Đầu tuần sau sẽ có hội thảo khoa học và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ, tại chính Phủ Giầy Sài Gòn.
Đại khái chương trình như sau:
Các thông tin cập nhật và bổ sung sẽ được dán dần lên ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 8 năm 2022,
Giao Blog
---
Ảnh do bạn Bốn gửi tặng
CẬP NHẬT
4.
Hội thảo khoa học: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay.
bởi quản trị viên | Ngày đăng: 17-08-2022
VHSO - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương. Tỉnh Nam Định là địa phương có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, và còn rất nhiều đền, phủ lớn khác ở các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một góc Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Sau 5 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; Sức lan tỏa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; Hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; Chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống,…Tất cả những hạn chế, bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Chủ tọa điều hành Hội thảo chiều ngày 15/8.
Để nhìn lại những kết quả đạt được sau 5 năm Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh và tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 02 ngày 15 và 16/08/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh và Thực hành Nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, số 23, đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; GS.TS. Từ Thị Loan - Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS. Trịnh Đăng Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS. Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo chiều ngày 16/8.
Trong 02 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu, khách mời đã tập trung thảo luận về các nội dung như: Đánh giá công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; Nghiên cứu đánh giá các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng; Tổng kết các bài học kinh nghiệm, mô hình bảo tồn; mô hình hoạt động sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; giáo dục di sản tại các cơ sở công lập và địa điểm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các địa phương trong cả nước; Làm rõ vai trò của các cá nhân, cộng đồng trong hoạt động đóng góp, gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Nghiên cứu làm rõ thực trạng hoạt động quảng bá về giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong và ngoài nước; Nghiên cứu đánh giá cơ chế, chính sách quản lý di sản nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hóa di sản văn hóa và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
BTC chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu khách mời tham dự Hội thảo.
Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” nhằm nghiên cứu, đánh giá những thành tựu đạt được, những cơ hội, thách thức, mặt hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế bất cập để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình UNESCO với một số nội dung như: Đánh giá sức sống của di sản và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản; Những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản./.
Tin và ảnh: Hoàng Hải.
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
https://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-trong-boi-canh-hien-nay.html
https://www.hcmuc.edu.vn/hoi-thao-khoa-hoc-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-trong-boi-canh-hien-nay.html
Thực hành nghi lễ hầu đồng – Nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
bởi quản trị viên | Ngày đăng: 15-08-2022
VHSO - Trong khuôn khổ hoạt động của Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong 02 ngày 15 và 16/8/2022. Sáng ngày 15/8/2022, tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, số 23, đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra một số thực hành nghi lễ hầu đồng với những sắc màu khác nhau do các nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng, đạo quan, thủ nhang, đồng đền, đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện.
DƯỚI ĐÂY LÀ MỘ SỐ HÌNH ẢNH GHI NHẬN ĐƯỢC
TẠI ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH MẪU PHỦ DẦY PHỐI THỜ HAI BÀ TRƯNG SÁNG NGÀY 15/8
PGS.TS. Phạm Lan Oanh - Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi thực hành nghi lễ hầu đồng sáng ngày 15/8.
Đông đảo đại biểu khách mời, cùng các nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng, đạo quan, thủ nhang, đồng đền, từ ba miền Bắc, Trung, Nam tham dự tại buổi thực hành nghi lễ hầu đồng.
Thực hiện nghi thức hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, số 23, đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Tin và ảnh: Hoàng Hải.
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
https://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/thuc-hanh-nghi-le-hau-dong-net-dac-trung-trong-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet.html
https://www.hcmuc.edu.vn/thuc-hanh-nghi-le-hau-dong-net-dac-trung-trong-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet.html
3.
Giữ giá trị nguyên bản của di sản văn hóa thế giới
SGGP Thứ Tư, 17/8/2022 05:49Thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng (quận Bình Thạnh) vào sáng 15-8
Gọi đúng tên di sản
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng nhiều điều đặc sắc, tích hợp, kế thừa và chắt lọc những tinh túy của các di sản khác vào các thực hành nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn… Với một quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phản ánh đời sống tinh thần, tôn vinh giá trị phụ nữ Việt Nam trong xã hội với sự khéo léo, cần mẫn.
Nhịp sống đương đại, cùng sự bùng phát tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở nhiều nơi, khiến giá trị di sản này có sai lệch so với giá trị nguyên bản tốt đẹp. Tại Hội thảo Khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay”, vấn đề tên gọi di sản văn hóa phi vật thể này được các đại biểu chú trọng. Cụ thể, đầu năm 2016, Ban Thư ký UNESCO có công văn đề nghị Việt Nam đổi tên di sản là “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) phân tích: “Cần hiểu đúng di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng.
Tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, đồng thời cũng hiểu cho đúng, không phải UNESCO công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà là ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Tên gọi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hay Tứ phủ cũng được Th.S Trần Quang Dũng (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long) đặt ra: “Điều rất quan trọng trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản, đó là việc định danh di sản, chúng tôi đề nghị để giới hạn phạm vi và phản ánh thực chất thì tên gọi của di sản phải là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt”, bởi Tam phủ mới chỉ là thành tố của tín ngưỡng thờ Mẫu mà cha ông ta để lại”.
Trả lại không gian thiêng
Trong bối cảnh hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng có những biến tướng không phù hợp với giá trị nguyên bản tốt đẹp. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao...
GS-TS Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) bày tỏ: “Trong sự bùng phát hiện nay, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ đồng thầy, thanh đồng không được khắt khe, chặt chẽ. Trước đây, thông thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy.
Hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là đồng thầy, hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa sắc phong mình là đồng thầy. Một số con nhang đệ tử, “đồng đua”, “đồng đứ” gia đình lục đục, hao tiền tốn của vì chạy theo trào lưu trình đồng mở phủ”.
Thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng. “Cho đến nay, trong quan điểm về việc đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu vẫn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau.
Một là ủng hộ, cho rằng đó là hình thức quảng bá hữu hiệu để đưa hình ảnh di sản đến gần với người dân trong và ngoài nước. Hai là phản đối, vì như vậy là trần tục hóa nghi lễ, làm giảm đi tính thiêng, không phù hợp với bản chất của di sản, làm biến dạng di sản. Cần lưu ý là đứng từ quan điểm bảo tồn di sản văn hóa theo hồ sơ trình UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam thì việc hầu đồng phải được thực hiện với tư cách là một thực hành tín ngưỡng”, GS-TS Từ Thị Loan phân tích.
Giữ gìn và phát huy giá trị di sản vốn là hai việc song hành, nhưng để phát huy được giá trị tốt đẹp cần hiểu đủ và đúng về giá trị di sản. Đó là giá trị văn hóa của tín ngưỡng mà UNESCO ghi nhận, chứ không phải giá trị là ở sự linh thiêng, yếu tố tâm linh hay việc cầu cúng.
Bộ VH-TT-DL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp Trường Đại học Văn hóa TPHCM, tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” trong hai ngày 15 và 16-8. Hội thảo góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình UNESCO đánh giá sức sống và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là vai trò tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản. |
https://www.sggp.org.vn/giu-gia-tri-nguyen-ban-cua-di-san-van-hoa-the-gioi-835056.html
2.
VHO- Trong hai ngày 15-16.8, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” tại TP.HCM, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, cộng đồng thực hành tín ngưỡng này.
Hội thảo tổ chức tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong hai ngày 15-16.8
“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” được UNESCO ghi danh năm 2016, và hội thảo nhằm nhìn lại những kết quả đạt được sau 5 năm UNESCO công nhận; góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình UNESCO đánh giá sức sống và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là vai trò tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.
Các thực hành diễn ra sôi động
Theo các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, sau 5 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; sức lan tỏa của di sản này cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa này còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống... Tất cả những hạn chế, bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, từ khi được UNESCO ghi danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được tự do phát triển, thậm chí có dấu hiệu “bùng nổ”, thể hiện sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ các thanh đồng. Ngoài các đền, phủ chuyên về thờ Mẫu, nhiều ngôi chùa trước đây thuần túy thờ Phật, một số đền chuyên thờ Thánh thần, một số đình vốn chỉ thờ Thành hoàng đã mở thêm không gian thờ Mẫu hoặc các ban thờ Đức Thánh Trần. Cùng với đó, các thực hành nghi lễ thờ cúng và hầu đồng diễn ra sôi động. Một đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu là bất cứ thanh đồng nào cũng có thể mở điện thờ riêng tại gia. Hiện nay số lượng điện thờ tư gia trong cả nước là vô cùng lớn, khó có thể đưa ra con số chính xác. Song hành với điều đó là số lượng các đồng thầy, đồng đền, đồng điện, thủ nhang cũng tăng lên không ngừng…
Tổ chức UNESCO đánh giá di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” như hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương, phục hồi các lễ hội truyền thống, tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức, tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.
Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ...
Một số thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy phối thờ Hai Bà Trưng, tại TP.HCM trong khuôn khổ hội thảo
Xuất hiện sân khấu hóa hầu đồng, trần tục hóa nghi lễ
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi được UNESCO ghi danh, bên cạnh các kết quả khả quan, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng gặp không ít khó khăn. Đây không phải là một di sản văn hóa phi vật thể thông thường, nó còn gắn với tín ngưỡng, tâm linh, với những yếu tố nhạy cảm mà dư luận thường cho là “mê tín dị đoan”, “buôn thần bán thánh” như nhập hồn, phán truyền, đốt vàng mã… Do đó, làm thế nào để vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu tâm linh chính đáng của người dân, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của nó để phục vụ đời sống là một bài toán khó.
“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương. Tỉnh Nam Định là địa phương có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, và còn rất nhiều đền, phủ lớn khác ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và TP.HCM thờ phụng Thánh Mẫu. Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành ban hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện thờ Mẫu.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định cho biết, sau khi được UNESCO ghi danh, nhiều cơ quan đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng, chủ thể của di sản tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. “Không thể phủ nhận các hoạt động đó đã huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nên không hiểu đầy đủ về di sản và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục không cao. Có đơn vị còn đứng ra tổ chức “liên hoan hầu đồng”, thi trình diễn trang phục hầu đồng do các thanh đồng thực hiện hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho các tổ chức, cá nhân tham dự hầu đồng không đúng thẩm quyền và quy định. Đáng trách là có những hoạt động tổ chức cho các ông, bà đồng thực hành nghi lễ Chầu văn, hầu đồng diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng làm mất đi tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng…”, ông Thư cho cho biết.
“Trong thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng, mà còn có sự tham gia, lạm dụng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đứng trước thực trạng đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa rất lo lắng về tình trạng biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản”, GS Từ Thị Loan cảnh báo. Chuyên gia này nói thêm rằng, một số thanh đồng do đặt nặng yếu tố thị trường đã tranh thủ “núp bóng di sản” để trục lợi, kiếm tiền, phát triển các dịch vụ tâm linh, “chặt chém” con nhang đệ tử…
Không thể phủ nhận các hoạt động thời gian qua đã huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nên không hiểu đầy đủ về di sản và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục không cao. Đáng trách là có những hoạt động tổ chức cho các ông, bà đồng thực hành nghi lễ Chầu văn, hầu đồng diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng làm mất đi tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng… (Ông NGUYỄN VĂN THƯ, Chủ tịch Hội Bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định) |
Trong thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ không chỉ xuất phát từ những hành động phô trương, trục lợi của các thanh đồng, mà còn có sự tham gia, lạm dụng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đứng trước thực trạng đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa rất lo lắng về tình trạng biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản. (GS.TS TỪ THỊ LOAN) |
THÙY TRANG; ảnh: HOÀNG LINH
http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/55453/nhin160lai1605-nam160thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet%E2%80%9D-vui-mung-xen-lan-noi-lo
1.
Thứ ba, 16/08/2022 17:41 (GMT+7)
Hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá những thành tựu đạt được, những cơ hội, thách thức, mặt hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế bất cập để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với một số nội dung như: đánh giá sức sống của di sản và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản; những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản: sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: BTC) |
Theo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện Thờ Mẫu.
Tổ chức UNESCO đánh giá di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. (Ảnh: BTC) |
Tổ chức UNESCO đánh giá di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ…
Sau 6 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; sức lan tỏa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa trên đây còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống… Tất cả những hạn chế, bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đánh giá các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Tổng kết các bài học kinh nghiệm, mô hình bảo tồn; mô hình hoạt động sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; giáo dục di sản tại các cơ sở công lập và địa điểm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, các tham luận tại hội thảo cũng làm rõ vai trò của các cá nhân, cộng đồng trong hoạt động đóng góp, gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực trạng hoạt động quảng bá về giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong và ngoài nước; nghiên cứu đánh giá cơ chế, chính sách quản lý di sản nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hóa di sản văn hóa và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư./.
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-617561.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.