Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

23/10/2022

Về nữ thần ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ : Bà Phường Chào và Bà Bô Bô

Gần đây, mình mới chú ý đến hai vị nữ thần thú vị của Trung Bộ và Nam Trung Bộ, là Bà Phường Chào và Bà Bô Bô.

Bây giờ đi một ít bài liên quan.

Mở đầu là bài của người ở Hội An.


Tháng 10 năm 2022,

Giao Blog


---




Thứ hai - 27/12/2021 14:26

Tín ngưỡng thờ nữ thần là một trong những loại hình tín ngưỡng phổ biến trong xã hội Việt Nam, tín ngưỡng tôn thờ hình tượng người phụ nữ trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò người mẹ trong gia đình và xã hội người Việt.
dinh hoi an
Đình Hội An - Ảnh: Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản
 
      Từ đó các cơ sở thờ tự, nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác liên quan cũng được hình thành, phát triển, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tại Hội An, dân gian thường tôn xưng chung các vị nữ thần là Bà với tâm thế kính ngưỡng. Tại di tích đình Hội An (đình Ông Voi) hiện nay, qua các tư liệu và hiện trạng thờ tự cho thấy được tầm ảnh hưởng lớn của tín ngưỡng nữ thần, khi 8 vị thần được thờ tại đình thì có 5 vị là nữ thần, gồm Đại Càn Tứ Vị thánh nương, Ngũ Hành tiên nương, Bà Bô Bô, Bà Phiếm Ái và Bạch Thố Kim Tinh. Các vị nữ thần này đều được triều Nguyễn ban sắc phong, gia tặng mỹ tự, định hạng thần.

      Đại Càn Tứ vị thánh nương là vị thần chủ được thờ tại đình Hội An. Bài vị thần được đặt trên án thờ cao nhất trong hậu tẩm đình, nội dung bài vị: Đại Càn Nam Hải quốc gia Tứ vị thánh nương vương”. Bà Đại Càn có nguồn gốc là nhân thần, thuộc hàng thượng đẳng thần, thường hiển linh cứu giúp tàu thuyền gặp nạn trên biển, bảo vệ bình an cho người dân, danh hiệu được triều đình gia phong đầy đủ là: “Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương thượng đẳng thần”. Đây là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất ở nhiều đình làng tại Hội An. Theo tài liệu Quảng Nam xã chí khảo sát tại làng Hội An vào giữa thế kỷ 20 cho biết triều Nguyễn sắc phong, gia tặng mỹ tự cho vị nữ thần này đến 10 lần (từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đến Khải Định thứ 9 (1924)). Về lai lịch, có nhiều thuyết khác nhau nhưng tựu chung Bà Đại Càn xuất thân là người trần (04 mẹ con đều là nữ), vì chiến tranh loạn lạc và giữ tiết hạnh mà mất, thi thể trôi dạt đến cửa biển nước Việt, được người dân địa phương an táng. Về sau Bà hiển linh, có công giúp vua và nhân dân nên được lập đền thờ, ban sắc phong, cúng tế hằng năm[[1]].

      Ngũ Hành tiên nương là danh xưng gọi chung cho năm vị nữ thần, có nguồn gốc là thiên thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Tại đình Hội An, vị Ngũ Hành tiên nương được phối thờ chung tại ngôi miếu trong khuôn viên đình. Bài vị đề dòng chữ Cung thỉnh Ngũ Hành Thánh Mẫu tiên nương linh vị”. Theo tài liệu Quảng Nam xã chí cho biết vị Ngũ Hành tiên nương tại làng Hội An được triều đình nhà Nguyễn sắc phong, gia tặng mỹ tự 05 lần từ thời vua Tự Đức đến Khải Định. Trong đó, năm Khải Định thứ 9 (1924) vị Ngũ Hành tiên nương được triều đình gia tặng mỹ tự “Túy mục” thuộc hàng thượng đẳng thần.

      Bà Phiếm Ái còn có tên gọi khác là Bà Phường Chào, Bà Chợ Được, có nguồn gốc là nhân thần. Hiện nay, Bà được thờ tại ngôi miếu trong khuôn viên đình Hội An, bài vị đề “Sắc tặng Trai thục Phiếm Ái Nguyễn phu nhân trung đẳng thần”, và bản sao sắc phong năm Thành Thái thứ 8 (1896). Theo “Truyện Thần Nữ Linh Ứng” được lưu giữ tại di tích Lăng Bà Chợ Được (huyện Thăng Bình) cho biết Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) tại làng Phường Chào, châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Khi Bà sinh ra đã có nhiều điều dị thường. Bà mất vào năm Gia Long thứ 16 (1817), an táng tại quê nhà, về sau thường hiển linh cứu người hoạn nạn, giúp đỡ người hiền, trừng trị kẻ ác. Bà có công đức lập nên Chợ Được cho nhân dân làng Phúc Toản, tổng An Thanh Hạ, huyện Phong Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) nên dân làng lập miếu thờ Bà. Năm Thành Thái thứ 6 (1894) triều đình ban sắc phong cho Bà là “Thần nữ linh ứng Nguyễn thị tôn thần”, trứ phong “Trai thục Dực bảo trung hưng trung đẳng thần”; cũng trong năm này, triều đình ban tặng 02 tấm Kim tiền, một tấm là “Tứ Mỹ” cho Phiếm Ái châu (thờ ở miếu Bà Phường Chào), một tấm là “Tam Thọ” giao cho Phước Ấm châu (thờ ở dinh Bà Chợ Được). Năm Thành Thái thứ 8 (1896), miếu thờ Bà tại Phiếm Ái châu cũng được ban sắc phong. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924) triều đình ban sắc gia tặng cho Bà là “Trang huy Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”[[2]].

      Trong các vị nữ thần được thờ tự tại đình Hội An, Bà Bô Bô và Bạch Thố kim tinh không thấy tài liệu Quảng Nam xã chí ghi chép về sắc phong thần tại làng Hội An nhưng trong mục thần tích có ghi chép lại theo truyền khẩu của các kỳ lão và hiện nay bài vị còn được gìn giữ, thờ tự trang nghiêm.

      Bà Bô Bô được thờ tại ngôi miếu trong khuôn viên đình Hội An, bài vị đề “Sắc tặng Mỹ đức Thu Bồn nguyên Bô Bô trung đẳng thần”. Bà Bô Bô còn gọi là Bà Thu Bồn, có nguồn gốc là nhân thần, lăng thờ Bà ở thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Về lai lịch của Bà có nhiều truyền thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng nguồn gốc Bà là người Việt, sinh ra ở làng Thu Bồn, từ lúc ra đời đã có những biểu hiện khác thường. Bà thường dùng các loại thảo mộc để chữa bệnh cứu người, ngày 12/2 âm lịch Bà qua đời, thọ 50 tuổi. Có thuyết cho rằng Bà là một nữ tướng của vua Chàm, hay là nữ tướng của vua Lê hy sinh trong chiến trận tại làng Thu Bồn, về sau Bà hiển linh, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Có thuyết lại cho rằng Bà là nữ tướng con vua Mây, người Chàm, mất trong chiến trận, thi hài trôi dạt về bến sông làng Thu Bồn nhưng thi hài lại tràn ngập hương thơm, nhân dân kính ngưỡng, tổ chức an táng, lập lăng mộ, miếu thờ. Bà được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần ban sắc phong như: thời Minh Mạng sắc phong “Bô Bô Phu nhân tiết mông ban cấp Mặc phu Hiển tướng trung đẳng thần”; năm Khải Định thứ 9 (1924) ban sắc phong cho Bà lên hàng thượng đẳng thần: “Bô Bô Phu nhân Tư nguyên Trang huy thượng đẳng thần”[[3]].

      Bạch Thố Kim Tinh là vị nữ thần có nguồn gốc thiên thần, hiện nay chưa có tư liệu để xác định lai lịch của vị nữ thần này. Tại Hội An, Bạch Thố Kim Tinh được thờ tại 03 làng (Cẩm Phô, Tân Hiệp, Hội An) nhưng chỉ có làng Cẩm Phô được triều đình ban sắc phong thần 02 lần: năm Khải Định thứ 2 (1917) sắc phong là Trinh uyển Dực bảo trung hưng hạ đẳng thần, năm Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng mỹ tự, thăng hạng Trai tịnh trung đẳng thần. Tài liệu Quảng Nam xã chí không ghi chép sắc phong vị Bạch Thố Kim Tinh tại làng Hội An nhưng ở mục thần tích thì có nhắc đến: “…Bạch Thố, theo lời truyền khẩu của các kỳ lão thì là một vì sao, nhưng không rõ thần tích”, và tại miếu thờ vẫn còn bài vị đề dòng chữ Bạch Thố Kim Tinh thần nữ chi linh v. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Bạch Thố Kim Tinh thần nữ là Thỏ Ngọc sống với Hằng Nga trên cung trăng theo truyền thuyết dân gian xưa[[4]].

      Qua hệ thống thờ tự các vị nữ thần tại đình Hội An có thể thấy các vị nữ thần này phần lớn có liên quan đến yếu tố sông nước, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân làng Hội An xưa. Sự hiện diện của Bà Bô Bô, Bà Phường Chào trong hệ thống thần linh được tôn thờ góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của làng Hội An, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa trong lịch sử trên vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
 
* Tài liệu trích dẫn:
[1] Trần Văn An & Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản, Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Hội An qua một số tư liệu, bài viết đăng trên website: Hoianheritage.net ngày 05/7/2021.
[2] Theo Lý lịch di tích Lăng Bà Chợ Được đăng tải trên website Cổng thông tin điện tử huyện Thăng Bình.
[3] Trần Đình Hằng, Tín ngưỡng Bà Thu Bồn và Bà Phường Chào trong đời sống văn hóa xứ Quảng, Tạp chí Văn hóa học – số 3(5)-2021, Tr.57-67.
[4] Theo thông tin hồ sơ di tích Lăng Bà Bạch – lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả bài viết: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An


https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/thong-tin-ve-cac-vi-nu-than-duoc-tho-tu-tai-dinh-hoi-an-977.html

..





---

BỔ SUNG


..


Hồi hương di sản Quảng Nam


TRẦN ĐÌNH HẰNG

29/03/2020 16:40 | QUẢNG NAM ONLINE

Quảng Nam, như đúng tên gọi, mở ra một vùng đất rộng lớn phương Nam của Đại Việt, sớm trở thành trọng trấn từ thời chúa Nguyễn - vua Nguyễn, là bàn đạp chiến lược về Nam và cửa ngõ thông thương quốc tế qua cảng thị Hội An nổi tiếng.
Một trang trong bộ Quảng Nam tỉnh tạp biên.
Một trang trong bộ Quảng Nam tỉnh tạp biên.

Bộ tài liệu quý giá

Trên phương diện văn hóa, Quảng Nam là vùng đất luôn được các chính thể Nhà nước từ thời Lê - Nguyễn đặc biệt quan tâm để “Việt hóa”, xây dựng nên trọng trấn phương Nam này. Tất cả đã làm nên bức tranh văn hóa làng xứ Quảng đa dạng, đặc trưng mà trong chương trình khảo sát về làng quê Quảng Nam của chúng tôi trong mấy năm qua, bước đầu đã tiếp cận được, tiêu biểu như trường hợp bộ tài liệu Hán Nôm quý giá: Quảng Nam tỉnh tạp biên.

Trong chương trình nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trường Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương đã tổ chức đợt khảo sát về tận các làng xã, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung. Đáng chú ý ở miền Trung, Quảng Nam là vùng đất rất được quan tâm thu thập, tập hợp tư liệu nên bộ Quảng Nam tỉnh tạp biên, với gần 100 ngôi làng được khảo sát, thu về gần 4.000 trang tài liệu Hán Nôm sao chép lại từ hòm bộ cổ của các làng quê.

Nội dung chính trong bộ tạp biên này là sao chép lại toàn bộ văn bản Hán Nôm của làng xã mà đoàn khảo sát tiếp cận được, trong bối cảnh làng quê Quảng Nam đầu thế kỷ 20. Theo phương cách làm việc của họ thì trong số nhiều làng xã Quảng Nam, tập trung chọn ra khoảng gần 100 làng “tiêu biểu” để tiến hành thu thập thông tin tư liệu. Kết quả thu được cho thấy hầu như các làng xã được ưu tiên chọn lựa nằm dọc sông Thu Bồn, nay cơ bản thuộc địa bàn thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Quế Sơn. Đối với mỗi một làng xã, nhóm khảo sát tìm hiểu sơ bộ lịch sử văn hóa của làng, tiếp cận các loại hình tài liệu Hán Nôm để phân loại và ưu tiên sao chép một cách đầy đủ nhất.

Phân tích nội dung các loại hình tư liệu, có thể thấy trong Quảng Nam tỉnh tạp biên có hoành phi câu đối, hương phả, những tài liệu phân định tiền hiền trong lịch sử lập làng, những lệ định dạng hương ước, cấm ước, các văn bản về ruộng đất - kinh tế làng xã và đặc biệt là rất nhiều sắc phong, sắc chỉ, chế phong... ban tặng cho các nhân vật lịch sử, các vị thiên thần, nhân thần nổi bật trong đời sống làng xã. Tất cả đã thể hiện rõ nét những dấu ấn đặc trưng riêng có trong lịch sử hình thành và phát triển của mỗi một làng quê xứ Quảng.

Giải mã lịch sử văn hóa làng xứ Quảng

Tài liệu thu thập được từ các làng xã Quảng Nam hồi đầu thế kỷ 20 có thể chưa đầy đủ nhưng đối với một vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai địch họa, gây nên nhiều biến động, tổn thất nặng nề thì đây là di sản được bảo lưu đầy đủ, đáng tin nhất. Vì vậy mà vấn đề đặt ra cho chúng tôi khi tiếp cận, xử lý bộ tài liệu quan trọng này là muốn có sự kiểm tra đối chứng tại chính ngôi làng đó để thấy được sự trùng khớp, có thể bổ sung nhau cho mỗi một làng xã sau hơn trăm năm. Qua khảo sát, những tài liệu khác hiện có tại làng sẽ thiết thực bổ sung cho danh mục này để làm rõ hơn những giá trị đặc trưng của văn hóa làng xã xứ Quảng. Đặc biệt, trong trường hợp xấu nhất có thể, do thiên tai địch họa mà di sản Hán Nôm làng xã bị mai một, thất tán thì đây sẽ là sự bổ sung trở lại một cách thiết thực, theo phương thức “hồi hương di sản”.

Từ sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu đồng nghiệp tại Hội An, qua đối chiếu bước đầu, chúng tôi nhận thấy bộ tài liệu làng Thanh Hà từ kho lưu trữ này có thể thiết thực bổ sung cho danh mục di sản Hán Nôm hiện có tại làng và trong trường hợp thực sự bị mai một, đây là cơ sở tái hiện chính xác, đầy đủ và tin cậy nhất. Nổi bật trong di sản Hán Nôm làng Thanh Hà là nhiều sắc phong thần Cá Ông (Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân, 4 sắc phong, từ thời Minh Mạng tới thời Tự Đức), thần Thành Hoàng (4 sắc phong, từ thời Minh Mạng tới thời Tự Đức), Đại Càn Nam Hải Tứ vị (4 sắc phong, từ thời Tự Đức đến thời Duy Tân), thần Bạch Mã (5 sắc phong, từ thời Minh Mạng đến thời Duy Tân), Tứ Dương Thành phủ quân (3 sắc phong, từ thời Tự Đức đến thời Duy Tân), cùng nhiều sắc phong thần Ngũ Hành tiên nương, thần Thủy Long, Quan thánh đế quân, Bà Chúa Ngọc.

Đặc biệt là sắc phong, chế phong triều Nguyễn ban tặng cho các ngài Nguyễn Viết Tường, Nguyễn Văn Tảo, ngài Võ Đình Chính, Nguyễn Văn Thắng, Bùi Phúc Chu, Bùi Văn Biều, Nguyễn Thị Giàu, Bùi Phúc Ứng, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Yến, Văn Thị Tần, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Hiển, Võ Văn Hòa.

Việc phiên âm dịch chú di sản Hán Nôm đồ sộ này sẽ góp phần giải mã, khẳng định nhiều giá trị lịch sử văn hóa về làng quê xứ Quảng. Trong trường hợp “hồi hương” di sản này trở về quê hương bản quán, sẽ kịp thời bổ sung, thiết thực phục hồi nhiều di sản văn hóa độc đáo đã bị mai một. Chúng tôi mong muốn công bố tên làng xã kèm danh mục tài liệu, xác định địa chỉ cụ thể trong địa giới hành chính xã huyện hiện nay để có thể cung cấp trở lại cho bà con nếu có nhu cầu, thì câu chuyện hồi hương di sản sẽ càng bội phần ý nghĩa.

 TRẦN ĐÌNH HẰNG


https://baoquangnam.vn/van-hoa/hoi-huong-di-san-quang-nam-86102.html


..






Thứ hai - 19/10/2020 09:28

Quảng Nam tỉnh tạp biên là nguồn tư liệu có giá trị để nghiên cứu lịch sử - văn hoá Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Bộ tài liệu gồm 15 tập, viết bằng chữ Hán, nội dung ghi chép về các đạo sắc phong từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định phong cho các thần và những quan viên có công ở các thôn, xã; Công văn, đơn từ, gia phả, câu đối, hoành phi ở các đình, chùa, nhà thờ tộc… các thôn, xã của các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tư liệu này đối với công tác nghiên cứu, phục hồi các giá trị lịch sử - văn hoá Hội An, hiện nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang triển khai sưu tầm, sao chụp 3.176 trang từ bản gốc bộ tư liệu hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội.

Những thông tin của bộ tư liệu này sau khi được xử lý, dịch thuật, Trung tâm sẽ chọn lựa để giới thiệu trong các ấn phẩm trong thời gian đến, đồng thời phục hồi lại các hoành phi, liễn đối tại các di tích…

Tác giả bài viết: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

https://hoianheritage.net/vi/news/Tin-tuc-su-kien/suu-tam-so-hoa-tu-lieu-quang-nam-tinh-tap-bien-tai-vien-nghien-cuu-han-nom-1149.html


..

15.06.2020


Di sản Hán Nôm là tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử - văn hóa của các dân tộc. Quảng Nam là một vùng đất còn lưu giữ được nhiều thư tịch Hán Nôm do cha ông xưa để lại. Riêng tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm những tư liệu viết về vùng đất Quảng Nam, có thể kể đến như: Hệ thống các sách chép bản đồ, địa lí, lịch sử có chép về Quảng Nam: Hồng Đức bản đồ 洪 德 版 圖; Nam Việt bản đồ 南 越 版 圖; Đại Nam bản đồ 大 南 版 圖; Đại Nam nhất thống chí  大 南 一 統 志; Đại dư chí 地輿志; Hoàng Việt địa dư chí 皇越地輿志;... 

Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編 Tư liệu quý về văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Nam - Lê Thị Hà

Về thơ văn có tuyển tập các bài thơ xướng họa của Minh Trọng Nguyễn Chí Đình (Nguyễn Văn Lí) và Chu Thần (Cao Bá Quát) khi cùng nhau đi chơi núi Ngũ Hành ở Quảng Nam (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) trong Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập 遊五行山唱和集; Hay Quảng Nam tỉnh phú 廣 南 省 賦  nội dung gồm bài phú về địa lí tỉnh Quảng Nam, sự tích thần Thiên Y A Na giáng sinh ở núi Đại An; sự tích 4 vị Thánh Nương Vương Tôn ở Nam Hải... Quảng Nam xã chí (06 quyển), được chép bằng 3 thứ chữ là: chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hán, được viết bằng bút sắt, mực tím hoặc mực xanh; bút lông mực Tàu trên giấy Tây, tổng hợp các bản điều tra năm 1943, 1944 theo 11 đề mục: bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, tượng và đồ thờ, lễ hội, cổ tích, địa đồ, công nghệ thổ sản của tỉnh Quảng Nam... Đây là nguồn tư liệu quan trọng để giúp các nhà nghiên cứu có thêm cái nhìn bao quát và toàn diện hơn về văn hóa và lịch sử vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.

1. Văn bản Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣  南  省  雜  編

Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣 南 省雜 編 là tập tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm do các viên chức trong xã biên tập vào khoảng các năm từ 1889 - 1945, tập hợp các đạo sắc thời Nguyễn của vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, phong cho các thần và những viên quan có công ở các thôn, xã thuộc các phủ Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, huyện Đại Lộc,... tỉnh Quảng Nam, cùng các công văn, đơn từ, gia phả, câu đối, hoành phi ở các đền chùa và tư gia thuộc tỉnh Quảng Nam;

Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣 南 省雜 編 gồm 15 quyển, hiện lưu trữ tại

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với các kí hiệu A.3116; A.3116a; A.3116b; A.3116c; với tổng số trên 3000 trang. Trong mỗi quyển, lại được đóng thành các tập nhỏ, đánh số theo kí hiệu No.1, 2, 3,..., mỗi kí hiệu tương ứng với một xã khác nhau, tổng số 79 xã, tương đương 79 tập. Kích thước, chữ viết, chất liệu giấy ở mỗi tập cũng có sự khác biệt, do được ghi chép bởi nhiều người, và ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Theo thống kê của chúng tôi, tổng số đơn vị tư liệu Hán Nôm trong Quảng Nam tỉnh tạp biên là 2.655 đơn vị tư liệu, trong đó Sắc phong chiếm số lượng lớn 1.542 đơn vị, hơn 58% tổng số đơn vị tư liệu Hán Nôm; Hoành phi câu đối: 838 đơn vị, chiếm 31% tổng số tư liệu Hán Nôm; các loại công văn, đơn từ khác: 275 đơn vị, chiếm 11%.

Trong đó ghi chép tư liệu của các địa phương như: phủ Điện Bàn bao gồm phố Hội An, tổng Thanh Châu, tổng Phú Triêm, tổng Hạ Nông, tổng Đa Hòa, tổng Thanh Quất, tổng An Nhân, tổng Định An; phủ Duy Xuyên, bao gồm: tổng Duy Đông, tổng Mậu Hòa, tổng Duy Bình, tổng Mỹ Khê, tổng An Lạc, Tổng An Lễ, tổng Phú Mỹ; huyện Đại Lộc, bao gồm: tổng Đại An, tổng Xuân Phú, huyện Quế Sơn, và các địa danh khác.

2. Các loại tư liệu được chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣  南省  雜  編

2.1 Sắc phong

Sắc phong (chữ Nho: 敕 封) hay sách phong (册 封) là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Văn kiện sắc phong thường làm bằng loại vải hay giấy đặc biệt.

Sắc phong là bộ phận tư liệu phong phú nhất được ghi chép lại trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣  南  省 雜 編, với tổng số 1.542 sắc phong, chiếm gần 58% tổng số tư liệu Hán Nôm tại đây. Tập trung nhiều nhất ở xã như: ở Lâm An Tứ Châu có 39 sắc phong;  xã Hương Quế, tổng Xuân Phú có 34 sắc phong; châu Hà Nhuận và xã Thanh Hà với 29 - 30 sắc phong, một số xã khác cũng có số lượng sắc phong nhiều như: xã Cổ Lưu 24 sắc phong; xã Cẩm Sa 23 sắc phong; xã An Phúc 24 sắc phong; xã An Lạc có 23 sắc phong;... 

Một trong những vị thần được sắc phong nhiều nhất ở Quảng Nam, đó là Thần Thiên Y A Na  hay còn được gọi là Bà mẹ xứ sở, bà Chúa Ngọc, người Chiêm Thành (người Chăm) gọi là Nữ thần Poh Nagar (hay Po Ino Nogar). Là vị nữ thần được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là những xứ sở có đồng bào Chăm sinh sống. Cư dân người Việt và cư dân đồng bào người Chăm đều có những sự tích về Bà, những sự tích này tuy có những chi tiết khác biệt nhưng tựu chung lại đều có những điểm giống nhau về chủ đề, cấu trúc, hình tượng và ý nghĩa, đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp văn hóa của hai dân tộc. Hình tượng Nữ thần Thiên Y A Na trong con mắt của những người dân nơi đây mang đậm dấu ấn của sự hoang đường nhưng lý thú. Thậm chí, sự tích về Bà đã được Phan Thanh Giản khi làm Kinh lược tả kỳ đã cho khắc sự tích này lên bia đá năm Tự Đức 9 (1856). Khắp các dải đất miền Trung, từ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... việc thờ Nữ thần Poh Nagar của người Chăm, dần đã được Việt hóa thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Thời nhà Nguyễn, các vua như Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định... đều có sắc phong phong tặng cho Bà, phong là “Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần”. Tại Quảng Nam, rất nhiều nơi đều ghi lại dấu tích thờ phụng nữ thần này. Theo khảo sát trong Quảng Nam tỉnh tạp biên, có khoảng trên 30% các xã có sắc phong thờ Bà. 

Ví dụ Sắc phong 21 ở quyển No7, kí hiệu A.3116a/4

Chữ Hán:

勅天依阿那演妃主玉尊神護國庇民顕有功德經有社民奉事奉我世祖高皇帝統一海宇慶被神人肆今光紹鴻圖緬念神庥宜隆顕號可加贈洪仁普濟靈應上等神仍準許延福縣花鋪社依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉。

明命七年九月十七日

Phiên âm:

Sắc Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần. Hộ quốc tí dân, hiện hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia tặng Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Diên Phúc huyện Hoa Bổ xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lên dân. Khâm tai.

Minh Mệnh thất niên cửu nguyệt thập thất nhật.

Tạm dịch:

Sắc cho Thần Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc Tôn thần. Có công giúp nước che chở cho dân, hiện rõ công đức, từng được nhân dân phụng thờ. [Thần] giúp cho Thái tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất bờ cõi lan truyền tốt đẹp đến khắp thần nhân. Nên nay vẻ vang nối tiếp cơ đồ to lớn của tổ tiên, xa nhớ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn hiển hách của thần, đáng được gia tặng Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho xã Hoa Bổ huyện Diên Phúc thờ phụng như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.

Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826)

 Ngoài Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na, thì một vị thần khác cũng được sắc phong và thờ phụng nhiều trong các đền thờ tại Quảng Nam đó là thần Bạch Mã. Thần Bạch Mã hoặc Thái Giám Bạch Mã thường được dân gian gọi là ông Thái Giám. Đây là vị thần giữ vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như trong hệ thống phong thần của các vương triều phong kiến Việt Nam. Trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編, sắc phong thần Thái Giám Bạch Mã có ở nhiều địa phương như ở châu Hà Nhuận, xã Nhân Bồi tổng Mỹ Khê, phủ Duy Xuyên; hay ở các xã An Mỹ, tổng Phú Xuyên; xã Để Cương thổng Thanh Châu; xã An Phúc, tổng An Lạc... 

Sắc phong Bạch Mã chi thần ở xã Để Cương, tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam  (A.3116a/4):

勅太監白馬之神護國庇民顕有功德經有社民奉事奉我世祖高皇帝統一海宇慶被神人肆今光紹鴻圖緬念神庥宜隆顕號可加贈利物之神仍準許[...]属底綱社依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉。

明命七年九月十七日

Phiên âm:

Sắc thái bàn Bạch Mã chi thần. Hộ quốc tí dân, hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia tặng Lợi vật chi thần. Nhưng chuẩn hứa [...] thuộc Để Cương xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lên dân. Khâm tai.

Minh Mệnh thập niên cửu nguyệt thập thất nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc phong cho thần Thái Giám Bạch Mã, có công giúp nước che chở cho dân, hiện rõ công đức, từng được nhân dân thờ phụng. [Thần] giúp cho Thái tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất bờ cõi lan truyền tốt đẹp đến khắp thần nhân. Nên nay vẻ vang nối tiếp cơ đồ to lớn của tổ tiên, xa nhớ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn hiển hách của thần, đáng được gia tặng Lợi vật chi thần. Chuẩn cho [...] thuộc xã Để Cương phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.

Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826)

Tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế quân vốn được cho rằng bắt nguồn từ những người Hoa trong phong trào “phản Thanh phục Minh” khi di dân sang nước ta. Song trải qua thời gian, tín ngưỡng này không chỉ còn là tín ngưỡng dành riêng cho cộng đồng riêng người Hoa nữa, mà sớm đã được hòa nhập vào tín ngưỡng thờ cúng chung của cộng đồng người Việt. Tại Quảng Nam, rất nhiều các di tích đền thờ đều có thờ Quan Thánh Đế quân, vị thần này cũng được các vua nhà Nguyễn phong cấp ban sắc cho nhiều lần.

Sắc phong thờ Quan Thánh Đế quân chép trong quyển No27, quyển A.3116a/3:

勅旨廣南省潍川縣馬洲上村從前奉事關聖帝君護國庇民顕有功德節蒙頒給勅旨準許奉事肆今丕膺耿命緬念神庥著赠翊保中興帝君仍準依舊奉事尙其佐運保民欽哉。

同慶二年柒月初一日

Phiên âm:  Sắc chỉ Quảng nam tỉnh Duy Xuyên huyện Mã Châu thượng thôn tòng tiền phụng sự Quan Thánh Đế quân. Hộ quốc tí dân, hiển hựu công đức, tiết mông ban cấp sắc chỉ, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ tặng Dực bảo Trung hưng Đế quân. Nhưng chuẩn y cựu phụng sự, thượng kỳ tá vận bảo dân. Khâm tai.

Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.

Tạm dịch: Sắc phong cho thôn Mã Châu thượng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trước nay đã thờ Quan Thánh Đế quân. [Thần] có công giúp nước che chở cho dân, hiện rõ công đức, từng được ban cấp sắc chỉ, chuẩn cho thờ phụng. Nay [ta] kế thừa vận lớn, xa nhớ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn hiển hách của thần, đáng được gia tặng Dực bảo Trung hưng Đế quân. Chuẩn cho phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.

Ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)

Sắc phong chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編 chủ yếu có niên đại vào thời Nguyễn, do các vua Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh... ban cho các vị thần được thờ trong các đình đền ở khu vực này, như Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na, thần Nam Hải, Thần Thái Giám Bạch Mã, Quan Thánh Đế quân. Thống kê ở mỗi xã đều có sắc phong, phổ biến từ 20 - 25 sắc/xã. Ngoài những sắc phong được sao chép đầy đủ nội dung, thông tin, niên đại, có một số sắc phong ở xã Cẩm Sa, xã Đông [Phiền], xã An Lưu, xã Cổ Lưu (đóng trong kí hiệu A.3116a/2) chỉ chép vắn tắt tên vị thần được sắc phong và niên đại.

2.2 Hoành phi câu đối

Trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編 tư liệu về Hoành phi câu đối không chép riêng theo từng di tích mà được chép chung, thường là phần trước chép hoành phi, sau chép câu đối, ở mỗi hoành phi câu đối thường được chép thêm thông tin về ngày tháng thực hiện và họ tên người cung tiến. Theo thống kê, số lượng hoành phi câu đối được chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編 vào khoảng 838 đơn vị tư liệu, khoảng 31% tổng số đơn vị tư liệu Hán Nôm ở đây. Nhiều nhất phải kể đến, xã Cẩm Phố 221 hoành phi câu đối; xã Thanh Hà, có 77 bộ hoành phi câu đối; xã La Qua có 36 bộ hoành phi câu đối; xã Mỹ Cựu 23 bộ; xã Sơn Phố 20 bộ... Hầu hết niên đại trên các bộ hoành phi câu đối đều vào thời Nguyễn.

Hoành phi câu đối xã Thanh Nam, tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (A.3116a/4).

[1]  清洲亭

龍飛丙申仲冬月

南甲本社仝造

Phiên âm:  Thanh Châu đình

Long Phi Bính Thân trọng đông nguyệt

Nam giáp bản xã đồng tạo

Tạm dịch: Đình Thanh Châu

Tháng 11 năm Long Phi Bính Thân

Giáp Nam bản xã cùng đóng góp xây dựng

Hoành Phi câu đối ở xã Tân Hợp, tổng Thanh Châu, chép trong quyển No5, kí hiệu A.3116a/4 

[5] 海藏寺 Hải Tạng tự - Chùa Hải Tạng

「10」廟貌等榮壯南天而安島璵

神通默佑奠滄海以濟舟航

Phiên âm:

Miếu mạo đẳng vinh, tráng nam thiên nhi an đảo dư

Thần thông mặc hựu, điện thương hải dĩ tế chu hàng

Dịch nghĩa:

Miếu mạo rạng ngời, đẹp đẽ trời Nam mà yên đảo ngọc

Thần thông ngầm giúp, yên biển xanh để cứu tàu thuyền

「11」資始資終乾坤合德

曰覆曰載天地同功

Phiên âm:

Tư thủy tư chung, càn khôn hợp đức

Nhật phúc nhật tải, thiên địa đồng công

Dịch nghĩa:

Vun đầu đến cuối, đức của càn khôn hòa hợp

Ngày che tháng chở, đều nhờ công của trời đất

2.3  Tư liệu Hán Nôm khác

Bên cạnh sắc phong và hoành phi câu đối là những tư liệu Hán Nôm chiếm đa số được chép trong Quảng Nam tỉnh tạp biên 廣南省雜編, thì số tư liệu Hán Nôm còn lại chiếm số lượng khá khiêm tốn, khoảng 275 đơn vị văn bản, gần 11% trong tổng số tư liệu Hán Nôm ở đây.

Tuy nhiên, dù số lượng ít, nhưng những tư liệu này lại có giá trị quan trọng phục vụ nghiên cứu về văn hóa và lịch sử địa phương. Có thể kể đến những tư liệu về các sắc dụ, chiếu chỉ, chế viết... do vua ban cho các nhân vật hoặc các dòng họ. Như chế viết của vua Tự Đức năm thứ 17 truy tặng cho Tam đội chính đội trưởng suất đội cố Trần Hữu Tuấn ở xã Duy Trung, tổng Mỹ Khê, được truy tặng Kiến công Đô úy tinh binh cai đội; chế viết của vua Minh Mạng về việc thăng chức cho Binh bộ Thanh lại ti chủ sự Phạm Văn Do ở xã Mã Châu Tây, phủ Duy Xuyên, là người tinh thông văn học, giỏi về khí tài, cho thăng thụ chức Đại phu Kiến an công phủ; chiếu chỉ vua ban thưởng cho Hoàng Tiến Ngoạn 黃進玩 xã An Lạc, tổng An Lạc vào các năm Tự Đức 10; Tự Đức 32; Tự Đức 27; bản sự tích về Tam vị thủy tướng được thờ ở miếu linh xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc; tờ khai thế thứ của họ Trương do tộc trưởng Trương Hàn chép; tờ thân kê khai về ruộng đất trong xã Ái Nghĩa, năm Thái Đức 8...

Gia phả họ Nguyễn ở xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, chép trong quyển No71 kí hiệu A.3116a/2

Chữ Hán: 成泰柒年歲次乙未十月二十六日愛義社嗣孙阮成功為謹追逺[。。。]族內前代既修壹本留後被親叔阮文思扶往嘉定省先人墳墓現在本貫实多仍不識何墓為何世代名稱只識始祖墓塟本社泡漫處坐庚向甲亦不識等稱,至兹設蘸拔度一筵不盡先知惟據自曾祖而謹修下。

Phiên âm: Thành Thái thất niên tuế thứ Ất Mùi thập nguyệt nhị thập lục nhật Ái Nghĩa xã tự tôn Nguyễn Thành Công vi cẩn truy viễn (...) chi tộc nội, tiền đại ký tu nhất bản lưu hậu bị thân thúc Nguyễn Văn Tư phù vãng Gia Định tỉnh. Tiên nhân phần mộ hiện tại bản quán thực đa bất thức, hà mộ vi hà thế đại danh xưng, chỉ thức thủy tổ mộ táng bản xã Bào Mạn xứ tọa Canh hướng Giáp, diệc bất thức đẳng xưng, chí tư thiết tiêu bạt độ nhất diên bất tận tiên tri, duy cứ tự Tằng tổ nhi cẩn tu hạ ...

Tạm dịch: Ngày 26 tháng 10 năm Thành Thái thứ 7... Cháu là Nguyễn Thành Công ở xã Ái Nghĩa cẩn trọng suy xét, truy viễn về cha ông đời xưa của dòng tộc. Trước đây trong tộc đã biên soạn một bản để lưu, nhưng sau chú Nguyễn Văn Tư đưa vào tỉnh Gia Định. Nên đến nay những việc của cha ông, phần mộ quả thực phần lớn đều không rõ, mộ nào, của đời nào, chỉ biết mộ cụ Thủy tổ được táng tại xứ Bào Mạn, đầu gối hướng Tây chân đạp hướng Đông, cũng không rõ gọi thế nào, vậy nên nay làm một cỗ bàn bạt độ, không biết đến từ lúc đầu, duy cứ từ cụ Tằng tổ mà cẩn trọng soạn về sau...

Tiểu kết

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, Quảng Nam với ý nghĩa là vùng đất rộng lớn ở phía Nam, là điểm giao lưu giữa các nền văn hóa Việt - Chăm, Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản,... Những nét văn hóa của Quảng Nam là sự kết hợp hài hòa của tín ngưỡng dân gian bản địa và văn hóa của các dân tộc nhập cư. Các nghi lễ thờ cúng, kiến trúc hay các tập tục sinh hoạt của người dân nơi đây đều thể hiện sự hài hòa, hòa hợp của một nền văn hóa cộng đồng cởi mở, thân thiện.

Nghiên cứu Quảng Nam tỉnh tạp biên giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về bức tranh văn hóa, lịch sử của Quảng Nam từ những năm đầu thế kỷ 19, qua những dấu tích về các đền chùa, miếu mạo đến những tín ngưỡng thờ thần linh ở vùng đất này; từ truyền thống hiếu học của con người nơi đây đến tấm lòng trung nghĩa với non sông đất nước... Đấy đều làm nên nét đẹp của con người Quảng Nam.

L.T.H
(Non Nước số 268)

https://vannghedanang.org.vn/quang-nam-tinh-tap-bien-tu-lieu-quy-ve-van-hoa-lich-su-vung-dat-quang-nam-le-thi-ha-3425.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.