Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

24/06/2023

Văn nghệ Thứ Bảy: trở lại bản đồ ở thập niên 1650 gắn với "vương quốc Cao Bằng" và Chúa Khánh

Đại khái, ở các bài viết từ nhiều năm về trước (bài đầu tiên là từ 2009), liên quan đến vương quốc Cao Bằng hay Đàng Trên (ví dụ xem ở đây), hoặc liên quan đến Tứ Vị Thánh Nương (ví dụ xem ở đâyở đây), tôi đã sử dụng hai tấm bản đồ được in vào thập niên 1650 trong các tác phẩm quan trọng của giáo sĩ Đắc Lộ.

Cả hai bản đồ này đã được in vào thập niên 1650 trong các cuốn sách của Đắc Lộ. Nhắc lại cho thêm rõ vậy. Dĩ nhiên, cụ Đắc Lộ không phải là người vẽ ra. Cụ chỉ sử dụng lại các tấm bản đồ có sẵn ở châu Âu vào thời điểm đó, dĩ nhiên đã được chỉnh lí thêm bởi chính các giáo sĩ đã hoạt động ở Việt Nam (đọc thêm ở đây). Đại khái là hai tấm sau.

Tấm 1:

Bản đồ in trong sách của Đắc Lộ



Đoạn trích ra từ bản đồ lớn




Tấm 2:

Bản đồ in trong sách của Đắc Lộ


Đoạn trích cắt ra từ bản đồ lón


Về hai tấm bản đồ này, một giả thiết như sau đã được Alexei Volkov đưa ra gần đây, theo tôi (chủ nhân Giao Blog) là khá thuyết phục:  các bản đồ của de Rhodes kết hợp dữ liệu bản đồ được vẽ dựa trên các bản đồ phổ biến của đầu thế kỷ XVII, chẳng hạn như của Ortelius Hondius (do đó sự lựa chọn của kinh tuyến chính trong bản đồ B), với thông tin chi tiết về địa hình, đặc biệt là sông và núi, được truyền tải giữa các thành viên của phái bộ Truyền giáo Dòng Tên ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam dưới dạng bản đồ, phác thảo và mô tả bằng lời nói.

1. Vấn đề địa danh "Cao Bằng" và tên "Chúa Khánh" trong hai tấm bản đồ trên cũng đã được chúng tôi đặt ra đồng thời với việc bàn về Cửa Chúa (gắn với tổ hợp thần Tứ Vị Thánh Nương ở Cửa Cờn tại Quỳnh Lưu - Nghệ An).

2. Trước hai tầm bản đồ ở thập niên 1650 này, còn có một chiếc chuông đồng cỡ lớn được đúc năm 1611 tại kinh đô Cao Bình của vương quốc Cao Bằng (năm đó là năm Càn Thống 19 thuộc thời kì vùa Mạc Kính Cung). Niên đại "Càn Thống 19" được ghi rõ ràng trên chuông lớn hiện còn này (xem cụ thể ở đây).

3. Vua Mạc Kính Cung, có thể gọi là Chúa Cung đã trị vì một thời gian dài tại vương quốc Cao Bằng. Chúa Cung là vua đầu tiên của vương quốc Cao Bằng. Vị vua thứ hai là Mạc Kính Khoan, cũng được gọi là "Khánh vương", hay "Chúa Khánh".

Chúa Khánh (Đàng Trên) là để đối xứng với Chúa Bằng tức Chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và Chúa Nguyễn (Đàng Trong). Đại khái, Đại Việt lúc đó cùng có ba vương quốc ở ba Đàng (cụ thể hơn, đọc ở đâyở đây).

4. Nhìn cận cảnh về vương quốc Cao Bằng và tên Chúa Khánh trên tấm bản đồ ở thập niên 1650 và trên một tấm khác ở thập niên 1660 thì như dưới đây.

1669 Sanson Map of Asia
https://www.geographicus.com/P/AntiqueMap/asia-sanson-1669?fbclid=IwAR2ofNvFX1DpsYH5XRAUmqi1qQGmFxCHOi_pt-FiKAf8uX_e8NXbyqgI6qQ


Early map of the region from Macao to Cambodia, centered on Vietnam and southern China.
https://www.raremaps.com/gallery/detail/22430/royaume-dannan-comprenant-les-royaumes-de-tumkin-et-de-la-c-mariette?fbclid=IwAR15aYaNBIwYDx0raTPfH7D98hKYZDoBHuR_GAVtibN7DeiSB89pFtQA-xU

Đại khái mường tượng như vậy. Ở dưới là tư liệu bổ sung hay cập nhật được dán dần lên như mọi khi.

Tháng 6 năm 2023,

Giao Blog


---

..


Ngày 24/6/2023

Trong một bản đồ xuất bản năm 1669 của Sanson có thể hiện tên gọi Civa Canh (tức Chúa Canh). Đây là tên của một vị vua thời Hậu Mạc đóng ở Cao Bằng. Thời bấy giờ người trong nước gọi vùng này là Đàng Trên, phân biệt với Đàng Ngoài và Đàng Trong (xem thêm từ điển Việt - Bồ - La, 1651).
Bản đồ năm 1650 của Pierre Mariette chú thích rõ hơn: Cav Bang (Cao Bằng) hay Civa Canh (Chúa Canh), bị đánh đuổi khỏi Tumkin (Đông Kinh), đã rút chạy lên những ngọn núi này để phản công mạnh mẽ những người Tumkinois (chỉ thế lực Lê - Trịnh).
Một cách viết khác của tỉnh Cao Bằng thường thấy trên các bản đồ phương Tây là "Ciucanghe" (cũng là đánh vần từ Chúa Canh).
Trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Linh mục Rhodes đã miêu tả vị Chúa Canh này (với ký âm là Ciüa canh).
Hiện nay, danh hiệu Chúa Canh được chứng minh là Chúa Khánh (tức Khánh vương Mạc Kính Khoan, 1621-1625). Xem thêm:
+ Chu Xuân Giao, "Nghiên cứu nhà Mạc thời kỳ hậu Cao Bằng"
+ Nguyễn Cung Thông, "Những mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: tiếng Việt từ thời LM de Rhodes..."
Link bản đồ:





https://www.facebook.com/groups/564810375706782/posts/632345828953236/

..

Phải chăng bản đồ Alexandre De Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490?

Lời tựa:

Alexandre De Rhodes, một thừa sai Dòng Tên, đã gắn bó mật thiết với Đại Việt trong hành trình truyền giáo từ năm 1624 đến 1645. Hành trình của thừa sai Alexandre De Rhodes đã kinh qua nhiều bước thăng trầm với nhiều lần bị trục xuất khỏi Đại Việt. Sau đó, vị thừa sai có vẽ một bản đồ về Đại Việt, cung cấp thêm cho thế hệ mai hậu những thông tin bổ ích về địa lý, văn hóa Đại Việt thời bấy giờ. Tuy nhiên, bản đồ ấy khá giống với bản đồ Hồng Đức (được vẽ năm 1490); có nhiều người cho rằng Alexandre De Rhodes đã tham chiếu bản đồ Hồng Đức khi vẽ bản đồ của mình. Xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ((người chuyên nghiên cứu về các bản đồ, địa bạ cổ) – hiện tại nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có khoảng 3000 bản đồ trong bộ sưu tập của mình) như là một câu trả lời cho thắc mắc ấy.

 

Chúng tôi phỏng đoán bản đồ De Rhodes 1650 (bđ DR) đã vẽ theo mẫu Bản đồ Hồng Đức 1490 (bđ HD), (xin tạm bỏ qua vấn đề tác giả và thời điểm vẽ bđ HD). Vì mấy lí do chính sau:

1. Phương hướng đặt bản đồ

Bđ DR bắt chước bđ HD đặt phương Tây lên trên, phương Đông bên dưới, phương Bắc bên phải và phương Nam bên trái. Tôi chưa từng thấy một bản đồ nào do Âu hay Á vẽ nước ta xưa kia lại có định hướng như vậy. Tất cả đều để phương Bắc 1ên trên .

 
2. Hai bản đồ đều dùng quốc hiệu An Nam

Trong lời giải thích “An Nam đồ thuyết” kèm theo bđ HD nói rõ An Nam chi địa. Trên góc tây bắc bđ DR có ghi trong khung chữ Regnũ An nam (nước An Nam). Cho tới thời điểm (1650), tất cả các bản đồ Tây phương vẽ nước ta đều ghi quốc hiệu là Cauchychina, Cochinchina tức Giao Chỉ Chi Na hay đúng hơn là Giao Chỉ gần Tần.

 3. Những đường nét và bố cục chính

Hầu như giống nhau, chỉ khác là bđ HD vẽ bằng bút lông chú thích chữ Hán, bđ DR vẽ bằng bút sắt chú thích chữ La tinh hay chữ Quốc ngữ cổ. Phía trên bản đồ là núi non, ở giữa là bình nguyên, phía dưới là biển cả. Bđ HD ghi Tây giáp Ai Lao giới thì bđ DR ghi Laorum pars, bên phải một trường thành, bđ HD ghi Vân Nam thì bản đồ DR ghi Cinoe pars. Bản đồ HD ghi Bắc giáp Quế Quản, Quảng Tây (Bách  Việt địa), Quảng Đông (Việt địa Triệu Vũ đế đô) thì bđ DR chỉ ghi Provincia Canton, Macao và Sepul. S.Xaveril (mộ thánh Savie). Bđ HD ghi Tây giáp Lung Lang giới thì bđ DR ghi Cambogiac pars (có lẽ Lung Lang phiên âm tên Panduranga, một xứ của Champa). Bđ HD ghi Chiêm Thành thì bđ DR ghi Ciampa. Bđ HD ghi Thạch Bi thì bđ DR ghi Ponta da Varella và thêm dinh Pho An (Phú Yên) .

4. Địa bàn các thừa tuyên (sau là tỉnh) cũng giống nhau

Kể từ Nam ra Bắc : Quảng Nam (bđ DR ghi Ciam và thêm cả Quangnghia, Quinhin), Thuận Hóa (bđ DR ghi Thoan hoa và thêm địa danh Hoa tức Huế, rồi Bochinh tức Bố Chính), Nghệ An (Nghe an), Thanh Hóa (Thinh hoa), Sơn Nam (Ke nam), Trung Đô (nay là Hà Nội, bđ DR ghi Kecio tức Kẻ Chợ và bên kia sông bo de tức Bồ Đề), Hải Dương (Ke dom, tức Kẻ Đông), Kinh Bắc (KeBac), Sơn Tây (Ke Tay), Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, An Bang kim An Quảng (bđ DR đều thiếu) .

Bđ HD còn ghi những địa danh mà bđ DR không ghi lại như Tây Kinh, Na Sơn, Hy Mã Sơn, An Hoạch Sơn, Hồ Lĩnh Sơn Thiên Cầm Sơn, Tượng Sơn, Phổ Minh Tự, Thiên Cầm Sơn Thập Châu, Ngải Sơn, Bạch Thành, Tản Viên Sơn, Ngưu Dương Động, phật Tích Sơn, Câu Lậu Sơn, Hùng Vương Sơn, Lũng Sơn, Tây Hồ, Lý ông Trọng Miếu, Lịch Sơn, Phụng Dục Sơn Bông Sơn, Nam Xương Châu, Thiên Đức Quang, làm Ngưu Sơn, Tiên Du Sơn, Lục Đầu Quang, Phả Lại Tự, An Tử Sơn An Thù Sơn, Quỳnh Lâm Tự, Mẫu Đơn, Côn Sơn, ải Quan, An Kỳ Sinh đắc đạo xứ, Hồng Đàm, Vân Đồn Sơn, Đại Viên Sơn, Nam Cương, Đồng Trụ giới, Bắc Cương, Phân Mao Lãnh. Còn Đại Hải thì bđ DR ghi là Mare Cinicum, đảo Khai Lan thì bđ DR ghi là Hainan (Hải Nam).

Tuy nhiên, bđ DR có ghi những địa danh mà bđ HD không ghi (kể từ trên xuống dưới và từ nam ra bắc.): Solitudo (Hoang địa), Rumoi (xứ mọi hay Rú mọi), Ran Ran (phủ Phú Yên có sông Đà Rằn), Nuoc Ngot (nước Ngọt), Nuoc Man (Nước Mặn), Ben da (Bến đá), pullucambi (Cù lao Xanh), Cuadai (Cửa Đại), Pulocatà-colaure (Cù lao Rẻ), Bá Linh, Ciam (xứ Quảng Nam), Dinh ciam (Dinh Chiêm), Haifo (Hoài Phố, Hội An nay), pulociampello (Cù lao Đại Chiêm), Cuahan (Cửa Hàn, Đà Nẵng nay), Dinh Ca (Dinh Cả), Hoa (Huế), Cua Say (Cửa Thầy), Dinh coù (Dinh Cũ), Ke dai (?), Vang nai (Hoàng Mai), Cua bang (Cửa  bạng), Van no (Văn Nho), An nuc (An Vực), Diên pho (Diễn phố), Cua bic (Cửa Bích), Cua dai (Cửa Đáy) Ke bo (Kẻ Vó) , Non khe (Kẻ Non), Ke voy (Kẻ Vồi) , Ha hoy (Hà Hồi), Kemaoc (Kẻ Mác, Ô Đống Mác), Ke tru (Kẻ Trừ) , Kecou (?) , Kecoc (Kẻ Cóc), Chamha (Châm Hạ) , Da ngon (?), Longuam (?) Kemua (Kẻ Mua), Dai tiên (?), Chin tan (?) , Caubang (Cao bằng) , Trang tay (?), Thich (?), Phoi Ke (?) , Den ho i (?), Tam dang (?), Ke go (?), Ke fau (Kẻ Sau) , Ke Fuoc (Kẻ Trước) . . .

Nói chung, hai bản đồ này giống nhau về cơ bản địa lý tự nhiên và địa lý chính trị (quốc hiệu, các xứ thừa tuyên), nhưng bđ HD ghi chú nhiều di tích văn hóa và lịch sử, còn bđ DR thì ghi khá đầy đủ cửa biển và các thị trấn truyền giáo. Bđ DR vẽ theo phương pháp khoa học mới, nghĩa là theo tọa độ các đường kinh tuyến và vĩ tuyến. Tuy nhiên, bđ DR vẽ bờ biên vịnh Bắc Việt không đúng bằng bđ HD.

Trước bđ DR 1650, Tây phương chỉ biết nước ta ở ngoài bờ biển và các hải đảo. Họ vẽ bờ biển Đàng Trong đúng hơn Đàng Ngoài vì ít lui tới Đàng Ngoài. Do đó, bđ DR cũng theo họ mà vẽ sai vịnh Bắc Việt, nhưng đã thêm được khá nhiều địa danh bên trong từ bờ biển lên tới cao nguyên. Ngoài ra, bđ DR đã ghi khá chính xác là ranh giới “Cua Say” chia nước làm hai phần: Tun Kin tức Đàng Ngoài và Cocincina tức Đàng Trong thật  rõ ràng

Bản đồ Alexandre De Rhodes 1650 là bản đồ duy nhất của Tây phương đã căn cứ vào Bản đồ Hồng Đức 1490, giúp cho độc giả hiểu biết tương đối đúng đắn đất nước ta ở bốn thế kỷ XV, XVI, XVII và XVIII vậy.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

https://dongten.net/phai-chang-ban-do-alexandre-de-rhodes-1650-ve-theo-ban-do-hong-duc-1490/

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.