Nao (Xuân Lôi, Yên Phong), Nguyễn Hữu Phi, Nguyễn Giản Sâm, Nguyễn Đình Bảng (Dịch Sử, Đường Hào), Nguyễn Duy Năng, Đỗ Sinh, Nguyễn Hưng Tạo (Tây Hồ, Quảng Đức), Nguyễn Thọ Sinh, Nguyễn Danh Hiển (Xuân Lôi, Yên Phong), Nguyễn Thành Danh, Đàm Danh Gia, Nguyễn Tất Xứng (Thiên Lộc, Bạt Trạch), Trương Công Tào, Nguyễn Trường Xuân (Phù Khê), Dương Khải (Nạp Dương, Chí Linh), Dương Thế Tế, Lê Công Triều (Thiết Bình, Đông Ngạn), Ngô Thế Nho (Phù Khê), Trương Công Tiến, Ngô Quang Đệ (Bình Lâm, Yên Phong), Trần Tuấn Doãn, Nguyễn Danh Hạnh, Ngô Đức Toàn (Hộ Trung, Yên Phong).

Đỗ Nho sinh: Nguyễn Thân, Nguyễn Đăng Doanh (Hương La, Yên Phong), Nguyễn Viết Nhân, Trần Quang Diệu, Nguyễn Nguyên Tái, Nguyễn Hữu Thể, Vũ Quang Tiền (xã Ông Mặc, đỗ Tam trường), Nguyễn Phi Chiêu, Trần Quang Mạc (Hoa Thiều, Đông Ngàn), Nguyễn Đương Minh (Vân Điềm), Nguyễn Văn Cẩm, Vũ Văn Đĩnh (Châu Đông, Tiên Phúc), Nguyễn Cao Trí, Ngô Quang Minh (Bình Lâm, Yên Phong), Nguyễn Văn Hội Nguyễn Quang Chiêu, Nguyễn Như Cường, Nguyễn Tiến Gián, Nguyễn Hựu (Vân Điềm, Đông Ngàn), Đàm Hữu Tài.

Người soạn văn bia: Nội các Đồng Tiến sĩ xuất thân năm Mậu Thìn (1628) được phong chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Quốc lão tham dự triều chính, Trưởng lục bộ, Thái bảo, Yên Quận công, người xã Hồng Hào, Phạm Công Trứ phụng soạn.

Tướng sĩ lang người phủ Thanh Đô chức Nho học Huấn đạo người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngạn, Nguyễn Khoa Đệ viết chữ.

Đầy lòng hâm mộ.

Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.326-337

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=651&Catid=518



---

BỔ SUNG



1.




 Vũ Thượng Thứ tư, ngày 12/07/2023 08:27 AM (GMT+7)

Đền Thánh Nguyễn, ngôi đền cổ tọa lạc tại xã Gia Thắng và xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), hiện đang thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, một cao tăng có chức vị đứng đầu triều đại nhà Lý, ông còn được vua Lý Thần Tông phong làm Quốc sư.

Đền Thánh Nguyễn đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989.

Đền Thánh Nguyễn có gì đặc biệt? 

Đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (1073-1141), người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

00:02:28

Clip: Đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Theo truyền thuyết, ông Nguyễn Minh Không là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Không còn là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu…là thầy thuốc tài giỏi lúc bấy giờ.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 2.

Đền Thánh Nguyễn là ngôi đền cổ, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Ảnh: Vũ Thượng

Năm 1136, vua Lý Thần Tông hai mươi tuổi bị bệnh nặng. Lúc đó, trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung và đã chữa khỏi bệnh lạ cho vua. Qua đó, được vua kính trọng phong là Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Lưu (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) giới thiệu về đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Văn Lưu (xóm 4, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn), hiện đang làm trong ban khánh tiết đền Thánh Nguyễn kể: "Theo truyền thuyết khoảng năm 1121, ông Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người". 

"Tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài", ông Lưu kể thêm.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 4.

Lễ hội truyền thống đền Thánh Nguyễn thường tổ chức 5 năm một lần. Ảnh: Vũ Thượng

Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/3 âm lịch). Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của đất Gia Viễn. Lễ hội chính được tổ chức 5 năm một lần hoặc 10 năm một lần (tùy theo điều kiện kinh tế).

Kiến trúc cổ của đền Thánh Nguyễn

Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Đền quay hướng Nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về Cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn". Công trình là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, vừa hài hòa, vừa trang nghiêm.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 5.

Khung cảnh tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Vũ Thượng

Đầu tiên khi vào đền Thánh Nguyễn là Vọng Lâu được xây dựng trên nền chùa Viên Quang tự mà Nguyễn Minh Không đã lập vào năm 1121. Mặt trước Vọng Lâu đắp "Lưỡng long chầu nguyệt", mặt sau đắp "Phượng hàm thư" là hai chim phượng ngậm cuốn thư. Vọng Lâu kiến trúc mở nên không có các cánh cửa. Mặt trước và mặt sau đều có những bức Hoành phi và câu đối cổ.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 6.

Ông Phạm Văn Lưu (xóm 4, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn) đứng bên cạnh cây sách tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng


Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 7.

Cây đèn tại đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài ra, bên hồi trái Vọng Lâu là cây sách, bên phải là cây đèn đá đều là hình lục giác cao hơn 1m đặt trên bệ đá, là biểu tượng của trí tuệ. Đền Thánh Nguyễn có bốn tòa kiến trúc theo kiểu "tiền nhất hậu công". Tiền Bái 5 gian có bốn hàng cột, vì kèo theo kiểu "Thượng rường hạ kẻ". Mái lợp bằng ngói ta không có màu, mũi lượn tròn, phía dưới là ngói chiếu.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 8.

Hoa văn tại đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

Trong Tiền Bái có 5 bức cửa võng, đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc 4 chữ Hán "Thiên Khải Thánh sinh" (có nghĩa là Trời sinh ra Thánh). Phía trong treo bức đại tự "Tối Linh Từ" (Đền tối linh thiêng). Các cột trong Tiền bái đều được treo nhiều câu đối ca ngợi công đức của Nguyễn Minh Không.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 9.

Những cột gỗ tại Vọng Lâu đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Vũ Thượng

Tiếp đến là Tòa đệ nhị với kiến trúc mang đậm kiến trúc dân gian độc đáo, hai mái giao nhau rất khớp về độ cao, ăn ý, hài hòa với nhau. Hai tòa đệ nhất và đệ nhị liền nhau tạo cho Tiền Bái có một không gian rộng và sâu.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 10.

Khu vực đền thờ ông Nguyễn Minh Không. Ảnh: Vũ Thượng

Trong cùng là Chính tẩm năm gian theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ thứ XVII. Gian giữa có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Gian phía Đông của Chính tẩm có ban thờ bài vị Khải Thánh (thờ cha mẹ Nguyễn Minh Không). Gian phía Tây có ban thờ bài vị Tô Hiến Thành, người có tính cương trực, trọng nghĩa, khinh tài, một lòng trung thành vì dân, vì nước.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 11.

Bộ kiệu tại đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Vũ Thượng

Ngoài các hiện vật cổ quý báu đền Thánh Nguyễn còn lưu giữ 50 bản sắc phong thời Lê và Nguyễn. Kiến trúc ngôi đền thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa, hòa nhập với núi sông, mây trời ở vùng Cố đô Hoa Lư tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 12.

Công trình là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê. Ảnh: Vũ Thượng

Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình thờ ông Nguyễn Minh Không, cao tăng có chức vị đứng đầu của triều đại nhà Lý  - Ảnh 13.

Đền Thánh Nguyễn được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Sau khi chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Ông còn được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Ông cũng là một vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Hiện nay ở vùng châu thổ sông Hồng có rất nhiều nơi còn đền thờ ông như ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang...

https://danviet.vn/den-thanh-nguyen-tho-ai-20230705231115808.htm

..



1 nhận xét:

  1. 1. Về thời kì giao tranh đầu 1620, có nhóm bia gắn với nhà khoa bảng Nguyễn Thực ở Đông Ngạn (Từ Sơn, Bắc Ninh):



    GIỚI THIỆU TẤM BIA VỀ

    GIA TỘC NGUYỄN THỰC LÀNG VÂN ĐIỀM

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.