Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách
▼
11/07/2023
Hiện tượng "làm mới sắc phong" hiện nay - ghi nhanh mấy điểm về "sắc phong" Phủ Vân
Hiện tượng "làm mới sắc phong" đang diễn ra ở qui mô toàn quốc. Thuật ngữ "làm mới sắc phong" là do tôi đề xuất trong mấy năm gần đây. Đề xuất chính thức là vào năm 2022, và hiện nhóm chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu chung.
Sắc phong và làm mới sắc phong hiện nay tại Việt Nam, là một hiện tượng văn hóa, chúng tôi tiếp cận từ góc nhìn văn hóa.
Trong nhóm làm việc chung của chúng tôi, có người chuyên về sắc phong và văn bản Hán Nôm, có người chuyên về mảng di sản văn hóa và quản lí văn hóa, có người chuyên về mảng bảo tàng (cơ quan thường phải làm phiên bản cho hiện vật/nguyên vật).
Làm mới sắc phong, theo phân loại cụ thể của chúng tôi gồm có 8 loại hình (sẽ nói cụ thể ở dịp khác). Làm mới sắc phong ở Phủ Vân Cát (tính từ sau mùa hè năm 2011) là 1 trong 8 loại hình mà chúng tôi đề xuất.
Liên quan đến hiện tượng làm mới sắc phong ở Phủ Vân Cát, hôm nay, ngày 11/7/2023, trước khi cùng học trò đi về xứ Đoài, tôi viết nhanh mấy điểm như dưới đây.
1. Đầu tiên, đưa lại thông tin đã đăng tải đầu năm 2022 của phóng viên tờ tạp chí Thế giới Di sản (Cơ quan của Hội Di sản Việt Nam, số 3 năm 2022). Đã điểm tin nhanh trên Giao Blog từ tháng 3 năm 2022 (xem lại ở đây).
Bạn nào muốn đọc bản toàn văn thì phải tìm số 3 (186) năm 2022 của tạp chí Thế giới Di sản. Đại khái, ngay đầu năm 2022, báo cáo kết quả khảo sát đã được đăng tải trên tạp chí này.
2. Trên phương diện hành chính, hồ sơ liên quan đến sự kiện "làm mới sắc phong" ở Phủ Vân (ở loại hình "làm bản nhái, ngụy tạo") đang được bảo quản ở các cơ quan hữu quan của tỉnh Nam Định (UBND xã Kim Thái, UNBD huyện Vụ Bản, UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan chuyên ngành của tỉnh).
Các công văn, báo cáo cá nhân, báo cáo tập thể, đơn từ, tư liệu hình ảnh,... đều được các cơ quan đó bảo quản. Việc công bố (hay không công bố) các hồ sơ ấy thuộc quyền hạn của các cơ quan.
3. Trên phương diện học thuật, quan tâm của nhóm chúng tôi là trào lưu "làm mới sắc phong" trong vận động văn hóa xã hội của Việt nam từ sau Đổi Mới đến nay, mà trường hợp Phủ Vân chỉ là một ví dụ mà thôi.
Cụ thể hơn nữa về trào lưu "làm mới sắc phong", cần chờ các nghiên cứu và công bố học thuật của nhóm chúng tôi trong thời gian tới.
Như thường khi, ở dưới đây, sẽ là các bổ sung hay cập nhật được dán dần lên. Các ý kiến hữu ích cho việc suy nghĩ về "làm mới sắc phong" (với nghĩa là 8 loại hình "làm mới", có bao gồm loại hình "làm bản nhái, ngụy tạo") sẽ được đưa về lưu dần. Trong các công bố học thuật sắp tới, chúng tôi sẽ chọn lựa sử dụng các ý kiến đó (theo nguyên tắc trích dẫn học thuật).
Tháng 7 năm 2023,
Giao Blog
---
CẬP NHẬT
2. Đến ngày 19/7/2023 nhóm "Chùa Việt" trên Fb ra thông báo - trang này là một trong những trang đầu tiên cho đăng các stt của nhân vật "Hoài Cổ".
(bản lấy về Giao Blog vào sáng ngày 21/7/2023)
(dưới đó là các comments đã được chụp màn hình - hiện không còn nữa)
Vấn đề Tam giáo, vấn đề Tam phủ tứ phủ trong chùa chiền và vấn đề Nam Định hóa tín ngưỡng Tam phủ tứ phủ vào đình đền miếu mạo tư gia =))))))))) chắc vẫn cần thêm tuts các bác nhỉ
Trụ trì nhận thấy vấn đề không chỉ là TÔN GIÁO mà còn là KHOA HỌC và vấn đề nữa là QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC với các vấn đề VĂN HÓA! Thiết nghĩ vậy, nên mở lại vấn đề về Tư liệu và tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ! Ai viết gì, thì trên tinh thần KHOA HỌC và lấy TƯ LIỆU thực chứng. Tránh việc còm bậy bạ, chửi nhau, lời lẽ DUNG TỤC - sẽ remove - block!
Theo Thánh tư liệu Bùi Quang Tuấn thì bộ này: "Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành 越南漢文小說集成 có văn bản Vân Cát thần nữ truyện.
Do Giáo sư Tôn Tốn 孫遜, Trịnh Khắc Mạnh 鄭克孟, Trần Ích Nguyên 陳益源 và Chu Húc Cường 朱旭强 chủ biên .
Đây là công trình hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Thượng Hải, Trung Quốc với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 20 tập do Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải, Trung Quốc ấn hành năm 2011, được phân thành năm loại lớn :
1. Tiểu thuyết Thần thoại như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh,... gồm 17 loại.
2. Tiểu thuyết truyền kỳ như Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Việt Nam kỳ
phùng sự lục gồm 14 loại.
3. Tiểu thuyết lịch sử như Hoàng Việt xuân thu, Việt Nam khai quốc chí truyện, An
Nam nhất thống chí, Hoan Châu ký gồm 5 loại.
4. Tiểu thuyết bút ký như Nam quốc dị khai lục, Đại Nam kỳ truyện, Nam thiên trung
nghĩa thực lục, Nhân vật chí gồm hơn 10 loại.
5. Tiểu thuyết cận đại bao gồm một số tiểu thuyết Hán văn trong Nam Phong tạp chí.
Trên cơ sở kế thừa những thông tin và kết quả nghiên cứu của bộ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san do Đài Loan Học sinh Thư cục xuất bản năm 1986 và năm 1992, lần này nhóm sưu tầm và nghiên cứu đã bổ sung được hơn 80 tác phẩm (bao gồm hơn 100 dị bản) tiểu thuyết Hán văn Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau ở Việt Nam và ở các nước khác. Công trình này về cơ bản bao gồm các tiểu thuyết Hán văn cổ đại Việt Nam tiêu biểu. Mỗi văn bản đều được nghiên cứu giới thiệu văn bản, cú độc khá cụ thể, xác thực. Đây là công trình nghiên cứu khá công phu có giá trị cao về học thuật và tư liệu, đã có sức ảnh hưởng rộng lớn trong giới Hán học
Toàn tập được số hóa public trên trang có link kèm theo dưới đây
Với kinh nghiệm cá nhân, và quan sát vụ việc tiêu hủy Sắc phong ( làm lại nội dung Sắc) ở phủ Vân Cát, xin đưa ra vài lưu ý:
1. Về Sắc phong lưu trữ nội dung của EFEO năm 1938.
Có làng chép lại nội dung Sắc đang lưu giữ tại làng, tuy nhiên do nhiều lý do, chép lại có sai sót là bình thường
Có làng k còn lưu giữ và kê khai, nhưng từ nhiều nguồn khác nhau mà EFEO sưu tầm và chép lại được nội dung Sắc, và cho vào lưu trữ cùng bản khai của làng.
2. Về nội dung các Sắc hiện còn lưu giữ:
Có một lượng nội dung Sắc được chép chuẩn theo Sắc gốc, Sắc thật mà làng có, dù cho làng chép hay người của EFEO chép.
Có một lượng các Sắc dù được làng hay EFEO chép lại nhưng CHƯA CHẮC là Sắc thật, Sắc gốc.
Có một số Sắc chỉ còn nội dung được Thần phả, Ngọc phả, Thần tích ghi lại nội dung ( có thể chua thêm được " phụng sao") từ các Sắc cổ, rất khó minh định ĐÃ TỪNG có các Sắc đó. Nhóm này đáng lưu ý với các Sắc có niên đại đầu Lê sơ, và do Cụ Nguyên Bính phụng soạn, rất có thể là nội dung do các cụ chế ra để làm hồ sơ xin phong thần và Sắc phong, dưới thời Nguyễn
3. Về tính pháp lý của nội dung Sắc, sao lục từ Viện Hán Nôm:
VHN chỉ là đơn vị lưu trữ, có thẩm quyền xác nhận đã đồng ý cho cá nhân/ tổ chức sao lục. VHN xác nhận sao lục KHÔNG đồng nghĩa nội dung đó là chân lý, đương nhiên đúng.
Việc kết luận đúng sai từng nội dung được sao lục phải do PHÁP NHÂN có thẩm quyền. Ở đây, VHN chỉ là 1 trong nhiều đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu và thẩm định tính chất của nội dung đó. Chú ý là việc này phải có thỏa thuận với PHÁP NHÂN VHN và có hội đồng khoa học quyết định, mọi thỏa thuận với cá nhân làm việc trong VHN đều KHÔNG có giá trị học thuật và pháp lý.
4. Như đã phân tích trên, tính chính xác của tư liệu Sắc là không cao, nên việc tranh cãi, kiện cáo dựa trên nội dung Sắc phong là rất KHÔNG ổn, cần thực hiện đúng mọi thủ tục theo quy định của luật pháp hiện hành.
Túm lại, tôi là người ngoài cuộc, nhưng nhận thấy cách thức phủ Vân đã và đang đi các bước chưa hiệu quả, vì nhận thức về pháp luật về di sản và hiểu biết về tư liệu Hán Nôm chưa chính xác. Bên cạnh đó, việc bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi thứ bậc tín ngưỡng của cả Vân - Tiên đều là đáng tiếc. Cả hai bên đang mù quáng đến mức lầm lẫn việc xưng danh "Phủ chính" từ một cái tên định danh, thành cuộc chiến "chính - phụ" rất phản cảm.
Trong tâm linh, xưa nay KHÔNG hề tồn tại cách hiểu nơi này là Chính, nơi kia là Phụ, kể cả trong trường hợp một Đền A nào đó "chính thờ", rồi Đền B, Miếu C, Nghè D... nào đó xin rước chân linh về thờ, thì cũng không ai phân biệt sân si vậy.
Nhân đây, dài dòng đôi lời đến các cá nhân và làng nào đó đang có tâm ý đi tìm và phục chế lại Sắc phong từ mọi nguồn lưu trữ, kể các Sắc được cho là Sắc gốc hay chỉ là nội dung Sắc được lưu lại:
1. Rất có thể nội dung đó không chính xác.
2. Rất có thể Sắc được cho là gốc thì lại là giả/ nhái
3. Để xác minh, chỉ có cách thỏa thuận với các pháp nhân đủ năng lực theo quy định của pháp luật, nghiên cứu, phục dựng, và kết luận.
4. Nếu không thận trọng, rất có thể các Làng lại đi rước Sắc giả/ nhái hoặc có nội dung không chính xác về thờ phụng.
5. Với tư cách cá nhân, mong rằng sớm có cơ quan chức năng ban hành quy trình, thủ tục và hỗ trợ các làng sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng các Sắc phong đã mất, góp phần bảo tồn vốn cổ của cha ông.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.